Thế giới phẳng hay không?
Tuy nhiên, giới học giả nghiên cứu và giới phê bình, điểm sách lại không ngớt chê bai đủ điều về cuốn sách này. Vì sao có chuyện lạ thế?
“Thế giới phẳng” là một ẩn dụ hàm chứa cả cơ hội lẫn lo âu do toàn cầu hóa đưa lại. Ông tóm gọn lịch sử thế giới vào ba giai đoạn: toàn cầu hóa 1.0 là từ năm 1492-1800 với động lực chính là cơ bắp và khái niệm quốc gia; toàn cầu hóa 2.0 từ 1800-2000 với những công ty đa quốc gia, nổi lên nhờ chi phí vận chuyển và sau đó là chi phí viễn thông càng giảm.
Cuốn sách nói về thế kỷ 21, một dạng toàn cầu hóa 3.0, với một mô hình xã hội, chính trị, kinh doanh hoàn toàn mới, nơi thế giới trở thành một vật thể nhỏ bé, mọi vật kết nối chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn, phong trào chuyển công việc “hậu cần” (outsourcing) ra nước khác làm cho rẻ hơn như thuê dân Ấn Độ điền tờ khai thuế cho dân Mỹ đang biến đổi cả Ấn Độ và người lao động ở các nước thứ ba.
Thay vì viết một cách hàn lâm khô khan và khó hiểu, Friedman dùng toàn những chuyện mình từng chứng kiến, trích lời nhiều nhân vật nổi tiếng mình từng phỏng vấn để kiến giải những vấn đề mang tính sống còn của cả thế giới. Ông say sưa với những “chặng đường giác ngộ” của bản thân rồi dẫn dắt người đọc đi theo ông để nhìn thế giới với nhãn quan mới.
Từ “lý thuyết McDonald ngăn ngừa xung đột” trong cuốn Chiếc Lexus và cây ôliu, Friedman khai sinh thêm “lý thuyết Dell ngăn ngừa xung đột” trong cuốn này và cho rằng hai nước cùng thuộc một chuỗi cung ứng toàn cầu lớn như cho Hãng máy tính Dell sẽ không bao giờ đánh nhau. Lối nói khá hàm hồ này của Friedman lại gây ấn tượng với nhiều độc giả.
Tuy thế, một số nhà phê bình đưa ra những nhận xét khá xác đáng khi chê Friedman. Thế mạnh của một nhà báo cũng là điểm yếu của Friedman khi kể lể hết chuyện này đến chuyện khác như một trường thiên phóng sự, còn lập thuyết thì chẳng bao nhiêu. Nếu viết gọn lại, chỉ nói vào điểm chính, Thế giới là phẳng ắt chỉ còn vài chục trang. Ông cũng đã đơn giản hóa mọi việc đến độ cực đoan, vì dựa vào khuôn mẫu định kiến, bỏ qua sự khác biệt văn hóa và tính phức tạp của tôn giáo, nhất là thế giới Hồi giáo.
Ví dụ, khi giả định thế giới biến thành một khu phố, thì trong mắt Friedman, “Tây Âu sẽ là một trại dưỡng lão... Châu Mỹ Latin sẽ trở thành khu phố vui nhộn, nơi ngày làm việc mãi đến 10 giờ tối mới bắt đầu... Phố Ả Rập sẽ là con hẻm tối tăm ít người bên ngoài dám dấn thân vào... Châu Phi là phần của thành phố nơi buôn bán bị phong tỏa, tuổi thọ giảm sút, những tòa nhà mới duy nhất là các phòng khám bệnh”.
Có lẽ thế giới của Friedman chỉ giới hạn trong các sân gold, nhà hàng năm sao, xe Limousine; nhãn quan của Friedman trùng hợp với giới nhiều tiền và quyền lực ông quen phỏng vấn. Tờ San Francisco Chronicle viết: “Xét cho cùng, tác phẩm của Friedman không gì hơn là quảng cáo. Mục tiêu không phải là bán các sản phẩm công nghệ tân kỳ miêu tả hết trang này đến trang khác, mà là bán một lối sống - một nhãn quan thế giới vinh danh tư bản và tiêu dùng như là con đường duy nhất để tiến bộ”.
Người Việt thường nói “Trái đất tròn, có ngày sẽ gặp lại”. Chuyện thế giới phẳng hay tròn chỉ là chuyện chữ nghĩa; cái quan trọng là trong thế giới phẳng như miêu tả của Friedman, con người không xích lại gần nhau hơn, họ có thể nhìn thấy nhau nhưng khó lòng giang tay ra nắm thành một vòng tròn như trong thế giới “không phẳng”.
Hình ảnh 245.000 người Ấn Độ đang dùng điện thoại để trả lời khách hàng khắp thế giới, đòi hóa đơn chậm trả hay chào bán điện thoại di động tới những khách hàng ở cách họ ngàn dặm thật đúng quang cảnh của một thế giới người máy trong truyện khoa học viễn tưởng.
Và mô hình “chuỗi cung ứng” của Friedman như kiểu Wal-Mart, nơi “một máy tính theo dõi mỗi nhân viên kéo được bao nhiêu thùng mỗi giờ để xếp lên các xe tải cho các siêu thị khác nhau, và một giọng nói máy tính bảo mỗi người trong số họ liệu họ đạt hay chưa đạt kế hoạch” thật kinh khủng như cảnh địa ngục, nơi con người bị cướp mất linh hồn.
Có thể thế giới là phẳng về mặt kinh tế, nhưng nó vẫn còn chưa phẳng về mặt chính trị, văn hóa, tôn giáo và muôn đời sau vẫn thế.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt