Thế giới kỳ diệu của sách
Người ta đang e ngại, rung lên hồi chuông báo động về văn hóa đọc trong thời của super @. Hãy chú trọng đến góc đọc sách, đó chính là nơi bạn sẽ tìm thấy tâm hồn mình.
Còn từ mọt sách không?
Đọc sách bây giờ, ngày càng là một hình thái dễ gây... ngưỡng mộ và ngạc nhiên. Ngưỡng mộ ở chỗ, trong thời đại người ta không còn cảm thấy “hết ngày dài lại đến đêm thâu”, không còn thấy 24h là đủ cho một ngày nữa, trong thời của công nghệ thay đổi đến kinh ngạc và chóng mặt, thời của những món ăn liền, ăn nhanh, tóm lại là thời của tốc độ, mà vẫn có kẻ đọc những cuốn sách dày hàng trăm trang (thôi không dám nói dày nghìn trang, bởi nó có vẻ bác học quá). Còn ngạc nhiên, bởi trong khi chữ viết không còn được chú trọng đối với con người, tất cả, đã có máy tính làm thay, văn bản trên máy tính được dần thay thế những cuốn vở, những tập bản thảo...
Máy tính tiện lợi thế, bảo sao người ta suốt ngày “cháy” mắt lang thang trên xa lộ Internet, ôm làm chi cái cuốn sách trình trịch kia, đọc một tí đã thấy buồn ngủ mất rồi. Xưa kia, người ta gọi những kẻ ham đọc sách là mọt sách, quân tử thường tự hào vì mình là người đọc nhiều, chứa nhiều “bồ chữ, bồ sách” giờ đây, khác xa rồi, người ta tự hào vì nhiều thứ của cải vật chất khác, nhiều giá trị khác.
Sống trong khung cảnh tiểu thuyết
Trong cuộc sống thực, đôi khi con người ta chợt mơ màng, dường như cảnh tượng này, mình đã thấy ở đâu, đã gặp, đã trải qua rồi, cũng có thể là trí nhớ tốt, hoặc cũng có thể là do tiền kiếp, nhưng cũng có thể do giống cảnh trong phim, trong sách mà ký ức lưu lại một cách vô hình.
Có hai cuốn tiểu thuyết thi thoảng làm tôi mơ màng nhớ tới. Đó là cuốn “Don Quixote” của Cervantes, cuốn tiểu thuyết hay nhất của mọi thời đại.Tôi nhớ tới chàng hiệp sĩ đánh nhau với cối xay gió và có một nàng tình nhân kiều diễm Dulcinca mà chàng hằng tưởng đến nhưng thực chất lại là một cô thôn nữ rất đỗi bình thường. Chàng Don Quixote mê đắm truyện kiếm hiệp đến nỗi ngày đêm không ăn không ngủ, sống, chỉ để ngốn những cuốn kiếm hiệp chất đống trong phòng ngủ.
Người ta lấy làm lo lắng, khi một người chỉ sống trong ảo tưởng, không thực tế như họ, và giải pháp tốt nhất sẽ làm chàng thức tỉnh, đó là đốt sách. Nhưng bản thân họ, khi đưa từng cuốn sách vào lửa lại nuối tiếc, tần ngần và bàn về nội dung cuốn sách. Đến tận bây giờ, Don Quixote trở thành điển hình của một hiệp sĩ dễ thương, ngờ nghệch, chân thành, và nhiễm tiểu thuyết kiếm hiệp.
Một cuốn sách của thời hiện đại khác, cũng có đề cập đến sở thích đọc sách, đó là tác phẩm “Người đọc” của nhà văn Đức Bernhard Schlink, viết về mối tình kỳ lạ của một cậu bé 15 tuổi với một người phụ nữ 34 tuổi. Họ trải qua những ngày tháng lãng mạn tươi đẹp, ngày lại ngày với những nghi thức cố định: Tắm, đọc sách và làm tình. Cậu bé đâu thể ngờ người tình của mình không hề biết chữ, nhưng nàng lại khao khát được nghe, được đọc những tác phẩm văn thơ nổi tiếng. Một ngày kia, nàng biến mất để lại khoảng trống rỗng vô định trong tâm hồn cậu bé. Sau này, cậu mới biết nàng đang bị tù oan trong một trại giam với án chung thân.
Chàng thanh niên sau này đã có gia đình, nhưng vẫn thường xuyên đọc sách thu vào băng catset để gửi vào tù cho người tình của mình nghe. Hanna rồi cũng biết đọc, sau 18 năm tù, Hanna đã biết viết thư cho người tình trẻ của mình, cảm thấy khó có thể hòa nhập được với cuộc sống đương thời, Hanna đã treo cổ tự vẫn...
Truyện chua xót, nhưng đọng lại trong tôi vẫn là những hình đẹp của đôi trai gái với niềm ham thích đọc những cuốn sách, nó là những kỷ niệm khó thấy lại trong bể trầm luân của hai người.
Ebook đe dọa sách giấy
Cũng như báo điện tử, website, blog... đang ngày càng lấn lướt báo và tạp chí giấy; sách điện tử, ebook cũng đang là một hình thức được các nhà xuất bản chú ý và tìm cách hòa hợp với nó. Hiện nay, thay vì mua sách ở cửa hàng sách, hoặc mua sách trên mạng, người ta lại chọn đọc chúng trên Internet, qua các bản điện tử (file nội dung khác của sách), có thể do nhiều điều kiện không có sách giấy để đọc, hoặc do họ muốn xem trước nội dung sách có nên bỏ tiền ra mua sách hay không. Chính vì vậy, các nhà xuất bản in sách cũng rất dè chừng với các bản ebook và tìm mọi cách để sử dụng ebook trở thành phương tiện phục vụ cho việc quảng cáo và kinh doanh của mình.
Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động khác, nhằm giữ gìn và phát triển văn hóa đọc trong cuộc sống ngày càng ồn ào và hời hợt này. Ngày 23/4 hằng năm đã được UNESCO chọn là ngày đọc sách thế giới. Wikipedia có nói về một dự án từ nước Mỹ với cái tên: “National Novel Writing Month” (tháng viết tiểu thuyết quốc tế), mỗi người sẽ tự hoàn thành một tác phẩm khoảng 50.000 chữ từ 1 đến 30/11 hằng năm.
Sở dĩ chọn tháng 11 bởi đây là tháng mùa đông khá u ám, ảm đảm, giá lạnh của thời tiết gây cho con người sự buồn bã. Sáng tác truyện cực ngắn trên điện thoại cũng là một hình thức hữu hiệu và được nhiều người tham gia.
Góc đọc sách
Tôi vẫn còn nhớ ngày xưa, mải mê đọc sách đến thâu đêm suốt sáng, khi lo sợ bố mẹ mắng, tôi đã vác chiếc đèn pin, chui vào trong chăn, soi đèn vào trang sách mải miết đọc... Rồi bất cứ góc nào, xó xỉnh nào vắng vẻ, ít người lại qua, tôi đều sử dụng làm nơi chốn riêng cho mình đọc sách. Hồi xưa, người ta thường cho rằng, đọc sách nhiều và không đúng tư thế, không đủ ánh sáng, nên mắt bị cận. Ngày nay, cho rằng, ngồi máy tính nhiều, mắt bị cận là đúng thôi.
Văn hóa đọc ngày nay bị lấn lướt nhiều, nhưng thực tế, một số gia đình rất chú trọng đến việc đọc của con cái. Bố mẹ đọc sách nhiều, sẽ hướng cho con cái niềm đam mê giống mình, cứ tưởng tượng như ta gieo mầm, và sau này sẽ thành trái.
Sách ngày nay tuy giá có cao, nhưng dân yêu sách vẫn phải mua nhiều hơn trước. Tại các thư viện gia đình, góc đọc sách gia đình được chú trọng và tận dụng mọi góc cạnh. Họ còn tính toán tuổi của chủ nhà, đặt góc học tập, góc đọc sách, tủ sách ở đâu cho hợp lý, hợp... số và hợp tuổi. Làm sao để đường học và đường trí tuệ được phát triển tốt nhất. Nhà nào có vườn, hãy tạo cho con cái mình một góc đọc sách hài hòa, gần gụi với thiên nhiên, giúp cho con người có những giây phút yên tĩnh ngay tại nhà mình.
Ở nước ngoài, hầu như người nào đi đâu cũng mang theo một cuốn sách, họ tận dụng thời gian để đọc sách mọi lúc mọi nơi. Mặc dù phòng đọc sách, thư viện của họ giờ đây là đa phương tiện, nhưng văn hóa đọc vẫn rất được coi trọng.
Ở các nước châu Á, vườn Thiền thường là chỗ tĩnh tại và dành cho việc đọc sách. Nhà nước và gia đình luôn có các hình thức khuyến khích văn hóa đọc, trong khi ở Việt Nam, có người thấy con cái ôm cuốn sách đọc là tỏ vẻ khó chịu, thậm chí còn lo lắng. Sao không thay thế chúng bằng cách định hướng sách tốt cho con cái, cùng nhau chia sẻ những cuốn sách hay với con, khuyến khích con cái trong sự sáng tạo và tưởng tượng. Cũng như âm nhạc, sách sẽ giúp con người như thêm sống thêm nhiều cuộc đời và rút ra được phần nào nhận thức của mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng