Toàn cầu hóa và những mặt trái
Tên sách: Toàn cầu hóa và những mặt trái
Nhà xuất bản: NXB Trẻ
Năm xuất bản: 3/2008
Tác giả: Joseph E. Stiglitz
Dịch giả: Nguyễn Ngọc Toàn
Số trang: 366
Kích thước: 14,5x20,5 cm
Cuốn sách "Toàn cầu hóa và những mặt trái" của nhà kinh tế học từng được giải Nobel - Joseph E. Stiglitz đóng góp một cái nhìn nghiêm khắc đến nghiệt ngã về toàn cầu hóa, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của những tổ chức quốc tế như IMF, WTO, WB trong quá trình tất yếu không có cách nào cưỡng lại này.
Toàn cầu hóa đã giúp hàng trăm triệu người có mức sống cao hơn. Toàn cầu hóa đã đem lại lợi ích cho các nước tận dụng được nó. Vậy tại sao ngày nay toàn cầu hóa đang bị thách thức ở khắp nơi?...
Với cuốn sách này nhà kinh tế học lỗi lạc của thế giới đạt giải Nobel kinh tế năm 2001 – Joseph E. Stiglitz sẽ giúp chúng ta nhìn nhận về thế giới và toàn cầu hóa một cách khoa học và khách quan trong bối cảnh kinh tế của các nước đang phát triển. Tính khoa học và khách quan cũng là điểm nổi bật của tác phẩm này so với các tác phẩm khác về đề tài toàn cầu hóa và những thể chế kinh tế toàn cầu.
MỤC LỤC
Những lời khen ngợi dành cho cuốn sách
Lời nói đầu
Lời cảm ơn
Chương 1: Lời hứa của các tổ chức toàn cầu
Chương 2: Những lời hứa bị phá bỏ
Chương 3: Quyền tự do lựa chọn?
Chương 4: Cuộc khủng hoảng Đông Á
Chương 5: Ai "đánh mất" nước Nga?
Chương 6 Luật lệ thương mại bất công và những thủ đoạn khác
Chương 7 Những don đường tốt hơn đi tới kinh tế thị trường
Chương 8: Lịch trình khác của IMF
Chương 9: Con đường phía trước
Lời bạt
- Đôi nét về tác giả Joseph E. Stilizt
- Giới thiệu sách "Toàn cầu hóa và những mặt trái" (Vĩnh An, Tuần Việt Nam)
- Toàn cầu hóa và những mặt trái (Dương Thủy, The Saigon Times)
- Để toàn cầu hóa mang khuôn mặt con người(Văn Việt thực hiện, Tuổi trẻ)
Đôi nét về tác giả Joseph E. Stilizt
Joseph E. Stilizt sinh tại Gary, bang Indiana năm 1943. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) năm 1967, và 3 năm sau đó trở thành giáo sư năm tại Yale.
Tiếp nối những nhà kinh tế học đi trước, những nghiên cứu của ông đã giúp cho việc giải thích sự trì trệ và những khiếm khuyết của thị trường, cũng như chỉ ra sự lựa chọn nào của nhà nước để có thể có vai trò tốt nhất trong việc khắc phục những khiếm khuyết đó.
Giải Nobel Kinh tế năm 2001 là một sự ghi nhận những đóng góp lớn của ông trong lĩnh vực kinh tế học, và xác nhận lại một sự thật rằng ông là một trong những nhà kinh tế học hàng đầu thế giới hiện nay.
Từng có mặt trong Hội đồng tư vấn kinh tế của chính phủ Bill Clinton, và sau đó làm việc tại Ngân hàng Thế giới với tư cách Trưởng ban Kinh tế và Phó chủ tịch trong gần 3 năm trước khi rời bỏ vào 1/2000, hơn ai hết, ông hiểu tường tận cơ cấu vận hành và cái gì đứng đằng sau điều khiển các quyết định của các thể chế này (World Bank và IMF).
Toàn cầu hóa và những mặt trái - tác phẩm này của ông đã cố gắng mang lại một cái nhìn trung thực và rõ ràng nhất về các thể chế này, về cái cách thông qua thể chế này và Toàn cầu hóa, các nước giàu đã giật miếng bánh mỳ khỏi tay các nước nghèo ra sao. Trong cuốn sách này, ông cũng cố gắng lý giải các biến cố lớn trên thế giới, những vấn đề đặt ra về sự phân hóa giàu nghèo, và hơn thế nữa, tìm một lộ trình khác thích hợp hơn cho quá trình toàn cầu hóa.
Những lời khen ngợi dành cho cuốn sách
“Kinh tế và phát triển không phải là những con số thống kê. Hơn thế, chúng là về cuộc sống và việc làm. Stiglitz không bao giờ quên rằng có những người chịu ảnh hưởng của các chính sách này và rằng thành công của một chính sách không thể hiện ở chỗ các ngân hàng quốc tế thu hồi được bao nhiêu tiền mà ở chỗ người dân có bao nhiêu để sống và cuộc sống của họ cải thiện được bao nhiêu.” - Christian Science Monitor
“Một cuốn sách mới cực kỳ quan trọng.” – Boston Globe
“Dù ý kiến của bạn là gì, bạn sẽ bị lôi cuốn bởi lập sâu sắc của Stiglitz đối với lịch trình đổi mới để tái định hình toàn cầu hóa. Một cuốn sách phải đọc đối với những ai quan tâm đến tương lai, những người tin rằng có thể xây dựng một thế giới trong đó ai cũng có việc làm tươm tất và muốn tránh sự xung đột giữa người giàu và người nghèo.” – Juan Somavia, Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế
“Sự pha trộn hiếm hoi giữa những thành tựu học thuật và kinh nghiệm tư vấn chính sách làm cho cuốn sách Toàn cầu hóa và những mặt trái của Stiglitz thật đáng để đọc… Niềm đam mê và tính thẳng thắn của ông là làn gió mới giữa sự quanh co thường thấy của các nhà kinh tế.” – Business Week
“Nghiên cứu sâu sắc và thú vị này đóng góp lớn vào cuộc tranh luận đang diễn ra về toàn cầu hóa và cung cấp một mô hình phân tích về quá trình giúp đỡ các nước đang phải đối mặt với những thách thức của chuyển đổi và phát triển kinh tế... Hấp dẫn, cân bằng và nhiều thông tin… Một cuốn sách phải đọc.” – Publisher Weekly.
“Một phân tích sâu sắc về lý do tại sao toàn cầu hóa lại thất bại với quá nhiều trong số những người nghèo nhất thế giới và làm thế nào để xây dựng và quản lý một nền kinh tế có tính toàn cầu hơn. Đúng lúc và hấp dẫn.” – Mark Malloch Brown, nhà quản lý,
Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP)
“Một chuyến du lịch tuyệt vời trong sự phức tạp của quá trình hoạch định chính sách kinh tế. Đưa Bộ Tài chính Mỹ và IMF vào con mắt soi xét của một nhà kinh tế hàng đầu… là điều tốt cho sức khỏe lâu dài của cả hệ thống.” – Financial Times
“Stiglitz đã trình bày một cách hiệu quả nhất có thể quan điểm của ông, bao gồm cả những chính sách kinh tế phát triển mà ông ủng hộ cũng như những lời cáo buộc cụ thể hơn của ông với những gì IMF đã làm và những lý giải tại sao lại như vậy.” – New York Review of Books
“Cuốn sách này là chỉ dẫn cho mọi người về sự quản lý yếu kém quá trình toàn cầu hóa. Joe Stiglitz đã ở đó. Ông biết. Và ông giải thích điều đó tại đây bằng một ngôn ngữ giản dị mà hấp dẫn.” - James K. Galbraith, Đại học Texas - Austin
“Một cái nhìn mới mẻ cần thiết về ảnh hưởng đối với chính sách của các tổ chức – chủ yếu là Quỹ tiền tệ quốc tế… Stiglitz đã hoàn thành một công trình quan trọng bằng cách mở ra một cửa sổ nhìn vào trong các tổ chức công, mà chỉ ít người trong chúng ta đã từng có cơ hội.” – San Francisco Chronicle
“Khi tôi và Joe gặp nhau lần đầu ở Kenya năm 1969, khả năng sáng tạo trong tư duy và cam kết mạnh mẽ đối với sự phát triển của ông ngay lập tức làm tôi kinh ngạc. Trong suốt hơn ba thập kỷ là bạn, đối với tôi, tư tưởng của ông luôn hấp dẫn và sâu sắc. Ông là một trong những nhà kinh tế quan trọng nhất trong thời kỳ hiện đại.” – Nicholas Stern, nhà kinh tế trưởng và phó chủ tịch cao cấp, Ngân hàng Thế giới
“Stiglitz… không phải là người đầu tiên buộc tội IMF hoạt động phi dân chủ và làm tồi tệ thêm sự nghèo đói của các nước thế giới thứ ba. Nhưng ông cho đến giờ là người nổi bật nhất và sự nổi lên của ông với tư cách là một nhà phê bình đánh dấu một sự chuyển dịch quan trọng trong quan điểm tri thức.” – The Nation
“Sâu sắc… Cuốn sách bước ngoặt này… thể hiện ông ấy là một người kế tục đáng giá của Keynes.” – Independent (UK)
Giới thiệu sách "Toàn cầu hóa và những mặt trái"(Vĩnh An, Tuần Việt Nam)
Đã từ lâu, người ta quen với những cuộc tranh cãi bất tận về toàn cầu hóa, những cuộc biểu tình chống toàn cầu hóa cũng xảy ra "như cơm bữa" và trở thành nỗi lo lắng thường trực mỗi khi nhóm G7, WTO...vv... tổ chức hội họp.
Đơn giản bởi toàn cầu hóa mang trong nó quá nhiều những mặt tốt xấu. Người ta vừa đón nhận nó như một quá trình tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện, cùng lúc đó không ít nơi lại phản ứng, chống đối nó như một thứ "ác quỷ xấu xa".
Toàn cầu hóa và những mặt trái của nhà kinh tế học Joseph Stiglitz cũng góp một cái nhìn rất nghiêm khắc về quá trình này, đúng như những gì ông bộc bạch ở phần Lời nói đầu:
Tôi viết cuốn sách này từ khi tôi còn đang làm việc ở Ngân hàng Thế giới và đã trực tiếp chứng kiến những tác động tàn phá của toàn cầu hóa lên các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước nghèo trong số này.
Tôi tin rằng toàn cầu hóa - sự dỡ bỏ các hàng rào dẫn đến tự do thương mại và sự hội nhập mạnh mẽ hơn của các nền kinh tế quốc gia -có thể là một sức mạnh thúc đẩy có khả năng nâng cao mức sống của mọi người trên thế giới, đặc biệt là người nghèo.
Một số thông tin về tác giả Joseph E. Stiglitz là một nhà kinh tế học lỗi lạc của thế giới, từng đoạt giải Nobel Kinh tế 2001. Ông từng là Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới và Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Bill Clinton. Hiện đang là giáo sư kinh tế học của Đại học Columbia. Tuy là người Mỹ nhưng ông chọn cho mình góc nhìn toàn cầu hóa từ các nước đang phát triển. |
Nhưng tôi cũng tin rằng, để được như thế, cách thức tiến hành toàn cầu hóa, bao gồm cả các hiệp định thương mại quốc tế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc dỡ bỏ những hàng rào thương mại và những chính sách đã được áp đặt lên các nước đang phát triển trong quá trình toàn cầu hóa cần phải được suy xét lại một cách triệt để.
Trong cuốn sách của mình, Stiglitz đã kịch liệt lên án những tổ chức "có vai trò, trọng trách to lớn trong quá trình toàn cầu hóa" như IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế), WB (Ngân hàng thế giới), WTO (Tổ chức thương mại thế giới), đặc biệt là IMF.
Theo nhiều đánh giá, tính khoa học và tính khách quan cũng chính là điểm nổi bật của Toàn cầu hóa và những mặt trái so với các tác phẩm khác cùng đề tài.
Tác giả nhắc lại những lời cam kết hỗ trợ các quốc gia yếu thế, "vực dậy những nền kinh tế suy thoái" hay can thiệp đúng mức nhằm bình ổn tình hình kinh tế thế giới (Chương 1: Lời hứa của các tổ chức toàn cầu).
Tiếp đó, Stiglitz phân tích những động thái "sai lầm và tàn nhẫn" của WB, IMF để rồi rút ra những kết luận chán nản như: hoạt động của các tổ chức ngày càng chồng chéo và phụ thuộc lẫn nhau, "IMF đã không thể thực hiện được những ý tưởng tốt đẹp mà cha đẻ nó - Keynes đã trao gửi cho nó khi mới sáng lập".
Có thể hiểu Stiglitz muốn nói gì: Chính những hoạt động không mấy hiệu quả của IMF, WB hay WTO đã làm tình hình tồi tệ hơn và khiến toàn cầu hóa mang một khuôn mặt xấu xí, gớm ghiếc.
Cái nhìn có phần u ám của Stiglitz khiến người ta dễ dàng liên hệ tới cây bút kỳ cựu tờ New York Times - Thomas L. Friedman, tác giả của hai cuốn sách Chiếc Lexus và Cây Oliu và Thế giới phẳng.
Khác với Stiglitz, Friedman đem lại cảm giác lạc quan và hồ hởi về toàn cầu hóa, như một "làn gió của sự đổi mới", đem lại diện mạo và sinh khí cho những nước kém phát triển và đang phát triển (ví như đưa Ấn Độ, Trung Quốc vào sân chơi chung, bình đẳng, đầy thách thức và cơ hội).
Đến mức rất nhiều ý kiến chỉ trích Thế giới phẳng đã phủ một lớp vỏ bọc màu hồng (hào nhoáng và giả tạo) lên toàn cầu hóa, ru ngủ với lý thuyết "Chủ nghĩa phẳng nhân từ". Thậm chí nhiều người đã đưa ra những lập luận đanh thép (và rất hình tượng) "Thế giới vẫn cứ tròn", "Thế giới thẳng đứng" để bác bỏ lập luận "Thế giới phẳng" của Friedman.
Tất nhiên, những đánh giá cực đoan của Stiglitz cũng gây ra rất nhiều phản ứng khác nhau. Có không ít ý kiến ủng hộ ông nồng nhiệt, như Mark Malloch Brown - Nhà quản lý Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) - "Một phân tích sâu sắc về lý do tại sao toàn cầu hóa lại thất bại với quá nhiều trong số những người nghèo nhất thế giới và làm thế nào để xây dựng và quản lý một nền kinh tế có tính toàn cầu hơn. Đúng lúc và hấp dẫn!"
Hay tờ Business Week "Niềm đam mê và tính thẳng thắn của ông là làn gió mới giữa sự quanh co thường thấy của các nhà kinh tế".
Nhưng cũng có những người lên án hùng hồn những luận điểm của ông, ví như bức "Thư ngỏ" (Open Letter) của Kenneth S. Rogoff - Cố vấn kinh tế kiêm Giám đốc Nghiên cứu của IMF đưa ra vào tháng 7/ 2002 (tức là chỉ một tháng sau khi cuốn sách của Stiglitz được phát hành).
Trong bức thư rất dài này (với giọng điệu điềm tĩnh, nhũn nhặn nhưng không giấu giếm sự mỉa mai), Rogoff đưa ra rất nhiều lý lẽ bảo vệ IMF và cho rằng Stiglitz đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu những nỗ lực và quy trình làm việc (cách cư xử đối với các chính phủ gặp phải các vấn đề về kinh tế, đối mặt với tình trạng suy thoái, thất nghiệp, lạm phát, mất lòng tin của nhà đầu tư...vv...) của IMF.
Và rằng Stiglitz đã quá tự phụ khi cho là chỉ có mình ông lo lắng mất ăn mất ngủ cho những quốc gia kém phát triển, hay những dẫn chứng mà Stiglitz đưa ra không đủ sức thuyết phục...vv...
Đối với một cuốn sách như Toàn cầu hóa và những mặt trái, có nhiều lời khen chê, đồng tình, phản đối... cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng có một điều buộc phải thừa nhận, đó là cuốn sách của Stiglitz khiến những tổ chức như IMF, WB, WTO phải nhìn lại mình và thừa nhận trách nhiệm ngày càng nặng nề hơn với một thế giới đang biến động không ngừng, với quá trình toàn cầu hóa không khoan nhượng, đang len lỏi vào mỗi ngõ ngách nhỏ bé nhất của thế giới này.
Những phân tích sắc sảo của Stiglitz về những xu hướng tất yếu: Tư nhân hóa, Tự do hóa...vv... cùng những thách thức của quá trình này (ông đưa ra ví dụ ở Indonesia, Bostwana, Ethiopia) cũng là cảnh báo mà những nước đang phát triển phải chú ý (đặc biệt là về khả năng độc lập trong hoạch định chính sách, giảm thiểu việc phụ thuộc thái quá vào các tổ chức quốc tế để rồi buộc chân mình vào những điều khoản bất lợi, càng cải cách càng rối rắm, trường hợp xấu còn có thể dẫn đến suy thoái kinh tế nặng nề hơn).
Toàn cầu hóa và những mặt trái (Dương Thủy, The Saigon Times)
Cuốn sách được tác giả bắt đầu viết từ khi ông còn đang làm việc ở Ngân hàng Thế giới (WB), trực tiếp chứng kiến những tác động tàn phá của toàn cầu hóa lên các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước nghèo.
Joseph E. Stiglitz, tác giả cuốn sách, một nhà kinh tế của thời hiện đại, đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001, đã phát triển một nhánh kinh tế học mà sau này gọi là kinh tế học thông tin. Ông cũng có nhiều công trình nghiên cứu về các chủ đề kinh tế ứng dụng, bao gồm kinh tế học khu vực công, kinh tế phát triển và chính sách tiền tệ.
Hơn thế nữa, ông từng có thời trực tiếp tham gia công việc hoạch định chính sách toàn cầu ở cương vị Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), và chính sách của một siêu cường kinh tế ở cương vị Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Bill Clinton. Cuốn sách này dựa trên nền tảng học thuật vững chắc cũng như các kinh nghiệm thực tiễn quý báu đó.
Ông vẫn tin rằng toàn cầu hóa có thể là một sức mạnh thúc đẩy nâng cao mức sống của mọi người trên thế giới, đặc biệt là người nghèo, nhưng ông cũng cho rằng để được như thế thì cách thức tiến hành toàn cầu hóa như hiện nay “cần phải được suy xét lại một cách triệt để”. Bởi vì cách thức hiện nay thường chỉ phù hợp với lợi ích của các nước đã phát triển và các tầng lớp có quyền lực, khiến cho hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng trên phạm vi toàn cầu.
“Những người chỉ trích toàn cầu hóa buộc tội các nước phương Tây là đạo đức giả và họ hoàn toàn đúng. Các nước phương Tây đã ép buộc nhiều nước nghèo xóa bỏ hàng rào thương mại, nhưng lại giữ lại hàng rào thương mại của chính họ.” Các chính sách như duy trì chế độ hạn ngạch đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang phát triển, hay tiếp tục trợ cấp nông nghiệp khiến cho hàng nông sản của các nước đang phát triển khó cạnh tranh, dẫn đến hậu quả là “nhiều nước nghèo nhất thế giới thực ra còn bị làm cho nghèo hơn”.
Không những thế, toàn cầu hóa cũng đã không thành công trong việc bảo đảm sự ổn định. Chính sách đòi hỏi các nước phải tự do hóa thị trường tài chính, nới lỏng việc kiểm soát chu chuyển vốn - tác giả khẳng định - “chỉ tạo ra sự phá hoại”. Những dòng tiền chạy ra khỏi các nước một cách đột ngột sẽ để lại sau lưng nó sự sụp đổ của hệ thống tỷ giá, và sự suy sụp của cả hệ thống ngân hàng. Khủng hoảng tài chính trở thành một hiểm họa luôn đe dọa các nền kinh tế mới nổi lên.
Theo Stiglitz, “Để hiểu điều gì đã sai, điều quan trọng là phải xem xét ba tổ chức chính đang điều phối toàn cầu hóa: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), WB và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”. Và ông đã dành một phần quan trọng của cuốn sách để mô tả một cách tường tận và thẳng thắn những sai lầm của các định chế quốc tế đó, đặc biệt là của IMF. Ông khẳng định: “IMF đã mắc sai lầm trong tất cả những lĩnh vực mà nó tham gia: phát triển, chống khủng hoảng, và trong các nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình cộng sản sang tư bản. Các chương trình cho vay điều chỉnh cơ cấu không đem lại tăng trưởng bền vững (…) ở nhiều nước, chính sách thắt lưng buộc bụng đã cản trở tăng trưởng”.
Cuốn sách khép lại với chương “Con đường phía trước” với các đề nghị cụ thể về thay đổi cơ cấu quản trị và tính minh bạch ở các tổ chức quốc tế, cải cách IMF và hệ thống tài chính toàn cầu, cải cách WB và viện trợ phát triển, cải cách WTO và cân bằng lịch trình thương mại, nhằm “tiến tới toàn cầu hóa giàu tính nhân văn”.
PGS.TS Trần Đình Thiên |
Để toàn cầu hóa mang khuôn mặt con người (Văn Việt thực hiện, Tuổi trẻ)
Là một nhà kinh tế học, nhưng trong hội sách TP.HCM tháng ba vừa qua lại thấy PGS.TS Trần Đình Thiên (, phó viện trưởng Viện Kinh tế VN) hiện diện với tư cách một người đọc, có tham luận về thói quen đọc sách của người Việt.
* Thưa tiến sĩ, lúc này ông có quan tâm đặc biệt cuốn sách nào?
- Tôi thấy một cuốn rất đáng được tìm để đọc. Đó là cuốn Toàn cầu hóa và những mặt trái vừa mới được dịch và in ra tiếng Việt. Cuốn sách đáng được đọc không đơn thuần vì tác giả là một nhà kinh tế học lừng danh, người được trao giải Nobel về kinh tế năm 2001 là Joseph E. Stiglitz.
Bàn về một vấn đề đã trở nên quen thuộc với đa số nhân loại hôm nay, cuốn sách vẫn có một sức hấp dẫn đặc biệt mạnh mẽ, gần như không thể cưỡng lại, giống như sức mạnh của chính quá trình toàn cầu hóa khi lôi cuốn tất cả các nước vào quĩ đạo của mình.
* Trong muôn vàn cuốn sách bàn về toàn cầu hóa, hình như ông có hơi nồng nhiệt quá khi nói về cuốn sách này, một cuốn sách của "mặt trái"?
- Trong cảm nhận của tôi, có hai lẽ. Một là tầm vóc trí tuệ vượt trội của sự lý giải vấn đề. Hai là ở sự chân thành chứa đầy tính nhân văn thấm trong từng trang sách.
Qua cuốn sách, J.E. Stiglitz muốn chuyển đến thế giới một số thông điệp đậm tính cảnh báo và gợi ý.
Ẩn sau chúng là tri thức của một nhà bác học lỗi lạc, được củng cố thêm bằng sự trải nghiệm cuộc sống đầy tinh thần trách nhiệm với các vấn đề về phát triển, về số phận và triển vọng của người nghèo, của các nước nghèo trong cơn xoáy lốc toàn cầu hóa.
Dù chủ yếu viết về "mặt trái" của toàn cầu hóa, song cuốn sách không phủ nhận quá trình này. Stiglitz coi đó là xu thế khách quan, tất yếu của thời đại. Hơn thế, toàn bộ cuốn sách của Stiglitz toát lên rằng toàn cầu hóa là nguồn động lực mạnh mẽ bậc nhất của phát triển cho mọi quốc gia hiện nay.
Cũng chính việc đánh giá cao vai trò của toàn cầu hóa như vậy, Stiglitz đặt cho mình nhiệm vụ phải làm rõ mặt trái, phải lý giải vì sao toàn cầu hóa - trong tính hiện thực của nó - lại bị coi là nguồn gốc tai họa, căn nguyên của đói nghèo, bệnh tật và xung đột ở nhiều quốc gia chậm phát triển. Và ông đã phát hiện nguồn gốc của vấn đề không phải ở bản thân quá trình toàn cầu hóa mà là ở sự hẹp hòi, thiển cận trong tầm nhìn, tính vị kỷ và lòng tham của những người vạch chính sách thúc đẩy toàn cầu hóa ở một số tổ chức quốc tế và chính phủ ở một số quốc gia giàu có.
Stiglitz cho rằng mấu chốt của vấn đề là làm sao các nước nghèo kiểm soát được trình tự và nhịp độ cải cách theo hướng thị trường - tự do hóa và mở cửa - hội nhập. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp vì nhiều lý do: thiếu kinh nghiệm, ít tri thức, không đủ nguồn lực - nhiệm vụ đó trở nên bất khả thi đối với chính phủ các nước đi sau. Khi đó, sự "hỗ trợ toàn cầu hóa" kèm theo hàng loạt điều kiện ràng buộc nghiệt ngã, gây áp lực quá mức, và quan trọng hơn những điều kiện sai lầm từ phía các vị "mạnh thường quân quốc tế" (Stiglitz chỉ đích danh Quĩ Tiền tệ quốc tế và Chính phủ Mỹ là hai nhân vật chủ chốt) đã đẩy các nước này nhẹ thì vào cảnh nợ nần, tiếp tục chậm tiến; nặng thì đi vào suy thoái, gia tăng đói nghèo; nghiêm trọng thì lâm vào khủng hoảng.
Những nhận định này được rút ra từ việc phân tích - so sánh quá trình thực tiễn diễn ra ở hàng loạt quốc gia thuộc các mẫu đại diện khác nhau - mẫu châu Phi chậm phát triển, mẫu Đông Nam Á và Nam Mỹ khủng hoảng, mẫu chuyển đổi kinh tế ở các nước XHCN trước đây.
Ta có thể đọc thấy trong cuốn sách của Stiglitz nhiều điều rất bổ ích cho VN, nhất là với tư cách là nền kinh tế đang dấn bước mạnh mẽ vào hội nhập quốc tế. Stiglitz đã hai lần đến thăm VN. Ông nói rất yêu VN và muốn đến VN thêm nhiều lần để chia sẻ, để kiểm định những phát hiện về toàn cầu hóa của mình. Cuốn sách Toàn cầu hóa và những mặt trái được dịch ra tiếng Việt. Cuốn sách cũng chính là Stiglitz. Ông lại đến với VN, với trí tuệ lớn và một trái tim nhân hậu. Đến để nhắn gửi: hãy làm toàn cầu hóa mang khuôn mặt con người. (Toàn cầu hóa có khuôn mặt con người là tên của phần tổng quan Báo cáo phát triển con người 1999 của UNDP, đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản năm 2001) |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005