Từ chiếc bookmark nghĩ về văn hóa đọc
Một lần, tôi cần mua vài chiếc bookmark, đi khắp các hiệu sách và cửa hàng đồ lưu niệm nhưng không tìm đâu ra loại bookmark đẹp, xứng đáng dùng làm quà tặng một cách trân trọng. Chỉ có những miếng bìa vẽ sơ sài hình tháp Rùa hồ Gươm, hoặc hình các cô gái mặc trang phục dân tộc. “Chủ yếu bán cho Tây, giá cũng chỉ 10-20 ngàn là cùng”, chủ cửa hàng cho biết. Thật khác xa với những chiếc bookmark bằng da, mạ vàng hoặc khắc gỗ tinh xảo tôi từng được thấy trong bộ sưu tập của một người bạn. Chuyện tuy nhỏ nhưng có thể thấy, nếu tìm những dụng cụ hỗ trợ sách căn bản còn khó khăn, thì chúng ta chưa có những hiệu sách hoàn thiện.
Bookmark bằng da của Kenya. |
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định thành lập ban soạn thảo xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đã có quá nhiều bài báo, hội thảo nói về việc văn hóa đọc xuống cấp, so sánh khoảng cách thư viện Việt Nam với thư viện nước ngoài, so sánh sức đọc của người Việt hiện nay với người Nhật từ thời Minh Trị… chỉ để cùng đi đến một kết luận chung: chúng ta chưa hề có văn hóa đọc theo đúng nghĩa. Bởi vậy việc thành lập một ban soạn thảo, đưa ra những giải pháp để xây dựng văn hóa đọc, dù chưa thấy công bố thời hạn hoàn thành, ít nhất cũng là một bước đi cụ thể trong chiến lược quy mô và cực kỳ phức tạp mà đáng ra đã phải tiến hành từ lâu.
Cũng vì đa số những gì liên quan đến sách trên quy mô lớn ở Việt Nam đều nằm trong tình trạng thiếu tính chuyên nghiệp, nên khó có thể định nghĩa đầy đủ về “văn hóa đọc”. Nhưng chắc chắn một điều, văn hóa đọc không chỉ là việc tăng cường đọc sách văn học như một số người lầm tưởng, cũng không chỉ là đọc thật nhiều rồi ghi lưu niệm vào sách, hay sưu tầm sách cũ. Văn hóa đọc rộng lớn hơn rất nhiều. Những thư viện mênh mông mở cửa cả ngày, những tủ sách gia đình được giữ gìn cẩn thận và bổ sung qua nhiều thế hệ, những nghệ nhân đóng sách, những nhà sưu tập sách quý, những nhà xuất bản lớn có uy tín thật sự trong việc kiểm soát một cuốn sách từ khâu mua bản quyền đến khâu phát hành… là hình ảnh quen thuộc tại một quốc gia đã có được văn hóa đọc. Nếu thật sự xây dựng được văn hóa đọc từ gốc, thì đó sẽ là những biểu hiện bên ngoài, trong đó có cả những chi tiết nhỏ như chiếc bookmark, vốn xuất hiện từ cuối thế kỷ 16 ở châu Âu và trở thành món quà đầy trân trọng mà giới trí thức quý tộc thời bấy giờ tặng nhau cùng với những pho sách kinh điển.
Nếu hỏi một sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài, kể cả ở các nước châu Á, điều gì làm họ thấy sốc nhất, thì câu trả lời nhận được khá thường xuyên là “sách”. Khi đã quen ung dung đi qua 4 năm đại học mà chẳng nhất thiết phải đọc hết vài bộ sách trong giáo trình, hiển nhiên là sẽ bị sốc khi bị giáo viên giao một lô sách tham khảo chỉ riêng cho một chuyên đề. Không thể không đọc vì sẽ buộc phải dùng đến kiến thức trong sách đó, mà phải phát triển được ý riêng của mình, kĩ năng cóp nhặt cho qua vốn quen dùng trong nước đành phải xếp sang bên. Nhưng đọc vào mới thấy không đơn giản. Thời gian có hạn, trong khi sinh viên nước ngoài đọc mấy trăm trang vừa nhanh vừa nhớ rất rõ từng điểm quan trọng thì một sinh viên Việt Nam sẽ phải rất nhọc nhằn để vượt qua quãng đường tương tự. Bởi kĩ năng đọc – phần tối quan trọng của văn hóa đọc, chúng ta không được học trong nhà trường. Học thuộc lòng/trả bài/quên luôn, một quy trình quen thuộc góp phần quan trọng làm học sinh ghét sách và không thu được gì nhiều từ sách dù chương trình học có nhồi nhét đến mấy. Có người so sánh: học sinh nước ngoài được học cách hệ thống, rồi tự phát triển; còn học sinh Việt Nam được phát một cái bị, vứt lẫn lộn sách vào đó, khi đầy thì bỏ bớt ra, thiếu lại nhặt vào, mà mãi vẫn chưa đọc được đến đầu đến đũa. Chiến lược quốc gia về văn hóa đọc sẽ vấp phải bức tường thành này ngay bước đầu tiên. Trước số lượng sách khổng lồ, kĩ năng đọc là chìa khóa giúp con người tự tin tiếp cận với kiến thức. Trong truyện Sherlock Holmes có chi tiết: bác sĩ Watson cần đóng giả một nhà sưu tập đồ gốm Trung Hoa, ông ta đến thư viện tìm hơn chục cuốn sách về đề tài trên và đọc suốt ngày, sau đó ông ta đủ tự tin để đối đáp với tay chuyên gia mình cần tiếp cận. Kĩ năng đọc như vậy không chỉ nhờ vào trí thông minh, mà cần có sự rèn luyện lâu dài. Cách ghi nhớ, cách hệ thống đều cần được rèn luyện, chưa kể đến những mức cao hơn là thẩm định, so sánh và phản biện. Văn hóa đọc sẽ phát triển ra sao khi người ta chỉ đọc vài ba cuốn sách mỗi năm? Kiến thức có được một cách từ từ và mỗi cuốn sách ta chọn đọc, ta cần có một kĩ năng vững vàng để hiểu thấu đáo và bổ sung vào lượng kiến thức mình đã có. Các cuộc họp báo hay hội thảo nghiên cứu ở Việt Nam, đa phần rơi vào tình trạng tẻ nhạt, chẳng ai hứng thú đặt câu hỏi hay phản biện. Thiếu khả năng tranh luận một cách xác đáng cũng bởi ít đọc sách đa dạng, mỗi người chỉ đọc vài cuốn sách liên quan đến chuyên ngành của mình mà thôi, và không cập nhật nổi sách mới. Đọc chậm và chán đọc - tất cả cũng chỉ vì do kém kĩ năng đọc mà ra.
Bookmark mạ vàng mô phỏng nhân vật của họa sĩ nổi tiếng người Czech Alfons Mucha | Bookmark khắc gỗ của Indonesia |
Kĩ năng đọc không được dạy trong nhà trường, còn trong gia đình cũng không nhiều điều kiện phát triển. Đến nhiều nhà có thể gọi là “gia đình trí thức” – bố mẹ giáo viên, con cái đều học đại học – cũng rất hiếm khi thấy một tủ sách đúng nghĩa. Vài cuốn sách giáo khoa, giáo trình, truyện tranh và tạp chí - đó là một cấu trúc thường thấy. Một tủ sách gia đình được duy trì qua nhiều thế hệ, hay ít nhất là thói quen mua sách thường xuyên có vẻ quá xa xỉ, dù giá sách xét kĩ ra không hề đắt so với mức sinh hoạt ở thành phố. Khi chưa thể trông cậy vào các thư viện, vốn đã ít lại chỉ mở cửa vào giờ hành chính và được canh gác quá kĩ càng, thì lại càng cần xây dựng tủ sách cho riêng mình.
Những buổi triển lãm sách quý ở vài quán café sách nhỏ, hiệu sách cũ ở nơi những ngõ hẻm đường vòng và thông tin sách theo kiểu truyền miệng, chỉ có thể tác động đến những người có ý thức tự mình đi tìm, chứ không thể tác động đến đám đông. Từ kĩ năng đọc đến một hệ thống xuất bản sách chuyên nghiệp là cả một không gian văn hóa đọc rộng lớn được làm bằng “sự thủy chung kỳ bí qua nhiều thế hệ” như Borges nói. Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng chắc chắn sẽ đụng đến rất nhiều thành trì cố hữu trong giáo dục, xuất bản cũng như mọi thứ liên quan đến sách ở Việt Nam, bởi vậy những người bi quan (hoặc thực tế) đều có lý do để lo lắng cho thành công của chiến lược này.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn