Mâu thuẫn giữa người với người: Một số nội dung cơ bản

PGS, TS., Phó viện trưởng Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
03:55 CH @ Thứ Năm - 11 Tháng Mười Một, 2010

Để làm rõ một số nội dung cơ bản của mâu thuẫn giữa người với người, trong bài viết này, tác giả đưa ra để trao đổi với độc giả về những đặc trưng cơ bản của mâu thuẫn này, về nguyên nhân xuất hiện của nó, về các loại mâu thuẫn giữa người với người, về vai trò của các chủ thể trong mâu thuẫn này đối với sự phát triển xã hội, về kết quả và phương thức giải quyết mâu thuẫn này. Theo tác giả, mặc dù mâu thuẫn này là hiện tượng bình thường trong xã hội, song đó là một hiện tượng cần được quan tâm nghiên cứu, bởi nó không chỉ giúp chúng ta xác định đúng mâu thuẫn, mà còn lựa chọn đúng đắn phương thức giải quyết mâu thuẫn vì lợi ích con người và xã hội.

Mở đầu

Mâu thuẫn giữa người và người là một hiện tượng tồn tại phổ biến trong xã hội và thường xuyên được nói đến trong sách báo chính trị - xã hội cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Nghiên cứu để làm rõ bản chất của hiện tượng này là nhiệm vụ của triết học xã hội. Trong các sách giáo khoa về phép biện chứng duy vật, một số mâu thuẫn giữa người và người được nói đến như là ví dụ để chứng minh thêm cho quy luật mâu thuẫn. Nhưng, với tư cách một khái niệm của triết học xã hội, mâu thuẫn giữa người và người còn ít được quan tâm nghiên cứu.

1. Đặc trưng cơ bản của mâu thuẫn giữa người và người

Khi nói đến mâu thuẫn giữa người và người, trước hết chúng ta phải xác định đặc trưng cơ bản phân biệt nó với các hiện tượng xã hội khác. Như chúng ta đã biết, hoạt động của con người là hoạt động có mục đích; khi hoạt động mỗi người có thể nhằm đạt được nhiều mục đích khác nhau (chẳng hạn, đạt mục đích A để đạt mục đích B, đạt mục đích B để đạt mục đích C); nhưng mục đích cuối cùng mà mỗi người muốn đạt được bao giờ cũng là lợi ích, tức là cái để đáp ứng những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình. Thông qua hoạt động tìm kiếm cái đáp ứng những nhu cầu, con người có quan hệ với môi trường tự nhiên và quan hệ với nhau.(*)Quan hệ giữa người với người là sự tác động qua lại giữa các chủ thể (giữa cá nhân với cá nhân, giữa tập thể với tập thể, giữa cộng đồng với cộng đồng, giữa cá nhân với tập thể hoặc cộng đồng). Sự tác động qua lại này có thể là mâu thuẫn nhau (cản trở lẫn nhau, bài trừ lẫn nhau, đấu tranh lẫn nhau) hoặc là thống nhất với nhau (hỗ trợ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau). Như vậy, mâu thuẫn giữa người với người là sự tác động qua lại giữa người với người (giữa chủ thể này với chủ thể khác) theo hướng cản trở lẫn nhau, bài trừ lẫn nhau, đấu tranh lẫn nhau(1).

2. Nguyên nhân xuất hiện mâu thuẫn giữa người với người

Sự tác động qua lại giữa hai chủ thể, như đã nói ở trên, có thể là mâu thuẫn nhau (cản trở lẫn nhau, bài trừ lẫn nhau, đấu tranh lẫn nhau) hoặc thống nhất nhau (hỗ trợ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau). Nhưng hoạt động lại do mục đích chỉ đạo. Vì thế, sự mâu thuẫn và sự thống nhất giữa người với người về hoạt động phải có nguyên nhân ở quan hệ giữa hai mục đích mà hai chủ thể theo đuổi. Mục đích mà hai chủ thể theo đuổi có thể thuộc một trong ba trường hợp: mâu thuẫn, thống nhất và khác nhau.

Khi hai chủ thể theo đuổi một mục đích thống nhất thì họ sẽ cùng đạt được hoặc cùng không đạt được mục đích của mình (nếu chủ thể này đạt được thì chủ thể kia cũng đạt được, nếu chủ thể này không đạt được thì chủ thể kia cũng không đạt được). Trong trường hợp này, giữa họ không có mâu thuẫn. Ví dụ, nếu hai người cùng vận động cho một ứng viên vào một chức vụ nào đó thì có nghĩa là họ theo đuổi một mục đích thống nhất và do đó, họ sẽ cùng đạt được hoặc cùng không đạt được mục đích của mình. Sự thống nhất giữa hai chủ thể về mục đích sẽ dẫn đến sự thống nhất giữa họ trong hoạt động, tức là họ sẽ hỗ trợ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau.

Khi hai chủ thể theo đuổi hai mục đích mâu thuẫn thì họ không thể cùng đạt được mục đích của mình. Ví dụ, nếu hai người nào đó vận động cho hai ứng viên khác nhau vào một chức vụ thì họ đang theo đuổi hai mục đích mâu thuẫn và do đó, họ không thể cùng đạt được mục đích của mình (nếu người này đạt được thì người kia không đạt được). Sự mâu thuẫn giữa hai chủ thể về mục đích sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn giữa họ trong hành động, tức là họ sẽ đấu tranh với nhau, bài trừ nhau, cản trở nhau.(1)

Trong trường hợp hai chủ thể theo đuổi hai mục đích khác nhau (không mâu thuẫn và cũng không thống nhất) thì họ có thể cùng đạt được hoặc không cùng đạt được hai mục đích này. Ví dụ, những người trồng lúa và những người dệt vải là hai chủ thể theo đuổi hai mục đích khác nhau và do đó, họ có thể cùng đạt được hoặc không cùng đạt được mục đích của mình. Sự khác nhau về mục đích tuy không trực tiếp dẫn đến sự mâu thuẫn hay sự thống nhất trong hành động, nhưng gián tiếp và ít hay nhiều cũng sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn hay sự thống nhất trong hành động. Bởi vì, mọi người trong xã hội đều có liên hệ với nhau; hoạt động của mỗi người dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp cũng đều có tác động đến hoạt động của tất cả những người khác, mà sự tác động này có thể là mâu thuẫn hoặc thống nhất. Chẳng hạn, những người trồng lúa và những người dệt vải trong quá trình thực hiện mục đích của mình nhất định có sự tác động qua lại với nhau theo cả chiều hướng mâu thuẫn và chiều hướng thống nhất (sự tác động đó có thể là tự phát, nằm ngoài ý thức của họ). Họ có sự tác động lẫn nhau theo chiều thống nhất, vì những người trồng lúa thì cần vải, còn những người dệt vải thì cần lúa. Họ có tác động lẫn nhau theo chiều mâu thuẫn, vì cả hai bên đều cần ruộng đất để sản xuất, cần thị trường để tiêu thụ sản phẩm trong khi ruộng đất và thị trường để tiêu thụ sản phẩm lại có hạn; hoặc vì những người dệt vải gây ô nhiễm môi trường, từ đó cản trở hoạt động của những người trồng lúa.

Như vậy, nguyên nhân xuất hiện mâu thuẫn giữa người và người là do hai chủ thể theo đuổi hai mục đích mà việc đạt được mục đích của chủ thể này tất nhiên sẽ loại trừ hoàn toàn hoặc một phần việc đạt được mục đích của chủ thể kia. Với nguyên nhân ấy thì sự xuất hiện mâu thuẫn giữa người và người có yếu tố chủ quan, vì con người có thể tự giác từ bỏ mục đích này để theo đuổi mục đích khác. Nhưng mục đích được hình thành trên cơ sở nhu cầu, mà người nào cũng phải có nhu cầu đặc biệt là nhu cầu vật chất. Vì thế, sự xuất hiện của mâu thuẫn giữa người và người có cả yếu tố khách quan.

3. Các loại mâu thuẫn giữa người và người

Có nhiều cách phân loại mâu thuẫn giữa người và người. Trước hết, đó là cách phân loại mâu thuẫn xã hội thành mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản. Nếu trong một cộng đồng có nhiều chủ thể và tương ứng có nhiều mâu thuẫn giữa các chủ thể, thì người ta có thể phân các mâu thuẫn ấy thành mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản. Ví dụ, trong một quốc gia nào đó có ba chủ thể là giai cấp tư sản, giai cấp vô sản và giai cấp tiểu tư sản, tương ứng có ba mâu thuẫn là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản, mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp tiểu tư sản, mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tiểu tư sản. Trong ba mâu thuẫn ấy thì mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản là cơ bản; hai mâu thuẫn còn lại là không cơ bản. Mâu thuẫn cơ bản ở đây được hiểu là mâu thuẫn quy định bản chất của sự vật, tồn tại cùng với sự vật, quyết định xu hướng vận động của sự vật, trong trường hợp ở đây là mâu thuẫn quy định bản chất của cộng đồng, tồn tại cùng với cộng đồng, quyết định xu hướng vận động của cộng đồng.

Quan hệ giữa hai chủ thể nào đó tại một thời điểm nào đó hoặc là thống nhất (không có mâu thuẫn) hoặc là vừa mâu thuẫn (có một mâu thuẫn hoặc có nhiều mâu thuẫn), vừa thống nhất (thống nhất ở một số mục đích này và mâu thuẫn ở một số mục đích khác). Khi có nhiều mâu thuẫn xuất hiện giữa hai chủ thể nào đó thì chúng ta có thể phân loại các mâu thuẫn ấy thành các mâu thuẫn quan trọng và các mâu thuẫn không quan trọng. Mâu thuẫn quan trọng ở đây được hiểu là mâu thuẫn về những mục đích quan trọng. Còn mâu thuẫn không quan trọng được hiểu là mâu thuẫn về những mục đích không quan trọng. Tuy nhiên, sự phân loại này là tương đối và không cố định, vì tính chất quan trọng hay không quan trọng của mục đích và do đó, của mâu thuẫn thay đổi theo hoàn cảnh bên ngoài và theo cả quan điểm của từng chủ thể về mức độ quan trọng của mục đích tranh chấp đối với bản thân mình. Chẳng hạn, mâu thuẫn giữa hai quốc gia trong việc giải quyết một vấn đề thương mại nào đó có thể là quan trọng hoặc không quan trọng tuỳ theo quan điểm của mỗi quốc gia trong việc xác định mục đích tranh chấp là quan trọng hay không quan trọng so với các mục đích khác. Quan điểm này có thể thay đổi từ chỗ cho mục đích tranh chấp là quan trọng đến chỗ cho mục đích tranh chấp là không quan trọng, hoặc ngược lại. Nếu mục đích càng được chủ thể coi là quan trọng thì hoạt động của chủ thể để đạt được mục đích càng mạnh mẽ.

Một cách phân loại khác đối với mâu thuẫn giữa người và người là cách phân loại thành mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng. Căn cứ của cách phân loại này là gì? Có ý kiến căn cứ vào lợi ích tranh chấp là cơ bản hay không cơ bản. Theo đó, mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn về lợi ích cơ bản, còn mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn về lợi ích không cơ bản. Có ý kiến thì căn cứ vào phương thức giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực hay không bằng bạo lực. Theo đó, thuẫn đối kháng là mâu thuẫn được giải quyết bằng bạo lực; còn mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn được giải quyết không phải bằng bạo lực. Cách phân loại sau (căn cứ vào phương thức giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực hay không bằng bạo lực) cụ thể hơn và do đó, có ý nghĩa thực tiễn hơn. Nếu mục đích tranh chấp giữa hai chủ thể nào đó có ý nghĩa lớn đối với sự tồn tại và phát triển của cả hai chủ thể thì hai chủ thể này thường chọn hình thức bạo lực để giải quyết mâu thuẫn giữa họ, làm cho mâu thuẫn giữa họ có tính đối kháng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tuy mục đích tranh chấp là không có ý nghĩa lớn đối với sự tồn tại và phát triển của hai bên, nhưng mâu thuẫn giữa hai bên vẫn có tính đối kháng, vì họ vẫn chọn hình thức bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Việc lựa chọn hình thức bạo lực hay không bạo lực để giải quyết mâu thuẫn không chỉ phụ thuộc ý nghĩa lớn hay không lớn của mục đích tranh chấp đối với hai chủ thể, mà còn phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của hai chủ thể. Vì thế, tính đối kháng hay không đối kháng của mâu thuẫn không cố định: mâu thuẫn có thể chuyển từ đối kháng thành không đối kháng hoặc từ không đối kháng thành đối kháng (nếu hai chủ thể mâu thuẫn thay đổi phương thức giải quyết mâu thuẫn từ bằng bạo lực sang không bằng bạo lực hoặc ngược lại).

Mâu thuẫn giữa người với người có thể được phân loại thành mâu thuẫn về kinh tế, mâu thuẫn về chính trị - xã hội, mâu thuẫn về tư tưởng. Nếu mục đích tranh chấp giữa hai chủ thể là mục đích kinh tế thì mâu thuẫn giữa họ là mâu thuẫn về kinh tế. Tương tự, nếu mục đích tranh chấp giữa hai chủ thể là mục đích chính trị - xã hội thì mâu thuẫn giữa họ là mâu thuẫn về chính trị - xã hội. Còn nếu mục đích tranh chấp giữa hai chủ thể là mục đích tư tưởng thì mâu thuẫn giữa họ là mâu thuẫn về tư tưởng. Mâu thuẫn về kinh tế, mâu thuẫn về chính trị - xã hội, mâu thuẫn về tư tưởng có mối quan hệ với nhau và do đó, khi hai chủ thể có mâu thuẫn về kinh tế thì giữa hai chủ thể ấy ít hay nhiều sẽ nảy sinh mâu thuẫn về chính trị - xã hội và mâu thuẫn về tư tưởng. Do vậy, tuy có nhiều nguyên nhân khác nhau làm nảy sinh mâu thuẫn về chính trị - xã hội và mâu thuẫn về tư tưởng giữa hai chủ thể (đặc biệt giữa hai giai cấp, giữa hai dân tộc), nhưng trong số các nguyên nhân đó, nhất định có nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn về kinh tế giữa họ.


Mâu thuẫn giữa người với người cũng có thể được phân loại căn cứ vào các chủ thể của mâu thuẫn. Các chủ thể của mâu thuẫn xã hội rất đa dạng. Chúng ta có thể nói đến, chẳng hạn, mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân, mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, mâu thuẫn giữa nhân dân với kẻ thù của nhân dân, mâu thuẫn giữa các giai cấp, mâu thuẫn giữa các dân tộc, mâu thuẫn giữa các tôn giáo, v.v.. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, giữa hai chủ thể bất kỳ (kể cả giữa hai giai cấp nào đó) không phải lúc nào cũng xuất hiện mâu thuẫn. Bởi vì, như đã nói ở trên, mâu thuẫn chỉ xuất hiện khi hai chủ thể theo đuổi hai mục đích mà việc đạt được mục đích của chủ thể này tất nhiên sẽ loại trừ hoàn toàn hoặc một phần việc đạt được mục đích của chủ thể kia.

4. Vai trò của các chủ thể trong mâu thuẫn giữa người với người đối với sự phát triển xã hội

Theo quan điểm biện chứng thì mâu thuẫn là động lực của sự vận động. Khi áp dụng quan điểm đó vào lĩnh vực xã hội, đương nhiên, phải thừa nhận rằng, mâu thuẫn trong xã hội nói chung và mâu thuẫn giữa người và người nói riêng là động lực của sự vận động xã hội. Nhưng, vấn đề là ở chỗ, có thể cho rằng, mâu thuẫn là động lực của sự phát triển hay không? Cụ thể hơn, có thể cho rằng, mâu thuẫn giữa người và người là động lực của sự phát triển xã hội hay không?

Nếu hiểu sự vận động đồng thời là sự phát triển thì đương nhiên, mâu thuẫn là động lực của sự phát triển, mâu thuẫn giữa người và người là động lực của sự phát triển xã hội. Nhưng, nếu hiểu sự vận động không phải bao giờ cũng là sự phát triển thì bên cạnh cái là động lực của sự phát triển còn có cái là phản động lực của sự phát triển (hay cái kìm hãm sự phát triển). Cái là động lực của sự phát triển và cái là phản động lực của sự phát triển bao giờ cũng tồn tại cùng với nhau và hợp thành một mâu thuẫn. Khi đó, mâu thuẫn không phải là động lực của sự phát triển, mâu thuẫn giữa người và người không phải là động lực của sự phát triển xã hội(2). Trong trường hợp coi sự vận động không đồng thời là sự phát triển mà vẫn cho rằng mâu thuẫn giữa người và người là động lực của sự phát triển xã hội thì điều đó có thể dẫn đến quan niệm không đúng rằng, cả hai mặt hợp thành mâu thuẫn đều là tốt, đều là động lực của phát triển; xã hội nào có mâu thuẫn càng nhiều hoặc có mâu thuẫn càng gay gắt thì xã hội đó càng phát triển nhanh.

Trong một mâu thuẫn giữa người và người có hai chủ thể, vai trò của hai chủ thể đó đối với sự phát triển xã hội là trái ngược nhau tuỳ theo mục đích mà mỗi chủ thể theo đuổi là tiến bộ hay không tiến bộ (phù hợp hay không phù hợp với sự phát triển xã hội)(3). Nếu chủ thể nào theo mục đích tiến bộ thì chủ thể ấy là động lực của sự phát triển xã hội, còn chủ thể kia theo mục đích không tiến bộ là phản động lực của sự phát triển xã hội. Ví dụ, khi có sự mâu thuẫn giữa hai chủ thể trong việc ủng hộ hay phản đối một chế độ xã hội hiện tồn mà chế độ này đang phù hợp với sự phát triển xã hội thì chủ thể ủng hộ chế độ ấy là động lực của sự phát triển xã hội, còn chủ thể kia là phản động lực của sự phát triển xã hội. Ngược lại, khi có sự mâu thuẫn giữa hai chủ thể trong việc ủng hộ hay phản đối một chế độ xã hội hiện tồn mà chế độ này không phù hợp với sự phát triển xã hội thì chủ thể ủng hộ chế độ ấy là phản động lực của sự phát triển xã hội, còn chủ thể kia là động lực của sự phát triển xã hội. Trong mâu thuẫn giữa lực lượng cách mạng và lực lượng phản cách mạng thì lực lượng cách mạng là động lực của sự phát triển, còn lực lượng phản cách mạng là phản động lực của sự phát triển. Trong mâu thuẫn giữa người áp bức với người chống áp bức thì người chống áp bức là động lực của sự phát triển xã hội, còn người áp bức là phản động lực của sự phát triển xã hội.

Trong một cơ quan, một đơn vị, một tập thể do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể có tình trạng mất đoàn kết nội bộ, tức là có xuất hiện những mâu thuẫn giữa người và người. Đối với những mâu thuẫn giữa người và người trong một tập thể như vậy thì chúng ta phải phân tích cụ thể về hai mặt (ở đây là hai chủ thể) của từng mâu thuẫn để xem người hoặc nhóm người nào là tích cực, còn người hoặc nhóm người nào là tiêu cực, chứ không nên khẳng định chung chung rằng mất đoàn kết là tiêu cực. Khi trong cơ quan có một số người suy thoái đạo đức, như tham nhũng, chuyên chế, quan liêu..., thì việc đoàn kết với những người suy thoái đạo đức là tiêu cực; còn việc đấu tranh chống lại những người suy thoái đạo đức là tích cực. Nếu coi việc đấu tranh của một số người chống lại các hành vi tiêu cực của một số người khác trong một tập thể là sự gây mất đoàn kết nội bộ thì hành vi “gây mất đoàn kết” ấy phải được coi là tích cực.(3)

5. Kết quả và phương thức giải quyết mâu thuẫn giữa người và người

Khi giữa hai chủ thể nào đó xuất hiện mâu thuẫn thì mâu thuẫn đó sớm hay muộn cũng sẽ được giải quyết. Kết quả giải quyết có thể là một trong các trường hợp sau đây. Thứ nhất, một chủ thể hoàn toàn đạt được mục đích của mình; chủ thể còn lại hoàn toàn không đạt được mục đích của mình (đối với những mâu thuẫn đối kháng, trong nhiều trường hợp chủ thể hoàn toàn không đạt được mục đích của mình thậm chí còn bị đối phương tiêu diệt). Thứ hai, một chủ thể hoàn toàn không đạt được mục đích của mình và chủ thể còn lại chỉ đạt được một phần mục đích của mình. Thứ ba, cả hai chủ thể đều chỉ đạt được một phần mục đích của mình. Thứ tư, cả hai chủ thể hoàn toàn không đạt được mục đích của mình.

Mâu thuẫn giữa người và người có thể được giải quyết bằng nhiều phương thức khác nhau tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng loại mâu thuẫn và vào sự lựa chọn chủ quan của hai chủ thể mâu thuẫn. Có phương thức giải quyết bằng bạo lực và có phương thức giải quyết không bằng bạo lực. Có phương thức giải quyết bằng thương lượng và có phương thức giải quyết không bằng thương lượng. Có phương thức giải quyết trực tiếp bởi hai chủ thể mâu thuẫn và có phương thức giải quyết gián tiếp nhờ vai trò của các chủ thể khác. Việc lựa chọn đúng phương thức giải quyết mâu thuẫn có ý nghĩa nghĩa quan trọng đến hiệu quả của việc quyết mâu thuẫn. Chẳng hạn, nếu một chủ thể lựa chọn phương thức bạo lực để giải quyết một mâu thuẫn về một mục đích mà việc đạt được hay không đạt được mục đích ấy không làm ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của mình, thì có thể chủ thể đó chẳng những không đạt được mục đích của mình mà còn phải chịu những tổn thất lớn.

Dù mâu thuẫn giữa người và người được giải quyết bằng phương thức nào thì bao giờ việc giải quyết mâu thuẫn giữa người và người cũng đều có sự tham gia của yếu tố ý thức của con người. Điều này khác với việc giải quyết mâu thuẫn ở động vật. Bởi vì, giữa các cá thể động vật cũng có mâu thuẫn, nhưng sự giải quyết mâu thuẫn ở động vật là tự phát, không có sự tham gia của yếu tố ý thức. Nếu con người càng hiểu biết sâu sắc về quy luật xã hội thì họ càng tránh được những tổn thất không đáng có do sai lầm trong việc lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn. Sự xuất hiện của mâu thuẫn giữa người và người là điều bình thường trong sự phát triển xã hội. Nhưng, điều quan trọng là ở sự lựa chọn đúng đắn phương thức giải quyết mâu thuẫn để tránh được những mất mát không đáng có cho xã hội.

Kết luận

Mâu thuẫn giữa người và người với những nội dung như trên là hiện tượng bình thường trong xã hội. Mặc dù vậy, đó là một hiện tượng cần được quan tâm nghiên cứu, bởi việc nhận thức hiện tượng ấy có vai trò quan trọng đối với việc nhận thức nhiều hiện tượng xã hội khác. Chẳng hạn, chúng ta sẽ không hiểu đúng bản chất của các hiện tượng pháp luật, nhà nước, không công bằng, không dân chủ, không tự do và nhiều hiện tượng xã hội khác nếu không phân tích mâu thuẫn giữa người và người. Nhận thức mâu thuẫn giữa người và người còn giúp mỗi người, đặc biệt là những người có trách nhiệm quản lý xã hội, xác định đúng đắn mâu thuẫn và lựa chọn đúng đắn phương thức giải quyết mâu thuẫn thường xuyên nảy sinh trong quan hệ giữa người và người vì lợi ích của mình và của xã hội.


(1)Hiện tượng cản trở lẫn nhau, bài trừ lẫn nhau, đấu tranh lẫn nhau giữa người với người là hiện tượng tồn tại khách quan và phổ biến trong xã hội mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Tuy nhiên, đối với những người không thừa nhận học thuyết của phép biện chứng về mâu thuẫn thì mâu thuẫn (trong đó có mâu thuẫn xã hội) không tồn tại trong hiên thực, chỉ tồn tại trong tư duy và là biểu hiện của tư duy sai lầm. Mặc dù thừa nhận có hiện tượng cản trở lẫn nhận, bài trừ lẫn nhau, đấu tranh lẫn nhau giữa người với người, nhưng họ lại không gọi hiện tượng đó là mâu thuẫn. Có thể vì thế mà trong một số từ điển tiếng Anh, tuy có thuật ngữ contracdition(mâu thuẫn), social conflict (xung đột xã hội), nhưng không hề có thuật ngữ social contracdition (mâu thuẫn xã hội).

(2)Trong các tác phẩm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin không có câu “mâu thuẫn là động lực của sự phát triển”. Ph.Ăngghen có viết: “Động lực của toàn bộ lịch sử hiện đại, ít nhất là ở trong hai nước tiên tiến nhất nói trên” (tức là Anh và Pháp), chính là cuộc đấu tranh của ba giai cấp lớn đó (tức là giai cấp tư sản, giai cấp vô sản, giai cấp quý tộc địa chủ) và những xung đột về lợi ích của họ (Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.21. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.439). “Động lực của lịch sử” nói ở đây cần được hiểu là động lực của sự vận động xã hội, chứ không phải là động lực của sự phát triển xã hội.

(3)Việc xác định một mục đích nào đó là tiến bộ hay không tiến bộ phải căn cứ vào nhiều tiêu chuẩn khách quan của sự tiến bộ, chứ không thể căn cứ vào sự tuyên bố của chủ thể theo đuổi mục đích ấy. Bởi vì, khi theo đuổi mục đích nào thì chủ thể theo đuổi mục đích ấy bao giờ cũng cố chứng minh mục đích mà mình theo đuổi là tiến bộ.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tản mạn nghịch lý và tại sao???

    29/12/2007Linh Linh

    Mọi lời giải đều có tính chất khoa học chứ không mang hơi thở cuộc sống, trong khi dường như ngày càng nhiều câu hỏi đầy nghịch lý không dễ dàng gì để thích mà giải được? Cũng vì thế nên mọi câu hỏi cần đặt theo luật phối cảnh từ xa đến gần, từ to đến nhỏ…

  • Thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay, mâu thuẫn và phương pháp giải quyết

    09/08/2019Nguyễn Tấn HùngThực hiện công bằng xã hội đòi hỏi phải nhận thức và giải quyết đúng đắn, hài hoà các mối quan hệ lợi ích. Song, ở đây lại thường nảy sinh những mâu thuẫn đòi hỏi phải được nghiên cứa và giải quyết. Đó là các vấn đề: 1) Mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, 2) Mâu thuẫn giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội của Nhà nước, 3) Mâu thuẫn giữa lợi ích nhà đầu tư và lợi ích người lao động, 4) Mâu thuẫn trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
  • Thói hư tật xấu của người Việt: nhiều mâu thuẫn, phá hoại, thiếu khiêm nhường

    13/04/2018Vương Trí NhànChẳng có mặt nào của tính cách người Việt lại không có mặt bù lại và không gợi ra ngay tức khắc một bằng chứng ngược lại. Chúng ta đã nói vế tính biếng nhác và sự uể oải của người Việt, nhưng người ta chẳng thấy nơi nào trên thế giới một dân tộc cần cù như vậy...
  • Nghịch lý của sự phát triển

    25/05/2017Nguyễn Tất ThịnhTrong hành trình phát triển của Nhân loại, con người đã gặp phải bao nhiêu gian truân và đã cố gắng rất nhiều trong lịch sử của mình là phát hiện, tìm hiểu, ứng dụng các qui luật vào đời sống. Nhưng một trong những hậu quả lớn nhất đã mắc phải là con người đã làm sai, xâm phạm, thậm chí đi ngược các qui luật của Tự nhiên, vì thế đã gặp và phải đương đầu với các nghịch lý.
  • Những nghịch lý của cuộc sống

    25/02/2017Kim LuânCó những điều hiển nhiên đến nỗi bạn không bao giờ bận tâm về nó. Có những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt và bạn đã không làm từ rất lâu vì nhiều lý do...
  • Một chân lý đầy nghịch lý - về "cái tôi" của mỗi người...

    26/06/2016Trên đời, trong đời sống tâm linh cũng như trong đời sống chung với tha nhân, có một chân lý rất nghịch lý. Đó là càng tự đưa mình lên thì càng bị hạ xuống; và càng tự hạ mình xuống thì càng được đưa lên. Càng tự coi mình là nhỏ bé thì tâm hồn ta càng được bình an, càng dễ hạnh phúc, và ta càng trở nên vĩ đại trước Thiên Chúa và tha nhân; còn càng tự coi mình là vĩ đại thì ta dễ rơi vào bất an, đau khổ, và càng trở nên nhỏ bé trước Thiên Chúa và tha nhân.
  • Xung đột bổn phận

    21/01/2016Vĩnh AnTrong đời sống có những bổn phận mà việc thực hiện bổn phận này sẽ làm tổn hại đến bổn phận khác. Ví dụ: Ta có bạn làm việc phi pháp và ta được cảnh sát mời ra để hỏi chứng cớ về người bạn ấy. Vậy ta nói dối để che chở bạn hay nói thật để pháp luật được tôn trọng...
  • Nghịch lý CIO: Làm sao để vừa thành công vừa Hạnh phúc?

    25/10/2014Minh Anh dịch, Megan SantosusKhi nói về nghề giám đốc công nghệ thông tin (CIO), người ta nghĩ đến dạng người gần như độc tưởng - luôn đi sớm về khuya, cống hiến bản thân cho công việc, không có thời gian để tạo sự thăng bằng trong cuộc sống...
  • Xung đột là tất yếu để phát triển

    04/10/2009Lê Thanh Huyền
    Không ai khẳng định rằng, từ khi tôi sinh ra cho đến khi chết đi cuộc sống của tôi không có xung đột. Xung đột với bạn bè, xung đột với gia đình, xung đột với chồng con, xung đột với đồng nghiệp và xung đột với chính mình....
  • Các nghịch lý tai hại

    23/07/2009Dương Xuân BảoKhoa học luôn đưa ra những kiến thức đúng đắn, tìm ra những hiện tượng, các mối liên hệ đúng... nhưng có môn khoa học (cũng là môn khoa học chính xác) lại liên quan đến rất nhiều những nghịch lý. Bạn có biết đó là môn khoa học nào không? Câu trả lời: Đó là môn khoa học sáng tạo - phương pháp luận sáng tạo.
  • Mâu thuẫn lợi ích

    24/10/2006Nguyễn Quang AMâu thuẫn lợi ích không phải là sự xung đột của những lợi ích khác nhau củanhững nguôi hay tổ chức khác nhau. Mâu thuẫn hay xung đột lợi ích là bất cứ tình huống nào trong đó một cá nhân hay một tổ chức được ủy thác trách nhiệm (như quan chức Nhà nước, Giám đốc Công ty, chuyên gia, nhân viên, các tổ chức tư nhân hay Nhà nước) có những lợi ích chuyên môn hay riêng tư của mình đủ lớn để ảnh hưởng (hay tỏ ra có thể ảnh hưởng) đến việc điều hành các trách nhiệm được ủy thác...
  • Giải quyết xung đột trong doanh nghiệp gia đình

    23/09/2006Hồng HàNhững xung đột trong một doanh nghiệp gia đình không chỉ là nững nỗi bất hòa liên quan đến công việc kinh doanh, đến tài chính và sở hữu mà chúng có thể làm tổn hại cả các mối quan hệ huyết thống. Vì vậy, dù doanh nghiệp gia đình đang êm thắm, người đứng đầu vẫn nên nghĩ đến những cách giải quyết các xung đột trước khi chúng ta phát sinh...
  • Sống chung với… mâu thuẫn

    05/09/2006Dịch từ The INCKhi nói về một doanh nhân thành đạt, mọi người thường chỉ đến các kỹ năng kinh doanh và tư duy quản lý của người đó...
  • Giải quyết mâu thuẫn nhằm thực hiện tốt việc kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội ở nước ta

    17/06/2006Nguyễn Tấn HùngVấn đề kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội là vấn đề vô cùng phức tạp, đòi hỏi không chỉ cần nắm vững mối quan hệ qua lại giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, mà còn cần phải nhận thức và giải quyết tốt những mâu thuẫn nảy sinh trong quan hệ giữa chúng...
  • Nghịch lý tiền lương

    11/05/2006Nguyễn Vạn PhúNếu như cách đây 10 năm, mức lương 1.500 USD Mỹ/tháng cho người trong nước là rất hiếm hoi, chủ yếu ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì nay mức 3.000 USD, thậm chí 5.000 USD không phải là ít, ở ngay công ty trong nước. Trong khi đó, lương phổ biến của công nhân trước đây 10 năm chừng 700.000 đồng, bây giờ giỏi lắm cũng chỉ trên 1 triệu/tháng...
  • 6 nghịch lý của Người Việt

    03/05/20061. Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.
    2. Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.
    3. Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống....
  • Nghịch lý của tư duy

    20/04/2006Phạm Anh100% các DN đều biết được tiện ích cũng như giá trị kinh tế to lớn do công nghệ thông tin mang lại. Đó là nơi quảng bá hình ảnh DN, thương hiệu và sản phẩm. Thế nhưng, có tới 91,9% số DN không quan tâm tới thiết kế, xây dựng website để "cho thế giới biết mình là ai"...
  • Phi mâu thuẫn có phải bao giờ cũng là quy luật của tư duy đúng đắn?

    24/03/2006Nguyễn Ngọc HàĐể phản ánh chính xác hiện thực khách quan trong tư duy (dưới dạng các khái niệm, phán đoán... ), con người cần phải tuân thủ một số nguyên tắc hay quy luật nhất định. Một trong những quy luật đó, theo Aritstốt, là "phi mâu thuẫn”: hai mệnh đề phủ định nhau thì không thể đều đúng...
  • Sống với nghịch lý

    21/03/2006Nguyễn Thúc HảiNhững nghịch lý về thời gian và công nghệ luôn luôn tồn tại và mỗi con người sẽ phải chọn cho mình cách ứng xử thích hợp để…
  • Hiểm hoạ của nghịch lý

    02/03/2006TS Nguyễn Đức MậuCó một số quan chức hôm qua xuất hiện ở những nơi sang trọng, xuất hiện trên báo chí và được đánh giá như những cán bộ có nhiều năng lực và mẫu mực, thế nhưng hôm nay lại bị khởi tố, bắt giam vì tham nhũng. Nghịch lý kiểu này mang đầy hiểm hoạ đối với xã hội.
  • Quản trị xung đột

    24/02/2006GS. Eric de KeuleneerTrong nền kinh tế thị trường, mọi tác nhân đều theo đuổi lợi ích riêng và dường như luôn có một “bàn tay vô hình” trong thị trường cạnh tranh đảm bảo mục tiêu này sẽ được chuyển thành hiệu quả tối ưu và tạo ra của cải với hàng hóa thông thường...
  • Giải quyết xung đột bằng tâm lý học quản lý

    11/02/2006Nguyễn Đình MinhThực trạng tất yếu trong các cơ quan là luôn luôn có xung đột, chúng chỉ khác nhau về quy mô tính chất. Tuy nhiên, không phải lúc nào khái niệm xung đột cũng đều được hiểu theo nghĩa xấu. Xung đột là quá trình trong đó một bên nhận ra rằng quyền lợi của mình hoặc đối lập hoặc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi một bên khác.
  • Công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay: Nhìn từ giác độ mâu thuẫn của quá trình phát triển

    01/01/2006GS. TS. Phạm Ngọc QuangQua gần 20 năm đổi mới, nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Song, để đưa công cuộc đổi mới tiếp tục tiến lên, chúng ta phải giải quyết rất nhiều mâu thuẫn phức tạp mà trong bài viết này mới điểm danh đại thể 8 mâu thuẫn...
  • Kém thông tin không phải là nguồn gốc của mọi sự mâu thuẫn

    26/11/2005Ý tưởng cho rằng “chúng ta có thể giải quyết mọi khác biệt nếu chúng ta thông tin cho nhau nhiều hơn” không nhất thiết đúng...
  • Một số mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình xây dựng lối sống mới ở nước ta hiện nay

    08/11/2005Võ Văn ThắngQuá trình xây dựng lối sống ở nước ta hiện nay đang gặp phải một số mâu thuẫn. Đó là, mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với xu hướng phủ nhận những phẩm chất đó; mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với xu hướng phương Tây hóa; mâu thuẫn “hóa giải” các mâu thuẫn đó, đồng thời đảm bảo mục tiêu xây dựng lối sống mới, hiện đại, văn minh và mang đậm bản sắc dân tộc...
  • Nghịch lý của thời gian

    09/08/2005TS. Nguyễn Sĩ Dũng“Thời gian chúng ta có là tiền bạc chúng ta không có” (Ilia và Petrov). Nhật xét nói trên không biết hóm hỉnh đến đâu, nhưng thật sự an ủi lòng người: Cuối cùng thì chúng ta ai cũng có được một cái gì đó – chí ít ra là thời gian. Thời gian không sở hữu được nhưng ai cũng có. Cái dễ sở hữu hơn là tiền bạc thì ngược lại – nhiều người không có.
  • Xung đột giữa lý trí và tình cảm

    24/08/2005Cảm xúc, như từ ngữ cho thấy, làm lay động chúng ta. Sợ hãi, giận dữ, yêu thương, và vui vẻ gây xáo trộn chúng ta từ bên trong và thường khiến chúng ta hành động hướng ra bên ngoài. Sự mãnh liệt, kích thích, và xung lực dẫn tới hành động này tương phản sâu sắc với sự vô tư, cân bằng, và điềm tĩnh gắn với lý trí. Các tác gia vĩ đại trong truyền thống của chúng ta bàn về sự tương phản này và đề xuất những lý thuyết khác nhau về các vai trò đích xác của lý trí và tình cảm trong đời sống con người. ...
  • Mâu thuẫn trong doanh nghiệp: Làm sao giải quyết?

    27/01/2004Một thống kê của các nhà nghiên cứu Mỹ cho thấy, một nhà quản lý trung bình dùng 21% thời gian trong tuần để giải quyết các mâu thuẫn và xung đột trong doanh nghiệp. Như vậy, giải quyết xung đột và mâu thuẫn sao cho ổn thỏa là một công việc mà nhà quản lý cần chú tâm để thúc đẩy doanh nghiệp làm việc tốt hơn.

    Người ta nhận thấy rằng mâu thuẫn là điều không thể tránh được. Sự tiềm ẩn xung đột được tìm thấy ở mọi nơi. Xung đột cũng như mâu thuẫn trong một tổ chức có thể xảy ra ở nhiều cấp độ từ nhỏ tới lớn...
  • xem toàn bộ