Hiện tại và 11 “điều răn” cho tương lai
Tên sách:Mindset - Lối tư duy của tương lai
Tác giả: John Naisbitt
Phát hành: Công ty Sách Alpha và NXB Lao động - Xã hội
Năm phát hành: 2009
Số trang: 308
Khổ sách: 14.5X20.5
Trong Mind Set(Lối tư duy của tương lai), Naisbitt không hoàn toàn nhằm mục đích dự báo tương lai mà hé mở cách ông tư duy trên những luồng thông tin liên quan đến hiện tại, để hiểu thế giới hôm nay cũng như dò tìm những khả năng và cơ hội của ngày mai. Ông dựa trên 11 khuôn khổ bản lề -11 lối tư duy - những công cụ giúp ông sàng lọc, đánh giá và phân tích thông tin, sự kiện, tìm ra mối liên hệ giữa chúng cũng như điểm kết nối giữa chúng để ghép nối những mảnh rời, dữ kiện độc lập thành một hay nhiều bức tranh tổng thể. Các lối tư duy này giống như những phần mềm điều khiển cách chúng ta suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá và tổng kết thực tại với tư cách là điểm tham chiếu cho tương lai.
Tiếp đó, trong phần II cuốn sách, Naisbitt đã áp dụng 11 lối tư duy trên vào phân tích đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa. Từ đó, tác giả dựng lên bức tranh tổng quát của tương lai với những xu hướng nổi trội mà ông nhận định sẽ ngự trị thế giới trong những thập kỷ sắp tới một cách toàn diện như: thế thượng phong của văn hóa nhìn, sự suy tàn chung không tránh khỏi của châu Âu, xu hướng chuyển từ quốc gia dân tộc sang các lãnh thổ kinh tế… Những ví dụ minh họa thực tế, hay có thể gọi là những nghiên cứu tác giả đưa ra trong cuốn sách, từ những thành tựu khoa học của Galileo, Darwin, Einstein, những câu chuyện kinh doanh, thể thao, thời trang, mỹ thuật, văn học… trên khắp hành tinh, đến những phân tích về vị thế kinh tế và địa chính trị của Liên minh châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… có tính phổ quát cao và phạm vi ứng dụng linh hoạt.
Với Lối tư duy của tương lai, trong sự uyên bác quen thuộc của mình, Naisbitt thể hiện một cái nhìn vừa tinh thế vừa sắc bén, một khả năng bao quát và tổng hợp số lượng lớn những dữ liệu, sự kiện thuộc mọi lĩnh vực. Đặc biệt, ông mở ra khả năng vượt lên trên những hình ảnh cố định thường được phát đi từ các phương tiện thông tin đại chúng hay hàm chứa trong các khẩu hiệu chính trị. Khả năng này cho phép mỗi người có chính kiến, kết luận và lựa chọn cho riêng mình. Dự đoán tương lai dường như không còn là một môn khoa học mà trở thành một bộ môn nghệ thuật, trong đó tương lai trở thành một đối tượng mà ai cũng có thể tiếp cận: chúng ta có thể tiến hành những thí nghiệm ươm hạt và đánh giá những mầm thay đổi sẽ phát triển và không ngừng lớn mạnh khi vào đúng “thời vụ”.
Thông điệp quan trọng nhất của Naisbitt có lẽ là lời khẳng định rằng toàn thế giới không bao giờ cùng đang biến đổi như một tổng thể, cũng không phải là mọi thứ đang thay đổi. Vì vậy, khi tốc độ, khả năng và sự thích ứng với thay đổi dường như ngày càng trở thành những yếu tố chi phối đời sống, thì sự tập trung, hiệu quả, tư duy logich, và tầm nhìn cũng càng trở nên cần thiết giúp chúng ta không bị cuốn vào cuộc chạy đua theo những xu hướng nhất thời vốn không có điểm dừng. Muốn nhận ra đâu là những đại lộ dẫn thẳng về phía trước và đâu là những ánh đèn hao hao giống tín hiệu về tương lai lập lòe ngẫu nhiên bên đường, chúng ta có thể tự thám hiểm dòng tư duy của chính mình, vượt qua rừng thông tin, qua những dấu hiệu thay đổi bề mặt, vốn chỉ là biểu hiện của những hằng số lớn trong cuộc đời: cuộc sống gia đình, công việc, môi trường sống (xã hội, kinh tế, chính trị, sinh thái…), bằng những lối tư duy khách quan và độc lập. Đó là con đường tất yếu để nắm bắt hiện tại và nắm bắt hiện tại chính là cách chắc chắn nhất để thấu hiểu tương lai.
Mục lục
Phần mở đầu
Lời giới thiệu
Phần I: Lối tư duy
- Nhiều điều thay đổi, nhưng đa phần mọi thứ vẫn giữ nguyên
- Tương lai được gói trong hiện tại
- Tập trung vào kết quả
- Hiểu được sức mạnh của việc tạo ra lối đi riêng
- Nhìn tương lai như một bức tranh xếp hình
- Đừng đi trước đám đông quá xa
- Thay đổi phải gắn liền với lợi ích thực tiễn
- Những điều chúng ta hi vọng xảy ra luôn diễn ra chậm hơn
- Cách khai thác cơ hội, chứ không phải cách giải quyết khó khăn quyết định thành công của bạn
- Đừng cộng nếu chưa trừ
- Yếu tố không thể bỏ qua: Tính sinh thái của công nghệ
Phần II: Bức tranh tương lai
- VĂN HÓA: Thế thượng phong của văn hóa nhìn
- KINH TẾ HỌC: Từ quốc gia dân tộc sang các lãnh thổ kinh tế
- TRUNG QUỐC: Ngoại vi chính là trung tâm
- CHÂU ÂU: Sự suy tàn chung không tránh khỏi
- KỈ NGUYÊN PHÁT TRIỂN CỦA CHÚNG TA: Cội nguồn của đổi mới
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Tóm tắt nội dung 'Triết học Hội Tụ'
06/12/2021TS. Nguyễn Bá TrinhCố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra điều người Nhật vượt trội tất cả các quốc gia châu Á, riêng Singapore mất 10-15 năm mới gần bằng họ
31/12/2018L.TPhật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảNhững quy luật Tâm lý về Sự Tiến Hóa của các Dân tộc
28/05/2017Gustave Le BonDẫn nhập về hạnh phúc
08/06/2016Chế độ dân chủ (Nhà nước và xã hội)
21/05/2009Giải phẫu cái tự ngã: cá nhân chọi với xã hội
16/05/2009Takeo DoiDầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực
03/05/2009Một năm hội nghị Diên Hồng Hungary
20/04/2009Biên soạn: TS. Nguyễn Quang ANhững âm mưu từ đảo Jekyll
18/04/2009G. Edward GriffinSau khi chết, “Chúng ta là ai”?
17/04/2009Nhà văn Xuân Cang