Triết học không còn là đặc sản của những "thiên tài"…

10:52 SA @ Thứ Tư - 01 Tháng Mười, 2008

(TT&VH) - Bùi Văn Nam Sơn sinh năm 1947 tại Vĩnh Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam, từng học khoa Triết, Đại học J. W. Goethe, Frankfurt/M, CHLB Đức. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, khoảng 15 tác phẩm do ông dịch, chú giải, hoặc giới thiệu, chú thích, hiệu đính… được giới học thuật và bạn đánh giá rất cao. Sau ba quyển Phê phán của I. Kant và Hiện tượng học Tinh thần của Hegel, nay ông vừa cho ra mắt bản dịch và chú giải quyển Khoa học Lôgíc của Hegel (NXB Tri thức, 2008). TT&VH có một cuộc trò chuyện đặc biệt với ông.

* Xin ông giới thiệu sơ qua và cho biết tác phẩm Khoa học Lôgíccủa Hegel giữ vai trò thế nào trong sự nghiệp của đại triết gia này?

- Tuy cũng mang tên là Khoa học Lôgíc, nhưng tác phẩm này thường được gọi là Tiểu Lôgíc học vì tương đối ngắn và có tính chất tóm lược, như là phần thứ nhất trong ba phần của bộ Bách khoa thư các khoa học triết học (1830), tức ba bộ phận hợp thành của hệ thống triết học Hegel. Hai phần còn lại là Triết học về Tự nhiên và Triết học về Tinh thần. Còn bộ Ðại Khoa học Lôgíc thì đồ sộ và chi tiết hơn nhiều, được hoàn thành 15 năm trước đó (1816), và cần có thêm thời gian mới dịch và chú giải hết được. Cả hai quyển Lôgíc học này là nền tảng của triết học Hegel và cũng là của phép biện chứng nổi tiếng từ trước tới nay.

* Nội dung và mục đích của quyển sách là gì, nói một cách thật dễ hiểu?

- Mọi ngành khoa học đều bắt đầu với một cái gì được mang lại từ giới tự nhiên, xã hội, lịch sử hay con người, rồi nhà khoa học dùng tư duy để tìm ra những nguyên tắc hầu giải thích những sự việc ấy. Tất cả chúng đều tiền-giả định tư duy là cái gì hiển nhiên, không cần bàn cãi. Trong khi đó, chỉ có triết học và lôgíc học là môn học duy nhất khảo sát xem bản thân tư duy vận hành như thế nào: làm sao đi từ khái niệm này sang khái niệm khác, làm sao nhận diện cái gì là bản chất trong sự việc và làm sao tháo rời những khái niệm ra thành những bộ phận cấu thành của chúng. Như thế, nó làm công việc mà ít ai nghĩ tới, hay nói như Hegel, đó là công việc: tư duy tự suy tưởng về chính mình, và vì thế, nó là phần thứ nhất của triết học, trước khi bàn về tự nhiên và tinh thần (văn hóa, xã hội, lịch sử…). Với việc nhận diện hơn 81 hình thức của tư duy (Hegel gọi là những phạm trù) và cách thức quan hệ giữa chúng với nhau, ta không những hiểu rõ hơn về chính mình mà còn nhờ đó nhận ra rằng thế giới và lịch sử nói chung là cũng có thể thấu hiểu được bởi chúng cũng có cùng một cấu trúc như thế...

* Ở nhiều tiểu đoạn trong sách, nguyên tác viết có mấy dòng, ông chú giải cả một trang, thậm chí dài hơn. Phải chăng những chú giải này là cầu nối giữa Hegel và độc giả Việt Nam hiện nay và cũng vì chúng quá khó hiểu?

- Hegel vốn nổi tiếng là một trong những triết gia khó hiểu và khó đọc nhất. Quyển sách này lại càng khó hiểu vì đối tượng của nó là "tư duy thuần túy" và bản thân nó chỉ là "một chuỗi những luận điểm" rất cô đọng, đúng với tính chất "cương yếu" của một bộ bách khoa thư. Vì thế, để tránh biến tư tưởng thâm sâu của Hegel thành những… "câu sấm", bản dịch sang tiếng Việt, theo tôi, nên đi kèm với phần chú giải tương đối tỉ mỉ.

Các tác phẩm tiêu biểu mà Bùi Văn Nam Sơn đã dịch, chú giải

* Triết học, trong thói quen suy nghĩ của người đọc Việt Nam, gần như đồng nghĩa với "quá khó", nhất là những sách kinh điển như ông đã dịch và chú giải. Vậy, mảng sách triết học nhập môn cần quan tâm như thế nào, thưa ông?

- Mảng sách triết học nhập môn là hết sức cần thiết và bổ ích để phổ thông hóa và dẫn nhập vào những công trình chuyên sâu, nhưng tiếc rằng ở ta vẫn còn quá ít và chưa có hệ thống. Thực ra, phần chú giải của tôi cho các sách kinh điển cũng là một loại nhập môn, nhưng đi kèm với nguyên tác. Người đọc vừa có dịp làm quen sơ bộ với các tác giả lớn qua phần chú giải, vừa có thể tiếp cận họ một cách trực tiếp qua văn bản. Vào cửa (nhập môn), vào sân (thăng đường) rồi vào nhà (nhập thất) là ba bước đi tự nhiên của nghiên cứu khoa học và hy vọng cũng là giải pháp "ba trong một" khi đọc các dịch phẩm này.

* Tạo thói quen để người đọc chịu đọc các loại sách "hóc búa" này là rất khó; ông nghĩ ngoài giáo dục ra, các cơ quan truyền thông nên góp tay vào như thế nào?

- Ðó là góp phần tạo nên bầu không khí hào hứng đối với sinh hoạt học thuật và khoa học nói chung. Ngày nay, triết học không còn là đặc sản của những "thiên tài" cô độc hay của những triết gia chuyên nghiệp. Triết học sẽ dần dần trở thành món ăn tinh thần quen thuộc cho mọi người (tất nhiên người ta vẫn có thể sống mà không cần triết học cũng như có thể hô hấp và tiêu hóa mà không cần biết đến môn sinh lý học!). Nó gắn liền với sự phát triển của khoa học và với lối sống hiện đại, tức với lối sống có suy nghĩ và có cái nhìn toàn diện. Lý thuyết khoa học là sự trừu tượng cấp một; triết học là sự trừu tượng cấp hai, thế thôi. Càng có năng lực tư duy trừu tượng, càng dễ tự định hướng trong mớ bòng bong của cuộc đời muôn mặt.

* Xin cảm ơn ông.

Nguồn:TT&VH
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • “Trà dư tửu hậu” và triết học

    05/05/2015Võ Trần Bình PhươngQuanh năm quay cuồng với chuyện làm ăn, bàn chuyện kinh tế, chính trị, thời sự; cuối năm có lẽ là dịp để mỗi chúng ta chiêm nghiệm, suy ngẫm về cuộc đời... Thử một lần không bàn về chuyện kinh tế, TBKTSG đã “trà dư tửu hậu” với nhà nghiên cứu triết học phương Tây Bùi Văn Nam Sơn...
  • Bàn về Tự do

    09/01/2011Bùi Văn Nam SơnCuốn sách đề cập đến một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là quyền của các cá nhân trong mối quan hệ của họ với cộng đồng và với xã hội. Toàn bộ nội dung tác phẩm Bàn về tự do toát lên quan niệm chủ đạo của tác giả cho rằng, tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do của người khác; rằng, tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân...
  • Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản

    29/09/2008Minh Bùi tổng hợpQuyển "Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản" của Max Weber, đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng, và cho đến nay có lẽ là quyển được đọc và thảo luận nhiều nhất trong ngành xã hội học. Tác phẩm này trở thành một tài liệu giáo khoa không thể thiếu trong các phân khoa học xã hội ở các đại học trên thế giới. Trong công trình này, Weber đi tìm nguồn gốc của sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản cận đại Âu châu nơi ethos và nền đạo đức khổ hạnh duy lý Tin Lành...
  • Từ hiện đại đến hiện đại hóa

    09/04/2008Bùi Văn Nam SơnỞ các nước đang phát triển, “hiện đại hóa” hiểu như một tiến trình phát triển độc lập về không gian và thời gian - có sức hấp dẫn của một sự “đi tắt đón đầu” để phồn vinh nhanh chóng và nhất là, một lần nữa, được giải phóng khỏi ách thống trị tinh thần sau khi thoát khỏi ách thống trị hiện thực của thực dân phương Tây...
  • Dịch giả Mai Sơn: 'Không có thần đồng trong triết học'

    28/07/2007Lê Tân thực hiệnMai Sơn vừa ra mắt cuốn sách "101 triết gia". Quyển sách này cung cấp rất nhiều tài liệu tham khảo bổ ích cho độc giả. eVăn có cuộc trao đổi với ông về công việc biên soạn, dịch thuật về đề tài triết học ở Việt Nam hiện nay...
  • Luyện nội công song song với học quyền cước

    11/07/2006Văn BảyBằng cách dịch, chú giải công phu 2 cuốn sách kinh điển trong lịch sử triết học thế giới: Phê phán lý tính thuần túy của I.Kant và Hiện tượng học Tinh thần của Hêgen và những cuốn khác đang hoàn thành… nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đã góp công sức vào tiến trình giáo dục bách khoa tri thức của thế giới vào Việt Nam...
  • Sách triết nhập cuộc

    12/06/2006Đặng Quý YênViệc các đầu sách triết học được đầu tư và đón nhận như hiện nay cho thấy nhu cầu và thị hiếu của độc giả Việt Nam ngày một cao...
  • “Làm mềm” sách triết

    02/05/2006Lam ĐiềnMột điểm mới, lạ trong xuất bản sách: 36 tập sách dịch về các chủ thuyết triết học, những tư tưởng của các triết gia đều thể hiện theo kiểu... tranh truyện. Tủ sách mang tên “Nhập môn” (NXB Trẻ) nhằm giới thiệu khái lược nội dung tư tưởng của từng triết gia, từng chủ thuyết của các nhà khoa học...
  • xem toàn bộ