“Thỉnh thoảng gặp ông già cũng thú!”
Tết Canh Dần, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn hoàn tất những dòng cuối cùng Các nguyên lý của triết học pháp quyền(*), một trong những “tác phẩm gây ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử triết học chính trị” của Hegel. Thêm một công trình kinh điển lừng lẫy với người đọc Việt Nam, và, theo nhận định của ông “đây là nỗ lực sau cùng trong lịch sử triết học, thực sự bao trùm hầu hết mọi chủ đề liên quan đến đời sống thực hành của con người”.
Tán đồng với Kant rằng pháp quyền (bao hàm cả pháp luật và các định chế, quyền lực, chính trị, kinh tế, xã hội) không phải là một sự kiện tự nhiên mà là thành quả do ý chí tự do thiết định nên, Hegel bổ sung: nó còn là hiện thân của ý chí tự do nữa. Sự “hiện thân” ấy bắt đầu từ cấp độ thấp nhất là “pháp quyền trừu tượng” của luật dân sự và luật hình sự (xét con người đơn thuần như là nhân thân có năng lực pháp lý, trong các quan hệ sở hữu, hợp đồng và vi phạm pháp luật). Đi đến kết luận: bảo đảm quyền sở hữu tự do và toàn vẹn là khởi điểm của xã hội hiện đại. Tiếp theo là việc “nội tâm hoá” các quan hệ ấy thành ý thức về thiện ác, về trách nhiệm và lương tâm: nhân thân pháp lý được nâng lên cấp độ chủ thể luân lý. Rồi chủ thể luân lý lại tiếp tục được hiện thực hoá cao hơn, toàn diện hơn trong đời sống đạo đức xã hội, đó chính là tiến trình xã hội hoá trong gia đình, xã hội dân sự, Nhà nước và lịch sử thế giới.
Bàn về gia đình như là hình thức xã hội hoá đầu tiên, Hegel cho rằng “gia đình hiện đại dựa trên hôn nhân tự do và tự nguyện, hướng đến mô hình gia đình hạt nhân”, có nhiệm vụ xã hội là giáo dục con cái. Và giáo dục không gì khác hơn là “biến cái gì xa lạ trở thành chính mình”, nghĩa là, trở nên có năng lực làm chủ bản thân, gia đình và làm người công dân trưởng thành.
Từ trái sang, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn và TS Nguyễn Văn Trọng tại một buổi gặp mặt thân tình.
Một trong những phần “làm thay đổi thế giới” chính là những phân tích sắc sảo của Hegel về tính chủ thể tự do trong xã hội dân sự, tức trong nền kinh tế thị trường, khâu trung gian giữa gia đình và Nhà nước. Thoát thai từ gia đình, những cá nhân thoạt đầu chưa thấy xã hội là môi trường đích thực của mình mà chỉ là một đấu trường, một “hệ thống những nhu cầu” và tìm cách thoả mãn chúng một cách vị kỷ. “Vấn đề xã hội” như là hậu quả tất yếu của xã hội dân sự và cách mạng công nghiệp: sự song hành giữa việc tích luỹ sự giàu có và sự bần cùng hoá trên quy mô lớn, một vấn đề mà các nhà lý luận xã hội về sau chỉ cần tiếp thu và phát triển. Có đủ lý do để xem Hegel là người tiên phong, đặt cơ sở ban đầu cho chủ nghĩa duy vật lịch sử, mặc dù có sự khác biệt cơ bản trong quan niệm và cách giải quyết “vấn đề xã hội” ấy giữa Hegel và K. Marx (1818 – 1883). Theo Hegel, cần nhiều hình thức xã hội hoá phong phú hơn nữa (như các hiệp hội, nền quản trị công cộng và hành chính chuyên nghiệp...) để xã hội dân sự phát triển lên cấp độ cao hơn, đó là nhà nước, đỉnh cao của mọi mối quan hệ cho tới nay.
Trước định kiến quen thuộc rằng Hegel đã “thần thánh hoá nhà nước”, câu hỏi quan trọng đặt ra là: phải chăng nhà nước của Hegel là nhà nước hiện đại, dù quan niệm ấy cách xa ta gần hai thế kỷ? “Để xét xem nhà nước của Hegel có phải là một nhà nước hiện đại hay không, cần phải xét ở hai điểm mấu chốt: nhà nước pháp quyền và việc bảo vệ nhân quyền và dân quyền… Nhà nước pháp quyền là nhà nước hiến định, ít nhất ở ba phương diện: nhà nước không phải là bộ máy quyền lực đơn thuần mà được cai quản bởi pháp luật như là tồn tại – hiện có của ý chí tự do; là nhà nước hiến định theo nghĩa của công pháp đối nội và đối ngoại; và sau cùng, là nhà nước áp dụng luật dân sự và hình sự với quy trình và thủ tục tố tụng minh bạch. Về điểm thứ hai, Hegel luôn xem việc bảo đảm bằng định chế cho những quyền hạn cá nhân cụ thể trong gia đình, nghề nghiệp, sự quản trị và thực thi công lý, hiệp hội và sự đại diện chính trị là ưu tiên hơn những quyền hạn danh nghĩa – chẳng hạn trong Tuyên ngôn nhân quyền (1793)”.
Gần 900 trang sách với lời dẫn nhập dễ hiểu, những chú giải rõ ràng và cả sự hóm hỉnh của người dịch đã thực sự không làm chúng ta bị “ngợp chữ” khi cầm quyển sách dày cộp. Và đúng như người dịch viết: “Hegel rất gần gũi với chúng ta trong những cảm thức về thế giới hiện đại. Ở những chỗ tưởng như ông đẩy chúng ta ra xa ông, thì, từ một cách nhìn khác, ông vẫn còn nguyên vẹn sự thanh tân và quyến rũ của một đại triết gia. “Thỉnh thoảng được gặp mặt ông già cũng thú / Ta cố giữ đừng tuyệt giao với cụ!” (Goethe).
(*) Các nguyên lý của triết học pháp quyền hay đại cương pháp quyền tự nhiên và khoa học về nhà nước của Hegel - Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Bản tiếng Việt do NXB Tri Thức ấn hành tháng 3.2010. Phát hành khắp các nhà sách toàn quốc tháng 4.2010.
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Tóm tắt nội dung 'Triết học Hội Tụ'
06/12/2021TS. Nguyễn Bá TrinhCố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra điều người Nhật vượt trội tất cả các quốc gia châu Á, riêng Singapore mất 10-15 năm mới gần bằng họ
31/12/2018L.TPhật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảDẫn nhập về hạnh phúc
08/06/2016“Sốc” văn hóa – những câu chuyện gia đình không cũ
03/05/2010Thanh AnNhững bài học chiến tranh
28/04/2010Đối thoại với tương lai
09/04/2010Sự hình thành tinh thần khoa học
08/04/2010Nguyễn Vĩnh NguyênTư duy kinh tế thời bao cấp và phá rào, “những bài học lịch sử từ những mũi đột phá”
31/03/2010Đặng PhongTiểu dẫn về sưu tập các tác phẩm của Phan Khôi đăng báo năm 1932
30/03/2010Lại Nguyên Ân