Ngày xuân nói chuyện thư pháp

10:10 CH @ Thứ Sáu - 23 Tháng Giêng, 2009

Thư pháp là nghệ thuật viết chữ Hán bằng bút lông trên giấy, lụa, có bố cục đẹp với những nét chữ như tranh vẽ: Trước kia viết chữ là minh họa cho bức tranh, sau này là bức họa toàn thằng chữ. Đây là một nghệ thuật nổi tiếng của Trung Quốc và nhiều nước phương Đông, được gọi là nghệ thuật Thư pháp.

Nước ta cũng có nhiều nhà thư họa nổi tiếng trong lịch sử như Lê Thánh Tông, Tự Đức, Chu Nguyên Hạo, Nguyễn Nghiễm, Trịnh Sâm, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát... Những hình thức thư pháp xưa vẫn còn lại khá nhiều trên các chuông chùa, văn bia, hoành phi, đại tự, câu đối, sắc phong và các danh lam thắng cảnh. Nhiều nhất vẫn là bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ngày nay, tuy chữ Hán ít được dùng, nhưng các nhà Thư pháp Việt Nam vẫn còn tiếp nối truyền thống ông cha. Không những có thư pháp Hán tự mà còn phát triển cả thể loại thư pháp chữ Việt. Song, những bức họa chữ Hán vẫn là một niềm đam mê và rất đáng trân trọng trong nhân gian. Câu lạc bộ Thư pháp của Hiệp hội làng nghề Việt Nam còn cùng với các doanh nghiệp sáng tác các tác phẩm thư họa trên chất liệu đồng, sứ... hiện đại, để vinh danh nghệ thuật này.

Người Trung Quốc lưu truyền một câu chuyện rằng: Nhà thư họa Vương Hy Chi thời Tấn nổi tiếng văn hay chữ tốt, ông cứ viết chữ nào treo lên là hôm sau mất ngay chữ ấy.

Một hôm, để chuẩn bị đón năm mới, ông nghĩ ra một cách, viết câu đối họa theo câu thành ngữ: "Họa vô đơn chí-phúc bất trùng lai" - (Họa theo nhau mà đến-phúc không bao giờ lặp lại) ông viết mỗi bốn chữ: "Phúc vô song chí-họa bất đơn hành " (Phúc không đến hai lần-họa không đi đơn lẻ). Mọi người đều cho rằng, ông ngớ ngẩn. Ngày Tết ai lại treo câu đối như thế, đó là điều gở. Sáng hôm sau, Mùng một Tết ông thấy còn nguyên, không ai lấy cả. Khi ấy ông mới viết tiếp cho trọn từng câu của vế đối như sau: "Phúc vô song chí kim triêu chí-họa bất đơn hành tạc dạ hành", nghĩa là: Phúc không đến hai lần hôm nay đến-họa chẳng đi đơn lẻ đêm qua đi. Không ngờ câu đối này của ông trở nên nổi tiếng và người ta săn tìm muốn có bằng được. Nghệ thuật thư pháp Trung Hoa cũng nổi tiếng từ đó.

Trong số các nhà thư họa hiện đại ở Hà thành hiện nay, phải kể đến các cụ Lê Xuân Hoà (mới mất năm 2008), Nguyễn Văn Bách, Thế Anh, Trần Lê Văn, Cung Khắc Lược, cố thượng tọa Thích Thanh Khoát... Cụ cố đồ Lê Xuân Hòa là người muốn phiêu diêu thoát tục với câu chữ. "Giữ gìn trong dạ câu tình nghĩa- Gác bỏ ngoài tai chuyện đảo điên". Tên thật của cụ là Lê Duy Mạnh, quê ở Hoàng Hóa, Thanh Hóa, trong gia đình nho giáo, được cha là cụ Tú kép Lê Duy Bá dạy chữ nho từ bé. Sau khi tham gia kháng chiến trở về, cụ Hòa trở lại với chữ thánh hiền, tổ chức các lớp học chữ Hán và bắt đầu triển lãm thư pháp từ năm 1973. Đến nay học trò của cụ đã có nhiều người tiếp nối truyền thống này viết chữ trong Văn Miếu, được Sở Văn hóa thông tin Hà Nội chọn vào lứa 28 ngôi sao trẻ về thư pháp. Cụ Bách với dòng chữ: "Chỉ thượng ngưng thần"- Cái thần đọng trên trang giấy- như có thần bút. Ông học chữ Hán từ năm lên 6 tuổi trong gia đình do ông và cha truyền dạy. 13 tuổi đã cùng cha đi viết câu đối thuê.

Chữ cụ Bách đẹp, bay bướm, năm 2005 cụ được đặc biệt đề nghị viết đôi câu đối trên vải lụa có chiều cao hơn 10 mét rộng hơn một mét để khai trương triển lãm Hội chợ Xuân. Ông có tác phẩm thư họa "Chiếu dời đô " viết trên giấ sắc mới được phục hồi của nghệ nhân làng Cót. Tác phẩm thư pháp bản tuyên ngôn: "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt cụ viết trên lụa đã được tặng Thủ tướng Nhật Bản. Trong Văn Miếu có nhiều câu đối và chữ viết là bút tích của cụ. Trong nhóm thư pháp Hà Nội hiện nay, Tiến sĩ Cung Khắc Lược được coi là nhà thư pháp chữ Nôm nổi hơn cả. Ông có rất nhiều bức tranh chữ Nôm, chữ Hán viết thảo được trưng bày ở các cuộc hội chợ triển lãm làng nghề tại Giảng Võ. Cụ Thế Anh với chữ "Nhẫn" nổi tiếng. "Nhẫn đắc thời chi khí/ Miễn bách nhật chi ưu/ Dục hòa thượng hạ nhẫn tự vi tiên"- (Nhẫn nhịn được cái tức một lúc, tránh được mối lo trăm ngày. Muốn hòa thuận trên dưới nhẫn nhịn đứng hàng đầu).

Năm nay cũng như mọi năm, chuẩn bị cho báo Tết chúng tôi đến thăm và nhờ ông viết cho một chữ theo ý đồ của ban lãnh đạo để đăng báo. Những năm trước khi thì chữ Nhẫn, khi thì chữ Đức, chữ Lễ, chữ Liêm, chữ Hòa, chữ Dũng, chữ An.. và giờ là chữ "Phúc". Cụ Thế Anh là giảng viên trường Đại học Ngoại thương đã về hưu, một trong 6 nhà thư pháp đầu tiên trong nhóm Lê Xuân Hòa và Lại Cao Nguyên tổ chức viết chữ Hán vào dịp Tết cổ truyền tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ông đã xuất bản hai tập sách nghiên cứu, khảo đính về Truyện Kiều. Trong căn nhà tầng 1 có vườn nhỏ, có phòng viết riêng, trên tường treo những bức tranh chữ của các bạn túc nho và khách văn chương. Ông đưa cho chúng tôi xem những tập bản thảo về chữ Hán đã viết và những bức tranh chữ đang được mọi người hâm mộ.

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho học tại Thanh Chương, Nghệ An, cụ đồ Nguyễn Thế Khang là cha và thầy dạy ông chữ Hán từ bé. Nhưng, sau khi đi bộ đội, ông được chọn vào học lớp tiếng Nga đầu tiên của Việt Nam tại trường Bách Khoa năm 1956, sau đó làm giảng viên trường Đại học Ngoại thương. Về hưu ông trở lại với niềm đam mê nghiên cứu Hán Nôm và nghệ thuật thư họa. Đã 83 tuổi ông vẫn hăng hái tham gia câu lạc bộ thư pháp Hà Nội, các cuộc triển lãm thư pháp vào dịp Tết. Đặc biệt là trong nhóm "Văn hoa nhã quán" cùng bạn cố nhân Tú Sót Nguyễn Văn Thành và học trò viết chữ Hán ở phố Bà Triệu. Ông viết xong chữ "Phúc" màu mực tàu còn tươi rói, nói với chúng tôi: Trong tiếng Hán có nhiều chữ "Phúc" viết các thể khác nhau. Ngày Tết người ta thường treo chữ "Phúc" để cầu mong trong năm gặp nhiều điều may mắn, vui vẻ, tốt lành. Có chữ câu "Ngũ Phúc lâm môn" là cầu mọi sự an khang thịnh vương, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Ở Trung Quốc người ta còn vẽ tranh "Bách Phúc " - 100 chữ phúc để treo trong nhà. Rồi ông kể, thỉnh thoảng có nhà treo chữ Phúc ngược, là do sự tích vua Thái tổ nhà Minh Chu Nguyên Chương một đêm vi hành thấy đám đông xúm quanh bức tranh vẽ một phụ nữ ăn mặc đài các, nhưng đôi chân thì to lớn, thô kệch. Vua tỏ ra giận dữ, vì hiểu ngầm ý bức tranh chê Hoàng hậu chân to, bèn lệnh Cho tùy tùng viết chữ "Phúc" ở trước cửa nhà có bức tranh ấy sáng mai đưa quân tới bắt tội. Hoàng hậu vốn xuất thân nơi thôn dã, biết tin đó bèn ngầm sai người đến lệnh cho các nhà trong phô liều treo chữ Phúc nhưng đảo ngược lại. Sáng mồng một Tết quan quân đến nơi thấy mọi nhà đều có chữ "Phúc" về bẩm với vua. Lúc đó Hoàng hậu cũng cần xin vua tha tội cho dân. Vua mới nhận ra điều mình làm chưa thấu tình, đạt lý nên xóa bỏ lệnh phạt. Từ đó chữ Phúc treo ngược là mang hàm ý "Phúc đáo gia" tượng trưng cho sự may mắn, tai qua nạn khỏi.

Xuân Kỷ Sửu đã sang, hoa đào nở rộ, nhà nhà đón Tết, câu đối xưa: "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh" giờ đây tuy không còn đúng nữa, nhưng bánh chưng xanh và câu đối đỏ đang vẫn hiện diện và ngày càng được phát triển giữ vững cái hồn dân tộc, nét đẹp truyền thống của ông cha. Những nhà thư pháp chữ Hán và cá chữ Việt, đang cố công tìm tòi, phát hiện và họa lên những bức tranh chữ vừa cổ truyền, vừa hiện đại, đem lại sắc thái mới cho mỗi độ xuân về Tết đến, để những nhà thơ như cụ Vũ Đình Liên có "thức" cũng không u hoài nỗi nhớ xưa.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tản mạn về câu đối tết

    22/01/2020Trần Phỏng DiềuSáng tác câu đối là một thú chơi tao nhã của bậc trí thức nhiều thời, có nội hàm văn hóa rất cao, thể hiện luân lý của người Á Đông nói chung, tính nhân văn của dân tộc ta nói riêng. Mỗi độ xuân về, ngoài việc trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, nhà nào cũng dán câu đối.
  • Rước chữ chào Xuân

    29/01/2009Long Tuyền

    Khởi đầu từ thời kỳ nào xa xăm trong lịch sử, không ai dám chắc, chỉ biết rằng với ảnh hưởng từ phương Bắc, nền văn hóa Việt Nam từ ngàn đời nay vẫn coi trọng chữ nho...