“Thế giới phẳng” và Việt Nam chúng ta

09:01 CH @ Thứ Sáu - 31 Tháng Ba, 2006
“Thế giới phẳng” của Thomas L. Friedman giống cái bánh mỳ nóng mới ra lò, người mua háo hức như đã từng háo hức với “Chiếc xe Lexus và cây ô-liu” cũng của ông ta cách đây dăm năm. “Phẳng” với ý nghĩa quá trình toàn cầu hóa kinh tế kéo theo quá trình toàn cầu hóa mọi mặt đời sống xã hội loài người trên hành tinh này đi vào “luật chơi chung”.

Thế giới ngày càng nhiều chuẩn mực chung và những đòi hỏi chung như một lẽ tất yếu - dù là trong khuôn khổ quan hệ song phương hay trong quan hệ đa phương.

Quá trình này không đòi hỏi, không chào mời ai tham gia cả. Quá trình này chỉ lạnh lùng đặt ra cho mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân con người sự lựa chọn: Tham gia thì lợi và hại như thế này, không tham gia thì lợi và hại như thế kia; sẽ thăng hoa hay sẽ bị đào thải tùy thuộc vào sự lựa chọn. Không ai có thể một mình một chợ, càng không thể “trúc xinh trúc đứng một mình vẫn xinh!”. Đương nhiên trong cái cái chợ chung này lợi thế bao giờ cũng thuộc về giàu có và khôn ngoan.

Có thể ai đó sẽ hỏi: Thế còn đạo đức nằm ở đâu? Xin mọi người tự tìm câu trả lời. Riêng tôi xin thưa cho phần mình: Đạo đức có thể được nuôi dưỡng trong giàu có và khôn ngoan của trí tuệ… và hình như khó bảo vệ được trong cái nghèo và lạc hậu.

Thomas Friedman

Khác chăng so với thời “tròn” - xin tạm gọi như vậy, thời “phẳng” ngày nay giàu có hầu như trước hết phụ thuộc vào tầm nhìn toàn cầu, vào trí tuệ, vào khoa học và công nghệ - nhất là công nghệ thông tin, năng lực quản trị và kinh doanh - kể cả với ý nghĩa khai thác nguồn theo chiều mở (opensourcing), khai thác nguồn theo chiều sâu (insourcing), luôn luôn chủ động tạo ra “cầu” mới, xâu chuỗi “cung”… được T. L. Friedman mô tả khá sinh động khi nói về 10 “lực” làm “phẳng” thế giới.

Đương nhiên, cũng vì “phẳng”, nên cơ may và rủi ro ngày nay đổi chỗ cho nhau nhanh nhạy chẳng kém sự lưu chuyển trên mạng là bao. Tất cả chính là sức ép của thế giới “phẳng”, tuy nó chẳng chào mời ve vãn ai cả. Thế nhưng trong ba thập kỷ vừa qua nó đã gây nên không ít sóng gió trên thế giới, có cả sóng thần (tsunami) nữa. Bước vào thế kỷ 21 sức ép này phức tạp hơn.

“Phẳng” đến mức những khái niệm “địa kinh tế” hay “địa chính trị” vốn chi phối mọi mối quan hệ quốc tế thời chiến tranh lạnh, ngày nay không thích hợp, khó tồn tại nếu không bổ sung thêm nội dung mới, thậm chí trong nhiều trường hợp đã bị thay thế bởi những khái niệm khác trong khung khổ những cam kết mới, những ký kết mới của trật tự thế giới một siêu đa cường - kể cả khung khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) những Hiệp định thương mại song phương (BTA), Hiệp định Thương mại tự do (FTA)…

Một ví dụ: Hai nước đối đầu quyết liệt Việt, Mỹ nay đã bình thường hóa quan hệ với nhau, đang phát triển quan hệ hữu nghi, hợp tác mọi mặt... dù rằng còn nhiều dị biệt hoặc tồn tại do quá khứ để lại. Xin hỏi, khái niệm địa kinh tế hay địa chính trị nào hàm chứa nổi quan hệ Việt - Mỹ thời nay?

“Phẳng” với ý nghĩa mọi “mấp mô” thuộc mọi phạm trù biên giới, lãnh thổ, sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị - xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa, sự khác biệt về tôn giáo, chủng tộc, lịch sử, địa lý... tất cả phải được duy trì, được bảo vệ, được xử lý theo hướng góp thêm vào cho tính “phẳng” của thế giới - quốc gia nào cũng phải ứng xử như thế nếu như không muốn tự cô lập mình.

Trên thế giới từ lâu đã xuất hiện, đang hình thành, đang phát triển nhiều giá trị chung, văn hóa chung - trong thế giới “phẳng” hôm nay càng như vậy. Hòa đồng vào cái “chung” này để đi lên hay biệt lập, cũng chẳng khác sự lựa trọn đi với tương lai hay ở lại sống chung với quá khứ là bao. Có thể bị nuốt chửng, bị “hòa tan” trong cái chung này? - Nếu bản lĩnh chỉ có đến mức vậy thì cũng xứng đáng nhận số phận như vậy, chẳng có sự thỏa hiệp nào cả. Tuy nhiên, theo tôi, cần bổ sung một điều mới cực kỳ quan trọng mà cuốn sách của T. L. Friedman chưa nêu bật lên được: Văn minh nhân loại ngày nay tạo ra những thuận lợi chưa từng có giúp các nước đi sau thu hẹp khoảng cách phát triển, miễn là cả dân tộc của họ có ý chí, miễn là cả dân tộc của họ có tự do dân chủ để thực hiện ý chí ấy.

Đối mặt với thế giới “phẳng”, vào lúc tiến hành chuẩn bị đại hội toàn quốc Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ IX, tôi đã kiến nghị: “Mở rộng không gian kinh tế là đòi hỏi sống còn để xây dựng đất nước ta trong thế giới toàn cầu hóa… Vào thế kỷ 21, không thể mở rộng không gian kinh tế cho đất nước bằng phát triển kinh tế theo chiều rộng, bằng nền kinh tế nguyên liệu, bằng xây dựng nền kinh tế có xu hướng khép kín và mở rộng những bãi rác, bằng những sản phẩm rất ít giá trị gia tăng, bằng nền kinh tế không có khả năng thường xuyên đổi mới cấu trúc, đưa ra sản phẩm mới, để thường xuyên giành lợi thế cạnh tranh, bằng sự bất lực trước mọi cơ hội cũng như thách thức, bằng nền kinh tế không có khả năng tận dụng mọi nguồn lực của thế giới, không có khả năng biến cả thế giới thành thị trường của mình…”* Trước ngưỡng cửa bước vào Đại hội X, tôi xin nhắc lại mong muốn này khẩn thiết hơn nữa.

Thế giới “phẳng” ngày nay cũng có nhiều cái lõm, có cái lõm đầy oan trái, đứng ở đáy của nó ngửa mặt lên mà hôm nay vẫn còn nhìn thấy thời đại mặt trời quay chung quanh quả đất.

Là người lạc quan, tôi tin rằng đầu óc tưởng tượng trên nền tảng của trí tuệ và tự do, người Việt chúng ta sẽ làm nên nhiều kỳ tích trong thế giới “phẳng”.

Hà Nội, 20-03-2006

Nguồn:Tuổi Trẻ
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Toàn cầu hoá: Cuối cùng đó là một trái đất phẳng

    05/02/2006Thomas L. Friedman, “It’s a Flat World, After All”, The New York TimesNăm 1492, Christopher Columbus vượt biển tới Ấn Độ, đi về hướng Tây. Ông trở về quê hương và tuyên bố: “Trái đất tròn”. 512 năm sau, tôi cũng bay tới Ấn Độ bằng máy bay hãng Lufthansa. Tôi đi về hướng đông. Trở về nhà tôi thì thầm với vợ mình: “Trái đất phẳng”...
  • Sống trong thế giới hôm nay

    28/01/2006Nguyên NgọcThomas Friedman, tác giả cuốn sách Chiếc Lexus và cây ô-liu, hiểu ra rằng, khác với thời Christopho Colombo, trái đất ngày nay không còn tròn nữa. Từ tròn chuyển sang phẳng là đặc điểm lớn nhất của thời đại ngày nay, và cái đó người ta gọi là toàn cầu hóa...
  • Tập sống và nghĩ cùng nhịp với thế giới

    27/01/2006Vương Trí NhànSáng tác của Nguyễn Tuân thời tiền chiến thường được xem xét theo một định kiến thiên lệch. Trong khi trình độ nghệ thuật của chúng được đề cao thì nội dung xã hội lại bị lên án. Nhưng đọc lại Nguyễn Tuân, chúng tôi muốn đề xuất một cách đánh giá khác...

Nội dung khác