Tin vào mùa xuân
Đã rất nhiều cơn gió mùa từ phương Bắc thổi lại. Vẫn chưa thấy mùa xuân trở về...
Gió vẫn hun hút, mưa táp vào người buốt lạnh. Tê tái những em bé nghèo vùng cao chẳng đủ quần áo ấm. Mùa đông khắc nghiệt chưa qua, lại liên tiếp lũ lụt, thiên tai, mất mùa, bão giá khiến hàng triệu con người bị dồn vào cảnh tái nghèo. Ai háo hức lên Sapa đợi tuyết, ai xót lòng những gia đình mang những tấm chăn bông cuối cùng bao bọc đàn gia súc khỏi chết cóng vì tiết chính đông?
Mùa đông vẫn chưa qua, để những người dân quê ra giêng lại còng mình trên xe chở mùa xuân từ ngoại thành ra phố bán những cành đào giờ mới chúm chím nụ với giá bèo bọt, ngược chiều những chiếc ô tô chở những cây đào thế đã tàn hoa về trồng lại. Mùa xuân được chào đón nồng nhiệt trên tivi, báo, đài, trong những đĩa nhạc mừng năm mới rộn ràng trống hội, trên nền theme blog rực rỡ của hàng triệu con người. Mặc kệ những vấn vấn đề vĩ mô của thiên hạ: trái đất nóng lên, hệ thực vật bị phá vỡ, nguy cơ nước biển dâng làm ngập chìm nhà cửa, mặc kệ những lời cảnh báo thời hậu ốc bươu vàng, chuột hamster năm ngoái, trâu vàng năm nay vẫn được chào đón như những thiên thần…
Mùa đông vẫn chưa qua, nên Hồ Tây giờ thành biển mịt mù, sóng cuồn cuộn những ngày sương giá. Đâu rồi cơn mưa xuân tình thơ chất ngất, hình ảnh mộng mơ đã đi vào tâm thức người Việt bao đời, từ buổi cô gái thôn Đoài của thi sĩ Nguyễn Bính ngồi dệt cửi thao thiết đợi hội làng giữa tiết mưa xuân phơi phới bay lẫn trong hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy đến khung cảnh giở giời mưa bụi còn hơi ướt, nếm rượu tường đình được mấy ông đặc trưng vùng đồng chiêm trũng xứ Bắc trong thơ Nguyễn Khuyến.
Mưa xuân, cái làn bụi mong mỏng như rây phấn ấy ngày càng ít đi, bớt đi trong sự thay đổi của khí hậu, trong sự ồn ào quên lãng của lòng người. Những hạt mát mềm bay bay trên hàng vạn búp bàng nõn nhỏ thắp xanh con phố, lẫn tiếng chuông chùa ngân lên trong lành giữa quạnh vắng thinh không. "Tháng giêng mưa ngoài phố/ Mưa như là sương thôi / Như bóng cây giăng khói /Như mộng ru bên trời…Tháng giêng mưa trên tóc / Những người đi lễ chùa /Theo giọt mưa cầu phúc /Tiếng chuông từ bi mơ”…(*)
Cây cầu như một gạch nối giữa hai mùa. Ra khỏi thành phố nồng nặc khói bụi và dòng xe chật chội, thẫn thờ khi bắt gặp cánh đồng cúc vàng hắt lên góc trời một vùng sáng rực rỡ. Tin rằng đang mùa xuân.
Đó là những ngày rất trẻ, khi hàng cây xà cừ còn đứng hai bên đường non nớt. Giờ chúng đã trưởng thành vững chãi sau hàng chục mùa rùng mình trút lá những ngày xuân chớm hạ. Đó là những lần đi cùng bạn về quê trên con đường xa mà thân thuộc. Còn nhớ bạn bảo sao xà cừ lại trút lá vào mùa xuân nhỉ, và nảy lộc vào tháng tư nắng nỏ cho tội tình? Đâu rồi cây gạo cao vượt lên tất cả khi đứng trên cầu nhìn xuống những mái nhà lúp xúp ấn mình trong những vòm lá xanh mướt bên sông?...
Tin rằng, dù thế nào, thì xuân vẫn sẽ sang...
(*) Thơ Nguyễn Việt Chiến
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005