Văn chương Việt Nam "mất đáy"
Những tay lưu manh, những cô gái điếm, con sen thằng ở, đám xích lô ba gác của mọi ngóc ngách đường phố đã hoàn toàn biến mất khỏi tiểu thuyết Việt.
Văn xuôi hiện đại Việt Nam viết về lớp người "dưới đáy" xã hội, ngay từ hồi khai mở ở thời 1930 - 1945, đã có những thành công đáng kinh ngạc. Người ta có thể dễ dàng kể ra Ngoại ô của Nguyễn Đình Lạp (1913 - 1952), Sống mòn của Nam Cao (1915 - 1951), và đặc biệt là kiệt tác Bỉ vỏ của nhà văn 17 tuổi Nguyên Hồng. Đấy là chưa tính đến nhiều truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, nhiều phóng sự của Tam Lang hoặc Vũ Trọng Phụng. Không phải ngẫu nhiên mà văn nhân của chủ nghĩa hiện thực phê phán sống ở đô thị thời ấy thường hay quan tâm đến lớp người "dưới đáy".
Giá trị của "đáy"
Nhà văn Nguyên Hồng |
Đại loại có vài lẽ. Thứ nhất là lẽ chủ quan, nhà văn chỉ cảm động khi viết những thứ ở gần mình hoặc giống hệt mình. Hồi xa xưa, quá nửa trong số họ đều là bần hàn thị dân, thậm chí xuất xứ của vài người còn vất vả cư trú ở chính những chỗ tột cùng của đau khổ. Sự chia sẻ nhân văn, sự hiểu biết kiến văn cũng như sự khát khao muốn vượt thoát, làm lòng nhân ái của họ phẫn nộ, chua chát, không thể không viết. Họ chẳng cần phải đi thực tế, chẳng cần phải dự trại sáng tác, bởi tâm hồn họ luôn rưng rưng, đẫm đầy "những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Lẽ thứ hai, khách quan hơn. Phàm bất cứ thứ gì đã ở đáy, nhất là đáy của đời sống đô thị, ngoại trừ hiếm hoi của vài ba kết tụ tinh hoa, hầu hết đều có thể thành cặn thành đọng. Ở cái nơi "vừa lừa đảo vừa xót thương" này, con người ta bỗng dưng trở thành phức tạp, mang các giá trị nghịch nhau nhưng đồng nhất. Họ vừa có thể thô bạo hào sảng lại vừa có thể tinh tế ranh ma. Hoặc có lúc tha hóa tụt xuống lưu manh hoặc có lúc thăng hoa vươn lên nghĩa hiệp. Tốt bụng nhân hậu lẫn lộn cùng đoạn ni bạc bẽo dối trá. Với những yếu tố bản năng đặc trưng điển hình như vậy, những người "dưới đáy" thường lưu giữ được "bản lai diện mục" vào loại thật nhất của một bộ mặt xã hội trong một thời đoạn nhất định. Tất nhiên, với nhà văn, đó là mảnh đất cực kỳ màu mỡ để họ phát tiết tung hoành cày xới những ấm ức viết của mình. Và như đương nhiên, cặp tình nhân khét tiếng Tám Bính - Năm Sài Gòn đã sừng sững trở thành một tự hào độc đáo của tiểu thuyết Việt.
Không chịu nhìn xuống "đáy"?
Vậy nên có một điều lạ, hơn hai chục năm gần đây, trên văn đàn ở ta tự nhiên thưa đi, thậm chí vắng hẳn những nhà văn sống ở những thành phố lớn viết về "những kẻ khốn nạn" ấy. "Những kẻ khốn nạn" là chữ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh khi ông dịch cuốn Les Misérables của Victor Hugo ra Việt ngữ. (Ở thời điểm đó, chữ này được hiểu theo nghĩa khốn khó và hoạn nạn). Trước 1975, ở Sài Gòn cũng còn một vài tác giả tác phẩm, nhưng đến nay do nhiều lý do khách quan, độc giả đương đại đa phần không biết tới. Còn ở Hà Nội, Hải Phòng, hay Nam Định... thì tuyệt đối vắng hẳn. Những người "dưới đáy", chỉ nhếch nhác hiện lên qua lỏng lẻo một vài bộ phim truyền hình hoặc dăm ba phóng sự báo chí có mang tính điều tra xã hội học. Những tay lưu manh, những cô gái điếm, con sen thằng ở, đám xích lô ba gác của mọi ngóc ngách đường phố đã hoàn toàn biến mất khỏi tiểu thuyết Việt. Văn đàn nồng nặc những nỗi buồn sang trọng, những tình dục ẩm ướt, những "phản tỉnh" vĩ mô. Thỉnh thoảng người ta có viết về "ô sin" thì cũng chỉ để cười, hoặc giả, để trịch thượng thông cảm. Đơn giản bởi lẽ, người viết luôn nhân văn nhân hậu nhân nghĩa theo tâm thế chủ nhà. Độc giả cố đọc thì cũng thấy mong manh thấp thoáng hình hài "bọn dưới đáy", nhưng không hề thấy xót xa, không hề thấy phức tạp đau đớn, đôi khi lại thấy nhan nhản những xoi mói nông nổi đểu giả.
Cố nhiên, do sự tiến bộ xã hội với hàng loạt thành tựu xây dựng nâng cao con người cả vật chất lẫn tinh thần, càng ngày lớp người "dưới đáy" ở ta càng mỏng đi, nhưng "đám người nhỏ mọn" (chữ của văn hào vô sản Nga M. Gorki) ví như kẻ cắp chợ Đồng Xuân hay đàn bà con gái làm mát xa chẳng hạn, thì chẳng bao giờ hết. Hai mươi năm sau đổi mới với nền kinh tế thị trường ồ ạt đô thị hóa, sự phân tầng giàu nghèo đang được các nhà quản lý coi là vấn đề nóng hổi, thì việc những người "dưới đáy" bị mất quyền hiện diện trên văn chương quả cũng là điều day dứt đáng tiếc.
Vài độc giả có tuổi, gốc gác nhiều đời ở Hà Nội cho rằng, tại người viết bây giờ không còn ai ở "đáy" nữa, chỉ ở lưng lửng hoặc ở đỉnh. Nhà văn mà là công chức mà là dư dật, thì chỉ quen nhìn cao nhìn xa chứ làm sao mà nhìn thấp nhìn sâu được.
Ý kiến có vẻ nông nổi này được một số nhà văn trẻ đang sung sức viết về chủ đề tình dục cùng một số lý luận gia mải mê cách tân văn học cho là vừa buồn cười vừa vớ vẩn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005