35 tỉ đồng cho 1.000 cuốn sách
Thế giới như tôi nhìn thấy(tập tiểu luận của Einstein); Bàn về tự do (luận văn triết học của John Stuart Mill) và Những cuộc đời song hành (tập 1 trong bộ sách của Plutarque về nền văn minh Hi - La cổ đại).
Cũng ngay tại lễ ra mắt, giám đốc NXB Tri Thức, GSTS Chu Hảo, còn công bố một kế hoạch thật táo bạo và có vẻ hơi... ảo tưởng: "Trong 10 năm tới, Tri Thức sẽ cố gắng tổ chức dịch và in khoảng 1.000 cuốn sách cơ bản nhất trong kho tàng tinh hoa tri thức nhân loại từ cổ đại đến hiện đại".
* Thưa ông, khi cùng các đồng sự lập dự án này và chọn thời điểm này để thực hiện, ông có thấy rằng trong xã hội thông tin hiện nay văn hóa đọc, nhất là đọc các tác phẩm kinh điển, có vẻ đã không còn ở vị trí ưu tiên nữa hay không?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ như vậy. Khi bắt tay vào công việc chuẩn bị thành lập NXB cũng như khi xây dựng dự án “Tủ sách Tinh hoa tri thức”, chúng tôi vẫn hướng đến một số đông công chúng ham học và cần phải được trang bị những tri thức nền tảng cơ bản nhất của kho tri thức nhân loại. Còn rất nhiều tác gia mà trước tác của họ có thể coi là nền tảng của hệ thống tư tưởng và văn minh phương Tây và thế giới như Platon, Aristote, Darwin, Newton, Kant, Hegel, Einstein... hầu như chưa hề được dịch ra tiếng Việt, ngoại trừ một số trích đoạn lẻ.
Thực trạng này do nhiều nguyên nhân: chiến tranh, khó khăn về kinh tế... nhưng quan trọng nhất là do chưa có một thời nào giới trí thức và học thuật nước ta ý thức được một cách đầy đủ tầm quan trọng của việc trang bị cho dân tộc Việt một nền tảng tri thức căn bản, toàn diện, một tổng thể tri thức thế giới.
Việc thiếu hụt một kiến thức toàn diện đã ảnh hưởng xấu đến toàn bộ nền học thuật, giáo dục, tư tưởng và cũng là nguyên nhân khiến giới trí thức VN tụt hậu với thế giới vì từ khi còn nhỏ hay khi là sinh viên đại học, họ đã không có điều kiện tiếp cận văn minh và tri thức thế giới. Trước chúng ta gần 120 năm, thời Minh Trị, người Nhật đã làm việc này: các tác phẩm lớn của phương Tây được dịch ra tiếng Nhật từ rất sớm; và 100 năm trước người Trung Quốc cũng hành động như vậy.
Họ đã trang bị cho trí thức của mình những kiến thức cần thiết nhất để có thể hiểu phương Tây và hiểu ngay cả người Nhật sau sự thất bại của họ trong cuộc chiến Trung - Nhật. Đỉnh cao của việc dịch thuật này diễn ra từ 1902 - 1907, khi mỗi năm trung bình có hơn 50 cuốn sách dịch được xuất bản và năm 1903 đạt kỷ lục với 200 cuốn.
Ngay trong thời gian này chứ không phải chờ đến khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Marx và Engels đã được dịch ra tiếng Hán. Lương Khải Siêu nói “Các tư tưởng mới lan tràn như đám cháy”. Điều này góp phần lý giải vì sao Nhật và Trung Quốc thành công trong việc canh tân đất nước để có được vị trí như hiện nay trên thế giới. Chúng ta đã đi sau Nhật 120 năm và sau Trung Quốc 100 năm. Nhưng muộn còn hơn không, và càng muộn càng phải làm gấp rút.
* Nhưng 1.000 cuốn sách với kinh phí dự tính lên đến 35 tỉ đồng trong 10 năm quả là một con số khổng lồ với một NXB mới thành lập...
- Chúng tôi đã có những kế hoạch cụ thể và những bước đi khá bài bản cho mục tiêu 1.000 đầu sách kinh điển này. Chúng tôi đã thành lập “Quĩ dịch thuật VN” để hỗ trợ thực hiện dự án. Quĩ sẽ tài trợ các hoạt động dịch thuật trong năm đầu tiên với 10-20 cuốn sách, kinh phí sẽ chỉ khoảng 300 triệu.
Sau đó, trên cơ sở những thành công và uy tín của các sách đã được xuất bản, quĩ sẽ tiếp nhận các nguồn vốn khác: vốn đóng góp của các trí thức Việt kiều và trong nước, của các mạnh thường quân, của các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua sách, vốn góp của các nhà sách, công ty phát hành sách tư nhân, kể cả tiền lãi của các cuốn sách đã in... Tất cả sẽ quay lại phục vụ việc tiếp tục dịch và in sách. Năm thứ hai sẽ in 50-100 cuốn với kinh phí 3-5 tỉ và các năm sau sẽ duy trì đều đặn mức đó.
Thật ra ở các quốc gia khác công việc này là của nhà nước, nhưng chúng tôi thấy không thể ngồi chờ được. Ở nước ta, con số 35 tỉ chỉ bằng tiền xây hai cái mố cầu (chưa nói cây cầu), nhưng kinh phí làm cầu thì được duyệt ngay, còn kinh phí dịch sách thì ai cũng biết là khó khăn hơn nhiều.
* Danh mục sách mà các ông chuẩn bị thực hiện đã lên đến con số bao nhiêu rồi? Và nguồn bản thảo chính ở đâu? Dịch giả nào sẽ hợp tác với các ông?
- Tủ sách triết học thì chúng tôi đã lên danh mục xong. Với sự giúp đỡ hết sức tận tình, vô tư của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, chúng tôi đã bắt đầu làm kế hoạch cho 2006. Tủ sách kinh tế sẽ do TS Trần Đình Thiên chủ trì, tủ sách khoa học là GS Đặng Mộng Lân, các tủ sách xã hội học, khoa học xã hội - nhân văn... cũng đang hình thành.
Những dịch giả tài năng, nghiêm túc rất sẵn lòng cộng tác với chúng tôi sau những gì chúng tôi đã làm được. Anh Bùi Văn Nam Sơn đã tính hộ chúng tôi: một dịch giả rất nghiêm túc, chỉ ngồi dịch tám tiếng/ngày, không làm bất kỳ việc gì khác, thì sáu tháng mới hoàn thành bản dịch Bàn về tự do. Với thời giá hiện nay, ông ta cần 5 triệu đồng/tháng để duy trì cuộc sống. Như vậy cần có 30 triệu để trả thù lao cho người dịch. Theo tôi, đây là mộtt con số chấp nhận được với cả hai bên.
Một điều rất thú vị nữa là chỉ hai ngày sau khi ra mắt NXB, tôi đã nhận được hàng trăm e-mail, fax, điện thoại của các bạn bè làm khoa học trong và ngoài nước gửi đến để... xin số tài khoản của quĩ. Họ cũng xin tự nguyện tìm kiếm tác phẩm, tự nguyện dịch hoặc hiệu đính.
Có nhóm đã lập hẳn một diễn đàn trên mạng bàn về việc đóng góp cho dự án này như thế nào, ai sẽ dịch tác phẩm gì, nên tổ chức bán ở nước ngoài ra sao... Họ muốn đóng góp cho nền học thuật nước nhà và theo họ đây là cách thuận lợi nhất. Việt kiều chúng ta chỉ có chất xám, sự nhiệt tình và thời gian nhưng đây thật sự là một nguồn đóng góp quan trọng cho dự án...
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Tóm tắt nội dung 'Triết học Hội Tụ'
06/12/2021TS. Nguyễn Bá TrinhCố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra điều người Nhật vượt trội tất cả các quốc gia châu Á, riêng Singapore mất 10-15 năm mới gần bằng họ
31/12/2018L.TPhật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảNhững quy luật Tâm lý về Sự Tiến Hóa của các Dân tộc
28/05/2017Gustave Le BonDẫn nhập về hạnh phúc
08/06/2016Ra mắt Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới
22/12/2005Kiều MinhPhạm trù quy luật trong lịch sử triết học phương Tây
21/12/2005Phạm Văn Đức, NXB Khoa học xã hộiTriết học Tôn giáo
12/12/2005TS. Trần Nguyên ViệtNhững chủ đề cơ bản của Triết học phương Tây
30/11/2005Phạm Minh LăngCâu truyện về phương trình thâu tóm cả vũ trụ
27/11/2005Phạm Việt Hưng & Nguyễn Thế TrungTriết học với sự nghiệp Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá
19/11/2005Bùi Quang Minh