Văn chương trẻ tăng tốc trong mơ hồ

04:29 CH @ Thứ Sáu - 19 Tháng Ba, 2010

Nhìn lại năm 2009, chợt nhận ra một điều tương đối kỳ lạ: Cuộc suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến mọi ngành, mọi nghề nhưng không hề ảnh hưởng đến hoạt động văn chương. Đặc biệt là văn chương trẻ, tác phẩm vẫn công bố rôm rả, tác giả vẫn đăng đàn hoan hỉ. Phải chăng văn chương luôn có sức "đề kháng" với những khủng hoảng tiền tệ, hoặc phải chăng văn chương hiện nay đang đứng ngoài dòng chảy buồn vui của cuộc sống?

1.Câu hỏi ấy nếu trả lời mạch lạc có thể khiến không ít người trong chúng ta cảm thấy đau lòng! Thôi thì cứ lấy tinh thần lạc quan để an ủi nhau rằng, văn chương trẻ có cách "tăng trưởng riêng", chưa cần dùng đến nguồn vốn kích cầu bức thiết từ ngân sách quốc dân!

Sở dĩ văn chương trẻ nở rộ trên thị trường xuất bản phần lớn nhờ các công ty sách tư nhân mạnh dạn đầu tư. Tuy nhiên, văn chương đâu hẳn thuộc về kèn trống nhộn nhịp. Phía sau tưng bừng những buổi giới thiệu sách và những chiêu thức PR đầy toan tính, văn chương trẻ suốt 12 tháng đã đủ tạo ra dăm khuôn mặt ấn tượng chưa?

Giữa những ngày giá vàng tăng bất thần vào buổi sáng và giảm đột ngột vào buổi chiều, thì nói về giá trị văn chương dù nhiệt tình hay dù thờ ơ cũng chẳng khác gì một trận đùa dai với những cơn đau tim của người Việt đang hăm hở thành đạt. Thế thì, tại sao chúng ta không dùng con mắt cởi mở hơn của những người đã náo nức bước qua thập niên đầu tiên ở thế kỷ XXI để nhìn văn chương trẻ như một phiên giao dịch cảm xúc cũng hứng khởi như một phiên giao dịch chứng khoán? Bằng thái độ nhẹ nhàng như vậy, người viết bài này xin trình bày một số suy tư chân thành của mình cùng bạn đọc trước bàn trà mùa xuân.

2. Thêm một tiếng thở dài cho lý luận phê bình! Những người yêu văn chương không thể nào che giấu được sự thật đáng buồn về diện mạo của lý luận phê bình văn học. Những cây bút lý luận phê bình lớn tuổi càng ngày càng thận trọng dần, còn những cây bút lý luận phê bình trẻ tuổi vẫn chưa thấy ló dạng.

Đành rằng thi pháp học vĩ mô hay thi pháp học vi mô cũng đều cần tích lũy và bồi đắp lâu dài, nhưng một thế hệ sáng tác thiếu vắng sự đồng hành của những đánh giá nghiêm túc thì thật đáng lo lắng. Nếu làm một bảng thống kê, chúng ta có thể kể ra trong năm qua có bao nhiêu tập truyện ngắn được xuất bản, bao nhiêu tập thơ được xuất bản, bao nhiêu tiểu thuyết được xuất bản, nhưng loay hoay mãi chẳng tìm ra cuốn sách lý luận phê bình nào dành cho văn chương trẻ.

Tâm lý ngại va chạm, hay sự khôn ngoan thêm bạn bớt thù thời kinh tế thị trường, đã trực tiếp khiến vài cây bút trẻ có năng lực cảm thụ tác phẩm quay sang nghiên cứu những tác giả văn học đã định hình, như những nhà… khảo cổ học văn chương.

Lác đác trên các phương tiện truyền thông, công chúng chỉ thấy những bài điểm sách của các nhà báo không nhiều độ tin cậy. Phải chăng, đã đến lúc nghĩ đến một chiến lược đào tạo những cây bút lý luận phê bình mới mẻ và năng động, để giảm bớt những lời bốc thơm thiếu kiềm chế đang tồn tại trong sinh hoạt văn chương trẻ?

3. Văn xuôi trẻ vào mùa bội thu tác phẩm! Nếu nhìn vào các quầy sách, nhiều người sẽ nghĩ như vậy. Chính tiện ích của blog đã nảy nở nhiều chàng trai và cô gái chỉ sau một đêm thức dậy bỗng được xưng tụng là nhà văn trẻ. Dẫn đầu danh sách bán chạy luôn được xác lập bằng hiệu ứng Internet với những câu quảng cáo nồng nàn nước hoa.

Một cô gái bình thường lấy nichname Gào với những câu chuyện dài ngắn khác nhau được tập hợp thành tập truyện "Cho em gần anh thêm chút nữa" và được giới rao hàng loan tin "người khai sinh ra nó là một hot blogger xinh đẹp và nổi tiếng".

Thế nhưng, muốn giữ nguyên cảm giác tốt đẹp ấy, công chúng không nên đọc tác phẩm, bởi sự vụng về và non nớt dàn trải qua nhiều trang sách. Thế nhưng, bài học tương tác từ thế giới ảo khiến vài bạn trẻ hình thành phản xạ láu lỉnh để thu hút dư luận.

Cô gái lấy nichname Keng là một ví dụ. Sau cuốn "Dị bản" gây sốc bằng khuyến cáo "chỉ đọc khi tuổi đã 18", Keng tiếp tục in cuốn "Hồng gai" với vẻ kiêu ngạo nhân lên "đừng đọc khi không thể sẻ chia, đừng đọc khi chưa từng mất mát, và đừng đọc nếu bạn thấy mình chưa đủ lớn". Thật ra, nhiều trang viết của Keng từa tựa một thứ "chuyện cảnh giác", cũng dụ dỗ, cũng lừa bịp, cũng cưỡng đoạt…

Keng muốn phác thảo một thái độ sống sòng phẳng trong một xã hội còn không ít những điều bất an, nhưng cô lúng túng chưa biết dúi lá bài số phận màu sắc như thế nào vào tay người đọc. Vì vậy, truyện của Keng tình huống nối tình huống, dằn vặt nối dằn vặt, trách móc nối trách móc phía sau ánh mắt thèm thuồng ẩn nấp ở cánh cửa phòng ngủ.

Vài tác phẩm văn xuôi trẻ đáng đọc trong năm qua có thể kể đến "Trại hoa đỏ" của DiLi, "Blogger" của Phong Điệp, "Thể xác lưu lạc" của Tiến Đạt hay "Phiên bản" của Nguyễn Đình Tú. Bốn tiểu thuyết ấy đều khẳng định được nỗ lực cầm bút của bốn tác giả, nhưng nếu đặt cạnh một cây bút Việt kiều thành danh chỉ nhỉnh hơn ít tuổi là Linda Lê với tác phẩm "Vu khống" thì thấy sự chênh lệch về bút pháp, cách thiết kế tình huống cũng như cách mổ xẻ tâm lý nhân vật.

Năm 2008, Nguyễn Ngọc Tư cho ra mắt truyện dài "Gió lẻ" chưa tạo được hiệu ứng như truyện dài "Cánh đồng bất tận" thì năm 2009 chị lại cặm cụi hoàn thành truyện dài "Khói trời lộng lẫy" dựa trên thế mạnh về sự thẩm thấu sông nước Nam Bộ. Không quá khốc liệt về chi tiết cũng không quá đột phá về văn phong, nhưng "Khói trời lộng lẫy" cũng đủ để những ai yêu mến Nguyễn Ngọc Tư tin tưởng rằng chị vẫn còn viết được!

4. Sân khấu thơ trẻ, nhiều người bỏ đi, lắm kẻ tìm đến! Ý niệm mỗi sản phẩm xuất bản cũng là một loại hàng hóa càng rõ nét, thì thơ càng trở thành mặt hàng khó bán bậc nhất. Ngay cả cái ham muốn in thơ cũng trở thành thứ phẩm hạnh vừa kiêu sa vừa ngậm ngùi của những người làm thơ. Trong khi dăm gương mặt từng được chào đón ríu rít đã lặng lẽ dần, bất ngờ những bạn trẻ khác lại rộn ràng đến với thi ca.

Nếu như Ly Hoàng Ly sống giữa đô thị sầm uất TP HCM in tập thơ mới có tên là "Quà" mà hầu như không có ai biết thì Ngô Thị Thanh Vân ở cao nguyên Gia Lai in tập thơ mới có tên là "Mười hai tháng sáu" lại lan tỏa ra khỏi cái địa bàn hẻo lánh tác giả đang cư ngụ. Thẩm mỹ thi ca luôn chuyển động khắc nghiệt như vậy, khi chính lứa tuổi thanh xuân không thể trổ lộc biếc thì sự lãng quên rình rập trên trang giấy trắng!

Từ khi chúng ta hoan nghênh trình diễn thơ thì càng có nhiều câu thơ viết vội hơn. Thế kỷ hối hả này, mảnh đất thi ca không còn chỗ cho khát vọng "thần đồng" nữa. Người làm thơ trẻ phải tự đặt mình trong ngổn ngang nhân tình mới mong thể hiện được chất thơ hiện đại. Những dự cảm được mang đến từ Lê Hưng Tiến, Nguyễn Quang Hưng, Đồng Chuông Tử, Điệp Giang… vẫn còn chập chờn, chưa thực sự lắng lại trong lòng người đọc.

Mảng màu đậm nhất trong bức tranh thơ trẻ năm 2009 là đề cao ý thức cá nhân giữa xã hội có tốc độ công nghiệp hóa chóng mặt. Dễ dàng đọc được trong tập "Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới" của Nguyễn Thế Hoàng Linh vài câu tưng tửng: "Người đi trên phố như dữ liệu, download vào trong trái tim này, những folder cứ đầy lên mãi, bao giờ mở lại cũng chẳng hay", và dễ dàng đọc được trong tập "Thức ăn của ngày hôm nay" của Đỗ Trí Vương vài câu tinh nghịch: "Tôi ước có thể sửa lại điệu bộ cho cô nàng Mỹ Tâm tội nghiệp, tôi ước là miếng thịt lợn, và dám để trước ngực mình tấm bảng đề: Tôi đang sống!".

5. Có thể chờ đợi văn chương trẻ trên bệ phóng 2010? Tất nhiên, niềm hy vọng bao giờ cũng êm ái hơn nỗi thất vọng. Tuy nhiên, nếu những cây bút bước qua tuổi 30 vẫn còn bị đóng khung trong khái niệm "văn chương trẻ" thì chúng ta cần e dè về sự bất ổn. Thế hệ tiền bối ở độ tuổi ấy đã vững vàng lắm rồi.

Phải chăng văn chương trẻ tăng tốc trong mơ hồ vì các tác giả trẻ cuống cuồng giữa nhịp điệu danh lợi không dám xem chữ nghĩa như một nghề nghiêm túc? Đành rằng văn hóa đọc ở nước ta đang ở tình trạng phải "kích cầu" mạnh mẽ hơn nữa, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến những trang viết hời hợt là ý thức của nhà văn trẻ. Dường như bị choáng váng trước sức hấp dẫn của thị trường, các tác giả mải mê chạy theo những đề tài ăn khách như sexy, đồng tính và lúi húi tô vẽ cá nhân.

Dường như vẫn tách bạch con người văn chương và con người xã hội, nên sự nhạy bén và sự năng nổ của văn chương trẻ chưa phác thảo được chân dung người Việt thời hội nhập! Muốn vậy, mỗi tác giả trẻ có lẽ cần trang bị một góc nhìn, để mỗi tác phẩm vang lên một tiếng nói đặc thù.

Có thể là tiếng nói của một nhân sĩ, tiếng nói của người lính, tiếng nói của một nhà giáo, tiếng nói của một công dân hoặc tiếng nói của một nông dân. Trong đời sống có rất nhiều kênh tiếp nhận, nếu hớn hở "em muốn ôm cả đất, em muốn ôm cả trời" thì kết quả chắc chắn là một tiếng kêu thảm thiết "mà sao anh ơi, không ôm nổi trái tim một con người"!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà báo - nhà văn, viết văn - viết báo

    21/06/2016Văn GiáMấy năm gần đây, thỉnh thoảng trong báo giới và văn giới của ta lại thấy vẩn lên câu chuyện: Nhà báo viết văn và nhà văn viết báo. Vế thứ nhất gần như mặc nhiên và được xem là thuận chiều, không có gì cần bàn lắm. Chủ yếu là ở về thứ hai. Có một số nhà văn tuyên bố ra miệng rằng: viết báo đối với họ chẳng qua là nghề tay trái, là “lấy ngắn nuôi dài”, là lo cái chuyện độ nhật... mà thôi.
  • Lịch sử - văn hóa và sex trong văn chương

    26/11/2015Nguyễn HòaSự có mặt một cách bất thường của sex trong đời sống văn chương vài năm gần đây đã được lý giải qua những nguyên cớ khác nhau, nhưng tựu trung, những người tán thưởng đều vô tình (cố tình?) lẩn tránh việc còn cần phải xem xét sex từ các quy chiếu văn hóa...
  • Lý tưởng xã hội và người viết trẻ

    25/01/2015Hồ Sĩ VịnhTrong xã hội ta hôm nay, thường có một thiên kiến dai dẳng: Tuổi trẻ đồng nghĩa với sự non dại, non dại đến độ vấp ngã. Một bộ phận cha anh thường nhìn họ với cặp mắt hoài nghi và tâm trạng bất an. Đó là một sự thật, dù nghiệt ngã. Thế mà trong văn học, tình hình lại khác. Hầu hết các tác phẩm của các nhà văn bậc thầy đều được sáng tạo ở tuổi 25-35. Ma lực sáng tạo, điện năng văn chương của họ hình như được tích tụ và phát sáng ở thập niên đầu tiên của nghề cầm bút ở nước ta cũng có tình hình tương tự...
  • Văn học nước Pháp

    10/11/2009Phạm QuỳnhÔng không nói hết câu, nhưng nghe cũng hiểu ý ông rằng: “Văn chương "chữ ta" hay lắm, nhưng mà những phường học chữ Tây như các bác không thể hiểu được, và chữ Tây của các bác dẫu có văn chương cũng chẳng đời nào bằng”.
  • Văn chương tính dục - adua hay tất yếu

    18/03/2009Vũ HuyềnSự xuất hiện bất thường của sex trong văn học gần đây đã làm tốn không ít giấymực của báo chí và gây khá nhiều tranh cãi trong công chúng, khiến người không muốn quan tâm cũng phải quan tâm.
  • Văn chương Việt Nam "mất đáy"

    15/10/2008Nhà văn Nguyễn Việt HàNhững tay lưu manh, những cô gái điếm, con sen thằng ở, đám xích lô ba gác của mọi ngóc ngách đường phố đã hoàn toàn biến mất khỏi tiểu thuyết Việt.
  • Văn chương trải nghiệm đàn bà

    30/07/2008Ngô BenLessing được xem là biểu tượng của phong trào bình đẳng giới. Những trang viết của bà thấp thoáng những trải nghiệm từ cuộc sống riêng với 2 lần kết hôn rồi ly dị, có 3 đứa con…
  • Văn chương, thẩm mỹ và văn hóa

    07/05/2007Duy XuyênĐặt văn chương trong mối quan hệ của thẩm mỹ và văn hóa, tác giả muốn đem đến cho bạn đọc một cách nhìn tổng quát hơn về vấn đề “văn chương - thẩm mỹ và văn hóa”. Lý giải về bản chất của cái đẹp trong sự sáng tạo, GS Lê Ngọc Trà đã đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể...
  • Văn chương - văn học năm 2006, chuyển dịch trong sự “nhiễu loạn”?

    04/02/2007Nguyễn HòaTới năm 2006, với những sự kiện - hiện tượng phong phú và đa dạng của nó, tôi lại thấy văn chương - văn học nước nhà như đang phát lộ một vài dấu hiệu chuyển mình. Và vì thế, dường như đâu đó ở cuối con đường, đã le lói một niềm hy vọng?
  • Bắt bệnh cho “sao văn chương”

    03/02/2007Phàm đã làm việc trong môi trường nghệ thuật thì người nghệ sĩ nào cũng cho rằng mình hơn người khác một bậc về tâm hồn. Thế nhưng cách hành xử đôi khi lại thiếu “bình thường” hơn cả những người bình thường đến mức không hiểu nổi. Đó có thể là một số bệnh tiêu biểu như thích tranh luận, thích trích dẫn, thích làm phiền...
  • Văn chương 2006 - một nồi canh hẹ

    03/02/2007Ngô Vĩnh BìnhTôi không nói văn chương năm 2006 là năm không có thành tựu: Có chứ, có Cánhđồng bất tậncủa Nguyễn Ngọc Tư, có những hoạt động "khuấy động phong trào" của Hội...Là thế nên tôi không muốn kết thúc bài báo nhỏ này như là một "vĩ thanh buồn" theo cách nói của một nhà báo khi nói về Giải thưởng năm nay của Hội. Nhưng có điều tôi không thể không nói khi nói về văn chương nước ta năm 2006, đó là năm văn chương rối như một nồi canh hẹ...
  • Ứng xử văn hóa trong văn chương: sự ầm ĩ không đáng có

    05/01/2007Bắc NamGần đây, dư luận xôn xao vì sự trùng hợp của một số chi tiết trong hai truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” ( CĐBT) của Nguyễn Ngọc Tư và “Dòng sông tật nguyền” ( DSTN ) của Phạm Thanh Khương. Hàng loạt ý kiến đăng đàn trên các phương tiện thông tin đại chúng về hai tác phẩm đã làm thành một làn sóng về ứng xử. Nên chăng tạo nên sự ầm ĩ không đáng có ấy? Chúng tôi xin ghi lại ý kiến của chính hai tác giả gửi cho nhau, ý kiến của các nhà quản lí, các nhà văn, nhà phê bình và độc giả xung quanh vấn đề này
  • Mạng là một cách tồn tại mới của văn chương

    25/08/2006Thụ NhânVăn chương mạng, cũng như văn chương dưới mọi hình thái tồn tại khác của nó, sẽ phải đi qua các giai đoạn sơ khởi, trưởng thành, và phát triển. Những dễ dãi, non nớt ban đầu là có, tất nhiên, và rồi nó cũng sẽ qua, tất nhiên, khi văn chương mạng đã là một hình thái tồn tại với các quy luật đào thải và tiến hóa của văn chương...
  • Văn chương mạng và những ảo tưởng của người viết

    18/08/2006Nhược điểm của văn học mạng là sự chia sẻ không đến cùng với người đọc và mầm mống căn bệnh ảo tưởng của người viết...
  • Văn chương và Ngòi bút

    13/05/2006Phan Việt, GS. TS. Lê Ngọc TràVăn học luôn luôn cần có cái mới, nhất là văn học hôm nay, khi mà bản thân đời sống đã thay đổi rồi mà văn học hình như vẫn chưa thay đổi mấy. Cái quyết định sự đổi mới ấy vẫn là nhà văn. Mà nhà văn muốn làm được thì trước hết không phải là đòi tự do để được viết mà là phải tự do vớingòi bút của mình...
  • Mùa xuân và văn chương trẻ

    28/01/2006Nguyễn HòaXuân Bính Tuất đã về. Và như là thói quen nghề nghiệp, tôi nghĩ tới những người viết văn trẻ - những người tôi vẫn thường đọc, thường chuyện trò, đôi khi còn hào hứng tranh luận giữa "bãi bia" hay quán cà-phê...
  • Hãy làm ra sản phẩm văn chương tốt

    20/01/2006Phan ViệtThường các nhà văn có hai cách cơ bản để thể hiện trách nhiệm của mình với thời cuộc. Cách thứ nhất là cách trực tiếp, không chỉ viết mà còn tích cực tham gia các phong trào chính trị, xã hội đến mức có người bị trục xuất khỏi tổ quốc. Cách thứ hai là gián tiếp dùng văn chương của mình để nói về những bất công trong xã hội, về những người bị thiệt thòi, vẽ ra cơ chế đàn áp thể xác và tinh thần con người, thách thức những điều kiện và niềm tin chung...
  • Ai có lỗi trong chuyện (văn chương buồn tẻ) này

    15/01/2006Người Việt mình không có thói quen đọc sách, chỉ thích đọc báo. Đọc báo dễ, lớt phớt. Trong khi đọc sách là một quá trình nghĩ cùng tác phẩm, một kiểu sáng tạo cho riêng mình, động não thật sự...
  • Trực diện với Văn học Việt Nam thế kỷ XX

    01/12/2005Nguyễn HoàBị hấp dẫn bởi tên gọi Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đọc cuốn sách với hy vọng được mở mang tầm nhìn, được bổ sung tri thức, được giúp lý giải các hiện tượng, các vấn đề lý luận - thực tiễn của văn chương - văn học dân tộc trong thế kỷ XX. Tiếc thay càng đọc thì nỗi thất vọng lại càng lớn dần...
  • Chân - thiện - mỹ: Mãi là đích hướng tới của văn chương

    17/11/2005Đinh Quang TốnTừ xưa đến nay, hướng tới chân - thiện - mỹ luôn là mục đích của văn chương. Bởi văn chương là một sản phẩm do con người tạo ra, mà con người thì khác muôn loài ở bản chất muốn vươn tới những điều tốt đẹp, nên văn chương luôn là một hoạt động vì con người, với khát vọng làm cho cuộc sống của con người ngày một tốt đẹp hơn...
  • Sáng tác “Bóng đè”, phê bình “nói mớ”

    06/11/2005Nguyễn HoàTập truyện trình làng mang tên Bóng đè của nhà văn trẻ Đỗ Hoàng Diệu đã làm không ít nhà phê bình tốn giấy mực nhưng những ý kiến trái ngược nhau xem ra còn lâu mới đến hồi kết!
  • xem toàn bộ