Tại sao gọi một điều gì đó là tội?
Thưa tiến sĩ Adler,
Tôi biết rằng ăn cắp, nói dối, và giết người là sai trái. Nhưng ta thêm được gì vào cảm thức của tôi về đúng sai khi nói rằng những hành vi này là những tội lỗi? Dường như nó chỉ mang tới cho tôi một cảm thức vô bổ về phạm tội và kinh sợ. “Tội” phải chăng là là một từ ngữ lỗi thời trong kỷ nguyên hiện đại này?
C.H.
C.H. thân mến,
“Tội” về cơ bản không phải là một thuật ngữ pháp lý hay đạo đức. Nó là một thuật ngữ tôn giáo nhắm tới hành vi của con người phạm tới Thiên Chúa. Ngoài ý thức về linh thánh và uy nghi của Thiên Chúa, “tội” chẳng có ý nghĩa gì cả. Ở đâu thiếu vắng ý thức này, thì không có phán đoán về tội, bất chấp điều gì một cá nhân có thể làm hoặc không làm.
Tình trạng có tội cơ bản là sự cách ly của con người với Thiên Chúa. Hành vi tội lỗi là hành vi bất tuân và nổi loạn qua đó con người quay lưng với Thiên Chúa. Con người chống kháng lại ý chí của Thiên Chúa bằng chính ý chí của mình. Những dấu hiệu của ý chí và sự ngạo mạn vô lối xuất hiện khi con người tự đặt bản thân mình và những ham muốn của mình vào trung tâm mọi sự, thay vì Thiên Chúa.
Những dấu hiệu cơ bản của tội lỗi đó được bày tỏ đầy kịch tính trong câu chuyện Kinh Thánh về tội của Adam. Adam và Eve(1)ăntrái cấm không chỉ vì thấy nó ngon lành quá, nhưng còn vì con rắn hứa hẹn rằng ăn trái đó sẽ khiến họ trở nên ngang hàng với Thiên Chúa. Sự ngạo mạn và ham muốn vô lối đã thúc đẩy hành vi bất tuân và nổi loạn nguyên thủy chống lại mệnh lệnh thần thánh này.
Augustinephát hiện thêm những động cơ thầm kín đằng sau tội lỗi. Ông kể cho chúng ta nghe trong cuốn Confessions(“Tự thú”) hồi còn nhỏ vì niềm vui trộm cắp ông đã trộm mấy trái lê như thế nào. Không phải là mùi vị của những trái lê mà là mùi vị của tội lỗi –” nỗi hồi hộp của hành vi chống lại luật lệ của Thiên Chúa”- đã làm ông thích thú. Đây là một dẫn chứng đắc địa về sự ham muốn vô lối nằm bên dưới hành vi tội lỗi.
Tuy nhiên tội lỗi không chỉ biểu lộ trong một số hành vi nào đó bị mệnh lệnh thần thánh cấm đoán. Tội lỗi còn xuất hiện trong thái độ, tính khí, và cảm xúc. Dâm dục và căm thù là tội lỗi, cũng như tội ngoại tình và giết người. Và trong quan niệm Cơ Đốc giáo truyền thống, sự tuyệt vọng và sự buồn chán kinh niên – không đi cùng với bất kỳ hành vi xấu xa nào – là những tội nghiêm trọng. Chúng là những biểu hiện sự cách ly của con người với Thiên Chúa, như sự thiện, ý nghĩa tối hậu, và cứu cánh của tồn tại con người.
Vậy thì, cố nhiên, tội lỗi-sai trái về phương diện tôn giáo không giống gì với tội ác-sai trái về phương diện pháp lý. Luật dân sự chỉ đối phó với những hành vi xâm phạm con người hay xã hội. Nó chỉ quan tâm tới những hành vi công khai, chứ không quan tâm tới những thái độ bên trong hoặc mục tiêu toàn bộ cuộc sống của một cá nhân. Mặc dù nội dung của một số tội lỗi (sin) giống với nội dung của một số tội ác (crime) (giết người, ngoại tình, và ăn trộm, chẳng hạn), nhiều tội lỗi không giống với tội ác gì cả (sùng bái thần tượng, chẳng hạn).
Lý do khiến chúng ta đánh đồng tội ác và tội lỗi là vì cả hai đều dính dáng tới những châm ngôn đạo đức. Nhưng sự sai trái đạo đức không hoàn toàn giống như tội tỗi. Nhận thức và trách nhiệm đạo đức có thể ở ngoài niềm tin tôn giáo và cảm thức tội lỗi. Từ quan điểm tự nhiên thuần túy, khi một người vượt quá giới hạn luật lệ đạo đức – như giết người, cướp của, v.v… - anh ta đang làm điều sai trái và anh ta đang đi trệch khỏi trật tự nhiên của mọi sự.
Tuy nhiên, trong Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo, phá vỡ luật lệ đạo đức cũng coi là có tội. Vượt quá giới hạn luật lệ đạo đức cũng tức là vượt quá giới hạn luật lệ thần thánh. Sự xâm phạm con người là xâm phạm Thiên Chúa. Nó là biểu hiện của sự bất kính, bội giáo, và bất phục tùng đối với Thiên Chúa. “Tôi đã phạm tội chống lại Thiên Chúa và phạm tội trước người,”đứa con hoan đàng đã nói với cha mình như thế. Câu nói này biểu lộ đầy đủ thái độ của một người có tín ngưỡng đối với hành vi sai trái của mình.
Vậy thì, chúng ta có thể nói rằng mọi sự vi phạm luật lệ đạo đức đều là tội lỗi, nhưng chúng chỉ như là những biểu hiện của việc con người quay lưng lại với Thiên Chúa. Nội hàm của tội rộng hơn những vi phạm đạo đức, vì tuyệt vọng và buồn chán là những tội nằm ngoài bất kỳ hành động xấu xa nào. Và sự linh
thánh hệ tại ở một cái gì khác hơn là sự tuân thủ đầy đủ luật lệ đạo đức. Pascal(2)quan sát thấy người có tôn giáo càng sống ngay chính thì anh ta càng tự nhận mình là người có tội. Anh ta là người hiểu rõ nhất anh ta còn cách xa sự linh thánh trọn vẹn biết chừng nào.
Một ví dụ sinh động về điều này được trình bày trong Sách Isaiah(3), theo đó nhà tiên tri Isaiah cảm thấy mình hoàn toàn không xứng đáng và không trong sạch trước mặt linh thánh. Đây là ý nghĩa sâu xa về tội lỗi hơn cả ý nghĩa gán cho những hành vi và thái độ của cá nhân. Chúng ta có thể gọi đó là tội lỗi của thân phận con người, của sự bất xứng con người khi so sánh với Thượng Đế. Học thuyết Cơ Đốc giáo về tội tổ tông – truyền từ Adam đến loài người – là một trong những phương cách mà các nhà tư tưởng từng sử dụng để giải thích tội lỗi của thân phận con người.
(1)Adam và Eve: theo Kinh Thánh, Adam là người đàn ông đầu tiên và Eve là người đàn bà đầu tiên được Chúa tạo ra vào ngày thứ sáu của công cuộc sáng thế.
(2)Blaise Pascal(1623 – 1662): triết gia và nhà toán học người Pháp. Ông được xem là một trong những khối óc vĩ đại trong lịch sử trí tuệ Tây phương. Ông để lại nhiều công trình, trong đó có: Calcul des Probabilités(“Phép tính Xác suất; 1651), Les Pensées(“Tư Tưởng; 1655), Les Provinciales(“18 bức thư gởi về tỉnh”; 1655). Một trong những câu nói nổi tiếng của ông là: “Con người là một cây sậy, nhưng là cây sậy có tư tưởng. Và đó là danh dự của nó.”
(3)Sách Isaiah(Book of Isaiah): một trong những sách tiên tri trong Cựu Ước.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu