Giao lưu văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa
Giao lưu văn hóa (GLVH) là một quy luật của thời đại, là hiện tượng phổ biến của xã hội loài người. Nhờ GLVH đúng hướng mà các nước chậm phát triển có cơ hội trở thành nước phát triển. Trong mọi hoạt động văn hóa Ðảng và Nhà nước ta bao giờ cũng nêu cao định đề biện chứng : kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Những nguyên lý và nội dung của GLVH
1 - Trong quá trình giao lưu văn hóa với các nước phát triển, chúng ta đã tiếp thu nhiều tác phẩm tiêu biểu và nhiều kinh nghiệm sáng tạo.
Các tác phẩm nghệ thuật nước ngoài, nhất là các tác phẩm cổ điển là những "sứ giả" có công nhất trong việc truyền bá văn hóa nước ngoài đến với trong nước. Chúng mang những giá trị nhân văn cao đẹp, mẫu mực về ngôn ngữ, cách tân về thi pháp miêu tả. Trong quá trình tiếp thu cái bên ngoài cần đề phòng tâm lý sính ngoại, phục ngoại vô cớ; mặt khác, cũng tránh tâm lý khép kín, coi thường những giá trị các dân tộc. Thái độ đúng đắn nhất để ứng xử mối quan hệ giữa cái bên ngoài và cái bên trong là: Càng đi sâu vào dân tộc sâu sắc bao nhiêu, thì càng nhanh chóng hiểu biết, dễ tiếp nhận cái hay, cái đẹp của thế giới bấy nhiêu. Thật đúng chỗ khi dẫn ra đây những kiến giải của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình". "Mỗi một dân tộc cần phải chăm lo đặc tính dân tộc trong nghệ thuật". "Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông" (1). Chính Người là hiện thân rực rỡ, biểu tượng mẫu mực của sự GLVH. Người thông thạo nhiều ngoại ngữ các nước châu Âu, hiểu biết Bắc sử và chữ Hán, am tường nhiều trào lưu nghệ thuật, tiếp xúc với nhiều bậc thầy văn hóa thế giới, v.v.
2- Giới thiệu lịch sử, đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với thế giới.
Chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự cường dân tộc là tài sản vô giá của truyền thống văn hóa Việt Nam. Yêu nước là giữ nước và giữ dân, coi dân là gốc. Nói dân ta có sức sống trường tồn, không bị đồng hóa trước âm mưu thôn tính của kẻ thù, đứng lên chống ngoại xâm là nói sức mạnh của dân, trách nhiệm của dân và lợi ích của dân. Thời nào cũng vậy, lúc bình cũng như lúc biến các bậc minh quân đều lấy dân làm gốc, lấy nhân nghĩa làm đức, lấy hòa hiếu để ứng xử bang giao; đối nội thì thuận lòng người, đối ngoại thì mềm dẻo, linh hoạt. Ðó là sách lược của kẻ thắng. Truyền thống hòa hiếu là cơ sở cho chính sách ngoại giao đa phương, cơ hội để hội nhập với thế giới trong thời đại Hồ Chí Minh.
Suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã có một nền văn hóa rực rỡ, mà đỉnh cao trí tuệ lấp lánh, phải kể đến trước tiên là Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh. Do khuôn khổ hạn hẹp của những trang viết, chúng tôi xin luận giải hai hiện tượng văn hóa lỗi lạc: Nguyễn Trãi, Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới ghi đậm dấu ấn lịch sử về văn hóa hòa hiếu, một giá trị nhân văn bền vững. Mục đích cao nhất của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh là cốt để mở nền "thái bình muôn thuở".
Câu chuyện của vợ chồng nhà học thuật, nhà báo I-rê-nê Pha-be, người Ðức (đã dịch Truyện Kiều ra tiếng Ðức) có lần thưa với Bác Hồ rằng, trong thời đại Nguyễn Trãi sống, sáng tác, hoạt động, ở châu Âu chưa có một tác giả nào lớn (2). Nhận định này đòi hỏi sự nghiên cứu so sánh Nguyễn Trãi với các tác giả thời đại Phục hưng, thế kỷ ánh sáng và các thế kỷ tiếp theo ở châu Âu. Còn Quang Trung với chính sách mở cửa và cải cách của vị minh quân : tầm nhìn kinh tế xa rộng phù hợp với nền kinh tế hàng hóa, mở cửa biên giới với nhà Thanh, tăng cường quan hệ buôn bán với các thuyền buôn phương Tây, việc sử dụng chữ Nôm làm quốc ngữ chính thống thay chữ Hán, chính sách chiêu tập hiền nhân có hệ thống, v.v... làm chúng ta liên tưởng tới một vị vua anh minh nước Nga Pi-e đại đế (1687 - 1785) với nhiều cải cách táo bạo để nước Nga nhìn sang châu Âu bằng "khung cửa sổ phía tây".
3- Ngăn ngừa và đấu tranh chống sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại.
Sớm nhận thấy nguy cơ của mọi loại văn hóa phản động và suy đồi, ngay từ năm 1951, trong tác phẩm Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc". Ngày nay mục tiêu chính của chủ nghĩa đế quốc văn hóa là làm suy yếu tiềm năng và nội lực của văn hóa dân tộc. Những yếu tố độc hại, suy đồi của văn hóa đế quốc đang như những đợt sóng ngầm va đập âm ỉ vào bến bờ của nhiều nước đang phát triển. Nó có những đặc điểm sau: Truyền bá phương châm tiêu dùng, lối sống thực dụng, trước hết là lớp trẻ; dùng các hình thức quảng cáo từ thiện, du lịch, tôn giáo để đạt mục đích chính trị; tuyên truyền sùng bái văn hóa phương Tây, trước hết là văn hóa Mỹ, coi đó là mô hình chuẩn; tổ chức và bảo trợ cho một số trí thức, văn nghệ sĩ nhẹ dạ, cả tin biến họ thành "cái loa" của các thế lực thù địch. Những chiến dịch ồn ào về đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, "chuyển lửa về quê hương" đã được thay thế bằng bàn tay bọc nhung nắm lấy một số hoạt động từ thiện, du lịch giả hiệu, giương cao những tuyên ngôn, tuyên cáo về nhân quyền, tự do, dân chủ với mục đích đen tối.
Ðối thoại giữa các nền văn hóa
Giao lưu văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế có tác động to lớn tới sự nghiệp CNH, HÐH:
- Nếu CNH là quá trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, thì HÐH là chặng đường xây dựng kiến trúc thượng tầng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. HÐH trong văn hóa chỉ có thể đi vào đời sống, khi trình độ dân trí được nâng cao. Nhiều dự báo cho rằng, trong thế kỷ mới, trí thông minh, sức tưởng tượng và trực giác của con người sẽ tiếp tục quan trọng hơn máy móc.
- HÐH không đồng nhất với phương Tây hóa. Những công nghệ mới, những dòng thông tin tự do, internet là con dao hai lưỡi. Chúng có thể mang lại cơ hội mới, nhưng tác hại của chúng cũng không ít và khôn lường. Trước, sau vẫn là sự điều chỉnh quá trình biện chứng giữa việc giữ gìn văn hóa dân tộc và tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại để làm dày thêm các lớp văn hóa nhân bản, xóa bỏ dần lớp văn hóa phi nhân tính.
- HÐH trong văn hóa (ngoài những nội dung như đổi mới khoa học công nghệ trong các lĩnh vực), cần coi trọng hàng đầu những quy luật đặc thù sau: Một là, xây dựng con người Việt Nam là con người phát triển cao về trí tuệ, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, cường tráng về thể chất. Con người không phải là phương tiện của quá trình CNH, HÐH mà là trung tâm, là động lực và mục tiêu của phát triển. Hai là, xây dựng môi sinh văn hóa tức là "thiên nhiên thứ hai" do con người xây dựng trong quá trình CNH, HÐH và đô thị hóa. Ba là, điều kiện văn hóa tức là chính sách, thể chế, hành lang pháp lý cần và đủ cho hoạt động văn hóa và xã hội hóa văn hóa. Bốn là, quản lý văn hóa, tức là quản lý tri thức. Trong quản lý xã hội thì quản lý những cái vô hình (tâm trạng, tâm lý, tình cảm, nguyện vọng của quần chúng) là khó nhất; trong quản lý con người thì khó nhất là biết "đo lòng người". Vào thời đại "thế giới phẳng" người quản lý tài năng không phải là người giỏi nhất mà là người biết thu gom những tri thức, quy tụ được những người tài. Tất cả những nội dung trên được triển khai một phần những luận điểm của Ðảng ta về GLVH được ghi trong văn kiện Ðại hội X (2006).
GLVH là sự đối thoại giữa các nền văn hóa nhiều khi đóng vai trò quan trọng, thậm chí quyết định những cuộc đàm phán về biên giới, lãnh thổ, xung đột sắc tộc. Quá trình GLVH cần tính đến giá trị chung, giá trị nhân loại, đồng thời thừa nhận cái khác biệt của người, để các dân tộc khác thừa nhận cái khác biệt của ta. Vấn đề còn lại là bản sắc, bản lĩnh, đạo lý dân tộc. Câu sau này của Thomas L.Friedman viết trong cuốn Chiếc Lexus và cây ô liu có thể chiêm nghiệm được: "Một đất nước không có rặng cây ô liu khỏe khoắn (biểu trưng gốc rễ dân tộc) sẽ không bao giờ có được cảm giác nguồn gốc được duy trì hay an tâm để hội nhập với thế giới. Nhưng một đất nước chỉ có rặng cây ô liu không thôi, chỉ lo cội rễ mà không có xe Lexus (biểu trưng tính hiện đại) thì sẽ không bao giờ tiến xa được. Giữ cân bằng hai yếu tố trên là cuộc vật lộn triền miên".
(1) Hồ Chí Minh - Tuyển tập văn học, tập 2, NXB Văn học, 1995, các trang 438, 374, 421.
(2) Bác Hồ với văn nghệ sĩ, NXB Văn học, 1995, tr.421
Nguồn:Nhân dân
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường