Về thị trường chứng khoán
Hỏi: Chúng tôi biết rằng, ngay ở thời điểm thị trường chứng khoán nóng bỏng nhất, ông đã tiên đoán chỉ một thời gian nữa chỉ số chứng khoán sẽ giảm xuống còn một nửa. Bây giờ thị trường diễn biến đúng như thế. Những biến động không còn là của riêng thị trường chứng khoán mà nó đã lan sang lĩnh vực tài chính và rất nhiều vấn đề vĩ mô khác. Vì thế, chúng ta cần tiếp tục dự báo những căn bệnh nặng hơn có thể xảy ra và tìm những phương thuốc đặc trị cho chúng. Với tư cách một nhà tư vấn đầu tư, ông đánh giá thế nào về thị trường tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?
Trả lời: Thực ra, hiện tượng đang diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam không có gì mới lạ, nó không phải là hệ quả của sự tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế như nhiều người giải thích, mà là kết quả rất "thuần Việt Nam", và nó tất yếu phải xảy ra. Nếu không có sự xì hơi của quả bóng chứng khoán thì quả thật, chúng ta vẫn sống trong thời đại được xem là còn những câu chuyện thần kỳ. Tại sao tôi lại nói như vậy? Các bạn biết là ngay khi thị trường chứng khoán đang lên và trở thành miền đất hứa của rất nhiều người muốn giầu có một cách nhanh chóng bằng sự đầu tư và lao động ít nhất, tôi đã dự báo trước tình trạng như thế này và tôi sẽ đi từng tầng một để phân tích những dự báo ấy.
Trước hết là tầng cơ bản, tầng của những hiện tượng thuần kinh tế, ví dụ như thị trường chứng khoán. Theo định nghĩa cổ điển, thị trường chứng khoán là nơi gặp gỡ của các ý tưởng kinh doanh và vốn. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Straits Times Singapore, tôi đã nói rằng, trên thị trường chứng khoán có rất nhiều thứ nhưng quy ra thì có hai loại hàng hoá chủ yếu. Thứ nhất là loại đã được đầu tư và bây giờ, người ta muốn thu hồi vốn. Thứ hai là bán các ý tưởng kinh doanh mới và gọi vốn đầu tư để triển khai những ý tưởng này. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khi tổ chức thị trường chứng khoán, chúng ta đã không xây dựng một thể chế, một cơ cấu, một lực lượng để kiểm soát chất lượng của hàng hoá giao dịch trên thị trường chứng khoán. Hầu hết, các công ty khi phát hành cổ phiếu không được kiểm toán dựa trên những tiêu chuẩn rành mạch để có thể đánh giá đúng giá trị của họ, các ý tưởng kinh doanh mới cũng không được nghiên cứu và xem xét thận trọng. Bởi vậy, có thể nói, đó là một thị trường hàng hoá rất nhập nhằng về giá trị, nhưng nó vẫn sôi động được là do tâm lý đám đông. Cho nên, khi báo Straits Times Singapore đề nghị tôi có lời khuyên thì tôi từ chối bởi không ai có thể can những kẻ đã uống hết một chai Vodka. Tôi biết chắc chắn là với những loại hàng hoá như thế này thì sớm hay muộn, nó cũng khủng hoảng. Bỏ qua tất cả các chính sách hoặc các tác động sai lầm có thể có của Chính phủ hoặc Ủy ban chứng khoán trong quá trình điều hành, thì với tình trạng xuất hiện của rất nhiều cổ phiếu phi chất lượng, sự thức tỉnh giá trị sẽ đến và chỉ số chứng khoán sẽ rớt. Đấy là chưa kể khi chỉ số chứng khoán lên quá cao, chúng ta đã bàn đến những việc như thu thuế từ lợi nhuận do buôn bán chứng khoán mang lại. Rất nhiều bài bình luận trên các phương tiện thông tin nói rằng sai lầm thuộc về những điều tiết vi mô của các công ty, nhưng tôi cho rằng những sai lầm đó cũng có thể làm giảm cơn sốt của thị trường chứng khoán song nó không có tác động đủ lớn để dẫn đến sụp đổ, mà đây là hiện tượng sụp đổ.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán chính là sự bất cẩn trong quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của một thị trường có chất lượng chuyên nghiệp nhất trong tất cả các khái niệm về thị trường của nền kinh tế hiện đại. Đi tìm những nguyên nhân kỹ thuật khác cũng tốt, nhưng nó không có ích trong việc điều chỉnh lại hoặc để làm hưng phấn lại thị trường ở giai đoạn này, mà tốt cho việc rút kinh nghiệm ở giai đoạn sau, giai đoạn cấu trúc lại thị trường chứng khoán. Sự bất cẩn trong quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của thị trường chứng khoán được thể hiện trong việc kiểm soát chất lượng cổ phiếu phát hành ra thị trường và việc sử dụng các nguồn lợi thu được trong quá trình hoạt động vào các mục đích phát triển kinh doanh. Nói cách khác, thay vì là một cơ cấu gọi vốn phát triển, thị trường chứng khoán trở thành một cơ cấu đầu cơ quẩn trong tầng buôn bán các giấy tờ có giá. Vì không biến thành thị trường gọi vốn phát triển cho nên nó tự khủng hoảng và tự sụp đổ.
Người ta có thể nguỵ biện rằng, trong thị trường New York hay trong các thị trường hiện đại khác, họ vẫn điều chỉnh quá trình hoạt động bằng những cách như vậy. Nhưng người ta quên mất rằng, trước khi có các trạng thái chuyên nghiệp như thế, giai đoạn chuẩn bị cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ sở pháp lý, xây dựng toàn bộ thói quen xã hội cho thị trường và xây dựng một nền văn hoá chứng khoán của họ đã được nghiên cứu rất công phu. Chúng ta đã bỏ qua giai đoạn như vậy để tiếp cận ngay với giai đoạn đầu cơ chứng khoán. Việc chúng ta bịt tất cả các lỗ rò để ngăn thị trường chứng khoán rớt như hiện nay đã làm mất hết tính chất thị trường. Bây giờ, dù giao dịch có lên hay xuống một chút cũng không có ý nghĩa thị trường, hay nói cách khác, thực chất không còn thị trường chứng khoán nữa. Đây là trận thu dọn cuối cùng của một chiến dịch chứng khoán, còn sau này, nó được xây dựng lại, được cải tạo lại, được cơ cấu lại như thế nào để trở thành thị trường chứng khoán lành mạnh thì tuỳ thuộc vào hiểu biết của những người điều hành loại hình kinh doanh này. Tóm lại, sự bất cẩn trong quá trình chuẩn bị những lực lượng cơ bản, những yếu tố cơ bản của khái niệm thị trường chứng khoán là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụp đổ của thị trường này.
Hỏi: Như vậy chúng ta không thể kêu gọi nhà đầu tư phải nâng cao hiểu biết và tự mình bảo vệ mình, mà việc cần làm là phải tạo ra thị trường minh bạch và đấy là trách nhiệm của nhà nước?
Trả lời: Đúng thế, chúng ta không thể đổ lỗi cho nhà đầu tư vì sự không hiểu biết. Tất cả các thị trường chứng khoán đều hình thành và phát triển dựa trên hiệu ứng số đông, không có cái đam mê bản năng ấy thì không có thị trường chứng khoán. Phải thấy trước là các nhà đầu tư bao giờ cũng đầu tư theo bản năng và vì vậy, chính phủ phải chịu trách nhiệm bảo vệ họ bằng cách làm minh bạch quá trình đưa hàng hoá vào thị trường, tức là bảo vệ tính minh bạch của đời sống kinh doanh của các đơn vị đăng ký, bảo vệ tính minh bạch của quá trình sử dụng đồng vốn. Hầu hết các công ty phát hành cổ phiếu luôn luôn nghĩ rằng phát hành ra là phải thu tiền về, nhưng quên mất rằng tất cả các loại cổ phiếu là giấy nợ. Các công ty phát hành cổ phiếu trở thành con nợ của xã hội, nhưng xã hội chúng ta chưa hề phân tích, chính phủ cũng không kết án bất kỳ một con nợ nào mà lại bàn biện pháp để cứu họ trong khi chủ nợ không được tính đến. Chúng ta vẫn cho rằng buôn cổ phiếu là một loại đầu tư, lời ăn, lỗ chịu. Quan niệm ấy hết sức sai lầm, lời ăn lỗ chịu với điều kiện là cổ phiếu ấy phải có giá trị thật và nó dao động trong một cái khuôn khổ phù hợp với các quy luật của nền kinh tế thị trường. Ở đây hàng hoá không lành mạnh, cho nên sự dao động giá cả không nằm trong các khuôn khổ lành mạnh.
Hỏi: Nhưng bây giờ, chính phủ hoãn lại quá trình IPO của các doanh nghiệp lớn mà họ lại là người cung cấp những hàng hoá tốt. Có nhiều ý kiến cho rằng phải đẩy mạnh việc cổ phần hoá hơn nữa để nhà đầu tư có thể lựa chọn được những cổ phiếu tốt với giá hợp lý.
Trả lời: Phải thấy rằng bây giờ dù chúng ta mang một cái túi Louis Vuitton chính hãng vào trong một tiệm bán toàn những túi giả thì giá cũng giống nhau. Chúng ta đã có một cửa hiệu bán toàn hàng giả, đem bày các hàng thật vào đấy là tự tiêu diệt những tài sản cuối cùng của nền kinh tế. Cho nên, để bảo vệ tài sản của đất nước, Chính phủ không bán các hàng thật ngay vào lúc này là đúng. Nói cách khác, trước khi đưa ra những loại hàng hoá có giá trị chiến lược như thế này, cần phải làm trong sạch thị trường hàng hoá. Còn việc đẩy mạnh cổ phần hoá và việc đem bán các cổ phần trên thị trường chứng khoán là hai việc khác nhau. Cổ phần hoá các xí nghiệp là một quá trình song song nhưng khác với quá trình bán các cổ phần của nó trên thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán là một biện pháp để cổ phần hoá chứ không phải là cổ phần hoá.
Hỏi: Phải chăng chính nhà nước cũng có mâu thuẫn khi muốn cổ phần hoá nhưng lại đem bán tài sản ấy với giá cao hơn giá trị thật của nó. Tại sao Chính phủ lại định giá tài sản này 80 nghìn hay 100 nghìn đồng trong khi giá sổ sách của nó chỉ là 10 nghìn đồng?
Trả lời: Một trong những nhược điểm của Chính phủ là lẫn lộn giữa địa vị làm trọng tài của mình với địa vị của nhà phát hành cổ phiếu. Địa vị làm trọng tài cho một thị trường và địa vị của một nhà đầu tư tham gia vào một thị trường là hai địa vị hoàn toàn khác nhau. Cho nên nhà nước mất đi uy tín của trọng tài. Khi trọng tài mất uy tín thì mọi trận đấu chẳng có giá trị gì.
Chúng ta phải nhìn nhận đây là một cuộc khủng hoảng kinh tế chứ không chỉ là vấn đề lạm phát. Nếu vấn đề thuộc về quan hệ tiền - hàng đơn thuần thì nền kinh tế có khủng hoảng nhưng không sụp đổ, hay nói cách khác, có thể sụp đổ một số xí nghiệp chứ không thể sụp đổ một nền kinh tế. Ở thời điểm này, chúng ta đang tiệm cận đến sự sụp đổ của một nền kinh tế. Tất cả các thị trường cơ bản đều đang sụp đổ, tất cả các ngành kinh doanh đều giảm, ví dụ, thị trường bất động sản. Bao giờ cũng thế, khi giá hàng hoá tăng cao đến mức vượt ra khỏi mọi sự tưởng tượng thì lúc ấy, bất kỳ nhà điều hành vĩ mô nào cũng phải để ý. Nhưng dường như những nhà điều hành vĩ mô của chúng ta hoan hỉ cùng với sự tăng giá mà không biết rằng nhà nước phải đứng bên ngoài mọi cơn điên của xã hội. Nếu không có nhà nước trong đó thì tất cả chúng ta đều sướng khi tăng giá và khi chúng ta sụp đổ, chúng ta gửi niềm hy vọng của mình vào sự sáng suốt của Chính phủ. Nhưng nếu Chính phủ cùng sướng ở trong cơn sốt thì trong đống sụp đổ có cả chúng ta lẫn chính phủ, và chúng ta không biết trông đợi vào đâu. Những biểu hiện này hoàn toàn không có gì mới và đều có thể xảy ra. Những sự mất cân đối như vậy được gọi là khủng hoảng kinh tế. Đáng ra, công việc hàng ngày của các cơ quan tham mưu của Chính phủ là phải hình dung và phải chuẩn bị các kịch bản cho những tình huống khác nhau. Tuy sự khủng hoảng này không đủ để làm rối loạn thái độ của những người lãnh đạo ở các cấp cao nhất, nhưng rõ ràng, chúng ta đọc thấy sự rối loạn ấy mặc dù không ai thừa nhận nó. Họ vẫn rất tự tin nhưng sự tự tin không gắn với hiện tượng thực tế sẽ làm mất lòng tin của xã hội. Mà xã hội cần có lòng tin, xã hội mất lòng tin trong một hiện tượng không tổng thể là khủng hoảng kinh tế sẽ dẫn đến sự mất lòng tin rộng hơn. Nếu các nhà lãnh đạo của chúng ta chỉ dừng ở những phương pháp, những chương trình như hiện nay thì chắc chắn, sự mất lòng tin rộng hơn sự mất lòng tin vào các chính sách điều hành kinh tế sẽ xuất hiện.
Hỏi: Hiện nay, nền kinh tế Mỹ cũng như các thị trường tài chính khác đang gặp phải rất nhiều vấn đề. Theo ông, đó có phải là một yếu tố tác động đến cuộc khủng hoảng kinh tế này không?
Trả lời: Các bạn biết rằng khi tất cả chúng ta ra biển, gió thổi vào mọi người như nhau nhưng có người hưởng cái cảm giác mát mẻ, có người thì ốm và có người thì gục ngã. Vậy, sự phản ứng của mỗi người trước gió là khác nhau, tuỳ thuộc vào thái độ, vào năng lực chuẩn bị của mỗi người. Năng lực chịu đựng tất cả các tác động chung như thế của đời sống kinh tế thế giới là năng lực phải có trong quá trình hội nhập. Chúng ta vẫn nói việc hội nhập với thế giới giống như đi ra biển lớn, nhưng mới ra khỏi bờ một quãng, chúng ta đã rối loạn điều hành thì làm thế nào để ra xa hơn được? Tình trạng rối loạn điều hành làm mất đi chỗ dựa tinh thần của cả một xã hội. Đấy cũng là một trong những thất thiệt bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
Câu hỏi của bạn thể hiện tâm lý của phần đông chúng ta là vẫn luôn đi tìm đối tượng chịu trách nhiệm cho những khủng hoảng trong xã hội. Điều đó là đúng. Nhưng một trong những thiếu sót của chúng ta là không xây dựng được quy chế xác định trách nhiệm, và do đó, mọi sự thể nghiệm dẫn đến mất mát đều không quy nổi trách nhiệm. Chúng ta không có những quy chế được chuẩn bị trước để giải quyết tình huống khủng hoảng của một thị trường quan trọng như thị trường chứng khoán. Chúng ta không chuẩn bị sẵn các giải pháp, chúng ta không bảo hộ quyền lợi của một đối tượng nào cụ thể. Chúng ta không hiểu rằng trong một nhà nước xã hội chủ nghĩa, con người có năng lực đề kháng kém nhưng họ chính là nguồn cảm hứng cho sự hình thành và phát triển thị trường chứng khoán. Đã có hàng trăm hiện tượng không lành mạnh như chuyện vợ chồng ly hôn để chia nhau hàng nghìn tỷ giá trị cổ phiếu chiến lược, một vài lãnh đạo công ty và cổ đông chiến lược mua những biệt thự với giá hàng chục tỷ đồng… đầy rẫy trên mặt báo, nhưng dường như các cơ quan thực thi pháp luật không mấy quan tâm. Hiện nay, Bộ Công an có bộ phận nào chuyên trách về vấn đề điều tra, xử lý những sai phạm để bảo vệ tính minh bạch của thị trường chứng khoán không? Cơ quan công tố dựa vào bộ luật nào, công cụ pháp luật nào để có thể khởi tố những hiện tượng tiêu cực trong thị trường chứng khoán? Toà án của chúng ta đã có các chuyên gia để xử những tranh chấp hoặc những sai phạm ấy không? Tất cả các lực lượng xã hội đều không được chuẩn bị để cứu hộ một thị trường cực kỳ quan trọng và hiện đại như thế này trước những trạng thái tiêu cực của nó. Đấy chính là sự bất cẩn trong quá trình chuẩn bị. Nhà nước cũng không có sự chuẩn bị cơ sở hạ tầng xã hội trong việc bảo vệ thị trường cũng như bảo vệ nhà đầu tư, vì thế, đây là một cái chợ cóc không có sự quản lý thị trường. Ví dụ, một công ty đối nhân như công ty Luật của tôi cũng đưa lên sàn hoặc mang một tài sản nào đó ra bán ở thị trường thứ cấp (OTC) thì tôi thấy rất lạ. Tôi có hàng trăm khách hàng, có hàng trăm hợp đồng, nếu tôi thấy mình đã đủ tiền và tôi bán công ty dưới dạng phát hành cổ phiếu, tức là tôi chối bỏ trách nhiệm của cá nhân tôi đối với khách hàng. Sau đó, một người không có hiểu biết gì về công việc của công ty lại mua được cổ phần của tôi và trở thành chủ tịch. Tất cả những loại hình giao dịch như vậy chứa đầy hiểm họa và nhà nước, mà đại diện là Uỷ ban chứng khoán phải thấy trước được điều đó.
Hỏi: Trong những giải pháp vừa rồi, ông rất chú trọng việc bảo vệ các cổ đông, đấy là một ý kiến hay. Vậy trách nhiệm của người phát hành sẽ như thế nào?
Trả lời: Nếu tất cả các cổ phiếu rớt giá một cách thảm hại thì nhà nước phải tổ chức điều tra ngay trách nhiệm của thị trường tới đâu, trách nhiệm của người sản xuất hàng hoá tới đâu. Nếu phát hiện thấy sự giả mạo trong các hàng hoá lưu hành trên thị trường thì đấy là tội hình sự. Nhưng ai chứng minh được tài sản của người ta khi bỏ tiền ra mua cổ phiếu vẫn còn nguyên? Ví dụ, tôi gọi được 1 tỷ tiền vốn, tôi đầu tư vào một quán café, khi cổ phiếu rớt giá nhưng với tư cách là người phát hành cổ phiếu thì tôi vẫn còn tài sản là cái quán café kia. Liệu tôi có chứng minh được với Ủy ban chứng khoán, với toà án là tài sản của tôi không giảm đi không? Hiện nay, tôi chưa thấy có bất kỳ một dư luận gì về việc các nhà phát hành cổ phiếu phải chịu trách nhiệm như thế nào trước sự khủng hoảng của thị trường chứng khoán. Làm mất mát tài sản của xã hội, đấy là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, tất nhiên, để quy thành tội trong hệ thống luật pháp thì bộ phận kỹ thuật pháp lý còn phải nghiên cứu sâu sắc hơn, chi tiết hơn nữa. Nhưng ở đây, tôi không thấy có sự điều tra nào, không có sự khởi tố nào. Chúng ta không làm được việc ấy vì chúng ta không chuẩn bị, từ Bộ Công an, Cơ quan điều tra, Cơ quan khởi tố cho đến Cơ quan tư pháp, Toà án, Viện kiểm sát đều không được chuẩn bị, đều không có bộ phận chuyên trách về vấn đề này. Bất kỳ thị trường nào cũng phải chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật liên quan đến cả hoạt động bình thường và hoạt động khủng hoảng, liên quan đến cả hoạt động đúng đắn và hoạt động sai phạm. Chúng ta không có sự điều chỉnh ấy tức là chúng ta không có thị trường minh bạch.
Hỏi: Chúng ta đang hội nhập quốc tế và để có một nền kinh tế phát triển hơn, chúng ta phải có một thị trường chứng khoán phát triển. Xin ông cho biết, trong giai đoạn này, điểm bắt đầu lại sẽ như thế nào?
Trả lời: Tôi không đồng ý với bạn về việc chúng ta hội nhập thì chúng ta phải có thị trường chứng khoán. Việc phát triển một nền kinh tế khác với việc có một nền kinh tế hiện đại. Phải nói rằng, trong giai đoạn này, chúng ta chưa đủ năng lực để xây dựng được một thị trường chuyên nghiệp như thị trường chứng khoán. Xã hội chúng ta chưa đủ năng lực, nhà nước của chúng ta chưa đủ năng lực, các chủ doanh nghiệp của chúng ta chưa đủ năng lực, kể cả năng lực trí tuệ lẫn năng lực đạo đức. Tôi đã có lần nói rằng, tôi sợ thị trường chứng khoán này sẽ tiêu diệt thành quả của 20 năm xoá đói giảm nghèo, một trong những thành tích quan trọng nhất của chính phủ chúng ta mà thế giới đã công nhận. Những nhà nước được xây dựng trên nguyên lý của chủ nghĩa xã hội có một ưu điểm không thể phủ nhận được là có thành tích trong xoá đói giảm nghèo, bởi nó được lãnh đạo bởi một đảng bênh vực quyền lợi của số đông. Nhưng thị trường chứng khoán này là một bằng chứng làm ngược lại giá trị truyền thống của những nhà nước ấy.
Bằng chứng thứ hai là lạm phát, tăng giá. Cái gọi là lạm phát của chúng ta bắt đầu từ quyền tăng giá các sản phẩm. Chúng ta có một xã hội mà năng lực tài chính của nó rất hữu hạn, chúng ta kích động xã hội bỏ tiền vào một khu vực này thì những khu vực khác sẽ khan hiếm tiền, những khu vực khan hiếm tiền sẽ giảm nhịp điệu sản xuất, tức là giảm khả năng cung, và khi đó thì tăng giá là tất yếu. Tôi cho rằng, toàn bộ sự tăng giá hiện nay là hệ quả của sức nóng từ thị trường chứng khoán, bởi vì khi tâm lý con người dồn vào những chuyến buôn bán ăn ngay thì khu vực sản xuất bị lãng quên về mặt tâm lý, khu vực sản xuất bị lãng quên về mặt tâm lý thì trì trệ, dẫn đến thiếu hàng hoá, thiếu hàng hoá thì giá tăng. Hơn nữa, sự tăng giá của chúng ta còn bị kích động bởi sự tăng giá toàn cầu. Trong một xã hội hoàn toàn mở thì sự lưu chuyển tiền vốn tuân theo các quy luật thông nhau, nhưng trong một xã hội vẫn còn khép kín, chúng ta tiêu tiền ở khu vực này thì khu vực khác sẽ suy giảm, do đó dẫn đến tăng giá. Chúng ta không những làm mất tiền của những người nghèo có năm bảy đồng để buôn bán chứng khoán, mà còn làm mất tiền vô hình của họ bằng cách tăng giá ở bộ phận khác.
Để cấu trúc lại thị trường chứng khoán, chúng ta phải dành thời gian xây dựng lại toàn bộ hệ thống điều hành xã hội chứ không chỉ xây dựng hệ điều hành cho nó. Nghĩa là chúng ta phải xem nó là một thị trường chuyên nghiệp chứ không phải là nơi thực thi các hành vi bản năng thuần tuý và không phải là nơi chơi chung giữa nhà nước với các công ty. Nhà nước phải đứng ra ngoài các công ty. Có các công ty thuộc sở hữu nhà nước nhưng nhà nước phải xem nó bình đẳng với các công ty thuộc các khu vực kinh tế khác. Nhà nước phải đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty thuộc các loại hình sở hữu khác nhau thì mới hy vọng có thể tạo ra một thị trường chứng khoán. Bởi vì toàn bộ tính bình đẳng của các khu vực kinh tế được thể hiện tập trung ở thị trường chứng khoán.
Tất cả những nội dung nói trên thuộc về tầng thấp, tầng cơ bản. Đấy là chúng ta nghiên cứu tính nổ dây chuyền giữa các thị trường để nhận biết sự sai lầm một cách có hệ thống của toàn bộ việc xây dựng chính sách vĩ mô. Bây giờ chúng ta chuyển sang tầng thứ hai, tầng điều hành vĩ mô, nói cách khác, đó là tầng của mối quan hệ biện chứng giữa các chính sách vĩ mô đối với nền kinh tế. Vậy, chúng ta đã điều hành vĩ mô như thế nào? Sai lầm đầu tiên là chúng ta đã có một hệ thống ngân hàng càng ngày càng mắc nhiều khuyết tật. Theo định nghĩa cổ điển, ngân hàng là những cơ sở cung cấp dịch vụ cho quá trình lưu thông tiền tệ một cách lành mạnh. Vì thế, các tập đoàn kinh tế không được mở ngân hàng riêng cho mình như là một công cụ tư hữu và rút dần tiền bạc của xã hội. Nhưng trong xã hội chúng ta, việc mở các ngân hàng riêng đã trở thành một sự cạnh tranh giữa các công ty và các ngân hàng được mở ra không chỉ để cung cấp dịch vụ tốt hơn mà còn để vơ vét tài chính của quốc gia. Đấy là một biểu hiện của sự thiếu hiểu biết và nó tạo ra một hệ thống ngân hàng rất không lành mạnh.
Ngân hàng là một công cụ buộc phải giữ được tính trung lập xã hội, nếu ngân hàng trở thành công cụ riêng của các tập đoàn kinh tế thì đấy là tai họa. Chúng ta bắt đầu có hệ thống ngân hàng tai họa. Trong một nền tài chính mà tổng số vốn vào khoảng 60 tỷ đô la nhưng có đến gần 100 ngân hàng, số lượng ấy lớn hơn hẳn số lượng ngân hàng cung cấp dịch vụ tiền tệ cho một nền kinh tế 16.000 tỷ đô la như Hoa Kỳ. Bây giờ còn có thị trường liên ngân hàng, nó giống như thị trường chứng khoán, tức là buôn bán xoay vòng giữa các công ty cổ phần của một công ty mẹ chứ không phục vụ, không gọi vốn để phát triển. Thị trường liên ngân hàng là nơi các ngân hàng buôn vốn, buôn tiền và cho vay lẫn nhau, cuốn vào đấy toàn bộ tiền mặt của xã hội. Chúng ta không phủ nhận là có thị trường liên ngân hàng nhưng thị trường ấy phải hình thành trong quá trình cứu hộ chứ không phải trong quá trình kinh doanh cụ thể. Thị trường liên ngân hàng khác với liên minh các ngân hàng. Người ta chống tờ-rớt hoặc chống ca-ten là chống sự liên minh độc quyền. Chúng ta tạo ra một thị trường mà tất cả mọi ngân hàng đều liên minh với nhau trên một loại hàng hoá và nó trở thành hệ tuần hoàn của cả xã hội, thì đấy không phải là chống tờ-rớt nữa mà là "tờ-rớt hoá" toàn bộ lĩnh vực kinh doanh quan trọng nhất, lĩnh vực kinh doanh cần trung lập về mặt thái độ nhất, là lĩnh vực tài chính. Đấy là một sai lầm căn bản.
Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới và thấy hàng hoá Việt Nam gần như không có gì đáng kể. Chúng ta chưa đến giai đoạn có một nền sản xuất công nghiệp nhưng lại muốn trở thành thị trường tài chính, đấy là điều không hợp lý. Nguyên sự xuất hiện thị trường chứng khoán đã tạo ra sự biến động toàn bộ lực lượng lao động của xã hội. Các cơ quan, từ nhà nước đến tư nhân, đều lúng túng bởi cơ cấu tiền lương phụ thuộc vào năng lực của xã hội bị phá vỡ. Các lực lượng lao động xã hội từ công nhân cho đến giới thượng lưu đều làm việc trong trạng thái không yên ổn. Người ta không còn để ý đến chuyên môn, không còn để ý đến phát triển sự nghiệp lâu dài. Tóm lại, thị trường chứng khoán của chúng ta đã phá vỡ sự yên tĩnh lành mạnh của xã hội.
Hỏi: Phải chăng những sự biến động ấy là kết quả của tâm lý phiêu lưu ngắn hạn của người Việt?
Trả lời: Đấy không phải là tâm lý phiêu lưu ngắn hạn, nếu không có sự sụp đổ này thì cuộc phiêu lưu ấy còn dài hơn nữa. Phải nói rằng, hiện tượng rớt thẳng đứng của thị trường chứng khoán có giá trị thức tỉnh rất lớn. Chính phủ không đánh giá được như vậy, chính phủ định cứu thị trường chứng khoán mà không biết nó đã đem lại tình trạng bất ổn cho xã hội. Đấy là sự bất cẩn chính trị. Từ sự bất cẩn kinh tế, chúng ta phạm phải rất nhiều sự bất cẩn chính trị. Chúng ta thấy huy động được tiền dễ quá, cho nên xuất hiện một cách ồ ạt các dự án bất động sản. Sự lấn át của khu vực bất động sản sang khu vực sản xuất nông nghiệp dẫn đến một nguy cơ nhãn tiền là an ninh lương thực trong nước có vấn đề, xuất khẩu gạo chắc chắn sẽ gặp khó khăn, tức là việc lấn át một cách không thoả đáng sự phát triển thị trường tài chính ảnh hưởng đau xót đến khu vực nông nghiệp và nông thôn.
Hỏi: Thực ra, thị trường chứng khoán của chúng ta chỉ phát triển chủ yếu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Vậy, tại sao ông lại cho rằng nó lan được đến vùng nông thôn?
Trả lời: Tất cả những kẻ lừa đảo đều phải tìm đến từng ngõ ngách của đất nước để tiêu thụ hàng rởm. Trong thời kỳ bao cấp, chúng ta có rất nhiều xe Volga, xe Lada. Sau khi mở cửa, chúng ta có xe Toyota second-hand, tay lái nghịch. Cái Volga, cái Lada cũ bán đi đâu? Các bạn chỉ cần ra khỏi Hà Nội 100 km là thấy nó hoạt động ở đấy. Trước đây ở Hà Nội có nhiều xe máy Minsk, đến khi xe Honda Dream xuất hiện thì các bạn tìm thấy các loại xe Nga cũ ấy ở Lạng Sơn. Theo quy luật lan truyền không chống lại được của các hàng hoá second-hand về các vùng nông thôn thì tức là chúng ta gán cả nghèo đói lẫn lạc hậu về nông thôn. Và bây giờ, những kẻ sau khi mua được hời chứng khoán không chỉ bán lại cho nhau ở trong đô thị, họ còn đi về các địa phương như Long An, Lạng Sơn, Tuyên Quang để mua các công ty rồi đưa lên sàn. Họ bán lại chúng cho những người ở nông thôn, bất kể là người có nhiều tiền hay ít tiền. Đấy là hiện tượng lan truyền, do đó, nó lan đến cả nông thôn. Cách đây một năm, tôi đã nói rằng nếu không khoanh thị trường chứng khoán lại ở khu vực các đô thị lớn thì chắc chắn, tai họa sẽ dồn lên đầu người nông dân, nhưng không có một nhà điều hành vĩ mô nào làm như vậy. Đây là một sơ suất có tính tội ác. Sơ suất vì tất cả những kẻ chủ động không phải là chính phủ, mà là một bộ phận tiêu cực trong các quan chức hoặc công chức của chính phủ. Phải nói như thế mới công bằng vì chính phủ không hề lừa gạt nông dân, nhưng họ vô tình tạo điều kiện cho tai họa. Theo tôi, đây là một trận bão lớn hơn nhiều cuộc khủng hoảng tài chính năm 1989. Bản chất của nó cũng khác bởi cuộc khủng hoảng năm 1989 là kết quả của nền kinh tế bao cấp, là kết quả của chiến tranh, của các tư tưởng kinh tế sai để lại.
Hiện nay, các cơ quan truyền thông của chúng ta chưa dùng từ "khủng hoảng" để nói về thực trạng của thị trường chứng khoán cũng như toàn bộ nền kinh tế, mà chỉ nói đến một số khó khăn. Đấy là một lỗi lớn của truyền thông, hay nói cách khác, đấy là tính không độc lập, tính thiếu tự do của truyền thông. Vì thế, truyền thông không còn là công cụ hỗ trợ xã hội mà trở thành công cụ che giấu những thất bại hoặc những rủi ro tiềm ẩn trong đời sống.
Hỏi: Ở trên, ông có nói rằng chúng ta lơ là sản xuất, tức là kém đầu tư. Nhưng qua một năm hội nhập sâu rộng, rõ ràng nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào rất lớn. Có thể, nguồn tiền lớn hơn mới chính là nguyên nhân gây lạm phát?
Trả lời: Chúng ta cứ nói vậy thôi. Là một nhà tư vấn đầu tư nước ngoài 20 năm nay, tôi biết rất rõ, trong 10 đồng tiền vốn hứa mới có 3 đồng đã bỏ vào, 7 đồng đi vay, thể hiện dưới dạng nhập siêu, và 7 đồng đi vay ấy chính là nợ của quốc gia, nhưng ngay cả nợ ấy cũng không phải là nợ thật bởi chúng ta chưa có tiền trên thực tế. Chúng ta chưa có tiền trong khi những kẻ đầu cơ chứng khoán đã thu được tiền Việt tiềm ẩn. Theo một bài phân tích mới đây, giới đầu cơ đã thu được khoảng 500.000 tỷ VNĐ, rồi quy đổi ra bằng đô la, vì thế giá đô la tăng vọt từ 15.500/USD lên đến hơn 16.000/USD. Không có một nền kinh tế lành mạnh nào lại có sự biến động giá cả kỳ quặc như thế. Ngay cả những kẻ đầu cơ chứng khoán cũng đã bắt đầu thức tỉnh về nguy cơ sụp đổ của thị trường chứng khoán nên mới có chuyện tăng giá đô la. Tăng giá đô la là kết quả của việc thu quân. Mua đô la bằng tiền Việt tức là những kẻ nhạy cảm về tài chính nhất trong xã hội đã nhận thấy sự rủi ro của tiền Việt, mà rủi ro của tiền Việt đổ lên đầu ai? Nhân dân. Nhân dân của chúng ta là một "sân khấu bằng đất nện" mà trên đấy, các nghệ sĩ nghiệp dư nhảy múa, nghệ sĩ kinh tế, nghệ sĩ chính trị, các nhà khoa học rởm... Còn các nhà đầu tư nước ngoài là những đạo diễn chuyên nghiệp, đạo diễn một vở kịch dựa trên sự không tự giác và không hiểu biết của các diễn viên, bất kể loại nào.
Hỏi: Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 30% vốn trên thị trường chứng khoán, một con số không nhỏ và vì vậy, việc rút chân ra không phải dễ dàng, họ phải tính đến chuyện rút làm sao cho khéo để thị trường khỏi sập.
Trả lời: Tại sao các bạn lại có những ý nghĩ ngây thơ như vậy? Tôi cho rằng họ nắm đến 70% lợi ích từ thị trường chứng khoán chứ không phải 30%. Tất cả những con số phân tích theo kiểu của các nhà lý thuyết là không đúng, bởi vì đây là một thị trường đầu cơ, đã là thị trường đầu cơ thì người ta không thông báo cho xã hội biết lợi ích thật của mình. Còn các cổ phiếu được giam giữ bởi những cổ đông chiến lược chỉ là những con tin hình thức. Lợi ích thật không nằm trong số cổ phiếu chiến lược, mà việc chiếm giữ các cổ phiếu phi chiến lược của những công ty khác mới chính là nguồn thu lợi. Hoạt động buôn bán diễn ra trong các cổ phiếu phi chiến lược. Trên thị trường chứng khoán của chúng ta còn có hiện tượng rất lạ là tách cổ phiếu. Hiện tượng đấy thật ra cũng qua rồi, những ai cần học bài học gì thì đã có rồi, những ai thu được tiền thì cũng thu rồi, những ai mất tiền thì cũng mất rồi. Tất cả những giải pháp để kéo thị trường chứng khoán lên một chút chỉ là sự kéo dài những nhịp thở thoi thóp cuối cùng mà thôi. Khi hạ biên độ giao dịch xuống còn 1% - 2% thì cổ phiếu cũng lên, nhưng mới chỉ nới rộng biên độ đến 2% - 3% thì cổ phiếu lại xuống, và nếu mở biên độ như cũ thì cổ phiếu còn xuống thảm hại hơn trước. Ở đây, chúng ta đừng nghĩ về thị trường chứng khoán chỉ như là bản thân nó. Những căn bệnh của thị trường chứng khoán chỉ là biểu hiện của một căn bệnh tiềm ẩn bên trong nền kinh tế Việt Nam. Đó là, toàn bộ hệ thống điều hành nhà nước là có vấn đề, toàn bộ hệ thống chính sách vĩ mô là có vấn đề, toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh doanh ở ngân hàng là có vấn đề.
Hỏi: Như vậy, chúng ta đang đứng trước những khó khăn rất lớn. Với tư cách là một người sáng suốt và có kinh nghiệm, ông thấy đường đi sắp tới của chúng ta như thế nào?
Trả lời: Phải nói cho đúng rằng tôi là người ngoài cuộc chứ không phải là người sáng suốt. Tôi không tham gia vào những quá trình tiêu cực như vậy cho nên tôi giữ được sự minh mẫn của mình. Tôi không thông minh hơn người khác, thậm chí, tôi không đủ thông minh để tham gia vào những quá trình ấy mà tồn tại được, cho nên tôi đứng ngoài, tôi không bị cái cơn lốc kinh tế này giày vò, chi phối.
Về đường đi sắp tới của chúng ta, tôi cho rằng chúng ta phải cải cách. Phải cải cách để các cơ quan chức năng của chính phủ trở lại hoạt động lành mạnh. Phải cải cách để các cơ cấu chức năng phục vụ cho đời sống kinh tế và kinh doanh của xã hội trở nên trung lập và lành mạnh. Phải cải cách để khôi phục lòng tin của xã hội đối với các cơ cấu điều hành. Nếu không, sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả. Vì thế, đây là bài toán rất khó. Bây giờ khi chúng ta đề ra biện pháp phải cắt giảm chỉ tiêu tăng trưởng thì tất cả các địa phương đều không đồng ý bởi họ cho rằng chỉ số phát triển của họ vẫn tăng bình thường. Các địa phương xác nhận mình vẫn tăng nhưng họ không biết thực chất, mình tăng bằng những sự tiếp tế của Chính phủ. Trong cơn mộng du như vậy của các chính quyền địa phương, chúng ta rút ngọn củi tiếp tế ra khỏi lò thì hoặc là họ sụp đổ, hoặc là họ chống lại phương án ấy. Không có được sự cảm thông chiến lược giữa các cấp lãnh đạo với nhau thì đấy chính là biểu hiện tiêu cực nhất của nhận thức hiện nay. Nó biểu hiện một trong những vấn đề ở tầng thứ ba, tức là tầng thể chế. Hiện tượng khủng hoảng kinh tế năm 2007 và năm 2008 này biểu hiện tính tới hạn của khả năng chung sống giữa các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế thị trường. Những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội tạo ra 19 tập đoàn kinh tế quốc doanh khổng lồ để giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc gia. 19 tập đoàn kinh tế ấy sử dụng 70% - 80% tín dụng trong nước, 100% tài nguyên quốc gia nhưng chỉ làm ra 40% GDP. Như vậy, không những nó không có hiệu quả mà còn đốt cháy tất cả các năng lực xã hội. Bởi khi nói đến hiệu quả tức là còn có các cấp độ hoặc hơn hoặc kém, còn đây là sự tiêu diệt một cách có hiệu quả nhất các tiềm năng của xã hội. Nền kinh tế của chúng ta, kể từ khi Đổi mới, hình thành được 20 năm, nhưng trên thực tế, trừ thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á và thời gian đầu dò dẫm từng bước đi, chúng ta mới có khoảng 10 năm hình thành nền kinh tế. Nền kinh tế ấy mỏng như lớp băng đầu tiên của mùa đông nhưng chúng ta chất lên nó 19 tập đoàn kinh tế khổng lồ thì sẽ làm nền kinh tế rạn vỡ. Đây là hiện tượng rạn vỡ một nền kinh tế mong manh dưới sức nặng của những công ty quá tải. Vì thế, nội dung quan trọng nhất trong việc phân tích hiện tượng kinh tế hiện nay là phân tích mâu thuẫn giữa các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội với các quy luật của nền kinh tế tự do. Tôi chưa thấy có một cơ quan nghiên cứu nào ở trong nước đặt ra vấn đề này. Nếu không nghiên cứu nó thì chúng ta không còn nhận thức nữa và như vậy làm sao giải quyết được các vấn đề thực tế? Các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội đòi hỏi khu vực kinh tế quốc doanh phải đóng vai trò chủ đạo, tức là khu vực kinh tế quốc doanh phải là người tiên phong mở rộng sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong đời sống kinh tế toàn cầu. Nhưng kết quả là 19 tập đoàn ấy trở thành những con voi ăn cỏ nhà. Đáng ra, họ phải đi ra biển lớn, họ phải kiếm tiền ở bên ngoài, họ phải làm tất cả để phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và tạo ra những hàng hoá có chất lượng đột phá cho nền kinh tế nhưng họ không làm được. Họ kinh doanh đa ngành trên mảnh đất nghèo đói của chúng ta. Một trong những nguyên lý đặc trưng của chủ nghĩa xã hội chính là ngân hàng không độc lập. Ngân hàng nhà nước là một thành viên của nội các, đáng ra nó phải thể hiện tính trung lập về kinh tế đối với toàn bộ các cơ cấu kinh doanh của xã hội, nhưng nó lại trở thành một trong những bộ phận cấu thành cây đũa chỉ huy nền kinh tế. Nó phục vụ Chính phủ. Phục vụ Chính phủ cũng không sai nếu Chính phủ không kinh doanh, không có các công ty nhà nước. Nhưng vì có các công ty nhà nước cho nên ngân hàng nhà nước không được nâng lãi suất quá trần này, không được trả lãi dưới trần kia… Những sức ép ấy thể hiện sự tới hạn của sự chung sống giữa các quy luật thị trường tự do về kinh tế với các nguyên lý xã hội chủ nghĩa về chính trị. Nếu không phân tích và tìm lối thoát cho điểm tới hạn này thì không còn giải pháp nào hay mọi giải pháp đều không có ý nghĩa. Đấy là mấu chốt của toàn bộ vấn đề.
Hỏi: Vậy theo ông, kịch bản sẽ diễn ra như thế nào?
Trả lời: Kịch bản diễn ra là, các nhà chính trị phải ý thức được rằng đây mới là một hiện tượng kinh tế nhưng chúng ta buộc phải nhìn lại toàn bộ nền kinh tế và có giải pháp tổng thể để giải quyết mâu thuẫn này, tức là phải cải cách chính trị. Chúng ta có một hệ thống truyền thông để phản ánh cho chính phủ và xã hội biết những rủi ro tiềm ẩn ở đâu đó, nhưng chúng ta lại khoá nó, bắt nó "đi lề bên phải". Như vậy, người ta không có thông tin để nghe, người ta không có sự thật để bàn, người ta không có tư liệu để nhận thức. Vậy làm thế nào để xã hội đủ khôn ngoan, làm thế nào để xã hội thức tỉnh được? Sự khôn ngoan của một con người, sự khôn ngoan của một xã hội là kết quả của sự tích trữ đủ lượng thông tin chính xác. Chúng ta không có thông tin chính xác mà đòi hỏi nhân dân phải biết thế nào là chứng khoán, phải đầu tư thế nào cho chính xác, đấy là biểu hiện của sự mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và nền kinh tế tự do. Không còn không gian nào để dung hoà mâu thuẫn ấy nữa. Không thức tỉnh điều đó thì hết cuộc khủng hoảng này sẽ đến cuộc khủng hoảng khác.
Tôi có đọc Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề lạm phát mới đây, thực lòng, tôi ngạc nhiên bởi trước sự xuất hiện một cách đầy đủ, cùng một lúc của tất cả các mặt tiêu cực như thế mà chúng ta vẫn không nhận ra được những rủi ro tiềm ẩn như vậy. Chúng ta giải thích là do ở Mỹ, đồng đô la mất giá nhưng phải nhận thấy rằng các tập đoàn kinh tế của chúng ta đã làm gì? Thứ nhất là bán khoáng sản Việt Nam. Thứ hai là bán quỹ đất Việt Nam. Thứ ba là bán sức lao động rẻ mạt của người Việt Nam. Thứ tư là bán các thành tựu chính trị đã có trong lịch sử được tạo ra bởi sự sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tóm lại, chúng ta xây dựng các tập đoàn kinh tế công nghiệp toàn diện nhưng kinh doanh chủ yếu trên "chiếu bạc".
Hỏi: Ở chúng ta có tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) học theo mô hình của Singapore. Nhưng ở Singapore, họ giữ vốn của người dân bằng cách đi kinh doanh ở nước ngoài, và một quan chức không bao giờ được ngồi trong hội đồng quản lý công ty mà đấy phải tuyệt đối là các chuyên gia kinh tế…
Trả lời: Còn ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước, Nhà nước làm trọng tài. Nếu công ty có vốn nhà nước cứu được thị trường chứng khoán, Nhà nước vui mừng thì rõ ràng, Nhà nước giống như vị trọng tài tự đá bóng vào lưới. Hiện tượng chúng ta cứu thị trường chứng khoán giống như việc tàu đã chìm rồi mà những người trên đó còn thắt dây an toàn. Đấy chính là những biểu hiện của mâu thuẫn giữa các nguyên lý chính trị của chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế thị trường. Vì thế, phải xây dựng một lộ trình cải cách chính trị. Không có cách gì ngoài cải cách chính trị. Tôi là người vô cùng yêu mến sự yên ổn nên tôi mới nói điều ấy. Chính phủ phải đi ra khỏi quá trình kinh doanh. Không có các tập đoàn nhà nước, hoặc nếu có các tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước thì địa vị của nó phải rất bình đẳng với các công ty thuộc các khu vực kinh tế khác.
Tôi rất tiếc là các cơ quan nghiên cứu chính thống của nhà nước, từ triết học cho đến chính trị đều không nghiên cứu về điểm hợp lý của sự chung sống hay triết học hoá ranh giới giữa phát triển và khủng hoảng, giữa phát triển và phát triển ổn định. Những nội dung ấy đều là vấn đề triết học. Chính việc hạn chế báo chí lên tiếng về vấn đề xây dựng xã hội dân sự, xây dựng nền dân chủ và khẳng định tất cả các quyền cơ bản của một xã hội đã ngăn cản xã hội thức tỉnh nguy cơ sụp đổ. Đất nước của chúng ta với gần 100 triệu dân và với một tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng chúng ta vẫn nghèo đói, chúng ta vẫn kém hiểu biết. Tôi đã viết một số bài về cải cách giáo dục, theo tôi, trình độ phát triển của xã hội đến mức nào thì sẽ có nền giáo dục ở mức ấy. Chúng ta không thể xây dựng được một nền giáo dục đẳng cấp quốc tế trong điều kiện chúng ta đang đứng ở thứ 150 hay 170 trong tổng số hơn 190 quốc gia. Đấy là ảo tưởng. Các trường Đại học như Havard, Oxford, Cambridge hay Yale là những đẳng cấp đặc biệt và đấy là sự thèm muốn của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Còn một hiện tượng nữa cũng thể hiện đặc trưng của những mâu thuẫn của những chính sách, đó là không tôn trọng nhân dân. Nhiều chính sách của chúng ta không quan tâm đến quyền lợi và cuộc sống của người dân, từ cấm xe ba bánh, cấm xe tự chế đến cấm hàng rong…
Trong khi xã hội chưa đủ điều kiện để sống tử tế thì chúng ta buộc phải để những cuộc sống ấy tồn tại. Nhưng chúng ta lại muốn xoá đi những hình ảnh ấy để hy vọng tìm thấy sự đẹp mắt theo ý mình, đấy là một biểu hiện phi nhân dân. Trong khi chúng ta đang phải đối đầu với khủng hoảng và không biết nó còn kéo dài bao lâu, với đồng lương thấp kém như hiện nay, chúng ta lại bàn đến chuyện sẽ hợp đồng hoá có thời hạn toàn bộ các công chức nhà nước từ cấp Vụ trở xuống. Nhưng nếu không còn viên chức nhà nước thì bộ máy nhà nước sẽ như thế nào? Nó sẽ càng thúc đẩy những hành vi tham nhũng, người ta sẽ tham nhũng như một kẻ không còn hương thơm nào của nhà nước dành cho họ nữa. Chính sách về chế độ nghỉ hưu của chúng ta cũng có những điểm bất hợp lý, tất cả mọi người, từ các quan chức cho đến công chức, kể cả các nhà khoa học, 60 tuổi đều về hưu. Đối với những người làm chuyên môn hay làm chính trị, 60 tuổi mới bắt đầu đủ chín để làm việc. Rất nhiều nhà ngoại giao, đại sứ hỏi tôi về chuyện này, tôi nói rằng người Việt Nam có một thói quen là không thích ăn quả chín. Trong khi không tận dụng được sự chín chắn khôn ngoan của những người 60 tuổi thì họ lại làm mất nhiệt tình của những người mới vào. Đấy là một sự nhầm lẫn chiến lược, hay có thể nói là sự nhầm lẫn gây thương tổn cho hệ thống chính trị.
Không chỉ tôi mà nhiều nhân vật quan trọng hay đã từng quan trọng ở đất nước mình cũng đau khổ trước những tình trạng như vậy. Tôi có những buổi tiếp xúc với một vài người trong số họ, khi nghe tôi nói những lời như thế này, họ im lặng, không phản đối, không nói ra nhưng nhìn khuôn mặt rầu rầu của họ, tôi hiểu.
Hỏi: Khi nghe ông phân tích, tôi thấy dường như ông vẫn hình dung về chính phủ như là người đại diện cho quốc gia, dân tộc, và nhân dân về bản chất. Nhưng trên thực tế, rất khó đạt được điều đó...?
Trả lời: Không, tôi không nhầm lẫn khi nói như vậy. Tất cả các chính phủ, tôi không nói riêng một quan chức hay một chính phủ cụ thể nào, đều phải đại diện cho lợi ích của xã hội và phải phấn đấu để có một chính phủ như vậy. Nếu không thì không phải là chính phủ. Nhiều người nói rằng không có tổng công trình sư cho quốc gia này và đôi khi, chính trị bị điều khiển bởi các nhóm lợi ích. Tôi cho rằng đấy là một thực tế cần phải lên án. Nhưng vấn đề không phải là chúng ta chỉ lên án mà chúng ta phải phấn đấu vì một sự thực khác tốt đẹp hơn. Đấy chính là thái độ cầu thị. Đất nước của chúng ta hoàn toàn có thể tốt đẹp hơn được. Ngay cả những người đang mắc sai lầm bây giờ cũng có thể tốt đẹp được. Tôi vẫn kiên nhẫn trong việc là cần phải cải cách.
Hỏi: Cải cách là rất đúng nhưng cải cách với mục tiêu nào và chương trình nào? Tôi cũng có dịp tiếp xúc với một số quan chức. Tôi thấy rằng chưa có ai sử dụng đúng cương vị của mình để nói lên những điều mà họ nhận thức được, không ai thà hét lên một tiếng rồi bị bật ra khỏi cái ghế của mình.
Trả lời: Lịch sử chính trị thế giới chỉ ra rằng, những tiếng hét ấy hiếm trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam, và những người có đủ trí tuệ là những người hét đúng lúc. Khi người ta chưa hét thì chúng ta đừng cho rằng không có ai hét. Họ sẽ hét. Gần đây, có những bài phân tích cực kỳ sắc sảo về các nguy cơ trong nước. Tuy nhiên, nhược điểm của những bài viết đó là làm cho mọi người có cảm giác là có một thế lực quốc tế nào đó đang có kế hoạch thao túng và thôn tính đất nước. Mà trong nhận thức của người Việt Nam, một dân tộc bài ngoại, thì những bài như vậy cổ vũ một thái độ cảnh giác không có lợi cho giai đoạn sau khủng hoảng. Tôi cho rằng sự phân tích vi mô của những bài viết đó là tốt, nhưng nó vẫn còn lệch và chưa thấu đáo. Bởi vì một dân tộc không bao giờ chịu sụp đổ, bao giờ các yếu tố mang chất lượng đột phá cũng xuất hiện vào lúc nào đó. Giai đoạn này là giai đoạn bắt đầu hình thành các nguy cơ của cuộc cách mạng. Cho nên, yếu tố chủ động bây giờ là đừng để xảy ra cách mạng. Mấy năm trước, tôi có viết bài “Lãnh đạo phi cách mạng", tôi nghiên cứu những vấn đề như thế để tìm ra giải pháp cho đời sống xã hội. Vì thế, tôi không dừng lại ở tầng phân tích thị trường chứng khoán. Tôi cho rằng, nếu không giải quyết mâu thuẫn giữa Chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường thì tất cả mọi nghiên cứu còn lại đều không có ý nghĩa.
Hỏi: Tôi thấy rằng trước những tình trạng như vậy thì rất may là dường như, lòng tin của nhân dân vẫn còn.
Trả lời: Lòng tin từ lâu đã được thay thế bằng một đại lượng phổ biến, đó là sự sợ hãi. Chúng ta đang nhầm lẫn giữa sự còn lại của lòng tin với sự sợ hãi. Sự sợ hãi chiếm tỷ lệ khống chế trong toàn bộ cơ cấu tinh thần của xã hội đối với nhà nước. Nhưng sợ hãi không phải là một tâm lý phổ biến, không phải là một tâm lý tích cực. Sợ hãi là một tâm lý làm thui chột sự phát triển. Sự sợ hãi của người dân không đem lại sự ổn định của thể chế mà ngược lại, nó còn làm mất đi năng lực phát triển và cảm hứng phát triển.
Chúng ta nên nhớ rằng sự sợ hãi không phải là đường cong liên tục, đến lúc nào đó sẽ có những bước nhảy, bước nhảy ấy là kết quả cuộc đột kích của các yếu tố vào chuỗi sợ hãi, và chính bước nhảy của nỗi sợ ấy mới tạo ra cực đoan. Trạng thái nổi giận của nỗi sợ tạo ra tình trạng phá hoại. Chúng ta thấy rằng, một vài người vì nóng giận, vì sốt ruột mà rất gay gắt khi chỉ trích chính phủ. Nhưng phải nói rằng, việc mặc cái áo khoác thuật ngữ cho một sự nổi giận có chất lượng bản năng chứng tỏ những người đó không phải là những người có trí tuệ thật. Con người không có trí tuệ thật bao giờ cũng yêu mến nhiều hơn mức cần thiết và cũng nổi giận nhiều hơn mức cần thiết. Cho nên chúng ta cần khách quan, tỉnh táo khi phân tích tất cả các hiện tượng, và chừng mực, phải chăng trong sự đánh giá. Tôi đã nói rằng, không nên nói to bởi không có không gian, không có bức tường chính trị nào tự giãn ra bởi sự nói to của bất kỳ ai. Các không gian chính trị sẽ tự giãn ra cùng với sự phát triển của trí tuệ con người và nhân dân. Cho nên, thay vì cung cấp lời khuyên cho các nhà lãnh đạo thì tốt nhất, chúng ta cung cấp kiến thức cho người dân để họ dần dần thức tỉnh. Bởi nhà nước thường mắc căn bệnh tự mãn, như Lenin đã định nghĩa. Tự mãn là biểu hiện của sự lộng hành, xét cả về phương diện văn hoá lẫn phương diện trí tuệ. Một nhà chính trị cần phải rất khiêm tốn, nhất là trước giới trí thức, có như vậy họ mới thu xếp được thái độ vừa phải và sự cộng tác của người trí thức. Nhiều người nói rằng bây giờ khủng hoảng nhân sự, không tìm đâu ra nhân tài. Tôi rất ngạc nhiên. Vấn đề là họ tìm bằng tiêu chuẩn gì? Tôi cho rằng tiêu chuẩn phân loại trí thức thì không khó, trí thức phân loại nhau dễ lắm, nhìn nhau là biết. Nhưng để phân loại trí thức thì phải có một đội ngũ có tiêu chuẩn đi phân loại trí thức, mà xây dựng đội ngũ đi phân loại ấy rất khó. Xây dựng một tiêu chuẩn phân loại trí thức không hẳn là việc đáng làm, vì bản thân trí thức không cần ai phân loại họ.
Tôi đã từng nói với Đại sứ Hoa Kỳ rằng: "Với tư cách là một người bình thường, là một thương nhân, tôi không có nhu cầu cá nhân để gặp ông, nhưng với tư cách là một người băn khoăn về đất nước của mình, tôi gặp ông để nói chuyện. Tôi nghĩ, phương thuốc cho Việt Nam nếu không có "vị Hoa Kỳ" thì không chữa được bất kỳ bệnh gì, bởi chúng tôi ở bên cạnh nước Trung Hoa, mặt đất của chúng tôi nghiêng về phía Bắc".
Hỏi: Không tìm ra nhân tài phải chăng vì hệ thống đó không có sức hút nhân tài và nền chính trị ấy đang lạc hậu về mặt sử dụng nguồn nhân lực?
Trả lời: Sự lạc hậu về chính trị cũng là một biểu hiện của mâu thuẫn cơ bản giữa quan hệ chính trị Xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường tự do. Thực ra, tất cả các vấn đề về kinh tế Việt Nam như khủng hoảng, lạm phát không hề khó giải quyết hay khó khắc phục. Hay cái khó không nằm ở đấy mà nằm ở các khuyết tật về chính trị. Các khuyết tật về chính trị là nguồn gốc của tất cả những yếu tố tạo ra tình trạng như hiện nay. Thị trường chứng khoán là nơi dung dưỡng các nhóm đầu cơ. Tập đoàn kinh tế là sự ảo tưởng về vai trò của doanh nghiệp nhà nước và vai trò tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Nó được lợi dụng như ngôi nhà của những kẻ đầu cơ cả về chính trị lẫn kinh tế.
Một số nhà lãnh đạo của chúng ta, với sự nhạy cảm một cách bản năng, linh cảm thấy điều ấy, nhưng họ không gọi tên được. Vì thế, cần đến những phân tích, nghiên cứu một cách khoa học hơn. Đây là thời điểm mà báo chí phải tập trung nghiên cứu để làm cho trang web của mình, cho tờ báo của mình có chất lượng. Đã đến lúc phải loại đi những bài viết thương nhớ một nền giáo dục đã có, những kinh nghiệm riêng của một vài cá nhân, ở đó không có sáng tạo, không có phát hiện mới.
Hỏi: Đúng như ý kiến của ông, tôi cũng cho rằng đây là thời điểm để chia sẻ tri thức.
Trả lời: Phải nhắc lại rằng, tất cả những sơ suất của các nhà lãnh đạo của chúng ta không đáng để lên án. Vấn đề chính là chúng ta giới thiệu cho xã hội những ý nghĩ, những giải pháp của mình. Chúng ta phải chiếu cố đến tính không được chuẩn bị của xã hội Việt Nam. Ví dụ, nhà xuất bản Tri thức có xuất bản một loạt các cuốn sách hay của nhân loại, nhưng xã hội chúng ta tiếp nhận đến đâu? Đa số người Việt không đủ kiến thức về thuật ngữ để hiểu cách viết của những học giả nổi tiếng của nước ngoài. Đọc Hayek chẳng hạn, cả nước Việt Nam này, số người hiểu Hayek chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn dịch toàn tập bộ ba về Phê Phán lý tính của Kant nhưng phải nói thật rằng, trong hàng triệu người, nếu may mắn có một người hiểu được thì sự hiểu ấy cũng không toàn diện. Tôi không thích những người khoe chữ, tôi thích một hướng đi không tầm thường mà cũng không bỗ bã kiểu bình dân. Tôi vẫn thích sự chau chuốt và khi đọc Trần Dần, tôi rất thích. Đấy là người nghiền ngẫm, trăn trở và có tinh thần trách nhiệm trên từng nét một của con chữ. Còn những dịch giả thời nay, khi dịch các tác phẩm sang tiếng Việt, họ đã quên mất việc phải chiếu cố đến nền học vấn cũng như phông tri thức của người Việt. Dân tộc chúng ta là một dân tộc chưa bao giờ được chuẩn bị đủ cơ sở để có thể hiểu được một cách sơ lược nhất chứ chưa nói đến hiểu đầy đủ những hệ thống các tín hiệu có tính chất thuật ngữ như vậy. Không được chơi chữ với người dân, phải biết trân trọng họ. Nghệ thuật hay giá trị của nghệ thuật chính là chiếu cố một cách đầy đủ đến năng lực tiếp nhận của con người.
Hỏi: Tôi rất thích những đánh giá của ông về thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Nhưng tôi chưa thoả mãn với giải pháp của ông vì nó đòi hỏi sự quyết liệt và trên thực tế, nó rất khó được đáp ứng.
Trả lời: Tất cả những kẻ lười biếng và người cung cấp giải pháp cho những kẻ lười biếng đều rất muốn có một viên thuốc uống là dứt cơn đau bụng ngay, nhưng điều ấy chỉ đúng khi các cơn đau bụng là đơn giản. Hiện nay, các nhà lãnh đạo của chúng ta tuy không diễn đạt cho xã hội thấy bài toán thực sự là gì, nhưng họ linh cảm được bài toán ấy. Chúng ta đang ở giai đoạn không thể còn các giải pháp tạm thời được nữa. Đây là lúc chúng ta đụng độ với ranh giới của sự khủng hoảng, ranh giới của sự rối loạn xã hội. Tất nhiên, nói như thế thì không phải ngày mai điều đó sẽ xảy ra, nhưng nếu chúng ta không có sự cân nhắc thận trọng trong các giải pháp thì rất có thể nó sẽ đến. Nhưng rất đáng buồn là chúng ta cứ hy vọng rằng vẫn còn một biện pháp nào khác. Bộ Chính trị đã họp, Thường vụ Quốc hội đã họp, Chính phủ cũng họp mấy kỳ và cũng săn tìm giải pháp ở các tập đoàn kinh tế, ở các địa phương nhưng đến phút này vẫn không có giải pháp nào cả. Rõ ràng, tình trạng này phản ánh một điều là không còn giải pháp nào khác nữa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá