Thế giới có quá nóng, quá phẳng, quá chật?
Nóng, Phẳng, Chậtnhấn mạnh rằng sự thay đổi khí hậu do con người gây ra là một mối đe dọa chết người đối với toàn xã hội. Dân số ngày càng tăng, đi liền với lượng tiêu thụ tài nguyên và năng lượng ngày càng cao khi thế giới trở nên giàu có hơn, sẽ vượt quá mức chịu đựng của cả thị trường và trái đất.
Tên sách: NÓNG, PHẲNG, CHẬT (Hot, Flat and Crowded)
Tác giả: Thomas L. Friedman
Dịch giả: Nguyễn Hằng
Phát hành: NXB Trẻ
*****
Báo động. Báo động. Và báo động. Có quá nhiều cụm từ mang tính báo động trong cuốn sách mới – Nóng, Phẳng, Chật của Friedman, nhiều đến mức ta có thể nói nôm na là "cầm cuốn sách trên tay cũng thấy nó rung lên bần bật". Mã xanh. Màu xanh là màu quốc kỳ mới. Hành tinh dưới chuẩn. Chế độ độc tài dầu mỏ. Theo lời Friedman, Công Nguyên sẽ bị thay thế bởi Kỷ nguyên Năng lượng – Khí hậu (E.C.E), trong đó số năm được đánh dấu là 1 E.C.E.
Nóng, Phẳng, Chật nhấn mạnh rằng sự thay đổi khí hậu do con người gây ra là một mối đe dọa chết người đối với toàn xã hội. Dân số ngày càng tăng, đi liền với lượng tiêu thụ tài nguyên và năng lượng ngày càng cao khi thế giới trở nên giàu có hơn, sẽ vượt quá mức chịu đựng của cả thị trường và trái đất.
Chỉ những thay đổi căn bản trong cách sản xuất và tiêu thụ năng lượng – "một hệ thống cung cấp năng lượng hoàn toàn mới cho nền kinh tế của chúng ta" – mới có thể giải quyết triệt để vấn đề.
Tuy vậy vẫn có những điểm sáng, Nóng, Phẳng, Chật khẳng định rằng: Một sự thay đổi mang tính đột phá trong cách tiêu thụ năng lượng đồng nghĩa với một cơ hội dành cho nước Mỹ để duy trì vị thế cường quốc kinh tế dẫn đầu thế giới, bằng cách hướng cả thế giới đi theo quan điểm sử dụng năng lượng sạch.
Chỉ mới đây thôi, trong chuyên mục của mình trên tờ New York Times, Friedman đã cổ xúy thêm cho phong trào năng lượng xanh. Điều có phần mỉa mai là dường như chuyện Friedman ra sức đánh động về nguy cơ gây hiện tượng trái đất nóng lên là cách để khiến mọi người quên rằng chính ông đã ủng hộ chính phủ Mỹ mở kế hoạch xâm lược Iraq. Nhưng hãy tạm gác lại vấn đề này để xem xét những giá trị của Nóng, Phẳng, Chật.
Trước hết, về tác giả. Có rất ít người khi lên đến đỉnh vinh quang của một lĩnh vực lại vẫn tiếp tục làm việc chăm chỉ, cần cù, giữ nguyên lòng ham học hỏi và tận tâm như Friedman. Đạo đức làm việc của ông là nhân tố khiến cho Nóng, Phẳng, Chật vừa có tính kích thích, vừa phong phú thông tin, mang đầy những suy nghĩ tiến bộ và có sức ảnh hưởng to lớn.
Tinh thần đấu tranh của Friedman – trước hết là ở bài viết về Chính sách đối ngoại, nay đã được cụ thể hóa trong cuốn sách này – thể hiện ở quan điểm đột phá khi cho rằng giá dầu và sự dân chủ tỉ lệ nghịch với nhau.
Friedman cũng chỉ ra rằng, sau sự kiện 11/9/2001, cả Tổng thống George W. Bush lẫn Quốc hội Mỹ đều không có bất cứ hành động nào nhằm cải thiện các tiêu chuẩn sử dụng năng lượng hiệu quả nhằm kìm hãm sức tăng cầu dầu mỏ của Mỹ, thay vào đó, họ gây ra một loạt sự kiện giúp chuyển hàng trăm triệu USD cho các lãnh tụ người Hồi Giáo để tài trợ cho các nhóm khủng bố chống phương Tây và Israel, và cho cả Putin.
Giá như sau sự kiện 11/9, Tổng thống Bush yêu cầu mỗi người dân Mỹ hy sinh 1 USD tiền thuế cho mỗi gallon dầu họ sử dụng, số tiền thặng dư do tăng giá dầu đã được ở lại nước Mỹ. Hiệu ứng ngược gây ra do sự thờ ơ của Tổng thống Bush đối với tình trạng tiêu thụ xăng dầu một cách phung phí trở thành một trong những sai lầm chính sách đối ngoại tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, một trường hợp điển hình mà Nóng, Phẳng, Chật đã phân tích rất khúc chiết, hợp lý.
Tuy nhiên, một số phần khác của cuốn sách lại không được hợp lý như vậy. Friedman thể hiện sự chán ghét trước mật độ dân số ngày càng gia tăng, trước dòng người dài dằng dặc xếp hàng ở sân bay Thượng Hải, trước con đường kẹt cứng dẫn đến sân bay Moscow. Ông cũng đưa ra nhiều ví dụ cho thấy nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên của thế giới đang tăng nhanh, và cho rằng kể cả nếu nước Mỹ cắt giảm nhu cầu, thì lượng cắt giảm đó cũng nhanh chóng bị lấp đầy bởi nhu cầu ở nơi khác tăng cao.
"Mặt trái lớn nhất (của toàn cầu hóa) là mức sống được nâng cao, toàn cầu hóa giúp cho càng nhiều người có thể sản xuất nhiều hơn, và tiêu thụ cũng nhiều hơn". Nhưng nếu xu hướng tiêu thụ nhiên liệu và thay đổi khí hậu bị quy định bởi số dân và sự giàu có ngày một tăng cao, thì chúng ta có thể ngăn chặn phần nào trong số đó đây? Bản thân tôi cũng không thích sự chật chội, nhưng có lẽ sớm hay muộn thì trong thế kỷ tới hoặc sau nữa, tài nguyên cạn kiệt sẽ khiến dân số trái đất giảm dần.
Friedman cũng trung thành với những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra do hậu quả sự nóng lên toàn cầu, và cảnh báo về sự nguy hiểm của không chỉ sự nóng lên toàn cầu. Tuy vậy, tính xác thực của những gì Friedman đã khẳng định không thể kiểm chứng được, vì Nóng, Phẳng, Chật không ghi rõ chú thích về nguồn thông tin. Ví dụ, Friedman khẳng định: “Thực tế, ngành sản xuất thực phẩm cho thú cưng của Mỹ tiêu nhiều tiền cho công tác Nghiên cứu & Phát triển (R&D) hơn cả ngành điện”.
Friedman cũng dành vài trang sách để khẳng định rằng sức mạnh mà cơn bão Katrina có được là nhờ khí nhà kính, và chú thích đó là tuyên bố của nhiều nhà khí tượng học, nhưng lại không nói rõ tên người nào trong số đó. Ở phần cuối cuốn sách, người được Friedman dẫn lời hóa ra là một nhà phân tích khí tượng của kênh thời tiết.
Nhưng trong một thế giới đầy đói nghèo, bệnh tật, độc tài, khủng bố, chạy đua hạt nhân, thiếu hụt sự giáo dục cho trẻ em gái, và hơn một triệu người thiếu nước sạch hay điện – thay đổi khí hậu khó lòng chen chân vào Top 10 vấn đề cấp bách nhất.
Thêm vào đó, lối ra cho vấn đề này không thể là một sự rút lui nhanh chóng khỏi hệ thống kinh tế hiện thời, mặc dù hệ thống này có thể được điều chỉnh trong dài hạn. Tăng trưởng kinh tế là cần thiết để thế giới có thể trang trải những chi phi bảo vệ môi trường. Chí ít là trong một vài thập kỷ tới đây, tiếp tục tiêu thụ các nguồn tài nguyên vẫn là việc bất đắc dĩ để tạo ra những của cải giúp chi trả cho việc xây dựng một hệ thống hạ tầng cơ sở sử dụng năng lượng sạch.
Làm sao một nhúm dân ngoại đạo lại có thể đưa ra những kết luận chắc như đinh đóng cột đến thế về một ngày tận thế đang gần kề do thay đổi khí hậu? Một phần là do sự hấp tấp của chính nước Mỹ khi đánh giá cái gì là khoa học – rất nhiều người Mỹ thiếu hụt kiến thức căn bản về hóa học, sinh học và tự nhiên.
Một luận điểm bất hợp lý khác trong Nóng, Phẳng, Chật: Chính phủ nên kiềm chế sự xả thải khí nhà kính, và để thị trường tự do lo những công việc cụ thể, bao gồm việc gây quỹ cho các nghiên cứu. Chính phủ rất giỏi trong việc đề ra mục tiêu, nhưng phần thương mại hóa thì thường thực hiện quá tệ.
Nóng, Phẳng, Chật còn đi xa hơn cả Thế giới phẳng khi khăng khăng ý kiến rằng nếu nước Mỹ có thể trở thành "Trung Quốc trong một ngày" thì chính quyền trung ương có thể sử dụng biện pháp cưỡng bức để ép buộc mỗi người dân Mỹ phải thực hiện lối sống xanh.
Nhưng thử tưởng tượng nếu Quốc hội Mỹ có quyền lực tuyệt đối, như trong năm 1975 chẳng hạn. Khi ấy Quốc hội sẽ cấm tiệt việc sử dụng khí gas tự nhiên, vì vào thời điểm đó, khí ga được coi là đã gần cạn kiệt; ngày nay dường như năng lượng từ khí gas được sử dụng nhiều lại tốt hơn, vì gas sạch hơn dầu mỏ. Nếu Quốc hội được trao quyền lực tối thượng trong thời điểm hiện nay, thì cũng chẳng có vấn đề nào được giải quyết cả, vì những kiến thức cần có để thiết lập một nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch “vừa túi tiền” vẫn chưa hiện hữu.
Friedman kết thúc Nóng, Phẳng, Chật bằng tuyên bố những thiệt hại do hiện tượng nhà kính gây ra sẽ đẩy con người đến chỗ trở thành “một loại động vật nữa bị đe dọa”. Có lẽ trước khi kết luận những câu kiểu như vậy, tác giả nên nhìn lại lịch sử đôi chút.
Khí nhà kính là một vấn đề thuộc phạm trù ô nhiễm không khí. Khói mù và mưa axit, hai vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng trước đây, đã từng được coi như những mối đe dọa cấp bách. Sau đó các tiêu chuẩn liên bang đã được ban hành, và những sáng chế, các mô hình kinh doanh mới ra đời; giờ đây khói mù và mưa axit đã giảm dần trên phạm vi toàn nước Mỹ và cũng giảm ở nhiều khu vực trên khắp thể giới. Và chưa có một hiệp ước quốc tế nào về khí mù và mưa axit.
Các quốc gia đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn khí mù và mưa axit vì nhận thự́c được lợi ích của mình khi làm những điều đó. Động cơ tương tự cũng sẽ xuất hiện đối với vấn đề thay đổi khí hậu, sẽ không lâu sau khi nước Mỹ ban hành các điều luật liên quan đến khí nhà kính. Chắc chắn tương lai sẽ là phẳng và chật chội. Song nóng ư? Có lẽ không.
Lời cảnh tỉnh nước Mỹ từ "cha đẻ" của Thế giới phẳng
Trong cuốn sách HOT, FLAT AND CROWDED mới phát hành ngày 8/9 vừa qua, tác giả của Thế giới phẳng - Thomas Friedman đã chỉ ra những vấn đề nước Mỹ phải đối mặt cùng trách nhiệm của cường quốc này trong một thế giới đang phải hứng chịu những hậu quả đáng sợ từ khủng hoảng môi trường.
Tên sách: Hot, Flat and Crowded – How we need a green revolution – and how it can renew America
Tác giả: Thomas L. Friedman
Phát hành: Farrar, Straus and Giroux (8/9/2008)
*****
Là một cây bút nổi danh của New York Times, gây tiếng vang lớn với hai cuốn sách Chiếc Lexus và cây Oliu, Thế giới phẳng, người ta không có gì phải nghi ngờ về độ nóng của cái tên Thomas Friedman. Và điều đó một lần nữa được chứng tỏ qua cuốn sách mới nhất của ông – Hot, Flat and Crowded– How we need a green revolution – and how it can renew America.
Trong cuốn sách này, Thomas Friedman mang tới một cái nhìn mới mẻ và mang tính đột phá về hai vấn đề lớn mà nước Mỹ đang phải đối mặt: Thứ nhất, người Mỹ - một cách đáng ngạc nhiên (và thất vọng!), đã đánh mất trọng tâm và mục tiêu quốc gia sau sự kiện khủng bố 11/9; thứ hai là cuộc khủng hoảng môi trường đang đe dọa toàn thế giới - ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống, từ lương thực cho đến đất đai, rừng rậm.
Tất nhiên, Thomas Friedman cũng bày tỏ những kiến giải của riêng mình, chỉ ra những mối dây liên hệ giữa giải pháp cho hai vấn đề này: tái tạo lại hành tinh cho tất cả nhân loại, cùng lúc đó, đưa nước Mỹ vào quá trình tái sinh chính mình.
Cũng như nhiều tác giả khác, khi nói tới thảm họa môi trường toàn cầu, ông Friedman một lần nữa lí giải hiện tượng trái đất nóng lên, dân số thế giới bùng nổ, sự mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu trên thế giới trong quá trình toàn cầu hóa, tất cả đã sản sinh ra một trái đất ở thì hiện tại – “hot, flat and crowded” (tạm dịch: nóng bức, phẳng và đông đúc).
Người ta có thể nhận thấy sự tiếp nối của mạch tư duy ưa thích của Friedman: Thế giới phẳng và những hiệu ứng xung quanh quá trình bất khả kháng này. Có điều, nếu như ở Chiếc Lexus và cây Oliu hay Thế giới phẳng, Friedman chú trọng nhất vào đời sống kinh tế, xã hội thế giới được định hình trong thế giới phẳng, ông không giấu giếm thái độ lạc quan về một thế giới nơi các miền đất, các quốc gia, các cá nhân được kết nối mạnh mẽ bởi những cơ hội chia sẻ trong “sân chơi công bằng toàn cầu”, nơi nước Mỹ là trung tâm, là nơi khởi phát và là động lực mạnh mẽ “làm phẳng thế giới”, là nơi sinh sôi cơ hội và phân phát cho cả những miền đất xa xôi kém phát triển như Ấn Độ, như Đông Nam Á…vv…
Thì đến cuốn sách mới nhất này, ông nghiêng về một khía cạnh khác ít tươi sáng hơn: chính trong quá trình toàn cầu hóa, địa cầu của chúng ta đã chịu những ảnh hưởng độc hại về mọi khía cạnh, khiến nó rơi vào tình trạng mất ổn định nghiêm trọng.
Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, sẽ không có nhiều thời gian để sửa chữa hàng loạt những sai lầm mà chúng ta đã gây ra, trừ khi nước Mỹ dũng cảm bước lên và gánh lấy trọng trách dẫn dắt một nỗ lực chung của toàn thế giới để xóa bỏ thói quen sử dụng năng lượng hoang phí, thay vào đó là một chiến lược sử dụng năng lượng sạch, đảm bảo hiệu quả và dự trữ năng lượng, - chiến lược mà ông Friedman gọi bằng cái tên Code Green (Tạm dịch: Chuẩn mực Xanh).
Đây dĩ nhiên là một thử thách lớn, ngay trong một bài giới thiệu về cuốn sách, Friedman cũng đã bày tỏ “Tôi cũng không dám chắc quốc gia nào sẽ lãnh đạo quá trình này. Là châu Âu? Nhật Bản? Trung Quốc hay Mỹ? Có điều nó nhất định phải diễn ra như vậy, đó là điều chắc chắn!”. Nhưng đây cũng là một cơ hội lớn, và với một người vốn có xu hướng bảo vệ mạnh mẽ vai trò đi trước và sáng tạo tương lai thế giới của Hoa Kỳ như Friedman – thì nước Mỹ không thể bỏ qua một bước ngoặt như vậy được.
Đây không chỉ là một nỗ lực cộng đồng – nước Mỹ là lực lượng then chốt trong quá trình hàn gắn những tổn thương của môi trường thế giới. Nói một cách thực dụng, chính xác hơn – nước Mỹ buộc phải thực hiện chiến lược này như một phương án sống còn hòng tự tái tạo và làm mới mình, lấy lại vị trí tiên phong vốn đã bị lung lay dữ dội khi thế giới ngày càng xuất hiện nhiều nền kinh tế mới nổi, nhiều trung tâm sáng tạo mới, nhất là vị thế bá chủ trong thế giới “đơn cực” mà nước Mỹ bấy nay duy trì đang tan rã nhanh chóng (Fareed Zakaria cũng đã đề cập đến vấn đề này trong cuốn The Post-American World – Thế giới hậu Mỹ).
Thông điệp của Friedman ở đây là rất rõ ràng: Mỗi người sẽ phải chịu trách nhiệm, sẽ phải trả giá đích đáng hơn về những gì anh ta sử dụng, tiêu dùng và sản sinh ra trên thế giới này. Và năng lượng sạch sẽ trở thành ngành công nghiệp trọng tâm trong những năm mới đây. Nước Mỹ phải nắm lấy cơ hội này, trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng sạch, về những nỗ lực biến đổi môi trường thế giới bằng cách ứng dụng những thành tựu công nghệ sạch tiên tiến nhất, biến chiến lược này trở thành trọng tâm hành động quốc gia mới.
Có điều, người ta vẫn cứ phải hoài nghi về những ý tưởng đầy tâm huyết (và mang tinh thần ái quốc sâu sắc của Friedman), rằng hiệu quả của nó đến đâu, khả năng thức tỉnh của những lý thuyết này đến đâu - với một quốc gia vốn cứng đầu cứng cổ trước những vấn đề về môi trường như nước Mỹ?
Kim Diệu (tổng hợp)
Theo Tuần Việt Nam
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Tóm tắt nội dung 'Triết học Hội Tụ'
06/12/2021TS. Nguyễn Bá TrinhCố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra điều người Nhật vượt trội tất cả các quốc gia châu Á, riêng Singapore mất 10-15 năm mới gần bằng họ
31/12/2018L.TPhật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảNhững quy luật Tâm lý về Sự Tiến Hóa của các Dân tộc
28/05/2017Gustave Le BonDẫn nhập về hạnh phúc
08/06/2016Kỹ thuật của người An Nam
05/07/2009Cao Việt DũngHành trình vào triết học
30/06/2009Thế Giới Tính Dục
28/06/2009Nguyễn An Ninh – một nhà báo thần tượng
26/06/2009Lê Minh QuốcCội nguồn cảm hứng
17/06/2009Bùi Quang MinhHiện tại và 11 “điều răn” cho tương lai
31/05/2009