Tiếp cận tính toàn vẹn về con người và thế giới con người
Con người cùng với thế giới người mà nó tạo ra là cả một thiên hà các vấn đề. Vấn đề con người từ đâu tới, các quan hệ của nó, sự tồn tại thế giới bên trong, thế giới bên ngoài trong thực tiễn lịch sử - xã hội của con người; con người đi đâu và về đâu; các tổ chức xã hội của con người, các kiểu con người trong tiến trình lịch sử v.v. và v.v.. đã từng là cội nguồn tạo ra những khoa học nghiên cứu con người và thế giới con người.
Các khoa học vật lý học, sinh học, y học, ưu sinh học… đã từng đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình lý giải bản chất tự nhiên của con người. Các thành tựu của ưu sinh học người đã khám phá ra bộ gien người và đặc biệt, đã tạo ra con người bằng sinh sản vô tính. Sau khi tạo ra được con người từ trong các ống nghiệm, các cá thể người ấy sống như thế nào. Nó có gia đình không? Nó có chuẩn mực đạo đức xã hội không? Nó có mỹ cảm bình thường không?... rõ ràng chưa có khoa học nào nghiên cứu các con người ấy sẽ tồn tại như thế nào và nó đi đâu, về đâu, ảnh hưởng của nó đến toàn bộ đạo đức xã hội ra sao?.
Con người đã tạo ra các khoa học tự nhiên để nghiên cứu mình. Ngoài khoa học tự nhiên con người còn tạo ra các khoa học xã hội và khoa học nhân văn để lý giải bản chất xã hội, những tầng, những lớp, tâm linh, ững xử, giao tiếp và các khả năng tiềm ẩn của mình. Trong số các khoa học xã hội và khoa học nhân văn nghiên cứu các hoạt động người, trước hết phải kể đến Khoa xã hội học. Khoa xã hội học đã đạt được rất nhiều thành tựu khi giải quyết và lý giải các vấn đề xã hội của con người. Mặc dù nghành khoa học này đã nghiên cứu các hình thái ý thức và tồn tại xã hội, các tổ chức và cơ cấu xã hội của con người, song nó lại không có khả năng xây dựng một hệ thống lý luận về mặt tự nhiên trong bản chất của con người. Dù là xã hội hoc cổ điển hay xã hội học hiện đại, xã hội học Mácxít hay ngoài Mácxít, mặt tự nhiên của con người đều nằm ngoài hệ thống lý luận của nó. Bản chất toàn vẹn của con người là sự thống nhất giữa cái tự nhiên và cái xã hội. Nếu xã hội học không bao chứa được mặt tự nhiên trong con người thì nó không thể chứa đựng được việc nghiên cứu các hình thức vận động tự nhiên của bản thân con người và các sáng tạo về mặt tự nhiên của con người.
Văn hoá học, nhân học văn hoá, khi coi con người là một động vật văn hoá hoặc văn hoá là trình độ người của các quan hệ xã hội, có ý tưởng nối liền mặt tự nhiên và mặt xã hội của con người trong bản chất văn hóa của con người. Văn hoá học Mácxít đã từng coi cái sinh học người khác với cái sinh học ngoài người, và cái xã hội người cũng khác với cái xã hội của đàn ong, bầy kiến. Bàn tay người, bộ não người, hoạt động kế thừa nòi giống người, sự trưởng thành của người, cách luôi dậy con cái của con người đều khác rất xa với các động vật ngoài người. Gia đình, thị tộc, bộ lạc, làng bản, nhà nước của con người không có điểm nào chung với động vật ngoài người… Song văn hoá học đã không có một hệ thống lý luận lý giải vì sao cái tự nhiên và cái xã hội của con người lai thống nhất như một động vật văn hoá! Vậy, cái gì đã làm cho động vật trở thành động vật văn hoá? Cái gì làm cho mặt tự nhiên và mặt xã hội của con người thống nhất trong tính toàn vẹn văn hoá của nó? Tính toàn vẹn văn hoá của con người là gì? Nó là một thực thể hay là cái thăng hoa, cái lan toả trong các hoạt động người?
Có lẽ, trong các khoa học xã hội và khoa học nhân văn, khoa học lịch sử có nhiều dấu hiệu bao chứa được việc lý giải tính toàn vẹn tự nhiên - xã hội - lịch sử của con người? Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử có thể tổng hợp, tích hợp, hoà quyện nhiều mối quan hệ chủ thể và khách thể, các quan hệ vật chất tinh thần, các quan hệ tâm sinh lý giữa con người và con người. Khoa học lịch sử có khả năng nghiên cứu, phát hiện, lý giải toàn bộ những gì con người đã tạo ra. Do vậy, nghành khoa học này có thể nghiên cứu tính toàn vẹn tự nhiên - xã hội - lịch sử của con người.
Tuy nhiên, lịch sử. Khoa học lịch sử với nhân chủng học, khảo cổ học và nhiều chuyên ngành khác có nghiên cứu sự phát triển tự nhiên của con người, nhưng chỉ ở phương diện các ẩn tích lịch sử của con người. Khoa học lịch sử không nghiên cứu bản thân sự diễn tiến tổng hoà các quan hệ sinh vật - xã hội - lịch sử của con người. Nó chỉ nghiên cứu những cái con người đã tạo ra, những sự kiện của quá khứ, cái đã hoàn thành. Còn diễn tiến của sự đang, sẽ tương tác giữa mặt xã hội - tự nhiên - lịch sử của con người thì khoa học lịch sử không có chức năng thực hiện, cũng như xã hội học trong nghiên cứu tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử của con người vậy. Xã hội học như là lý luận về tính tổng thể của hình thức vận động xã hội của con người, ở đó chứa đựng cái sinh học người đã xã hội hoá chứ không phải là cái thuần tuý tự nhiên người. Khoa học lịch sử cũng nghiên cứu các sự kiện lịch sử người đã qua, chứ nó không nghiên cứu bản thân các mối quan hệ thuần tuý người đang vận động, đang phát triển. Các chức năng sinh lý, các chỉ số phát triển người, các năng lực tiềm ẩn người, dù khoa học lịch sử, nhưng không phải là nghiên cứu cá thể người nói chung.
Trong vài thập kỷ đã qua, không ít nhà nghiên cứu cho rằng, tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử người được hình thức tư duy lý luận tâm lý học nghiên cứu và đạt nhiều thành tựu mới mẻ; bởi vì, tâm lý học trong bản thân nó thống nhất được khoa học tự nhiên, khoa y học, ưu sinh học, lịch sử học, sư phạm học, kinh tế học, kỹ thuật học. Với ưu điểm ấy, tâm lý học có kha năng nghiên cứu tổng thể con người toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử.
Sự thật thì tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử trong lĩnh vực tâm lý học có thể là tính toàn ven của cá nhân, tâm lý xã hội. Mà tính toàn vẹn của cá nhân hay một giai đoạn nào đó của sự phát triển cá nhân - xã hội lại không có nguyên tắc chung. Tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử của con người có những mối liên hệ khác nhau theo các lát cắt nhau. Không có lý luận chung về tâm sinh lý học cho tính toàn vẹn độc đáo, riêng biệt của của cá nhân. Vì thế, nhiệm vụ xem xét con người trong tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử không chỉ duy có tâm lý học đảm nhiệm và lại ở những mối quan hệ độc đáo. Tâm lý học, dù là tâm lý học nhân cách hay tâm lý học xã hội, cũng không tạo ra được một hệ thống lý luận riêng để lý giải nó.
Vậy có thể tập hợp Khoa xã hội học, văn hoá học, lịch sử học, tâm lý học cũng như khoa học tự nhiên thành một khoa học tổng hợp để nghiên cứu tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử của con người được chăng? Sự thật thì không có một khoa học chung như vậy. Mỗi khoa học chỉ nghiên cứu một mặt trong tính tổng thể toàn vẹn của con người với tư cách một bản thể sinh vật - xã hội - lịch sử. Nhưng có một khoa học có khả năng thâu tóm những nét chung của các khoa học đó tạo thành hình thức tư duy tổng hợp để nghiên cứu con người, đó chính là triết học.
Triết học, như mọi người từng biết, là khoa học bao quát một lĩnh vực rất rộng giữa tư duy và tồn tại. Vì thế , nó có khả năng xác lập một hệ thống lý luận nghiên cứu tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử của con người. Và, thực tế, trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, triết học đã đảm nhiệm chức năng phương pháp luận nghiên cứu tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử của con người.
Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, không phải mọi triết học, dù là triết học nhân bản xã hội, đều có khả năng làm hình thức tư duy lý luận đầy đủ trong việc nghiên cứu tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử của con người. Trong Luận cương về Phoiơbắc, C.Mác đã tổng kêt rằng, tất cả các hệ thống lý luận triết học ngoài Mácxít thời của ông không có khả năng là một hình thức tư duy đầy đủ nghiên cứu tính toàn vẹn phong phú của con người, ngay cả hệ thống lý luận của Phoiơbắc. Hệ thống lý luận triết học của Hêgen tuy đã gắn việc nghiên cứu con người với thực tiễn, với lịch sử, nhưng đó là thực tiễn tinh thần và sự vận động của tinh thần trong lịch sử. Nó không thể trở thành lý luận nghiên cứu tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử của con người, bởi vì theo hệ lý luận này thì mặt tự nhiên - xã hội - lịch sử của con người đều là hệ quả của sự vận động tinh thần tuyệt đối. Tính toàn vẹn sinh vật -xã hội - lịch sử của con người trong hệ thống lý luận triết học Hêgen là do sự vận động của thực tiễn tinh thần, nghĩa là cái vốn có của hoạt động tinh thần của con người. Hêgen là do nó tự sản sinh ra, do sự vận động của hoạt động thực tiễn tinh thần, nghĩa là cái vốn có của hoạt động tinh thần của con người. Hêgen đã cho rằng, con người là một ý thức biết tư duy vì bản thân và cho bản thân. Con người khác với mọi sự vật và sinh vật khác ở chỗ “tự nhân đôi” mình trong khi là sản phẩm trực tiếp của tự nhiên và tồn tại cho mình. Thông qua thực tiễn tinh thần, con người khát khao sản sinh ra chính mình. Con người bằng hoạt động tinh thần đã thay đổi những đối tượng bên ngoài bằng cách để lại bên trong nó dấu ấn của mình.
C.Mác cho rằng, hệ thống lý luận của Hêgen về tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử của con người có một điểm yếu cơ bản, đó là điểm xuất phát lý luận từ thực tiễn tinh thần. Mặc dầu Hêgen đặt con người vào quá trình tự tạo ra mình bằng thực tiễn lịch sử, nhưng đó là thực tiễn tinh thần và lịch sử đó lại cũng do chính ông quy định chứ không chứ không phải lịch sử hiện thực.
Phê phán hệ thống lý luận triết học ngoài Mácxít trong việc tiếp cận tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử của con người, C.Mác con khẳng định rằng, hệ thống lý luận nhân bản triết học của Phoiơbắc cũng không thể trở thành hình thức tư duy đúng đắn khi giải quyết các vấn đề con người và thế giới người. Khác rất xa và tiến bộ hơn nhiều so với các tư tưởng triết học về con người của Hêgen, Phoiơbắc đã coi người là một bộ phận của tự nhiên và khẳng định tính thực tại vật chất của con người. Hệ thống lý luận của triết học Phoiơbắc đã lý giải được một phần rất quan trọng trong tính toàn vẹn người ở mặt tự nhiên, song nó không có một hệ lý luận đúng đắn để lý giải tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử của con người. Theo C.Mác thì con người không chỉ là kết quả của quá trình phát triển sinh vật các loài, mà còn là một hình thái trên sinh vật, một động vật xã hội. Phoiơbắc đã khẳng định tính người như một loài sinh vật nào đó, còn C.Mác lại cho rằng, người trở thành người bởi tính xã hội của nó.
Mượn câu nói của Phrăngcơlanh cho rằng, người là động vật biết chế tạo ra công cụ lao động, C.Mác đã xây dựng hệ thống lý luận về tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử khác về căn bản so với hệ thống lý luận nhân bản của Phoiơbắc. Nếu Phoiơbắc, con người vẫn là một bản thể vốn có, không gắn liền với thực tiễn xã hội, thì đối với C.Mác, con người là hiện thân của lịch sử, của quá trình hoạt động thực tiễn người.
Chỗ khác nhau cơ bản giữa hệ thống lý luận triết học của C.Mác với những hệ thống lý luận ngoài Mácxít trong việc tiếp cận con người là ở chỗ, ông đã xây dựng hệ thống lý luận của mình trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật về lịch sử. Cả C.Mác và Ph. Ăngghen đều nghiên cứu phép biện chứng của tự nhiên gắn với toàn bộ thực tiễn, kinh tế, chính trị xã hội, lịch sử. Khi giải quyết vấn đề tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử của con người, các ông đã cho rằng, con người là sản phẩm trực tiếp của tự nhiên, nhưng đồng thời cũng là chủ thể của các quan hệ xã hội. C.Mác và Ph.Ăngghen đã trình bầy điểm xuất phát lôgíc cho những tư duy lý luận của mình về con người, đó là sự khẳng định con người với tư cách một trong những loài và với tư cách một cá nhân tạo ra một loại của giống loài, đó là sản phẩm của các hoạt động thực tiễn người trong tiến trình lịch sử tức là sản phẩm xã hội. Nói cách khác, theo quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, con người, thế giới của con người không phải là sản phẩm vốn có của tự nhiên, của thượng đế và bản chất con người không phải là bất biến, bẩm sinh.
Trong hệ thống lý luận triết học về con người của C.Mác và Ph.Ăngghen, con người phải có mối quan hệ cùng nhau. Con người sinh ra trong một xã hội nhất định và nó nằm trong mối liên hệ lịch sử với các thế hệ trước, gắn chặt với các quan hệ xã hội. Tính xã hội - lịch sử của con người được các ông đặt vào hàng trung tâm. Sự phát triển nhiều mặt trong con người đều là sản phẩm của các qua trình xã hội. Các khả năng bẩm sinh, cơ cấu tinh thần, cơ thể tâm lý… của con người đều gắn với các quá trình lịch sử - xã hội. Tâm lý, ý thức của con người vừa là sản phẩm, vừa phản ánh các quan hệ xã hội.
Hệ thống lý luận triết học về tính toàn vẹn sinh vật -xã hội - lịch sử của con người mà C.Mác và Ph.Ăngghen xây dựng được dựa trên quan điểm thực tiễn vật chất - tinh thần, trong đó, tâm điểm của nó là lao động của con người. Như đã trình bầy ở trên, C.Mác mượn câu nói của Phơrăngcơlanh để định nghĩa “con người là động vật biết chế tạo công cụ lao động”. Sự khác nhau giữa con người và các động vật khác ở chỗ, con người tự tạo ra mình bằng các hoạt động sáng tạo công cụ lao động. Bằng lao động, con người đã biến mình thành một động vật trên sinh học. Nhờ lao động, con người đã biến đổi hiện thực khách quan thành hiện thực của con người. Trong quá trình biến đổi đó, con người đã biến đổi cả những điều kiện sinh hoạt của mình về mặt giống loài.
Quan điểm thực tiễn, quan điểm lao động của C.Mác và Ph.Ăngghen được trình bầy trong Biện chứng của tự nhiên là một hệ thống lý luận về con người tự sáng tạo ra mình thông qua lao động của bản thân. Quan điển này khác hẳn và đối lập hoàn toàn với quan niệm thực tiễn tinh thần của Hêgen. Hoạt động sáng tạo công cụ là lao động và tổng hoà hoạt động thực tiễn vật chất và tinh thần mà cơ bản là hoạt động thực tiễn vật chất. Nhờ hoạt động thực tiễn mà cái tự nhiên, cái xã hội cũng như cái lịch sử trong con người và thế giới của con người được vận động một cách tổng thể, Chứ không phải như Hêgen khẳng định thực tiễn tinh thần đã làm biến đổi cái tự nhiên. Hêgen đã biến lịch sử thành lịch sử tinh thần trừu tượng.Các nhà duy vật thế kỷ XVII - XVIII đã tự nhiên hoá lịch sử, còn ở C.Mác và Ph.Ăngghen, hoạt động thực tiễn đã lịch sử hoá tự nhiên và xã hội.
Để nghiên cứu con người, hệ thống lý luận triết học của C.Mác và Ph.Ăngghen dựa trên quan điểm nhất nguyên lịch sử và do vậy, khắc phục được các vấn đề số phận của con người.
Triết học tự nhiên, triết học xã hội, quan điểm nhất nguyên lịch sử của C.Mác và Ph.Ăngghen không chỉ là hình thức tư duy có rất nhiều triển vọng trong việc nghiên cứu tính toàn vẹn sinh vật- xã hội - lịch sử của con người phổ biến, mà còn là hình thức tư duy cơ bản, đúng đắn để nghiên cứu thế giới con người với tư cách những cá nhân , cá tính và các hình thức Nhà Nước, chế độ xã hội của con người.
Triết học của Cantơ, của Hêgen đã xây dựng một hệ thống lý luận về thế giới cá nhân con người. Trong nhân loại học, trong phê phán lý trí thuần tuý, lý trí thực tiễn và khả năng phán đoán, Cantơ đã tạo lập hệ lý luận giải phóng con người về mặt lý trí, ý trí và tình cảm. Nhưng hệ thống lý luận của ông đã tách con người ra khỏi các mục tiêu xã hội của nó. Con người được giải phóng về mặt lý trí, ý trí, tình cảm để đạt được tư do cá nhân, nhưng tự do cá nhân ấy lại không có hình thức xã hội tương ứng. Thế giới chủ quan của con người trong triết học Cantơ đã tách ra khỏi hình thức xã hội khách quan, do đó, vấn đề cá nhân, cá tính con người không có cơ sở xã hội để giải quyết.
Triết học của Hêgen cũng đã từng tạo lập cơ sở lý luận nghiên cứu thế giới của con người cá nhân, cá tính, nhân cách và nhà nước. Ông đã nghiên cứu tính chủ quan như là thuộc tính của chủ thể và cá tính như là thuộc tính cá nhân trong sự vận động của tinh thần; đồng thời, đề cập đến nhân cách nhà nước và nhân cách nhà vua. Khi phê phán Hêgen, C.Mác đã viết rằng: “…lẽ ra phải chỉ rõ nhà nước là hiện thực cao nhất của con người, là hiện thực xã hội cao nhất của con người, thì Hêgen lại suy tôn con người kinh nghiệm đơn nhất, con người kinh nghiệm, lên thành hiện thực cao nhất của nhà nước” (1). Thế giới con người trong hệ thống triết học Hêgen đều là sản phẩm của ý niệm tuyệt đối. Và, trong khi giải quyết thế giới con người, ca nhân,cá tính, Nhà nước, ông đã quan niệm chức năng và lĩnh vực hoạt động của nhà nước là tự tại với cá tính của cá nhân.
Khác với hệ thống lý luận triết học của Cantơ và Hêgen, triết học Mácxít khi xây dựng hệ thống lý luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử đều gắn cá nhân , cá tính, Nhà nước vào thành một vấn đề trung tâm của thế giới con người. Học thuyết về bản chất xã hội của con người trong triết học Mácxít không chỉ là cơ sở giải quyết vấn đề con người nói chung, mà còn giải quyết các vấn đề cá nhân, cá tính, nhà nước, thế giới của con người. Trong triết học Mácxít, cá nhân là toàn bộ cái xã hội của con người, là một kiểu người lịch sử cụ thể. Trong Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hêgen, C.Mác đã chỉ rằng, bản chất của các cá nhân đặc biệt không phải là râu, là máu, không phải là tính vật lý trừu tượng mà là chất lượng xã hội của nó. Nghĩa là, mỗi hệ thống các quan hệ xã hội được xác định về chất lượng đều có những kiểu người cũng được xác định về mặt chất lượng. Mỗi xã hội đều có kiểu cá nhân của mình.
Khi lý giải tính toàn vẹn của con người, chính tính lịch sử trong hệ thống lý luận triết học Mácxít là cơ sở lý luận xác định cá nhân về mặt lịch sử gắn với thế giới nhà nước, gia đình và trình độ phát triển xã hội của cá nhân. Mác viết rằng, “con người hiện thực là con người tư nhân của chế độ nhà nước hiện đại”(2).
Việc xác định cá tính của cá nhân là tính xã hội của nó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lý giải tính lịch sử cụ thể của con người. Như vậy, về mặt lịch sử mà nói, cá tính của con người, thế giới con người, nhà nước của con người, thế giới người không nhất thành bất biến, không tự tại, không biệt lập mà chúng có mối liên hệ phổ biến, với xã hội và thay đổi cùng với các điều kiện xã hội. Cá tính con người có tính xã hội, cho nên, nó không phải là cái vốn có, bất biến mà là sản phẩm thực tiễn của hoạt động người.
Cá tính là tính riêng của cá nhân gắn với một cơ cấu tổng thể của cá nhân. Có thể nói, đó là tính của con người bao gồm thái độ, tâm tính, ý kiến, hành động, lý trí. Cá tính tuy là thế giới riêng của cá nhân, nhưng nó vẫn là sản phẩm của xã hội.
Sau C.Mác và Ph.Ăngghen, rất nhiều nhà triết học Mácxít và ngoài Mácxít hiện đại đã nghiên cứu thế giới của con người như những cá nhân, cá tính, nhà nước và các quan hệ xã hội của nó. Trong thế kỷ XX, triết học phương Tây ngoài Mácxít đã xây dựng hệ thống lý luận về con người và thế giới con người gắn với xã hội tư sản hiện đại. Đó là một nền triết học đa nguyên. Mỗi trào lưu, khuynh hướng triết học chỉ xây dựng hệ thống lý luận về một bộ phận này hay bộ phận khác trong việc giải quyết vấn đề bản chất con người và thế giới con người. Nhân bản triết học, triết học của chủ nghĩa thực chứng, triết học của chủ nghĩa cấu trúc, triết học của chủ nghĩa Tômát mới và triết học hiện sinh với khuynh hướng khác nhau, khi nghiên cứu con người và thế giới con người, đã gắn với các vấn đề khoa học, vấn đề tâm linh, vấn đề hiện sinh, vấn đề tha hóa rất phong phú. Hệ thống triết học tư sản phương Tây nghiên cứu con người ở nửa sau thế kỷ XX khác rất xa với triết học tư sản ở thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Nó mở rộng kinh nghiệm xây dựng hệ thống và tìm nhiều phương pháp mới nghiên cứu thế giới nội tâm của con người. Các phương pháp của chủ nghĩa thực chứng đi từ dưới nên, các phương pháp nghiên cứu sự hiện sinh của con người, các phương pháp nhân học chống lại duy lý, đề suất việc hoà giải xã hội đã mở rộng phương pháp tiếp cận lịch sử đối với con người và thế giới con người. Các phương pháp nay gắn với nhiều thành tựu khoa học mới của thời đại.
Mỗi trào lưu triết học và mỗi phương pháp triết học ngoài Mácxít ở nửa sau thế kỷ XX đã cố gắng đi sâu vào một vấn đề đặt ra với con người và thế giới con người hiện đại. Tuy nhiên, tính đa nguyên, tính không nhất quán của triết học phương tây cuối thế kỷ XX đã tạo ra những khái niệm, những phạm trù rất khó hiểu khi tiếp cận với thế giới mới; đặc biệt là thế giới nội tâm của con người. Phần lớn hệ thống lý thuyết của triết học đo đều gạt bỏ truyền thống phá huỷ các chuẩn mực kìm trói tự do, đưa con người trở về với cái tôi tuyệt đối. Triết học hiện sinh với các khuynh hướng khác nhau không thừa nhận nhân bản triết học, bởi vì triết học nhân bản đã đề xuất những triết thuyết, những tri thức ổn định về con người. Đối với triết học hiện sinh, con người là một sự tự sáng tạo vĩnh viễn, cô tận, không bao giờ kết thúc (non Finito).
Có thể nói, khát vọng lớn lao của hệ thống triết học tư sản ở thế kỷ XX là cố gắng lý giải mọi quan hệ giữa con người và mọi sự vật cũng như kết cấu khách quan chung quanh con người; đồng thời, lại thu hẹp phạm vi tồn tại của thế giới của con người vào cái tôi chủ quan và cá tính của con người. Những lý thuyết triết học đó thường gắn với một chủ nghĩa nhân đạo hạn hẹp. Nó cố gắng giải thích địa vị con người trong thế giới, nhưng con người bị cô đơn giữa xã hội của mình. Nó chống đối sự tha hoá tư sản đối với con người, nhưng lại ca ngợi sự tuyệt đối tự do của cá nhân, cá tính mà không đề xuất một hình thức xã hội tốt đẹp nhất để phát triển thế giới con người. Triết học tư sản hiện đại không thể là hình thức tư duy đúng đắn để tiếp cận tính toàn vẹn sinh vật - xã hội lịch sử của con người và thế giới con người. Trong thế kỷ XX, Nhiều nhà triết học Mác xít đã vận dụng sáng tạo triết học của C.Mác và Ph.Ăngghen để nghiên cứu con người trong điều kiện lịch sử mới của ba cuộc cách mạng giải phóng vĩ đại: giải phóng dân tộc, giải phóng vĩ đại: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội. Trong số những nhà Mácxít đó, có Hồ Chí Minh. Vận dụng sáng tạo các tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã tạo lập lý luận nhân học trong quá trình lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong triết lý phát triển của mình, người đã nghiên cứu bản chất con người, tính người, nhân loại, giống người, kiểu người và các vấn đề giáo dục con người cũng như sở trường và lợi ích riêng của từng người.
Ngay từ khi đi tìm đường cứu nước, Người đã muốn tìm hiểu rõ bản chất của con người là gì? Do đâu con người có tình thiện, tính ác? Tại sao lại có giống người bị áp bức bóc lột và giống người đi áp bức bóc lột? Sức mạnh của con người là ở đâu? Và đặc biệt là những kiểu người trong lịch sử phát triển cùng với các hình thức nhà nước như thế nào? Sau khi nghiên cứu sâu sắc, toàn diện các vấn đề con người, Hồ Chí Minh hướng tới giáo dục con người kiểu mới gắn liền với một nhà nước kiểu mới: con người xã hội chủ nghĩa của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Hệ lý luận nhân học xã hội trong triết lý phát triển Hồ Chí Minh hướng tới xây dựng con người xã hội chủ nghĩa với những phẩm chất đức toàn song toàn, hồng thắm, chuyên sâu, có đời sống tập thể và đời sống cá nhân phát triển hài hoà, mỗi người trong xã hội đều phải khoẻ về thể chất, cao đẹp về đạo đức; phong phú về mỹ cảm, phát triển về trí lực. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, một xã hội nhân đạo là xã hội “coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, là nguồn tạo nên hạnh phúc của mọi người và cho cả thế hệ mai sau”(3)…
Phát triển các tư tưởng về con người của triết học Mácxít, Hồ Chí Minh hướng con người Việt Nam vào quá trình làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân để xây dựng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng con người xã hội chủ nghĩa là khát vọng cháy bỏng là mối quan tâm trong suốt cuộc đời Người. Trước lúc đi xa, trong Di chúc Hồ Chí Minh vẫn căn dặn toàn Đảng, toàn dân: việc đầu tiên phải quan tâm là con người. Chăm lo cơm ăn, áo mặc, học hành, việc làm cho con người, giáo dục con người, xây dựng con người, đặc biệt là người đảng viên cộng sản là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Triết học mácxít là một hệ thống lý luận nhân đạo chủ nghĩa về con người, là cơ sở cho mọi hoạt động sáng tạo tư do và phát huy tính tích cực xã hội của con người. Nó mang tính cách mạng sâu sắc và tính khoa học nghiêm túc. Sức mạnh của triết học Mácxít trong việc tiếp cận tính toàn vẹn sinh vật - xã hội- lịch sử của con người và thế giới của con người ở cả tính lý luận hoàn chỉnh và tính thực tiễn cập nhật nó. Nó gắn con người, thế giới con người với một quá trình sinh thành lịch sử, với một lý tưởng nhân văn cao cả, đó là chủ nghĩa xã hội. Theo chúng tôi, cho đến nay, mặc dầu đã có nhiều hệ lý luận nghiên cứu con người, nhưng chỉ có chủ nghĩa duy vật biên chứng và chủ nghĩa duy vật về lịch sử là phương thức, là hình thức tư duy lý luận đúng đắn, toàn vẹn nhất trong việc tiếp cận với tính toàn vẹn sinh vật - xã hội - lịch sử của con người và thế giới của con người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900