Toàn cầu hóa về văn hóa
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam người ta nói nhiều đến toàn cầu hóa nhưng chủ yếu là nói về khía cạnh kinh tế. Nói như thế là phiến diện, mặc dù nó có lý do lịch sử. Trong thế kỷ vừa rồi, sau khi một loạt quốc gia được giải phóng khỏi ách thuộc địa, nhiệm vụ quan trọng nhất đặt ra đối họ là phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân. Dĩ nhiên, khi thế giới chuyển từ "quốc tế hóa" sang "toàn cầu hóa", thuật ngữ "toàn cầu hóa kinh tế" được nhắc đến như là một xu thế tất yếu và trào lưu này đã và vẫn đang trở thành đề tài sôi nổi và nóng bỏng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, càng ngày con người càng nhận ra một trào lưu toàn cầu hóa khác, thậm chí còn quyết liệt hơn, sâu sắc hơn, đó là toàn cầu hóa về văn hóa.
Cũng giống như toàn cầu hóa nói chung, toàn cầu hóa về văn hóa có từ rất lâu và là kết quả của sự tương tác giữa các cộng đồng. Nó diễn ra song song với toàn cầu hóa về kinh tế.
Chúng ta đều biết rằng nhu cầu trao đổi và buôn bán là nhu cầu tự nhiên của cuộc sống. Toàn cầu hóa về kinh tế là quá trình bắt đầu từ xu thế tự nhiên như vậy của đời sống kinh tế. Người ta mang hàng hóa từ làng này bán sang làng khác để trao đổi buôn bán và chính trong quá trình ấy người ta đã thực hiện cái gọi là phi địa phương hóa quá trình kinh tế, tức là người ta đang thực hiện giai đoạn làm tiền đề cho toàn cầu hóa về kinh tế. Trong các quá trình trao đổi hàng hóa như vậy, người ta thấy rằng hàng hóa của làng này bán cho làng khác phải thỏa mãn những nhu cầu hay những đòi hỏi về chất lượng văn hóa của làng khác. Suy rộng ra, hàng hóa của nước này bán sang nước khác phải chứa đựng những đòi hỏi về chất lượng văn hóa của nước khác. Lon Coca- Cola bán ở Việt Nam vào dịp tết có in hình một cành đào hay một con rồng chính là một trong những dấu hiệu của sự chấp nhận những đòi hỏi văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam về hàng hóa. Như vậy, quá trình toàn cầu hóa về văn hóa là một quá trình tất yếu. Giao lưu kinh tế là tiền đề của giao lưu văn hóa, còn giao lưu văn hóa thúc đẩy nhận thức cả về sự khác biệt lẫn sự tương đồng về văn hóa. Ngày nay, khi người ta ý thức được rằng văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, chúng ta có thể khẳng định rằng toàn cầu hóa về văn hóa là quá trình tất yếu, diễn ra song song với toàn cầu hóa về kinh tế ở giai đoạn đầu và vượt trước nó ở giai đoạn phát triển sau này.
1. Toàn cầu hóa về văn hóa trong bối cảnh hiện nay
1.1. Toàn cầu hóa về văn hóa xưa và nay
Phải khẳng định rằng toàn cầu hóa nói chung và toàn cầu hóa về văn hóa nói riêng trong bối cảnh hiện nay đã khác xa so với trước kia cả về nội dung, ý nghĩa, quy mô và tốc độ. Thật ra, nói một cách chính xác, toàn cầu hóa trước kia chỉ là khu vực hóa. Sự giao lưu có tính chất khu vực được quy định bởi sự hạn chế của các phương tiện, của giao thông lúc bấy giờ và do đó, phạm vi ảnh hưởng của giao lưu văn hóa không có tính chất toàn cầu thực sự. Chỉ đến ngày nay nhờ sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, các phương tiện giao thông và thông tin hiện đại mới cho phép con người vượt qua các giới hạn không gian và thời gian, tạo điều kiện cho giao lưu văn hóa phát triển trên phạm vi toàn thế giới. Loài người hàng ngày được tiếp cận nhiều nguồn thông tin và do đó, có thêm nhiều dịp trao đổi tiếp xúc với nhau, đẩy mạnh sự giao lưu về mọi mặt từ kinh tế mậu dịch, đầu tư, du lịch đến văn hóa nghệ thuật. Làn sóng di dân từ nước này sang nước khác cũng góp phần mở rộng hơn nữa sự giao lưu trực tiếp và mạnh mẽ về cả đời sống vật chất và tinh thần của nhiều dân tộc. Cũng nhờ những thành tựu của khoa học - công nghệ, thế giới hình thành các lực lượng đủ mạnh có quy mô toàn cầu. Đó là các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia, các thể chế quốc tế và đi cùng với nó là các lực lượng phá hoại như khủng bố hay tôn giáo cực đoan...
Các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia ngày nay thậm chí còn có sức mạnh hơn cả những quốc gia trung bình, có khả năng ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế thế giới. Đồng thời, các lực lượng phá hoại xuất hiện và hoạt động trên quy mô toàn cầu, kết quả của những xung đột giữa các dân tộc, các sắc tộc, các tôn giáo, mà nguyên nhân sâu xa là sự xung đột về kinh tế, chính trị được che đậy dưới hình thức của sự xung đột về tôn giáo, cũng phải được nhìn nhận như một mặt khác của toàn cầu hóa về văn hóa. Đây là vấn đề sâu sắc nhất, bức thiết nhất trong xu thế lớn toàn cầu hóa mà chúng ta không thể chỉ xem xét thông qua các lực lượng thị trường.
Nhiều người lo ngại rằng trong thời đại hiện nay, khi toàn cầu hóa về kinh tế đang được tiến hành ngày càng rõ nét, các nền văn hóa do có năng lực khác nhau nên các nước giàu, bằng tiềm lực kinh tế, bằng cơn lũ hàng hóa của mình, có thể sẽ quy định các tiêu chuẩn văn hóa của hàng hóa, áp đặt cho các dân tộc yếu hơn các tiêu chuẩn văn hóa của nó. Theo chúng tôi, mối lo ngại này không có cơ sở. Không một nền văn hóa nào có thể lấn át nền văn hóa nào. Bởi vì con người tiếp nhận các ảnh hưởng của văn hóa một cách tự nhiên, một cách từ từ và nó có quá trình chọn lọc. Hơn nữa, bản lĩnh văn hóa của mỗi quốc gia là kết quả của sự hình thành tự nhiên có chọn lọc qua một quá trình lịch sử đủ dài. Do đó, về bản chất, toàn cầu hóa về văn hóa chỉ góp phần thúc đẩy sự hợp tác và chọn lọc giữa các nền văn hóa chứ không thể gây áp lực hay lấn át bản lĩnh văn hóa của bất cứ nền văn hóa nào.
1.2. Toàn cầu hóa về văn hóa và tính độc lập văn hóa của mỗi quốc gia
Nói đến tính độc lập văn hóa của mỗi quốc gia là muốn nhấn mạnh đến khía cạnh chính trị hay sự trọn vẹn về mặt cấu trúc văn hóa của mỗi quốc gia. Quan niệm này hiện nay đã trở nên lỗi thời do sự mờ dần của khái niệm biên giới quốc gia và sự hình thành hệ giá trị phổ quát của toàn nhân loại. Giao lưu văn hóa vốn từ xa xưa đã là một quy luật phát triển của mọi dân tộc, trong mấy thập kỷ gần đây càng diễn ra trên một quy mô chưa từng có. Trong bối cảnh hiện nay, dân tộc nào đứng ngoài cuộc giao lưu văn hóa và không chủ động trong giao lưu văn hóa thì sẽ khó tránh khỏi suy thoái. Tuy nhiên, nhiều người cùng chia xẻ quan điểm cho rằng giao lưu văn hóa không chỉ tạo điều kiện cho sự hiểu biết và học hỏi lẫn nhau mà còn góp phần làm mất đi những khác biệt về văn hóa và tạo ra những tiêu chuẩn văn hóa chung để nhân loại cùng chung sống hòa bình. Chính sự khác biệt về văn hóa đã hạn chế rất nhiều khả năng hợp tác giữa các dân tộc, do đó, giao lưu văn hóa - một hoạt động tự nhiên của cuộc sống - sẽ đào thải những gì cản trở sự giao lưu và gắn bó giữa các quốc gia về mặt văn hóa. Nhưng giao lưu văn hóa không đồng nghĩa với việc xói mòn tính độc lập văn hóa của mỗi quốc gia. Thế giới luôn luôn tồn tại nhờ sự đa dạng bản sắc của các cộng đồng bên cạnh những giá trị phổ biến. Chừng nào các quốc gia còn tồn tại thì sự độc lập về văn hóa của mỗi quốc gia cũng sẽ vẫn tồn tại. Tính độc lập văn hóa của mỗi dân tộc không chỉ được duy trì bởi ý muốn chính trị của các nhà lãnh đạo mà còn bởi tính địa phương của nó.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ với tính độc lập văn hóa, giao lưu văn hóa đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi dân tộc phải có bản lĩnh, phải biết chủ động tiếp thu những giá trị văn hóa mới, đồng thời loại bỏ những giá trị văn hóa không còn phù hợp, trên cơ sở đó lựa chọn các loại hình văn hóa cho phù hợp. Sự hấp thụ, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các dân tộc, các khu vực, các nền văn hóa đã khiến cho những tinh hoa văn hóa từ các miền khác nhau trên hành tinh được kết tụ lại thành những yếu tố cấu thành nền văn hóa chung của nhân loại. Điều này có nghĩa là nền văn hóa chung sẽ tiếp nhận những nhân tố tết đẹp của mọi nền văn hóa, phản ánh những thành tựu mà loài người đã đạt được từ các lĩnh vực khác nhau. Nền văn hóa chung ấy chỉ có thể phát triển trên cơ sở của sự phát triển ngày một tốt đẹp và phong phú của mỗi nền văn hóa dân tộc.
1.3. Toàn cầu hóa về văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc
Nếu độc lập văn hóa nhấn mạnh đến khía cạnh chính trị của văn hóa thì bản sắc văn hóa nhấn mạnh đến khía cạnh truyền thống của nó. Bản sắc văn hóa là những đặc điểm để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác và nó được hình thành tự nhiên bởi sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau như địa lý, lịch sử và cả những yếu tố ngẫu nhiên. Bản sắc văn hóa dân tộc đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như vật chất của con người. Văn hóa hay là bản sắc chính là dấu hiệu để phân biệt người này với người kia, cộng đồng này với cộng đồng kia, quốc gia này với quốc gia kia và là kết quả của cộng đồng đó hay con người đó tương tác với chính mình và tương tác với các cộng đồng khác Văn hóa thể hiện nhân cách xét về mặt cá nhân và bản sắc dân tộc xét về mặt cộng đồng. Chính bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc làm cho con người khác nhau chứ không làm cho con người đối lập với nhau vì bản thân văn hóa được hình thành nên bởi một cộng đồng chứ không phải một cá nhân. Văn hóa chính là thông điệp chung sống vì vậy nó có giá trị chung sống.
Chúng ta không thể phủ nhận sự bành trướng của văn hóa phương Tây trên thế giới trong vòng hơn một thế kỷ qua cũng như sự tất yếu của giao lưu giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Trong quá trình toàn cầu hóa về văn hóa như hiện nay, không ít người lo ngại về sự mất mát bản sắc dân tộc. Họ lo sợ sự bành trướng và ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Thật ra, đó là những mối lo ngại không có cơ sở vì nếu chúng ta cường điệu nhiệm vụ bảo vệ bản sắc dân tộc một cách chủ quan thì sẽ làm cho chúng ta tự trở thành dị biệt với nhân loại trong khi thế giới đang đi theo xu hướng tất yếu của sự hòa hợp. Sớm hay muộn, các dân tộc cũng hội tụ đến một tiêu chuẩn chung sống giữa con người. Vì thế một bản sắc tết là một bản sắc tự nó phải có khả năng hòa hợp với các bản sắc khác. Trong sự nghiệp phát triển, một chính phủ khôn ngoan phải biết phát huy những thế mạnh của văn hóa dân tộc đồng thời biết học hỏi những cái hay, cái tết của các dân tộc khác để dân tộc mình có thể rương tác với nhiều cộng đồng văn hóa khác. Hội nhập vào thế giới, đó chính là con đường tiến bộ.
2. Toàn cầu hóa về văn hóa và những tác động của nó đến đời sống kinh tế, chính trị
2.1. Về kinh tế
Tác động của toàn cầu hóa về văn hóa đối với các hoạt động kinh tế là rất rõ ràng. Trước hết, trong thời đại hiện nay, sự phân biệt giữa những giá trị kinh tế và giá trị văn hóa ngày càng trở nên mập mờ vì những giá trị này đan xen với nhau làm cho việc phân biệt chúng trở nên khó khăn. Bất kỳ một sản phẩm nào đều chứa trong nó những giá trị kinh tế và cả những giá trị văn hóa. Do đó, chúng ta cần phải ý thức về sự phân biệt mang tính tương đối này. Thứ hai, giao lưu văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, do ở mức độ cao hơn, sâu sắc hơn đã có những tác động mạnh mẽ đến giao lưu về kinh tế, ảnh hưởng đến tất cả các mặt của kinh tế trong đó 3 khía cạnh sau được coi là cơ bản:
(1) Toàn cầu hóa ảnh hưởng đến sản xuất bởi lẽ văn hóa tạo nên một phần giá trị của sản phẩm, trong một số sản phẩm thậm chí là phần lớn nhất;
(2) Toàn cầu hóa về văn hóa ảnh hưởng đến tổ chức lao động và chất lượng lao động.
(3) Toàn cầu hóa về văn hóa quy định những tiêu chuẩn chung trong sản xuất và lưu thông.
Nhận thức được những tác động của toàn cầu hóa về văn hóa đối với kinh tế đòi hỏi những người có trách nhiệm không được phép bỏ qua những giá trị văn hóa trong quá trình tổ chức lao động, sản xuất và lưu thông hàng hóa. Từ lâu, các công ty đa quốc gia được coi là các tác nhân chính của sự trao đổi và hợp tác kinh tế quốc tế thông qua đầu tư, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học và cả giao lưu văn hóa. Chúng ta phải khẳng định rằng, chính giao lưu văn hóa đã thúc đẩy hội nhập kinh tế trên phạm vi toàn thế giới và đến lượt hội nhập kinh tế kẻo con người xích lại gần nhau, trên cơ sở tuân theo những tiêu chuẩn chung được quy định làm nền tảng cấu thành nên những giá trị văn hóa chung của toàn nhân loại.
2.2. Về chính trị
Ảnh hưởng của toàn cầu hóa về văn hóa đến chính trị cũng rất rõ ràng. Toàn cầu hóa về văn hóa đang làm lan truyền trên khắp thế giới những giá trị phổ biến như nhân quyền, dân chủ, tự do, đồng thời làm thay đổi tính chất của các quan hệ xã hội. Trong thế giới hiện nay, dân chủ không chỉ mang tính chính trị xã hội mà còn là điều kiện tiên quyết cho phát triển. Nói cách khác; dân chủ không còn đơn thuần là một quyền chính trị mà đã trở thành quyền phát triển. Khi con người ràng buộc với nhau trên quy mô toàn cầu, việc giải phóng năng lực sáng tạo của mỗi con người là điều kiện cốt yếu để một quốc gia có khả năng cạnh tranh. Khi tất cả các khả năng sáng tạo của mỗi dân tộc được giải phóng thì mỗi dân tộc càng có tiềm lực lớn hơn. Do đó, phổ biến các giá trị dân chủ là xu thế tất yếu và toàn cầu hóa buộc các dân tộc, các tôn giáo khác nhau phải ngồi lại cùng nhau tìm ra các tiêu chuẩn chung sống của toàn nhân loại.
Trong những thập kỷ gần đây, UNESCO và các tổ chức tiến bộ đã cùng đặt lại vấn đề văn hóa và giao lưu văn hóa, khẳng định lại vị trí của văn hóa so với kinh tế và chính trị trong sự phát triển chung của nhân loại và của mỗi dân tộc. Những năm quốc tế khoan dung, về người già, về trẻ em đều phản ánh nguyện vọng chính đáng của nhân loại. Cùng với xu thế tự do thương mại, xu thế toàn cầu hóa về văn hóa đang góp phần làm cho các nước trên thế giới xích lại gần nhau do đó, các nhà chính trị phải chấp nhận những nguyên tắc đối thoại chung trên phạm vi toàn cầu. Đó là những tiêu chuẩn trong sản xuất về sử dụng lao động trẻ em, lao động tù nhân hay những tiêu chuẩn về môi trường - là vấn đề hiện nay đã trở thành vấn đề đạo đức. Như vậy toàn cầu hóa nói chung và toàn cầu hóa về văn hóa nói riêng buộc các quốc gia phải cùng nhau hợp tác, cùng nhau xây dựng một thế giới chung hòa bình và ổn định, trong đó giá trị cá nhân không được phép bỏ qua.
2.3. Toàn cầu hóa về văn hóa và những phản ứng cực đoan
Giao lưu văn hóa bên cạnh những mặt tích cực vẫn chứa đựng nhiều mâu thuẫn về tư tưởng, quan điểm, nội dung... Rõ ràng phản ứng của các quốc gia đối với toàn cầu hóa về văn hóa là không giống nhau. Phải khẳng định rằng người được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình toàn cầu hóa về văn hóa chính là nhân loại Tuy nhiên vẫn có không ít kẻ bị thua thiệt. Đó là những lực lượng kinh tế, tôn giáo khác nhau, với những lý do ích kỷ hay lạc hậu nào đó, muốn duy trì quyền lực và lợi ích của mình bằng phương thức cai trị cũ. Thế giới ngày nay vẫn phải chứng kiến những xung đột sắc tộc, tôn giáo như các cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông, vùng Vịnh, nhiều nước châu á, châu Phi, vùng Ban Căng hay ở Đông Timor... Những phản ứng cực đoan như khủng bố, xung đột sắc tộc hay xung đột về tôn giáo như vậy phản ánh tình trạng lạc hậu, bảo thủ về văn hóa của một bộ phận nhân loại và nó tác động trở lại kinh tế và chính trị. Điều đó thực ra cũng là tất yếu. Khi các nền văn hóa xâm nhập lẫn nhau, những giá trị phổ biến xâm nhập vào những giá trị cá biệt, những vùng cá biệt sẽ gây ra những phản ứng trong đó có những phản ứng cực đoan. Do các đặc thù chính trị, đặc thù địa lý mà những phản ứng luôn luôn khác nhau và nếu thái quá thì trở thành những phản ứng cực đoan. Nhưng cho dù có những phản ứng cực đoan ấy thì nhân loại vẫn không lùi bước trên xu thế toàn cầu hóa về văn hóa. Những phản ứng cực đoan ấy dần dần sẽ phải mất đi cùng với những lợi ích mà họ nhận, trong quá trình nghiên cứu, trong quá trình hưởng thụ những thành quả văn hóa chung của nhân loại. Hiểu rằng những phản ứng cực đoan là tất yếu, nhân loại tiến bộ phải cảnh giác và hợp tác tìm ra các giải pháp cùng chống lại những biểu hiện tiêu cực như vậy. Giải pháp đó chính là nâng cao dân trí, xây dựng xã hội văn minh, nhà nước pháp quyền, xây dựng cơ chế kiểm soát toàn cầu mang tính dân chủ, bình đẳng, hỗ trợ cùng nhau phát triển kinh tế, giảm mâu thuẫn giữa các dân tộc, các khu vực...
3. Kết luận
Cần phải khẳng định rằng, quá trình toàn cầu hóa về mặt văn hóa là một quá trình tự nhiên, nó không phụ thuộc vào bất cứ ai cũng như không chịu sự kiểm soát của bất cứ lực lượng nào. Toàn cầu hóa về văn hóa sẽ làm lan tỏa toàn cầu những thước đo mới, những tiêu chuẩn mới trong cuộc sống của nhân loại và do đó, nó không tương thích với một vài cách quản lý cũ, một vài cách cai trị cũ hoặc cách kinh doanh cũ. Chúng ta không thể đứng ngoài xu thế chung này, nhưng chúng ta có thể lựa chọn một chính sách khôn ngoan, làm sao để chúng ta ít bị thua thiệt và chúng ta có thể tận dụng tối đa những cơ hội từ quá trình này. Chúng ta cần phải biết chủ động hướng các chính sách của mình sao cho phù hợp với xu thế toàn cầu hóa về văn hóa, và biện pháp cấp bách nhất, đồng thời cũng là tốt nhất cho tất cả các dân tộc là dân chủ hóa xã hội và cùng nhau xây dựng một hệ tiêu chuẩn văn hóa - chính trị chung toàn cầu, để vừa cạnh tranh vừa hợp tác hòa bình vì một thế giới ngày càng ổn định hơn trong tương lai.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn