Trò chuyện với mưa xuân
Trong thế giới thơ Đường mênh mông với những kiệt tác bất hủ, tồn tại suốt 15, 16 thế kỷ nay của những Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu, Mạnh Hạo Nhiên, Vương Duy, Thôi Hộ, Trương Kế… không hiểu sao mỗi độ xuân về, hình ảnh ám ảnh nhất với tôi lại hiện lên từ trong một bài thơ nhỏ nhoi, khiêm tốn chỉ có bốn câu thôi của nhà thơ tài hoa Đỗ Mục - ấy là bài thơ Thanh minh, với nguyên tác:
Thanh minh thời tiết vũ phân phân
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn
Tá vân tửu gia hà xứ hữu
Mục đồng giao chỉ Hạnh Hoa thôn
cùng với bản dịch mà tôi đã thuộc lòng từ thuở còn bé mà chẳng cần biết là của ai:
Thanh minh lại phất mưa phùn
Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa
Hỏi thăm quán rượu đâu là
Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài
Tiết lộ điều này chắc chắn chẳng có gì mới mẻ, vì tôi tin trải qua hàng ngàn năm cho đến tận lúc này đây, không chỉ có tôi, mà có lẽ còn hàng triệu, triệu người khác nữa, những ai từng biết đến thơ Đường, hẳn cũng đã có lúc bâng khuâng vì những câu thơ kỳ lạ ấy. Vâng, tôi phải dùng đến hai từ “kỳ lạ". Tôi còn nhớ trong hồi ký Thời thơ ấu nhà văn Macxim Goocky có kể chuyện hồi nhỏ một lần ông đọc được một cuốn sách quá hay, đầu óc ngây thơ của cậu bé không sao cắt nghĩa nổi điều gì đã khiến cậu xúc động đến thế, và cậu đã thử soi những trang giấy lên trước ánh sáng mặt trời để xem trong đó có ẩn chứa những phép màu gì sau những con chữ ấy không. Goocky đã không bịa. Bởi tôi cũng đã từng chẳng khác gì ông, khi bắt gặp mình vẫn lẩm nhẩm như một thằng dở người mấy câu thơ trên của Đỗ Mục vào những buổi chiều thả bước dưới mưa xuân mà trong lòng vẫn không hiểu vì sao.
Tôi đã tìm gì và đã gặp gì trong câu thơ tột cùng giản dị ấy? Không một triết lý cao siêu, không một tình tiết mủi lòng và cũng chẳng có một hình ảnh hay câu chữ nào tỏ ra cầu kỳ, mới lạ cả… tất cả chỉ là một cảnh trí thường tình, một trạng huống gần gũi như muôn đời vẫn thế, khi con người tưởng đang đối diện với thiên nhiên mà té ra lại đang đối diện với lòng mình: một chút quạnh hiu, một chút lạnh lùng, một chút cô đơn, một chút buồn bã… và do đó, là một chút khát khao ấm áp, một chút hy vọng sẻ chia, một chút ước mong đoàn tụ… Vẻ thường tình đến tầm thường của những xúc cảm ở đây lay động đến những chỗ sâu thẳm nhất trong những con người bình thường là chúng ta, bởi nó có ở mọi nơi và mọi lúc, ngàn năm trước đã thế và ngàn năm sau cũng không khác thế.
Và thủ phạm của cái khoảnh khắc mênh mang mà bất tử ấy chính là cảnh mưa xuân, hay còn gọi là mưa bụi, thứ "đặc sản" mà những ai sinh ra trên xứ Bắc đều yêu đến mê mệt và khi đi xa đều nhớ đến quắt quay. Ấy là thứ mưa thường xuất hiện vào cữ cuối Đông đầu Xuân, mưa lất phất, lay phay, mưa không ướt đất, những sợi mưa mảnh như tơ trời, những hạt mưa ly ty như có như không, mưa như không rơi xuống đất, mưa như bay ngang là là, thậm chí có lúc còn để gió thổi ngược lên trời - cha ông nói "quá mù ra mưa", thứ già mù mà non mưa ấy mang vẻ đẹp yểu điệu, não nùng không bút nào tả nổi. Đẹp đến nỗi cái cảm giác mắc nợ thường xuyên trước vẻ đẹp mê hồn ấy đã khiến chính người viết những dòng này đã có lần phải thốt lên:
Chao ôi mưa bụi, ơi mưa bụi
Chữ nghĩa vô duyên lỡ hẹn rồi
Ước gì trở lại xuân năm cũ
Để được làm mưa tan giữa trời
(Tạ lỗi cùng mưa bụi)
Ấy là giây phút, nói như nhà thơ xứ Đaghextan, Raxun Gamdatốp, ta không còn thấy cây thấy lá, không còn thấy phố thấy nhà, ta chỉ thấy cuộc đời đã qua hiện về trước mắt. Chính vì lẽ ấy, mỗi lần bước đi dưới những bờ cây Hà Nội vào một chiều nào mưa bụi, cảm nghe những giọt nước li ti vuốt ve trên má, những ngón tay mưa dịu dàng luồn vào trong cổ, trước mắt tôi, trong làn khói sương bàng bạc, luôn hiện về những năm tháng của tuổi đầu đời. Đó có thể là những chiều chăn trâu cắt cỏ, cùng bạn bè đốt lên một đống lửa rơm giữa đồng không mông quạnh, ngồi xúm xít hơ những ngón tay giá lạnh để mơ về một xứ sở nào xa lắm ở đâu tận cuối trời mưa bụi kia, nơi rồi một mai kia tôi sẽ bay tới. Hay cũng dưới một làn mưa như thế, khi tôi đã thành một chàng trai sức vóc, một bận tôi và em đã mượn cớ cơn mưa để đứng nép vào nhau dưới một gốc cây già. Ấy là lần đầu tiên trên đời, tôi biết được làn da thơm mềm trên má người con gái, và nụ hôn đầu đời lại có vị mặn mòi của giọt nước mưa đọng trên đầu lưỡi.
Những cơn mưa xuân “phơi phới bay" trong thơ Nguyễn Bính, những cơn mưa xuân “tươi tốt cả cây buồm" trong thơ Huy Cận, những cơn mưa mà như "khói trời mênh mông" trong nhạc Trịnh Công Sơn… và ở đâu nữa, những màn mưa dăng dăng nối trời với đất, nối những mặt người xa cách lại gần nhau, những cơn mưa hồi sinh cho đất đai, nhuộm thắm những cánh đồng, những cơn mưa, những cơn mưa… hay chính là tấm voan buông xuống tự trời, tà áo dài nà nuột mà mùa xuân khoác lên thân thể của đất đai.
Tôi đã viết về mưa xuân mà như viết về một người đàn bà nhan sắc, một bức tranh mỹ miều, hay cũng có thể là một bài thơ hay tuyệt cú. Cũng như Thôi Hiệu với Hoàng Hạc lâu đã từng làm bất tử một nỗi nhớ nhà thường tình, chúng ta phải cám ơn Đỗ Mục tiên sinh, người từ một ngàn năm trăm năm trước, bằng mấy nét bút xuất thần đã khiến cho một nỗi bâng khuâng nhân thế rất đỗi vẩn vơ, chẳng đâu vào với đâu là cơn mưa bụi kia hóa thành vĩnh cửu.
Cám ơn mùa xuân đã dọn cho con người những bữa cỗ tuyệt trần, đã ban cho thơ ca những khoảnh khắc để đời.
Và thơ ca là thế. Văn chương là thế. Cũng tựa như những trận mưa của trời đất và của lòng người, nói lớn lao thì cũng đủ lớn lao để dâng lên ngập hết nhà cửa, phố phường như trận đại hồng thủy của Hà Nội vừa qua, mà nói bé nhỏ thì cũng tận cùng bé nhỏ, như những hạt mưa xuân không đủ thấm ướt đất đai, nhưng lại dẻo dai bền chặt hơn cả những sợi tơ trời, để mỗi độ xuân về lại đem lòng ta giăng mắc với thời gian.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005