Đảng viên làm kinh tế
Chuyện cho phép Đảng viên làm kinh tế thì cũng giống như chuyện cho phép cha cố lấy vợ là những chuyện rất nhạy cảm. Đã nhạy cảm thì các ý kiến sẽ rất khác nhau. Vô số các ý kiến sẽ ủng hộ và vô số ý kiến sẽ chống lại. Mặc dù, tranhcãi giữa nên hay không nên những chuyện như vậy thì khác gì với việc tranh cãi xem trứng có trước hay gà có trước. Đao to búa lớn thường chỉ làm cho vấn đề trở nên rối rắm, phức tạp, mà những vướng mắc có thật của cuộc sống thì lại không tháo gỡ được.
Thực ra, nên hay không nên chỉ là những quan điểm khác nhau về các chuẩn mực đạo lý. Các chuẩn mực này lại phụ thuộc vào định hướng giá trị chủ quan của từng cá nhân trong xã hội. Và áp đặt các quan điểm về giá trị cho nhau là không bao giờ dễ dàng. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng điều đó là không bao giờ đạt được. Xin kể ra đây một vài ví dụ để minh họa. Ví dụ, sự rộng rãi sẽ có người coi là hào phóng, nhưng cũng có kẻ xem là hoang phí. Hay ví dụ như việc chúng ta người thích ăn mặc giản dị, kẻ thích ăn mặc hợp thời trang. Người thích ăn mặc giản dị mới là đúng đắn hơn.
Nếu chúng ta không thuyết phục được nhau mà chúng ta vẫn buộc phải có một quyết định thì cách tốt nhất là tranh luận và biểu quyết theo đa số. Việc có nên cho phép Đảng viên làm kinh tế hay không cũng cần được xử lý theo cách như vậy.
Thực tế cho thấy cha cố thì cũng có thể lấy vợ và có vẻ như đức Chúa trời không phản đối việc này và Đảng viên thì cũng có thể làm kinh tế.
Thực ra, cha cố thì cũng có nhiều loại và có loại vẫn chưa được cho lấy vợ (như cha cố thuộc nhà thờ Thiên chúa giáo chẳng hạn). Đảng viên thì cũng đa dạng như vậy. Có những Đảng viên có chức quyền và có những đảng viên thường.
Đảng viên có chức quyền làm kinh tế thì lợi ích cá nhân và lợi ích công rấtdễ xung đột với nhau. Đặc biệt, đối với những đảng viên có quyền phân bổ các nguồn (như ngân sách, tín dụng, tài nguyên thiên nhiên, đất đai, thương quyền, hợp đồng mua sắm công...) thì sự xung đột này xảy ra càng dữ dội hơn.Những đảng viên như vậy thì không nên được cho phép làm kinh tế. Hoặc nếu muốn làmkinh tế thì họ buộc lòng phải từ bỏ chức quyền của mình.
Đại đa số các đảng viên là không có chức quyền. Nhiều người trong số họ là thợ thủ công, là nông dân, là bộ đội phục viên.. Những người này từ lâu đã làm kinh tế tư nhân. Có không ít người đã trở thành những ông chủ. Một số đông khác thì vừa là chủ, vừa là thợ. Cho phép những Đảng viên này làm kinh tế thực ra chỉ là việc hợp thức hoá cái đã xảy ra trên thực tế. Cũng giống như ngày xưa chúng ta đã từng hợp thức hóa khoán chui hợp thức hóa chính sách bù giá vào lương...
Lập luận cơ bản nhất chống lại việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân là: đảng viên thì không được bóc lột. Lập luận này là rất khó phản bác. Tuy nhiên, thế nào là bóc lột trong một nền kinh tế thị trường khi giá cả của mọi loại hàng hóa (kể cả hàng hóa sức lao động) đều do quy luật cung - cầu xác định? Nếu sức lao động trên thị trường khan hiếm thì giá lao động sẽ tăng. Ngược lại, dư thừa thì sẽ giảm. Trong một thị trường lao động tự do và minh bạch thì ai dại gì mà bán sức lao động dưới giá thị trường?! Và ngược lại. ai dại gì mà mua sức lao động trên giá đó?! Thế thì bóc lột ăn nhập gì vào quy luật tự nhiên bất biến này của thị trường?
Hơn thế nữa, nếu đảng viên không được làm kinh tế,những người lao động sẽ bị đẩy vào tình trạng khó khăn hơn, chứ không phải là ngược lại. Lý do là sức lao động của họ sẽ bị rớt giá vì cầu trên thị trường sẽ thấp hơn. Trên thực tế, thất nghiệp đang là vấn đề nan giảinhất của đất nước ta hiện nay. Thất nghiệp là gì nếu không phải là tình trạng sức lao động dư thừa ở trên thị trường?
Làm sao để sức lao động hết bị dư thừa nếu có những người muốn mua thứ hàng hóa này thì lại không được cho phép? Chúng ta sẽ lựa chọn cái gì giữa việc bảo vệ một quan niệm chống bóc lột khá mơ hồ với việc bảo đảm công ăn việc làm cho hàng triệu con người có thật?
Về bản chất, lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động bao giờ cũng gắn chặt với nhau. (Trong triết học, điều này phản ánh sự thống nhất biện chứng giữa các mặt đối lập). Trong hoạt động kinh tế, hiệu ứng “được - mất” không nhất thiết bao giờ cũng phải xảy ra. Thay vào đó hiệu ứng "được - được" vẫn có thể được xác lập. Ví dụ, người lao động được trả lương xứng đáng thì sẽ phấn khởi hơn, nhờ đó lao động có năng suất hơn. Lao động có năng suất hơn sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho người sử dụng lao động. Sự anh minh của các nhà hoạch định chính sách nằm ở khả năng tạo mối quan hệ lao động tốt đẹp và bảo đảm điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động có thể thương lượng được với nhau hơn là tìm cách đối lập hai lực lượng này và bắt nền kinh tế phải trả giá.
Đảng viên thì cũng là công dân. Quyền tự do kinh doanh của công dân lại là quyền hiến định. Việc cho phép Đảng viên làm kinh tế vì vậy là rất cần thiết xét từ góc độ pháp lý. Cụ thể hơn, điều này sẽ giúp chúng ta khắc phục được tình trạng quy định của Đảng lại xung đột với quy định của Hiến pháp.
Cuối cùng, việc đảng viên làm kinh tế không chỉ là chủ trương cần thiết cho xã hội mà còn hết sức quan trọng cho chính bản thân Đảng. Đảng chỉ có thể dẫn dắt muôn triệu người dân xây dựng thành công một nền kinh tế hiện đại và phát triển nếu như chính bản thân các đảng viên của Đảng có kiến thức và kỹ năng thực tế để làm việc đó.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt