Cần một cương lĩnh xây dựng chế độ dân chủ nhân dân
Trong các thể chế chính trị dân chủ phổ biến ở nhiều nước hiện nay trên thế giới, cương lĩnh của mỗi chính đảng thường là cương lĩnh tranh cử, phục vụ trực tiếp cho việc giành phiếu trong bầu cử. Do đó, các quan điểm, chính sách được trình bày trong cương lĩnh phải đề cập có sức thuyết phục những vấn đề mà xã hội và cử tri quan tâm. Nhân dân - cử tri lựa chọn chính đảng cầm quyền thông qua bầu cử, cũng là thừa nhận cương lĩnh của đảng đó.
Cách làm này, có thể có những mặt yếu như khuyến khích những khuynh hướng và thủ đoạn mị dân, hứa hẹn những điều không khả thi nhưng hợp với tâm trạng cử tri tại thời điểm đó… Nhưng đó vẫn là cách làm khả dĩ tốt hơn cả. Việc lạm dụng chính sách mị dân, hứa suông, nói mà không làm có thể nhất thời lừa phỉnh dư luận xã hội, đưa một chính đảng vào vị trí cầm quyền… sẽ nhanh chóng trở thành gánh nặng, thành mối nợ chính trị mà nó phải trả giá trong thời gian cầm quyền và trong kỳ bầu cử sau.
Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất cầm quyền chính trị và lãnh đạo toàn xã hội, do đó cương lĩnh của Đảng mặc nhiên trở thành cương lĩnh chung của cả đất nước, liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc. Xây dựng cương lĩnh trở thành vấn đề của nhân dân; nhân dân cần tham gia quyết định. Việc này không chỉ có tính đạo lý, mà tiến tới còn phải mang tính pháp lý nữa.
Đưa dự thảo cương lĩnh của Đảng để nhân dân thảo luận, tham gia ý kiến trước Đại hội Đảng là một chủ trương đúng đắn theo tinh thần đó. Những tổ chức và cá nhân có chức năng chuẩn bị dự thảo cần nghiêm chỉnh thực sự tiếp thu các ý kiến xác đáng của nhân dân để bổ sung, sửa chữa; thẳng thắn, công khai tranh luận, trao đổi về những ý kiến khác trên tinh thần bình đẳng, cầu thị. Cần tập hợp và trình bày trung thực, đầy đủ những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau để Đại hội thảo luận và cho ý kiến quyết định.
Mặt khác, để giảm bớt nguy cơ chậm nhận biết và khắc phục những sai lầm, trong điều kiện đảng duy nhất cầm quyền, một mặt cần có sự thận trọng cao nhất khi xây dựng cương lĩnh, mặt khác không nên xem nó là khuôn vàng thước ngọc, nhất thành bất biến. Trái lại, sau khi có cương lĩnh cần thực sự mở rộng dân chủ, lắng nghe các ý kiến phê bình, phản biện, đi sát thực tiễn, lấy thực tiễn kiểm nghiệm cương lĩnh, sẵn sàng bổ khuyết, sửa đổi những điều không sát đúng. Cần xây dựng và thực hiện các quy chế khuyến khích thảo luận thường xuyên, công khai, không hạn chế về các nội dung của cương lĩnh trong quá trình thực hiện.
Cương lĩnh nên tập trung đề cập những vấn đề chiến lược, những nhiệm vụ trung tâm, những giải pháp lớn, dự kiến trong khoảng thời gian mươi mười lăm năm (hai, ba kỳ đại hội). Chưa có điều kiện xây dựng một cương lĩnh với tầm xa hơn.
Không “gài” vào cương lĩnh và những văn kiện có tầm chiến lược nói chung những vấn đề quá cụ thể dù lớn. Cố gắng tránh cách diễn đạt “chiết trung”, nước đôi, mập mờ, sử dụng những khái niệm và thuật ngữ chưa có nội hàm rõ ràng.
Chỉ đưa vào cương lĩnh những nội dung đã được thực tiễn chứng minh
2- Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra quan điểm chỉ đạo là chỉ đưa vào cương lĩnh những nội dung đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh. Một thái độ thận trọng như vậy là sự lựa chọn hợp lý hơn cả trong điều kiện hiện nay, cần thực sự quán triệt đầy đủ và sâu sắc khi tiếp cận và giải quyết vấn đề trung tâm của cương lĩnh là nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Sự sụp đổ của Liên Xô và chế độ XHCN ở Đông Âu đã phủ định mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực đã từng tồn tại gần ¾ thế kỷ, kéo theo sự đổ vỡ của tòa nhà lý luận đồ sộ gắn liền với nó. Nhiều vấn đề một thời được xem là nguyên lý học thuyết Mác - Lênin về CNXH, là quy luật khách quan đã không được thực tiễn khẳng định. Thực tế đó đặt ra yêu cầu xem xét lại một cách khách quan nhiều điều cơ bản trong tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi tới của loài người. Chọn lọc, bảo vệ đúng những giá trị đích thực mà Mác, Lênin và những người khác đã góp vào kho tàng trí tuệ của nhân loại, nằm lẫn trong cái đống đổ nát của toà nhà đã sụp đổ này là một công việc to lớn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều nguồn trí tuệ, đòi hỏi thời gian và sự phát triển của thực tiễn, là một con đường dài và đầy khó khăn.
Từ yêu cầu chỉ đạo thực tiễn, qua tổng kết kinh nghiệm bước đầu, đã có những bước tiến nhất định đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội, nhưng chỉ mới là những khám phá, thể nghiệm ban đầu. Tư duy lý luận mới chưa hình thành, còn rất nhiều mảng trống chưa thể san lấp trong tương lai gần. Đó không chỉ do sự thiếu hụt những trí tuệ kiệt xuất, mà còn vì thực tiễn chưa phát triển đủ mức.
Trong điều kiện đó, vội vàng minh định một cách chủ quan, phiến diện, cái này là chủ nghĩa Mác - Lênin, CNXH đích thực; cái kia là chủ nghĩa Mác - Lênin, CNXH đã bị xuyên tạc, biến dạng là một cách làm cẩu thả, không thể chấp nhận.
Cách làm đó dẫn đến một thái độ cơ hội nguy hiểm: treo biển Mác - Lênin nhưng tùy tiện bán trong cửa hàng các món thời trang; cái gì muốn giữ thì dán nhãn trung thành với học thuyết, cái gì muốn bỏ, cắt xén, thêm bớt thì dán nhãn phát triển. Cách làm đó nhất định cuối cùng bị phá sản về lý luận và thực tiễn, nhưng trước khi phá sản, nó cũng kịp gây tác hại, tổn thất to lớn cho sự nghiệp chung.
Nhận thức về CNXH và con đường đi tới đó vốn đã là vấn đề phức tạp trong lịch sử nhiều thế kỷ. Đã có không ít trào lưu, khuynh hướng khác nhau, thậm chí thù địch với nhau, dán nhãn hiệu CNXH, mà Mác chỉ kịp “điểm danh” một số trong Tuyên ngôn đảng cộng sản. Sau khi ông qua đời đã nảy nở nhiều “chủng loại” mới. Việc nhận diện đúng sai, thật giả tưởng như đã được giải quyết xong về cơ bản cùng với sự ra đời của mô hình XHCN Liên Xô; nhưng lịch sử đã không chứng minh như vậy.
Cũng có nước lớn trên thế giới hiện đang nói về một mô hình XHCN mang đặc sắc của họ (nghĩa là có thể chẳng giống ai, chẳng giống cái gì) và cho đó là chuyện của hàng trăm năm (nghĩa là việc còn đang dò dẫm). Ở Việt Nam, sau nhiều năm sau đổi mới, dù có nhiều cố gắng tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, nhưng cho đến nay, về cơ bản chưa hình thành nhận thức mới về CNXH và con đường đi lên CNXH. Mô hình XHCN đề cập trong dự thảo cương lĩnh nặng về mô tả một xã hội lý tưởng muốn có hơn là thiết kế một chế độ, một hình thái kinh tế - xã hội theo quan điểm chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Ở Việt Nam, cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, được sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước XHCN, đặt vào trong những điều kiện lịch sử nửa sau thế kỷ 20, từng được xem là nằm trong dòng thác cách mạng trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Còn trên thực tế thì gần một nửa thế kỷ sau 1945, đất nước vẫn chủ yếu chiến đấu cho nền độc lập, tự do của mình. Có thể nói CNXH ở Việt Nam trước hết là một lý tưởng và là một chế độ chính trị, từng thời điểm đã phần nào là một thể chế kinh tế bước đầu hình thành theo mô hình Liên Xô. Những thiếu sót của mô hình đó, phần nào bị khúc xạ, che lấp trong điều kiện chiến tranh, đã lập tức hiện hình rõ rệt và tác hại trong điều kiện hòa bình.
Đổi mới 1986 thực chất là sự khước từ mô hình chính trị - kinh tế XHCN kiểu Xô viết. Việc đó không phải do ý muốn chủ quan của ai, do sức ép của thế lực nào, không là sự dao động, mất phương hướng nào mà là hành động chính trị có ý thức, thuận theo yêu cầu phát triển khách quan của đất nước. Vì vậy, sự nghiệp đổi mới đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và tạo nên thành tựu to lớn.
Dứt khoát từ bỏ mô hình XHCN kiểu Xô viết
3- Thực tế đặt ra đối với Việt Nam hiện nay là phải dứt khoát và hoàn toàn từ bỏ mô hình XHCN kiểu Xô viết.
Đối với nhiều người Việt Nam, lý tưởng XHCN được nhận thức đồng nhất với lý tưởng về một xã hội dân chủ, công bằng, tự do, hạnh phúc. Hướng tới một lý tưởng như vậy có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và vẫn có sức mạnh động viên tinh thần to lớn. Nhưng thực tế là chưa có tiền đề, chưa đủ căn cứ lý luận và thực tiễn để xây dựng một cương lĩnh quá độ lên CNXH đúng với ý nghĩa một chương trình chính trị hiện thực.
Nếu cứ theo đuổi ý tưởng đề ra một cương lĩnh quá độ lên CNXH, thì không thể tránh khỏi việc gò ép đưa vào cương lĩnh những điều chưa rõ, chưa được thực tế chứng minh, trái với tinh thần chỉ đạo đã đề ra. Có thể điểm ra một số vấn đề sau đây làm ví dụ:
- Dự thảo phải khăng khăng khẳng định quan điểm xem thời đại hiện nay là thời đại quá độ lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới, xem đó là xuất phát điểm của việc lựa chọn định hướng XHCN ở Việt Nam. Đây là điều chưa rõ, chưa được thực tế chứng minh, đã được phân tích chi tiết hơn trong bài trước.
- Dự thảo phải tiếp tục nhắc lại mệnh đề “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Không ai có thể phủ định sạch trơn giá trị của học thuyết Mác - Lênin, nhưng không thể không thừa nhận rằng học thuyết này chẳng những không toàn bích, mà còn đã bị biến dạng, bị tổn thất nặng nề từ thất bại của mô hình XHCN Liên Xô. Chưa lọc ra được những hạt nhân hợp lý, vượt qua thử thách của thời gian, mà cứ khăng khăng lấy nó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động là việc làm thiếu tinh thần cách mạng và khoa học, chưa rõ, chưa được thực tế chứng minh.
- Dự thảo phải tiếp tục nêu cao vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, một điều chưa rõ, thậm chí thực tế chứng minh điều ngược lại. Khu vực này chiếm một khối lượng vốn và lao động xã hội to lớn, được hưởng ưu đãi hơn so với các khu vực khác, nhưng hiệu quả kinh tế và xã hội thấp, ngày càng bị thu hẹp tương đối so với các khu vực khác, đang phải đối mặt với những nan đề chưa có lời giải. Không nên lẫn lộn vấn đề nhà nước hướng các nguồn lực của mình vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng với vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
- Dự thảo phải tiếp tục gắn mác “xã hội chủ nghĩa” cho một loạt khái niệm mà nội hàm không rõ, chưa được (và chưa thể) xác định như: Tổ quốc XHCN, cơ chế thị trường (định hướng) XHCN, dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN… Nói cho cùng, giả sử có minh định được nội hàm của các khái niệm đó, thì cũng không có ý nghĩa gì, trong khi cả xã hội đang trong giai đoạn hướng tới sự phát triển XHCN (có nghĩa là nó chưa có) mà các thể chế của nó thì đã là XHCN rồi.
Đưa vào dự thảo cương lĩnh những điều như vậy là chưa rõ, chưa được thực tế chứng minh.
- Dự thảo phải tiếp tục đề cập nhiều về một chính sách xã hội đậm màu sắc “xã hội chủ nghĩa” như đảm bảo công bằng xã hội, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo, chính sách giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội… Không thể phủ nhận những nguồn tài lực lớn đã bỏ ra theo hướng này, đã có tác động nhất định đến một số mặt xã hội, nhưng hiệu quả tổng quát chưa rõ, nhiều khi còn là một phân phối lại bất công, không đến các đối tượng cần đến. Trong thể chế hiện hành, nhiều lợi ích cơ bản, chính đáng của công nhân, nông dân, trí thức chưa được bảo đảm. Sự ưu việt “biểu kiến” được xem là làm nên nét riêng của CNXH, chưa được thể hiện, chưa được thực tế chứng minh.
Việc biện hộ cho những điều chưa rõ, chưa được thực tế chứng minh nói trên, là những thiếu sức thuyết phục về lý luận, không được thực tiễn chứng minh.
Rõ ràng một cương lĩnh như vậy khó có sức thuyết phục thực sự, không phù hợp với yêu cầu khách quan đối với sự phát triển của Việt Nam hiện nay.
Tưởng cũng cần nói thêm rằng:
- Mác chưa bao giờ đặt ra vấn đề khả năng đi lên CNXH đối với các nước kém phát triển, chưa công nghiệp hóa như Việt Nam.
- Luận điểm nổi tiếng (thường được cho của Lênin), từng làm xuất phát điểm cho cương lĩnh của các nước kém phát triển đi lên CNXH đề ra những điều kiện tiền đề là: Có hệ thống XHCN thế giới đã hình thành; có sự giúp đỡ quốc tế của các nước XHCN phát triển đi trước. Các tiền đề đó hiện nay không còn nữa và chắn chắn sẽ không xuất hiện lại trong các thập kỷ tới đây.
Tiền đề cương lĩnh xây chế độ dân chủ nhân dân
4- Đất nước đang cần có một bản cương lĩnh xây dựng và hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân. Đây là yêu cầu thiết thực nhất, không mâu thuẫn với lý tưởng XHCN, là cái mà Đảng lãnh đạo cần chủ trương và đưa ra trình bày trước nhân dân trong thời điểm hiện nay, là việc Đảng đã khởi xướng từ 1930, đặt nền tảng từ 1945, đã tạo ra sức mạnh cách mạng to lớn của dân tộc ta. Do những lý do khách quan và chủ quan, việc thực hiện một cương lĩnh như vậy đã bị gián đoạn, đã phải chịu những “quanh co của lịch sử”, là những thử nghiệm theo mô hình Xô viết.
Chính công cuộc đổi mới đã tạo ra được những tiền đề chính trị, kinh tế, xã hội cho một cương lĩnh như vậy. Đã hình thành kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng; hình thành các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, ngoài công hữu, quyền cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế được thừa nhận về pháp lý. Đã có tiền đề thực tiễn để xóa bỏ các ưu đãi về chính sách và nguồn lực đối với khu vực kinh tế nhà nước, từ bỏ việc nhà nước can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm đúng chức năng quản lý nhà nước.
Đổi mới cũng đã tạo ra những cơ sở lý luận đủ làm khung cơ bản cho một chế độ chính trị dân chủ nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh và kinh nghiệm quốc tế. Các văn kiện của Đảng và Nhà nước đã đề cập về nguyên tắc những nét cơ bản nhất về một chế độ như vậy. Đó là chế độ dân chủ, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Đảng lãnh đạo là để thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội. Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng. Đó là đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam không phân biệt chính kiến, tôn giáo… Đảng lãnh đạo hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp, Đảng không làm thay nhà nước; Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng; trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, nghiêm chỉnh thực hiện đúng các nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ..
Phải chăng đó không phải là những nét cơ bản nhất của một cương lĩnh xây dựng chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam?
Vấn đề là thống nhất nhận thức, nhất quán thực hiện đúng những nguyên tắc đã được vạch ra đó trong toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước thông qua các thiết chế, chính sách cụ thể.
Các giai cấp và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước mong muốn có một chế độ như vậy, một chế độ mà dân tộc đã cảm nhận được tính ưu việt và sức mạnh của nó trong những năm tháng đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám.
Với một chế độ như vậy, Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn trong việc hòa nhập với cộng đồng thế giới, giữ vững và phát triển bản sắc.
Nhưng trong nhiều năm nay, các quan điểm đó vẫn chưa được luật pháp hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện đúng những quan điểm cơ bản nói trên.
Sự chậm chạp đó có nhiều nguyên nhân, trước hết là tư tưởng bảo thủ, vẫn kiên trì tư duy cũ, không dứt khoát từ bỏ về thực chất mô hình XHCN kiểu cũ, tìm cách ngụy trang bằng vỏ ngôn từ mới và một số điều chỉnh chi tiết. Những quan điểm bảo thủ đó được gán cho cái nhãn mác đẹp đẽ là trung thành với lý tưởng XHCN, đã bị lợi dụng cho những lợi ích phe nhóm với những đặc quyền đặc lợi phát sinh trong cơ chế thị trường. Nó hù dọa xã hội về mọi tai ương đe dọa, bóp nghẹt mọi ý kiến đòi thực hiện đúng nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước, chụp cho nó mọi cái mũ xấu xa… Đã có một bộ phận miệng nói XHCN, nhưng chân bước đi theo con đường man rợ mà chủ nghĩa tư bản từng bắt buộc phải đi qua vào một thời điểm lịch sử khác, trong giai đoạn tích lũy ban đầu: bóc lột, tàn phá thiên nhiên, bóc lột sức lao động, chiếm đoạt đất đai, của cải, tài sản nhà nước, lũng đoạn quyền lực. Đối với nó, XHCN là một khái niệm hoàn toàn trống rỗng, nhưng nó muốn lợi dụng đến cùng để che đậy bản chất thật và trục lợi, trước khi công khai xé bỏ hoàn toàn khi đủ điều kiện.
5- Một số kiến nghị.
Một là, xây dựng cương lĩnh chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp thu giá trị của các cương lĩnh của Đảng trong 80 năm qua, tham khảo và vận dụng các kinh nghiệm quốc tế. Đó là cương lĩnh chỉ đạo và tổ chức hành động trong khoảng thời gian 15 - 20 năm. Tính tới một thời đoạn dài hơn là chưa đủ điều kiện, cũng không phải là việc cần thiết.
Hai là, nếu từ nay đến Đại hội XI không đủ điều kiện và thời gian vật chất để xây dựng một bản cương lĩnh như vậy, thì Đại hội có thể quyết định một số quan điểm lớn chỉ đạo chuẩn bị chu đáo hơn, đưa ra thảo luận dân chủ công khai trong toàn Đảng, toàn dân, để trình ra Đại hội XII, hoặc Đại hội bất thường tổ chức 2, 3 năm sau Đại hội XI.
Ba là, đồng thời với chuẩn bị cương lĩnh, xúc tiến việc xây dựng Hiến pháp mới.
Bốn là, nếu với nội dung như dự thảo hiện nay, kiến nghị Đại hội XI không thảo luận việc sửa đổi bổ sung Cương lĩnh 1991 như dự kiến. Vì:
- Những nội dung “mới” so với Cương lĩnh 1991 đều đã được đề cập trong các Văn kiện Đại hội Đảng từ sau1991, bản dự thảo hiện nay chỉ tập hợp lại, thay đổi một số cách diễn đạt, đôi chỗ còn mơ hồ hơn.
- Đối với nhiều vấn đề lớn, bức xúc trong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dự thảo hoặc né tránh hoặc giữ cách tiếp cận và quan điểm cũ, nên không có lời giải đáp thuyết phục.
Sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh như tinh thần dự thảo vì vậy không mang lại lợi ích thiết thực, cụ thể nào. Trái lại, một khi Đại hội XI thông qua dự thảo thì cũng có nghĩa khép lại mọi việc thảo luận về cương lĩnh trong hàng chục năm tiếp theo, tạo ra những trì trệ không thể chấp nhận trong điều kiện mới.
Nguồn:Vietnamnet
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá