Văn chương tính dục - adua hay tất yếu

03:51 CH @ Thứ Tư - 18 Tháng Ba, 2009

Sự xuất hiện bất thường của sex trong văn học gần đây đã làm tốn không ít giấymực của báo chí và gây khá nhiều tranh cãi trong công chúng, khiến người không muốn quan tâm cũng phải quan tâm.

Rừng Na-Uy, Kafka bên bờ biển, Người tình Sputnik, 3 cuốn tiểu thuyết nữa của Haruki Murkami vừa được bổ sung vào tủ sách của Vũ Thị Thu Hương, nhân viên IT của Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettet. Hương thường tìm mua sách qua cách các bài giới thiệu sách trên blog Nhã Nam. “Cứ thấy cái gì hot hot là em mua”, cô tiết lộ và chú thích thêm rằng, một tác phẩm văn học được coi là “hot” thường chứa đựng yếu tố sex. Hương chưa bao giờ mua “sách hot” của các tác giả Việt Nam, nhưng cuối cùng cô đã lên mạng tìm đọc Bóng đè,“vì mọi người nói đến nó nhiều quá”.

Quả thật, sự xuất hiện bất thường của sex trong văn học khoảng 5-6 năm trở lại đây đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí và gây khá nhiều tranh cãi trong công chúng, khiến những người không quan tâm cũng phải quan tâm.

Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu xuất bản cuối năm 2005 đã tạo ra một cơn “sốc văn” bằng việc mô tả khá chi tiết hành vi và tính dục giữa nhân vật nữ chính với linh hồn của người bố chồng trước bàn thờ. Trước và sau Bóng đè, văn học Việt Nam đã chứng kiến sự trình làng của hàng loạt tác phẩm văn học mang đậm chất sex như Ổ rơm của Trần Quốc Tiến, năm 2002; Rỗng ngực (thơ) Phan Huyền Thư, 2005; Chờ tuyết rơi của Đặng Thiều Quang, 2007; Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, năm 2005; Song Song, Vũ Đình Giang, 2007; Thành phố độc thân, Nguyễn Quốc Trung, 2008; Lạc Giới, Thủy Anna, 2008…

Những người sáng tác quan niệm, đó là giai đoạn tất yếu trong tiến trình phát triển của văn học nước nhà sau một thời kỳ rất dài tình dục được xem là một vùng cấm. “Bản thân nhà văn luôn đi tìm cái mới”, nhà văn Nguyễn Đình Tú nói. “Nếu trước đổi mới văn học chủ yếu là ca ngợi người tốt việc tốt thì bây giờ văn học lại về người xấu việc xấu. Và lật lại một số thang giá trị”.

Nhà văn Y Ban khẳng định, không có gì gần gũi với con người mà lại xa lạ với văn học. “Trong khi các nước phương Tây coi sex là giải trí và họ có văn hóa sex thì ở các nước Phương Đông thế nào?”, Chị nói. “Ngó sang Trung Quốc mà xem. Người ta còn ăn cả canh thai nhi để tráng dương. Thế thì tại sao chúng ta lại không đụng đến nó?”.

Theo nhà văn này, giờ đây văn học trong nước đang đón chào luồng văn học ngoại nhập, tiếp nhận giải trí mới từ phương Tây, khuynh hướng văn học tính dục là một tất yếu.“Đề tài đó (tính dục) còn bị bỏ trống, các nhà văn đổ xô vào khai thác. Văn học trong nước vừa thực hiện một bước nhảy phắt, bỏ qua giai đoạn tìm tòi, điều đó đã gây ra ít nhiều sự sốc trong công chúng”, chị nói.

Bàn thêm vấn đề này, nhà văn Nguyễn Đình Tú cho rằng, cảm hứng sáng tác bắt đầu từ đời sống xã hội. Đời sống xã hội có nhiều thay đổi, trong đó có tính dục, nhà văn đi tìm những ẩn ức xã hội. Đời sống tính dục gần đây có thay đổi, ví dụ, thời kỳ hội nhập có nhiều cuộc hôn nhân dị chủng. Tiếp đến văn hóa mang lại nhiều bi kịch, vậy có bi kịch tình dục không? Tình dục đồng tính và lưỡng tính trong đời sống xã hội hôm nay… Những cái đó mới, nhà văn có nhu cầu ký giải nó, cắt nghĩa nó.

Bên cạnh nguyên nhân toàn cầu hóa, hội nhập hóa, theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, sự bùng nổ văn chương tính dục thời gian gần đây bắt nguồn từ nhu cầu trong đời sống tinh thần của lớp trẻ. “Văn học bây giờ không đề cập đến chuyện đó thì bị cho là không thật, mà độc giả luôn đòi văn phải thật”. ông giải thích. “Với thế hệ 8X, 9X thì đời sống của họ là gì? Là công việc, là học hành, là yêu đương… Thế thì đương nhiên phải có chuyện lên giường”.

Tuy nhiên, hình như mức độ hội nhập văn hóa của chúng ta vẫn chưa đủ để dòng văn học tính dục có một lộ trình thông thoáng tiến vào văn đàn Việt Nam.

Tuy thừa nhận tự buông thả mình khi viết “I am đàn bà”, nhà văn Y Ban rất bức xúc khi nói chuyện với Nhịp Cầu Đầu Tư: “Tôi chỉ biết nó bị cấm phát hành, ngoài ra không biết làm sao cả. Nghe có người bảo nó bị cấm phát hành là vì nó sex quá”.

Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu đã liên tiếp nhận được những lời từ chối từ các đơn vị xuất bản trung ương. Nhà xuất bản Đà Nẵng, nơi ấn hành Bóng đè năm 2005, cũng chính là đơn vị vừa bị kiểm điểm do phát hành Tột đỉnh của tình yêucủa tác giả Nguyễn Thúy Ái cuối năm 2008 do cuốn sách này có những trang nói đến đời sống tình dục của vị anh hùng dân tộc – danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.

Cuối năm 2005, tập thơ Dự báo phi thời tiết của nhóm Ngựa trời đã bị đình bản do có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, cụ thể là chứa quá nhiều yếu tố tính dục.

Với bài thơ Lỗ thủng lịch sử, dù đã đăng trên http://www.tienve.org/, một trang web phi chính thống vào cuối năm 2003, tác giả Nguyễn Hữu Hồng Minh cũng đã gặp nhiều sóng gió, bị báo trí chí chỉ trích xem như phản thơ, phản động, mà theo như lời anh, “dồn đuổi tôi vào chỗ khốn cùng của cuộc sống”.

Trên báo Công An Nhân Dân, tháng 9.2008, tác giả Hà Yên đã gọi văn chương tính dục là một cái mốt với giọng văn đầy giễu cợt: Sex trong tác phẩm khiến bạn đọc tò mò, lại thêm sự sốt sắng của một vài đầu nậu và đó mọc ra mấy ngôi sao văn chương với mấy cuộc phỏng vấn lặp đi lặp lại những tuyên ngôn sáo rỗng. Hòa điện vào đó là mấy đàn anh tự thấy con mắt xanh tinh tường, hăng hái xông ra tâng bốc. Thế là người ta đua nhau, viết cái gì cũng phải… có tí sex. Còn họ thì bắt sex ì ạch mang vác thông điệp này, thông điệp nọ.

Không ít độc giả vẫn đang tiếp nhận văn chương có yếu tố tính dục bằng một thái độ hết sức hoài nghi, ác cảm. Ví dụ, một người có nickname ga-nha-que đã phát biểu trên diễn đàn Nghệ Online, “một vài cây viết nữ trẻ bạo dạn đưa sex vào tác phẩm của mình, nhưng có vẻ hơi lố. Được như Hồ Xuân Hương thì đã quý, đằng này cứ tồng ngồng, sường sượng y như một mụ điên trần truồng chạy ngoài đường lải nhải linh tinh”.

Cũng như đa số bạn bè của mình, Nguyễn Thị Kim Thảo, nhân viên ngân hàng thương mại Cổ phần Hàng Hải (Hà Nội), coi yếu tố sex trong các tác phẩm của nhà văn nước ngoài như Haruki Murakami, Sydney Sheldon, Vệ Tuệ… như một lẽ tự nhiên. Thế nhưng, cô gái 28 tuổi này lại không thể chấp nhận lối viết về tính dục của các nhà văn Việt Nam. “Họ nói cái sex của họ không đơn thuần là sex mà để nói để nói lên một cái gì đó cao cả. Tôi chả thấy cái gì cao cả. Chỉ thấy cái sex của các nhà văn mình nó cứ bẩn thế nào ấy”,Thảo nhận xét.

Dù một số độc giả chê bai, dù cục Xuất bản cấm tác phẩm này tác phẩm kia lưu hành, nhà văn Y Ban vẫn thốt lên rằng, trong khi quyền lợi tác giả bị ảnh hưởng vì “I am đàn bà” bị thu hồi, thì trên internet hay tại các cửa hàng sách lậu, tập truyện này “vẫn cứ xuất hiện nhan nhản”.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thân ốc với cọc không rêu hay là ảo ảnh văn chương sáo rỗng

    25/01/2015Nguyễn Chí HoanMột nhà phê bình nghệ thuật mới đây đã viết một cách chua chát rằng nghệ thuật ngày nay hình như không cao quí như người ta vẫn cho là thế, mà phần nhiều nó chỉ tạo ra những ảo ảnh và bằng cách đó nó tránh đụng chạm đến những vấn đề thực tế thực tại...
  • Phê bình văn học nữ quyền

    04/03/2009Lý LanTrong nửa thế kỷ qua, các học viện trên khắp thế giới, nhất là ở Âu Mỹ, đã chứng kiến những chuyển biến quan trọng liên quan đến giới tính. Chẳng những số lượng nữ giáo sư và nữ sinh viên tăng nhanh trong các học viện, mà học thuyết nữ quyền còn ảnh hưởng đến nhiều bộ môn học thuật khác, từ triết học, lịch sử, đến ngôn ngữ học, xã hội học, nhân chủng học, truyền thông đại chúng, kinh tế, luật…
  • Viết về "Sex" để nhanh nổi tiếng?

    01/04/2006Nhà phê bình Vương Trí NhànNhưng nếu mọi người đua nhau nói tới sex, người nào nẩy nổi lên cũng đều là qua con đường sex, và chỉ có vài cây bút bất tài mới dở giọng chính chuyên chê bai sex, thì điều đó chẳng có gì là đáng tự hào ...
  • Sáng tác “Bóng đè”, phê bình “nói mớ”

    06/11/2005Nguyễn HoàTập truyện trình làng mang tên Bóng đè của nhà văn trẻ Đỗ Hoàng Diệu đã làm không ít nhà phê bình tốn giấy mực nhưng những ý kiến trái ngược nhau xem ra còn lâu mới đến hồi kết!