Gặp người “xây” tủ sách cho trí thức Việt Nam
Cho rằng chúng ta đang quá trầm trọng hóa sự xuống cấp của văn hóa đọc, nhà văn Ngô Tự Lập - một trong những người khởi xướng Dự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới và Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh, bày tỏ rằng: “Tôi luôn luôn phải kinh ngạc về sự thông minh, hiểu biết và ham hiểu biết của các bạn trẻ. Họ không đọc sách chỉ vì chúng ta không có và không có nhiều sách hay cho họ đọc”...
Trăn trở vì người Việt trẻ thiếu sách hay, nhà văn Ngô Tự Lập đã lên “Kế hoạch 500 cuốn sách” thông qua việc xây dựng Tủ sách tinh hoa và Quỹ dịch thuật. Và may mắn thay, anh đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều trí thức ưu tâm với giáo dục nước nhà.
Thưa nhà văn Ngô Tự Lập, anh đóng vai trò nào trong Dự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới và Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh?
Thực ra vai trò của tôi chủ yếu là ý tưởng. Là người đi nhiều và rất quan tâm đến giáo dục, tôi nhận thấy rằng chúng ta không thể có một nền giáo dục, nhất là giáo dục đại học, đạt chất lượng quốc tế nếu như sinh viên của chúng ta không có một thư viện tốt, không có điều kiện tiếp cận các tri thức đỉnh cao. Nói thế cũng có nghĩa là chúng ta không bao giờ có được một đội ngũ trí thức thực thụ.
Quỹ Dịch thuật mang tên nhà chí sĩ Phan Chu Trinh chính thức ra mắt hôm nay, 9/1. Quỹ trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước làm chủ tịch danh dự và GS-TSKH Nguyễn Hữu Tăng làm Giám đốc kiêm Trưởng Ban dự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới. Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh được tiến hành xây dựng song song với dự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới khoảng 500 - 1.000 tác phẩm nền tảng tri thức, tư tưởng nhân loại. |
Năm 1999, tôi và một người bạn là chị Đỗ Thu Hiền thành lập một trung tâm dịch thuật, gọi là “Địa Cầu Văn Hóa” với ý định thực hiện ba chương trình: 1. Dịch sách kinh điển; 2. Dịch và làm sách truyền bá kiến thức phổ thông; và 3. Làm các sách công cụ. Sau khi đã đầu tư vào đó chừng 100 triệu, chúng tôi buộc phải dừng lại vì nhận thấy rằng chương trình này chỉ có thể thực hiện bằng nỗ lực của toàn xã hội.
Những ý tưởng này tôi trình bày trong một bài viết nhan đề “Kế hoạch 500 cuốn sách”. Điều hạnh phúc lớn lao đối với tôi là bài viết nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người, đặc biệt là Giáo sư Chu Hảo và anh Nguyễn Cảnh Bình, những người đóng vai trò chính trong việc xây dựng và phát triển Nhà xuất bản Tri Thức, Dự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới và Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh.
Trong mấy năm vừa qua, vì ở nước ngoài nên tôi không có điều kiện tham gia nhiều vào các hoạt động của Dự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới, ngoài một số trao đổi qua thư từ. Trong thời gian tới, tôi hy vọng sẽ có điều kiện tham gia nhiều và trực tiếp hơn vừa với tư cách người dịch, vừa với tư cách người phụ trách quan hệ đối ngoại của Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh.
Cũng xin nói thêm, trong hệ thống giải thưởng của Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh, có một giải thưởng dành riêng cho các dịch phẩm về giáo dục, gọi là “Tinh hoa Giáo dục Quốc tế” do Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh và Khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức. Giải thưởng năm 2006 đã được trao cho dịch giả Bùi Văn Nam Sơn với dịch phẩm “Phê phán lý tính thuần tuý” của Immanuel Kant.
Trước đây, khi chưa cóDự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới, một số tác phẩm tinh hoa như “Văn hóa nguyên thuỷ”, “Phê phán lý tinh thuần tuý”... vẫn được chuyển ngữ sang tiếng Việt nhưng không được công chúng đón đợi, tìm đọc và ít người biết đến. Nguyên nhân do đâu?
Ở đây có ít nhất ba nguyên nhân.
- Trước hết, do việc dịch thuật các tác phẩm lý luận của chúng ta quá yếu và phiến diện nên người đọc đã mất lòng tin.
- Thứ hai, do chất lượng giáo dục thấp, đặc biệt là đối với các ngành khoa học xã hội, sinh viên và cả trí thức Việt Nam phần lớn không được chuẩn bị kiến thức một cách hệ thống để tiếp nhận những tác phẩm đỉnh cao.
- Cuối cùng là chúng ta còn thiếu tính chuyên nghiệp trong tiếp thị. Các bài điểm sách thường hời hợt, nặng về thù tạc, tâng bốc hay mạt sát lẫn nhau.
Các giải thưởng cũng không vô tư, hoặc không nghiêm túc. Với việc trao giải “Tinh hoa Giáo dục Quốc tế” lần thứ nhất cho Bùi Văn Nam Sơn và dịch phẩm “Phê phán lý tính thuần tuý”, chúng tôi muốn bạn đọc chú ý hơn đến tác phẩm quan trọng này, đồng thời cũng ấn định một chuẩn mực về chất lượng dịch thuật và giải thưởng.
Loại sách gì sẽ được ưu tiên cho tủ sách?
Câu hỏi này đúng ra phải dành cho chủ tịch Hội đồng Khoa học. Tuy nhiên, như tên của dự án đã chỉ rõ, các loại sách kinh điển là ưu tiên số một, mặc dù nhiều tác phẩm phổ biến khoa học có chất lượng và trình độ cao cũng được nghiên cứu để dịch và xuất bản.
Đến thư viện là điều tất yếu của sách, nhưng đến với người đọc mới thoả mãn khát vọng của những người xây dựng tủ sách. Làm gì để bạn trẻ bỏ đọc báo, chơi game sang đọc sách, nhất là những cuốn sách cầm nặng tay, đọc... “nhức đầu”?
Tôi nghĩ rằng chúng ta quá trầm trọng hóa sự xuống cấp của văn hóa đọc. Tôi là người tiếp xúc nhiều với cả giới trẻ lẫn các thế hệ “già”. Tôi luôn luôn phải kinh ngạc về sự thông minh, hiểu biết và ham hiểu biết của các bạn trẻ. Họ không đọc sách chỉ vì chúng ta không có và không có nhiều sách hay cho họ đọc.
Cũng xin nói rằng, đọc sách cũng như gọi điện thoại. Nếu các thành phố chỉ có vài chục gia đình có điện thoại thì lắp điện thoại chẳng để làm gì, vì biết gọi cho ai. Nhưng nếu như hơn nửa số gia đình trong thành phố có điện thoại thì ai cũng dùng. Nếu đọc một cuốn sách, và nó dựa trên hoặc liên quan đến những cuốn khác không sao tìm được thì vừa cực hình vừa vô bổ.
Là nhà “sản xuất” chữ in sách, anh thấy sách nội đang ở đâu? Sách viết và sản xuất trong nước có cần WTO không?
Tôi đã từng nhiều lần mô tả tình trạng xã hội ta bằng một hình tượng là “Định lý Thales xã hội”. Những vấn đề của chúng ta giống hệt nhau trong tất cả các lĩnh vực: giáo dục cũng như y tế, giao thông cũng như điện ảnh. Vào WTO, sách nội, đặc biệt là sách nghiên cứu, cũng sẽ vấp phải những vấn đề tương tự như phim hay giày dép Việt Nam.
Nói năng khiếu là cái gì đó đề cao và huyễn hoặc. Vậy thì nói là khả năng cho dễ hình dung, theo anh để nâng cao khả năng của người cầm bút trong nước là bằng tủ sách tinh hoa hay ngược lại?
Có hai loại nhà văn. Loại thứ nhất sáng tác bằng kinh nghiệm trực tiếp, loại thứ hai bằng kinh nghiệm gián tiếp. Những người sáng tác bằng kinh nghiệm trực tiếp có thể độc đáo nhưng thường chóng lặp lại mình và nhiều người chỉ có một tác phẩm. Những tác giả lớn bao giờ cũng là những người học rộng, đọc nhiều, đi nhiều, tóm lại là phải sáng tác bằng kinh nghiệm gián tiếp. Tất nhiên đọc không phải là con đường duy nhất để học hỏi. Và cũng phải nói thêm, giữa đọc với hiểu là hai chuyện khác nhau, giữa hiểu và sử dụng hiểu biết của mình lại là chuyện khác nữa.
Xin cảm ơn nhà văn Ngô Tự Lập!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường