Tiểu dẫn về sưu tập các tác phẩm của Phan Khôi đăng báo năm 1932

02:37 CH @ Thứ Ba - 30 Tháng Ba, 2010

Theo kết quả sưu tầm của tôi, bài vở của Phan Khôi đăng báo trong năm 1932 chủ yếu vẫn ở các tờ: báo Đông tây ở Hà Nội, nhật báo Trung lập và tuần báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn.

1

Báo Đông tây (1929-1932) là tờ báo do nhóm Hoàng Tích Chu, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính cùng sáng lập, sau khi ba người này thôi làm trợ bút cho Ngọ báo, vào cuối năm 1929. Chủ nhiệm và quản lý tờ báo là Hoàng Tích Chu (1897-1933), khi đó là nghị viên dân biểu Bắc kỳ. Ban đầu tên báo là Đông tây tuần báo (từ 15.12.1929), ra vào mỗi thứ bảy; từ số 59 (thứ tư 1.4.1931) báo ra 2 kỳ/tuần vào các ngày thứ tư và thứ bảy, và để phù hợp, tên báo rút lại chỉ còn là Đông tây; từ số 174 (thứ bảy 28.5.1932) Đông tây trở thành nhật báo (tất nhiên chưa phải là nhật báo hoàn toàn: hai ngày thứ hai và thứ ba ra chung một số, các ngày còn lại trong tuần mỗi ngày một số). Đang lúc là tờ báo bán chạy nhất nhì tại Hà Nội thì Đông tây bị tịch thu giấy phép; báo dừng lại vĩnh viễn ở số 222 (thứ hai 25 và thứ ba 26 Juillet 1932).[1]

Theo một hồi ký của Dương Thiệu Thanh xuất bản năm 1969 ở Sài Gòn thì lý do báo Đông tây bị đóng cửa là vì báo này lúc đó đang mở một đợt công kích Phạm Quỳnh, khai thác cuộc phỏng vấn của một ký giả Pháp sang thăm Đông Dương đối với Chủ nhiệm Nam phong về đề tài thanh niên Việt Nam. Bài phỏng vấn ấy đăng trên các báo tiếng Pháp ở Đông Dương, được Hoàng Tích Chu trích dịch cho đăng Đông tây và mời các bạn trẻ lên tiếng tranh luận lại trước những nhận xét tiêu cực của Phạm Quỳnh về thanh niên đương thời. Theo một bài của tác giả Tế Xuyên trên báo Phổ thông (xuất bản ở Sài Gòn, 1958-1974) được tác giả hồi ký trên trích dẫn, thì Hoàng Tích Chu “không tính đến khía cạnh chính trị của việc anh làm. Anh đã động đến một nhân vật [Phạm Quỳnh] mà Tổng Giám đốc Liêm phóng Đông Dương Louis Marty bảo vệ. Chính Louis Marty đã trợ cấp cho Nam phong để tuyên truyền cho văn hoá Pháp, cổ võ giới thượng lưu có cảm tình với Pháp. Bỗng nhiên có tờ báo dám động đến người mà Louis Marty che chở: muốn hạ uy tín của người ấy thì thôi rồi đời tờ báo! Tờ Đông tây chưa nhận được bài nào của độc giả trả lời cho Phạm Quỳnh thì đã nhận được thư của phủ Thống sứ Bắc kỳ đóng cửa tờ báo”.[2] Vẫn theo tác giả hồi ký dẫn trên, sau khi Đông tây bị đóng cửa, Hoàng Tích Chu được Chủ nhiệm tờ Thời báo là Phùng Văn Long đồng ý cho chủ trì tờ báo ấy mà không cần phải đứng tên làm Chủ nhiệm; quả nhiên dư luận Hà thành nhận thấy tinh thần và phong cách của tờ Đông tây được làm sống lại dưới nhãn Thời báo. Nhưng chỉ sau chừng một tháng, ra được khoảng vài chục số, Thời báo lại bị tịch thu giấy phép. Hoàng Tích Chu ngã bệnh và mất vào 30 Tết Quý Dậu. [3]

Phan Khôi có bài đăng Đông tây tuần báo từ 1930, nhưng khi ấy là do báo này đăng lại của báo Trung lập trong Nam. Hoàng Tích Chu tỏ ra thích thú nét tinh quái của ngòi bút Thông Reo (bút danh Phan Khôi dùng khi viết hài đàm) trong một bài viết (Ông Huỳnh Thúc Kháng bỏ mất cái bóp-phơi) ở mục Những điều nghe thấy trên Trung lập, ông đã cho đăng lại lên Đông tây tuần báo, hơn thế, còn viết bài hưởng ứng.[4] Phan Khôi cũng có sự đánh giá tích cực đối với “lối văn Hoàng Tích Chu”, lối văn đã có lúc trở thành đề tài tranh cãi của báo giới Bắc Hà, trong khi có tác giả như Ngô Tất Tố lại tỏ rõ sự đánh giá tiêu cực.[5] Cảm tình của họ Phan đối với lối văn viết báo mới mẻ ấy chắc chắn không phải là sự “có đi có lại” giữa một người viết báo với một chủ báo; cảm tình ấy xuất phát từ chỗ cả hai người viết báo này đều đang hướng tới việc đổi mới câu văn lời văn tiếng Việt trên báo chí, tránh những lối diễn đạt dài dòng; trong thử nghiệm đổi mới lối viết, cả hai đều chú ý đưa ngôn ngữ hàng ngày sống động vào câu văn tiếng Việt (Phan Khôi chú ý khai thác ngôn từ hàng ngày của cư dân Trung Nam, Hoàng Tích Chu chú ý dùng lời nói hàng ngày của cư dân miền Bắc). Một trùng hợp thú vị là nếu Phan Khôi khi đóng vai Tân Việt (trên Đông Pháp thời báoThần chung) hoặc Thông Reo (trên Trung lập) để viết hài đàm, đã noi theo lối viết của hai nhà báo Pháp cùng thời là George de la Fouchardière và Clément Vautel, thì Hoàng Tích Chu cũng coi hai nhà báo này cùng với Pierre Bertrand là ba giọng văn mới, đáng học, trên báo chí Pháp đương thời.[6]

Trên Đông tây, Phan Khôi đăng bài nhiều nhất là vào năm 1931. Có những đề tài dường như Phan Khôi thiên về dành cho độc giả ngoài Bắc, ví dụ các vấn đề về Hán học, về Nho giáo; lại có những đề tài khởi thành tranh luận từ chính tờ Đông tây, rõ nhất là cuộc tranh luận về quốc học. Chính bài “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, ‒ bài báo sẽ đi vào văn học sử Việt Nam thế kỷ XX như là điểm khỏi đầu phong trào thơ mới, ‒ Phan Khôi cũng muốn cho ra mắt độc giả ngoài Bắc sớm hơn, bằng việc dành in sớm nhất trên Tập văn mùa xuân (Nhâm thân 1932) của Đông tây ở Hà Nội, trước khi cho đăng trên Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn. Nhìn chung trong năm 1932, Phan Khôi dành phần lớn các bài viết thuộc nhiều loại khác nhau cho 2 tờ báo trong Nam (nhật báo Trung lập và tuần báo Phụ nữ tân văn), cho nên số bài dành đăng Đông tây ở Hà Nội ít hơn, thường là những bài đáp lại dư luận, ví dụ dư luận làng báo ngoài Bắc đối với việc Phan Khôi đưa ra “một lối thơ mới” kể trên, hoặc dư luận về việc Tản Đà công kích Phan Khôi bằng một hành vi độc đáo: làm án chém đối với cái mà nhà thơ này gọi là “cái tai nạn Phan Khôi lưu hành tại Nam Kỳ” (Phan Khôi không trực tiếp đáp lại Tản Đà, nhưng đáp lại một vài ý kiến xung quanh sự việc ấy).

2

Nhật báo Trung lập, trong năm 1932, vẫn là một trong những tờ báo hàng ngày có thanh thế ở Sài Gòn. Tuy nhiên sau nửa năm đầu khá bằng lặng, đời sống báo chí Sài Gòn bỗng trở nên sôi động, đã đưa tới những biến đổi không ngờ của chính tờ Trung lập. Hai sự kiện đáng nói kỹ là vụ xung đột trong giới làm báo ở Sài Gòn liên quan đến Hội chợ Phụ nữ 1932, và việc Trung lập bất ngờ ngả sang phái tả trong sinh hoạt chính trị ở Sài Gòn đương thời.

Hội chợ Phụ nữ diễn ra tại sân thể thao ở đường Lareynière (sau trường Nữ học) từ ngày 4 đến 7 tháng 5/1932, do tuần báo Phụ nữ tân văn và hội Dục anh Sài Gòn chủ trì, là dịp quảng bá tinh thần cải lương nữ quyền mà tờ tuần báo này và những nhà báo gắn bó với nó như Phan Khôi theo đuổi kể từ khi báo này ra mắt. Song hội chợ cũng làm bộc lộ những giới hạn và vấn đề của một phong trào cải lương duy tân vốn khá dè dặt và biết điều. Ngay sau mấy ngày hội chợ, những khác biệt trong cách hiểu nội dung “giải phóng phụ nữ” bộc lộ trong hai bài diễn thuyết tại hội chợ của hai nữ diễn giả (bà Phan Văn Gia và cô Phan Thị Bạch Vân) có nguy cơ đi quá giới hạn một cuộc thảo luận trên báo chí. Nhưng chuyện này chưa xong thì lại nảy tiếp chuyện khác, trầm trọng hơn. Sự bất đồng trong việc tính toán thu chi sau hội chợ đã khiến báo giới Sài Gòn chia làm đôi, một nửa quay sang phê phán gay gắt vợ chồng chủ báo Phụ nữ tân văn lợi dụng hội chợ để kiếm lời, trong khi Phụ nữ tân văn thì ra báo hàng ngày để đáp trả sự phê phán ấy. Những người đứng đầu các báo Trung lập, Sài thànhđịnh tổ chức một cuộc chất vấn mở rộng đối với vợ chồng chủ báo Phụ nữ tân văn (có vẻ giống với các cuộc đấu tố sau này!), may là cuộc chất vấn đó không thành, vì chính quyền thành phố không cho phép; tuy vậy chiến dịch “ném bùn” vào chủ báo Phụ nữ tân văn vẫn được tiến hành rầm rộ và khá dai dẳng trên 2 tờ báo này và một số tờ báo khác nữa tại Sài Gòn. Vợ chồng ông Nguyễn Đức Nhuận chủ báo Phụ nữ tân văn sau một số kỳ ra nhật báo để biện minh và chống trả, thấy ít hiệu quả, đã chọn giải pháp khởi kiện ba người chủ của hai tờ báo: Trần Thiện Quý chủ nhiệm Trung lập, Nguyễn Cao Viện và Bút Trà chủ nhiệm và quản lý Sài thành ra toà vì tội phỉ báng; các chủ báo kia lại vận động lùi ngày xử án; phiên toà từ sơ thẩm đến phúc thẩm kéo dài từ giữa năm 1932 sang năm 1933; rốt cuộc chủ báo Phụ nữ tân văn thắng kiện, trong khi chủ báo Trung lập thuộc phía thua, cho đến lúc bị đóng cửa thì vẫn còn chưa qua hết thời gian toà buộc phải đăng lời kết luận của toà về tội phỉ báng.

Sự kiện Trung lập bất ngờ chuyển sang cánh tả về quan điểm chính trị có nguyên nhân ở việc những nhà báo cánh tả như Nguyễn Văn Tạo và Trần Văn Thạch ở Pháp về, Nguyễn An Ninh ở tù ra, đi tìm cơ sở báo chí làm phương tiện để tham gia sinh hoạt dư luận và đời sống chính trị trong nước, đã điều đình và mua được một phần chủ quyền tờ Trung lập [7]; họ dùng trang chính trị xã hội của Trung lập để tham gia cuộc bầu cử Hội đồng Thành phố sẽ diễn ra năm 1933, cụ thể là vận động cử tri dồn phiếu bầu cho liên danh những ứng cử viên cánh tả, được gọi là những ứng cử viên thuộc “sổ lao động” (Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Thạch).

Hai sự kiện kể trên ảnh hưởng rõ rệt đến tờ báo. Khi nổ ra những tranh cãi về thu chi của Hội chợ Phụ nữ, báo Trung lập chuyển từ bênh vực sang phê phán, Tổng lý Trung lập là Trần Thiện Quý thậm chí còn giữ vai trò đứng đầu phái phê phán. Vì vậy chủ bút Trung lập là Bùi Thế Mỹ, một người được xem là có tên trong nhóm những người thân thiết với chủ báo Phụ nữ tân văn, phải rời bỏ Trung lập, từ chức chủ bút từ 9/6/1932. Những người khác, cũng bị coi là thân thiết với chủ báo Phụ nữ tân văn, như Phan Khôi, Thiếu Sơn…phải thôi xuất hiện tên tuổi trên Trung lập. Tất nhiên mục Những điều nghe thấy của Thông Reo (một bút danh của Phan Khôi) thì vẫn còn lại trên báo này đến tận số chót. Song nhìn chung ở Trung lập xuất hiện một khoảng trống khá lớn và đó là thời cơ để Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh sử dụng tờ báo cho mục đích của mình. Sự thay đổi giọng điệu trên Trung lậplộ rõ dần; đề tài về tranh đấu cho quyền lợi của người lao động, đề tài về quyền bầu cử, v.v. trở thành những đề tài được chú trọng hàng đầu trên trang thời sự của tờ báo; tinh thần tranh đấu phe phái tạo ra những sắc thái ngôn từ khác trước; trong những lời báo giới đối đáp nhau vốn không hiếm trước đấy, đến lúc này bỗng xuất hiện sắc thái gay gắt, thái độ miệt thị công nhiên. Viết trên Trung lập, N. (Nguyễn An Ninh?) gọi B. (Nguyễn Văn Bá) là “tên”, Nguyễn Văn Tạo gọi Đào Trinh Nhất là “tên”, về sau họ thường xuyên gọi “tên Kỳ tên Bá”… – những cách xưng hô này chưa từng thấy trên tờ báo trước đó. Các bài “phông”, bài chính ở các trang, trước kia do Bùi Thế Mỹ viết hoặc dịch, ký tên báo (Trung lập) hoặc tên riêng (Bùi Thế Mỹ, Phiêu Linh), nay không còn; cũng thấy thưa dần bài vở của bộ ba “Phi” (ba cây bút ký là Phi Anh, Phi Bằng, Phi Tinh); chỉ có “Phụ trương văn chương” là nơi mà người cũ Thứ Khanh vẫn đảm nhiệm phần lớn bài vở; còn lại các bài lớn ở trang nhất Trung lập đều là bài của Nguyễn Văn Tạo (có lúc ký N.V.T.), của Kinh lý Phan Thanh, đôi khi có bài ký N.A.N., hoặc N. (hai bút danh của Nguyễn An Ninh). Một ký giả đương thời là Hoàng Tân Dân nhận xét: “Từ ngày ông Bùi Thế Mỹ, ông Phan Khôi thôi Trung lập tới nay, hình như ông Nguyễn Văn Tạo múa gậy vườn hoang thì phải”.[8] Nhận xét này phần nào cho thấy diện mạo thay đổi, ngả sang phía tả, của tờ Trung lập kể từ nửa sau năm 1932.

Bài của Phan Khôi đăng Trung lập năm 1932, như đã nói ở trên, chủ yếu vẫn là ở chuyên mục Những điều nghe thấy. Ngoài ra, ông vẫn dùng họ tên thật Phan Khôi hoặc tên hiệu Chương Dân để ký dưới một số bài viết về xã hội chính trị hoặc những bài viết cho Phụ trương văn chương; tên viết tắt T.R. (của bút danh Thông Reo) cũng được dùng vượt ra ngoài chuyên mục hài đàm để ký dưới một số bài về văn hoá xã hội. Người sưu tầm cũng ngờ rằng có không ít bài Phan Khôi viết được Trung lập sử dụng và ký tên toà soạn (ví dụ trên đề tài về chính trị xứ Trung kỳ, điều mà dường như Phan Khôi không khi nào không nghĩ tới); tất nhiên các bài loại này hầu như cũng chỉ xuất hiện ở Trung lập trước khi Bùi Thế Mỹ từ chức chủ bút.

Nhân tiện cũng xin nói thêm, có những đồng nghiệp trong sưu tầm nghiên cứu đã gợi ý với tôi (LNA) nên xem lại: sau thời điểm Bùi Thế Mỹ từ chức chủ bút Trung lập và Phan Khôi trên danh nghĩa cũng thôi viết cho nhật báo này thì những bài ký Thông Reo trong mục Những điều nghe thấy trên Trung lập liệu có còn là của ngòi bút ông hay đã thuộc về những cây bút khác? Tôi tin rằng đó vẫn là thuộc ngòi bút Phan Khôi trong vai Thông Reo như trước. Ta đã có kinh nghiệm để biết rằng khi Đoàn Trung Còn có biểu hiện vi phạm tên mục “Những điều nghe thấy”trong sách của tác giả này, Thông Reo (Phan Khôi) lập tức phản ứng kịch liệt (Trung lập 30.9.1931: Thông Reo: Ông Đoàn Trung Còn chiếm đoạt của tôi), mặc dù ngay trước đó Đoàn Trung Còn dưới bút danh Mộng Lan được thoả thuận viết thay mục “Những điều nghe thấy” cho Trung lập trong vài chục ngày Phan Khôi có việc đi ra Quảng Ngãi. Ta còn biết, vào năm sau, giữa 1933, Phan Khôi ra Bắc, tờ Văn học tạp chí của Dương Tụ Quán tự ý đăng một bài của ông, nhưng là rút từ báo khác (rút từ Đông Pháp thời báo 1928) chứ không phải do ông gửi tới, Phan Khôi liền lên tiếng về việc này, nói rõ là từ lúc trở ra Bắc mình chưa cộng tác với báo nào ở Hà Nội cả.[9] Từ hai ứng xử “bạch hóa” nói trên của Phan Khôi, có thể đoan chắc rằng: từ tháng 6.1932, nếu toà soạn Trung lập để cho ai đó viết thay nhưng vẫn ký Thông Reo trong mục Những điều nghe thấy, hẳn Thông Reo (Phan Khôi) sẽ lên tiếng về việc bị chiếm tên chiếm đất trên báo chí; và những cây bút thường xuyên có phản xạ trên báo chí chung quanh những ứng xử của ngòi bút Phan Khôi (như Ngô Tất Tố ngoài Bắc, Đào Trinh Nhất trong Nam) sẽ không thể bỏ qua nếu quả là có việc ấy. Nhưng trên thực tế thì không thấy có dư luận gì về chuyện này; Thông Reo vẫn có mặt trên Trung lập như thường, cho đến tận số cuối cùng của nhật báo này (30.5.1933). Xem kỹ mục này ở năm sau, ta có thể ghi nhận là: từ 02.3.1933, ngày mà Nguyễn An Ninh bước vào tòa soạn Trung lập với lời tuyên ngôn ngắn đăng trang 1, thì vai Thông Reo của mục Những điều nghe thấy ở Trung lập mới chuyển từ Phan Khôi sang Nguyễn An Ninh. Đây kết quả một ứng xử có phần ngoại lệ so với tính cách Phan Khôi; và Nguyễn An Ninh cũng chỉ ký Thông Reo trong mục Những điều nghe thấy này đến khi Trung lập bị đóng cửa (30.5.1933). Sau này Phan Khôi sẽ còn trở lại viết dưới bút danh Thông Reo trên Dân báo ở Sài Gòn đầu những năm 1940, hoặc dưới bút danh Tờ-hông-reo trên báo Văn nghệ ở Hà Nội năm 1956.

Trở lại việc Phan Khôi dưới bút danh Thông Reo của mục Những điều nghe thấy từ giữa năm 1932 trên Trung lập, ta sẽ phải nhìn nhận có một “thái độ kép” của Phan Khôi đối với chủ nhân Phụ nữ tân văn: ông vừa tiếp tục viết giúp tờ tuần báo của gia đình này trong khi họ bị một nửa báo giới Sài Gòn công kích; mặt khác, trong vai Thông Reo của mục Những điều nghe thấy trên Trung lập, ông cũng có không ít những bài hài đàm chế diễu “thói con buôn hám lợi” và sự “tham danh” của anh nhà giàu mới nổi. “Thái độ kép” này là không dễ hiểu ở một nhà nho thuần tuý, nhưng lại là có thể hiểu được đối với Phan Khôi, một cây bút coi trọng sự thực, và nhất là lại được trang bị một “mặt nạ tác giả”.[10] Thử kiểm lại, có thể thấy Thông Reo trong mục Những điều nghe thấy của Trung lập bắt đầu công kích vợ chồng chủ nhân Phụ nữ tân văn từ 1.6.1932; lúc đầu các bài phê phán xuất hiện hàng ngày liên tục suốt tháng 6, sau đó đề tài công kích này thưa đi, xen kẽ giữa các đề tài khác, tuy vậy cho đến cuối 1932, đề tài này đôi khi vẫn còn xuất hiện trở lại. Trong khoảng thời gian ấy, trên Phụ nữ tân văn, Phan Khôi hầu như chỉ cho đăng các loại bài tạp trở, các loại bài về kiến thức. Thông Reo trong mục Những điều nghe thấy của Trung lập lại tỏ ra không nể nang thậm chí đối với ba “ngôi sao làng báo” gắn với Phụ nữ tân văn (gồm Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ, Phan Khôi). Thủ thuật “ngó lơ” thậm chí với chính mình ấy được dùng ngay khi ông công bố loạt bài giảng Hán văn độc tu. Vẻ ngờ vực chút ít của ký giả Thông Reo đối với tác giả Phan Khôi càng tạo nên độ cứng của chiếc mặt nạ mà tác giả đang đeo. Những nội dung mà Thông Reo phê phán “hãng buôn Phụ nữ” của vợ chồng Nguyễn Đức Nhuận chắc hẳn không phải là tùy thời hùa theo dư luận, trái lại, thể hiện khá rõ sự đánh giá của Phan Khôi đối với một kiểu người khác mà dù ông cần cộng tác, ông vẫn giữ được khoảng cách, giữ được sự nhận định tự do và chủ động của một người quan sát và phân tích xã hội.

3

Về tuần báo Phụ nữ tân văn. Ở trên đã phần nào nói tới tuần báo này trong năm 1932; có vẻ như tờ báo đã lên đến đỉnh vinh quang, bắt đầu gặp khổ nạn, phải đối diện với sự lăng nhục từ phía các đồng nghiệp.

Thật ra, không chỉ phần lớn các nhà nghiên cứu thời sau mà ngay cả những người cùng thời cũng đều nhận rằng Phụ nữ tân văn là một trong số không nhiều tờ báo tuy chỉ tồn tại trong thời gian tương đối ngắn (1929-1935) nhưng thành công rõ rệt. Tờ báo nêu ra vấn đề phụ nữ trong thời hiện đại, nêu yêu cầu đổi mới đời sống người phụ nữ Việt Nam (có học vấn rộng rãi, tri thức mở mang; hiểu rõ thiên chức của mình trong gia đình và ngoài xã hội; biết trọng chức nghiệp để tự lập, tự nuôi sống mình; biết trọng luân lý phong tục truyền thống, giữ cái hay bỏ cái dở; “biết lịch sử để yêu nước, biết vệ sinh để nuôi con, biết luật pháp để giữ mình, biết cách thức để làm việc…”),[11] làm phong phú nhận thức cho công chúng về các phương diện của vấn đề phụ nữ trong xã hội, trong lịch sử, trong văn hoá. Tờ báo có lúc đã trở thành diễn đàn cho nhiều vấn đề hệ trọng khác như lịch sử tư tưởng, các vấn đề học thuật, văn hoá, ngôn ngữ, v.v… Là tờ báo tư nhân, Phụ nữ tân văn sớm quan tâm đến các hoạt động xã hội bên ngoài trang báo. Ngay năm đầu, báo đã lập học bổng cấp cho du học sinh sang Pháp. Hội chợ Phụ nữ ở Sài Gòn năm 1932 trong thực tế là do báo Phụ nữ tân văn đề xướng và chủ trì; trong những ngày hội chợ không chỉ có bán hàng mà còn có nhiều hoạt động khác, nhất là các cuộc diễn thuyết của các nữ diễn giả (cô Nguyễn Thị Kiêm diễn thuyết về nữ lưu và văn học, bà Phan Văn Gia và cô Phan Thị Bạch Vân diễn thuyết về đề tài giải phóng phụ nữ), có quyên góp cứu giúp nạn dân bão lụt ở vùng nam Trung kỳ, v.v… Tuy nhiên, khi hội chợ kết thúc, tiếng vang “hội chợ thành công” hầu như chưa lên mặt báo thì những điều tiếng không hay đã nổi lên tới tấp. Có lẽ, một ứng xử thiếu cân nhắc của ông chủ báo Phụ nữ tân văn đã dẫn đến thảm họa.

Theo các nguồn tin của báo chí thì tại hội chợ, ông Nguyễn Đức Nhuận (chủ nhân báo Phụ nữ tân văn) có đưa bán mặt hàng bông giấy (confetti), ban đầu nói là tiền thu được từ mặt hàng này sẽ đưa vào quỹ của hội Dục anh, nhưng đến khi quyết toán hội chợ, ông Nhuận lại bỏ mặt hàng này ra ngoài, nói là số lãi không đáng kể. Những người tham gia ban tổ chức hội chợ (trong đó có Diệp Văn Kỳ, Trần Thiện Quý, v.v…) không tán thành, cho là việc gian lận; họ nói mặt hàng ấy bán rất chạy nên lãi hẳn khá; họ cũng nói những người đứng bán mặt hàng ấy (là vợ con các chủ báo, các ông nghị viên, …) đã làm việc thiện nguyện, và như vậy là đã bị lợi dụng để đứng bán hàng không công cho tư nhân kia, tức là bị “bóc lột”. Từ xa ngoài Bắc, không biết do nguồn tin nào, nhà báo Hoàng Tích Chu (Chuyện hội chợ // Đông tây, s.198, 26 Juin 1932) lại biết được rằng: chẳng qua số tiền 14 ngàn đồng mà chủ báo Phụ nữ tân văn thu được từ Hội chợ này đã khiến các chủ báo kia nổi cơn ghen tức!

Nhân việc bão lụt ở Nam Trung kỳ gây thiệt hại nặng, ông Nguyễn Đức Nhuận (chủ báo Phụ nữ tân văn), vốn là thành viên hội cứu tế nạn dân, định đi Bình Thuận để điều tra về tình trạng thiệt hại thì các báo đưa ra một điện văn của hai ông nghị miền Trung nói nạn dân miền Trung tẩy chay ông Nhuận vì tiếng xấu của ông trong Hội chợ Phụ nữ. Hoạt động tẩy chay vợ chồng chủ báo Phụ nữ tân văn lan rộng trong báo giới Sài Gòn. Hàng loạt bài với ý kiến chỉ trích, thoá mạ, được đăng trên các báo ở Sài Gòn như Lục tỉnh tân văn, Công luận, Sài thành, Trung lập, Đồng nai (chữ Việt), Le Phare Indochine, Impartial, La Dépêche, Opinion, Courrier de Saigon (chữ Pháp); chỉ duy nhất có tờ Đuốc nhà Nam là không lên tiếng. Tác giả N.A.N. (Nguyễn An Ninh?) nói với phóng viên Công luận: “đồng bào ta vào chợ đêm [= hội chợ phụ nữ] là bị gạt, mắc “điếm”, phải “lừa”.[12] Ngay ở Hà Nội cũng có thể đọc được tin này: trong buổi diễn tuồng Tơ vương đến thác tối thứ bảy 2/7/1932 ở Nhà hát Tây Sài Gòn, giữa hai màn hát thấy có hai người mang những tập giấy đi phân phát cho khán giả: đó là “giấy xúi tẩy chay vợ chồng Nguyễn Đức Nhuận và báo Phụ nữ tân văn” do nhà in Bảo Tồn in ra để quảng cáo cho cuốn sách “Cái án Hội chợ Phụ nữ” sắp xuất bản![13] Hai ông chủ của hai tờ Trung lập và Sài thành còn sắp đặt một cuộc meeting vào 17 Juillet 1932 để hạch tội vợ chồng chủ nhân Phụ nữ tân vănvề cái án hội chợ, nhưng không thành vì bị toà Đốc lý thành phố ngăn cấm.[14]

Để chống lại luồng dư luận lên án mình, chủ nhân Phụ nữ tân văn ra báo hàng ngày, từ 3 Juin 1932 (số 133) đến 2 Juillet 1932 (số 157), bên cạnh các số tuần báo vẫn ra thường kỳ, với nội dung bài vở là thanh minh với dư luận, đáp lại những lời lên án của các báo khác. Nhưng hoạt động này xem ra không có mấy tác dụng thực tế. Rốt cuộc thì các ông chủ báo đem nhau ra toà. Đây là lời thuật từ xa của báo Đông tây ở Hà Nội:

“Sau cuộc Hội chợ Phụ nữ mà ông bà Nguyễn Đức Nhuận đứng chủ trương, các báo trong Nam nhất là 3 tờ Công luận, Trung lập và Sài thành công kích sự gian lận trong việc công kia, – không biết sự gian lận có thực hay hư? – Kẻ nói đi người nói lại, nay có tin ông bà Nguyễn Đức Nhuận chủ nhiệm Phụ nữ tân văn đã đem nhờ pháp luật xử cho việc này. Ông Nhuận kiện Trung lập, Công luận, Sài thành; ông Nhuận đòi bồi thường danh giá 20.000 đồng. Ông Nhuận có trạng sư Trịnh Đình Thảo biện hộ. Đồng nghiệp kiện đồng nghiệp là việc ít thấy xảy ra trong làng báo…”[15]

Như đã nói ở trên, do Chủ nhiệm Trung lập quyết liệt chống chủ nhân Phụ nữ tân văn, từ đầu tháng 6.1932, Bùi Thế Mỹ từ chức chủ bút Trung lập, Phan Khôi, Thiếu Sơn và một số người được xem là thân cận với tờ tuần báo đang bị mạt sát kia cũng ngừng góp mặt trên Trung lập. Một số bài Phan Khôi đang đăng dở trên Phụ trương văn chương của Trung lập bị ông rút về đưa đăng Phụ nữ tân văn, chẳng hạn loạt bài dịch Sử ký của Tư Mã Thiên, phần Thích khách liệt truyện. Tuy vậy, như tôi đã phân tích ở trên, Phan Khôi trong vai Thông Reo với mục Những điều nghe thấy trước sau như nhất vẫn hiện diện đều đặn trên tờ báo này.

Người ta có thể hỏi: vợ chồng chủ nhân Phụ nữ tân vănphải chăng không hề hay biết việc Phan Khôi dưới bút danh Thông Reo đôi khi vẫn phụ hoạ với phe công kích mình? Tôi (LNA) nghĩ rằng có nhiều khả năng là họ biết chuyện ấy, nhưng họ tôn trọng nhà báo cộng tác với họ; vả lại Phan Khôi luôn giữ khoảng cách cần thiết: ông không làm việc trong toà soạn tờ này hay tờ kia, chỉ giữ vai trò người cộng tác, viết bài bán cho toà soạn đăng báo để hưởng nhuận bút. Trong vụ việc sau Hội chợ Phụ nữ, khi ông Nguyễn Đức Nhuận định đi “điều tra nạn nhân bão lụt” ngoài miền Trung, thậm chí bằng tiền túi của mình, bất chấp dư luận phản đối, thì ít nhất Phan Khôi cũng đã công khai nói đến tính hiếu danh của chủ nhân tờ báo mà mình cộng tác.[16] Như vậy nếu Phan Khôi mang một “mặt nạ tác giả” để tiếp tục bày tỏ thái độ ấy của ông, hẳn cũng không phải là điều không thể chấp nhận. Tất nhiên chuyện này cũng chỉ làm rõ thêm “thái độ kép” của ông trong sự kiện hậu Hội chợ Phụ nữ mà thôi.

Phần bài vở Phan Khôi đăng Phụ nữ tân văn trong năm 1932 là phần nhiều nhất so với lượng bài vở các năm khác ông đưa đăng tuần báo này. Sau đó, hầu như suốt năm 1933, trên tuần báo này ông không đăng bài nào. [17] Một điểm nổi bật là đề tài xã hội chính trị trong các bài viết của ông trên tuần báo này trong năm 1932 ít hơn hẳn so với các đề tài về văn hoá. Ông tiếp tục viết về giới chính trị bàn chuyện lập hiến, về quan hệ giữa các ông nghị viên quản hạt, về các vấn đề phụ nữ, hôn nhân và gia đình, về phong tục tập quán, nhưng nổi bật hơn lại là những việc như đưa một lối thơ mới “trình chánh” với làng thơ, trên thực tế là đề xướng phong trào thơ mới, phong trào sẽ đưa thơ tiếng Việt bước vào một thời kỳ phát triển mới. Ông cũng đưa ra lối tự học chữ Hán cho công chúng, gần như đồng thời với việc kiên quyết phản đối những ai đề xuất dạy chữ Hán cho bậc tiểu học phổ thông; mục Hán văn độc tu của ông đăng liên tục vài chục kỳ trên tuần báo này. Số lượng bài “tạp trở”, dịch thuật ông đưa đăng Phụ nữ tân văn trong năm này cũng nhiều hơn hẳn các năm khác.

***

Trở lên là sơ lược về các tờ báo mà Phan Khôi có bài đăng trong năm 1932, theo kết quả tìm hiểu và sưu tầm của tôi, tính đến khi soạn thành cuốn sách này.

(Phần phụ lục II của sách này, gồm các bài của tác giả khác viết về Phan Khôi trong năm 1932, được rút từ nhiều tờ báo khác nữa, như Nam phong, Thực nghiệp dân báo, Ngọ báo, An Nam tạp chí, Công luận, song người biên soạn chưa kịp làm dẫn giải về các tờ báo này)

Các sưu tập báo chí mà tôi đã khai thác tư liệu dùng cho sách này là:

  • sưu tập báo Đông tây tại Thư viện quốc gia Việt Nam ở Hà Nội;
  • sưu tập báo Trung lập tại Thư viện quốc gia Việt Nam ở Hà Nội;
  • bản chụp vi phim (microfilm) báo Phụ nữ tân văn ở Thư viện đại học Berkeley, California, Hoa Kỳ; đây là bản chụp vi phim sưu tập báo này lưu ở Thư viện quốc gia Pháp, do ACRPP (Association pour la conservation et la reproduction photographique de là presse / Hiệp hội bảo quản và tái chế ảnh báo chí) ở số 4 rue de Louvoir, Paris (Pháp) chụp, in tráng và phát hành.

Trong việc sắp xếp bài vở ở sưu tập này, người biên soạn vừa theo thứ tự thời gian, vừa gom nhóm bài vở theo một số mảng đề tài, thể tài: mảng các bài về xã hội chính trị đưa lên trước; thứ đến mảng bài về văn hoá xã hội, ngôn ngữ, văn chương; mục Những điều nghe thấy cũng như Hán văn độc tu là những tác phẩm riêng; các bài tạp trở, dịch thuật đặt ở cuối.

Ngoài các bài đã biết rõ là của tác giả Phan Khôi, còn một số bài tồn nghi, người sưu tầm xếp vào Phụ lục 1. Những bài của các tác giả khác đối đáp với Phan Khôi hoặc nói những điều có liên quan đến ông, người sưu tầm xếp vào Phụ lục 2.

Về văn bản, sưu tập này tôn trọng cách viết của tác giả vốn nghiêng về về phương ngữ Nam kỳ, có thể do phần lớn bài vở của ông thời gian này đăng ở báo chí Sài Gòn. Nói rõ hơn, đây là sưu tập những bài đăng báo, người sưu tầm tôn trọng dạng đăng báo của mỗi văn bản. Những chữ ngờ là in sai, tôi sửa lại và có ghi chú dạng gốc (= dạng đăng báo); những từ khó hiểu đối với người thời nay, tôi cũng tìm tài liệu để tra cứu và chú thích; tuy vậy phần chú thích này cũng chỉ giới hạn ở những trường hợp thật cần thiết chứ không thể làm thật nhiều như đối với văn bản dành cho công chúng phổ thông, vì như vậy khối lượng từ ngữ cần chú thích sẽ quá lớn.

Các chú thích ghi số là của bản gốc (nguyên chú)

Các chú thích hoa thị (*) là của người biên soạn.

20. 12. 2006

L.N.A.


[1]…“Hôm thứ ba 26 Juillet mới rồi, ông chủ nhiệm báo Đông tây đã thình lình tiếp được nghị định cho hay rằng Chánh phủ đã thâu lại cái giấy phép của Đông tây […] Theo tờ báo Annam Nouveau ở Hanoi thì có một bữa kia, báo đưa đi kiểm duyệt chưa kịp đem về mà ở nhà ông Hoàng Tích Chu lại cho chạy in lần đi được 700 số. Kịp đến lúc báo kiểm duyệt về thì thấy có một bài bị bỏ hết hai câu. […] than ôi! với cái sức thông minh, với cái tài lanh lợi, với bao nhiêu tư cách đáng khen đáng chuộng như thế kia, hôm nay ô. Hoàng Tích Chu cũng đành phải bó gối khoanh tay mà nhìn xem cho tờ Đông tây của mình bị rước đi một cách rất thình lình”. (B.T.M.: Văn đàn tiêu tức //Phụ nữ tân văn, Saigon, s. 163 [11 Août 1932], p.12). Theo một nguồn khác thì “trong năm 1932 Đông tây đăng bài thơ Cái chày ám chỉ việc Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định dùng chày đánh vào đầu gối phạm nhân, báo bị coi là vu khống người nhà nước nên bị đóng cửa” (Hoàng Văn Quang: Người nối nhịp cầu báo chí Đông Tây // An ninh thủ đô, Hà Nội, 23/5/2007).

[2] Tế Xuyên: Hoàng Tích Chu, cây bút mới // Phổ thông, S.G., s. 64&65; dẫn lại theo Dương Thiệu Thanh (1969): Mấy chàng “trai thế hệ” trước (tác giả tự xuất bản), Sài Gòn, 1969, tr.30.

Lưu ý: Đối chiếu với bài đăng báo thì người phỏng vấn Phạm Quỳnh là Jean Dorsenne (chứ không phải là Pierre Mille như Tế Xuyên nhớ), phóng viên tờ Petit Parisien, sang Việt Nam vào dịp Bộ trưởng Thuộc địa Paul Reynaud thăm Đông Dương. Nhà báo người Pháp ở Việt Nam khi ấy là A.E. Babut viết bài trên Tạp chí Pháp-Việt thuật lại nội dung cuộc phỏng vấn đó của Dorsenne trên tờ Petit Parisien (chứ không phải một tờ báo chữ Pháp ở Đông Dương như Tế Xuyên nói trong bài) đồng thời tỏ rõ sự không đồng tình với Phạm Quỳnh trong cách đánh giá của ông này đối với thanh niên Việt Nam du học từ Pháp trở về. Báo Đông tây dịch đăng bài ấy của A.E.Babut (Nên tin cậy ở thiếu niên trong nước // Đông tây số 173, thứ tư 25 Mai 1932), trong đó có những đoạn:

…“Ông Phạm Quỳnh đã phàn nàn: ông không theo kịp thời buổi này.

Ông trạc độ bốn mươi nhăm tuổi, đang vào lúc trí tuệ sung túc; người cao và mềm mại, mắt lóng lánh đằng sau đôi kính trắng, miệng nhạo đời.

“Ông thử nhìn tôi xem, ông Phạm nói, tôi chưa hẳn đã già, phải không? Vậy mà tất cả những thiếu niên ở Pháp về, không kiêng nể ai, không hiểu những ý kiến của tôi. Theo ý họ, tôi là người không được hăng hái cho lắm…”

Rồi ông nói một giọng chua cay: “Họ đã coi tôi là một người già lão rồi! Những hạng thiếu niên ấy đều là những ranh con vô giáo dục. Họ chẳng biết kính ai cả; họ muốn phá hoại tất cả mọi việc, họ tự đắc, tưởng đã đủ tài đức để tự lập”.

…Nhưng về những lời ông Phạm Quỳnh xét đoán thiếu niên Annam ngày nay, chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi vẫn biết đã lâu, ông Phạm Quỳnh không ưa không mến thiếu niên cho lắm. Về việc ấy, có lẽ riêng phần ông cũng hơi có sự cay đắng do ở sự người ta phạm đến tính tự trọng của ông và làm ông thất ý. Chắc hẳn ông Phạm Quỳnh cũng đã có hy vọng làm hướng đạo cho thiếu niên Annam. Ông thấy họ không theo nên ông đâm ghét”.

Trong lời giới thiệu bản dịch bài trên này, báo Đông tây cho biết: “Riêng về phần Đông tây, tờ báo của thanh niên sẽ có lời đáp lại ông Quỳnh. Và cột báo mở rộng cho tất cả những ai thanh niên muốn ngỏ ý kiến với nhà “học phiệt” ấy”.

Đông tây số 177 (thứ năm 2 Juin 1932) có bài hài đàm của Lãng Nhân với nhan đề nhại “Ranh con mất dạy” kể 4 tên tuổi lớn, hồi trẻ bình thường, về sau thành danh và kết luận:

“Erasme, Racine, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ, ví hồi nhỏ có gặp nhà “học phiệt” kia thì tiên sinh kính trắng đã lại bĩu cái môi mà lẩm bẩm: – Đồ ranh con mất dạy!”

Đông tây số 181 (7 Juin 1932) có mấy dòng ngắn Tin tức về ông Phạm Quỳnh, nhắc lại việc Đông tây hứa sẽ trả lời nhận xét của ông Phạm “thanh niên du học ở Pháp về đều là hạng ranh con mất dạy”. “Nhưng Đông tây chưa nói ra là vì còn muốn đợi xem ông Phạm Quỳnh dùng cách nào đối với ông Babut để chuốc lại một lời thất thố. Tạp chí Pháp Việt đã ra lâu rồi mà chưa thấy nhà “học phiệt” trả lời, đủ thấy rằng chỉ mới một bài của ông Babut, ông Quỳnh cũng đã không vin vào lý nào mà tạ tội được. Vậy, cho lời nói của ông Phạm chỉ là một lời nói “lỡ mồm”, Đông tây từ nay xếp câu chuyện ấy”.

Tuy vậy, sau đó khoảng vài chục số, Hoàng Tích Chu lại phải lên tiếng trả lời Trần Khánh Giư (vì trên báo Phong hoá ông này chê chủ nhiệm Đông tây là người đã từng kiếm cơm ở tờ Nam phong mà nay lại nói phạm đến ông chủ của nó): “Tôi đã làm cho Nam phong. Nếu tôi đã được điều gì ở ông Quỳnh, tôi chẳng từng quên, tôi cũng đã từng nhiều lần nói lên trên báo. Nhưng ông Quỳnh không phải là ông Trời con trọn vẹn mà Kế Thương này chưa hẳn là cục thịt đứng yên. Trên trường ngôn luận, trong vòng chánh giới, cái điều hay của người, ta không nên dấu, thì cái dở của người, ta có phép nào che” (Cái sẩy suýt nẩy cái ung // Đông tây, Hà Nội, s. 205, 4&5 Juillet 1932).

Tiếp đó, Hoàng Tích Chu viết liền mấy bài ngắn, so sánh Nguyễn Văn Vĩnh với Phạm Quỳnh, nhận xét “ông Quỳnh hẹp lượng hơn ông Vĩnh” (Chỗ khác nhau// Đông tây, Hà Nội, s. 206, 6 Juillet 1932); nhận xét: ông Quỳnh là “học trò chăm học”, là “thày ký chịu học”, là “nhà báo còn học”, là “nhà chính trị còn có mùi học”… nhưng cũng vì thế mà “cái óc nghĩ của ông Quỳnh không được rộng, nó thật gay go như óc nghĩ của mấy ông đầu hói trong bộ Latinh bên Pháp: ai nói động đến là cuống lên, không mấy khi dự hội, ra phố; ghét nhà báo đến phỏng vấn” (Khí tiểu // Đông tây, Hà Nội, s. 208, 8 Juillet 1932); giải thích với công chúng “tôi xét ông Quỳnh bằng lối người vô học trông người có học, người trẻ tuổi nhìn người nhiều tuổi”, “ấy chỉ là một bài học cho bọn thiếu niên về môn xét người xét việc” (Tôi nghĩ khác // Đông tây, Hà Nội, s. 209, 9 Juillet 1932).

Tuy vậy, nhận định dẫn trên của Dương Thiệu Thanh (1969) căn cứ vào hồi ức của Tế Xuyên cũng chỉ nên được xem là tài liệu tham khảo; lý do thật sự của việc báo Đông tây bị đóng cửa vẫn chưa thể coi là đã được làm rõ hoàn toàn.
[3] Chương Đài: Hoàng Tích Chu, ông tổ văn mới // Tràng An, Huế, s. 169 (30 Octobre 1936).
[4] Bài của Hoàng Tích Chu: Còn cái bóp-phơi của tôi, bác Thông Reo? // Đông tây tuần báo, 25 Octobre 1930; Ngô Tất Tố (ký Thiết Khẩu Nhi) cũng hưởng ứng bằng bài Ông Thông Reo tiết lộ việc bí mật của ông Phạm Quỳnh (Phổ thông, 9 Octobre 1930). Xin xem cả 2 bài trong sách: Phan Khôi,Tác phẩm đăng báo 1930 (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn), Hà Nội, Nxb. Hội Nhà Văn và Trung tâm VH&NN Đông Tây, 2005, tr. 957-959, 991-992.
[5] Cuộc tranh luận này, mà Hoàng Tích Chu gọi là “một cuộc bẻ văn”, xuất phát từ việc Thục Điểu (Ngô Tất Tố) trên báo Đông phương bắt bẻ một vài câu văn của Hoàng Tích Chu; họ Hoàng đáp lại trên Đông tây tuần báo (ví dụ bài Một dịp cho tôi nói về lối văn Hoàng Tích Chu đăng liền 5 kỳ báo từ 27 Juin 1931 đến 22 Juillet 1931); Phan Khôi nói đến cuộc tranh luận này trong bài Văn nghị luận phải viết thế nào? (Phụ trương văn chương số 12, Trung lập 18 Juillet 1931), trong đó ghi nhận rằng: “Trong văn quốc ngữ ta, cái lối viết của ông Hoàng Tích Chu thật nó biệt hẳn ra một lối, đủ mà kêu được là “lối văn Hoàng Tích Chu”, sự ấy trong làng văn ta hình như đã công nhận một cách vô tâm rồi”, đồng thời cho rằng “Lối văn Hoàng Tích Chu ấy mà muốn vĩnh viễn thành lập trên văn đàn, bề nào cũng phải cải lương […] không cốt ở sửa đổi đẽo gọt bề ngoài, phải nhờ ở công học vấn bên trong mới được”.
[6] Xem : Hoàng Tích Chu: Một dịp cho tôi nói đến lối văn Hoàng Tích Chu // kỳ IV: Văn Hoàng Tích Chu có từ hai quyển sách viết được ở Pháp // Đông tây, 18 Juillet 1931.
[7] Theo soạn giả Nguyễn An Tịnh (bài Cuộc đời, tư tưởng, hành động của cha tôi trong sách Nguyễn An Ninh // Nguyễn An Tịnh sưu tầm, Nxb. Trẻ, Tp.HCM, 1996, tr. 25–72) thì báo Trung lập được “giao về tay Nguyễn An Ninh vào tháng 10.1932” (sách trên, tr. 46), nhưng không nói rõ căn cứ vào nguồn tư liệu nào. Ngoài ra, trong sách trên, ông Nguyễn An Tịnh còn trích khoảng 40 bài trong mục “Những điều nghe thấy” ký Thông Reo lấy vào phần sưu tập tác phẩm Nguyễn An Ninh, nhưng không giải thích căn cứ vào đâu để coi đó là tác phẩm của Nguyễn An Ninh? Vì sao, với căn cứ nào mà trong hàng năm bảy trăm bài đều ký Thông Reo trong mục đó suốt 3 năm của báo Trung lập, từ tháng 5.1930 đến tháng 5.1933, lại chỉ có 40 bài được cho là của Nguyễn An Ninh? Thật lạ là có không ít những bài đăng Trung lập các năm 1932-33 ký N. hoặc N.A.N., tức là những bài có dấu hiệu rõ rệt là thuộc ngòi bút Nguyễn An Ninh, lại không thấy được ông An Tịnh sưu tầm đưa vào tập sách nói trên, trong khi đó ông An Tịnh lại lấy một cách rất thiếu căn cứ một loạt tác phẩm của Phan Khôi để đưa vào phần tuyển của sách trên, coi đó là tác phẩm của Nguyễn An Ninh!?
[8] Hoàng Tân Dân: Múa gậy vườn hoang (trả lời báo Trung lập) // Trung lập, Sài Gòn, s. 6770 (3 và 4 Juillet 1932)
[9] Xem: Phan Khôi: Lời thanh minh về một bài trong Văn học tạp chí // Thực nghiệp dân báo, Hà Nội, s. 43 (11 Mai 1933).
[10] Khái niệm “mặt nạ tác giả” được một số học giả Nga định nghĩa như là phương thức mà nhà văn dùng để che dấu nhân thân thực của mình nhằm tạo nên ở độc giả cái hình ảnh một tác giả khác hẳn (so với dạng thực có) (Theo O.E. Osovsky, Maska Avtorskaja / Mặt nạ tác giả/ trong sách: Literaturnaja Enciklopedija Terminov i ponjatij / Bách khoa văn học Các thuật ngữ và khái niệm/ A.N. Nikoljukin tổng chủ biên/ Moskva, 2001: NPK “Intelvak”, str. 511–512. Theo ý nghĩa này, cái tên Thông Reo là một “mặt nạ” của tác giả Phan Khôi; hiện tượng sử dụng mặt nạ tác giả, theo tôi, là khá phổ biến ở báo giới người Việt trước 1945, nhất là khi viết hài đàm.
[11] Xem : Chương trình của bổn báo // Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 1 (2 Mai 1929)
[12] Xem: Công Tâm: Chung quanh vụ phản kháng ông Nguyễn Đức Nhuận // Trung lập, Sài Gòn, 2 Juin 1932.
[13] Xem tin: Ai xui tẩy chay “Phụ nữ tân văn”? // Đông tây, Hà Nội, s. 213 (14 Juillet 1932)
[14] Xem tin trên báo Đông tây, Hà Nội, s. 220 (23 Juillet 1932).
[15]Phụ nữ tân văn kiện Công luận, Trung lập, Sài thành // Đông tây, Hà Nội, s. 211 (11 và 12 Juillet 1932)
[16] Xem : Công Tâm, bài đã dẫn.
[17] Đây là ghi nhận theo kết quả sưu tầm của tôi tháng 10 năm 2000, khi đọc microfilms sưu tập Phụ nữ tân văn; rất có thể tôi đã để sót tài liệu, vì thời gian đó hiểu biết của tôi về các tờ báo này còn khá cạn hẹp.

Nguồn:Viet-studies
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cách đây một thế kỷ, những người khổng lồ

    12/05/2009Nguyên NgọcQuả thực, hồi đầu thế kỷ XX, chúng ta từng có được một thế hệ vàng. Quả thật đấy là thời kỳ của những người khổng lồ. Để có được ngày hôm nay của đất nước, không phải chỉ có cách mạng và chiến tranh. Hoặc nói cho đúng hơn, chính những con người như vậy, vào một thời điểm chuyển động quan trọng của lịch sử, đã góp phần không hề nhỏ chuẩn bị tinh thần, trí tuệ, cả chí khí nữa cho dân tộc để có được cách mạng thành công và chiến tranh giải phóng thắng lợi.
  • Báo chí - nhà báo và sự hình thành tầng lớp trí thức hiện đại đầu thế kỷ XX

    21/06/2017Trần Văn ToànKhái niệm trí thức hiện đại ở đây được hiểu trong sự đối nghĩa với trí thức - kẻ sĩ trong xã hội Việt Nam truyền thống. Sự hiện diện của tầng lớp trí thức hiện đại, trên thực tế, mới chỉ xuất hiện ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bài viết này sẽ tập trung làm sáng tỏ vai trò của báo chí - một thiết chế văn hóa có nguồn gốc phương Tây - đã đóng vai trò như một dung môi, một tiền đề vật chất cho sự xuất hiện của tầng lớp trí thức hiện đại như thế nào...
  • Đông Kinh Nghĩa Thục, thử nhìn từ một góc độ khác

    02/07/2015Nguyên NgọcCó một tư liệu có lẽ có thể cung cấp cho chúng ta một câu trả lời độc đáo và thuyết phục, hoặc ít nhất, một gợi ý rất đáng để tiếp tục suy ngẫm, không chỉ để hiểu một quá khứ lịch sử quan trọng, mà còn có thể giúp ta suy nghĩ về những vấn đề đang đặt ra trong phát triển của chính chúng ta hôm nay...
  • Sơ lược về đời làm báo của Phan Khôi

    09/10/2014Lại Nguyên ÂnPhan Khôi (1887-1959) can dự văn chương không hiếm khi với tư cách người sáng tác (làm thơ, viết truyện ngắn, truyện dài) nhưng thường khi với tư cách người bình luận, người nghiên cứu, hoặc với tư cách dịch giả. Hoạt động của ngòi bút ông gắn với báo chí đến mức di sản của ngòi bút ông có cơ mất hút trong mắt các lớp hậu thế nếu họ chỉ đi tìm ông theo cái kênh dễ soi là sách xuất bản thời trước và do vậy chỉ thấy được một ít văn phẩm (Chương Dân thi thoại, Việt ngữ nghiên cứu, …) dường như chưa xứng tầm cỡ tác giả!
  • Phan Khôi (1887 - 1959)

    22/06/2009Ông thuộc số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hóa cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng khác với họ, ông thể hiện mình ở vai trò phản biện, và sự phản biện đó đem lại chiều sâu mới cho tri thức.
  • Những “kỳ biến” trong làng báo đầu thế kỷ XX

    20/06/2009Trần Hòa BìnhVề cơ bản, đến những năm 30 của thế kỷ XX, các thể loại báo chí Việt Nam đã định hình khá rõ nét, có phần được chiếu theo những tiêu chí của báo chí phương Tây. Bên cạnh những thể loại cũ, một số thể loại mới xuất hiện, tạo nên những "kỳ biến" trong làng báo đầu thế kỷ XX.
  • Nghĩa vụ của nhà làm báo

    19/06/2009Phạm QuỳnhNhà báo vừa tiêu biểu mà vừa tạo thành ra dư luận trong một nước. Ai nói đến báo là nói đến dư luận, ai hỏi đến dư luận là tìm đế báo, báo với dư luận, dư luận với báo là lần lót, là hình ảnh cho nhau, là tinh thần là hình thức của nhau vậy.
  • Phan Khôi - Hai thái cực trong tính cách

    13/04/2009Phan TrảnCho đến nay, chúng ta có thể biết nhiều về sự nghiệp trứ thuật của Phan Khôi, nhưng ít ai biết ông trong cuộc sống đời thường với tư cách một người cha. Những mẩu hồi ức đời thường của người con trai thứ của ông - ông Phan Trản sẽ giúp bạn đọc biết thêm vài khía cạnh của một chân dung đã lùi xa vào quá khứ, nhưng di sản của chân dung đó vẫn đang đồng hành cùng chúng ta...
  • Cách ngôn luận của người Á Đông

    13/04/2009Phan KhôiCó người Tàu bẻ cái học thuyết Tôn Văn mà lại nhè kêu Tôn Văn là con heo, là ngu xuẩn. Người Á Đông ta, Tàu cũng vậy mà An Nam cũng vậy, không tinh thông luận lý học, cho nên trong khi ngôn luận, chẳng noi theo khuôn phép mà cứ nói già miệng để cầu hơn, nhiều khi lại nói hỗn ẩu vô lễ nữa. Sự đó, nói thiệt tình mà nghe, tỏ ra các dân tộc Á Đông ta còn chưa thoát hết cái tánh tình dã man, thật là một điều mà ta đáng lấy làm xấu hổ vậy.
  • Tìm lại chân dung một nhà báo hàng đầu Việt Nam

    20/06/2006Hôm nay, chúng ta ít nói đến nhà báo Phan Khôi - một nhà báo tài năng, một người cổ vũ cho tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân. Ông cũng là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều tư tưởng mới lạ, đa văn hóa từ Hongkong, Trung hoa dân quốc, Nhật bản, Pháp...
  • xem toàn bộ