Sửa đổi lối làm việc
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh X.Y.Z, viết xong tháng 10 năm 1947. Đây là tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, một tài liệu học tập của cán bộ để tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc…
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lấy bút danh X. Y. Z) viết Sửa đổi lối làm việc vào lúc cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của nhân dân ta chống thực dân Pháp mới bắt đầu. Đảng ta trở thành đúng cầm quyền được hơn hai năm. Sự nghiệp cách mạng đang đứng trước nhiều thử thách. Qua thực tiễn đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền non trẻ, trong hàng ngũ cán bộ cách mạng đã sớm bộc lộ những nhược điểm, sai sót trong phương thức, lề lối làm việc. Nếu chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và sự nghiệp cách mạng.
Nhằm vạch ra những sai lầm khuyết điểm, lệch lạc; chấn chỉnh lại nhận thức tư tưởng, nâng cao trình độ chính trị, lý luận, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác của cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng, Bác Hồ đã viết tác phẩm này . Đây là một tác phẩm rất quan trọng, đề cập nhiều vấn đề lớn, vừa có tính lý luận, tính nguyên tắc, vừa có tính chỉ đạo thực tiến sâu sắc về xây dựng Đảng trong điều kiến Đảng cầm quyền, chăm làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó mặt thiết với nhân dân, và ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ thêm giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây đựng Đảng; góp phần vào việc nghiên cứu, học tập và triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) và cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thiết thực kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 36 năm thực hiện "Di chúc " của Người, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ tái bản tác phẩm Sửa đổi lối làm việccủa Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Mục lục
- Phê bình và sửa chữa
- Mấy điều kinh nghiệm
- Tư cách và đạo đức cách mạng
- Vấn đề cán bộ
- Cách lãnh đạo
- Chống thói ba hoa
Tác phẩm sửa đổi lối làm việc với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay
Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết xong vào tháng 10 - 1947, ký tên là XYZ. Khi đó, bộ máy chính quyền của chúng ta có nhiệm vụ chủ yếu là tập trung sức cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc. Nhưng với tầm nhìn xa, thấu hiểu những vấn đề có quan hệ cốt tử với chính quyền cách mạng, Người đã viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" nhằm xây dựng và bồi dưỡng ý thức chính trị của những người cán bộ, để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng mà Đảng và nhân dân giao phó.
Ngày nay đọc lại tác phẩm này, chúng ta vẫn thấy nguyên vẹn giá trị to lớn của nó, nhất là đối với việc xây dựng và giữ gìn chính quyền cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Sau đây chúng tôi tập trung đề cập một số vấn đề về phê bình và sửa chữa; vấn đề cán bộ, qua tác phẩm Sửa đổi lối làm việc.
I - Phê bình và sửa chữa lối làm việc
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Người chỉ rõ: mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa chữa cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Cũng vì đối tượng phê bình là đồng chí của mình và bản thân mình, mục đích vì sự vững mạnh và tiến bộ của Đảng, nên việc phê bình và thực hiện tự phê bình vừa phải nghiêm túc nhưng cũng rất thân ái: tự phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, châm chọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Người nêu lên những căn bệnh mà người cán bộ thường mắc phải cần phê bình, sửa chữa. Đó là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa.
Một là, bệnh chủ quan. Đó là chứng bệnh nguy hiểm gây tác hại lớn cho cách mạng. Vì mắc bệnh chủ quan, cán bộ, đảng viên ta thường giải quyết công việc xuất phát từ ý muốn chủ quan, mà không căn cứ vào điều kiện cụ thể và quy luật khách quan. Do không biết nhận rõ điều kiện, hoàn cảnh khách quan, khăng khăng làm theo ý mình, nên kết quả thường nhận lấy thất bại. Người chỉ rõ nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông. Người mắc bệnh chủ quan đều coi khinh lý luận, làm việc chỉ theo kinh nghiệm của bản thân, không biết khái quát thành lý luận chung, giải quyết công việc một cách sự vụ, vụn vặt. Đó là bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa. Chủ nghĩa kinh nghiệm chính là một biểu hiện của chủ nghĩa chủ quan, nguyên nhân của bệnh chủ quan, bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa là do kém lý luận hay khinh lý luận. Do đó, có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ.
Vì vậy, không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Ngược lại, lý luận là cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn cuốn lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách. Xem nhiều sách để mà lòe, để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận. Khi phân tích các biểu hiện của bệnh chủ quan như: kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ bệnh lý luận suông là bệnh giáo điều chủ nghĩa. Đó là sự bắt chước kinh nghiệm của người khác, kinh nghiệm của các nước anh em một cách máy móc, mù quáng; xem thường kinh nghiệm của quần chúng, không năng đi xuống cơ sở để học tập và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn...
Hai là, bệnh hẹp hòi. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ và đảng viên còn mắc phải. Trong, thì bệnh này ngăn cản Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa... đều do bệnh hẹp hòi mà ra! Biểu hiện của bệnh hẹp hòi là ham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách đẩy ra. Thế là chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng. Bệnh hẹp hòi trái hẳn với nguyên tắc tập trung và thống nhất trong Đảng. Từ trước đến nay, vì bệnh hẹp hòi mà có những sự lủng củng giữa bộ phận và toàn cục, đảng viên với Đảng, cán bộ địa phương với cán bộ phái đến, cán bộ quân sự với cán bộ mặt trận, cán bộ mới và cán bộ cũ, cơ quan này và cơ quan khác.
Bệnh hẹp hòi của cán bộ, đảng viên còn biểu hiện ở thói tự tôn tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Những cán bộ, đảng viên mắc bệnh này quên rằng: chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước. Họ cố tình không hiểu: so với nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết. Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi. Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết cách xử trí khôn khéo với các hạng đồng bào (như tôn giáo, dân tộc thiểu số, anh em trí thức...). Điều đó tất yếu dẫn đến phá hoại chính sách đoàn kết, cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Ba là, bệnh ba hoa. Ba hoa là nói và viết dài dòng, rỗng tuyếch, dùng chữ cầu kỳ, khó hiểu, không nhằm đúng đối tượng, quần chúng không hiểu, cho nên không có tác dụng gì cả. Người nhắc nhở: cán bộ tuyên truyền bao giờ cũng tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như có ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem.
Như vậy, sửa đổi lối làm việc của Đảng ở các cấp, theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, trước hết phải phê bình và sửa chữa bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh giáo điều, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa... Mỗi chứng bệnh đó là một kẻ địch nguy hiểm. Mỗi kẻ địch bên trong là bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài, trong đó kẻ địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Để chữa khỏi những bệnh trên, ta phải tự phê bình ráo riết và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau. Mỗi cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày rửa mặt. Được như vậy Đảng ta mới thực sự trong sạch, vững mạnh.
II - Vấn đề cán bộ và công tác cán bộ
Cán bộ cách mạng là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Chính phủ rõ, để đặt chính sách cho đúng. Từ định hướng đó, Người khẳng định, cán bộ là cái "gốc" của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Thực hiện tư tưởng của Người, các nghị quyết của Đảng ta đều dành sự quan tâm cho công tác cán bộ. Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII của Đảng xác định, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng. Kinh nghiệm thực tiễn chỉ rõ, mức chính xác của đường lối và việc cụ thể hóa đường lối chính xác, kịp thời cũng như việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng thắng lợi đều tùy thuộc ở chất lượng đội ngũ cán bộ.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người phê bình những khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ, đồng thời đề ra những quan điểm và giải pháp về vấn đề cán bộ.
1 - Về việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ. Vì cán bộ là cái "gốc" của mọi công việc, do đó, huấn luyện cán bộ là công việc "gốc" của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ huấn luyện nghề nghiệp cho cán bộ là khâu đầu tiên. Vì, vô luận cán bộ ở môn nào, làm nghề nào, ngành nào cũng phải học cho thành thạo công việc ở môn ấy; đồng thời, phải nghiên cứu những chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ; học tập những kinh nghiệm thành công và thất bại; học tập lịch sử truyền thống cách mạng và sự phát triển trong từng thời kỳ... Theo đó, việc huấn luyện phải sắp xếp cách dạy và học, kiểm tra kết quả, sao cho cán bộ dần dần đi đến thạo công việc; huấn luyện chính trị, môn nào cũng phải có; cần coi trọng nâng cao kiến thức văn hóa.
2 - Về bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Đảng luôn nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu; trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta.
Theo tư tưởng của Người, Đảng phải biết rõ cán bộ;... xem xét lại nhân tài và tìm nhân tài mới. Phải cất nhắc cán bộ cho đúng; cán bộ phải được tập thể tin cậy, lại bố trí đúng ngành nghề đào tạo, huấn luyện. Một trong những vấn đề Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, đó là đặt đúng người vào đúng công việc thích hợp: Phải khéo dùng cán bộ. Chúng ta phải biết tùy tài mà dùng người. Phải phân phối cán bộ cho đúng. Phải dùng người đúng chỗ, đúng việc.
Khi đã đặt cán bộ thích hợp với công việc, cần tiếp tục giúp họ có điều kiện hoàn thành công việc một cách có hiệu quả: Luôn luôn dùng lòng thân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ; giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm; khen ngợi họ lúc họ làm được việc, và phải luôn kiểm soát cán bộ, giữ gìn cán bộ.
Người nhấn mạnh, đối với công tác cán bộ của Đảng ta, việc xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc và kiểm tra cán bộ là một quy trình liên hoàn, yêu cầu thực hiện nghiêm túc, triệt để. Cán bộ được đề bạt là dựa vào cả quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu. Sau khi nhận chức trách, lại tiếp tục được tổ chức quan tâm theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra. Có như vậy, công tác cán bộ của Đảng mới đem lại hiệu quả thiết thực cho sự nghiệp cách mạng.
3 - Xây dựng cơ chế làm việc cho cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra có năm cách. Cách thứ nhất là chỉ đạo - thả ra cho họ làm, thử cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tùy hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác để phát triển năng lực và sáng kiến. Cách thứ hailà luôn bồi dưỡng cán bộ, nâng cao tư tưởng, trình độ lý luận và cách làm việc cho họ. Cách thứ ba là thường xuyên kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Cách thứ tư là khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục giúp họ sửa chữa, cải tạo. Cách thứ năm là giúp đỡ họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Tùy hoàn cảnh mà giúp họ khi ốm đau, khi gia đình họ gặp khó khăn. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần của cán bộ, và sự thân ái đoàn kết trong Đảng.
4 - Về một số điểm lớn trong chính sách cán bộ. Theo Hồ Chí Minh:
- Cần hiểu biết cán bộ. Vấn đề nhận xét và đánh giá cán bộ là vấn đề không đơn giản. Biết người cố nhiên là khó, tự biết mình cũng không dễ. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu. Người còn chỉ rõ, các chứng bệnh của cán bộ ta như: tự cao tự đại; ưa người ta nịnh mình; do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người; đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Phạm một trong bốn bệnh đó cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông. Vì vậy, nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn công việc của cán bộ. Do đó, nhận xét đánh giá cán bộ phải xuất phát từ hiện thực khách quan, với quan điểm toàn diện, lịch sử cụ thể. Qua đó mới biết chỗ tốt và chỗ xấu của cán bộ, từ đó mà nâng cao chỗ tốt, sửa chữa chỗ xấu.
- Khéo dùng cán bộ. Mục đích khéo dùng cán bộ, cốt để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ. Đồng thời chống những chứng bệnh như: ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. Ham dùng những kẻ nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực... Vì những việc đó, kết quả là dù họ có làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ khiến cho chúng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì "bới lông tìm vết" để trả thù. Như thế, cố nhiên hỏng cả việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo.
- Phải có gan cất nhắc cán bộ. Phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế có tội với Đảng, có tội với đồng bào. Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng, phải căn cứ vào kết quả công việc họ làm, cách nói, cách viết và cách sinh hoạt v.v..
- Thương yêu cán bộ là luôn luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp họ sửa ngay, để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ. Đồng thời phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công của họ. Làm thế không phải là làm cho họ kiêu căng, mà cốt làm cho họ thêm hăng hái, thêm gắng sức. Phải vun đắp chí khí của họ.
- Phê bình cán bộ. Đối với cán bộ sai lầm, chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ, những người lãnh đạo sẽ không biết tìm đúng cách để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Sự sửa chữa khuyết điểm, một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó, nhưng cũng một phần trách nhiệm của người lãnh đạo. Sửa chữa sai lầm cố nhiên cần dùng cách thuyết phục, giải thích, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Nếu không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại.
Cách đối với cán bộ có khéo, có đúng thì mới thực hiện được nguyên tắc vấn đề cán bộ quyết định mọi công việc. Vì vậy, phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm uy tín của cán bộ, của Đảng, mà còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, và trước yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, việc nghiên cứu, tuyên truyền, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc có ý nghĩa to lớn và rất quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên; nhất là phục vụ kịp thời và thiết thực đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội X của Đảng, góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.
Theo Hoàng Quốc Đạt, Tạp chí Cộng sản (Số 89 – 2005)
Nội dung khác
Một cuốn sách có thể thay đổi cuộc đời bạn
03/04/2017Gieo hạt giống cho một trí tuệ sâu sắc hơn!
14/12/2016Tinh thần tự lực: Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì
06/12/2016Bùi Quang MinhBí mật hành trình tình yêu
28/06/2016David NivenHappy book: Hạnh phúc mỗi ngày
05/06/2016Thiện Đức Nguyễn Mạnh HùngBiển cả và Cuộc sống
12/04/2016Bill Gates đã nói
17/08/2005Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm
03/08/2005Minh triết của giới hạn
03/08/2005Nguyễn Trung HiếuMục tiêu (Quá trình liên tục cải tiến)
02/08/2005Tác giả sách: Eliyahu M. Goldratt - Jeff CoxCha giầu, cha nghèo
01/01/1900Trần Cao Dũng