Một chân lý đầy nghịch lý - về "cái tôi" của mỗi người...
1. "Cái tôi" hay ngôi vị của mỗi người là hồng ân cao quý nhất mà Thiên Chúa ban cho con người
Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa có ngôi vị hay bản vị (personal), nghĩa là một Thiên Chúa có "cái tôi". Con người được Ngài dựng nên theo hình ảnh của Ngài, nên mỗi người cũng có một "cái tôi". Vì thế, "cái tôi" là một giá trị căn bản và thâm sâu nhất của một con người. Không có bản vị hay "cái tôi" thì chúng ta chỉ hiện hữu giống như đất đá, cỏ cây, là những thứ không có bản vị. Do đó, chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta một hồng ân rất cao quý là có "cái tôi" như Ngài đã có. Phải nói rằng không có hồng ân nào cao quý cho bằng hồng ân ấy.
2. Thái độ về "cái tôi" quyết định sự thánh thiện hay tội lỗi
Tuy nhiên, "cái tôi" vô cùng cao quý ấy lại gây ra những vấn đề vô cùng rắc rối. Cũng "cái tôi" ấy có thể làm con người trở thành thánh thiện mà cũng có thể trở thành tội lỗi.
– Thánh thiện là khi "cái tôi" của ta biết tự xóa mình đi trước "cái tôi" của Thiên Chúa và của tha nhân. Chính Thiên Chúa, nguồn mạnh mọi sự thánh thiện, luôn luôn tự xóa mình. Chúng ta có thể thấy điều này qua hành động tự xóa mình của Ngôi Hai trước Hai Ngôi kia: "Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự"
– Tội lỗi là khi ta đặt "cái tôi" của ta lên trên "cái tôi" của Thiên Chúa và của tha nhân. Tội lỗi của thiên thần Lucifer và ông bà nguyên tổ loài người nằm ở chỗ đã đặt "cái tôi" của mình lên trên "cái tôi" của Thiên Chúa.
Vì thế, "cái tôi" là một con dao hai lưỡi. Chính thái độ của "cái tôi" của ta đối với "cái tôi" của Thiên Chúa và "cái tôi" của mỗi tha nhân khiến ta trở nên thánh thiện hay tội lỗi.
3. Nghịch lý của "cái tôi"
Theo niềm tin Kitô hữu, Thiên Chúa đã dựng nên linh hồn con người – yếu tố chủ yếu làm nên "cái tôi" của ta – mang tính bất tử hay vĩnh cửu. Vì thế, dù "cái tôi" ấy có tự xóa mình đến thế nào thì nó cũng vẫn tồn tại. Điều rất nghịch lý nhưng cũng rất hữu lý là "cái tôi" càng tự xóa mình hay tự làm nhỏ mình đi bao nhiêu, thì nó càng trở nên vĩ đại, nổi bật và có giá trị hơn trước mặt Thiên Chúa và tha nhân bấy nhiêu. Trái lại, "cái tôi" càng muốn phình to và nổi bật lên để lấn át những "cái tôi" khác thì nó càng trở nên nhỏ bé, lu mờ và kém giá trị trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Đúng như lời Đức Giêsu nói trong Tin Mừng: "Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên"
Để ứng dụng cái nghịch lý trên vào đời sống xã hội, Đức Giêsu khuyên chúng ta: trong rất nhiều tình huống của cuộc đời, chẳng hạn trong bất kỳ bữa tiệc nào mà ta được mời tham dự, khi tới trước, ta nên chọn một chỗ tương đối hèn kém mà ngồi. Chọn chỗ hèn kém không phải để sau đó mình mong chờ người ta đưa mình lên một chổ ngồi cao hơn. Nếu còn ý hướng mong chờ đó thì việc chọn chỗ hèn kém ấy chỉ là giả hình, giả khiêm nhượng, không phải là xóa mình thật sự. Hãy chọn chỗ hèn kém như một thái độ tự xóa mình thật sự – nghĩa là vì không muốn ai để ý đến mình, hay không muốn được trọng vọng, đề cao – thì mới thật sự là khiêm nhường. Khiêm nhường thật sự như thế mới có giá trị cao cả trước mặt Thiên Chúa, và thường được mọi người trong xã hội mến phục, kính nể.
Một thí dụ khác của việc xóa mình mà Đức Giêsu đưa ra là: khi làm ơn cho ai, nếu ta còn mong được nhớ ơn hay trả ơn thì ta chỉ muốn làm ơn cho những ai mà ta hy vọng họ sẽ trả được ơn ta. Như thế là ta vẫn còn đặt nặng "cái tôi" của mình. Người thánh thiện hay trọn hảo, khi làm ơn cho ai, không mong được họ đáp trả, nên sẵn sàng làm ơn cho cả những người không thể trả ơn được. Chẳng những thế, họ còn ưu tiên làm ơn cho những đối tượng này. Làm được việc gì, dù to tát đến đâu, người thánh thiện hay trọn hảo cũng không cậy công, không tự hào rằng mình đã làm được như thế. Đức Giêsu dạy: "Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi". Có như thế mới thật sự là xả kỷ, quên mình. Nhưng chính khi quên mình thật sự như thế, ta mới thật sự gặp lại chính mình: "Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân" (Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Khó Khăn). Người biết xóa mình hay quên mình thì thường xuyên sống trong bình an và hạnh phúc ngay ở đời này. Và phần thưởng trên trời mà Thiên Chúa dành cho những người biết sống "xóa mình" như thế – là vinh quang và hạnh phúc – thật vô cùng lớn lao.
4. Quan trọng hóa "cái tôi" là một trở ngại rất lớn cho việc sống kết hiệp với Thiên Chúa và hòa hợp với tha nhân
Trong đời sống Kitô hữu, điều quan trọng nhất phải thực hiện là mến Chúa và yêu người, hay nói cách khác là sống kết hiệp với Thiên Chúa và hòa hợp với tha nhân. Trong việc kết hiệp với Thiên Chúa, dụ ngôn sau đây trong Ấn Độ giáo có một ý nghĩa sâu sắc:
"Xưa có một linh hồn tu nhiều kiếp đến gõ cửa Thiên Đàng. Thượng Đế hỏi:
– Ai đó?
– Con, linh hồn trả lời.
– Con là ai? Thượng Đế hỏi lại.
– Con là con, linh hồn đáp.
– Ở đây không đủ chỗ cho Ta và con cùng ở, con hãy đi nơi khác! Thượng Đế nói.
Linh hồn ấy trở lại trần gian tu luyện thêm 1000 năm nữa, sau đó lên trời gõ cửa lại. Thượng Đế hỏi:
– Ai đó?
– Con, linh hồn trả lời.
– Con là ai? Thượng Đế hỏi lại.
– Con là Ngài, linh hồn đáp.
Khi ấy, Thượng Đế mở cửa Thiên Đàng cho linh hồn ấy vào".
Dụ ngôn trên muốn nói rằng muốn kết hiệp với Thiên Chúa, con người phải xóa mình đi, nghĩa là phải biết coi nhẹ "cái tôi" của mình, coi nó như không là gì cả. Lúc ấy, "cái tôi" của ta như bị mất cái vỏ bên ngoài chỉ còn cái lõi bên trong là chính Thiên Chúa, nên rất dễ kết hợp với Ngài. Vì Thiên Chúa chính là nền tảng, là cốt tủy cho sự hiện hữu và tồn tại của "cái tôi" mỗi người, đúng như thánh Âu Tinh nói: "Thiên Chúa còn thân mật với tôi hơn chính nội tâm tôi" (Deus intimior intimo meo). Chỉ khi kết hiệp với Thiên Chúa trong tình trạng tự xóa như thế, sự kết hiệp mới trọn vẹn và đem lại hạnh phúc tuyệt vời.
Còn đối với tha nhân, ta chỉ có thể yêu thương và hòa hợp với tha nhân khi ta tự xóa mình. Vì đối với ta, "cái tôi (của ta) là cái đáng yêu" nhất, nhưng đối với tha nhân, "cái tôi (của ta) là cái đáng ghét" nhất. Vì thế, tự đề cao mình, tự làm cho mình nổi bật lên, tự quan trọng hóa mình… trước tha nhân chỉ làm cho "cái tôi" của mình thêm đáng ghét, khiến ta và tha nhân tự nhiên xa cách nhau. Khi tự xóa mình trước tha nhân, coi tha nhân là quan trọng, làm cho tha nhân được nổi bật lên, thì đối với tha nhân, "cái tôi" của ta sẽ trở nên đáng yêu, khiến ta và họ trở nên gần gũi, dễ hòa hợp với nhau. Nhờ đó việc sống chung, làm việc chung trở nên vui thú và hạnh phúc.
***
Tóm lại, trên đời, trong đời sống tâm linh cũng như trong đời sống chung với tha nhân, có một chân lý rất nghịch lý. Đó là càng tự đưa mình lên thì càng bị hạ xuống; và càng tự hạ mình xuống thì càng được đưa lên. Càng tự coi mình là nhỏ bé thì tâm hồn ta càng được bình an, càng dễ hạnh phúc, và ta càng trở nên vĩ đại trước Thiên Chúa và tha nhân; còn càng tự coi mình là vĩ đại thì ta dễ rơi vào bất an, đau khổ, và càng trở nên nhỏ bé trước Thiên Chúa và tha nhân.
Thiết tưởng người Kitô hữu nên theo gương Đức Giêsu sống triệt để cái chân lý đầy nghịch lý này để cuộc sống của mình luôn hạnh phúc và có giá trị cao cả trước mặt Thiên Chúa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh Hanyi7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015