Bùi Văn Nam Sơn: Kẻ lữ hành theo chân các triết gia

10:45 SA @ Thứ Năm - 23 Tháng Bảy, 2009

Khi cuốn sách triết học Hiện tượng học tinh thầncủa Hegel, với bản dịch Việt ngữ (và chú giải) của Bùi Văn Nam Sơn ra mắt tại Việt Nam, thì khắp các trang điểm sách đều trang trọng loan tin, gọi đó là “sự kiện lớn” trong đời sống khoa học xã hội của nước nhà. Riêng giáo sư triết học Nguyễn Hữu Liêm đã gọi đây là “Một biến cố văn học lớn của Việt Nam”.

Biến cố này còn được tạo thành một vệt với bộ ba quyển phê phán nổi tiếng của nhà khai minh vĩ đại người Đức I.Kant: Phê phán lý tính thuần túy, Phê phán lý tính thực hành, Phê phán năng lực phán đoán (4 cuốn nói trên được xuất bản từ 2004-2007), Khoa học logích của Hegel – đang in.

Nhà thơ quái kiệt Bùi Giáng thuộc vai chú của nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn. Sinh thời, Bùi Giáng rất kính nể người cháu này, một trí thức định cư ở Đức từ năm 1968. Bùi Văn Nam Sơn đã làm gì, là người như thế nào mà đạt được sự kính nể đó của lão thi Bùi Giáng?

Tạo ra triết học Hegel, Kant bằng tiếng Việt

Tầm quan trọng của bản dịch Việt ngữ những tác phẩm then chốt nhất của hai nhà triết học kinh điển thế giới Hegel và I.Kant là nó cung cấp những bộ mã chìa để mở ra cánh cửa tri thức của nhân loại. Và chỉ khi anh tiếp thu, hòa được vào dòng chảy tri thức đó, thì anh mới có thể tạo ra và rao truyền những giá trị của mình.

Để có các bản dịch chính xác, ông đã đối chiếu nhiều bản dịch tiếng Anh, Pháp, Trung, và có công chú giải tác phẩm một cách nghiêm túc, cẩn trọng, bác học. Công lao của ông là “tạo ra triết học Hegel, Kant bằng tiếng Việt” (GS triết học Nguyễn Hữu Liêm), vì Việt ngữ chưa có một cộng đồng ý nghĩa và ngôn từ cho người học triết. Ông, một học giả với khả năng ngôn ngữ, được đào tạo về triết học khoa bảng, đã trở thành người Việt đầu tiên làm được công việc này. Bởi những lý do đó, bản dịch Phê phán lý tính thuần túy (dày 1.300 trang) đã được Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh và Đại học Quốc gia Hà Nội trao tặng giải thưởng Tinh hoa giáo dục quốc tế.

Xuất thân là người học triết (ông học triết học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn từ 1964-1968, sang Đức du học từ năm 1968), sau đấy là người dạy triết (ông định cư và giảng dạy triết tại Đức) và khi đã dứt nợ mưu sinh, ông trở thành người đưa tri thức (triết học) thế giới vào Việt Nam một cách có hệ thống.

Công việc này ông đã tiến hành độ 10 năm nay. Lý giải về động cơ của mình, ông nói: “Đối với nước ta, công cuộc tu thư ngày càng bức thiết để nhanh chóng lấp khoảng trống về học thuật, bù lại những quãng thời gian và cơ hội đã bị bỏ lỡ, nhằm tiếp cận một cách toàn diện hơn, chính xác hơn các trào lưu tư tưởng và thành tựu khoa học trên thế giới. Việc dịch sách kinh điển là con đường ngắn nhất trong việc tiếp phát văn hóa”.

Nhìn xa, thấy rộng, tự trọng và dấn thân

Tìm gặp Bùi Văn Nam Sơn tại nhà, một căn biệt thự yên tĩnh ở cuối quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ở tuổi 61, trông ông nhanh nhẹn, hồn hậu và ân cần trong lời nói, cử chỉ; sôi nổi và nhiệt huyết khi nói về học thuật. Lời lẽ ông sáng rõ, giản dị, mạch lạc, súc tích, cố gắng diễn đạt những vấn đề triết học một cách ít trừu tượng nhất - một thứ ngôn ngữ đã được chưng cất qua chiều sâu trí tuệ của ông. Ông có một khuôn mặt ấn tượng với trán cao, rộng, mắt sâu, tinh nhạy và chiếc mũi lớn, khuôn miệng rộng, hay cười. Ông không tạo ra bất cứ sự rụt rè và mặc cảm nào cho người đối thoại, dù sự chênh lệch về hiểu biết trong đề tài được đề cập giữa hai người là khủng khiếp. Ông luôn biết cách cho một câu trả lời có giá trị ở tầm khái quát lớn ngay cả với một câu hỏi tầm thường.

Trong suốt cuộc trò chuyện, ông luôn gợi cho tôi hình ảnh của một thanh gươm mà ở đó, vẻ bề ngoài ôn hòa nồng hậu của ông là cái vỏ kiếm hiền dịu đã bao bọc, che chở cho một thanh gươm sáng quắc và lấp lánh là trí tuệ sắc bén của ông.

Ông nói nhiều về nỗi trăn trở, tự vấn của mình về sự suy nhược của nền khoa học xã hội - nhân văn nước nhà. Ông sốt ruột, mất ăn mất ngủ (theo cả nghĩa đen, mỗi ngày ông đều chong đèn làm việc đến khuya, làm việc liên tục, suốt ngày, suốt tháng, suốt năm, “như có cọp rượt sau lưng”) khi nhìn vào thư viện quốc gia, thấy vốn liếng sách vở của ta không bằng một thư viện trường đại học của người. Trong cơn bùng nổ của lý thuyết trên thế giới, ông hoảng hốt thấy sự thờ ơ và lãnh đạm của chúng ta. “Phải biết giật mình, mất ăn mất ngủ khi so với các nước gần gũi như Hàn Quốc. Những năm 70 của thế kỷ trước, triết học họ kém hơn ta, họ tiếp xúc với triết học phương Tây muộn hơn ta. Giờ sau 40 năm nhìn vào thư viện của họ, toàn tập những tác phẩm lớn của những tác giả lớn về KHXH đã dịch ra tiếng Hàn. Hàn Quốc phát triển kinh khủng về học thuật, văn hóa, kinh tế. Trong 40 năm hòa bình, ta loay hoay làm đủ thứ chuyện thì họ làm việc đó. Ta tụt hậu kinh khủng, kể cả trong văn hóa tư tưởng – cái không tốn kém nhiều – lại tự hào vỗ ngực ta là “văn hiến chi bang” mà sách vở trống lổng. Không biết bao giờ mới tỉnh thức về việc này!? Người trí thức phải giật mình, tự vấn lương tâm: Ai là người chịu trách nhiệm đây? Làm nhanh đi trước khi quá muộn”.

Ông nói những lời tha thiết như vậy, và làm những việc thiết thực, khẩn trương. Ông tự quàng cho mình cái trách nhiệm của một người trí thức, theo quan niệm của ông: nhìn xa, thấy rộng, tự trọng và dấn thân. Ông cũng mong mỏi phải làm sao tạo điều kiện cho tầng lớp trí thức có căn bản học thức và phẩm hạnh đường hoàng.

Những đoạn trích dẫn lời ông ở trên và đoạn phỏng vấn thực hiện dưới đây, chỉ là 1/10 những gì ông đã nói với tất cả lòng nhiệt tâm và ưu phiền (Nguyễn Trãi: “Cổ kim thức tự đa ưu hoạn” – xưa nay kẻ biết chữ thường lắm lo phiền) mà ông đã bộc lộ trong cuộc phỏng vấn dài 3 tiếng của TNTS với ông trong một buổi chiều Sài Gòn liên tục chuyển mưa.

Đừng tự kỷ ta không có truyền thống triết học

Vì sao trong khi nói và viết, ông rất thường trích dẫn cụ Phan Châu Trinh, ngay như câu vừa rồi ông dẫn của cụ “Yêu nước thì tốt, nhưng biết đạo yêu nước còn tốt hơn”?

Tôi thường trích dẫn cụ vì Phan Châu Trinh lớn lắm, là nhân vật bản lề giữa xã hội cũ và mới, tượng trưng cho sự tỉnh thức của một dân tộc biết giật mình trước sự lạc hậu và thấy rõ sự quan trọng hàng đầu của văn hóa. Vì cụ biết có nó là có tất cả, gỡ được nó là gỡ được tất cả, mặc dù những chỗ khác có bức thiết hơn (trong khi thiên hạ thói thường “nóng đâu xoa đó”). Luận về người không luận về thành bại, mà luận về tầm nhìn, là cách đặt vấn đề của họ. Đặt vấn đề quan trọng hơn giải pháp, để không vay mượn tư tưởng, nô lệ tư tưởng của người khác. Độc lập văn hóa còn quan trọng hơn độc lập chính trị. Độc lập văn hóa là thấy được tầm quan trọng của văn hóa, giữ gìn, bồi đắp được nó, chứ không cho là văn hóa mình số 1!

Việt Nam là một nước có hay không có truyền thống suy tưởng triết học?

Bản thân người Việt có truyền thống suy tưởng hay không là vấn đề lớn nhưng có hai ý.

Một, tố chất bẩm sinh: Người Việt có thể tiếp thu, nắm vững khoa học hiện đại, bằng chứng là ngôn ngữ tiếng Việt phát triển, không nghèo nàn. Bao lâu có một ngôn ngữ dân tộc phát triển và cập nhật thì dân tộc đó đủ năng lực tiếp thu và tư duy trước mọi vấn đề khoa học, không nên bi quan chỗ này. Tôi không tin người Nhật thì có óc triết học hơn người Việt.

Hai, thói quen: Lâu nay mình vẫn tiếp thu được những tư tưởng uyên thâm của Nho, Khổng (nhưng nay lạc hậu, xơ cứng. Mình vừa lòng với việc tiếp thu bề ngoài, không hiểu nguyên lý, phổ biến theo kiểu bí truyền, thầy dạy cho trò). Còn về việc không có những nhà đại khoa học, thì mình cũng chỉ là một trong hàng trăm nước như vậy, số nước có nhà đại khoa học chỉ đếm trên đầu ngón tay, không nên mặc cảm về chuyện này.

Không phải ta không có truyền thống. Truyền thống là do mình tạo ra. Do thói quen của một đất nước có nền giáo dục - khoa học lạc hậu, coi thường khoa học nhân văn không thiết thực, không làm ra của cải (mà không hiểu nó là nền tảng để làm ra của cải), chứ đừng tự kỷ ta không có truyền thống.

Từ việc xem nhẹ, coi thường khoa học xã hội lại ngộ nhận về tố chất, truyền thống của mình là cái nhìn vô cùng thiển cận.

Ông nhắc đi nhắc lại đừng công cụ hóa triết học một cách vội vã và dại dột. Vậy thì nhiệm vụ của triết học là gì?

Triết học, nhiệm vụ của nó là làm việc cho sự tự do của con người. Tự do nghĩa là mình làm chủ được – làm cho cái gì từng xa lạ trở nên quen thuộc với mình. Tự do là chính mình trong cái khác với mình. Muốn biến thế giới này thành một thế giới nhân đạo, quê hương để con người cư ngụ được, anh phải đủ năng lực tư duy để nắm bắt được nó. Mà anh suy nghĩ về thế giới là suy nghĩ bằng những phạm trù. Phạm trù anh vươn lên tới đâu, tự do của anh vươn lên tới đó. Nhưng, phải biết rằng không có tự do học thuật thì không có tự do tư duy.

Sự suy nhược (theo ông nhận định) của khoa học xã hội và nhân văn hiện nay tại Việt Nam nói lên điều gì và dẫn đến hậu quả gì?

Nói đến “khoa học” là nói đến tính khách quan, tính chính xác, tính chất khảo cứu, tính độc lập của tư tưởng, tính sáng tạo và mới mẻ trong quan niệm. Các tính chất ấy hiện ta đều thiếu cả. Đó là do sự “bao cấp về tư tưởng” trong nhiều năm, dẫn đến sự xem nhẹ vai trò của KHXH & NV, thậm chí ngộ nhận về chức năng của nó khi biến nó thành công cụ nhất thời và thiển cận. Và khi “công cụ” này tỏ ra không mấy hiệu quả, càng dễ xem nó là vô ích và nguy hiểm. Trong khi đó, kinh nghiệm lịch sử ở các nước cho thấy: nền KHXH & NV phát triển thường mở đường cho việc thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của toàn xã hội, từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến việc lựa chọn con đường phát triển của đất nước. Nó không chỉ là môi trường tạo ra những nhà văn hóa, nhà tư tưởng mà còn dọn miếng đất phì nhiêu, thuận lợi cho việc phát triển các ngành khoa học, công nghệ một cách lành mạnh, và nói chung, cho một nền văn hóa và kinh tế bền vững, nhân đạo.

Tham vọng triết học của Bùi Văn Nam Sơn

Với tốc độ vận động như hiện nay, phải mất bao nhiêu năm để VN có một kho tàng kinh điển thế giới hoàn chỉnh? Và phải ưu tiên “nhập khẩu” những gì trong tình hình hiện nay?

“Hoàn chỉnh” thì khó nói, nhưng theo tôi, để có chút “vốn liếng” căn bản, có lẽ cần ít nhất vài mươi năm, nếu làm việc cật lực và bền bỉ. Ngoài việc phải nhanh chóng tiếp thu những thông tin mới mẻ về nhiều lĩnh vực thiết thân cho nhu cầu trước mắt, cần ưu tiên cho việc học tập và nghiên cứu cơ bản để có sức mà đi xa.

Công việc hiện nay của ông là góp phần đưa tri thức thế giới vào Việt Nam một cách có hệ thống. Ông nhìn thấy viễn cảnh nào cho công việc nhọc nhằn và riêng lẻ, cô đơn này?

Công việc đang đỡ “nhọc nhằn và cô đơn” vì ngày càng có nhiều bạn đồng hành. “Viễn cảnh” sẽ tốt đẹp khi nhiều người cùng thấy sốt ruột và tự giác làm việc.

Giấc mơ của Plato (nhà triết học cổ đại người Hy Lạp): Vua phải là triết gia và triết gia... phải làm vua. Cơ sở nào để Plato có giấc mơ này?

Vì Plato cho rằng triết gia là người nắm được chân lý! Và cũng vì ông đồng nhất hóa Chân-Thiện-Mỹ, nên triết gia không... làm vua, thì ai xứng đáng để làm? Trong lịch sử, không phải không có trường hợp vua được xem vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là giáo chủ, vừa là... con người đẹp nhất! Chỉ đến thời hiện đại, khi nhận ra rằng Chân (khoa học), Thiện (đạo đức) và Mỹ (sở thích, nghệ thuật) tuy gắn bó chặt chẽ và thúc đẩy lẫn nhau nhưng không phải là một; mỗi cái có phạm vi và quy luật riêng, không quy giản vào nhau được thì giấc mơ kia mới tỉnh mộng. Công đầu trong nhận thức ấy chính là nhà khai minh vĩ đại: I. Kant.

Vậy thì vua có cần biết triết học không?

Triết học sẽ giúp có “chính trị sáng suốt”, “chính trị lành mạnh”.

Thế còn giấc mơ của ông là gì?

Là ai lo việc nấy! Triết gia không phải... làm vua, còn vua thì không can thiệp vào các lĩnh vực chân, thiện, mỹ, ngoài thẩm quyền của mình.

Ông có tham vọng triết học nào không?

Vâng, có. Xin xem lại câu trả lời trên.

Nét chính trong tính cách của ông?

Cụ Khổng khuyên người học nên có hai tính cách: “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (học không biết chán, dạy người chẳng mỏi). Tôi xin phấn đấu theo lời cụ ở nửa câu trước. Tôi mong mỏi là suốt đời được làm một anh học trò già.

Triết học làm ta mất ngủ. Triết gia là những con người thao thức. Vậy nhà triết học thì thế nào?

Còn có thể làm gì ngoài việc tự nguyện thành kẻ lữ hành theo chân các triết gia?

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • “Trà dư tửu hậu” và triết học

    05/05/2015Võ Trần Bình PhươngQuanh năm quay cuồng với chuyện làm ăn, bàn chuyện kinh tế, chính trị, thời sự; cuối năm có lẽ là dịp để mỗi chúng ta chiêm nghiệm, suy ngẫm về cuộc đời... Thử một lần không bàn về chuyện kinh tế, TBKTSG đã “trà dư tửu hậu” với nhà nghiên cứu triết học phương Tây Bùi Văn Nam Sơn...
  • Tương lai của Khai Sáng? (*)

    25/07/2009Bùi Văn Nam SơnNguyên tắc của truyền thống Khai sáng là không xem người khác có “ít” lý tính hơn mình, rằng có thể phản bác nhau bằng lập luận chứ không được quy kết bản chất của người khác vào “trục ác”; để từ đó, phân biệt sự Khai sáng với lịch sử của nó và không xem Khai sáng là một công cuộc “nhất thành bất biến” hoặc có thể xoay ngược lại kim đồng hồ.
  • Nhật diện Phật, nguyệt diện Phật

    06/06/2009Bùi Văn Nam SơnMặt trời có khuôn mặt Phật ; mặt trăng có khuôn mặt Phật / Ngày ngày gặp Phật ; Tháng tháng gặp Phật ! “Thông điệp tâm linh” ấy về sự hoà hợp giữa trần cảnh và đạo tâm đến từ cùng một tác giả của Thế giới quanh ta mới đây (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006), một tập sách gồm những bài viết về “thế sự” của một vị giáo sư chính trị học lão luyện và sắc sảo từ Paris.
  • Thấy Phật

    03/06/2009Cao Huy ThuầnLòng tin đức Phật pháp nhân không phải là lòng tin yếu đuối gửi vào sức mạnh siêu nhiên nào đó từ bên ngoài. Đó là lòng tin ở con người. Trong mỗi chúng ta đều có đức Phật pháp nhân, chỉ vì ta không nhìn, không thấy, không biết, nên mới tưởng là không có mà thôi.
  • Vấn đề tha hóa trong "hiện tượng học tinh thần” của Hêghen

    17/12/2008TS. Nguyễn Anh Tuấn & ThS. Nguyễn Thị Thanh HuyềnLuận giải quan niệm của Hêghen về "tha hoá" trong "Hiện tượng học tinh thần" theo các cách tiếp cận triết học, nhận thức luận, xã hội học và lịch sử văn hóa, trong bài viết này, các tác giả không chỉ làm rõ quan niệm của Hêghen về "tha hoá" với tư cách một phạm trù mang tính hệ thống và năng động, về tiến trình biện chứng của sự tha hóa và sự “vượt bỏ”, mà còn bước đầu chỉ ra những hạn chế trong quan niệm của ông.
  • Triết học không còn là đặc sản của những "thiên tài"…

    01/10/2008Văn Bảy (thực hiện)(TT&VH) - Bùi Văn Nam Sơn sinh năm 1947 tại Vĩnh Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam, từng học khoa Triết, Đại học J. W. Goethe, Frankfurt/M, CHLB Đức. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, khoảng 15 tác phẩm do ông dịch, chú giải, hoặc giới thiệu, chú thích, hiệu đính… được giới học thuật và bạn đánh giá rất cao. Sau ba quyển Phê phán của I. Kant và Hiện tượng học Tinh thần của Hegel, nay ông vừa cho ra mắt bản dịch và chú giải quyển Khoa học Lôgíc của Hegel (NXB Tri thức, 2008). TT&VH có một cuộc trò chuyện đặc biệt với ông.
  • Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản

    29/09/2008Minh Bùi tổng hợpQuyển "Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản" của Max Weber, đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng, và cho đến nay có lẽ là quyển được đọc và thảo luận nhiều nhất trong ngành xã hội học. Tác phẩm này trở thành một tài liệu giáo khoa không thể thiếu trong các phân khoa học xã hội ở các đại học trên thế giới. Trong công trình này, Weber đi tìm nguồn gốc của sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản cận đại Âu châu nơi ethos và nền đạo đức khổ hạnh duy lý Tin Lành...
  • Quan niệm của Hêgen về bản chất của triết học

    22/08/2007GS, PTS Nguyễn Trọng ChuẩnKhông chỉ là đại biểu tiêu biểu của nền triết học cổ điển Đức, Hêgen đã đem lại cho triết học địa vị vốn có và sứ mệnh cao cả của nó trong đời sống tinh thần nhân loại. Với những luận cứ sâu sắc và có cơ sở khoa học, Hêgen đã làm sáng tỏ đối tượng, chức năng và phương pháp của triết học, mối quan hệ của triết học với các khoa học khác và qua đó, trình bày một cách khúc chiết, đúng đắn bản chất của triết học...
  • Sách triết nhập cuộc

    12/06/2006Đặng Quý YênViệc các đầu sách triết học được đầu tư và đón nhận như hiện nay cho thấy nhu cầu và thị hiếu của độc giả Việt Nam ngày một cao...
  • “Làm mềm” sách triết

    02/05/2006Lam ĐiềnMột điểm mới, lạ trong xuất bản sách: 36 tập sách dịch về các chủ thuyết triết học, những tư tưởng của các triết gia đều thể hiện theo kiểu... tranh truyện. Tủ sách mang tên “Nhập môn” (NXB Trẻ) nhằm giới thiệu khái lược nội dung tư tưởng của từng triết gia, từng chủ thuyết của các nhà khoa học...
  • Immanuel Kant từ triết học phê phán đến nghiên cứu con người

    12/04/2006Hồ Sĩ Quý...đến giai đoạn triết học phê phán, I. Kant mới xuất hiện như là một nhân vật "khổng lồ". Với ba tác phẩm có tựa đề "phê phán"... ("Phê phán lý tính thuần tuý", "Phê phán lý tính thực tiễn" và "phê phán năng lực phán đoán"), triết học I. Kant - một kiểu triết học có tư duy độc đáo trong văn hoá Tây Âu, đã trở thành điểm khởi đầu của một dòng triết học ảnh hưởng to lớn đến lịch sử văn hoá nhân loại - triết học cổ điển Đức...
  • xem toàn bộ