Bắt bệnh cho “sao văn chương”

11:18 SA @ Thứ Bảy - 03 Tháng Hai, 2007
Phàm đã làm việc trong môi trường nghệ thuật thì người nghệ sĩ nào cũng cho rằng mình hơn người khác một bậc về tâm hồn. Thế nhưng cách hành xử đôi khi lại thiếu “bình thường” hơn cả những người bình thường đến mức không hiểu nổi. Đó có thể là một số bệnh tiêu biểu như thích tranh luận, thích trích dẫn, thích làm phiền...

Lĩnh vực nào cũng có “ngôi sao”. “Tầm vóc” của cái gọi là “người của công chúng” theo từng nghề nghiệp mà lớn nhỏ, rộng rãi, đại trà hoặc bó hẹp trong một xã hội con con, nhóm người thu nhỏ nào đó, tạm sắp xếp theo cấp độ giảm dần như sau: ca sĩ, diễn viên điện ảnh, người mẫu, diễn viên kịch, đạo diễn, dẫn chương trình (MC), nhiếp ảnh gia, nhà văn (nhà thơ)…

Thế mới thấy, thơ văn chỉ đứng hàng thứ yếu (kém). Vậy mà có một số chuyện vẫn luôn xảy ra, như “căn bệnh của sao” lâu lâu lại trái gió trở trời, thấy chướng mắt thì ít mà buồn cười thì nhiều.

Bệnh tranh luận

Một “sao” - nhà thơ B. - ở TP.HCM có những bài thơ vô cùng dữ dội, thẳng đuột và phong cách đầy sự đường phố, mà hễ cứ nhắc đến tên là các nhà xuất bản, những người làm chương trình đều cảm thấy phải e ngại.

Nhà thơ này không thích giữ lời, chị không thích làm việc theo nhóm, không thích tập thể (mặc dù chị cứ cho rằng mình là người hướng ngoại, nghĩ mình phù hợp với đời sống ở nước ngoài hơn), không thích tế nhị trong cách ứng xử mà chỉ thích phát ngôn tùy hứng, thích dạy đời, thích nói về học thuật khi văn hóa học vấn của chị chưa tới đâu (mà theo chị đi học cứ như là một nỗi nhục của nhân loại), chị luôn nói về những khái niệm làm người khác ái ngại rằng, nghĩa của từ “khái niệm” có thể chị còn chưa biết.

Bệnh trích dẫn

Có một nhà phê bình S. nọ, mà có lần nhà văn Đỗ Hoàng Diệu đã gọi là nhà “kê bình”. Mang tiếng là nhà phê bình nhưng anh rất hiếm xuất hiện, thỉnh thoảng tái xuất một bài chửi thậm tệ một một nữ văn sĩ hoặc một nữ thi sĩ đang “ăn khách”.

Anh này chỉ ngồi café, cơm trưa, đi lại với những người trong giới nghệ thuật nói chung và cho rằng mình thuộc giới đó, trong khi thiên hạ thừa biết anh chỉ kinh doanh là giỏi.

Cái sự đi Tây, đọc nhiều, tiếp nhận nhiều của anh không làm hay lên những bài phê bình, mà càng ngày càng phiến diện, cục bộ, cực đoan, đậm màu sắc thù hằn cá nhân nhiều hơn sự phóng khoáng, khách quan, công minh, học thuật.

Nói không ngoa, khi xem lại những bài phê bình của anh thế nào cũng có một câu trích dẫn của ông Tây, bà Đầm nào đó mà lắm lúc người đọc chỉ biết tên chứ không biết chắc được các ông bà ấy có “tuyên bố” những điều đó hay không. Không biết là anh đang khoe sự uyên bác, cả vú lấp miệng em, hay vì anh không tự tin vào những nhận định của các “nhà vĩ đại” trong nước, và đơn giản nhất là những nhận định của riêng anh?

Bệnh mặc áo cũ

Nếu cách đây 30 năm, bạn là thợ may giỏi, may được một cái áo tuyệt đẹp và xuất chúng, hiển nhiên bạn được mọi người tán dương và bạn nổi tiếng.

Ba mươi năm sau, bạn là một lão thợ may, vẫn may chiếc áo đó và suốt ngày huênh hoang với hàng trăm nhà thiết kế khác rằng bạn đã tài ba, vẫn tài ba. Mà bạn cố tình không muốn nhận ra bạn cũ mèm, bạn chậm chạp trước thời cuộc, bạn cố chấp trước sự phát triển của người sau bạn, bạn vẫn “hồn nhiên” mặc chiếc áo của mình.

Đó là “bệnh trạng” của nhà thơ V. một người có giọng thơ trào phúng, dí dỏm, rất thích hợp cho “thơ trên bàn nhậu”.

Đành rằng thơ của anh không ai phủ nhận đã từng rất hay, từng rất quan trọng, nhưng sự hãnh tiến của anh là một “trường đoạn” để anh sử dụng hào quang của mình mọi lúc mọi nơi mà không biết rằng, bấy lâu nay người ta đã loại anh khỏi các cuộc chơi văn chương, dè dặt trước giọng điệu hầm hố và to mồm của anh, dị ứng trước thái độ trịch thượng, thậm chí kệch cỡm của anh.

Bệnh đòi hỏi, làm phiền

L. - nhà thơ 8x đất Hà thành - được cho là tiên phong trong trào lưu văn chương nữ quyền. Nhà thơ này rất nổi tiếng về những cách tiếp thị tác phẩm của mình đến với người đọc theo kiểu “trời ơi”.

Ví dụ, một ngày nào đó bạn đến để nghe L. đọc thơ, đột nhiên bạn có việc đột xuất phải về, khi bạn vừa đứng lên ra tới cửa thì bị ngay một cú thộp và giọng khàn đặc chát cất lên chất vấn, “cảnh cáo” rằng bạn sắp vuột mất cơ hội đối diện với một thi nhân xuất chúng.

Sau khi bạn trình bày lý do cần phải ra đi thì “nàng” liền rút trong túi xách ra một tập thơ và bắt bạn mua, nếu giá bìa là 42.000đ mà bạn đưa 50.000 nàng sẽ không đưa bao giờ trả lại tiền thừa cho bạn. “Dễ thương” hơn, “nàng” sẽ rút từ trong túi ra 2 miếng quế lót giày (hoặc chổi rửa ly, hoặc cước chùi nồi, hoặc là một cái gì đó) để trừ vào tiền thừa đó (!!!).

Hoặc giả khi bạn muốn xin số phone và email, “nàng” sẽ quát thẳng vào mặt bạn rằng: “Tôi là người cả nước VN đều biết, anh thật là lạc hậu khi đến bây giờ cũng chưa biết số phone của tôi”. Choáng chưa?

Còn hằng hà sa số chuyện về nàng như: phá đám một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ văn chương (vì người ta nói về thơ trẻ mà “quên” nhắc tên nàng), hay là trong một buổi đọc thơ của các nhà thơ với nhau, nàng sẽ bịt tai lại không thèm nghe thơ của người đọc trước, còn đối với người đọc sau nàng sẽ giả vờ rớt cái này, vỡ cái kia để phân tâm sự chú ý của mọi người.

Ngoài những “căn bệnh” kể trên, còn khá nhiều bệnh phổ thông khác nữa như: Bệnh kể về tuổi thơ nghèo khó, bệnh “tự trọng” trước “nhuận bút”, bệnh mời cơm, café bạn bè nhưng lại về sớm (hoặc bận đi vệ sinh hoặc ngồi đồng làm ngơ hoặc móc ví rất… chậm).

Thật khó có thể tưởng tượng rằng đằng sau những nhân cách sáng bóng trên các trang sách, có vô vàn những “căn bệnh” khiến người không ở trong “hậu trường sao” vô cùng bất ngờ, còn người trong cuộc thì chỉ có nước … bó tay.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tiêu chuẩn người nổi tiếng

    07/05/2018Lê HoàngGần đây, rất nhiều tổ chức quốc tế gửi thư cho rất nhiều người Việt Nam, đề nghị đóng tiền để có thể được công nhận là người nổi tiếng đủ loại của thế kỷ và cũng khối ông háo danh bị lừa. Siêu thị hài xin đăng tải một thư như vậy...
  • Tác phẩm lớn, tại sao chưa?

    26/01/2007Chu Văn SơnVì sao văn học hôm nay chưa có tác phẩm lớn? Đây đâu phải vấn đề chỉ trả lời gọn trong một câu mà xong được. Bởi, thực ra, nó là câu hỏi đã và đang tra vấn cả nền văn học này.
  • Viết về "Sex" để nhanh nổi tiếng?

    01/04/2006Nhà phê bình Vương Trí NhànNhưng nếu mọi người đua nhau nói tới sex, người nào nẩy nổi lên cũng đều là qua con đường sex, và chỉ có vài cây bút bất tài mới dở giọng chính chuyên chê bai sex, thì điều đó chẳng có gì là đáng tự hào ...
  • Thương hiệu cá nhân - Tại sao không ?

    25/11/2005Ths. Lê Hoàng TùngNgày nay, khái niệm thương hiệu không chỉ gắn với sản phẩm mà có thể gắn vời bất kỳ chủ thể nào: tổ chức, địa đanh... thậm chí cả con người...