Xung đột bổn phận
Hỏi: Thế nào là sự xung đột bổn phận?
Đáp: Trong đời sống có những bổn phận mà việc thực hiện bổn phận này sẽ làm tổn hại đến bổn phận khác. Ví dụ: Ta có bạn làm việc phi pháp và ta được cảnh sát mời ra để hỏi chứng cớ về người bạn ấy. Vậy ta nói dối để che chở bạn hay nói thật để pháp luật được tôn trọng. Ở đây có một xung đột bổn phận, chúng ta có định nghĩa: "Xung đột bổn phận là ở chỗ có hai hay nhiều bổn phận khắc chế và loại trừ nhau, do đó người ta không thể theo bổn phận này mà không vi phạm bổn phận khác".
Qua định nghĩa trên, cần nhận rõ chỉ có xung đột bổn phận khi:
- Các mệnh lệnh đối đầu nhau đều là bổn phận, chứ không phải một bên là bổn phận, còn một bên là tư lợi, tình cảm. Vì đôi khi tư lợi hay tình cảm cũng có thể đeo mặt nạ bổn phận. Ví dụ cha lấy cớ lo tương lai cho con mà làm điều phi pháp như trộm cắp, lừa đảo. Trong trường hợp này không có xung đột bẩn phận. Để giữ vững đạo đúc, tư lợi và tình cảm phải đầu hàng rút lui.
- Sự đối đầu giữa các bổn phận loại trừ nhau mà không phải là tranh chấp và có thể tìm được giải pháp dung hòa. Ví dụ như vừa muốn đi học để tiến thân về trí thức, vừa muốn đi làm để tự lập. Hai bổn phận ấy muốn chiếm hết thời gian của mình. Ở đây chỉ có tương tranh mà không xung đột. Có thể hòa giải bằng một thỏa hiệp: vừa đi làm bán thời gian, vừa đi học.
Hỏi: Những hoàn cảnh nào thường tạo ra sự xung đột bổn phận?
Đáp: Nếu hiểu bổn phận theo nghĩa trừu tượng và tổng quát, bồn phận chỉ có một và không thể bao hàm xung đột. Nhưng trong cuộc sống cụ thể đa dạng, những bổn phận riêng biệt dễ dẫn đến xung dột bởi nhũng hoàn cảnh sau đây:
a) Khi chúng được xác lập ở những bình diện khác nhau: bổn phận đối với bản thân, gia đình hay tổ quốc… Các bình diện ấy thường không thống nhất nhau mà cách biệt bởi một thứ đạo đức đóng. Ví dụ như trường hợp Từ Thứ về hàng Tào Tháo phải đành chọn hiếu (với mẹ già - bình diện gia đình) bỏ trung (với Lưu Bị - bình diện quốc gia...)
b) Khi đối tượng của các bổn phận có nhũng quyền lợi và sở thích khác nhau. Cảnh sát muốn thi hành luật pháp, còn bạn ta phạm pháp nhưng muốn thoát thân.
c) Khi bổn phận đặt chúng ta trước hai việc trái ngược mà ta không được thực hiện cùng một lúc. Ví dụ: Thúy Kiều không thể vừa dành thân mình để đáp lại tình yêu Kim Trọng vừa bán thân mình để cứu lấy cha.
d) Khi các bổn phận thể hiện những giá trị xung khắc nhau: giá trị mới và giá trị cũ trong một xã hội thay đổi, giá trị cá nhân và giá trị cộng đồng… Ví dụ: cô Loan trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh không thể chọn lựa sự tự do luyến ái (giá trị mới) nhưng phải chịu sự kết hôn theo quyết định của cha mẹ (giá trị cũ).
Sau cùng có lẽ vấn đề giá trị là khía cạnh quan trọng trong ý niệm bổn phận. Do đó Gusdorf đã nhận xét chí lý: "Gọi là xung đột bổn phận thì không đúng, phải gọi là xung đột giữa các giá trị".
Hỏi: Có cách nào giải quyết những xung đột của bổn phận?
Đáp: Lương tri (bon sens) đưa ra một nguyên tắc rất giản dị: Hãy chọn bổn phận nào quan trọng hơn.Vậy vấn đề là xếp loại các bổn phận theo thứ tự về tầm quan trọng. Việc này không dễ dàng nên các nhà luân lý đưa ra một vài quy tắc như sau:
a) Những mệnh lệnh tiêu cực phải đặt trên các mệnh lệnh tích cực. Nói cách khác, những điều cấm đoán phải đi trước các điều khuyên nên làm, vì trước hết phải tránh điều xấu, ác. Đạo đức cấm nói dối và khuyên nên giúp đỡ bạn. Vậy ta không thể vì lý do giúp bạn (phạm pháp hay không) mà nói dối.
b) Một bổn phận có giới hạn rõ rệt đi trước một bổn phận mông lung vô hạn định. Vậy công bằng phải đi trước bác ái. Albert Camus đã nói: "Tôi yêu nhân loại nhưng tôi yêu mẹ tôi hơn".
c) Một bổn phận mà đối tượng có phạm vi rộng hơn được ưu tiên hơn bổn phận mà đối tượng có phạm vi hẹp hơn. Gia đình có ưu tiên hơn cá nhân. Tổ quốc có ưu tiên hơn gia đình.
d) Bổn phận nào có giá trị cao hơn phải được ưa thích hơn. Nên để lại cho con mình danh dự hơn là tiền bạc. Đạo đức khuyên ta đặt những giá trị tinh thần lên trên những giá trị vật chất, những giá trị vĩnh cửu lên trên những giá trị nhất thời, những giá trị tiến bộ lên trên những giá trị thủ cựu, thoái hóa.
đ) Bổn phận nào cần kíp hơn phải được coi trọng hơn. Phải gác bỏ việc nhà để phòng chống bão lụt, nếu thiên tai tràn đến thì việc gia đình sẽ không còn an toàn nữa .
e) Bổn phận nào càng khó khăn càng được coi trọng vì đòi hỏi chúng ta bỏ nhiều nỗ lực. Đó cũng là cách đo giá trị hành vi đạo đức. Ở nhà phụng dưỡng cha mẹ là bổn phận. Ra tiền phương đánh giặc cũng là bổn phận. Bổn phận sau đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh hơn nên có giá trị luân lý hơn.
Thực tế thường phức tạp và những quy tắc trên phải được vận dụng vào thực tế bao gồm nhiều dữ kiện, nhất là nhũng dữ kiện tâm lý thường có xu hướng chủ quan. Ở những tâm hồn trung thực nhất, trong những thái độ luân lý thành khẩn nhất, người ta thường cho rằng việc lựa chọn để ra khỏi xung đột bổn phận thường trực giác hay kinh nghiệm đạo đức hướng dẫn. Những quy tắc trên chỉ có công dụng để tìm sự biện minh về sau.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh