Sống trong thế giới hôm nay

02:45 CH @ Thứ Bảy - 28 Tháng Giêng, 2006

Thomas Friedman, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Chiếc Lexus và cây ô-liu", hiểu ra rằng, khác với thời Christopho Colombo, trái đất ngày nay không còn tròn nữa.

Người ta chẳng cần phải đi vòng quanh nó, nó đã trở thành phẳng, có thể với đến bất cứ nơi nào một cách tức thì trên cái mặt phẳng trơn tru một cách kỳ lạ đó. Từ tròn chuyển sang phẳng là đặc điểm lớn nhất của thời đại ngày nay, và cái đó người ta gọi là toàn cầu hóa.

Chúng ta đang nói đến tiếp tục đổi mới. Chỉ có thể thật sự tiếp tục đổi mới khi thật sự có tư duy mới, do một nhận thức mới về thời đại, và một lực lượng xã hội mới, một sự liên kết của các lực lượng mới để tạo nên một cơ sở xã hội mới cho sự phát triển.

Thế nào là hiện đại hóa?

Thomas Friedman lại vừa cho ra mắt một tác phẩm mới: "Thế giới là phẳng - Tóm tắt lịch sử thế kỷ 21" (Farrar, Straus and Giuox/New York - Tháng 4/2005). Vẫn lối viết sắc sảo và hấp dẫn, ông nhắc lại cuộc đi về hướng Tây của Christopho Colombo năm 1492, tìm con đường ngắn hơn để đến được với nguồn hương liệu ở Ấn Độ từng làm giàu cho vương quốc Tây Ban Nha thời bấy giờ. Trên mấy chiếc tàu buồm nổi tiếng Mina, Pinta và Santa Maria, vượt Đại Tây Dương mênh mông, ông đã đến châu Mỹ mà ông ngỡ là Ấn Độ, gọi những người thổ dân châu Mỹ là người Anh-điêng (tức người Ấn Độ), cái tên họ phải mang oan ức từ bấy cho đến giờ. Ông không tới được nguồn hương liệu mong ước, nhưng trở về ông đã báo cáo với vua Ferdinand và hoàng hậu Isabella của mình rằng quả đất mà trước đây người ta đã đoán là tròn, qua chuyến đi này đúng là tròn thật, một khẳng định vĩ đại...

Hơn năm thế kỷ sau, Friedman cũng đi đến Ấn Độ, nhưng khác Colombo, ông đi bằng máy bay của hãng Lufthansa (Đức), đến thành phố Bangalore, gặp Nandan Nilekani, thấy anh ta đang ngồi tại văn phòng Công ty Infosys của mình, chẳng thèm bước ra khỏi bàn giấy, chỉ qua chiếc máy tính nhỏ xíu, điều khiển một lô các chi nhánh của anh ta ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Đông Mỹ, Tây Mỹ, Ấn Độ, Singapore, Hồng Kông, Bắc Kinh, Nhật, Úc... cùng lúc, tức khắc.

Và Friedman hiểu ra rằng, khác với thời Colombo, trái đất ngày nay không còn tròn nữa, người ta chẳng cần phải đi vòng quanh nó, nó đã trở thành phẳng, có thể với đến bất cứ nơi nào một cách tức thì trên cái mặt phẳng trơn tru một cách kỳ lạ đó.

Từ tròn chuyển sang phẳng là đặc điểm lớn nhất của thời đại ngày nay, và cái đó người ta gọi là toàn cầu hóa. Friedman là người nói tuyệt hay về toàn cầu hóa, và điều còn quan trọng hơn, ông là người nói dứt khoát, sòng phẳng nhất về nó, không chút úp mở nào cả. Bởi đó không phải là một lựa chọn, đó là một thực tế. Đó chính là thế kỷ 21.

Vậy đó, kể từ năm 1492, những ai còn coi trái đất là một mặt phẳng là người thuộc về thế giới cổ điển, những ai biết nó tròn thì là người hiện đại. Ngày nay ngược lại, ai còn coi trái đất là tròn thì đã thuộc thời cổ điển rồi. Người hiện đại hôm nay là người biết rằng thế giới là phẳng, biết cách sống, làm việc, ứng xử trong thế giới phẳng ấy. Như vậy, hiện đại hóa là gì? Rất đơn giản, và cũng rất cơ bản: đó là chuyển được từ hiểu biết về tính tròn sang tính phẳng của thế giới.

Chúng ta vẫn thường nói đất nước đang cần công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Hiện đại hóa đương nhiên là vấn đề khoa học kỹ thuật, vấn đề kinh tế... Nhưng như vừa thấy, Friedman đã chứng minh một cách giản dị, hình ảnh và khó chối cãi, cũng như tất cả các biến chuyển lớn và cơ bản trong lịch sử, đây trước hết là một vấn đề văn hóa. Từ “văn hóa tròn” (cổ điển) chuyển sang “văn hóa phẳng” (hiện đại).

Bây giờ lại thử nghĩ (và không chỉ nghĩ mà còn quan sát cụ thể xem): trong xã hội ta hôm nay, một xã hội đang muốn chuyển sang công nghiệp hóa và hiện đại hóa, ai là người có thể đạt đến văn hóa ấy? Ai sẽ xây nên nó? Câu trả lời hình như không khó lắm: đấy chính là giới doanh nghiệp.

Tròn hay phẳng trước hết là một cảm giác, nghĩa là phải cảm nhận được bằng năm (hay sáu) giác quan, nhìn thấy nó được, nghe được nó, ngửi được mùi của nó, nếm được vị của nó, sờ được tính sần sùi hay trơn trợt của nó, và (giác quan thứ sáu) “cảm” được nó.

Các nhà doanh nghiệp ngày nay là những người, do chính chức năng sinh tồn của họ, do vị trí mũi nhọn họ đã chọn lấy trong sự phát triển xã hội, do cái “nghiệp” này trong đời của họ, là những người đầu tiên trong tất cả chúng ta có điều kiện nhất để cảm nhận được các cảm giác đó. Họ va chạm với tính phẳng hiện đại của thế giới hàng ngày, thậm chí hàng giờ, có khi hàng tích tắc, ma sát thường trực với nó, mài giũa mình trong môi trường mới lạ của nó, vật lộn trên một đấu trường, một chiến trường rất lạ là một mặt phẳng lỳ đến tuyệt đối không có bất cứ chỗ nào gồ lên dù nhỏ nhất để lấy làm vật che khuất, và buộc phải thắng ở đấy, nếu không muốn tử vong.

Ngày xưa “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”; ngày nay chẳng còn rừng núi nào hết, đến một mô đất nhỏ làm chướng ngại vật tạm thời cũng không, chỉ có mặt bằng mênh mông và tức thì của Internet trơn tuột, lạnh lùng. Một trăm năm trước, khi khám phá ra thuyết tương đối, Albert Eisntein biết rằng phải đạt đến tốc độ gần tốc độ ánh sáng, điều gần như không tưởng, để có thể nhận ra một cách rõ ràng sự co lại trông thấy được của không gian và thời gian.

Hóa ra ngày nay điều đó đang thành hiện thực, trước hết trên thương trường, bằng thương trường.

Mà nghĩ cho cùng, các chuyển động văn hóa lớn của con người trong lịch sử thì cũng đều do chính thương trường mà bắt đầu cả. Từ con đường tơ lụa thuở xưa đã nối kết văn hóa Đông - Tây; rồi Colombo, và cả Magellan nữa, đã tạo nên nền văn hóa toàn cầu hóa đầu tiên bằng việc khám phá tính tròn thực tế của trái đất, không phải vì một đức bẩm sinh phiêu lưu nào đâu, mà cũng chỉ vì hương liệu và gia vị phương Đông bấy giờ là món hàng hóa quý nhất làm giàu cho các vương quốc châu Âu...

Ngày nay cũng vậy thôi, một nền văn hóa mới đang hình thành, trên thế giới là vậy, mà ở ta cũng vậy, trước hết là bởi các thương gia. Riêng đối với tôi, những năm trước đây tôi chưa hiểu ra được điều đó, thậm chí tôi nghĩ đó là một giới khá xa lạ với văn hóa. Tôi đã lầm lớn. Bởi, nếu quả thật nền văn hóa mới, nền văn hóa của thời hiện đại hóa đất nước mà chúng ta đang ra sức phấn đấu, nền văn hóa của thế giới phẳng như Friedman đã sắc sảo chỉ ra, còn ai khác trong chúng ta, ngoài họ, có thể nhận ra, và không chỉ nhận ra, mà còn thực tế xây dựng nên và thực hành trước tiên?

Do một số công việc cần thiết, gần đây tôi có nhiều dịp hơn tiếp xúc với các nhà doanh nghiệp ở ta. Và tôi nhận ra điều ngạc nhiên thú vị này: chính họ (chứ không phải những người gọi là “nhà văn hóa” thường ba hoa trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày) là những người quan tâm nhiều hơn và sâu hơn cả về các vấn đề văn hóa.

Chính họ cảm thấy bức xúc hơn cả về tình trạng lạc hậu văn hóa trong nếp nghĩ, nếp sống, nếp làm, nếp quản lý xã hội của chúng ta, và tha thiết hơn cả với yêu cầu hình thành một văn hóa mới, văn hóa của “thế giới phẳng” (trong đó một trong những điều quan trọng nhất là những điều được gọi là bản sắc riêng của dân tộc không là những vật cản mà trái lại còn đóng góp một cách thú vị vào tính phẳng của thế giới, theo một biện chứng rất mới).

Chính họ là những người tha thiết hơn cả với vấn đề mà họ gọi là yêu cầu bức thiết đào tạo nhân lực cấp cao cho phát triển, những người có năng lực chủ yếu là nhận thức sâu sắc, mới mẻ về tính hiện đại (tức tính phẳng) của thế giới ngày nay, để hành động thành công trong thế giới đó.

Nói có thể to tát hơn một chút, chính họ có thể nhận ra khá rõ ràng hơn cả những đường nét chủ yếu của cái ở ta vẫn quen gọi là “con người mới” cho hôm nay. Cũng chính họ hiểu sâu sắc và bằng thực tế sinh động nhất, trong thế giới ngày nay mọi ngăn cách và cấm đoán “hành chính” đều vô nghĩa, tức là một quan điểm về công bằng và bình đẳng mới đã và đang hình thành...

Cũng không phải ngẫu nhiên đâu, khi ngày càng có thêm nhiều người có học vấn cao trong giới doanh nghiệp, hoặc đang ra sức học, học quyết liệt để có được học vấn cao. Và cũng chính họ là những người quan tâm nhiều nhất đến giáo dục. Thậm chí, trong khi nền giáo dục của chúng ta còn quá chậm trễ một cách tai hại so với tính chất mới mẻ của công cuộc hiện đại hóa, thì nhiều doanh nghiệp, theo chỗ tôi được biết và trực tiếp chứng kiến, đã tự tổ chức lấy cái có thể gọi là những “trường đại học” riêng của họ. Biết đâu đấy, cũng có thể sự cải tạo đại học mà chúng ta đang trăn trở và khá bế tắc lại bắt đầu từ chính những nơi này chăng? Tôi nghĩ đấy là một trong những khả năng không nên coi thường.

Còn một điều quan trọng nữa: họ đang trở thành một tầng lớp xã hội, một tầng lớp xã hội ngày càng lớn mạnh, dù có ai đó muốn hay không, bằng lòng hay không. Và, như chúng ta đều biết, một lực lượng chỉ có thể gây tác động chuyển biến xã hội khi nó thật sự trở thành một tầng lớp. Đang có dấu hiệu mới lành mạnh đó. Và đấy mới chính là cái không gì cản trở được.

Những trí thức mới

Còn một lực lượng đáng chú ý có thể nhận ra, hiểu biết sâu sắc và thấm thía về tính phẳng thiết yếu của thế giới ngày nay mà đất nước chúng ta nhất thiết phải gia nhập vào, không phải như một lựa chọn, mà như một thực tế: những người được đào tạo ở nước ngoài, các nước tiên tiến, ngày càng đông đảo, đã hoặc đang trở về và chúng ta đang có nhiều chính sách thích đáng để thu hút về.

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Họ đi nhiều năm, và “đàng” thì là một con đàng mới mẻ và cấp thiết của một thế giới mới đang chuyển động rất dữ mà ta không muốn không theo kịp. Họ đi ra và thay đổi rất nhiều. Không chỉ kiến thức mới, cũng là quý lắm. Điều còn quan trọng hơn: cách nhìn mới, suy nghĩ mới. Colombo vượt đại dương để biết trái đất tròn, ngày nay họ đi, cũng vượt đại dương, để biết thế giới phẳng, biết cách suy nghĩ và sống, làm việc thành công trong thế giới đó.

Tôi có nhiều dịp ngồi cùng một số anh chị em đó. Họ đầy tâm huyết, họ rất nóng lòng, họ nhiều suy nghĩ và lo lắng. Có lần, tôi đã nghe họ tâm sự: họ về, chưa thật nhiều lắm, đất nước chưa thật sự có một hệ thống chính sách và biện pháp thật cụ thể, và quan trọng nhất, một quyết tâm, một quyết đoán chiến lược mạnh mẽ đưa đi một lực lượng lớn để trong một thời gian không dài lắm nữa, có một lực lượng mới thật lớn trở về, như nhiều dân tộc đã làm trong những thời điểm quan trọng của lịch sử họ, và nhiều nước khác ngày nay cũng đang làm... Đang cần lắm một chiến lược như vậy.

Song, cho đến nay, những người được đào tạo và trở về cũng không phải là quá ít. Có điều, họ còn quá phân tán, chính nhiều anh chị em trong số họ nói với tôi điều băn khoăn ấy. Hầu như chưa có một nơi nào họ hình thành được một trung tâm có mật độ kha khá. Phân tán, họ chỉ mới được sử dụng như những công cụ lẻ. Và đó là một sự mất sức đáng tiếc.

Tôi đồng ý với họ, nhưng tôi cũng còn nghĩ rằng sự phân tán họ nói đó hình như cũng chỉ mới là phân tán về không gian. Có lẽ điều còn quan trọng hơn là một tập hợp như thế nào đó, có khi không nhất thiết về không gian, để tạo nên một sự tập hợp và tác động về tư duy, bởi cái quý nhất, cần nhất mà họ mang về, như đã nói, chính là một kiểu tư duy mới mà xã hội chúng ta đang chờ.

Nghĩa là, theo một ý nghĩa nào đó, cũng là sự hình thành một tầng lớp xã hội mới. Có lẽ, dù muốn dù không, rồi điều đó cũng xảy đến. Chỉ có điều cần chủ động tạo điều kiện và thúc đẩy cho nó đến sớm hơn, càng sớm càng tốt. Bởi sự hình thành đó là rất lành mạnh...

Một trăm năm trước, cha ông chúng ta đã đọc Tân thư mà tạo nên được cả một công cuộc duy tân, tiền thân tất yếu và biện chứng của cuộc cách mạng vô sản về sau. Ngày nay thuận lợi hơn nhiều. Cả về lực lượng, cả về thế chủ động của đất nước, cả về cơ sở xã hội mà, như đã nói ở trên, tầng lớp doanh nhân mới của dân tộc đang tạo ra được. Và cả những người trí thức, những nhà văn hóa tiên tiến và tâm huyết đang có trong đất nước nữa, từ nhiều năm nay vẫn đang dũng cảm và kiên trì phấn đấu cho những xu hướng tiên tiến được duy trì và phát triển, tất nhiên là một lực lượng không thể quên.

Chúng ta đang nói đến tiếp tục đổi mới. Chỉ có thể thật sự tiếp tục đổi mới khi thật sự có tư duy mới, do một nhận thức mới về thời đại, và một lực lượng xã hội mới, một sự liên kết của các lực lượng mới để tạo nên một cơ sở xã hội mới cho sự phát triển.

Hoàn toàn có thể hy vọng.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Xã hội tri thức và vài suy nghĩ về con đường hội nhập

    15/05/2018Phan Đình DiệuSinh thời, Norbert Wiener, cha đẻ của Điều khiển học (Cybernetics) đã dự báo: "Chúng ta đang làm biến đổi môi trường của ta tận gốc rễ đến mức rồi ta phải tự biến đổi chính mình để tồn tại được trong môi trường mới đó".
  • Toàn Cầu Hoá như một xu thế văn hoá

    02/04/2014Nguyễn Trần Bạt,Toàn cầu hoá về kinh tế đã và vẫn đang là đề tài sôi nổi và nóng bỏng trên thế giới. Những cuộc họp của WTO luôn luôn kéo theo những cuộc biểu tình chống đối. Nhưng bất chấp tất cả những thứ đó, toàn cầu hoá đang tác động mạnh mẽ không chỉ đến các chính sách quốc gia mà còn len lỏi vào tận ngõ ngách đời sống toàn nhân loại...
  • Trò truyện thời hội nhập

    27/01/2006Trần Đăng Khoa ghiCâu chuyện chúng tôi là chuyện về thời hội nhập. Một vấn đề lớn, mang tính toàn cầu. Bởi thế không thể nói qua quýt trong mấy vốc chữ...
  • Bài toán hội nhập

    16/01/2006TS. Nguyễn Sĩ DũngKhoảng thời gian từ nay đến lúc nước ta chính thức gia nhập WTO và hội nhập thật sự vào nền kinh tế thế giới còn lại không nhiều. Những cơ hội và thách thức to lớn đang chờ ở phía trước. Vấn đề đặt ra là phải tận dụng được những cơ hội và hóa giải được những thách thức nói trên. Và đây là bài toán không ai có thể giải thay được cho chính chúng ta...
  • Cái giá của việc "lỡ tàu" WTO

    25/12/2005Việt LâmChúng ta không vào WTO bằng mọi giá nhưng cái giá ở đó là gì không thấy ai nói đến. Và cũng chưa ai trả lời xác đáng câu hỏi: VN phải trả giá như thế nào nếu tiếp tục chậm chân...
  • Thử lý giải một vài nguyên nhân của hiện tượng Hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc

    11/11/2005GS. Nguyễn Huệ ChiĐề tài hội nhập văn hóa như một quy luật sống còn của lịch sử dân tộc được chúng tôi đeo đuổi từ thập kỷ 80 thế kỷ XX đến nay, dưới nhiều khía cạnh, trong nhiều bài viết từng công bố đây đó. Lần này, trong khuôn khổ một hội thảo, chúng tôi chỉ tóm lược lại một vài điểm nổi nhất về hiện tượng này tại chùa Quỳnh Lâm, mong từ góc nhìn hiện đại cập nhật hóa một câu chuyện tưởng như đã là chuyện của quá vãng, và trong con mắt thông tục chỉ còn là đối tượng của nhà “khảo cổ”.
  • Xây dựng hệ tiêu chuẩn văn hoá chính trị toàn cầu

    22/10/2005Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsultToàn cầu hoá là một quá trình tương tác trên quy mô toàn cầu của các loại hình hoạt động xã hội trong đó có loại hình hoạt động chính trị. Thể hiện cơ bản nhất của toàn cầu hoá là sự hợp tác toàn cầu. Xây dựng nền văn hoá chính trị có quy mô toàn cầu chính là xây dựng hệ ngôn ngữ chính trị để tất cả những người đại diện trên thế giới này có thể đối thoại, và cũng chính là loại bỏ những mặt dị biệt thái quá đồng thời thời tìm kiếm những mặt chung nhất liên quan đến lợi ích toàn cầu làm xuất phát điểm cho những cuộc đối thoại đó.
  • Toàn cầu hoá – Cơ hội và thách thức

    19/09/2005Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupKhông ai có thể phủ nhận được rằng toàn cầu hoá đem đến cho nhân loại, cả những nước phát triển lẫn những nước chậm phát triển, những cơ hội phát triển to lớn. Những nhà lãnh đạo sáng suốt đang ra sức lựa chọn những chiến lược phát triển vừa khôn khéo vừa kiên quyết để đưa đất nước mình tiến lên phía trước. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nghe thấy nhiều giọng nói từ khắp các châu lục đang gióng lên những lời cảnh báo về mối đe doạ của lối sống phương Tây...
  • Văn minh giao tiếp thời hội nhập

    04/08/2005Diệu TrangVăn hoá thấm từng giọt, còn tiền thì có thể đến một cách ào ạt chẳng hạn như ngày mai anh trúng số độc đắc bỗng nhiên trở thành người giàu có. Đánh giá một con người văn minh, văn hoá, người ta không nhìn theo kiểu cứ là quan chức thì phải bút Monblank, ví Cartier, giày Christian Dior... Cái đó không quan trọng vì họ cũng rất biết về Việt Nam và không phải là mong đợi sự sang trọng đập vào mắt họ mà là người này tầm nhận thức thế nào, hiểu bên ngoài ra sao và mục đích anh đi ra thế giới để làm gì? Vậy nên "văn minh" ở đây là nắm bắt xu thế của thế giới đồng thời khẳng định được đặc thù của bản thân.
  • Những khó khăn khi gia nhập WTO

    22/07/2005Đặng Hồng QuangViệt Nam cần khẳng định quyết tâm tham gia một sân chơi bình đẳng, tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác, đặc biệt là với các đối tác có tiềm năng xung đột cạnh tranh nhưng đồng thời phải thuyết phục để họ hiểu thực trạng kinh tế Việt Nam và có những nhân nhượng thỏa đáng...
  • Mối quan hệ cá nhân - gia đình trong bối cảnh Việt Nam đi vào toàn cầu hóa

    19/07/2005Lê ThiĐi vào hội nhập và toàn cầu hóa, xã hội Việt Nam đang chịu những tác động tích cực và tiêu cực, cả về mặt kinh tế và văn hóa xã hội. Gia đình, tế bào cơ sở của xã hội, tất yếu có những biến động khi xã hội đang thay đổi, có những đổi mới trong quan hệ giữa các thành viên gia đình, giữa cá nhân và gia đình. Vậy cần giữ gìn, phát huy vai trò gia đình như thế nào trong điều kiện mới?
  • Hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với giá trị truyền thống trong điều kiện toàn cầu hóa

    19/07/2005Nguyễn Trọng ChuẩnQuá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay là hệ quả của sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, mang tính chất đột biến của khoa học và công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin. Các phương tiện hiện đại của công nghệ thông tin, trước hết là mạng Internet, mạng viễn thông toàn cầu, cáp quang xuyên đại dương, các mạng kết nối siêu lộ thông tin, … đã tạo ra kết cấu hạ tầng kỹ thuật của toàn cầu hóa.
  • Toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá

    18/07/2005Dương Thuấn, Mai Văn HaiVăn hoá Việt Nam đang có nguy cơ bị văn hoá nước ngoài lấn át và mất dần đi bản sắc dân tộc! Đã có không ít bài viết cảnh báo về vấn đề này và bày tỏ sự quan ngại đó. Thực tế có đáng lo như vậy hay không? Trước tình hình toàn cầu hoá nhanh chóng như hiện nay, hội nhập là tất yếu, không có con đường nào khác nếu muốn phát triển. Để làm sáng tỏ về vấn đề này, chúng tôi muốn nói đến việc toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá.
  • Để hội nhập, phải hiện đại hóa giáo dục

    05/12/2003GS Hoàng Tụy vừa trở về từ Mỹ trong một dự án hợp tác khoa học. Trong bộn bề công việc, ông vẫn dành cả một buổi chiều để cùng chúng tôi trao đổi về những việc của khoa học và giáo dục. Ông vào đề trước...
  • Châu Á với vấn đề toàn cầu hoá giáo dục

    10/02/2003Trên thế giới, cải cách giáo dục hiện nay được xem là rất cần thiết cho thành quả kinh tế. Sự phồn thịnh kinh tế của một quốc gia tùy thuộc vào chất lượng của hệ thống giáo dục quốc gia đó. Mặc dù nhu cầu giáo dục sáng tạo chỉ mới chớm nở ở châu Á nhưng các chính phủ cũng đã quan tâm và chuẩn bị nhập cuộc toàn cầu hóa giáo dục. Từng quốc gia đã ráo riết cải cách chế độ giáo dục theo hướng toàn cầu hóa để tránh bị tụt hậu so với các quốc gia khác.
  • xem toàn bộ

Nội dung khác