Lịch sử - văn hóa và sex trong văn chương

11:03 SA @ Thứ Năm - 26 Tháng Mười Một, 2015

Sự có mặt một cách bất thường của sex trong đời sống văn chương vài năm gần đây đã được lý giải qua những nguyên cớ khác nhau, nhưng tựu trung, những người tán thưởng đều vô tình (cố tình?) lẩn tránh việc còn cần phải xem xét sex từ các quy chiếu văn hóa.

Đặt vấn đề

Khoảng nửa đầu những năm 60 của thế kỷ trước ở Hà Nội, đi qua hiệu sách nhỏ ở đầu phố Hồ Hoàn Kiếm hướng ra đường Đinh Tiên Hoàng, ngắm tủ kính bày năm bảy cuốn Đông Chu liệt quốc ngoài bìa có in hình mấy ông mặc áo giáp, vừa cưỡi ngựa vừa vung gươm mà tôi thích mê tơi. Liền về nhà “moi ruột” chú lợn đất đựng tiền tiết kiệm, ra mua được hai cuốn. Đọc chưa hết một cuốn thì cha tôi bắt gặp, ngay lập tức tôi xơi một cái bợp tai và hai cuốn sách bị tịch thu không bao giờ gặp lại.

Vài năm sau, lục lọi đống tài liệu sách vở của người anh trai, tôi lại vớ được bản in rônêô trích dịch Nàng Idơ và Đêcamêrông - Truyện mười ngày của Thư viện trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khoái quá, tôi chui vào chăn nằm đọc ngốn ngấu thì anh tôi phát hiện, tôi tiếp tục xơi một cái bợp tai và bản dịch nhanh chóng bị thu hồi.

Hai sự kiện trên làm tôi rất ấm ức, cố hỏi tại sao mà cha và anh đều không giải thích. Về sau tôi lớn lên, cha và anh mới trả lời vì đó là mấy cuốn sách “bậy bạ”, như chuyện của nàng Hạ Cơ, rồi các chuyện trai gái tùm lum…, tuổi nhỏ không được đọc.

Về phần mình, khi đến tuổi được đọc các tác phẩm này tôi lại thấy chúng không bậy bạ, thậm chí tôi còn thích thú như lúc đọc Gacgăngchuya và Păngtagruyen của Rabơle hay Truyện mười ngày của Bôcaxiô. Lại nghĩ, nếu cha tôi còn sống và lại biết tôi đã đọc Ngài tổng thống, Trăm năm cô đơn, Người lữ hành kỳ dị, Đời tỷ phú… - các tác phẩm dịch từ văn chương nước ngoài mà trong đó nhiều chi tiết sex có thể làm cho câu chuyện của nàng Hạ Cơ trở nên… chưa là gì, thì có lẽ tôi sẽ xơi vô khối bợp tai (!?).

Kể lại chuyện trên, tôi muốn nói rằng dẫu chỉ là khoảng cách một hai thế hệ nhưng giữa cha anh và tôi đã có sự sai chênh trong quan niệm về sex cũng như về thị hiếu. Với thị hiếu, tôi sẽ trở lại vào một dịp khác. Bài viết này tập trung phân tích trả lời câu hỏi: Sex trong văn chương có phải là đề tài quan thiết, hay chỉ là “giả vấn đề” do một số tác giả còn ở trong tình trạng thiếu thốn khả năng sáng tạo, thiếu thốn năng lực tư duy đã không thể khai sinh ra các ý tưởng mới mẻ hơn?

Mâu thuẫn giữa những giá trị đạo đức

Nghiên cứu về quan hệ giữa con người với xã hội, xã hội học văn hóa coi mỗi người luôn phải “mang vác trên vai” một tập các vai trò, và dù tương đối, thì tương ứng với mỗi vai trò thuộc về một quan hệ nhất định nào đó là một hệ tiêu chí có ý nghĩa làm cơ sở bảo đảm cho mỗi quan hệ có thể vận hành, bảo đảm cho mỗi quan hệ được xác lập theo kiểu này mà không theo kiểu kia (như không thể nhầm lẫn quan hệ cha - con với quan hệ anh - em, không thể lấy quan hệ thầy - trò thay thế cho quan hệ vợ - chồng…).

Căn cứ vào đó, con người thực thi mỗi vai trò xã hội thông qua hệ tiêu chí riêng, phù hợp với yêu cầu ứng xử riêng của từng loại quan hệ. Suy rộng ra, từ xã hội học văn hóa, dù quan thiết đến mức độ nào thì sex trong văn chương bao giờ cũng có tiêu chí riêng trong sự đánh giá. Và xét trong tổng thể các quan hệ xã hội thì quan hệ giữa con người với vấn đề sex trong văn chương chỉ là một trong nhiều kiểu (loại) quan hệ mà con người phải “mang vác trên vai”. Tuy nhiên theo tôi, do sex là một loại hiện tượng đa diện và đa trị nên xã hội - con người quy chiếu nó từ nhiều góc độ khác nhau. Người ta có thể đánh giá sex từ đạo đức học, tâm lý học, giáo dục học, y học, xã hội học, sinh học… thậm chí dân tộc học cũng dành một sự quan tâm tới sex. Và trong mọi sự đánh giá đó, các tiêu chí có ý nghĩa văn hóa thường giữ vị trí nổi trội.

Sau khi in ấn - phát hành, tác phẩm văn chương trở thành tài sản chung của xã hội.

Một khi nó đã trở thành tiêu điểm chú ý của người đọc thì từ quan hệ giữa tác phẩm với nhiều kiểu (loại) chủ thể cảm thụ khác nhau mà nhiều kiểu (loại) quan hệ xã hội khác nhau được xác lập. Khi sex có mặt trong tác phẩm văn chương, nó không đơn nghĩa chỉ là hành vi tình dục, nó còn bị quy chiếu bởi nhiều tiêu chí khác, ngoài văn chương song có liên quan, vốn đang tồn tại trong đời sống. Trong thực tế các tiêu chí này đôi khi đối lập nhau, như hệ tiêu chí đạo đức chẳng hạn. Ngoài một số giá trị chung, mang tính phổ biến và trường tồn, có thể nói hệ tiêu chí đạo đức là hệ thống giá trị luôn đi liền với sự vận động của các thời đại lịch sử, gắn liền với các triết thuyết cũng như gắn liền với quan niệm về đạo đức của mỗi chế độ chính trị - xã hội.

Trong một số trường hợp, thông qua quan niệm đạo đức, có thể đánh giá tính tích cực hay lạc hậu của một lý thuyết xã hội; đồng thời, qua đạo đức, người ta có thể nhận diện bản chất nhân văn của mỗi nền văn hóa. Cũng cần lưu ý, khi đánh giá mặt đạo đức của sự vật - hiện tượng, con người không chỉ dựa trên các chuẩn mực đạo đức đương đại và chính thống, mà nhiều lúc còn dựa trên các chuẩn mực đạo đức đã ra đời, tồn tại trong quá khứ, nổi bật là các chuẩn mực có nội dung thuộc về truyền thống và bản sắc cộng đồng… Chúng ta đã, đang và sẽ còn được chứng kiến các mâu thuẫn rất khó điều hoà giữa những giá trị đạo đức đang thịnh hành và hướng tới, với các giá trị đạo đức vốn từng tồn tại một cách có ý nghĩa trong quá khứ.

Mâu thuẫn này thể hiện qua sự khác nhau giữa các thế hệ trong khi đánh giá các hiện tượng, hành vi đạo đức. Với tình huống này, trong chừng mực nhất định và nếu không tỉnh táo, tinh thần “bảo thủ” hay “cấp tiến” đều có thể đưa tới tác hại (VNN nhấn mạnh). Vì thế sự xuất hiện các ý kiến ủng hộ hay phản đối sex trong văn chương không phải là cái gì đáng ngạc nhiên, đặc biệt là về đạo đức. Trong quan hệ giữa các yếu tố khách quan và các yếu tố chủ quan, tình trạng chưa thống nhất, chưa đồng thuận giữa các tiêu chí văn chương với các tiêu chí ngoài văn chương khi đánh giá sex là hoàn toàn có khả năng xảy ra, và điều đó dễ đẩy tới sự bàn cãi, tranh luận trên văn đàn.

Những cấm kỵ đối với sex

Từ nguồn cội của sự sinh tồn, dù đã phát triển đến trình độ nào, con người vẫn không thể bỏ qua các nhu cầu thiết yếu cơ bản là ăn - mặc - ở - duy trì và bảo toàn nòi giống. Xét đến cùng, xưa nay mọi hoạt động của con người đều có nguồn gốc từ yêu cầu thoả mãn các nhu cầu thiết yếu nói trên.

Từ thuở hồng hoang đến thời hiện đại, nhu cầu của con người luôn ở trong xu thế gia tăng về số lượng lẫn chất lượng và “tính người” - hay tính văn hóa-văn minh -. Nó đã trở thành tiêu chí đầu tiên, thước đo đầu tiên đánh giá bản chất hành vi thoả mãn nhu cầu của con người. Trong bối cảnh ấy, việc thoả mãn nhu cầu sex cũng không nằm ngoài tính tất yếu. Nó chịu sự chi phối của văn hóa, và đẹp - xấu, hay - dở như thế nào cũng đều được xã hội và con người đánh giá qua lăng kính văn hóa. Nói cách khác, cũng như ăn - mặc - ở, nhu cầu duy trì và bảo toàn nòi giống luôn phải đáp ứng đòi hỏi phải được “văn hóa hóa”. Theo tôi, việc chúng ta sử dụng trong sinh hoạt xã hội những tính - trạng từ như “bừa bộn, tạm bợ” khi đề cập tới sự ở, “nhếch nhác, luộm thuộm” khi đề cập tới sự mặc, “vục đầu vai vế” khi đề cập tới sự ăn, “bậy bạ, trụy lạc” khi đề cập tới một loại hành vi, xét cho cùng luôn có ý nghĩa tối thượng và tự nhiên là duy trì và bảo toàn nòi giống, đều xuất phát từ quan niệm văn hóa, mà trực tiếp là văn hóa đạo đức.

Trong lịch sử loài người, ở một số giai đoạn, việc thoả mãn nhu cầu ăn - mặc - ở còn trở thành tiêu chuẩn xác định “phận vị” xã hội của mỗi thành viên. Đã có thời vua quan và thứ dân không chỉ phải (được) ở trong các ngôi nhà khác nhau, mà ngay với sự “mặc”, người ta cũng chi tiết hóa sự khác nhau, thể chế hóa sự khác nhau về “phận vị” thông qua những quy định về kiểu cách, màu sắc. Xét lịch sử phát triển của nhu cầu cùng khả năng sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của con người, ta có thể thấy, trong khi nhu cầu ngày càng được nâng cấp và phong phú, đa dạng thì đồng thời con người cũng cố gắng xây dựng các chuẩn mực, chế định hóa các chuẩn mực, để không chỉ quản lý mà còn để điều chỉnh, sao cho sự tăng phát của nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu có thể vận hành theo một quỹ đạo lành mạnh.

Với nhu cầu duy trì và bảo toàn nòi giống, có lẽ do tính chất “tế nhị” của nó, do nó có thể trỗi dậy một cách bản năng không cần tới một tác nhân môi giới nào, đặc biệt, có lẽ còn do sức ám ảnh của sex mà những cấm kỵ (tabu) dành cho sex cũng nhiều hơn, chặt chẽ hơn so với nhu cầu ăn, mặc, ở. Trước đây ở Việt Nam, từ vai trò chi phối của Nho giáo, việc công khai đề cập tới sex trong sinh hoạt chính thống của xã hội thường bị coi là “tà dâm”, là đáng xấu hổ, đáng bị lên án (Nhân đây cũng xin thử đề cập tới một tình thế theo tôi khó có lời giải là trong lịch sử, đã có nhiều tôn giáo nhấn mạnh vấn đề “diệt dục” và không ít nhà tu hành đã đi theo con đường này.

Vậy, xét từ phương diện nhu cầu tự nhiên, nhà tu hành có thể hạn chế ăn - mặc - ở, như không mặc quần áo, không sống ở nơi tiện nghi, uống nước lã ăn bánh mì hoặc không “xơi” một số thực phẩm có tính cấm kị… nhưng nhà tu hành quyết liệt chống lại một nhu cầu rất riêng tư là sex. Liệu có nên nói rằng cố gắng này có thể ảnh hưởng tới môi trường truyền giáo nói chung nếu tín đồ cũng noi gương họ và “diệt dục”, nghĩa là nếu có điều đó xảy ra thì sự lưu truyền nòi giống sẽ chấm dứt!?). Nhưng nghịch lý lại thể hiện ở chỗ xưa kia, ở cả phương Đông và phương Tây, sex công khai thường bị xem là cái gì đó đáng bị phê phán song người ta vẫn viết và lưu truyền Kamasutra, Tố nữ kinh (còn có một tên gọi khác là Khoái lạc và trường sinh), Kim Bình Mai… Khảo sát kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam, sẽ thấy số truyện có liên quan tới hai đề tài “ăn” và sex chiếm tỷ lệ áp đảo so với các đề tài khác.

Phải chăng đây là hai nỗi ám ảnh trong cuộc sống thường nhật của người Việt thời quá khứ? Và từ các chức năng của văn hóa dân gian, thì phải chăng đây là một cách thức, là sự bày tỏ thái độ của công chúng trước các quan niệm đạo đức khắc kỷ do Nho giáo truyền bá?

Sex và lựa chọn của nhà văn

Hơn năm thế kỷ trước, một trong những tiền đề tinh thần đẩy tới tư tưởng nhân văn thời Phục hưng là khát vọng làm thế nào để con người được là chính mình. Các tác giả lỗi lạc như Bôcaxiô, Rabơle… đã gửi gắm vào tác phẩm của họ lời ca ngợi tình yêu lứa đôi trong sáng, cùng thái độ phê phán đối với các giáo điều hà khắc và bạo lực xã hội thời Trung cổ. Qua thủ pháp nghệ thuật trào lộng có màu sắc sex, họ đã góp phần quan trọng tạo ra bước ngoặt trong đời sống tinh thần của loài người. Truyện mười ngày (Bôcaxiô) hay Gacgăngchuya, Păngtagruyen (Rabơle) được lưu giữ như tài sản vô giá của văn chương nhân loại là ở tinh thần khai phóng của chúng; người đọc các thế hệ sau đã không quan tâm nhiều tới yếu tố sex được thể hiện trong tác phẩm ra sao.

Ở Việt Nam thời Trung đại, có thể nói yếu tố sex hầu như vắng bóng trong các tác phẩm văn chương được coi là chính thống. Khi các quan niệm khắc kỷ về đạo đức đang thịnh hành trong xã hội thì dù có muốn, từ Truyền kỳ mạn lục, Thánh Tông di thảo… đến Truyện Kiều, tiền nhân cũng chỉ đề cập tới sex một cách bóng bẩy, mơ hồ. Và lịch sử văn chương Việt Nam đã không dung chứa trong nó những tác phẩm mà ở đó yếu tố sex được thể hiện trực tiếp và ít nhiều trần trụi như Hoa viên kỳ ngộ tập (thế kỷ 18) hoặc Hà hương phong nguyệt (đầu thế kỷ 20)… Ngoài các nhà nghiên cứu chuyên sâu, công chúng rộng rãi hầu như không biết tới các tác phẩm có tính chất “ngoài luồng” này. Một khi đến giai đoạn tiền hiện đại của văn chương Việt Nam, vẫn còn những tác giả coi Truyện Kiều là “dâm thư” thì, từ sự thấu triệt tính bảo thủ của ý thức xã hội, cũng nên chia sẻ với một số tác giả vài chục năm trước còn cho rằng Số đỏ, Làm đĩ, Giông tố… thậm chí đến thơ Hồ Xuân Hương là “dâm tục”.

Như đã trình bày ở trên, theo chiều dài lịch sử, sự phát triển của nhu cầu cùng với sự phát triển của khả năng đáp ứng nhu cầu của con người đã đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ đơn điệu đến phong phú, đa dạng. Cùng với lịch sử, khái niệm “nhu cầu” không còn dừng lại trong phạm vi thuần túy vật chất như ở thời sơ khởi. Khả năng nhận thức tự nhiên, xã hội và chính bản thân con người đã làm nảy sinh các nhu cầu mới, trong đó nổi lên là nhu cầu tinh thần. Nếu khảo sát trực tiếp và cụ thể, thì về hình thức đôi khi nhu cầu tinh thần dường như không có quan hệ với nội dung vật chất, song nếu xét đến cùng thì quan hệ là có thật. Người ta không thể lảng tránh thực tế đó khi có một cái nhìn biện chứng về quan hệ giữa con người với thế giới khách quan.

Cho tới ngày nay, trong hằng hà sa số cảm xúc và rung động thẩm mỹ của con người trong đời sống tinh thần, phải thừa nhận rằng những cảm xúc thánh thiện, thanh khiết về tình yêu, những khoái cảm nhân tính có nguồn gốc từ quan hệ tính giao đã có một vị trí nhất định trong sinh hoạt xã hội nói chung, trong văn chương nói riêng. Điều đó góp phần triệt tiêu tính bản năng trong sex, làm cho sex thăng hoa như là một loại hoạt động tinh thần được con người nâng niu, trân trọng. Nên ở các giai đoạn lịch sử trước, dẫu bị phê phán (thậm chí bị kết tội), nhu cầu hướng về tính yêu lứa đôi và những khoái cảm mà tình yêu lứa đôi đưa lại vẫn được bày tỏ bằng những cách thức khác nhau.

Quy chiếu vào văn chương, chúng ta thấy văn chương là sản phẩm của đời sống tinh thần, tác phẩm văn chương ra đời trước hết là nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần. Đối với văn chương, ý nghĩa tinh thần là hết sức đa dạng và không có giới hạn. Trong khi đó, sex trong văn chương thường chỉ khu biệt trên hai phương diện: nhà văn sử dụng sex trong tác phẩm như thế nào và công chúng tiếp nhận sex ra sao.

Về phía tác giả, nếu tác phẩm là nơi gửi gắm suy tư, nơi đưa ra thông điệp tinh thần… Còn về phía người đọc, họ đi tìm sự đồng vọng với suy tư của nhà văn và lĩnh hội thông điệp tinh thần từ tác phẩm để bổ sung, làm phong phú đời sống tinh thần của chính mình. Năng lực thực tế cùng cá tính sáng tạo của nhà văn cho phép mỗi người tìm thấy từ “tập vai trò xã hội” mà họ có được, đâu là vai trò phù hợp và cố gắng khai thác đặng tìm ra phương cách triển khai trong tác phẩm. Như vậy nhà văn luôn đứng trước rất nhiều khả năng; họ lựa chọn khả năng nào là tùy thuộc vào những yếu tố khách quan - chủ quan cụ thể. Nói như thế cũng có nghĩa, sex chỉ là một trong nhiều cách thức nhà văn sử dụng để gửi gắm ý nghĩa tinh thần. Do đó, sex không phải là phương tiện đặc hiệu duy nhất có khả năng mở ra cánh cửa thâm nhập vào thế giới nội tâm sinh động và tinh tế của con người (VNN nhấn mạnh).

Khảo sát lịch sử văn chương sẽ thấy vô số cách thức khác nhau để nhà văn lựa chọn, sử dụng. Song lựa chọn và sử dụng như thế nào trước sau đều phụ thuộc vào việc nhà văn có khả năng trừu xuất các thông điệp đó từ trí tuệ, từ suy tư của chính mình trước những biến cố, những số phận, những vấn đề xã hội - lịch sử - con người… hay không.

Ngày nay, cùng với sự phát triển, những mối quan tâm cùng khả năng nhận thức của con người đã được mở rộng về biên độ, nâng cao về trình độ đến mức phải nói rằng dù có muốn thì bất kỳ cá nhân hay nhóm cá nhân nào cũng không thể bao quát hết được. Điều đó làm phân tán sự quan tâm đến sex, và dường như sex lành mạnh đã và đang trở thành một loại hiện tượng bình thường trong sinh hoạt xã hội. Còn trong văn chương, khi sex được nhận thức - phản ánh phù hợp với lôgic nội tại của cuộc sống cũng như lôgic của bản thân tác phẩm; nói cách khác, nếu nhà văn không lạm dụng và không đề cao sex trong tác phẩm, không tỏ ra thích thú một cách bệnh hoạn với nó… thì không có gì đáng phải quan ngại. Còn nếu ai đó giải thích rằng nhà văn sử dụng sex trong tác phẩm để đưa ra một thông điệp về “giải phóng phụ nữ”, theo tôi, đó thật sự là một “giả vấn đề”, một ngụy biện nhiều hơn là một tường minh văn chương (VNN nhấn mạnh). Và tôi nghĩ, sự ấu trĩ trước các biến động lịch sử, sự thiếu vắng khả năng luận giải các biến động lịch sử trong tính tất yếu của nó hoàn toàn có thể đẩy người ta tới những ngộ nhận không đáng có trong sinh hoạt trí thức của xã hội.

Những ngộ nhận này, với ảnh hưởng của chúng, chỉ có khả năng làm “nhiễu loạn” các tiêu chí định giá mà thôi.

Cái thiếu của nhà văn Việt Nam khi viết về sex

Theo dõi văn đàn Việt Nam vài năm trở lại đây, liên quan đến “sex’, tôi nhận thấy có hai hiện tượng: một là sự xôn xao trước tác phẩm của một số cây bút nữ Trung Hoa, hai là sự xuất hiện một vài tác giả Việt Nam có xu hướng sử dụng sex trong tác phẩm. Hai hiện tượng trên là bình thường với một nền văn chương có nội lực “thâm hậu”, song, với đời sống văn hóa Việt Nam đương đại - trong đó văn chương là một bộ phận cấu thành -, chúng lại được nhiều người chú ý. Sự đồng tình hay không đồng tình của công chúng trước hai hiện tượng này, một mặt cho thấy tính chất phức tạp của thị hiếu văn chương đương thời, một mặt qua đó liệu có thể đặt ra câu hỏi về khả năng thật sự của một vài nhà văn cùng nỗ lực tỏ ra ưu thời mẫn thế của một vài tác giả viết phê bình (VNN nhấn mạnh).

Thật ra, không chờ đến ý kiến tán thưởng của một số cây bút phê bình cùng lời thanh minh của một hai tác giả về tác phẩm của họ tôi mới biết tới tham vọng sử dụng sex để chuyển tải một (những) thông điệp tinh thần. Trong Lời tựa tiểu thuyết Ổ rơm (NXB Hội Nhà văn, H.2002) Trần Quốc Tiến từng viết: “Các phó thường dân nói rằng đệ nhất khoái là nằm ôm vợ trên Ổ Rơm. Rồi từ cái Ổ Rơm ấy hàng vạn hàng triệu tiếng khóc chào đời. Không ít các thiên tài chui ra từ Ổ Rơm”. Song triết lý “ổ rơm” đã không chứa đựng điều mà tác giả ngỡ đã làm được, cuối cùng thì cuốn tiểu thuyết lấy “ổ rơm” làm điểm tựa tinh thần đã sớm yểu mệnh cùng các “scène sex” phản cảm. Trong khi đó, với tiểu thuyết Dòng sông mía (NXB Hội Nhà văn, H.2004), dù một số chi tiết sex được đề cập khá trần trụi thì vẫn không gợi lên sự phản cảm, chưa thấy dư luận đánh giá về mặt đạo đức. Dường như giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam được trao cho Dòng sông mía ít nhiều đã phản ánh một cái nhìn khoáng đạt, hợp lý hơn đối với vấn đề sex trong tác phẩm?

Quả thật trước mắt, tôi cũng chưa chuẩn bị thấu đáo để có thể bắt tay triển khai một chuyên luận về sex trong lịch sử văn chương. Trong bài viết này, tôi cũng không có ý định phân tích và đánh giá một số tác phẩm có đề cập tới sex đã xuất bản ở Việt Nam trong những năm qua. Vả lại nếu có viết cũng khó lòng vượt qua đánh giá của một số đồng nghiệp, như gần đây nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn viết trên báo Khoa học và đời sống:

Không may cho tôi là đến giờ phút này bản thân không tìm thấy cái cảm giác tốt đẹp và cái lý do vững chắc nói trên khi đọc một số trang sách có ít nhiều liên quan tới tính dục của các tác giả trong nước, nhất là mấy bạn trẻ. Về nguyên tắc, tôi biết lớp trẻ hiện nay cũng đang có nhiều bức xúc. Họ không bằng lòng sống theo nếp cũ. Họ muốn thể nghiệm. Những khoái lạc muôn màu muôn vẻ của con người, họ muốn hưởng thụ và giúp nhau hưởng thụ. Song có lẽ là vì chúng ta được chuẩn bị quá sơ sài, nên những nỗ lực nóng vội của chúng ta dẫn đến tình trạng lê lết trong tuyệt vọng, thậm chí có phần gần với bệnh hoạn. Nói đơn giản là đọc nhiều trang sách nói tới sex tôi thấy nó không phải là nhu cầu chân chính của người viết mà nhiều khi như là học đòi. Hoặc trong một số trường hợp, thoáng bắt gặp ở người viết một cái gì như là thèm thuồng, viết ra để mơn trớn vuốt ve chiều chuộng mình, đáp ứng những nhu cầu bản năng có phần thấp của mình mà không nối nó được với những nhu cầu cao đẹp nhất thiết phải có.

Tôi đồng tình với nhận xét của nhà phê bình họ Vương, bởi tôi vẫn cho rằng sự thiếu thốn khả năng tư duy sâu sắc và triệt để của đa số nhà văn Việt Nam hôm nay chỉ có thể đưa tới cái gì đó gần gũi với “ăn may”, chưa tạo điều kiện giúp họ đi xa hơn trong nghề nghiệp.

Tương tự như thế, sau khi đọc các tác phẩm như Cô gái đánh cờ vây, Búp bê Bắc Kinh… tôi đã đoán định tác giả của chúng được chuẩn bị tinh thần khá cơ bản trước khi cầm bút. So sánh với tác phẩm của một số cây bút trẻ trong nước, tôi nghĩ rằng giữa họ, ngoài hai đặc điểm chung là cùng đề cập đến sex và chủ yếu là các cây bút nữ, còn lại là một khoảng cách khá xa về khả năng tư duy để phát hiện ý tưởng. Nông cạn, hời hợt trong suy nghĩ, lười nhác trong trải nghiệm… thì khó lòng tìm thấy một (các) ý tưởng ra trò. Do vừa coi sex như một nhu cầu tự nhiên - văn hóa của con người cần được trân trọng, vừa quan niệm sex không phải là tất cả, không phải là phương tiện ưu thắng để chuyển tải ý nghĩa tinh thần trong tác phẩm văn chương, tôi dự đoán một ngày nào đó trào lưu của những tác giả như Sơn Táp, Xuân Thụ, Thiết Ngưng… sẽ “xẹp” dần. Cuộc sống xã hội - con người hiện đại với tính muôn màu của nó, trong những tình thế và các biến thể phức tạp của nó… đang đòi hỏi ở nhà văn nhiều hơn là những câu chuyện xác thịt. Dù nhà văn có làm cho sex mùi mẫm và ngất ngây, dù nhà văn có buộc sex phải è cổ còng lưng mang vác “thông điệp” thì cũng không thể cung cấp lời giải có ý nghĩa tham chiếu cho các tình thế. Mặt khác, trước sự mở rộng và ngày càng mở rộng của thế giới tinh thần con người, văn chương cần theo kịp với sự mở rộng ấy. Loanh quanh với bức xúc và sở thích, sở đoản thì nhà văn sẽ nhanh chóng tụt hậu, tác phẩm cũng nhanh chóng trở nên lạc lõng. Cái gì thuộc về “mốt” thì cũng sẽ qua đi.

Và xem chừng dự đoán của tôi về tác phẩm của Thiết Ngưng, Cửu Đan, Xuân Tụ… là có lý nếu ai đó đã đọc bài Sự thoái trào của tiểu thuyết tình ái Trung Quốc (Phạm Tú Châu dịch, laođộng.com.vn, ngày 29/4/2006). Xin trích một đoạn:

Tiểu thuyết tình ái năm 2005 dường như đã chứng tỏ sự thoái trào đó, mặc dù dấu vết của dục vọng vẫn còn. Thân xác cũng thường xuyên có mặt nhưng đã bị một số tiểu thuyết tình ái kêu gọi tình cảm chân thực, theo đuổi tình yêu chân chính dần dần làm cho nhạt nhoà. Sự chuyển hướng này trong sáng tác của nhà văn nữ càng nổi bật.

Tốc độ thời đại và bản lĩnh nhà văn

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà bản thân nó thật sự là một cuộc chạy nước rút dường như không biết ngừng nghỉ. Sự kiện nối tiếp sự kiện, thông tin nối tiếp thông tin… tất cả cùng hối hả, dồn dập. Nhiều sự kiện - con người tưởng chừng sẽ còn ám ảnh lâu dài thì ngoảnh đi ngoảnh lại đã trở thành quá vãng. Bộ nhớ tự nhiên của con người đang đứng trước một thách thức: làm thế nào để vừa có thể thâu nhận thông tin mới một cách cập nhật, vừa phải chọn lọc để lưu giữ, vừa phải dọn chỗ để nạp thông tin mới hơn. Vừa hôm qua đây thôi, cánh trẻ còn đang say sưa với hip-hop. Và trong khi lớp người lớn tuổi chưa kịp tìm hiểu hip-hop là gì thì cái sự quay cuồng kia đã bị thay thế bằng alternative-rock. Chỉ sau gần chục năm, các bậc cha mẹ ở Việt Nam đã phải thích ứng với khá nhiều thói quen đang hình thành trong lớp trẻ. Cuộc sống của chúng ta đã và đang có những biến động mới với những tiết tấu mới, làm xuất hiện những giá trị mới đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của những chuẩn mực thế hệ.

Hôm nay, tinh thần dân chủ, tính năng động cùng khả năng liên tục thay đổi của các sản phẩm văn minh thời đại đã thâm nhập, tác động vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Văn chương không phải là ngoại lệ. Khi mọi thứ đều có thể trở thành hàng hóa, nếu không có bản lĩnh và sự sáng suốt, người ta khó có thể gìn giữ cho văn chương cái dáng vẻ thuần khiết vốn có. Gia nhập thị trường trong sự hồn nhiên nghề nghiệp, xem chừng không ít nhà văn Việt Nam còn ngơ ngác như lần đầu tiên có mặt chỗ đông người. Và trong khi nhiều nhà văn còn tỏ ra e dè, thì lại có nhà văn cố gắng chiếm lĩnh, hoặc theo tinh thần trục lợi, hoặc nhằm thoả mãn mong muốn được là “người của công chúng”.

Cứ thế, ở nhiều thời điểm, xem ra văn đàn cũng hối hả, quay cuồng với các tác phẩm, các tên tuổi mà những tính từ “lỗi lạc”, “tài năng” được sử dụng một cách dễ dãi. Năm bảy năm qua, đã có sự “lên ngôi” của hàng chục tác phẩm, hàng chục tác giả mà căn cứ vào những gì báo chí đã đăng, đồng nghiệp đã viết, những tưởng chúng và họ sẽ mãi mãi lưu danh. Tiếc thay, mọi chuyện lại nhanh chóng đi vào quên lãng! Từ quan sát và chứng kiến, tôi đã đặt ra và hy vọng một ngày không xa sẽ trả lời một số câu hỏi, đại loại như: Với kinh tế hàng hóa, văn chương Việt Nam có điều kiện được “thăng hoa”? Liệu có thể kết luận trong một số trường hợp, tác phẩm - tác giả văn chương đã trở thành “cái gì đó” tương tự những ngôi sao nhạc “sến” với các ca khúc hát hôm nay rồi ngày mai quên?

Kết luận

Từ góc nhìn xã hội học, sau 20 năm đổi mới, dường như đang có sự sắp xếp lại để hình thành nên những nhóm bạn đọc khác nhau. Vào các cửa hàng sách tự chọn, quan sát cách công chúng chọn mua sách vở, có thể hình dung về nhiều kiểu thị hiếu. Qua các quầy bán báo lại thấy tủi thân thay cho báo chí văn chương, vì chúng hoặc bị xếp sau những tờ báo đang “ăn khách”, hoặc lấp ló góc quầy, hoặc nhận được câu trả lời không có báo vì không bán được! Nói vậy song mỗi năm vài lần, các tờ báo liên quan đến văn chương bán hết veo ngay sau khi phát hành. Ấy là khi có “sự vụ văn chương” vừa mới xảy ra và mấy năm nay đôi lúc là “sự vụ” ít nhiều có liên quan đến sex! Báo chí quan tâm, bạn đọc quan tâm, đến cả “đầu nậu” sách cũng tỏ ra sốt sắng…, có lẽ chủ yếu vì cái đề tài sex nhạy cảm vừa làm nhóm bạn đọc này thích thú, vừa làm lớp bạn đọc kia nhăn mày. Rồi từ một hai cuộc tranh luận, bỗng nhiên mọc ra một "ngôi sao văn chương” với các cuộc phỏng vấn nếu không lặp đi lặp lại một “tuyên ngôn” thường là sáo rỗng. Trong ánh hào quang theo tôi là giả tạo đó, đáng tiếc lại có nhà văn đã không nhận ra chính họ đang trở thành nạn nhân trong trò chơi tung hứng của báo chí và biết đâu, sex chỉ là cái cớ để người ta tăng số lượng phát hành.

Sự có mặt một cách bất thường của sex trong đời sống văn chương vài năm gần đây đã được lý giải qua những nguyên cớ khác nhau, nhưng tựu trung, những người tán thưởng đều vô tình (cố tình?) lẩn tránh việc còn cần phải xem xét sex từ các quy chiếu văn hóa. Về phần mình, đến nay tôi vẫn không thể tự thuyết phục được mình rằng trên đời này lại có một sự vật - hiện tượng “thiếu văn hóa” mà có khả năng chứa đựng một giá trị tinh thần tích cực. Cứ cho là sex chỉ tồn tại với ý nghĩa là phương tiện, thì thử hỏi một thứ “sex bẩn” liệu có khả năng chuyển tải một “thông điệp sạch” hay không? (VNN nhấn mạnh). Tôi nghĩ, chỉ với trí tưởng tượng nghèo nàn, với động cơ văn chương đáng ngờ... người ta mới có thể phô bày sex vượt ra khỏi sự chi phối của văn hóa. Một tác phẩm có yếu tố sex sẽ không có gì là xấu nếu nó đem tới những rung cảm trong sáng và lành mạnh. Nhưng một tác phẩm sẽ trở nên ghê tởm nếu nó chỉ đưa tới sự nhầy nhụa và phản cảm.

Như đã nói, sự sai chênh về quan niệm, thị hiếu văn chương giữa các thế hệ người đọc là điều khó tránh khỏi trong tiến trình phát triển của một xã hội, nhất là ở Việt Nam vào thời đoạn thang bậc giá trị xã hội - con người đang có những dịch chuyển. Nói như thế không có nghĩa những gì thuộc về thế hệ trước là bảo thủ, những gì thuộc về thế hệ sau mới là tiến bộ, văn minh. Dẫu khác nhau đến thế nào thì giữa các thế hệ vẫn có mẫu số chung, đó là: sự hướng thiện, sống chân thực và trân trọng cái đẹp. Nói cách khác, mọi thế hệ luôn biết tự ý thức về vấn đề “văn hóa hóa” hành vi sáng tạo và cảm thụ, qua đó kế tiếp nhau làm nên tính liên tục của văn hóa. Các tuyên ngôn văn chương nông cạn và đại ngôn, những tác phẩm văn chương cố lên gân để tỏ ra thời thượng… sẽ nhanh chóng bị lãng quên, bởi xét đến cùng chỉ là trò chơi văn chương chưa đến độ.

Hơn lúc nào hết, chính lúc này, nhà văn cần tỉnh táo để xây dựng khả năng phân biệt sự khác nhau về bản chất giữa văn chương của muôn đời với văn chương của những thời khắc. Khi xã hội manh nha hình thành thói quen chú ý đến các sản phẩm hàng hóa thời thượng, thì trong cuộc mưu sinh, nhà văn có thể sản xuất ra loại sản phẩm văn chương đáp ứng thị hiếu tức thời của một vài cá nhân, một nhóm xã hội nào đó và nhận được sự tán thưởng. Nhưng đó chưa phải là tất cả, nhà văn tài năng là nhà văn thuộc về mọi người. Còn về phía một số nhà phê bình, nhân đây tôi muốn gửi đến họ một ý kiến chân thành: hãy dành sự quan tâm nhiều hơn nữa tới góc nhìn văn hóa về tác phẩm, chớ lấy cái chủ quan thay thế cho cái khách quan… để làm cho tác giả tự huyễn hoặc về tác phẩm và tài năng của họ. Cuối cùng, xin nhắc lại điều tôi đã đọc và đã viết ở đâu đó rằng: “Hãy bằng lòng với những gì tác giả cho ta, đừng bắt anh ta cho cái mà anh ta không có.”.

Nguồn:VietnamNet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Viết về "Sex" để nhanh nổi tiếng?

    01/04/2006Nhà phê bình Vương Trí NhànNhưng nếu mọi người đua nhau nói tới sex, người nào nẩy nổi lên cũng đều là qua con đường sex, và chỉ có vài cây bút bất tài mới dở giọng chính chuyên chê bai sex, thì điều đó chẳng có gì là đáng tự hào ...

Nội dung khác