Sáng tác “Bóng đè”, phê bình “nói mớ”

10:54 SA @ Chủ Nhật - 06 Tháng Mười Một, 2005

Lâu nay, đôi khi viết phê bình tôi lại hay liên tưởng đến một truyện vui có nguồn gốc phương Tây, không nhớ đã đọc ở đâu đó. Chuyện kể rằng tại một cuộc thi nghệ thuật tạo hình, trong các phẩm dự thi có tác phẩm được các nhà phê bình tán thưởng và đánh giá rất cao, đó là một chiếc khay gỗ đựng đống đất sét có hình thù kỳ lạ. Họ hăm hở phân tích các đường cong nét gãy, những đoạn lồi đoạn lõm… của đống đất sét đã chứa đựng những ý nghĩa cao siêu ra sao. Tới khi quyết định trao giải mới phát hiện tác phẩm chưa có tên gọi, liên lạc với tác giả hỏi ông ta đặt tên tác phẩm là gì thì nhận được câu trả lời: Tác phẩm gì đâu, tôi nặn đống “ấy” voi đấy chứ!

Bỏ qua cái hình thức xem ra còn “thiếu trang nhã”, tôi nghĩ câu chuyện trên có thể đưa tới một khuyến cáo với những người viết phê bình rằng, trong khi cố gắng “đọc” ra những điều tác giả muốn nói trong tác phẩm thì cũng không nên sa vào những “suy đoán ngoài văn bản”, nói cách khác là không nên “gán” cho tác phẩm và tác giả những phẩm chất còn “đáng ngờ”. Chuyện này theo tôi là có thật. Nói đâu xa, hàng chục năm nay trong làng văn xứ ta thi thoảng lại thấy một “ngôi sao văn chương” được ca ngợi hết lời rồi vụt tắt như ánh sao băng. Nào là cây bút nữ NT từng viết năm bảy cuốn tiểu thuyết nay không còn tăm tích; nào là TĐ như là niềm hy vọng của tương lai văn chương nhưng gần chục năm rồi vẫn chưa thấy hó hé gì…

Và khi biết người ta dành những câu văn đại loại như: “Đã có người gọi X là thiên tài. Không phải là họ không có lý… Nhiều trang triết luận đạt đến độ chín bên những trang còn tươi tắn học trò… Những ý tưởng chỉ có người trẻ hôm nay mới chạm tới được bên những tư tưởng thẩm thấu từ triết gia của nhiều thời đại…” để tán dương tác phẩm của một cây bút trẻ thì tôi tự hỏi phải chăng chỉ nên hiểu ranh giới giữa ca ngợi tít mù với giá trị đích thực của tác phẩm một cách “mờ, nhòe”? Đến tập truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu (NXB Đà Nẵng, năm 2005) gần đây cũng vậy, đọc các ý kiến, tôi đồ rằng“suy đoán ngoài văn bản” đã trở thành cảm hứng chủ đạo trong sự “phê bình” của vài ba nhà văn, nhà phê bình. Tại sao lại như vậy?

Tập Bóng đè gồm 8 truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu viết trong khoảng thời gian khá dài, tính từ thời điểm ra đời của Huyền thoại về lời hứa (viết năm 1994), đến Vu quy(viết năm 2005) là 11 năm. Trong 11 năm ấy, Đỗ Hoàng Diệu đã đi từ sự phác vẽ diện mạo đến sự hoàn chỉnh kiểu loại nhân vật nữ tha thiết sống, tha thiết yêu, mê mải, say sưa với những ham muốn tình dục và ký ức tình dục - một kiểu loại nhân vật không hẳn sẽ có khả năng tác động lành mạnh với người đọc. Ngoài hai truyện Bóng đèVu quy, sáu truyện ngắn còn lại trong tập này chỉ là các “chấm phá sơ sài” về lối viết, về kiểu loại nhân vật mà Đỗ Hoàng Diệu muốn hướng tới, và chúng khó có thể tồn tại như những truyện ngắn, nếu không nói một hai truyện còn mang dáng dấp thời chị viết “tác phẩm tuổi xanh”.

Nhận xét thật công bằng và từ quá trình tìm tòi để làm mới ngòi bút, phải công nhận Đỗ Hoàng Diệu đã có một nỗ lực không phải nhà văn nào cũng làm được. Nỗ lực đó trên một ý nghĩa nhất định, chính là sự không thỏa mãn với chính mình, đồng thời cũng là tiền đề giúp cho sáng tác của Đỗ Hoàng Diệu không rơi vào tình trạng sáo mòn. Cho nên đọc các tác phẩm trong tập Bóng đè theo trình tự thời gian, sẽ thấy điều một nhà văn nhận xét về Đỗ Hoàng Diệu rằng chị “viết thảnh thơi như một người rong chơi” chỉ là một suy đoán “trữ tình ngoại đề”, một kiểu khen lấy được, không quan tâm tìm hiểu mối liên hệ nội tại giữa các tác phẩm của tác giả.

Bên cạnh đó, cần phân định ranh giới giữa hoạt động sáng tạo mang ý nghĩa cá nhân với sáng tạo văn chương nói chung. Bởi, không riêng với văn chương, “cái mới” chỉ thật sự được coi là “mới” khi nó ra đời như là sự tiếp nối có tính logich của sự phát triển. Từ góc độ này, “cái mới” trong tác phẩm của Đỗ Hoàng Diệu dường như chỉ “mới” với chính tác giả, chưa hẳn “Đỗ Hoàng Diệu đã tự mở cho mình một con đường riêng vào văn chương” như một nhà phê bình từng đánh giá. “Phụ nữ và dục tính” và “sex” vốn không phải là chuyện gì lạ lẫm trong văn chương.

Trả lời phỏng vấn trên tạp chí Đẹp, Đỗ Hoàng Diệu khẳng định “sex” chỉ là “cái vỏ”, chỉ là “phương tiện” giúp chị chuyển tải một “thông điệp khác. Nhưng một khi cái đọng lại lúc đọc xong tác phẩm chỉ là sự ngổn ngang của những “sự cương cứng thúc lên”, “cảm giác cứng cáp quệt ngang đâm vào”, “bốc cao, phịch hạ, chèn lấp, tọng đầy, thả hút mê man”, “cắt trọn trong một cú thọc sâu”, “nhồi vào, thúc sâu, bền bỉ, mạnh mẽ”… thì thông điệp mà tác giả ngỡ đã đem tới cho người đọc chỉ còn là một ngộ nhận, một “ngụy biện”, một sản phẩm của tình trạng “tự kỷ ám thị” liệu có nên bộc bạch một cách hồn nhiên? Thiết nghĩ, dẫu thế nào thì điều quan trọng nhất là tác phẩm có thật sự chuyển tải một “thông điệp” hay không, “thông điệp” ấy thế hiện ra sao..., đâu phải tác giả cứ quả quyết rằng tác phẩm có “thông điệp” thì “thông điệp” sẽ xuất hiện!

Tác phẩm được một số người coi là “thành công” trong tập truyện của Đỗ Hoàng Diệu gồm hai truyện ngắn Bóng đèVu quy. Với Bóng đè, điều đáng nói ở truyện ngắn này là ý tưởng của Bóng đè, theo tôi, chỉ là sự “vay mượn” điều cách đây hơn chục năm trong truyện ngắn Vàng lửa, Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng một hình ảnh khá dung tục để “hình thức hóa” một ý tưởng của anh về quá trình giao lưu có tính chất “cưỡng bức” trong lịch sử giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Việt Nam. Sáng tạo của Đỗ Hoàng Diệu trong Bóng đè là“cấp” cho ý tưởng đó một cốt truyện, một cái vỏ “sex”, song chị không đủ khả năng thoát ra khỏi cái “bóng” của ý tưởng đã “vay mượn”, nó “đè” lên tác phẩm tới mức tác giả buộc phải đưa ra một chỉ dẫn về gốc gác “hoàng đế Trung Hoa” của nhân vật.

Như vậy, những cuộc “hoan lạc” với “tổ tiên nhà chồng” của “tôi” trong Bóng đè (dịch chuyển từ ngỡ ngàng, kinh hãi đến thích thú, đam mê) đã không giúp làm sáng tỏ, cụ thể hơn là chưa vượt ra khỏi ý tưởng nguyên gốc. Sống trong ba chiều quá khứ - hiện tại - tương lai, sống giữa các mối liên hệ văn hóa trong và ngoài cộng đồng như đã trở thành một “mặc định sinh tồn” của loài người, dù vùng vẫy thế nào, người ta cũng không thể lảng tránh sự hiện diện của quá khứ trong hiện tại, không thể thoát khỏi ảnh hưởng của các nền văn hóa khác mình nhưng có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ.

Và như thế, nếu qua truyện ngắn Bóng đè, Đỗ Hoàng Diệu muốn đưa ra một “thông điệp” về quan hệ của con người với quá khứ, về tiếp xúc - giao lưu văn hóa thì đâu phải là mới mẻ. Còn Vu quy - như tên gọi của ngày cô gái về nhà chồng, lại là một tình huống khác. Ngày “vu quy” là thời điểm để cô gái sắp bước lên xe hoa “ôn” lại bộ sưu tập tình nhân của mình. Xuyên suốt truyện ngắn này là “ký ức tình dục” với đủ loại hạng người từ nghề nghiệp tới tuổi tác, có Tây có Tầu và kết thúc bằng cuộc hôn nhân với một ông Karl là “ngoại kiều Tây phương uyên bác và nhiều vốn tư bản đã định cư ở Việt Nam vĩnh viễn” mà dưới mắt cô, ông chỉ là một “xác ướp” (lại thêm một chỉ dẫn cho ẩn dụ?).

Đặt cạnh nhau người kể chuyện ở ngôi thứ nhất - “tôi” trong Bóng đèvà “tôi” trong Vu quy, sẽ thấy lộ ra hai nhân vật phụ nữ vừa giống nhau lại vừa khác nhau. Một người miên man với quá khứ, tìm thấy “khoái càm tình dục” trong quan hệ với “tiền nhân”. Một người chỉ biết tới hiện tại với những “kỷ niệm tình dục”, hầu như mọi kỷ niệm dù thỏa mãn hay thất vọng cũng đều đáng nhớ và nhớ một cách chi tiết.

Do đó, nếu “sex” trong Bóng đè có tính “đơn tuyến” thì “sex” trong Vu quy lại có tính “đa tuyến”! Trên “chiếc giường” của vô số hành vi tình dục, thi thoảng tác giả cố gắng trang trí chất “trí tuệ” cho các nhân vật bằng cách để họ vụng về suy tư, “luận” những điều to tát, từ câu hỏi về số phận con người, từ sự khác biệt văn hóa Đông - Tây, tới lẽ sống, tới bản sắc văn hóa, tới hạnh phúc và bất hạnh, tới quan hệ mẹ chồng nàng dâu, chị dâu em chồng, tới tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên…, thậm chí đôi khi là một vài “ẩn dụ” dễ liên tưởng tới “tính hai mặt”, dễ gợi lên những nội dung “ngoài văn bản” mà thiển nghĩ một người viết văn ý thức nghiêm cẩn về công việc của mình sẽ không bao giờ viết ra.

Theo tôi, dường như (hay hiển nhiên?) có một sự khác biệt về tài năng giữa một nhà văn viết sao cho thông điệp toát lên từ toàn bộ tác phẩm với một nhà văn phải trình bày thông điệp theo lối trắng phớ, huỵch toẹt. Phải chăng vì thế một số nhà văn, nhà phê bình đã tỏ ra thích thú và nức nở khen ngợi, phải chăng vì thế một nhà văn đã viết: “Trong truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu, toàn là những nhân vật phụ nữ, tất cả đều còn trẻ, khát khao sống, mãnh liệt sống, tràn đầy dục tính, song chắc chắn vấn đề của chị lớn hơn rất nhiều vấn đề số phận đàn bà”? Khi tất cả những điều tác giả muốn nói đều đã hiển hiện lồ lộ trong tác phẩm mà nhà văn nọ vẫn có thể “moi” ra được những ý nghĩa to tát như thế thì quả là đáng khâm phục!

Lối viết miên man, lặp đi lặp lại các phiến đoạn cảm xúc nội tâm của nhân vật nữ ở truyện ngắn Bóng đè,trong và sau những cuộc “truy hoan”, có thể đem lại ấn tượng về một lối viết tinh tế, khác lạ và mới mẻ, nhưng sẽ trở nên nhàm chán khi lối viết đó bị lạm dụng, lặp lại trong truyện ngắn Vu quy cũng như trong một số truyện ngắn khác được Đỗ Hoàng Diệu sáng tác trong cùng thời gian, chưa có mặt trong tập này nhưng đã in trên một tạp chí văn chương của người Việt ở hải ngoại (như Tình chuột, Cô gái điếm và năm người đàn ông, Những sợi tóc màu tang lễ…).

Tình trạng sớm lặp lại đã đẩy tới sự đơn điệu, đẩy tới nguy cơ “đóng băng” các nỗ lực tìm kiếm của Đỗ Hoàng Diệu trong giai đoạn “tiền Bóng đè”. Tương tự như nội dung các trả lời phỏng vấn của chị gần đây, chúng thường lặp lại và tác giả sớm tỏ ra thích nói to. (Chưa kể trả lời phỏng vấn ở ngoài nước chị còn nói to hơn, đến mức tôi nghĩ những người khoái “phủ định của phủ định” có khi cũng phải lấy làm kinh ngạc: “Tôi thường chậc lưỡi một mình: Đã xa rồi ơi Nguyễn Huy Thiệp, ơi Bảo Ninh, ơi Phạm Thị Hoài, ơi Vàng Anh…”). Điều này cũng có nghĩa, nếu Đỗ Hoàng Diệu có một sự nghiệp văn chương thì sự nghiệp ấy đang ở trước mặt chứ không phải ở những gì chị đã viết. Trong bối cảnh đó, thiển nghĩ các nhà văn và nhà phê bình khả kính cũng cần (nên) thận trọng, có thể khen ngợi mặc lòng, song đừng “bắt” tác giả phải “leo” lên những thang bậc mà bản thân tác giả chưa có khả năng leo tới.

(Bài đã đăng Văn nghệ Trẻ số 42, ra ngày 16/10/2005, VietNamNet đăng lại với sự cho phép và sửa chữa, bổ sung của tác giả - ChúngTa.com đăng lại từ VietNamNet).

Nguồn:VietNamNet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phỏng vấn một nhà văn nữ trẻ

    22/10/2005Lê Thị Liên HoanPV: Thưa cô, có người kêu Bóng đổ là một tác phẩm nói nhiều đến tình dục?
    Nhà văn nữ: Rõ ràng.
    PV: Tại sao cô lại thản nhiên đến thế?
    Nhà văn nữ: Tại vì tôi hiểu rất nghiêm túc: không phải cứ tình dục là khiêu dâm...
  • Đỗ Hoàng Diệu: “Tôi viết đúng với những gì mình có”

    04/10/2005Thể thao văn hoáNhững người yêu văn học, những người sốt ruột chờ sự đổi mới của văn học Việt Nam thời gian gần đây hay kháo nhau về cái tên Đỗ Hoàng Diệu. "Viết lạ lắm, bạo lắm! Đọc đi!" là cái câu được nhắc đi nhắc lại ở nhiều nơi. Cũng có người đơn giản hơn, chỉ nói: Văn rất sếch-xy... thế là đủ gợi tò mò cho hàng trăm độc giả vốn thừa háo hức với đời sống văn chương không có nhiều cái mới lạ như hiện nay...
  • Đỗ Hoàng Diệu thích đẹp hơn giỏi

    04/10/2005Trong cái bàng bạc của văn chương VN hiện nay, một vài gương mặt mới đã xuất hiện, không quá mới nhưng sáng tác của họ cũng khiến những người đang ngái ngủ phải giật mình. Đỗ Hoàng Diệu là một trong số đó....
  • Lớn hơn số phận đàn bà...

    04/10/2005Nguyên NgọcThường có một câu hỏi: Nhà văn viết bằng trực cảm hay bằng ý thức hoàn toàn tỉnh táo? Tôi nghĩ có lẽ bằng cả hai. Và cũng có lẽ một trong những dấu hiệu đáng tin cậy để nhận ra một tài năng văn học là đọc họ ta cảm thấy cứ như bằng trực cảm, bằng một thứ ăngten riêng, dường như họ nhận ra được và truyền đến cho chúng ta những nghiền ngẫm sâu thẳm về con người, xã hội, về đất nước, thậm chí về số phận dân tộc, mà chính bằng luận lý họ lại cũng không nói ra cho rõ được...