Triết lý chính trị- xã hội & pháp luật

01:45 CH @ Thứ Năm - 13 Tháng Tám, 2009

Mục lục

1. Giới thiệu.
2. Quan điểm cộng hoà của Plato.
3. Học thuyết chính trị của Aristotle.
4. Triết lý luật pháp của Thánh Thomas Aquinas.
5. Triết lý chính trị của Niccolo Machiavelli.
6. Triết lý chính trị của Thomas Hobbes.
7. Triết lý dân chủ của Jean Jacques Rousseau.
8. Triết lý pháp quyền của Georg Hegel.
9. Chủ nghĩa cộng sản của Karl Marx

1. Giới thiệu

Có thể nói quá trình phát triển của loại hình triết học chính trị, xã hội và pháp lý theo truyền thống văn minh phương Tây đã bặt nguồn từ thời Plato(1). Ngay từ thời đại ấy, các triết gia đã tìm cách xác định bản chất và ý nghĩa của những gì được gọi là xã hội tốt đẹp, nhà nước và xã hội mẫu mực phải có những đặc điểm gì. Tư tưởng và cách lý giải của họ đã được đúc kết lại thành những hệ thống quan điểm khác nhau về một nhà nước lý tưởng, một "điều không tưởng" (utopia - tiếng Hy Lạp có nghĩa là không ở đâu cả). Ngày nay, cũng như trong quá khứ, các triết gia "không tưởng" có ảnh hưởng đáng kể đối với các vấn đề chính trị, đặc biệt tại Hoa Kỳ.

2. Quan điểm cộng hòa của Plato

Plato chú tâm giải quyết một vấn đề được gọi là "sự bất công" (injustice) và cuối cùng tìm đến giải pháp cho vấn đề: "công lý" (justice). Phần thảo luận dưới đây tóm lược một số ý kiến cơ bản của ông về nguồn gốc, bản chất và giải pháp loại trừ bất công cũng như định nghĩa, bản chất và thể chất của công lý.

Mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân

Học thuyết chính trị của Plato dựa trên nguyên tắc cơ bản do ông đề ra rằng con người quan trọng hơn xã hội, rằng cần phải nghiên cứu bản chất của con người để xác định đúng những đặc tính của một xã hội đáng được mong đợi. Một xã hội tốt đẹp cần đến đức hạnh; đức hạnh lại tuỳ thuộc vào bản chất con người; bản chất của mỗi công dân trong xã hội. Không chỉ có xã hội mà chính các cư dân của nó góp phần vào quá trình hình thành các tệ nạn xã hội. Những công dân tốt tạo nên một nhà nước tốt; những công dân băng hoại tạo nên một nền chính trị băng hoại.

Các phẩm hạnh cơ bản

Theo quan điểm của Plato, các giá trị đạo đức và hạnh kiểm tuỳ thực vào tính cách tâm lý của con người, tính cách này lại phụ thuộc vào các đặc điểm sinh lý. Plato định ra ba khía cạnh sinh lý của con người, mỗi khía cạnh có chức năng tự nhiên riêng: cái đầu (lý trí), quả tim (tinh thần) và dạ dày (lòng ham muốn). Mỗi khía cạnh có liên quan với một dạng phẩm hạnh riêng.

Plato định nghĩa phẩm hạnh như "sự ưu việt" (excellence), được thể hiện qua ba lãnh vực hoạt động chủ yếu của đời sống con người, tương ứng với ba chức năng tự nhiên; lý trí, tinh thần và ham muốn. Cá nhân nào vượt trội trong lãnh vực ý chí sở hữu đức "thông thái" (wisdom); cá nhân vượt trội trong lãnh vực vận dụng năng lực tinh thần sở hữu đức "dũng cảm" (courage); những ai vượt trội trong lãnh vực kiểm soát lòng ham muốn của mình sở hữu đức "tiết độ" (moderation). Thực tế, mọi người đều có ba dạng hoạt động như thế, nhưng chỉ những ai có năng lực vượt trội mới được xem là sở hữu được các phẩm hạnh cơ bản ấy.

Bản chất và vai trò của công lý

Đối với Plato, công lý là một dạng phẩm hạnh cộng đồng, có tính phối hợp. Nói cách khác, nó là kết quả của sự đồng tâm hợp tác giữa những cá nhân có đức hạnh tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng và quốc gia.

Công lý chỉ ưu thắng khi mỗi cá nhân làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình, cống hiến tài năng và công sức của mình cho lợi ích của cộng đồng và đất nước. Trong một xã hội công bằng, mỗi người cống hiến tài năng và sức lực vốn có của mình, đảm nhận phần việc phù hợp với khả năng của mình, không chỉ hoàn tất phận sự mà còn thực hiện với ý thức trách nhiệm đối với xã hội.

Theo Plato, sự cản trở nỗ lực thi hành bổn phận và trách nhiệm của con người chính là nguyên nhân dẫn đến bất đồng và xung đột-đó là bản chất của sự bất công. Bất công và hỗn loạn là kết quả xảy ra khi các thành viên trong xã hội phải cố gắng thực hiện những gì nằm ngoài khả năng, kiến thức chuyên môn và sức lực của họ. Vì thế, mỗi nhà nước lý tưởng và một xã hội công bằng chỉ có thể tồn tại khi mỗi công dân thực hiện phần cống hiến phù hợp với lãnh vực chuyên môn và năng lực vốn có của họ.

Cơ cấu tổ chức của nhà nước lý tưởng

Trong một nhà nước lý tưởng, cơ cấu tổ chức nhân sự dựa trên cơ sở tài năng và phẩm hạnh của mỗi thành viên. Theo Plato, nhà nước lý tưởng gồm có 3 tầng lớp chính:

1. Tầng lớp sư phạm, hay bảo hộ: Bao gồm những cá nhân có đức độ và thông thái, đảm nhận trách nhiệm quản lý chính quyền và giáo dục quốc dân.

2 Tần lớp chiến binh: Bao gồm những cá nhân có đức dũng cảm, có năng lực ý chí và tinh thần vượt trội. Giới này đảm nhận trách nhiệm bảo vệ nhà nước, đối phó với nạn ngoại xâm cũng như nội biến.

3. Tần lớp lao động, hay thợ thủ công: Bao gồm những cá nhân có đức tiết độ (tự kiềm chế), đảm nhận những phần việc thường được dành cho giới lao động, nông dân, dịch vụ và thương nhân. Học được đức tuân thủ và kiềm chế bản thân, họ chính là những người thi hành và biến các chính sách của nhà nước thành hiện thực.

Giáo dục trong nhà nước lý tưởng

Theo Plato, cần phải chọn lựa và đào tạo các thành viên trong quốc gia, dựa trên cơ sở tôn trọng tài năng, qua đó tạo điều kiện cho phép họ phát huy những phẩm hạnh tương ứng với bổn phẩn và trách nhiệm trong tương lai. Điều này có thể thực hiện được thông qua một nền giáo dục dân chủ.

Vào một độ tuổi nhất định, mọi đứa trẻ phải được đến trường, được giáo dục và có cơ hội bộc lộ năng lực bản thân như nhau. Bước vào tuổi thanh niên, những cá nhân có khuynh hướng trở thành người lao động sẽ được chọn ra để tổ chức hướng nghiệp phù hợp với năng lực bản thân. Vài năm sau, số học sinh còn lại trải qua đợt tuyển chọn thứ hai, các chiến binh tương lai sẽ ra trường và bắt đầu phục vụ trong quân đội. Chỉ có những người giám hộ trong tương lai mới tiếp tục việc học, tiếp nhận khối lượng kiến thức chuyên sâu về biện chứng pháp (dialectics) và các bộ môn triết học khác, đồng thời tham gia phục vụ tại các cơ quan nhà nước, tập sự công việc quản lý chính quyền. Sau khi được đào tạo hoàn chỉnh, các giám hộ có cơ hội trở thành những người lãnh đạo quốc gia, xét theo tính cách đạo đức, học thuật và trí tuệ vượt trội của họ.

Chính thể quý tộc

Phần thảo luận trên nêu bật đặc điểm của sự phân tầng trong xã hội. Mặc dù mỗi người đều được hưởng cơ hội vươn đến những vị trí cao nhất trong nhà nước, dù nền tảng giáo dục được thiết lập trên nguyên tắc dân chủ, chỉ có những cá nhân ưu việt nhất, trách nhiệm giáo dục và quản lý cộng đồng.

Theo Plato, bất cứ một nhà lãnh đạo nào có tài năng và đức độ vượt trội hơn hẳn các viên chức nhà nước khác cũng có thể trở thành vị "quân chủ" (monarch). Tuy nhiên, nếu như không có ai thông thái và đức độ sánh ngang Socrates, tốt hơn nên đặt quyền lãnh đạo tối cao vào một nhóm người có phẩm chất ưu việt nhất- một hội đồng như viện nguyên lão(2), một hình thức của chế độ quý tộc (aristocracy). Các thành viên trong hội đồng nhà nước tối cao này phải sống như những người cộng sản (communists), không sở hữu bất kỳ một tài sản riêng nào trong suốt thời gian phục vụ, nhằm loại trừ khả năng phát sinh tệ tham nhũng và các hình thức lợi dụng chức quyền khác.

Plato đánh giá thể chế quý tộc, xét về mặt tổng quát, là chính thể tốt đẹp nhất (quân chủ là thể chế hoàn mỹ nếu có được một đấng minh quân xuất chúng). Ông cũng phân tích bốn dạng chính thể bất toàn khác, có xu hướng thoái hoá dần như sau:

1. Timocracy(3): Dạng chính quyền do những người tài giỏi và danh tiếng (các chiến binh và anh hùng dân tộc) điều hành.

2. Chính thể đầu sỏ (Oligarchy): Dạng chính quyền do một nhóm người, nổi tiếng nhờ thế lực tiền tài, điều hành và thao túng. Khi dân chúng trong một đất nước quá tôn trọng sự phồn vinh vật chất, các nhà tài phiệt được trọng vọng, có cơ hội nắm quyền lực và thực hiện những mục đích mưu lợi cá nhân.

3. Chính thể dân chủ(Democracy): Dạng chính quyền được điều hành bởi nhân dân, được xây dựng trên nền tảng bình đẳng (equaility). Bởi vì một chế độ dân chủ đơn thuần thiếu cơ sở hiến pháp, không thể hạn chế những quyết định "bốc đồng và nông nổi" của quần chúng; nó có khuynh hướng bị điều khiển bởi các tay đầu cơ chính trị, bị lôi kéo vào các mục tiêu cục bộ, nhất thời và dẫn đến sai lầm. Trong trường hợp ấy, nó thực sự là một chính quyền kém hiệu quả, được điều hành bởi những cá nhân không đủ phẩm chất và năng lực cần thiết.

4. Chính thể độc tài (Tyranny): Dạng chính quyền nằm trong tầm khống chế và thao túng của một cá nhân, người được gọi là "nhà độc tài".

Theo Plato, hình thức chính quyền khả dĩ lành mạnh nhất là chế độ cộng hoà (Republic), được điều hành bởi một nghị viện quý tộc bao gồm những cá nhân vô sản phẩm chất ưu việt nhất (về mặt đạo đức lẫn năng lực trí tuệ). Mặc dù thế, ông vẫn chọn chính quyền quân chủ nếu như tìm được một nhà lãnh đạo kiệt xuất-một đấng minh quân triết gia - người có thể trị vì đất nước với đức công chính và sự thông tuệ toàn hảo. "Trừ phi các bậc đế vương trở thành triết gia, hoặc các triết gia trở thành đế vương, nhà nước lý tưởng là điều không tưởng."

3. Học thuyết chính trị của Aristole

Aristotle(4), giống như Plato, xây dựng học thuyết nhà nước lý tưởng trên nền tảng bản chất con người. Tuy nhiên, khác với Plato, ông đặt ra vai trò và lợi ích của nhà nước lên trên quyền lợi và tầm quan trọng của cá nhân. Aristotle cho rằng con người, về bản chất, là một tạo vật có tính xã hội và chính trị, rằng cá nhân không thể có đời sống ẩn dật chỉ kéo dài một sự tồn tại khác thương, một đời sống dẫn đến sự biến dạng tính cách của anh ta. Đời sống cô độc đi ngược lại bản chất và lợi ích của con người. Thực tế, Aristotle nhận định, mục đích trong đời của mỗi cá nhân là thực hiện toàn mãn bản chất của mình để trưởng thành, thăng hoa và hưởng thụ hạnh phúc. Trong chuyến hành trình cuộc đời ấy, điều tốt đẹp nhất (hạnh phúc) chỉ có thể đạt được ở môi trường xã hội.

Với cái nhìn như thế, xã hội không được tạo ra vì con người, vì thiên hướng và lợi ích của con người. Trên tất cả, nó là một thực tại có ý nghĩa sống còn đối với nhân loại, là một nhu cầu không thể thiếu của cuộc sống con người. Chính vì lẽ đó, đạo đức xã hội (thể hiện qua đời sống chính trị) phải được đặt trên một đạo đức cá nhân. Khi cần thiết, mỗi cá nhân phải tự nguyện hy sinh cho lợi ích quốc gia. Thực chất, không phải xã hội cần đến con người mà ngược lại, con người phải cần đến xã hội; bởi lẽ xã hội là một thực tại có giá trị đạo đức, phát sinh từ những nhu cầu thiết yếu của nhân loại.

Mục đích của nhà nước

Để phát triển một cách lành mạnh, thoả mãn mọi nhu cầu như: sinh lý, giao tiếp, trí tuệ, văn hóa v.v..., con người phải sống cuộc đời của mình bên trong khuôn khổ xã hội (social matrix). Hơn nữa, do được hình thành từ một ý tưởng tốt lành, hướng đến mục đích đạo đức và xã hội nền tảng luân lý, nhà nước chính là chỗ dựa cần thiết cho mỗi cá nhân trong quá trình hoàn thiện bản thân và thành tựu hạnh phúc trong đời. Mục tiêu cơ bản của nhà nước là tạo điều kiện cho mỗi công dân được hưởng một cuộc sống thư nhàn, có cơ hội nhận thức được giá trị tối thượng của con người. Đó là cuộc sống hướng đến các giá trị văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị, khoa học và trên tất cả, triết học .

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong xã hội của Aristotle, quyền công dân chỉ được dành cho các tầng lớp thượng đẳng (upper classes); tầng lớp nô lệ và nông dân, do đời sống nghèo khổ, bị buộc phải lao động. Bởi vì chỉ có các tầng lớp thượng đẳng hưởng được cuộc sống thư nhàn và đắm mình trong các hoạt động nghiên cứu chính trị, khoa học, triết học, v.v..., chỉ riêng họ mới có cơ hội đạt được hạnh phúc, điều tốt đẹp nhất của cuộc sống và là sản phẩm có giá trị nhất được tạo ra từ hoạt động trí tuệ ưu việt của con người.

Nhà nước lý tưởng

Theo Aristotle, chính thể lý tưởng là vấn đề mang tính tương đối; không thể có thể chế tối hảo cho mọi dân tộc, cho mọi thời đại. Một chính thể được xem là "tốt đẹp" khi giới cai trị quan tâm đến vấn đề an sinh của dân chúng; trong khi một chính thể bị xem là "thối nát" khi giới cai trị quan tâm chủ yếu đến mục đích tư lợi. Do vậy, một chỉnh thể "tốt đẹp" có thể bị tha hoá và rơi vào tình trạng "thối nát" nếu giới cai trị bắt đầu mưu cầu tư lợi, lơ là trách nhiệm đối với vấn đề an sinh cộng đồng. Xét từ cái nhìn đó, mỗi chính thể tốt đẹp đều có một hình thức thối nát tương ứng với nó.

Chính thể tốt đẹp

Chính thể thối nát

Quân chủ (Monarchy)

Quý tộc (Aristocracy)

Hợp tiến (Polity)

Độc tài (Tyranny)

Đầu sỏ (Oligarchy)

Dân chủ (Democracy)

Như đã đề cập, trong chính thể quân chủ, quyền điều hành tối thượng thuộc về một nhà lãnh đạo đức độ và thông tuệ, người quan tâm đến phúc lợi cộng đồng. Chỉ khi nào người đảm nhận cương vị ấy không nghĩ đến lợi ích của dân chúng, bắt đầu thâu tóm quyền lực và tiền của, chính thể ấy mới rời vào tình trạng độc tài.

Tương tự, trong chế độ quý tộc, quyền điều hành thuộc về nhóm quý tộc (công dân) có phẩm chất và năng lực ưu việt. Khi quyền hành ấy rơi vào tay của một nhóm người chỉ quan tâm đến việc lạm dụng chức quyền để mưu cầu tư lợi, chế độ quý tộc bị thao túng bởi các nhà tài phiệt, trở nên thối nát và thoái hoá thành chính thể đầu sỏ.

Cuối cùng, chính thể hợp hiến, được điều hành bởi một số người dân có phẩm chất xứng đáng, chỉ thoái hoá thành chế độ dân chủ khi đa số giới cầm quyền phớt lờ lợi ích của Nhà nước và quần chúng, lạm dụng chức quyền để mưu cầu tư lợi. Trong chính thể dân chủ, quần chúng quyết định các chính sách quốc gia vì lợi ích cục bộ hơn là vì lợi ích của đất nước.

Điều tiết cơ cấu hành chính

Aristotle áp dụng nguyên tắc "tiết độ trong mọi sự" vào vấn đề thẩm định cơ cấu của một quốc gia. Thí dụ: Liệu bộ máy chính quyền hiện tại có quá nhỏ, hay quá cồng kềnh so với dân số, điện tích của đất nước, hoặc so với dân trí?

Ông đi đến kết luận rằng một nhà nước lý tưởng phải có đa số dân thuộc tầng lớp trung lưu. Tầng lớp nghèo khổ chiếm đa số sẽ là một gánh nặng đối với vấn đề an ninh quốc gia; đồng thời, sự vượt trội về số lượng người giàu thuộc tầng lớp thượng lưu cùng tạo ra tình trạng mất cân đối về mặt phân phối phúc lợi và quyền lực trong đất nước. Giới trung lưu chiếm đa số và quyền điều hành thuộc về giới trung lưu là điều kiện "lành mạnh nhất" đối với sự phát triển của một quốc gia.

"Mọi hình thức thái quá đều phải được loại trừ". Dành quá nhiều nhân lực cho một chức nghiệp nào đó sẽ phá vỡ sự cân bằng và ổn định của một đất nước. Ngoại trừ giới trung lưu, quá nhiều phục vụ cho một lãnh vực nào đó, sẽ gây phương hại thậm chí huỷ hoại cả một quốc gia. Aristotle dẫn chứng: "Người Sparta mải đầu tư cho chiến tranh, không chuẩn bị cho hoà bình. Vào thời bình, họ rỉ sét như thanh gươm nằm trong vỏ".

4. Triết lý luật pháp của Thánh Thomas Aquinas

Theo Thánh Thomas Aquinas(5), Thượng Đế là nhà lập pháp tối thượng (the superme lawgiver), đấng sáng tạo mọi quy luật, siêu nhiên lẫn tự nhiên - bắt nguồn từ những quy luật gốc ấy, luật pháp của con người được hình hành. Thánh Thomas nhận định rằng trật tự xã hội và những quy tắc công bằng của nó tuân theo khuôn mẫu mà Thượng Đế đã định sẵn trong thế giới tự nhiên. Những điều luật bất công, vốn không tuân theo khuôn mẫu ấy, không thể được xem là luật pháp đích thực. Mặc dù, nói một cách nghiêm chỉnh, con người không có bổn phận phải tuân theo những điều luật bất công, nhưng vẫn có những lý do đạo đức đòi hỏi sự vâng mệnh trước quyền lực, bởi lẽ "mọi quyền lực đều xuất phát từ Ý chúa". Con người phải tuân theo giới cầm quyền, bởi vì không có quyền lực nào nằm ngoài quyền năng của Thượng đế.

Nắm quyền thống trị là sở hữu quyền lực, là bước lên cương vị và đảm nhận trách nhiệm cao hơn người khác. Đối khán với quyền lực là đối kháng với thiên mệnh, với "trật tự" mà Thượng đế đã định ra. Không chỉ quyết định thang bậc tôn ti ở chốn thiên đường (celestial hierarchy), trật tự ấy cũng quyết định hệ thống thang bậc trong giáo hội (ecclesiastical hierarchy) và cơ cấu xã hội (social order). Trong xã hội trần tục, người lãnh đạo tối cao của nhà nước thọ lãnh thiên mệnh, thực hiện trật tự của Thượng đế; mọi thần dân và thuộc cấp đều phải tuân theo. Thánh Thomas quan niệm rằng ngay cả hành động sai trái của kẻ cai trị tàn ác nhất cũng là hành động gián tiếp của Thượng đế.

Bạo lực và bất tuân luật pháp

Thánh Thomas còn nhận định rằng mối quan hệ đúng mực giữa năng lực người dân và luật phát là cơ sở xác lập trị an mà không cần sử dụng đến bạo lực. Bạo lực là điều đáng ghê tởm,chỉ nên sử dụng như biện pháp cuối cùng để tranh đấu với cái xấu, và phải được giới hạn ở mức cần thiết. Xét cho cùng, bạo lực đối nghịch với bản chất của tự nhiên, rất hiếm khi nó hợp với thiên ý. Chính vì lý do đó, khi đối mặt trước bạo lực, con người luôn có khuynh hướng nhân nhượng và hoà hoãn. Tuy nhiên, người ta cũng cần nhận thức rõ hiểm hoạ và khi cần thiết, bước vào cuộc chiến chống lại Cái Ác.

Thánh Thomas cho rằng có sự khác biệt giữa những điều luận "bất công"(vô đạo hay nghịch thiên) và những điều luật "bất lợi" (trái ý hoặc gây phương hại cho lợi ích của một số cá nhân). Đối với các điều luật vô đạo, chúng ta không bao giờ nên chấp nhận và tuân thủ. Tuy nhiên, đối với các điều luật bất lợi (một trong những dạng biến động thăng trầm của đời người), cách phản ứng của mỗi cá nhân (tuân thủ hoặc phủ nhận chí kình chống) chính là thước đo lương tâm và đạo đức của bản thân. Một người vô tội bị kết án tử hình có đủ lý do đạo đức khi tìm cách trốn tránh thụ hình, nhưng một tội phạm thực sự thì không. Thực tế, lịch sử nhân loại ghi nhận không ít gương trung thần, danh sĩ khí tiết hơn người - họ chấp nhận hình phạt bất công để bảo vệ những giá trị và nguyên tắc đạo đức cao đẹp. Trong giới triết gia, Socrates là một tấm gương điển hình như vậy. Ông đã đón nhận án tử, sử dụng thái độ của mình như một phương cách tôn vinh công lý: tôn trọng tính uy nghiêm của luật pháp, vận dụng lý lẽ để phản kháng. Cái ác thay vì bài xích và hạ thấp giá trị công lý thiêng liêng của một phán quyết.

Quy luật tự nhiên

Suy luận lôgic, theo quan niệm của Thánh Thomas, là cơ sở thích hợp để đánh giá phẩm hạnh của con người, nhưng chính quy luật tự nhiên không chỉ quyết định hình nên khuôn mẫu suy luận ấy. Cũng cần lưu ý rằng quy luật tự nhiên không chỉ quyết định sự vận hành của các cơ quan của con người, nó còn bao hàm những phẩm chất luân lý - vì thế, nó cũng là quy luật đạo đức. Đối với quy luật tự nhiên, con người có quyền chọn lựa thái độ tuân thủ, theo đuổi hay xuyên tạc nó. Tuy nhiên, mọi hành vi trái luật tự nhiên đều trái với đạo đức.

Thánh Thomas tin tưởng rằng con người không nhận thức về quy luật tự nhiên thông qua con đường suy luận, mà thông qua sự trực nhận, một thiên hướng cho phép con người nắm bắt được lẽ tốt đẹp phù hợp với bản chất của chính mình. Thông qua quá trình suy luận, chúng ta có thể nhìn nhận rằng thiên hướng ấy là tốt đẹp, rằng những điều sai lệch so với quy luật tự nhiên "bất thành văn" chỉ trở thành tri thức và phản ứng tự nhiên của chúng ta thông qua sự trực nhận, không đòi hỏi sự hỗ trợ của quá trình suy lý.

Thiên hướng trực nhận lẽ đúng sai không đơn giản chỉ là bản năng động vật; nó bao gồm cả hoạt động ý thức. Hơn nữa, bản thể (ontological life) hoà hợp với hoạt động ý thức. Hơn nữa, thiên hướng này bám rễ sâu trong các hành vi lý trí, hoạt động dưới tiếng gọi, mệnh lệnh hay nguyên tắc của lương tâm, đòi hỏi chúng ta hành thiện, động viên chúng ta chống lại cái ác. Thực tế tri thức của nhân loại về những đạo lý trong đời đều được phát hiện dựa trên thiên hướng trực nhận, một thiên hướng thuộc về bản chất của con người. Thời xa xưa, thiên hướng trực nhận ấy là con đường duy nhất dẫn đến tri thức luân lý. Về sau, con đường ấy bị che khuất dần giữa đám rừng ngôn từ và ý tưởng trí xảo; con người bắt đầu làm quen với các khuynh hướng suy luận, len lỏi theo những lối mòn để tìm đến cánh cửa tri thức.

Quy luật vĩnh hằng

Theo Thánh Thomas, mặc dù quy luật vĩnh hằng xuất phát từ Thượng Đế, ý nghĩa của nó cần được nhận thức theo quan điểm triết học hơn là dựa trên quan điểm thần học. Thượng đế bất diệt - Đấng sáng tạo, khởi động và vận hành muôn vật - hiện hữu và hành động với ý nguyện và tuệ giác của ngài. Do vậy, bộ máy vũ trụ vận hành theo lẽ trời - nói cách khác, quy luật tự nhiên là lẽ hành sự của Thượng đế. Lý lẽ của ngài, Tuệ giác bất diệt của Ngài, Bản chất siêu phàm của Ngài, hợp nhất với quy luật vĩnh hằng, thể hiện "sự minh tuệ thần thánh" bao trùm mọi chuyển động và hành trạng của muôn vật.

Do xuất phát từ sự minh tuệ thần thánh ấy, quy luật tự nhiên tất phải bao hàm đạo lý (hay lẽ phải) và luân lý (hay cơ chế vận hành mang tính áp đặt) - nói cách khác, nó phải có bản chất của một quy luật đích thực. Khả năng áp chế của quy luật tự nhiên, hình thành nên các nguyên tắc luân lý, hoàn toàn gắn liên với sự tồn tại của Thượng đế - không có Thượng đế, tất không có đạo đức.

Thể hiện sự minh tuệ thần thánh (divine wisdom), quy luật vĩnh hằng vốn vô ngôn, bất khả thuyết, bất khả tư lượng - chỉ có bản thân Thượng đế, hoặc những ai thực chứng được bản thể của Ngài, mới có thể nắm bắt được quy luật ấy.

Luật pháp

Theo triết lý của Thánh Thomas, luật pháp là luật được định hình dưới dạng văn bản, thể chế hoá lẽ phải bằng lý luận thực tế. Do quan niệm về lẽ phải được cụ thể hoá dưới dạng quy định pháp lý, áp đặt nên mỗi cá nhân và được xã hội thực thi, nó trở thành một nghĩa vụ luật pháp mà nếu như phớt lờ, người ta có thể bị trừng phạt. Trong khi hiệu lực của luật pháp dựa trên cơ sở sự cưỡng chế của xã hội (pháp chế ), quy luật tự nhiên "bất thành văn", thông qua mệnh lệnh của lương tâm, đòi hỏi chúng ta tuân theo các nguyên tắc luân lý. Vì thế, quy luật tự nhiên có liên quan đến nghĩa vụ đạo đức hơn là nghĩa vụ luật pháp.

Quyền tự nhiên

"Tự bảo toàn sinh mạng" là một thí dụ điển hình cho quyền tự nhiên (natural right), khái niệm thường đi kèm theo quy luật tự nhiên. Quyền tự nhiên tồn tại như tiền đề cơ sở cho sự hình thành các quyền hạn cụ thể trong khuôn khổ pháp lý. Nó tiềm ẩn trong quy luật tự nhiên.

Luật quốc tế

Công pháp hay luật quốc tế (the jus gentium ) là luật được áp dụng ở các quốc gia có cùng một nền văn minh. Khác với quy luật tự nhiên, nó chỉ được nhận thức thông qua lý lẽ và các khái niệm tư duy, không thông qua khuynh hướng trực nhận. Mặc dù có thể không được thể chế hoá thành những quy định rõ ràng, công pháp vẫn mang tính pháp chế, dựa vào hoạt động lý trí và nhận thức của con người. Tương tự như luật lệ xã hội đòi hỏi mỗi cá nhân trong cộng đồng phải tuân thủ, luật quốc tế có giá trị pháp lý lẫn luân lý, bởi lẽ nó đòi hỏi chúng ta phải có nghĩa vụ luật pháp lẫn đạo đức

5.Triết lý chính trị của Niccolo Machiavelli

Niccolo Machiavelli(6)đề xuất một học thuyết biện minh cho giới cai trị trong việc sử dụng mọi phương tiện cần thiết, công chính lẫn ám muội, để duy trì một chính phủ vững mạnh và ổn định trật tự xã hội "mục đích biện minh cho phương tiện," dẫu rằng mục đích ấy chỉ mang đến lợi ích cho chế độ cai trị độc tài.

Để có được quyền lực chính trị, người ta cần phải được sinh ra trong một gia đình thế gia vọng tộc, hoặc phải chiếm đoạt quyền lực bằng ý trí, tài năng thậm chí bằng thủ đoạn. khi đã thâu tóm quyền hành đạt được từ thủ đoạn, với sự hỗ trợ của một số kẻ đồng mưu (những có đủ tham vọng và tính gian hùng cần thiết để tham gia thực hiện những mưu đồ xấu xa), người ta cần phải loại trừ họ. Hơn nữa, trong quá trình tiêu diệt các kẻ thù trong nước, người cầm quyền phải kiên quyết, nhẫn tâm và không được phép xót thương - nếu không, " sau một vài cơn mưa, cỏ dại lại mọc đầy."

Lòng cảm thông của kẻ cai trị dành cho thần dân phải được giới hạn ở mức cần thiết để có thể duy trì trọn vẹn quyền lực của bản thân. trung tín, tôn giáo, v.v.... với mục đích xây dựng một hình ảnh tốt đẹp trước công chúng, nhưng ông ta thường xuyên phải luôn hành động ngược lại với ý tưởng ấy. Trên tất cả, ông ta cần phải hình thành nên một tính cách đạo đức giả và mềm dẻo. Chỉ có một vài người gần gũi và nhạy cảm mới phát hiện ra tính cách thực của ông ta, nhưng thông thường họ không dám phản kháng hay vạch trần bộ mặt giả dối của kẻ cai trị đầy quyền lực. Nhờ đó, những kẻ cai trị mới duy trì được địa vị tôn quý của họ.

Thuật làm vua

Tác phẩm kinh điển của Machiavelli, "Thuật làm vua"(The Prince), phân tích đến phép cai trị của các bậc vua chúa, đặt vấn đề liệu rằng họ nên tin tưởng vào thần dân đến mức độ nào, liệu rằng họ nên sử dụng đến những phương cách gì để điều phục dân chúng. Machiavelli kết luận rằng các bậc vua chúa phải sử dụng đến luật pháp lẫn vũ lực. Do luật pháp thường tỏ ra kém hiệu quả, vũ lực luôn được cần đến - mặc dù xét theo một góc nhìn nào đó, vũ lực chỉ được sử dụng để đối phó và trấn áp thú dữ.

Tóm lại, các bậc vua chúa nên thể hiện một tính cách hai mặt: thèm khát quyền lực như một mãnh sư, đồng thời phải ranh ma và xảo quyệt như một con cáo. Làm vua chúa, phải luôn cảnh giác, phải luôn nhớ rằng "mãnh sư bị sập bẫy, cũng như một chú cáo ở giữa bầy sói, không có khả năng tự vệ" hai mặt tính cách nói trên hỗ trợ cho nhau. Như con cáo, vua chúa phải che giấu bản chất thực sự của mình, tỏ vẻ đức độ ngay cả khi hành xử xấu xa. Như con mãnh sư, ông ta cần phải biết tàn nhẫn. Chỉ có những vị vua quá xuẩn ngốc mới có lòng nhân từ và đức độ thực sự - họ sẽ đánh mất vương quốc của mình vào tay kẻ thù. Tuy nhiên, để giữ được quyền lực, vua chúa buộc phải tạo dựng cho mình một hình ảnh của người cai trị đức độ.

Các thể chế Chính quyền

Machiavelli nhận định rằng trong suốt lịch sử nhân loại, chỉ có hai chính thể cơ bản: quân chủ và cộng hoà, trong đó cộng hoà là thể chế tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, chế độ cộng hoà chẳng thể hoạt động hiệu quả nếu không có những công dân có phẩm chất và đức độ. Trong trường hợp nhân tâm đã loạn, chỉ có chế độ quân chủ là khả thi. Theo ông, mục đích "trấn áp lòng người "có thể biện minh cho cung cách cai trị cứng rắn kết hợp với các hình thức mị dân. Nói cho cùng, "mục đích biện minh cho phương tiện."

6. Triết lý chính trị của Thomas Hobbes

Triết lý chính trị của Thomas Hobbes(7) đặt trên nền tảng học thuyết khế ước xã hội (Social Contract theory), học thuyết nền tảng của các thể chế dân chủ hiện đại. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng các quyền bất khả tước đoạt của con người, theo niềm tin của Hobbes, là các quyền tự nhiên (natural rights); trong khi khái niệm nhân quyền (human rights) thời hiện đại được xem là các quyền được một thực thể thần thánh (divine Being) ban cho.

Hobbes tuyên bố rằng con người, về cơ bản, là một tạo vật sa đoạ và không đáng tin cậy, rằng họ luôn phải tự bảo vệ bản thân giữa các đồng loại chẳng khác gì những con thú trong rừng vậy! Mỗi cá nhân luôn cảm thấy cần thiết phải đóng kín cửa đề phòng kẻ trộm đột nhập, thậm chí phải luồn ví tiền dưới gối đề phòng kẻ trộm trong chính gia đình mình. Con người không chỉ sa đoạ mà còn thích gây gổ và hiếu chiến đến độ, ngoại trừ những khoảnh khắc nghỉ ngơi giữa các cuộc khẩu chiến, họ liên tục xung đột, cạnh khoé và chống phá lẫn nhau.

Có ba lý do lý giải tính hiếu chiến của con người: cạnh tranh (để giành quyền sống cho mình), thiếu tin cậy vào người khác (nhu cầu tự bảo toàn) và thèm khát vinh quang (nhu cầu được kính trọng). Cạnh tranh đưa con người đến bạo lực, thiếu lòng tin làm nảy sinh khuynh hướng tự vệ, và hãnh tiến đòi con người xây dựng các hình thức ngoại giao tinh tế.

Quyền tự nhiên

Theo Hobbes, quy luật thống trị cung cách ứng xử của mọi tạo vật là luật rừng, "luật nanh vuốt " (the law of tooth and claw). Với quy luật khốc liệt ấy, sức mạnh tạo nên lẽ phải. Trong rừng, mãnh sư ưu tiên giành lấy những gì nằm trong khả năng của nó; sau đó các loài thú khác lần lượt dành lấy phần của chúng. Con người cũng hành động như thế và nếu cần thiết, thậm chí họ còn tàn sát lẫn nhau hoặc biến đồng loại thành nô lệ. "Mỗi người có quyền làm mọi sự trong khả năng, ngay cả khi làm chủ thân thể của kẻ khác."

Quyền bình đẳng giữa con người

Như đề cập ở trên, quy luật tự nhiên cho phép mỗi người, trong khả năng của mình, làm mọi việc theo ý muốn - bởi lẽ trong thế giới dã thú, “chẳng có gì xem là bất chính cả”. Mặt khác, để tránh bị kháng cự và phản công, con người phải xảo trá hơn cả dã thú. Một người yếu đuối, nếu được trang bị vũ khí lợi hại và có chiến thuật hiệu quả, hoàn toàn có thể hạ gục một người khoẻ mạnh. Hobbes chỉ ra rằng, do con người có năng lực thể chất không đồng đều, các cá nhân yếu đuối thường có xu hướng tập hợp thành nhóm để tự vệ hoặc để chống lại kẻ thù hùng mạnh. "Xét về mặt thể lực, kẻ yếu vẫn có đủ khả năng tiêu diệt kẻ mạnh bằng thủ đoạn hiểm độc, hoặc bằng cách liên kết với những ai có cùng mục tiêu như họ."Về phương diện này, Hobbes đồng tình với phương châm cổ: " Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết" (United we stand, divided we fall).

Luật tự nhiên

Hobbes tin tưởng rằng, xét theo luật cơ bản của tự nhiên, cá nhân phải bảo vệ cuộc sống của chính mình bằng mọi cách và với mọi giá, rằng không có gì quý hơn mạng sống và đáng phải hy sinh mạng sống cả. “Tự bảo toàn sinh mạng” là quy luật tự nhiên đầu tiên, thúc giục con người “tìm kiếm và theo đuổi hoà bình.” Nỗi sợ chết hay sợ tổn thương, kết hợp với bản năng bảo toàn sinh mạng, ngăn không cho con người làm hại bản thân và người khác. Quy luật đầu tiên ấy (luật tự bảo toàn sinh mạng) thúc đẩy con người tuân phục quy luật thứ hai, liên quan đến khế ước xã hội - bởi lẽ sinh mạng chỉ được bảo toàn tốt nhất trong một xã hội, nơi mà sự an bình lâu dài được xác lập trên nền tảng của một khế ước cộng đồng.

Khế ước xã hội

Đối với Hobbes, khế ước xã hội là phương tiện thiết yếu để xác lập các quyền công dân trên cơ sở của quy tắc vàng trong phép xử thế (“Hãy dành cho người khác những gì mà bạn muốn nhận được từ họ”), thay cho quy luật tự nhiên “mạnh được yếu thua". Các cá nhân có được quyền công dân bằng cách chấp nhận một thoả ước cộng đồng được xây dựng trên nguyên tắc “cá nhân sẵn sàng, vì mục đích hoà bình, vì quyền tự nhiên của mình, bằng lòng giới hạn sự tự do của mình đến một mức độ mà, trong tình huống tương tự, những người khác cũng sẵn lòng kiềm chế như vậy." Nguyên tắc này cấu thành nên quy luật thứ hai về khế ước xã hội. Ý nghĩa và tầm quan trọng của quy luật ấy chỉ có giá trị nếu nó thoả mãn được quy luật tự nhiên đầu tiên - luật tự bảo toàn sinh mạng.

Các luật phát sinh từ khế ước xã hội

Qua phần thảo luận, rõ ràng quy luật thứ hai được phát triển từ quy luật đầu tiên; bởi lẽ con người chỉ chấp nhận tham gia khế ước xã hội với mục đích bảo đảm quyền sống của bản thân. Hobbes nhận định rằng có một số quy luật khác phát sinh từ 2 quy luật đầu tiên ấy. Ông tổng kết các quy luật như sau:

1. Con người không được làm điều gì có khả năng huỷ hoại cuộc sống bản thân ( luật tự bảo toàn sinh mạng ).

2. Cá nhân sẵn sàng, khi những người khác cũng thế, đặt mục đích hoà bình và tự bảo vệ bản thân nên trên hết; cá nhân bằng lòng với quyền tự do trong khuôn khổ mà anh ta có thể chấp nhận dành cho người khác trong tình huống tương tự (luật khế ước xã hội ).

3. Mỗi người đều thực thi các nghĩa vụ theo thoả ước ( luật công lý ).

4. Với một người thọ nhận lợi ích, từ lòng hảo tâm hay sự biết ơn của người khác, không có lý do gì khiến anh ta phải ân hận về thiện ý của mình (luật hàm ơn).

5. Mỗi người tranh đấu để tự thích ứng với cộng đồng (luật thích nghi).

6. Sau khi cảnh cáo, "cá nhân nên tha thứ cho những kẻ xúc phạm đã biết hối lỗi và mong được dung thứ" (luật vị tha).

7. Về vấn đề báo thù (lấy oán trả oán), người ta không nên xem nặng tội lỗi quá khứ, hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp ở tương lai ( luật báo thù).

8. Không ai được phép tuyên bố sự ghét bỏ hay kinh miệt người khác thông qua hành động, lời nói, dáng vẻ hay ra dấu hiệu (luật khinh miệt).

9. Mọi cá nhân thừa nhận rằng mỗi người đều bình đẳng về mặt bản chất (luật tự tôn).

10. Hội nhập vào “điều kiện chung sống hoà bình, không ai được phép giành riêng bất kỳ quyền lợi nào mà cá nhân không sẵn lòng chia sẻ cho cả cộng đồng” (luật ngã mạn và khiêm tốn).

11. Đối với những gì không phân chia được; “nếu có thể, hãy cùng thụ hưởng chung; và nếu như có thể phân chia được về mặt số lượng, hãy chia đều cho số người được quyền thụ hưởng” (luật công bằng).

12.Quyền chiếm hữu đều quyết định bằng cách rút thăm, hoặc xác định tình trạng sở hữu đầu tiên (hệ luật của công bằng)

13. “Mọi sứ giả hoà bình đều được hưởng quy chế bảo đảm an toàn” ( luật quy chế an toàn).

14. “Những cá nhân dính líu đến sự kiện tranh chấp đều phải đặt mình dưới quyền phán xử của một vị trọng tài” (luật phân xử).

Cần lưu ý rằng các điều luật nói trên, theo quan niệm của Hobbes, đều được chi tiết hoá hoặc suy luận từ quy tắc vàng trong thuật ứng xử.

Vị Quốc chủ (Levithan)

Các điều luật nói trên, quy định phận sự của các công dân tham gia khế ước xã hội, thực sự có giá trị tham khảo rất cao. Tuy nhiên, vẫn có một câu hỏi quan trọng cần được đặt ra: điều gì sẽ xảy đến nếu như một cá nhân tham gia khế ước ,vô tình hay cố ý, không thực hiện bổn phận của mình? Để trả lời, Hobbes gọi đó là vị Quốc chủ ( Levithan), một “vị thần” trong loài người. Bản thân đứng trên luật lệ, người ấy nắm quyền hành pháp tối cao trên thế giới (hay chí ít là trên một đất nước).Theo giả định, quyền lực ấy thuộc về một đấng đế vương. Tuy nhiên, nếu có một người nắm quyền lực cao hơn xuất hiện và khuất phục được bậc đế vương ấy, nhân vật ấy sẽ trở thành Vị Quốc chủ mới.

Ở quốc gia không có một vị vua nắm quyền lực tối cao, khế ước được điều hành bởi một hội đồng và quốc gia ấy được gọi là khối quy chế cộng đồng (Commonwealth by Institution). Nếu được xác lập bởi nhà vua, người nắm quyền lực tối thượng (bằng biện pháp vũ lực hoặc thông qua thoả ước giữa các đảng phái có liên quan ), nó được gọi là khối hiệp ước cộng đồng (Commonwealth by Acquisition ).

7. Triết lý dân chủ của Jean Jacques Rousseau

Triết lý dân chủ của Jean Jacques Rousseau nhấn mạnh nguyên tắc cho rằng quyền tối thượng thuộc về người dân, rằng tất cả quyền lực khác đều phụ thuộc vào quyền tối thượng ấy. Nhà nước được hình thành trên nền tảng của một khế ước xã hội có mục tiêu đảm bảo an sinh cho công dân, do vậy chủ quyền tồn tại nhằm mục đích bảo vệ cho mỗi cá nhân trong quốc gia. Khi chấp nhận tuân thủ luật pháp, các cá nhân chỉ đơn thuần uỷ thác quyền của họ vì mục đích đó. Chính phủ chỉ sở hữu quyền uỷ nhiệm, không phải là quyền lực tối thượng, xuất phát từ ý nguyện của tập hợp quần chúng thống nhất. Chính ý nguyện của khối quần chúng, một ý nguyện chung, là điều mà các viên chức nhà nước phải thực thi. Ý nguyện chung là ý nguyện hướng đến lợi ích của mọi người. Hơn nữa, bộ máy nhà nước không nên quá cồng kềnh, quốc gia cũng không nên quá lớn, gây khó khăn cho khả năng thích ứng của các công dân. Hình thức chính quyền lý tưởng nhất chỉ bao gồm một nhóm nhỏ các công chức do dân bầu ra.

Tự do và bình đẳng

Thời nguyên sơ, xã hội được tổ chức dựa theo trật tự gia đình, hình thức xã hội chân thật và gần gũi vời tự nhiên hơn cả. Theo đó, đúng ra các hình thức xã hội chính trị đương thời nên được xây dựng theo khuôn mẫu gia đình. Trong một gia đình, mỗi đứa trẻ được sinh ra với quyền tự do và bình đẳng; nguyên tắc tương tự cũng nên được sử dụng và phát huy trong những vấn đề chính trị xã hội của thời đại.

Chế độ nô lệ là ý tưởng đáng ghê tởm trong một xã hội tự do, bởi vì "sức mạnh không làm nên lẽ phải", và về mặt tự nhiên, “không ai thống trị đồng loại của mình.” Vì thế, không thể tổ chức và thể chế hoá xã hội bằng vũ lực mà phải thông qua hình thức thoả ước, thông qua một khế ước xã hội.

Quyền tối thượng bất khả chuyển nhượng

Quyền tối thượng thuộc về công dân, hay nói đúng ra, thuộc về chính kiến của tập hợp quần chúng thống nhất; bởi lẽ chỉ có một tập hợp như thế mới sở hữu một ý nguyện bất khả chuyển nhượng. Ý nguyện của mỗi cá nhân chia sẻ với nhau trong ý nguyện chung, hướng đến ích lợi chung của cả cộng đồng. Mặc dù quyền hành có thể được ủy nhiệm, ý nguyện thì không. “Chủ quyền không là gì ngoài việc thể hiện ý nguyện chung, một ý nguyện chẳng thể nào chuyển nhượng được. “Chính vì lý do đó, chủ quyền là bất khả phân cấp, bất khả chuyển nhượng.”

Ý nguyện chung

Ý nguyện chung không đơn thuần là bản liệt kê ý nguyện riêng rẽ của mỗi cá nhân. Thực chất, nó được thể hiện trong hoạt động chính trị của mỗi công dân khi anh ta thành tâm và tự nguyện, không chịu bất kỳ một áp lực nào, đưa ra quyết định độc lập của mình bằng một lá phiếu.

Quá trình tổng hợp những lá phiếu có thể chỉ cho thấy khát vọng riêng của mỗi công dân; nhưng ý nguyện chung được phản ánh qua thái độ tự nguyện và thành tâm của mỗi cá nhân, tham gia bỏ phiếu vì những điều tốt đẹp cho mọi công dân. “Thông thường, có điều khác biệt rất lớn giữa ý nguyện toàn thể và ý nguyện chung. Ý nguyện chung chỉ liên quan đến lợi ích chung. Ý nguyện toàn thể có liên quan đến những lợi ích riêng, chỉ là một bản tổng kết những ý nguyện riêng rẽ...ý nguyện chung lúc nào cũng đúng cả “nếu được hướng dẫn chu đáo, tránh những xu hướng bè phái và các thủ đoạn thao túng chính trị, một cộng đồng dân cư sẽ thể hiện rõ ràng ý nguyện chung của họ.”

Khế ước xã hội

Rousseau nhận định rằng với xã hội được xây dựng trên cơ sở khế ước, vận dụng sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng để chăm lo vấn đề an sinh bảo vệ tài sản của mỗi cá nhân, mọi công dân đều có quyền tự do và độc lập, chẳng phải tuân theo mệnh lệnh của ai khác ngoài chính mình.Bởi lẽ khế ước xã hội tồn tại vì vấn đề an sinh của mỗi cá nhân trong cộng đồng, nếu một thành viên vi phạm các thoả ước, anh ta đã vi phạm luật lệ của chính mình . Cá nhân ấy sẽ phải nhận lãnh hình phạt, không phải chỉ vì mục đích duy trì sự ổn định của xã hội, mà còn vì lợi ích của chính anh ta.

Khế ước xã hội được xác lập trên nguyên tắc cơ bản là: Quyền tối thượng thuộc về dân chúng (sở hữu chủ của ý nguyện bất khả quyền nhượng); quyền hành có thể chuyển giao nhưng ý nguyện thì không. Do vậy, chính phủ chỉ là người đại diện của quần chúng, hoạt động và thực thi ý nguyện chung. Chính phủ chẳng bao giờ đạt được quyền thống trị tối thượng và tối hậu.

Về nhà nước lý tưởng, Rousseau chọn chính thể cộng hoà cai trị bằng luật pháp, viên chức chính phủ do dân bầu chọn và thi hành ý nguyện chung. Tin rằng cho cấu chính trị đặc thù chỉ có vai trò thứ yếu, ông đưa ra nhận sét chung như sau: chế độ dân chủ phù hợp với nước nhỏ; chế độ quý tộc với các nước cỡ trung bình; và chế độ quân chủ với các nước lớn. Ông kêt luận rằng "nếu có sự tồn tại của nòi giống thần thánh, hẳn là họ cũng tự trị theo thể chế dân chủ."

8.Triết lý pháp quyền của Hegel

Triết lý chính trị và pháp lý của Georg W.F.Hegel(8) được ông phác hoạ trong tác phẩm "Triết lý pháp quyền" (Die philosophiedes Rechts). Từ Recht, trong tiếng Đức, có thể được hiểu theo 1 trong 3 nghĩa như sau: "lẽ phải" (moral principle), "luật pháp" (law), hay "quyền công dân"(civil). Thực tế, Hegel và nhiều triết gia Đức khác sử dụng thuật ngữ ấy để diễn đạt cả ba nghĩa trên.

Quốc gia - Một ý tưởng đạo đức và thần thánh

Giống như Aristotle, Hegel nhận định rằng con người là một tạo vật có tính xã hội, chỉ có thể tìm thấy sự thực hữu của chính mình trong khuôn khổ quốc gia. Theo ông, nhận thức về sự thực hữu của con người gắn liền với môi trường xã hội. Do vậy, quốc gia có vai trò rất quan trọng đối với vấn đề có ý thức luân lý và đạo đức. Quốc gia là một thực thể bao quát, là môi trường tổng hợp nên toàn bộ tính cách, nếp sống và xu hướng nhận thức của con người. Vì thế con người phải nhất thiết phụ thuộc vào thực thể bao quát ấy. Trên tất cả, quốc gia không thể được lý giả như một khế ước xã hội, bởi lẽ quốc gia không phải đựơc tạo ra từ quyết định của các cá nhân trong một đất nước. Không có quốc gia, chẳng có chân lý nào hay, xét về mặt thực hữu, không có sự nhận thức trọn vẹn nào được tìm thấy nơi một cá nhân hoặc đoàn thể nào đó. Quốc gia là một thực thể chân xác, không chỉ đơn giản là một nhóm người tập hợp lại. Chỉ ở trong quốc gia, cá nhân mới có thể hoàn tất quá trình tự nhận thức của mình.

Hegel đồng nhất quốc gia với quyền năng của Thượng Đế, dàn trải và xuyên suốt lịch sử thế giới. Quốc gia là một ý tưởng Thần Thánh, là sự hiển lộ của Thượng Đế ở chốn trần thế, là thực thể đáng được tôn thờ. Là một hình thức thể hiện tính hợp lý hoàn hảo, quốc gia chỉ yêu cầu các công dân những gì hợp lẽ. Mặc dù quốc gia được hình thành chủ yếu bằng vũ lực, chính cảm giác an sinh trong trật tự đã giữ cho nó đứng vững.

Quốc gia - Một tổng thể hữu cơ

Đối với Hegel, quốc gia là một tổng thể hữu cơ, không ngừng phát triển để tự khẳng định chính mình. Một quốc gia băng hoại giống như cơ thể người bệnh, mặc dù có thể vẫn tồn tại nhưng không thể hoạt động như một thực tại sống động - như một bàn tay bị thương tật, tuy vẫn giữ nguyên hình thể nhưng vô cảm và không thể cử động theo ý muốn. Quốc gia theo đuổi sự nghiệp tự nhận thức và tự khẳng định, một sự nghiệp mà tinh thần thế giới (the world Spirit) đã tạo ra cho nó.

Hiến pháp

Quốc gia là tinh thần của đất nước. Luật pháp thâm nhập và nuôi dưỡng toàn bộ đời sống của nó, thể hiện các quy tắc và ý thức đạo đức của người dân trong một đất nước. Dạng hiến pháp mà một quốc gia chấp nhận tương xứng với mức độ hiểu biết, hay mức độ hoàn tất quá trình tự nhận thức của nó. Hiến pháp (consitution) không hoàn toàn được tạo ra bởi con người, nó xuất phát từ mức độ thức ngộ, khả năng thành tựu quá trình tự khẳng định của một quốc gia. Hiến pháp thể hiện sự phát triển xuyên suốt dòng lịch sử của một quốc gia. Hiến pháp co tính hợp lý và có giá trị bất diệt, là một công cụ có tính thần thánh - không phải là một tác phẩm của con người, mà là tác phẩm của cả ngàn năm lịch sử, nó bộc lộ những gì hợp lý, là ý thức về những gì hợp lý. Nó là đặc tính thiêng liêng của lý lẽ, là “toà kiến trúc uy nghiêm và hùng vĩ

Vị Quân Chủ

Hegel cho rằng chính thể quân chủ lập hiến (constitutional Monnarchy) là hình thức nhà nước tối cao - không có tính dân chủ theo ý tưởng cho rằng quyền tối thượng thuộc về dân chúng. Nó xuất phát từ ý tưởng cho rằng người trị vì đất nước là nhân vật đứng đầu một quốc gia tổng thể hữu cơ, thể hiện tinh thần Thế Giới. Ông nhận định rằng “quyền lực tối thượng thuộc về nhân vị mang tính tổng thể, được đại diện bởi nhà quân chủ”. Quyết định tối hậu thuộc về nhà nước, thể hiện ý chí tự quyết tối thượng, và vị quân chủ là người phát ngôn chính thức của toàn quốc gia. tuy vậy, vị quân chủ không phải là bản thân nhà nước, mặc dù nhà nước hoạt động thông qua ông ta. Thực tế, hầu như vi quân chủ chỉ "ký tên mình" để xác lập tinh thần quốc gia. Bởi vì nhà nước tồn tại độc lập với quyền trị vì, phẩm chất và tài năng của vị quân chủ chỉ chiếm vai trò thứ yếu, vai trò của "người vâng mệnh quốc gia" để thực hiện công việc đặt nét bút cuối cùng. Nói cách khác, bất chấp sự kiện rằng các quyết định tối thượng trực tiếp gắn liền với ông ta, vị quân chủ chỉ đặt dấu ấn cuối cùng để tuyên cáo rằng những quyết định ấy phù hợp với ý nguyện tối thượng của quốc gia.

Vị quân chủ là người trị vì một quốc gia chuyên chế, trong đó quyền hành pháp và lập pháp vận hành theo hình thức tư vấn. Trong lãnh vực lập pháp, quyền lợi của quần chúng, cũng như quan điểm và khát vọng của họ, có cơ hội thể hiện. Bất chấp sự kiện rằng thực tế quần chúng không nắm quyền lực nào, chính phủ không nên có thái độ chống đối họ.

Quần chúng tìm thấy sự hợp nhất, tổ chức và chân giá trị của họ trong quốc gia. Nếu tách rời khỏi quốc gia, cá nhân đánh mất vai trò và ý nghĩa của minh.

Triết lý chiến tranh của Hegel

Hegel nhận định rằng chiến tranh có một khía cạnh đạo đức riêng, góp phần tôn vinh giá trị cao quý của hoạt động sống của con người. Nó khơi dậy những phẩm chất cao đẹp nhất của con người, tạo cơ hội cho con người hành xử như những vị anh hùng, thậm chí khi nó đòi hỏi họ hy sinh mạng sống cho quốc gia. Mặc dù cá nhân có thể chết, quốc gia phải sinh tồn và tiếp tục sự nghiệp của mình - quốc gia vĩ đại và quan trọng hơn bất kỳ một cá nhân nào. Vinh quang của cá nhân không co ý nghĩa bằng “sự tự nguyện hiến thân cho một sự nghiệp vũ trụ”, sự nghiệp phục vụ quốc gia. Chiến tranh trắc nghiệm sức mạnh và khả năng vận hành của một quốc gia, tạo cơ hội gìn giữ đạo lý và tinh thần tự quyết của một dân tộc. Hegel cho rằng Immanel Kant đã sai lầm khi cổ xuý cho một nên hoà bình vĩnh cửu, điều kiện thực sự mang đến sự trì trệ, tình trạng mục rỗng, thối nát và băng hoại. Ngược lại, chiến tranh vận hành như một chất xúc tác chống lại những điều xấu xa ấy. Trong một nền hoà bình vĩnh cửu, các cơ cấu tổ chức trở nên thụ động và chết cứng. Thực tế , Hegel nhận đinh, không có xung đột, không thể có tiến bộ. Chiến tranh là hình thức xung đột căng thẳng và khốc liệt nhất; vì thế nó là động cơ thúc đẩy sự tiến bộ mạnh mẽ nhất. Các quốc gia vượt qua khỏi chiến tranh thường vươn lên với một tinh thần tự chủ kiên cường. Theo Hegel, không có chiến tranh, không thể có hoà bình; bởi vì hoà bình là hệ quả của chiến tranh.

Các mối quan hệ quốc tế

Quốc gia là cơ cấu tổ chức tối hậu của xã hội con người. Do không có nước nào đứng trên nước khác. Bất đồng giữa các cá nhân được giải quyết bởi nhà nước; xung đột giữa các quốc gia được quyết định bởi chiến tranh. Đối với vấn đề liệu rằng lẽ phải thuộc về quốc gia nào, Hegel cho rằng lịch sử sẽ phán quyết "Lịch sử thế giới là lời phán xét của thế giới". Nói cách khác, điều gì sẽ xảy ra là điều tất đúng - một dạng lập luận có thể biện minh cho cái lý “sức mạnh tạo nên lẽ phải”.

Tương tự như quan điểm cho rằng cá nhân không thể nhận thức được chính mình nếu tách rời khỏi quốc gia, một quốc gia không thể tách rời khỏi muối quan hệ với các quốc gia khác - Tinh Thần Thế Giới vốn vận hành xuyên suốt dòng lịch sử của nhân loại. Mối quan hệ với các quốc gia riêng lẻ là bằng chứng tối hậu, biện minh cho sự tồn tại của Tinh Thần Thế Giới vượt lên trên gianh giới của mọi quốc gia. Tinh thần ấy là lời phán xét của lịch sử nhân loại dành cho các quốc gia riêng lẻ và hữu hạn, “bởi lịch sử là toà án công lý tối cao của thế giới"

9. Chủ nghĩa cộng sản của Karl Marx

Karl Marx(9) là vị triết gia vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản, người đứng đầu trong bộ ba danh nhân: Marx-Engels-Lenin. Tác phẩm mang tính đại chúng nhất của ông là Bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (The Manifesto of the Communist Party) trong đó có phần góp của Friedrich Engels. Tác phẩm bất hủ mang tính kinh viện của ông là bộ Tư bản (Das Kapital). Hầu hết những nguyên lý chủ yếu của cộng sản được đề cập bên dưới đây đều thuộc về tư tưởng của Marx (Engels nhìn nhận vai trò chủ đạo của Marx đối với "những đứa con tinh thần " chung của hai người)

Chủ nghĩa cộng sản

- Định nghĩa: Trái ngược với những giả định mang thành kiến sai lầm, cho chủ nghĩa cộng sản, về bản chất, là bộ môn triết học cổ xuý cho “việc công hữu hoá các phương tiện sản xuất” Không cá nhân nào (hay nhóm người nào) được độc quyền chiếm hữu tài sản, ngoại trừ những vật dụng thuộc về nhu cầu cá nhân, bởi lẽ tài sản vốn thuộc về cộng đồng (toàn thể nhân dân ) Một khi tài sản bị tư hữu, "tình trạng người bóc lột người" tất xảy ra.

Học thuyết giá trị lao động

Giá trị hàng hoá mang tính đặc trưng cho giờ công lao động mà con người đã bỏ ra trong quá trình tạo ra sản phẩm. Số lượng giờ công nhân càng lớn, giá thành của sản phẩm càng cao. “Chúng ta thấy rằng yếu tố quyết định quy mô giá trị của bất kỳ món hàng nào chính là lượng công sức cần thiết mà xã hội đã bỏ ra.... Vì thế, giá trị của một món hàng hoá sẽ không đổi nếu thời gian lao động dành cho quá trình sản xuất nó ra cũng giữ nguyên không đổi”(9) Tuy nhiên, một món hàng vô dụng, bất kể thời gian lao động mà người ta dành ra để tạo ra nó, sẽ không đáng một giá nào cả; bởi lẽ nếu không có giá trị sử dụng, một món hàng sẽ trở thành vô giá trị.

Xã hội không giai cấp

Theo Engels, học thuyết có giá trị bậc nhất của Marx là đấu tranh giai cấp (Inherent Class War), vạch ra sự xung đột tất yếu giữa hai tầng lớp xã hội có mâu thuẫn không thể dung hoà: giới chủ tư bản (giới tư sản - the Bourgeoisie) và giới lao động (giới vô sản - the Proletariat). Do lợi ích của hai giai cấp này đối kháng hoàn toàn và mâu thuẫn trực tiếp với nhau, giải pháp duy nhất là loại trừ đi giai cấp tư sản - Tầng lớp không cống hiến sức lao động cho xã hội, và vì thế họ là những kẻ ăn bám xã hội. Trong xã hội cộng sản chủ nghĩa, mọi người phải lao động và cống hiến sức lao động của mình. "Mỗi người làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu" (From each according to his abilities, to each accoding to his needs.)

Mặt khác, giới tư sản chịu trách nhiệm đối với một số tệ nạn trong xã hội như: Họ đã bóc lột nhân công bằng cách trả lương ít hơn những gì mà công nhân có quyền được hưởng. Họ đã đối xử với công nhân như một loại hàng hoá trên thị trường, thu nhập của công nhân phụ thuộc vào sự trồi sụt thất thường của thị trường, không được xét theo công sức lao động đã bỏ ra. Hơn nữa, họ còn góp phần thương mại hoá hầu hết mọi nghề nghiệp, thậm chí cả một số giá trị đạo đức (chẳng hạn như nạn gả bán trong hôn nhân).

Bằng cách loại trừ tầng lớp tư bản, xã hội sẽ an bình với sự tồn tại của một giai cấp duy nhất. Đó là một xã hội không còn giai cấp, được cấu thành bởi những người cống hiến sức lao động chân tay và hoạt động sáng tạo trí óc của họ.

Chuyên chính vô sản

Trong một xã hội như thế, giới vô sản (công nhân), giai cấp duy nhất còn lại, sẽ đảm nhận mọi trách nhiệm trong xã hội, không chỉ giới hạn trong lãnh vực lao động và quản lý lao động, mà cả trong lãnh vực tổ chức và quản lý chính quyền. Xét đến phần đóng góp của giai cấp vô sản cho quốc gia, chỉ có họ mới được quyền thống trị. Vì thế, chính thể của họ phải là chế độ chuyên chính vô sản (Dictatoship of the Proletariat). Họ, những người vô sản, sẽ tự làm chủ vận mệnh đời mình. Và khi thời điểm chín muồi, khi quốc gia không còn cần thiết trong một thế giới chỉ bao gồm những người vô sản, con người sẽ có được một xã hội đại đồng, không còn ranh giới giữa các quốc gia. (Quan điểm về một thế giới đại đồng đã từng là đề tài tranh luận của nhiều nhà tư tưởng Mác- xit quốc tế)

Thuyết bạo lực cách mạng

Trong quá trình đấu tranh giai cấp, tầng lớp thống trị không dễ dàng tự nguyện rời bỏ sự giàu có, vốn tư bản và quyền lực của họ. Vì thế giai cấp vô sản sẽ phải dùng đến vũ lực, thậm chí là bạo lực cách mạng khi cần thiết. Bởi lẽ tài sản và quyền lực ấy thuộc về quyền lợi chính đáng của giai cấp lao động, giới vô sản có đủ lý lẽ để giành lại bằng vũ lực “Những người cộng sản... công khai tuyên bố rằng các mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng vũ lực lật đổ mọi ách thống trị hiện hành. Hãy để các tầng lớp thống trị run rẩy trước một cuộc cách mạng của những người cộng sản...Hỡi những người lao động trên toàn thế giới, hãy đoàn kết lại!” Bản tuyên ngôn của Đảng Cộng sản kết thúc với những lời lẽ hùng hồn như thế.

Chủ nghĩa duy vật biện chứng

Mọi hàng hoá đều là vật chất, và hàng hoá vật chất là nguồn gốc của quyền lực. Kiểm soát được vốn sản suất là kiểm soát được tất cả. Vì thế, nhất thiết nhà nước phải tập trung kiểm soát mọi phương tiện sản xuất. "Lịch sử tư tưởng của nhân loại chứng minh điều gì khác hơn là khả năng tạo ra các thành quả trí tuệ thay đổi theo tỷ lệ so với sự thay đổi về khả năng sản xuất ra các thành quả vật chất? Ý tưởng thống trị của mỗi thời đại mãi là ý tưởng của giai cấp thống trị."

Kinh tế quyết định luận

Kinh tế quyết định luận ( Economic Determinism) là học thuyết cho rằng dòng lịch sử nhân loại được quyết định bởi các thời kỳ phát triển kinh tế, cuối cùng hướng mọi quốc gia tiến đến chủ nghĩa xã hội của những người cộng sản (Communitic Socialism). Đó là hệ quả tất yếu. Cho dù các quốc gia có định hướng đi đến mục đích ấy hay không, chủ nghĩa cộng sản vẫn sẽ phát triển từ tất cả mọi hệ thống xã hội hiện hành, bởi lẽ mỗi xã hội đều mang trong mình “những mầm mống băng hoại của chính nó”. Theo những người cộng sản, một cuộc cách mạng chưa dẫn đến thành công bởi vì "thời cơ của nó chưa chín muồi".

Các biện pháp cải cách xã hội

Bản tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nêu ra 10 biện pháp cải cách xã hội, được tóm tắt dưới đây như sau:

1. Xoá bỏ mọi hình thức tư hữu đất đai. Sử dụng đất đai cho mục đích công cộng.
2. Áp dụng mức thuế thu nhập có tính luỹ tiến.
3. Xoá bỏ mọi quyền thừa kế.
4. Tịch thu tài sản của tất cả bọn phản cách mạng và những kẻ đào tẩu khỏi đất nước.
5. Tập trung quản lý tiền tệ bằng bộ máy Ngân hàng nhà nước, hoạt động với vốn nhà nước và cơ chế độc quyền.
6. Tập trung quyền quản lý các phương tiện thông tin và giao thông trong tay nhà nước.
7. Phát huy quyền làm chủ của nhà nước đối với cá xí nghiệp và cơ xưởng sản xuất; tập trung quản lý việc khai thác đất hoang, cải tạo đất trồng theo quy hoạch chung.
8. Xác lập quyền bình đẳng của mọi người đối với nghĩa vụ lao động. Đầu tư phát triển công nghiệp, đặc biệt dành cho sản xuất nông nghiệp.
9. Kết hợp phát triển nông nghiệp với các nghành công nghiệp chế biến; dần dần tiến đến xoá bỏ sự cách biệt giữa thành thị và thôn quê bằng các biện pháp điều phối dân cư.
10. Thực hiện giáo dục miễn phí cho mọi trẻ em tại các trường học công lập. Xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em hiện hành. Kết hợp giáo dục với trình độ sản xuất công nghiệp.


Ghi chú:

(1) Plato (429-347 trước CN ): Nhà triết học Duy tâm cổ Hy Lạp, học trò của Socrates và là thầy của Aristotle. Ông là người sáng lập ra Chủ nghĩa duy tâm khách quan, xem "ý niệm " và vĩnh cửu và không phụ thuộc vào không gian cũng như thời gian. Theo "Sổ tay danh nhân thế giới" của Nhà xuất bản Thanh Niên; năm 1999 - khoảng 387 trước CN, Plato lập Viện hàn lâm tại Athens (có thể được xem là trường đại học tổng hợp đầu tiên của châu Âu) và lãnh đạo học viện ấy cho đến khi qua đời. Tác phẩm của ông gồm 65 tập, phần lớn là các bài đối thoại triết học, trong số đó, có Symposium (về Tình yêu), Phaedo (ghi lại những lời giảng của Socrates về linh hồn bất diệt), Chế độ cộng hoà (về nhà nước lý tưởng), Không tưởng, Theaetetus (về bản chất tri thức) và Timaeus ( về bản chất của thế giới vật chất). (ND)

(2) Senate: Thượng viện của quốc hội lập pháp ở một quốc gia như Pháp, Mỹ và Úc. Vào thời La Mã cổ đại, Senate là hội đồng nhà nước tối cao, được gọi là viện nguyên lão.

(3) Người dịch không tìm được thuật ngữ Việt Nam tương ứng với thuật ngữ này. Căn cứ vào khái niệm được trình bày ở trên, người dịch xin đề xuất được sử dụng cụm từ "Chính thể hùng bá." (ND)

(4)Aristotle (384-322 trước CN ):
Nhà triết học cổ đại Hy Lạp, học giả bách khoa, học trò của Plato và gia sư của Alexander Đại đế. Karl Marx gọi ông là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời cổ đại. Ông là nhà duy tâm khách quan, tiến sát đến chủ nghĩa duy vật. Năm 335 trước Công Nguyên, ông mở trường và thư viện (the Lyceum) tựa Athens. Các tác phẩm còn sót lại của ông, dưới dạng các bài thuyết giảng, tập hợp thành một hệ thống phân tích luận bao gồm nhiều lãnh vực: sinh học, vật lý, tâm lý, luận lý, chính trị, đạo đức, siêu hình, thi ca và hùng biện. Vào thời Trung Cổ, các tác phẩm ấy đã trở thành cơ sở nền tảng của ngành triết học kinh viện. (ND)

(5) Saint Thomas Aquinas (1225-1274): Triết gia và nhà thần học người Ý thời Trung Cổ. Năm 1243, ngài gia nhập dòng tu Thánh Đa Minh, Ngài có công luận giải các công trình Aristotle, Thánh Kinh và các công trình triết học, thần học khác. Nhờ công sức của ngài , tư tưởng của Aristotle đã được chấp nhận trong công đồng Thiên Chúa Giáo Tây Âu. Ngài phân định sự khác biệt giữa đối tượng nằm trong phạm vi khai phá bới lý trí của con người và những gì chỉ có thể phát lộ nhờ thiên khải. Những lập luận của ngài về vấn đề sự tồn tại của Thượng đế vẫn có ảnh hưởng cho đến ngày này. Ngài được liệt vào hàng Thánh năm 1323, được phong làm Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1567 và được chính thức công nhận là vị thánh bảo hộ của các trường công giáo vào năm 1880. (ND)

(6) Niccolo Machiavelli (1469-1527): văn sĩ, chính trị gia Ý thời Phục Hưng. Năm 29 tuổi, ông giữ chức thủ tướng, nắm trọn quyền điều khiển bộ máy nhà nước cộng hoà Florence (thời kỳ nước Ý bị chia sẻ vì sự tranh giành của các nước láng giềng). Năm 1952, dòng họ Médicis tái chiếm quyền lực, cách chức và giam cầm ông. Sau khi tự do, ông chuyên tâm nghiên cứu và sáng tác, để lại một số truyện ngắn, hài kịch và nhiều chuyên luận chính trị, quân sự, lịch sử. Về quan niệm, ông không chấp nhận mọi yếu tố siêu nhiên, định mệnh và may rủi; tất cả điều đó ý chí, tâm hồn và hành động của con người quyết định. Đó là tính cách nhất quán của chính trị gia Machiavelli và nghệ sĩ Machiavelli, con người mang đầy khát vọng xây dựng một nước Ý thống nhất, tự do, bình đẳng và một chính quyền vững mạnh và trật tự xã hội ổn định. (Theo Sổ tay danh nhân thế giới, Nhà xuất bản hanh niên, 1999) (ND)

(7) Thomas Hobbes (1588 - 1679): Triết gia Anh, người phát triển một hệ thống học thuyết có liên quan đến bản chất của con người và xã hội. Ông tin rằng về cơ bản, mọi động cơ của con người là ích kỷ; vì thế phương cách duy nhất để duy trì sự ổn định của xã hội là xây dựng một thể chế xã hội vững mạnh đặt dưới sự điều hành của một nhà cai trị toàn quyền. Tác phẩm "Levithan thực hiện" của ông thể hiện rõ quan điểm nói trên. (ND)

(8) Georg Wihelm Friedrich Hegel ( 1770 - 1831 ):Nhà triết học duy tâm khách quan, đại diện cho nền triết học cổ điển Đức, cha đẻ của phép biện chứng. Các tác phẩm của ông bao gồm: Hiện tượng luận tinh thần (1807), Cơ sở triết học (1811), Khoa học logíc (3 tập, 1812 - 1816 ), Khoa học triết học (1817), Triết học pháp quyền (1821 ). Sau khi ông mất, môn đệ của ông cho xuất bản những bài giảng của ông về lịch sử triết học (1833 - 36), Mỹ học (1836 ) và Triết học lịch sử (1837), Triết học duy tâm khách quan ( tuyệt đối ) của ông có ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà tư tưởng về sau (Theo Sổ tay danh nhân thế giới,Nhà xuất bản Thanh Niên ). (ND)

(9)Karl Henrich Marx (1818 - 1883 ) : Triết gia chính trị và kinh tế Đức (nước Phổ). Ông phát hiện ra những quy luật chi phối sự phát triển của xã hội với lý thuyết được xem là "sự giải thích lịch sử theo khía cạnh kinh tế". Là người sáng lập và là linh hồn của Quốc tế thứ nhất, ông cùng với Engels sáng lập phong trào xã hội chủ nghĩa hiện đại, đoàn kết tập hợp quần chúng lao động đấu tranh vì quyền lợi chung. Ông cùng Engels biên soạn các tác phẩm: Gia đình thần thánh (1845), Hệ tư tưởng Đức (1845 - 46), Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản (1848). Ngoài ra ông còn viết các tác phẩm lớn như: Ngày 18 Tháng Sương Mù của Louis Bonaparte (1851 - 52 ), Phê phán kinh tế chính trị học (1859), Nội chiến pháp (1871 ), Phê phán cương lĩnh Gotha (1857) và đặc biệt là bộ Tư Bản qồm 3 quyển (867, 1885, 1894 do Engels hoàn chỉnh quyển II và III).

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ludwig Wittgenstein - Cha tinh thần của triết học phân tích

    04/08/2019Lương Mỹ VânLudwig Josef Johann Wittgenstein - nhà triết học người Áo sau đổi sang quốc tịch Anh, là một trong những triết gia đã để lại dấu ấn riêng trong thế kỷ XX, người đặt nền móng cho "bước ngoặt ngôn ngữ" trong lịch sử triết học phương Tây hiện đại và giữ vai trò đặc biệt trong triết học phân tích và triết học ngôn ngữ...
  • Trí thức và nhận thức pháp quyền

    30/10/2015B. A. Kistiakovski - Phạm Nguyên Trường dịch và chú thíchMột số người cho rằng pháp luật chỉ có giá trị tối thiểu về đạo đức, một số khác lại cho rằng cưỡng chế, nghĩa là bạo lực, là thành tố không thể tách rời của pháp luật. Nếu đúng là như thế thì chẳng có cơ sở nào để chê trách giới trí thức của chúng ta trong việc coi thường pháp quyền hết. Giới trí thức của chúng ta luôn hướng tới những lý tưởng tuyệt đối và trên đường đi của mình nó có thể bỏ qua cái giá trị thứ cấp này.
  • Phản biện xã hội

    12/07/2014Nguyễn Trần BạtQuan sát cuộc sống chúng ta có thể thấy phản biện là một hoạt động diễn ra hàng ngày. Phản biện là một nhu cầu của cuộc sống bởi nhờ có nó con người có thể loại bỏ những yếu tố sai để tiệm cận tới sự hợp lý trong các quyết định, các hành vi của mình. Trong đời sống xã hội phản biện là một công cụ không thể thiếu để tổ chức ra một xã hội dân chủ...
  • Quan niệm của Hêghen về xã hội công dân

    29/04/2014Nguyễn Đình TườngTrong bài viết này, tác giả đã phân tích một cách khái quát quan niệm của G.V.Ph.Hêghen về xã hội công dân (xã hội dân sự), về các mối quan hệ kinh tế của xã hội công dân cũng như cơ cấu đẳng cấp và biện chứng của xã hội công dân. Theo tác giả, Hêghen đã đứng trên cơ sở của chủ nghĩa duy tâm khách quan, thần bí để xem xét mối quan hệ giữa xã hội công dân và nhà nước, coi nhà nước là cái có trước, là cơ sở và động lực của xã hội công dân. Vì vậy, có thể nói, quan niệm của Hêghen về xã hội công dân nói riêng và triết học của ông nói chung có tính chất mâu thuẫn.
  • Tính trễ của cải cách chính trị

    18/08/2010Nguyễn Trần BạtTính trễ của cải cách chính trị là trạng thái không đồng bộ của quá trình cải cách, trong đó hệ thống chính trị có xu hướng bảo lưu các đặc tính đã trở nên lạc hậu trước thực tế đời sống xã hội...
  • Xã hội công dân và xã hội dân sự: từ Arixtot đến Hêghen

    08/05/2009Trần Tuấn PhongBài viết phân tích tư tưởng của Arixtốt về cộng đồng chính trị - một khái niệm được coi là khởi thuỷ của khái niệm xã hội công dân/xã hội dân sự sau này. Đồng thời, phân tích tư tưởng về xã hội dân sự trong thời cận đại qua một số đại biểu điển hình. Đặc biệt, tác giả đã làm rõ sự kế thừa và phát triển của Hêghen đối với quan điểm của Arixtốt về xã hội công dân.
  • Các Mác, triết học Mác, và thời đại ngày nay

    01/04/2009Đặng Hữu ToànTrong bài viết này, sau khi trình bày một cách ngắn gọn về cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp sáng tạo lý luận của C.Mác, về học thuyết Mác và vận mệnh lịch sử của nó, bản chất cách mạng và tính khoa học của chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác nói riêng, tác giả đã tập trung luận giải: Phép biện chứng duy vật với tư cách một khoa học, linh hồn sống của triết học Mác, Quan niệm duy vật về lịch sử với tư cách phát kiến vĩ đại của tư tưởng khoa học, Học thuyết Mác về con người và giải phóng con người, giải phóng nhân loại với tư cách mục đích cuối cùng, tối cao của triết học Mác...
  • Văn hóa, triết lý và triết học

    11/12/2008Lương Việt HảiBài viết góp phần luận giải mối quan hệ giữa văn hóa, triết lý và triết học. Văn hóa là nguồn nuôi dưỡng các triết lý, các tư tưởng và hệ thống triết học, là điều kiện tất yếu cho sự tồn tại và phát triển các hệ thống triết học. Các triết lý, các hệ thống triết học lại là những bộ phận cốt lõi nhất trong nền văn hóa của một dân tộc...
  • Giá trị bền vững của triết lý dân gian trong toàn cầu hóa

    21/09/2008Tô Duy HợpVấn đề được đặt ra dưới dạng song đề. Toàn cầu hoá đang tạo ra tình thế hai mặt: vừa mở rộng cơ hội vừa thách thức to lớn đối với văn hoá dân gian nói chung và triết lý dân gian nói riêng. Điều này liên quan tới bản chất, đặc điểm của triết lý dân gian. Do đó cần làm rõ ưu điểm và nhược điểm của nó. Sức sống, giá trị bền vững của triết lý dân gian phụ thuộc vào việc duy trì phát huy ưu điểm và đồng thời khắc phục nhược điểm để có thể lợi dụng được cơ hội và vượt qua được thách thức của toàn cầu hoá...
  • Triết học trong kỷ nguyên toàn cầu

    14/12/2007Thạc sĩ Phạm HùngCuốn sách này là tập hợp các báo cáo khoa học của các học giả đã tham gia Hội thảo quốc tế “Nhận thức lại vai trò của triết học trong kỷ nguyên toàn cầu” do Viện Triết học phối hợp với Liên đoàn quốc tế các hội triết học tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6/2006. Mặc dù đây không phải là cuốn chuyên khảo, nhưng toàn bộ nội dung cuốn sách này đều tập trung bàn về một chủ đề đang được giới triết học trong nước và thế giới quan tâm - "Nhận thức lại triết học ngày nay”...
  • Vấn đề về các Giá trị Xã hội

    13/11/2008SorosTrong chương này tôi sẽ khảo sát vấn đề về các giá trị xã hội sâu hơn. Điều này sẽ đặt nền móng cho xem xét phê phán hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu như nó thịnh hành ngày nay...
  • Liên minh Xã hội Mở

    13/11/2007SorosTiến từ cái đặc thù sang cái chung, bây giờ tôi muốn tạo dựng sự biện hộ cho một xã hội mở toàn cầu. Tôi đã kiến nghị một liên minh của các nước dân chủ với mục tiêu kép: cổ vũ sự phát triển của xã hội mở trên khắp thế giới, và thiết lập một số qui tắc nền tảng để chi phối hành vi của các quốc gia đối với công dân của chúng và giữa chúng với nhau. Liên minh Xã hội Mở sẽ phải được các nền dân chủ phát triển lãnh đạo...
  • Bàn về xã hội dân sự

    15/08/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsultKhái niệm xã hội dân sự từ lâu đã trở thành một khái niệm quan trọng và ngày càng trở nên quan trọng khi quá trình toàn cầu hoá đang làm thế giới xích lại gần nhau hơn. Và khi các giá trị cá nhân ngày càng được khẳng định thì một xã hội dân sự nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của con người ngày càng trở nên cần thiết...
  • Các lý thuyết về hành động xã hội

    24/05/2007Bùi Thế CườngCó một thực tế trong lịch sử xã hội học là các nhà nghiên cứu của bộ môn này bị mắc vào một số song đề (dilemma), đôi khi trùng lặp nhau đôi khi tách rời nhau, chúng tạo cảm hứng cho những khổ công tìm tòi và cũng gây nên những tranh luận lớn. Một trong những song đề ấy là sự đối lập giữa việc nhấn mạnh vào cấu trúc xã hội hay nhấn mạnh vào hành động xã hội...
  • xem toàn bộ