“Sốc” văn hóa – những câu chuyện gia đình không cũ
Liên quan:
- Lời tác giả
- Sốc văn hóa… trong nhà
- Hạnh phúc trong thế giới đổi thay…
- Đang sống cho những ưu tiên hạng nhì…
- Giá trị trung lưu…
Từ nhiều năm qua, độc giả của báo Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần đã quen thuộc với giọng văn nhẹ nhàng, dí dỏm của tác giả Quảng Yên qua mục Chuyện nhà tôi trên trang Gia đình. Đã biết đó chính là nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải, nhiều người vẫn bất ngờ khi thấy bà “đóng vai” người đàn ông một cách thú vị với những quan sát tinh tế, rất đời thường và đạm chất thời sự. Nói về văn hóa – một vấn đề rộng lớn mang tính nhân văn nhưng lại không hề lên gân kiểu đao to búa lớn, hay dạy dỗ, triết lý, mà là những câu chuyện có khi “cãi cọ” đời thường rất có duyên. Đó là một lối viết đặc biệt gây hứng thú cho người đọc, không bị nhàm chán bởi lối kể lể dài dòng thông thường.
Trong câu chuyện gia đình, nhiều vấn đề, tình huống được đưa ra tranh luận, bàn cãi với lý lẽ đa chiều. Tuy tác giả không kết luận, nhưng qua đó, người đọc cũng tự rút ra cho mình những suy ngẫm. Chuyện trong gia đình thì đa dạng lắm, chuyện vợ chồng, cha mẹ, con cái, mẹ chồng, con dâu… rồi mỗi người lại có công việc và những mối quan tâm riêng tạo thành một chuỗi mắt xích. Mà chuyện “vướng” lung tung thì hầu như gia đình nào cũng gặp phải. Thời của cha mẹ khác xa thời của con cái, làm sao để hiểu con mình đang nghĩ gì, làm gì. Ông bà giữ cháu theo kiểu truyền thống hay phải học lối hiện đại cho vừa ý cha mẹ chúng… Sốc văn hóa đã trở thành hiện tượng mà các nhà tâm lý học phải vào cuộc hầu giúp đỡ rồi cho con người trong cuộc sống hiện đại có quá nhiều điều phức tạp. Gia đình thường được ví là điểm tựa bình yên, nhưng nhiều lúc lại là nơi có những cơn sóng ngầm chực chờ cuốn phăng tất cả… Góp nhặt những câu chuyện gia đình, thấy bức tranh về vương quốc bé nhỏ ấy cũng lắm màu sắc sáng tối tương phản nhau. Cái hay của người viết là cứ bày ra những chi tiết sống động, quen mà lạ để người đọc dù biết trước cũng cười xòa. Quen lắm chuyện người xem cãi nhau với tivi, chuyện người hiện đại mê tín, chuyện phụ nữ làm đẹp, chuyện dạy con, những bà trung lưu tán gẫu… nhưng đều được người viết cập nhật ở mức độ nhanh nhất, nắm bắt thời đại. Cả những chuyện đang diễn ra bên Tây, bên Tàu thì trong bàn ăn gia đình cũng được bàn luận rôm rả. Đừng tưởng như thế là vô bổ, vì đối thoại bao giờ cũng dễ chịu hơn độc thoại hay đối đầu. Ở những việc tưởng chừng vô thưởng vô phạt như thế nhưng người ta lại dễ dàng bộc lộ tính cách để từ đó mà biết ý cư xử với nhau. Đâu phải người thân trong gia đình là không làm tổn thương nhau bao giờ. Khó lắm trong việc phải tạo hài hòa văn hóa cá nhân với trong gia đình và ngoài xã hội. Không tránh được những cú sốc văn hóa thì chia sẻ những câu chuyện, biết đâu kinh nghiệm của mình sẽ là bài học cho những người khác có thêm những cách ứng xử để phù hợp với văn hóa thời hiện đại.
Cùng với ý nghĩa đó, “Sốc” văn hóa do Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành, tập hợp những bài viết trên báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần đã ra đời. Một lần nữa, mời độc giả đọc lại những câu chuyện gia đình ý nhị trong quyển sách này với nụ cười để yêu thêm những người thân của mình hơn.
Xin hãy đọc với một nụ cười.
Những sốc văn hóa đã xảy ra trong nhà mỗi người chứ không chỉ là khi sang các nước khác sinh sống hoặc có cuộc hôn nhân khác chủng tộc. Ai cũng biết sự tác động của nhịp sống công nghiệp đến gia đình theo cả hai chiều tốt, xấu. Những thay đổi lớn đang diễn ra. Con người đang bị thách thức trước chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa cá nhân mới.
Báo chí, truyền thông, các cuộc hội thảo, sách nghiên cứu và hướng dẫn kỹ năng sống nở rộ. Nhiều số liệu và những câu chuyện nhỏ, thư tâm tình đã miêu tả, cảnh báo và hướng dẫn – có cảm giác đã bão hòa và người đọc phần nào đó bị bối rối bởi bao nhiêu phức tạp và lắm lời khuyên.
Trong cuốn sách nhỏ này, tôi không muốn lặp lại các câu chuyện đầy rẫy ở các tạp chí gia đình. Giả làm giọng một người đàn ông – dưới bút danh Quảng Yên – tôi muốn đưa ra các hình thức vừa tranh cãi, vừa ngẫm nghĩ lan man tự do, đôi khi hài hước, để không dám răn dạy ai. Các khía cạnh của vấn đề được xới tung lên, nhiều chiều, giúp cho bạn đọc có thể nảy ra suy xét của riêng mình. Đó là mục đích tôi muốn gửi tới bạn đọc thân yêu trong cuốn sách này như một món quà đầu năm.
Tôi phải biết ơn nhà báo Trần Trọng Thức, người phụ trách báo Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần. Chính ông đề nghị ra phong cách viết này – không được kể lể vụ việc, ông Nguyễn Văn A, bà Nguyễn Thị B, có quyền không cần chặt chẽ trong bố cục thông thường, nhưng cuối cùng người đọc cảm nhận các vấn đề của mình dưới góc văn hóa, toát lên từ các chi tiết sống động, lối tư duy, lời “cãi cọ” rất gần gũi đời sống.
Tôi sẽ biết ơn nếu bạn đọc nó có thoáng một chút cười.
Xuân Canh Dần 2010, thành phố Hồ Chí Minh
Nguyễn Thị Ngọc Hải
Sốc văn hóa… trong nhà
Trong nhà tôi có đến mấy nền văn hóa. Chúng tôi đều sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, chứ chẳng phải chung sống với ông tây, bà đầm nào đâu, vậy mà éo le là thường xuyên có những cú sốc văn hóa ở ngay trong nhà.
Ban đầu cứ tưởng đó chỉ là phong cách, là thói quen hay đặc điểm riêng. Bởi vợ - chồng là gì? Là yêu thương, là cùng mục đích, cùng chung sống dài lâu, vậy mà một ngày nào đó, người mình đã từng gắn bó, đã từng “chết mê, chết mệt” bỗng trở nên lạ hoắc!
“Chết mê, chết mệt” – lời lẽ người đời dùng hay thật! Chết mê có nghĩa là say đắm, ai cũng chỉ hiểu theo nghĩa đó. Nhưng sống bên nhau rồi mới hiểu thêm chữ “chết mệt” là gì. Nhiều người đã không chịu đựng được nỗi chết mệt này. Cuối cùng, có người sống cả đời rồi mới đi đến được kết luận: Tính tình vợ chồng không hợp!
Để giải quyết, người ta chia tay nhau. Nhưng đừng tưởng thế là “thoát”. Một “nền văn hóa” hậu ly hôn sẽ phát sinh. Một nửa số cuộc hôn nhân của người Mỹ tan vỡ và 18 triệu trẻ em phải sống với chỉ một cha hoặc mẹ. Có vấn đề gì không? “Chẳng có gì ghê gớm. Cuộc sống dễ chịu hơn và do đó con cái cũng được hưởng sự bình tâm, đâu có gì hủy hoại con trẻ?”, “Ồ, có chứ! Trẻ sẽ bị rối loạn tình cảm, khó tiến đến các quan hệ thân mật!”. Mỗi gia đình có thể có những kết luận khác nhau như thế.
Đó là do sự khác biệt về văn hóa? Dù cũng là văn hóa Việt Nam, nhưng mỗi người sinh ra, lớn lên vẫn sẽ có lối sống, trình độ văn hóa cũng khác nhau. Không ít gia đình giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư nhưng vẫn có lúc vợ chồng không sao chịu nổi nhau vì thấy không hiểu được nhau nữa.
Một người mẹ than phiền: “Ai cũng nghĩ tôi sung sướng vì nhà có chuyện gì đâu! Chồng thành đạt, con ngoan ngoãn, kinh tế đầy đủ, bao người mơ mà không được. Vậy mà ngày này qua ngày khác chúng tôi muốn phát điên lên, chỉ vì mỗi tật của chồng là không bao giờ để ý xem các vòi nước vừa dùng xong đã khóa chặt lại chưa. Luôn luôn có một dòng nước nhỏ li ti vẫn chảy âm thầm sau khi ông ấy đã khóa hẳn hoi. Cửa ra vào cũng vậy, có khi mở toang hoác và có đêm đi ngủ quên không khóa”. Vấn đề ở đây không phải ông chồng đãng trí, mà là quan niệm, là sự cẩu thả, một lối sống “nhà quê”. Ngủ không giăng mùng màn gì cả, cũng chẳng cần giường, bạn đâu nằm đó, thua cả đứa con nhỏ vì nó luôn nằm đúng giường của mình với cái gối ôm của mình, thậm chí phải kéo rèm cửa, tắt đèn mới ngủ, đúng nề nếp của người đô thị. Còn ba nó, với ý nghĩ “dễ sống”, “dễ thích nghi”, “sao cũng được”, đã rất coi thường các thói quen tinh tế. Vấn đề ở chỗ là nếu ông ấy sống “một mình nơi hoang dã” thì đã chẳng có gì đáng nói, đằng này cuộc sống đô thị ngày càng đòi hỏi có bàn tay tổ chức thật chi tiết. Một căn phòng phải ngăn nắp, sạch sẽ, đó là yêu cầu tối thiểu. Sống ở quê có thể khạc nhổ ra vườn, bê chậu nước dơ tạt vào bụi cây, thậm chí có thể ném luôn rác rưởi vào đó để làm phân bón. Còn ở thành phố, một cái rễ hành, vài hạt cơm cũng nhất định phải cho vào thùng rác đem đổ trong ngày. Nếu không chi tiết và tươm tất như thế, chúng sẽ làm tắc bồn rửa, gây bao phiền hà. Chuyện nhỏ chẳng đến đâu này lại là nguồn gốc của cuộc tranh cãi, rồi trong phần lớn trường hợp, người ta chịu thua nhau, phải chịu đựng nhau, chứ đâu có hạnh phúc gì! Một người sạch sẽ, gọn gàng phải sống với một kẻ bừa bãi thật khó lắm, huống chi người trung hậu lấy phải kẻ quái ác, gian xảo, ngườibao dung lấy phải kẻ vị kỷ, người tinh tế lấy phải kẻ cộc cằn, ngu dốt! Nhữnc cặp tính khí khác nhau như thế mà bị “nhốt” chung trong một cuộc đời, nếu như không tan vỡ thì cũng là sự đàn áp nhau vĩnh viễn.
Về trình độ văn hóa, giờ đây nhìn vào bằng cấp, học vị xem ra chưa thể tin tưởng được hoàn toàn, bởi nhiều ông bà nông dân mù chữ mà sống nhân văn hơn khối ông bà trí thức, giáo sư, tiến sĩ.
Thử đem chuyện này nói với nhau lúc ngồi quán cà phê vui vẻ mà xem, các bạn bè ta sẽ còn chỉ ra khối chuyện lâu nay cứ tưởng là không có gì, vậy mà cứ bị ấm ức hoài. Mới biết, văn hóa nó ở cả những chuyện thật li ti!
Hạnh phúc trong thế giới đổi thay…
Chuyên gia tâm lý người Anh nghiên cứu về bí quyết cân bằng giữa công việc và cuộc sống hạnh phúc gia đình đã đưa ra nhận định rằng những cuộc hôn nhân thành công nhất thuộc về những cặp vợ chồng biết dành thời gian cho một việc ưu tiên.
Nhưng nhìn chung, thế giới này đang làm thay đổi chất lượng cuộc sống hôn nhân. Nguyên tắc ứng xử cơ bản giờ đây hình như là tất cả phải sống như một người thợ săn lùng hiệu quả, kiém ra nhiều tiền. Ai cũng phải xây dựng cho mình một kế hoạch, phải trang bị đầy đủ các “vũ khí” từ hiểu biết, tri thức, kỹ năng đến các phương tiện. Văn minh tới bắt con người muốn đạt được nó thì phải trả giá, phải sống nặng về nghĩa vụ hơn là sống với bản năng tự nhiên. Chẳng thế, ai cũng biết đằng sau sự hào hoa của giới doanh nhân là sự căng thẳng tột độ trong cuộc đua tranh đầy cực nhọc trên thương trường. Các giới khác cũng vậy. Nhìn sự vận hành của cuộc sống số, cuộc sống tiêu dùng, người ta có cảm giác tiền đã trở thành mục đích chứ không còn là phương tiện nữa. Ngột ngạt trong nhịp sống hiện đại, người ta bắt đầu ngợi cá và trở về các giá trị châu Á, phương Đông: coi trọng các giá trị tinh thần, tìm sự đồng điệu với môi trường và xã hội xung quanh. Con người giờ đây đang phát những căn bệnh mới xuất hiện cùng với nền văn minh hiện đại, đến mức việc làm đẹp cũng khiến các thiếu nữ Anh đau đầu! Báo chí đưa ra những con số: 9 trong 10 cô bé 14-15 tuổi bị trầm uất, mà nguyên nhân đứng đầu làm cho thiếu nữ bị stress là sức ép phải có được vẻ đẹp bề ngoài. Và 2/3 số em được hỏi cho rằng thời của cha mẹ xưa kia có sống đời sống tình cảm dễ chịu hơn…. Các nghiên cứu cũng cho thấy tiền bạc gây một số rối loạn trong mối quan hệ giữa những người thân. Giàu nhanh, có thể làm cho một số người mất định hướng. Trước đây, khi còn đang phấn đấu để thành đạt và giàu có thì người ta làm việc cật lực để tiến đến mục đích rõ ràng của cuộc sống. Đến khi giành được tiền bạc và giàu có thì người ta vung vãi mua sắm, hoặc tìm cách đầu tư, tích trữ tiền bạc và bắt đầu loay hoay trở lại đi tìm những chân giá trị của đời sống. Nhiều nhà tỉ phú trước lúc chết để lại di chúc hiến tặng tài sản cho xã hội nhièu hơn cho con cái. Họ muốn con cái phải làm việc thực sự, tranh đấu vươn lên chứ không nhờ vào đồng tiền của cha mẹ.
Trong một thế giới biến chuyển nhanh, yêu cầu về tri thức tăng mãi không ngừng, và con người phải chạy theo những đòi hỏi ấy như cuộc chạy maraton không bao giờ tới đích. Chính đời sống gia đình cung cấp cho họ năng lượng để “chạy đua” như thế. Cho nên, ai cũng khẳng định gia đình là quan trọng nhất, nhưng không phải ai cũng hiểu hết giá trị căn bản nào cần được xây dựng và không phải ai cũng xác định rõ được mục tiêu của cuộc đời, biết được điều gì quý nhất trong cuộc đời này.
Một anh chàng trẻ tuổi rời bỏ một sự nghiệp đang phát triển tốt để đi tìm một công việc khác không huy hoàng, tiền bạc có khi cũng không bằng, chỉ để mong dành được nhiều thời gian hơn cho gia đình. Chuyện nghe có vẻ phi lý, bởi bản chất đàn ông thường say mê sự nghiệp như là lẽ sống, ít ai đặt gia đình lên trên hết theo kiểu đó. Người ta thường dành rất nhiều thời gian lẽ ra có thể sống vui gần gũi với gia đình cho việc tạo dựng sự nghiệp. Lý lẽ của họ là nếu tôi thành công trong sự nghiệp, tôi mới có thể đem hạnh phúc về cho gia đình tôi. Quan điểm này xem ra hợp lý ở chỗ toàn bộ hạnh phúc phải dựa trên thành công tiền bạc, danh tiếng, địa vị xã hội. Chẳng đúng ư, khi người ta nói: “Cái nghèo bước vào cửa sổ thì hạnh phúc cũng bay ra ở cửa chính”. Vậy mà nghiên cứu về bệnh đau tim, người ta lại tìm được kết quả là “những người sống vị kỷ, luôn cho mình là trung tâm điểm là những người thường bị chứng đau tim nhất, ngay khi sức khỏe của họ được chăm sóc cẩn thận” và những người thiếu mối quan hệ gần gũi với người xung quanh thường có sức khỏe kém.
Sống sao cho hạnh phúc – đó mới là đích của cuộc sống. Nhiều khi ta mất hết cả cuộc đời dồn sức cho tiền bạc, cho công việc một cách thái quá, để rồi mãi sau mới nhận ra hạnh phúc nằm ở chỗ khác hẳn, ở trong sự yêu thương gần gũi, trong sự cùng nếm trải cuộc đời một cách sâu sắc. Hòa nhập với những thay đổi, nhưng đời sống gia đình của mỗi người có một kết quả khác, do họ xác định cái gì là quý nhất trong mục đích cuộc sống.
Xem tiếp:
- Hậu quả của giàu xổi
- Càng giàu, càng thích hưởng thụ! Nhưng hạnh phúc thì...?
- Tiền bạc có mua được hạnh phúc
- Giàu có, phải cần Hạnh phúc
- Nghịch lý CIO: Làm sao để vừa thành công vừa Hạnh phúc?
Đang sống cho những ưu tiên hạng nhì…
Có thật là với người trẻ tuổi thì các đòi hỏi của gia đình đã giảm nhẹ, nên họ không cần là những “nội tướng” nữa? Tất cả đã nhao ra ngoài đường, ít ai còn chịu ở nhà làm nội trợ nữa, nếu đó không phải là người lớn tuổi, không có chuyên môn cao, không có khả năng làm việc tốt. Nghĩa là trong suy nghĩ của người trẻ ngày nay, đầu tư cho đời sống gia đình trước nhất là phải “hướng ngoại”, ra “chiến đấu” với đời, kiếm tiền. Nếu việc đó thành công, coi như việc nhà đã được giải quyết.
Ấy vậy mà có nhà nghiên cứu giáo dục của nước ngoài đưa ra một nhận định rằng “thế giới tiêu dùng với những quảng cáo, đồ hiệu, giải trí… không có tác dụng tốt nhiều lắm cho giáo dục, mà chỉ là một sự kiện kinh tê”. Ta có thể cãi lại rằng kinh tế sao lại không có tác động đến giáo dục và hình thành lối sống, nhân cách con người…
Nhưng câu nói của nhà nghiên cứu đó giúp chúng ta suy nghĩ thêm nhiều khía cạnh. Người trẻ tuổi nói: tại sao lại bắt tôi phải hy sinh? Tôi có thể có hạnh phúc mà không phải khổ như thế hệ cha mẹ tôi, được không? Bởi hạnh phúc là được sống hài hòa với chính mình, được thoải mái và làm công việc mình thích. Tôi có thể vươn ra ngoài xã hội, có tiền, làm những nghề mới lạ, hấp dẫn hơn là ở nhà nuôi con, nấu ăn, phục vụ người khác…
Nhưng có một sự thật là yêu cầu có một gia đình hạnh phúc, một tổ ấm thực sự, mọi người trong gia đình được chăm sóc lại là yêu cầu ngày một cấp bách. Chẳng thế, tất cả các xã hội đều đổ tiền đổ của, đổ biết bao trí tuệ để tổ chức một đời sống cao. Lo hoc một cái toilet thôi mà phải có một hội nghị quốc tế với đủ loại chuyên gia đô thị, chuyên gia dịch tễ, môi trường họp tại Bắc Kinh. Hình như loài người không chỉ lo việc lên sao Hỏa nghiên cứu, mà còn phải lo việc nhỏ li ti có khả năng tiếp cận các điều kiện cải thiện cuộc sống. “Cái gì cũng phải tốt nhất” có phải là câu nói đặc thù của thời buổi này? Thế thì làm sao người ta lại không lo cho tổ ấm của mình như thế hệ trước đã chăm lo? Người trẻ tuổi “nhao ra xã hội”, nhưng những yêu cầu của nhà bếp đối với họ vẫn còn đó. Chỉ có điều là vai trò của họ đã thay đổi nên cung cách giải quyết vấn đề đã khác đi mà thôi. Càng “nhao đi”, họ càng nhiều lao nhọc, càng cần một nơi riêng tư. Vấn đề của các cặp vợ chồng bây giờ còn là tìm cho ra bí quyết cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Ông Collin Power, một nhân vật “thời sự” của thế giới, không chỉ ông từng là Ngoại trưởng Mỹ, mà còn là một hình mẫu thành công, có cuộc đời điển hình theo “giấc mơ Mỹ”. Trong cuốn tự truyện về cuộc đời mình, ông ta có một lời khuyên rằng: đừng để cho công việc xâm chiếm hoàn toàn đời sống của bạn. Chi tiết này đáng dẫn ra đây vì nó liên hệ đến chủ đề ta đang bàn. Một nhà nghiên cứu khác cũng đưa ra kết luận có lẽ chẳng to tát gì, nhưng các cặp vợ chồng nên biết, rằng bí quyết cân bằng giữa công việc và đời sống (rút ra từ sự thành công nhất của các cặp vợ chồng ) là cả hai người “biết dành thời gian cho một việc ưu tiên”.
Khổ một nỗi là đời sốngbây giờ của gia đình có quá nhiều thứ phải ưu tiên, phải “đánh vật”. từ việc ăn, ở, đi lại, học hành cho đến ứng xử các mối quan hệ xã hội. Chỉ riêng cho học vấn và nghề nghiệp đã đủ trăm thứ phải ưu tiên rồi. Chính vì thế, người ta phải nhắc đến “dành thời gian cho một việc ưu tiên” của đời sống gia đình, điều quan trọng như khí trời mà ta hay quên mất. Ta hay tưu tiên thời gian rảnh rỗi cho bạn bè, bên bàn nhậu, xem băng đĩa, tivi, thể thao, du lịch, mua sắm thời trang, tò mò tìm thông tin về mọi chuyện trên đời mà quên ưu tiên cho việc “thiết kế không gian sống”, cho tình cảm thương yêu, hiểu biết lẫn nhau giữa những người gần gũi nhất. Thậm chí, có khi có người còn sẵn sàng gây nỗi ưu phiền cho họ để đạt được những thứ chỉ đáng ưu tiên hạng nhì… Trớ trêu thay!
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Cố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra điều người Nhật vượt trội tất cả các quốc gia châu Á, riêng Singapore mất 10-15 năm mới gần bằng họ
31/12/2018L.TPhật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảNhững quy luật Tâm lý về Sự Tiến Hóa của các Dân tộc
28/05/2017Gustave Le BonNhững bài học chiến tranh
28/04/2010Đối thoại với tương lai
09/04/2010Tư duy kinh tế thời bao cấp và phá rào, “những bài học lịch sử từ những mũi đột phá”
31/03/2010Đặng PhongTiểu dẫn về sưu tập các tác phẩm của Phan Khôi đăng báo năm 1932
30/03/2010Lại Nguyên ÂnTiếu lâm và triết học
03/03/2010Nguyễn Vạn Phú