Bài học lịch sử
Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được nghe thầy giáo thuật lại một câu chuyện, có lẽ là một chuyện tiểu thuyết.
Chuyện một ông vua muốn học khôn để trị vị thiên hạ. Ông cho một phái đoàn đi khắp nơi trên thế giới thâu nhập những kiến thức của nhân loại về cho ngài học tập. Phái đoàn đi nhiều năm mới trở về với một đoàn lạc đà chở đầy những sách hay trong thiên hạ.
Nhà vua ước lượng không đủ ngày giờ để học cho hết và truyền cho phái đoàn tóm lược lại những điều chánh yếu để ngài lãnh hội được mà thôi. Lại mất nhiều năm để tóm lược và phái đoàn lại khệ nệ chở sách tới trên một con lạc đà. Nhà vua già thêm nữa và thấy cũng không đủ ngày giờ đọc hết số sách đã tóm lược như trên.
Ngài lại cho phái đoàn về, bảo phải tóm lược thêm nữa. Sau nhiều năm, phái đoàn trở lại với một cuốn sách dày cộm. Phái đoàn đã già và nhà vua cũng gần chết. Ngài không còn đủ sức, không yêu cầu phái đoàn tóm lược thêm nữa mà chỉ nói cho ngài nghe đại ý thôi.
Ông trưởng phái đoàn bèn kính cẩn tâu rằng: “Con người sanh ra đời, chịu khổ đau và sẽ chết. Đó là bí quyết của sự sống, lịch sư muôn đời của nhân loại”.
Nhà vua nghe xong, tỏ vẻ đồng ý rồi chết luôn.
Bernadin de St. Pierre trong cuốn Chaumière idenne cũng nói: “Chuyện đường thời tức là chuyện đã qua và chuyện sẽ tới”.
Câu nói có vẻ triết lý nhưng là một triết lý đơn giản và rẻ tiền. Con người không phải chỉ có vấn đề sống, khổ và chết. Lịch sử không phải là một sự tái diễn không cùng. Lịch sử là những bước tiến của loài người nhưng tiến trên căn bản dân tộc và nhân loại. Tiến tới sự sống chứ không tiến tới cái chết. Văn minh ở trước mặt ta chứ không ở sau lưng ta.
Không ai thoát khỏi luật tạo hóa, có sống và có chết. Không ai thoát khỏi vòng tục lụy, có sướng và có khổ. Những cũng rất nhiều người tự tạo cho mình những cảnh đời éo le, khúc mắc, chỉ biết có mình, chỉ sống cho mình, không đóng góp gì vào cuộc sống chung của xã hội. Những người đó có thể làm vua, có thể làm tổng thống hay quốc trưởng nhưng cũng chỉ như ông vua già trong câu chuyện nói trên.
Ông đã sống, ông đã khổ và ông đã chết. Có điều trước khi chết ông đã sống trên nhung lụa, ăn cao lương mĩ vị và nắm quyền sanh sát trong tay. Chưa chắc ông đã khổ nhưng chắc chắn ông đã làm khổ nhiều người. Những người đau khổ đó nếu cứ nhẫn nhục chịu đựng cam tâm cho số phận của mình thì không có gì đáng ghi vào lịch sử.
Nhưng nếu họ chịu đựng hết nổi và nhất định đứng lên lật đổ nhà vua thì họ đã làm được một lịch sử và nhà vua cũng được đi vào lịch sử như vua Kiệt, vua Trụ, như vua Louis XVI của Pháp, như Nga hoàng… Có hai cách đi vào lịch sử. Một là lưu danh thiên cổ, hai là di xú vạn niên.
Dân tộc Việt Nam có rất nhiều vua chúa nhưng không phải ông nào cũng được truyền tụng. Không nhất thiết phải thành công mới đi vào lịch sử. Hai Bà Trưng thành công rồi thất bại nhưng vẫn là những vị anh thư của dân tộc. Bà Triệu thất bại ngay từ buổi đầu nhưng vẫn là một tấm gương anh hùng và bất khuất.
Dám chống lại một cường dân là phong kiến Trung Hoa, Lê Lợi và Quang Trung đã viết nên những trang sử đẹp. Lê Chiêu Thống được vua Tàu tấn phong và ủng hộ nhưng vẫn bỏ xác ở quê người và là một vết nhơ trong lịch sử.
Vua Gia Long có công thống nhất sơn hà nhưng vẫn không bao giờ hậu thế quên được cái tên của ông đã mở đường cho thực dân Pháp tới đô hộ nước nhà trong gần một thế kỷ.
Vua Bảo Đại từ bỏ ngai vàng và tuyên bố: “Trẫm thà làm dân một nước độc lập chứ không bằng lòng làm vua một nước nô lệ”. Câu nói của ông là một câu nói lịch sử. Nhưng rồi ông vẫn để cho Pháp lợi dụng, nhân danh ông mà thành lập những chánh phủ bù nhìn làm tay sai cho Pháp, kẻ xâm lăng đã dùng một hình thức pháp lý để che đậy một hành động thực dân.
Nhưng hình thức pháp lý (apparence légale) không đương đầu nổi với một chánh nghĩa căn bản (ligimité fonamentale) là cuộc kháng chiến của toàn dân, giành độc lập nước nhà.
Ngày 30/8/1945, phái đoàn của Bảo Đại trước giờ thoái vị
từ điện Kiến Trung đi ra
Sự thất bại của vua Bảo Đại đáng lẽ là bài học cho kẻ tới sau. Nhưng ông Ngô Đình Diệm lại theo vết chân người trước, cho rằng Mỹ mạnh hơn Pháp, được Mỹ ủng hộ thì chắc ăn, không cần tới sự ủng hộ của nhân dân và phủ nhận tất cả công ơn của kháng chiến.
Ông thừa biết chính nhân dân Việt Nam đã đánh đuổi người Pháp và chính Mỹ đã viện trợ cho Pháp để theo đuổi mộng tái chiếm xứ này.
Nhưng ông cho rằng người Mỹ quảng đại hơn người Pháp, không cần lấy nước ta làm thuộc địa, không xâm phạm đến chủ quyền của ta và chỉ cần ta về phe của họ trong thế giới tự do.
Tới khi ông bắt đầu thấy mất tự do trong thế giới tự do, ông mới tỉnh ngộ và muốn vùng vẫy để thoát ly thì chính ông đã bị “thanh toán” một cách thê thảm.
Cựu hoàng Báo Đại đã than rằng: “Lịch sử tạo thành với tôi hay không có tôi” (L’histoire se fait avec moi ou sans moi).
Không biết “cụ Ngô” đã than thở những gì.
Nhưng chắc chắn là cụ đã cảm thấy lạc lõng cô đơn trên mảnh đất quê hương mà cụ đã chặt hết những bàn tay nâng đỡ.
Phải có những người làm lịch sử mới tạo thành lịch sử.
Lịch sử Việt Nam không thiếu gì anh hùng dân tộc nhưng phần nhiều chỉ ghi chép những anh hùng hữu danh. Còn chính những anh hùng vô danh mới là chủ lực trong mọi bước đi của lịch sử. Tổ chức kháng chiến chống phong kiến Trung Hoa là những Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung nhưng chính nhờ hậu thuẫn nhân dân mà những vị này đã làm nên sự nghiệp.
Nếu đa số dân tộc Việt Nam thích đời sống nô lệ, cam tâm thần phục “thiên triều” để cầu an hưởng lạc thì sức mấy mà những vị anh hùng nói trên chống lại sức mạnh của ngoại bang?
Tuy nhiên, kẻ lãnh đạo trước hết phải là người của nhân dân, có nhiều uy tín và khả năng để thực hiện ý chí chung của trăm họ.
Trước khi thành công họ đã đồng cam cộng khổ với mọi người. Không ăn trên ngồi trước, không tính chuyện riêng tư, không lánh nặng tìm nhẹ nên họ được mọi người thương yêu và tín nhiệm. Tả hữu của họ phải là những người trung kiên nghĩa khí dám chịu đựng gian khổ và hy sinh tất cả cho chiến thắng chung của dân tộc.
Do đó mà những ông vua khai sáng đều là những anh quân có quan điểm nhân dân và xứng đáng là những nhân vật lịch sử. Nhưng sau khi sự nghiệp đã hoàn thành, chiếc ngai vàng đã vững thì những người ngồi trên đó phần nhiều chỉ thấy có mình mà quên luôn trăm họ.
Do đó mà những ông vua kế nghiệp phần nhiều cách biệt hẳn với thần dân, chỉ muốn được người ta tung hô nịnh bợ và không thích nghe sự thật. Những công thần khai quốc hoặc bị hãm hại, bị truất phế, hoặc tự lánh xa để bảo toàn sinh mạng. Bọn gian thần làm lộng, triều đình hủ hóa. Chiếc ngai vàng là nơi sản xuất ra hôn quân và là một chướng ngại vật trước bánh xe lịch sử.
Cung điện tại Anh
Bỏ được chiếc ngai vàng là một bước tiến vĩ đại giúp cho nhà lãnh đạo phải thân dân, chịu sự kiểm soát của dân. Nhưng cũng do đó mà họ có sự hậu thuẫn thường xuyên của dân tộc. Thiếu sự hậu thuẫn đó hay làm mất sự hậu thuẫn đó, họ sẽ bị lạc lõng cô đơn. Nếu họ không bị nhân dân quật ngã thì họ cũng bị ngoại bang chi phối.
Lịch sử không có những bước tiến lẻ loi. Nếu chưa là bước tiến chung của loài người thì cũng là bước tiến chung của dân tộc. Đóng góp vào những bước tiến đó, dầu chỉ đóng góp một phần nhỏ, cũng là một việc làm lịch sử.
Hoàng Đế Napoléon thoái vị vào ngày 11-4-1814 tại Fontainebleau
Gia đình Nikolai II - Sa hoàng cuối cùng của Nga thoái vị năm 1917
khi Cách mạng Tháng 10 Nga nổ ra.
Nhà triết học Pascal đã nói đại khái như sau: “Nhân loại phải được coi như một người. Nó tiến mãi và nó sống mãi”. Từ khai thiên lập địa, loài người sống như thú vật, ăn lông ở lỗ, khác chi một đứa trẻ sơ sinh. Lần lần nhờ trí khôn phát triển mà tô điểm cho cuộc đời càng ngày càng tiến bộ, càng văn minh.
Cũng như trẻ sơ sinh theo tuổi trưởng thành mà biến thành người lớn, chúng ta bây giờ phải già dặn và khôn ngoan hơn ông bà ta hồi trước. Con cháu ta sau này cũng phải tiến bộ hơn ta. Những bài học của người trước đã dạy kẻ tới sau.
Những kẻ tới sau phải đi xa hơn người trước. Di sản của tiền nhân để lại quý báu vô cùng nhưng cũng có những lầm lỗi, những dị đoan, những cái không còn thích hợp nữa. Người sau phải bổ túc và sửa chữa.
Do đó mà nhân loại cứ tiến hoài, tiến mãi, tiến từ mặt đất lên không gian nhưng rồi vẫn trở về mặt đất để biến hạ giới này thành cõi thiên đàng của nhân loại, một nhân loại biết sống chung hòa bình, không kỳ thị chủng tộc và màu da, không bóc lột lẫn nhau, không làm khổ nhau và giết hại lẫn nhau. Bá đạo đã lỗi thời. Chủ nghĩa thực dân đã cáo chung. Không còn ngai vàng thì cũng không cần tới vương đạo. Nhưng còn loài người thì còn phải phát triển nhân đạo tới mức tột cùng của nó.
Và phải như vậy mới là hướng đi của lịch sử.
Bài học lịch sử giúp cho con người biết rõ và thấy rõ thân phận của mình. Không thể sống lẻ loi và cần phải gắn liền với xã hội, với dân tộc, với loài người.
Sống lẻ loi là sống ích kỷ và thấy đời sống của mình chỉ giới hạn tới khi nhắm mắt lìa trần. Do đó mà sống vội, sống cuồng, sống hèn, sống nhục.
Gắn liền vào với dân tộc, ta thấy đời sống cao thượng hơn, ý nghĩa hơn, đẹp đẽ hơn và dường như không giới hạn, trừ phi chính dân tộc mình bị tiêu diệt.
Cố nhiên không một dân tộc nào được sống ở ngoài lề nhân loại vì nhân loại bắt buộc phải tiến tới mãi, đúng theo hướng đi của lịch sử.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn