Thị trường chứng khoán nóng
Thị trường chứng khoán, một phần quan trọng của thị trường tài chính, là nơi mua bán các chứng khoán tài chính như cổ phiếu và trái phiếu. Tại các nước phát triển, thị trường chứng khoán đã có hàng trăm năm nay.
Các sở giao dịch chứng khoán đã có ở Amsterdam năm 1602, London 1698, NewYork 1792, Tokyo 1878, Hồng Kông 1891 còn ở ta mãi đến tháng 7 năm 2000 mới có Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM. Điểm khác biệt: chúng ta không những chậm hơn người ba bốn trăm năm, mà hầu hết các sở giao dịch chứng khoán đều là các công ty (cổ phần) tư nhân còn ở ta thì thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Nếu chịu khó chúng ta có thể học được rất nhiều từ kinh nghiệm quốc tế và có thể xây dựng một thị trường phát triển trong vòng vài ba thế hệ chứ không cần đến ba-bốn trăm năm. Vừa qua thị trường tăng trưởng chóng mặt vượt qua mọi sự tưởng tượng và kỳ vọng của những người trong cuộc và các nhà quản lý.
Sau vài ngày giảm nhẹ, do ảnh hưởng tâm lý của sự sụt giảm đột ngột (cỡ 9% trong một ngày) của thị trường chứng khoán Trung Quốc và của thị trường chứng khoán khắp thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam lại tiếp tục tăng mạnh. Các nhà chức trách lo ngại thị trường quá nóng. Một số quan chức cấp cao của Quốc hội "thú thực" mình "không hiểu mấy về chứng khoán, nhưng thấy lo thực sự".
Nên chuyện "các nhà đầu tư" hành động theo phong trào, theo ứng xử "bầy đàn" cũng bình thường. Mà chuyện như vậy đâu có lạ trên thế giới. Hẳn nhiều người còn nhớ bong bóng dot-com (các công ty kinh doanh trên Internet) ở Mỹ 7-8 năm trước. Tuy đã có thị trường rất tinh vi, quy chế khá chặt chẽ, người dân Mỹ đã quen với thị trường chứng khoán mấy trăm năm, thế mà hàng chục triệu người vẫn đổ xô vào mua cổ phiếu của các công ty dot-com khiến cho chỉ số Nasdag trong hơn 3 năm đã tăng 5 lần.
Nhiều công ty chưa hề tạo ra một xu lợi nhuận mà cổ phiếu vẫn được người ta mua như tôm tươi (tức là hệ số giá cổ phiếu trên lợi tức (P/E) bằng vô cùng chứ không phải 70 hay 100 như vài công ty nóng nhất ở ta ngày nay). Rồi bong bóng dot-com vỡ vào tháng 3.2000. Hàng loạt công ty dot-com phá sản, nhiều người thua thiệt, song kết quả đầu tư vẫn còn.
Chúng ta có Internet và viễn thông như ngày nay là nhờ hậu quả "không lường trước" của sự đầu tư quá đáng đó. Các đợt bong bóng như vậy đã xuất hiện nhiều lần trên thị trường chứng khoán các nước phát triển trong lịch sử mấy trăm năm mà bong bóng dot-com chỉ là một. Thị trường chứng khoán và thị trường tài chính nói chung có tính bất ổn nội tại của nó. Sự bất ổn gắn mật thiết với sự phát triển.
Như vậy hy vọng có một thị trường chứng khoán luôn ổn định là điều không thể. Vấn đề là có các cơ chế, quy tắc khắc phục sự bất ổn, làm cho sự "bất kham" của thị trường nằm trong vòng "cương toả", và để cho những hậu quả ở mức có thể chịu đựng được. Vấn đề là hóc búa nhưng có rất nhiều kinh nghiệm mà chúng ta có thể học. Lo do không hiểu mấy nên dẫn đến siết chặt là cách ứng xử không khôn ngoan.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu mới chỉ có cổ phiếu và rất ít trái phiếu được giao dịch. Thị trường trái phiếu cũng được gọi là thị trường nợ vì ở đây chính phủ (trung ương hay địa phương) và các công ty đi vay vốn bằng cách phát hành trái phiếu và phải trả cả gốc lẫn lãi. Cổ phiếu là chứng chỉ về quyền sở hữu công ty cổ phần. Nhà đầu tư mua cổ phiếu của một công ty là mua một phần quyền sở hữu của công ty đó. Thị trường chỉ là công cụ huy động vốn khi các cổ phiếu được phát hành mới hay phát hành thêm (thị trường sơ cấp).
Dù công ty có được niêm yết nhưng nếu không phát hành (thêm) cổ phiếu mới thì cũng không huy động được xu vốn nào. Thị trường thứ cấp là nơi mua đi bán lại cổ phiếu đã được phát hành (chủ sở hữu cũ bán cho chủ mới). Các sở giao dịch chứng khoán chủ yếu hoạt động như thị trường thứ cấp. Trên thị trường thứ cấp không có xu vốn nào được huy động (cho công ty hay cho nền kinh tế), lời lãi của một người đúng bằng lỗ của một người khác (hệt như trò đánh bạc).
Thế thì thị trường thứ cấp có ích lợi gì? Thứ nhất, nó làm cho việc trao đổi quyền sở hữu công ty dễ dàng (dễ biến cổ phiếu thành tiền mặt). Điều này rất quan trọng vì nó chính là cơ chế để giúp biến tài sản thành vốn, thành tư bản. Nó tạo cho các chủ sở hữu một thủ tục đơn giản, văn minh để "bỏ phiếu bằng chân", để "rút khỏi" công ty (hay khoản đầu tư) mà không phải cãi cọ, tranh chấp với các chủ sở hữu khác hay với ban lãnh đạo. Như thế khuyến khích người ta bỏ tiền đầu tư (tạo vốn thật khi mua cổ phiếu được phát hành lần đầu) do kỳ vọng được chia cổ tức và giá cổ phiếu lên.
Thứ hai, giá cổ phiếu gây áp lực cho ban điều hành các công ty phải kinh doanh cho có hiệu quả, vì về dài hạn (lưu ý từ này) một công ty làm ăn kém thì giá cổ phiếu sẽ thấp, ban lãnh đạo sẽ bị cổ đông sa thải. Chính vì thế những người lãnh đạo có khuyến khích lớn để giữ cho giá cổ phiếu cao (cả bằng phương pháp giả mạo, chính vì thế nên cần có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước bằng các thủ tục minh bạch). Thị trường chứng khoán vừa như thị trường sơ cấp và thứ cấp là một phát minh vĩ đại của con người, chúng ta nên cố gắng học để sử dụng hữu hiệu nó.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường