Những bài học chiến tranh

11:33 SA @ Thứ Tư - 28 Tháng Tư, 2010

Trở thành anh hùng hay nỗi ám ảnh của một tội đồ?

8.000 tấn bom Mỹ ném xuống Miền Bắc Việt Nam, giết hại gần 1 triệu người, cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam thật thảm khốc và ác liệt, biết bao người con ra đi không trở về, biết bao ngôi làng bị tàn phá và biết bao trẻ em sinh ra bị dị tật… Tuy chiến tranh đã qua đi, và chúng ta cần từng bước khắc phục những hậu quả, hàn gắn những vết thương lòng và xây dựng Việt Nam anh dũng năm xưa thành Việt Nam phát triển trong tương lai.

Những người lính của chúng ta sau cuộc chiến trở về với ruộng đồng, về với những công việc quen thuộc, với gia đình thân yêu và luôn nhớ về cuộc chiến đầy hào hùng nhưng cũng đầy mất mát và đau thương. Còn những người lính Mỹ, cuộc sống của họ ra sao sau thời gian tham chiến tại Việt Nam? Những bài học chiến tranh của tác giả John Merson sẽ giúp chúng ta trả lời được câu hỏi đó. Những bài học chiến tranh là cuốn hồi kí của của chính tác giả - một cựu lính thủy đánh bộ tham chiến tại Việt Nam năm 1966.

"War Lesson là cuốn sách có giá trị mãi với thời gian về nỗi khiếp sợ và kinh hoàng về chiến tranh của một người lính trẻ, những thứ không thể gột tẩy sạch như những vết sẹo còn mãi do chiến tranh đã để lại trong tâm hồn người lính trẻ. Cuốn sách là một trong những cuốn sách cần được đọc bởi những người quan tâm đến vận mệnh và tương lai của những người bảo vệ quốc gia" – JAN SCRUGGS, người sáng lập và là Chủ tịch hội đồng quản trị của tổ chức Vietnam Veterans Memorial Foundation.

"Cuốn sách này viết về cái chết và sự tái sinh, một câu chuyện về cách mà một cựu chiến binh đã vượt qua được những mặc cảm tội lỗi và sự giận giữ sau cuộc chiến, ông đã tìm cách để hiểu được và giúp đỡ xây dựng lại đất nước mà anh đã từng được đào tạo để phá hủy." – Ken Bacon, Chủ tịch của Regugees International.

Chiến tranh đã qua đi nhiều năm, nhưng trong ông vẫn hằn sâu những ký ức về sự chết chóc tang thương ở những nơi mà ông đã đi qua trong hơn một năm ông phục vụ cho cuộc chiến, có lẽ, đó là một cái giá quá đắt mà ông phải trả: “Những hình ảnh về người bị thương, bị chết và các thây người nằm chất đống lên nhau đã vò nát suy nghĩ chúng tôi”. Ông tình nguyện tham gia cuộc chiến tranh này với suy nghĩ: “…Tôi muốn trở thành một người đàn ông thực thụ, và tôi tin rằng chiến tranh là cách thức để biến tôi trở thành một người đàn ông mạnh mẽ, dũng cảm. Có lẽ, tôi tranh luận, sự can thiệp của nước Mỹ sẽ chấm dứt cuộc chiến giữa miền Nam và miền Bắc và sẽ có được giải pháp đàm phán… Hầu hết chúng tôi, tôi nói với anh ta, chúng tôi đều muốn trở thành một người lính bởi vì tôi muốn trở thành một người anh hùng”. Nhưng càng đi sâu vào lòng của cuộc chiến, ông càng thấy rõ bản chất của chiến tranh, nó thật đáng sợ, ác liệt và tàn khốc. Những câu chuyện của John Merson vô cùng sống động bởi chúng được tường thuật dưới con mắt và trái tim của một người lính trẻ tham gia với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, dũng cảm hi sinh nhưng khi đối mặt với cuộc chiến, đối diện với “nỗi sợ hãi”, với sự hi sinh vô nghĩa của đồng đội, của những người dân vô tội, sự tàn phá ruộng đồng, làng xóm, những nơi các cuộc chiến xảy ra… khiến ông chợt bừng tỉnh: “mục tiêu chiến tranh đã được tuyên bố thường khác xa với những mục tiêu thực sự của nhà hoạch định chính sách khi họ cố gắng thuyết phục người dân ủng hộ chiến tranh”. Khái niệm “chiến tranh” khi ngồi ở giảng đường đại học mà những người lính được gieo rắc là “một chuỗi lý tưởng” còn bây giờ thì “chiến tranh” là “một thây ma trôi trên sông, một lớp da chết bị bong tróc trong lớp giày của tôi, của những người bạn đã chết, hay là cái chết đang rình rập chúng tôi”. Thời gian cuối tham chiến tại Việt Nam, ông bắt đầu thực hiện chương trình gìn giữ hòa bình của mình, ông cùng một vài người tình nguyện tuần tiễu về y tế: chữa bệnh cho người làng, phát thuốc men, thức ăn mà họ có thêm và trốn tham gia các buổi phục kích. Trở về với gia đình sau thời gian tham chiến, ông đã cố gắng rất nhiều để vượt qua những mặc cảm đó và Merson quyết định quay trở lại để giúp đỡ Việt Nam.

Qua những dòng hồi kí của ông, chúng ta có thể thấy được tâm trạng của những người lính trẻ, những người đến với một miền đất xa lạ, với con người xa lạ, với thứ tiếng xa lạ, họ đến đây với “mong muốn được nhớ đến”: được gia đình nhớ đến, chính phủ nhớ đến và nhân loại nhớ đến họ như nhưng “người anh hùng”. Nhưng khi nhận ra rằng “chiến tranh không giải quyết được những vấn đề khiến chiến tranh xảy ra mà thậm chí còn làm những vấn đề đó ngày càng trầm trọng thêm” những người lính hoảng sợ: “Chúng tôi hầu như không thể tự mình hình dung ra được cái chết của mình. Tuy nhiên, với cái chết luôn vây quanh, làm sao chúng tôi tránh được việc suy nghĩ về nó?” và mỗi người lính đã chọn cho mình một con đường: người chết, người bị thương, người bị điên và những người trở về nước với nỗi ám ảnh về sự chết chóc, tang thương của chiến tranh.

Phần lớn những cuốn hồi kí chiến tranh khác đều tập trung vào tính phiêu lưu của bản thân cuộc chiến đó, còn Những bài học chiến tranh lại coi chiến tranh là một công cụ chính sách và xem xét những cách thức mà chiến tranh làm xói mòn chính những mục đích mà cuộc chiến nhân danh. Cuốn hồi kí viết về cái chết và sự tái sinh, John Merson đã nỗ lực vượt qua những sai lầm trong chiến tranh bằng việc quay trở lại và giúp đỡ xây dựng lại đất nước mà trước đây ông được huấn luyện để tiêu diệt, Merson đã tham gia dự án rà phá bom – RENEW do Quỹ Tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam tài trợ. “Những bài học chiến tranh” phản ánh chân thực về trách nhiệm của những người lính cũng như những quyết định sai lầm của các nhà lãnh đạo Hoa Kì trong chiến tranh: “Nếu chúng ta có thể ngăn chặn chiến tranh nổ ra ngay từ khi nó bắt đầu, hoặc tìm cách cho chiến tranh nhanh kết thúc, thì chúng ta có thể cứu được cuộc đời những người lính cũng như của dân thường…”

Tác giả: John Merson sinh năm 1944 tại Washington, D.C. Ông tốt nghiệp trường Kent (Connecticut), Đại học Amherst, Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill và Trường Quản trị kinh doanh tại Harvard. John Merson thường được mời tới nói chuyện về chủ đề chiến tranh tại các trường học, nhà thờ và các nhà hưu trí. Ông nhấn mạnh đến những ảnh hưởng của chiến tranh đến những người lính và những người dân sống trong vùng bị đánh chiếm, những tội ác chiến tranh và cách để ngăn chặn chiến tranh. Số tiền nhuận bút có được từ cuốn sách War Lessons sẽ được dành tặng cho dự án RENEW, một dự án dò phá bom mìn còn sót lại ở Quảng Trị - Việt Nam.

Tác giả đã 12 lần sang Việt Nam, lần thứ 12, ông đã có một buổi giao lưu với độc giả tại showroom Thaihabooks 119C5 Tô Hiệu, Cầu Giấy, HN


Lời tác giả:

Cuốn sách này là khởi nguồn từ rất nhiều bài diễn thuyết của tôi. Là một cựu chiến binh trong Chiến tranh Việt Nam, tôi đã nhận được nhiều lời mời tới nói chuyện về chiến tranh sau khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq năm 2007. Khán giả muốn nghe về những tác động của chiến tranh đối với người lính và người lính đã vượt qua những trải nghiệm từ chiến tranh như thế nào. Tôi nhận thấy cách truyền tải suy nghĩ hiệu quả nhất của mình là kể những câu chuyện có thể minh họa về tác động của chiến tranh đối với những người lính trong trung đội bộ binh của tôi. Mỗi năm tôi trở lại Việt nam, bắt đầu từ năm 1995, hình ảnh con người và đất nước Việt Nam đã vượt qua những hậu quả của cuộc chiến tranh giành độc lập đầy gian khổ như thế nào đã khiến hiểu biết của tôi về chiến tranh càng trở nên sâu sắc.

Cuốn sách này là cách để tôi gửi lời xin lỗi tới người dân Việt nam vì những lỗi lầm mà tôi gây ra trong chiến tranh. Như bất kỳ lời xin lỗi nào khác, nó phải đi kèm với những hành động cụ thể nhằm giải quyết hậu quả của cuộc chiến và giúp người Việt có được cuộc sống tốt đẹp hơn.


Mục lục:

    1. Học cách để trở thành một người lính
    2. Chính sách đi ngược với Hậu quả
    3. Hỗ trợ quân lính
    4. Hãy ôm lấy tôi, hãy cứu tôi
    5. Chăm sóc sức khỏe
    6. Cái chết và Nhớ mãi
    7. Cuộc tàn sát ở Đại Lộc
    8. Người hùng
    9. Sức nặng của ký ức
    10. Người thầy thông thái
    11. Pha trộn
    12. Một cuộc chiến kéo dài bao lâu?
    13. Cuối cùng tôi cũng về nhà
    14. Tóm tắt thời gian về cuộc chiến giữa Mỹ và Việt Nam
    15. Lịch trình của cá nhân tôi
    16. Bản đồ Việt Nam
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguồn gốc của chiến tranh

    22/04/2016Hoàng LanTại sao con người lại gây ra chiến tranh? Đúng hơn là tại sao con người luôn gây ra chiến tranh? Phát hiện những dấu vết cổ nhất về chiến tranh trong khảo cổ và phân tích nhân chủng học có thể giúp chúng ta hiếu rõ hơn về các cuộc giao tranh thời hiện đại...
  • Bản chất của chiến tranh và hòa bình

    02/05/2019Dr. Motimer J. AdlerGiống như hầu hết mọi người, tôi cũng hoang mang trước tình trạng căng thẳng và khủng hoảng quốc tế hiện nay. Chúng ta không có vẻ đang có chiến tranh mà chúng ta cũng không có vẻ gì là đang có hòa bình. “Chiến tranh” là gì? Đây đang là thời chiến tranh hay thời hòa bình? Liệu “bình an dưới thế” có là một khả năng hiện thực cho loài người?
  • Lịch sử và chiến tranh

    30/04/2014Nguyễn Hiến Lê dịchChiến tranh là một trong những sự thực lịch sử thời nào cũng xảy ra, khi loài người bắt đầu văn minh nó đã không bớt, mà khi chế độ dân chủ xuất hiện, nó cũng không giảm. Trong 3421 năm gần đây chỉ có 268 năm là không có chiến tranh. Chúng ta đã chấp nhận rằng chiến tranh là hình thức phát triển nhất của sự ganh đua, sự đào thải tự nhiên...
  • "Cái chai ném xuống biển" và phim Đừng đốt

    28/12/2009Hữu NgọcVigny là nhà thơ lãng mạn Pháp thế kỷ 19, là nhà thơ "tháp ngà" đề cao sự cô đơn của thiên tài , chủ nghĩa khắc kỷ và yếm thế, có một quan niệm cao cả về nhiệm vụ nhà thơ. Một bài thơ nổi tiếng của ông là Cái chai ném xuống biển với nội dung như sau: Trong cơn bão, chiếc tầu sắp đắm. Người chỉ huy đút vào trong một cái chai những tài liệu ghi lại những khám phá trong chuyến đi rồi ném chai xuống biển. Sau nhiều tình tiết éo le, chai được vớt lên trong những mắt lưới của một dân chài. Và bản thông điệp của người đã khuất được chuyển tải, giúp ích cho mọi người.
  • Việt Nam tổng kết một chiến thắng hay để hiểu Việt Nam

    06/10/2009Dương Trung Quốc"Việt Nam tổng kết một chiến thắng hay để hiểu Việt Nam" tập hợp những bài trả lời phỏng vấn, trích một vài bức thư và bổ sung thêm lời tự sự của Nguyễn Khắc Viện với ta cách là chủ nhiệm tạp chí Nghiên cứu Việt Nam (Etudes Vietnamiennes). Đây là tờ tạp chí hàng đầu (về chất lượng) trên lĩnh vực tuyên truyền đối ngoại của nước ta khi đó.
  • Thánh chiến

    11/09/2009Cao Huy ThuầnTôi có hai hình ảnh nước Mỹ ở trong lòng: một nước Mỹ siêu cường đã thả bom trên đất nước tôi và một nước Mỹ rất nhạy cảm với lý tưởng đã chống lại việc thả bom đó. Chiến tranh Việt Nam kết thúc, phần chính là nhờ ở sức chiến đấu của dân tộc tôi, nhưng cũng nhờ ở sự đóng góp rất lớn của chính dân tộc Mỹ. Vì sao? Vì dân tộc Mỹ rất nhạy với lý tưởng và chiến tranh Việt Nam rốt cục đã đặt ra cho dân tộc Mỹ một vấn đề đạo đức, một vấn đề lương tâm
  • Chiến tranh và phản chiến

    03/08/2009Tháng 4, tháng 5 - tháng của mùa hạ rực lửa - lửa thiên nhiên và với Việt nam là lửa của những trận chiến lớn: tháng 4-1968 chiến dịch Khe Sanh, 30-4-1975 Tổng tiến công đại thắng Sài Gòn (tp.HCM), 7-5-1954 chiến thắng Điện Biên Phủ, 9-5-1945 kết thúc những tháng năm ác liệt của Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhân dịp thời gian của những chiến dịch lớn này, chúngta.com muốn bàn về một đề tài của mọi con người, mọi dân tộc, là vấn đề sống còn của nhân loại. Thiết nghĩ đề tài này luôn nóng hổi tính thời sự với chúng ta, bởi vì: muốn sống hòa bình phải biết nhận diện và xa rời chiến tranh...
  • Võ Nguyên Giáp (1911 - )

    11/07/2009Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã chỉ huy quân đội thắng Pháp trong trận Điện Biên Phủ. Ông được xem như một người có tài dẫn dắt một quân đội nhỏ đánh bại một cường quốc.
  • Chiến tranh

    23/04/2009Henri BénacChiến tranh là một chủ đề thường xuyên được đề cập tới đến nỗi người ta đã khẳng định rằng chiến tranh là khởi nguồn của tất các nền văn học. Chiến tranh cũng được minh hoạ rất nhiều bằng hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, ca hát, điện ảnh (đặc biệt số lượng rất nhiều những phim được gọi là phim "chiến tranh" nhưng cũng là phim "về Chiến tranh" : x. Nhà Độc tài, Ngày dài nhất, Ngày tận thế)
  • Chiến tranh - Hệ quả & hệ lụy

    18/04/2009Nguyễn Tất ThịnhXã hội loài người liên miên trong thế kỉ nào cũng có ít nhất vài cuộc chiến tranh với bên trong hay bên ngoài, qui mô lớn hay nhỏ… như là một định mệnh của xã hội Loài người vậy!
  • Có xóa bỏ chiến tranh được không?

    03/08/2006Các nhà tư tưởng lớn trong quá khứ đã cho chúng ta vài ýtưởng về việc ngăn chặn chiến tranh. Một vài người trong số đótin rằng có thể xóa bỏ chiến tranh bằng một chính quyền toàncầu, điều đó yêu cầu việc từ bỏ phần nào chủ quyền quốc gia. Theohọ, cần có những định chế mới chứ không phải sự biến cải tinhthần của con người. ...
  • "Cơn sốt” nhật ký chiến tranh

    07/09/2005Thành công vang dội của "Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là hiện tượng chưa có tiền lệ trên thị trường sách, các phương tiện truyền thông, cả trong tâm tưởng độc giả và toàn xã hội, nhất là lớp trẻ. Một số học giả đã đưa ra những kiến giải về “cơn sốt” này...
  • xem toàn bộ