Ngày xuân nói chuyện con người

12:07 SA @ Thứ Bảy - 17 Tháng Giêng, 2009

Ngày xưa khi Digogène cầm đèn đi giữa ban ngày, đáp câu hỏi: "Ngài đi đâu đấy?" bằng câu: "Đi tìm một người”, hẳn nhà hiền triết thời cổ đã muốn đòi hỏi nhân tính như một biểu hiện thanh cao của một bản chất lý tưởng, khác xa với sự tầm thường ti tiện phổ biến trong những hạng người gọi là quý phái đương thời.

Ở tập cổ tích của Campuchia, dễ tìm thấy trong các tiệm sách "xôn" dọc các hè phố ngày nào, có một câu chuyện lý thú, kể một anh chàng nhìn quanh thấy ai cũng có nhiều sự thô bỉ, xấu xa, gần với loài vật hơn là loài người, bèn quyết tâm tìm cho được một người. Đợi ngày hội lớn tập trung đông đảo, anh ta cải trang làm người nghèo khổ ngồi dưới gầm cầu câu cá. Bao nhiêu là người chỉ mãi nghĩ đến cuộc vui ngày hội hoặc chỉ bận tâm về sự trưng diện của mình, thản nhiên đi qua. Cuối cùng một công chúa đến, nhìn xuống dưới cầu và chùn bước lại. Nàng bảo: "Ta không thể nào bước trên đầu người". Cận thần bèn tâu: "Nó chỉ là đứa nghèo hèn, công nương chớ quá bận tâm". Và công chúa đáp: "Dù có nghèo hèn, kẻ đó cũng biết vui buồn, cũng có giá trị của họ. Hãy bảo người ấy chèo khỏi nơi ấy, ta mới dám bước qua cầu”. Chàng đi câu nọ, nghe thế, nhủ thầm: "Đó là một người"?...

Người ta vẫn lưu ý rằng tiếng gọi con người là sự kết hợp giữa hai yếu tố, đó là tiếng con - chỉ loài động vật với những phản ứng bản năng - cùng với tiếng người chỉ những đòi hỏi vươn cao. Hình ảnh nhân sư khổng lồ, dựng lên ở giữa sa mạc Ai Cập với cái đầu người và mình sư tử, hẳn là biểu tượng rõ nhất cho cuộc chiến đấu gian nan để con người được hình thành: dù đã cố ngoi đầu lên với những sắc diện là người, nhân loại vẫn còn bị lôi kéo lại bởi những thú tính thấp hèn là cái thân xác súc vật nặng nề kéo dài ở trên mặt đất. Và chỉ khi nào con người thực sự cất nổi mình lên, rũ bỏ được sự chi phối của cái thân xác bốn cẳng để đứng vững vàng trên cái tư thế hai chân, con người mới thực sự người, để tiến đến một giai đoạn cao hơn của sự thăng hoa nhân loại.

Cổ ngôn Đông phương: "Người không mười phần hoàn toàn" (nhân vô thập toàn) xác nhận sự chưa hoàn thiện của người để khích lệ người trên đường cải thiện. Chính sức cố gắng ấy là dấu hiệu riêng biệt của người, là cái vinh quang của người. Nó là món quà của lý trí, và lý trí là kết quả của sinh hoạt xã hội.

Khi Nã Phá Luân tiếp Goethe, nhà vua giới thiệu bậc thi hào này với đám triều thần của mình bằng một câu nói đơn giản: “Đây là một người!”. Nã Phá Luân không lưu ý tới những tước vị lớn lao mà Goethe đã được triều đình nước Đức ban cho, hay những danh vọng mà Goethe đã được người đời xưng tụng. Nhà vua chỉ quan tâm tới tính cách là người nơi nhà thơ lớn để gián tiếp tỏ lòng khâm phục qua lời khen tặng thâm trầm.

Suốt cuộc đời mình, Goethe đã chiến đấu không ngừng để mở rộng sự hiểu biết và câu nói cuối cùng của ông trước khi nhắm mắt: "Hãy cho thêm ánh sáng" đã thành châm ngôn bất hủ: hãy thêm ánh sáng cho căn phòng nhỏ bóng tối âm u, hãy thêm ánh sáng cho những tâm hồn còn ham hiểu biết, hãy thêm ánh sáng cho những kiếp sống còn muốn vươn lên. Qua câu nói khác rất được truyền tụng: "Tôi là một người, nghĩa là một chiến sĩ”, Goethe đã xác định thêm rõ cái nội dung người: đó là mọi sự nỗ lực vượt qua trở ngại, một sự khao khát đi tới không ngừng để thoát khỏi những xiềng xích nô lệ và những thấp hèn.

Tùy theo sức chiến đấu ấy mà giá trị người mới được xác định, bởi lẽ có những chiến đấu thất bại và những chiến đấu thành công. Thể hiện được sức lớn lao của sự thành công hay nỗi xót xa của sự thất bại, ít nhiều cũng đã thể hiện được tính cách người trên nhận thức ấy. Con người đói khổ bênh vực được đồng loại mình một cách gian nan ở trong tác phẩm "Những kẻ khốn nạn" đã làm vẻ vang Victor Hugo, cũng như con người tu hành sa ngã thảm thương tự kết liễu mình trong tác phẩm "Mưa" đã đưa Somerset Maugham lên đài danh vọng.

Nếu muốn nói đến giá trị nhân bản, ít nhất cũng phải nói đến mặt nào của chiến đấu ấy, bởi lẽ từ chối điều ấy là từ chối hẳn cái vai trò người.

Thế mà hiện nay còn những tác phẩm mô tả thú tính, phát huy thú tính một cách hào hứng và tự đề cao là đã nói được “tính người". Họ không mô tả con người cố gắng, con người trong sạch, con người chiến thắng bản năng, có lẽ theo họ thì chẳng có con người nào là đáng ca ngợi và ngay cả bản thân họ cũng chẳng có gì là đáng tự hào. Điều này từ lâu đã khiến một nhà phê bình là Aurélien Scholl miệt thị như sau: "Đã có một thời loài thú biết nói.

Ngày nay thì chúng biết viết" (II fut un temps où les bêtes parlaient. Maintenant, elles écrivent). Nhưng nếu không thể nói về cái tốt thì khi nói về cái xấu, lẽ ra họ cũng gợi lên cho ta ít nhiều ghê tởm về sự thấp hèn, ít nhiều tủi nhục về sự đầu hàng, và sự chua xót về sự thất bại. Làm cho ta ghét bỏ những biểu hiện thuần túy thú tính, là đã gián tiếp đề cao nhân tính, gián tiếp khuyến khích chúng ta cố gắng làm người. Đã chẳng giúp đỡ chúng ta, họ còn lợi dụng hoàn cảnh mà lý trí đã mệt mỏi để tìm mọi cách khêu gợi bản năng, chú tâm khai thác cái phần dã thú đang còn giằng co ở trong mỗi người để mà tiếp sức cho cái phần ấy mạnh mẽ hơn lên.

Họ tả những người tội lỗi kiêu hãnh, những người hư hỏng tự hào, những cảnh đồi bại trâng tráo và cùng xưng tụng với nhau là tác phẩm họ rất "người", là nói lên được "giá trị nhân bản”. Nhưng trong cái "người" của họ, chúng ta chỉ thấy loạng choạng bốn cẳng chứ không tìm thấy vững vàng hai chân. Và cái giá trị mạo nhận là nhân bản ấy chỉ có tính cách thú bản, vật bản mà thôi.

Con đường phát triển nhân loại từ trước đến nay là một quá trình nhân hóa và cho khi nào con người hoàn thiện được mình mới đạt đến một sức mạnh vạn năng. Cổ sử có pha thần thoại Hy Lạp thuật chuyện những bầy yêu quái hiện lên các ngã ba đường đón hỏi mọi người: "Vật gì hồi nhỏ đi bằng bốn chân, về già đi bằng ba chân?" và hễ ai nói không được thì bị sát hại. Cuối cùng Oedipe xuất hiện và khi chàng dõng dạc trả lời "Đó là con người" thì bầy yêu quái xấu hổ nhảy hết xuống biển. Oedipe đã giải đáp được câu đố bí hiểm từ xưa đặt ra cho cả nhân loại và nắm cái chìa khóa ấy, chìa khóa con người, cứu nguy được xã hội mình. Con người, vì thế, là một sức mạnh chiến thắng mọi loài ma quái.

Và đã là người, chúng ta hãy vì con người tiếp tục bằng mọi phương cách phát huy cái sức mạnh ấy.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ý nghĩa của sự đau khổ

    23/11/2017Tagore, R.… Chúng ta đang trên con đường chiến thắng bệnh tật, chết chóc, đau khổ và nghèo đói; nhờ kiến thức khoa học, ta luôn luôn tiến bước về sự thực hiện cái phổ quát trên phương diện vật lý của nó.
  • Tinh thần bất ổn

    13/07/2017Phạm QuỳnhKhông thể chối cãi được rằng đất nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng, có thể là khủng hoảng tăng trưởng, cách gì thì cũng là một khủng hoảng khá sâu sắc, và nhiều người không nghi ngờ gì mức độ nghiêm trọng của nó.
  • "Cái tôi" của người Việt Nam qua một giai đoạn phát triển

    08/06/2016Những nghiên cứu về “cái tôi”, “tôi - không tôi”, “tôi - chúng ta”, “tôi - tôi”, cũng như tính cộng đồng và tính cá nhân đã được tiến hành trong lĩnh vực tâm lý học, nhưng đây mới chỉ là bước đi đầu tiên. Bằng phương pháp phân tích các cứ liệu ngôn ngữ(*), tác giả đã chỉ ra “cái tôi” - sự tự ý thức của mình trong quan hệ với người xung quanh. Qua đó, chúng ta cũng hiểu thêm về nhân cách người Việt...
  • Không thể như thế này mãi được!

    27/07/2007Dương Trung QuốcCùng với thời gian người chết sẽ ngày càng đông hơn người sống, bởi lẽ đơn giản là người sống nào rồi cũng chết, nhưng chẳng người chết nào sống lại bao giờ...
  • Nghiên cứu con người Việt Nam trước yêu cầu phát triển đất nước

    18/10/2005Hồ Sĩ QuýĐặt trong tương quan với những hiểu biết về các đối tượng khác, nhất là, đặt trong tương quan với những nhu cầu của sự phát triển đất nước, của sự phát triển bản thân con người trước thách thức của thế kỷ XXI, thì nhiệm vụ này thực ra là mới mẻ, cấp bách, và nói thật chính xác thì vấn đề con người trong xã hội hiện đại khác khá xa với vấn đề con người mà nhận thức truyền thống đã từng lý giải. Đây là điều cần lưu ý khi tiến hành những nghiên cứu về con người, đặc biệt là nghiên cứu lý luận...
  • Cuộc phỏng vấn thú vị về tuổi tác và trí tuệ

    21/07/2005Trần Hồng (theo Newsweek)Tiến sĩ Robert Betles, người Mỹ, từng là Giám đốc Viện quốc gia về những vấn đề lão hóa đã trả lời phỏng vấn của tờ Newsweek tại cuộc hội thảo quy mô quốc tế mới đây về vấn đề: "Lão hóa và người cao tuổi trong thế kỷ XXI". Chúng tôi xin trích dịch một phần nội dung trả lời của tiến sĩ để bạn đọc tham khảo...
  • Tiếp cận tính toàn vẹn về con người và thế giới con người

    19/07/2005Đỗ HuyCon người và thế giới con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều nghành khoa học khác nhau, như tâm lý học, xã hội học, lịch sử, văn hoá học…Song, theo chúng tôi, chỉ có triết học và triết học Mácxít chư không phải triết học Cantơ, Hêgen, Phoiơbắc hay những trào lưu triết học sau này như chủ nghĩa Tômát mới, chủ nghĩa hiện sinh mới có cách giải quyết đúng đắn vấn đề này. Làm được điều này, các nhà triết học Mácxít đã dựa trên quan điểm thực tiễn vật chất - tinh thần, trong đó, tâm điểm của nó là lao động của con người.
  • xem toàn bộ