Toàn cầu hóa và vấn đề quyền lợi dân tộc
Trong lịch sử phát triển đầy những khúc quanh của nhân loại, chủ nghĩa dân tộc và quyền lợi dân tộc luôn luôn là một trong những vũ khí chính trị hiệu nghiệm cho mục đích tuyên truyền. Điều đó được giải thích không chỉ bởi tầm quan trọng, mà cả tính phức tạp của vấn đề. Và trên thực tế, mặc dù chủ nghĩa dân tộc là một khái niệm, nó thường bị lạm dụng hoặc hiểu nhập nhằng. Vì thế, theo tôi, trước hết chúng ta cần phân biệt chủ nghĩa dân tộc chân chính với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.
Mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đều cản trở quá trình toàn cầu hoá. Nhưng vấn đề đáng nói hơn là trong khi những người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi lớn tiếng bảo vệ quyền lợi dân tộc thì những hành vi thiển cận của họ lại dẫn đến những thiệt hại khôn lường cho sự phát triển của chính dân tộc đó.
Các nhà nghiên cứu có thể chỉ ra hàng loạt các nguyên nhân về kinh tế, chính trị khiến nhiều dân tộc hoặc quốc gia suy vong. Nhưng có một nguyên nhân quan trọng và không thể phủ nhận lại thường ít được chú ý đến, đó là các cộng đồng này đã tự giam hãm mình trong không gian chật hẹp, tự đối lập với phần thế giới còn lại vốn có khả năng sinh tồn và phát triển năng động hơn nhiều. Họ dần dần trở thành những dân tộc tự nó và tự mãn. Chính vì vậy họ đã tự tước đi cơ hội được hưởng những thành quả phát triển của toàn nhân loại. Trong trường hợp đó, một dân tộc dù có quá khứ vinh quang cũng không thể không mất dần sức sống. Trường hợp dân tộc Trung Hoa chẳng hạn, là một bằng chứng hùng hồn. Chính sự tự giam hãm là nguồn gốc của thứ bệnh AQ và dẫn một dân tộc từng dẫn đầu nhân loại về trình độ phát triển trong vòng mấy ngàn năm đến chỗ bạc nhược. Trong khi đó, Nhật Bản lại là một ví dụ ngược lại. Từ địa vị một quốc gia nhược tiểu, một nước chư hầu của Trung Quốc, chính nhờ chính sách mở cửa thời Minh Trị mà Nhật Bản đã đuổi kịp phương Tây trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Trong lịch sử Trung Hoa, chưa có kẻ xâm lăng nào làm nhục họ hơn là người Nhật!
Trong giai đoạn ngày nay, bản chất vấn đề vẫn không thay đổi, nhưng tính quyết liệt thì lớn hơn nhiều. Nếu một dân tộc nhạy bén và quyết tâm cao, chấp nhận những thách thức nghiệt ngã để chủ động và khôn khéo hội nhập thì hoàn toàn có thể vươn lên thực hiện những cuộc đổi ngôi trên đường đua toàn cầu. Ngược lại, những dân tộc vẫn khăng khăng giữ tâm lý cát cứ, tự co cụm và khu trú trong không gian chật hẹp của mình, chắc chắn nó sẽ chìm sâu vào vũng bùn suy thoái hay thậm chí có thể bị lịch sử đào thải. Thế kỷ XXI là thế kỷ của hợp tác. Để ngăn ngừa hoặc giải quyết xung đột, thay vì đối đầu, các quốc gia cần phải đối thoại chứ không phải khăng khăng bám giữ lập trường dân tộc hẹp hòi, ích kỷ.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay, con người và các quốc gia tương tác với nhau ở mức độ cao hơn nhiều, sâu sắc hơn nhiều và cũng triệt để hơn nhiều. Vì thế bản thân khái niệm dân tộc cũng cần được đổi mới.
Như trên đã nói, những thành tựu của khoa học kỹ thuật ngày nay giúp cho con người ở bất cứ nơi nào trên thế giới có thể vượt qua sự hạn chế của không gian và thời gian để tương tác với nhau. Các Công ty đa quốc gia có thể dễ dàng xuyên thủng các biên giới để đạt được mục đích của họ và bản thân đường biên giới quốc gia cũng không còn có ý nghĩa tuyệt đối để ngăn chặn những hoạt động ngoại lai từ các cộng đồng khác. Còn hơn thế nữa, không một quốc gia nào, dù là có tiềm lực mạnh nhất, còn có thể hoàn toàn tự quyết định các công việc song phương và đa phương. Trong thời đại ngày nay, các chính sách của mỗi quốc gia không còn có quyền năng tuyệt đối trong nội bộ quốc gia đó, mà phải chịu những tác động mang tính toàn cầu. Vì thế, mọi biểu hiện dân tộc hẹp hòi đã xuất phát từ các nước nghèo hay từ các nước phát triển đều lỗi thời, hoàn toàn không thích hợp với thời đại và khó lòng mang lại kết quả như mong đợi. Một chính phủ thông minh phải thúc đẩy dân tộc mình tham gia một cách chủ động và khôn khéo vào quá trình toàn cầu hoá, thay vì uổng công phản ứng tiêu cực nhằm che chắn cho dân tộc mình thoát khỏi ảnh hưởng của toàn cầu hoá. Một dân tộc khôn ngoan không cưỡng lại toàn cầu hoá, cũng không đối đầu hoặc chống lại bất kỳ một dân tộc nào khác. Dân tộc đó phải chủ động tham gia toàn cầu hoá, biết cách hợp tác hiệu quả nhất với mọi dân tộc khác nhau trên thế giới.
Vấn đề đặt ra là đâu là chìa khoá mở cánh cửa dẫn đến sự hợp tác thành công giữa các dân tộc?
Để giải quyết vấn đề toàn cầu hoá và quyền lợi dân tộc, chúng ta buộc phải nhìn nhận quá trình toàn cầu hoá theo một quan điểm hoàn toàn mới, một quan điểm phải bao quát hơn song cũng tinh tế hơn so với quan điểm kinh tế thuần tuý. Tôi cho rằng quá trình toàn cầu hoá có thể diễn ra dễ dàng thuận lý và hiệu quả hơn nếu như song song với toàn cầu hoá kinh tế là quá trình toàn cầu hoá về văn hoá, bởi chính sự khác biệt về văn hoá đã hạn chế rất nhiều khả năng hợp tác giữa các dân tộc. Nhân loại ngày nay cần thức tỉnh để nhận ra rằng chúng ta đang gắn bó và phụ thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết. Những dị biệt về văn hoá nhiều khi là tiền đề dẫn đến sự kỳ thị giữa các cộng đồng, gây chia rẽ và cản trở nhân loại phát triển. Con người cần phải và có thể xích lại gần nhau để cùng mưu cầu hạnh phúc. Một bi kịch và nghịch lý trong quá khứ là để phát triển các dân tộc thường có chính sách đối đầu với nhau, nhưng rồi chính sách đối đầu lại dẫn đến những xung đột thảm khốc và mang lại kết quả bi thảm cho cả hai bên.
Toàn cầu hóa về văn hóa là xây dựng những giá trị văn hoá chung của toàn nhân loại, một thứ nền tảng giúp mọi cộng đồng có thể hợp tác với nhau hiệu quả hơn trong việc cùng nhau tìm ra giải pháp cùng tồn tại và phát triển. Đến đây chúng ta thục sự đã có một quan điểm mới đầy đủ hơn: Toàn cầu hoá là quá trình các dân tộc rũ bỏ các định kiến để hợp tác cùng phát triển kinh tế và văn hoá trong không gian toàn cầu.
Tóm lại, các dân tộc đang xích lại gần nhau trong quá trình hội nhập, mọi kỳ vọng dựa vào quyền dân tộc hẹp hòi chỉ là sự đi ngược lại quy luật phát triển và tất yếu phải trả giá. Toàn cầu hoá mang lại lợi ích phát triển cho mọi dân tộc nhưng để toàn cầu hoá thành công về mặt kinh tế, nghĩa là mang lại sự phồn vinh cho mọi cộng đồng, tất yếu phải đẩy mạnh toàn cầu hoá về mặt văn hoá. Mọi dân tộc đều có cơ hội chiến thắng trên đường đua toàn cầu hoá nếu dân tộc đó biết xây dựng văn hoá của mình theo những tiêu chuẩn văn hoá toàn cầu.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn