Tính “đa nguyên” của báo chí
Đầu tháng 11 năm 2008, giữa hai “anh cả” trong làng báo viết ở Việt Nam - Tuổi Trẻ và Thanh Niên - gần như nổ ra một cuộc tranh cãi ngấm ngầm, khi cả hai cùng có tin bài phản ánh và bình luận về một vụ việc, với quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Đó là vụ công ty RAAS (Mỹ) xin 853 hécta đất liền, đảo và mặt biển trong vịnh Nha Trang làm khu du lịch sinh thái để đón cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010. Nói ngắn gọn thì Tuổi Trẻ kịch liệt phản đối dự án của RAAS, còn Thanh Niên hết sức ủng hộ.
Vào thời gian đó, ngoài các ý kiến “theo và chống” Tuổi Trẻ và Thanh Niên, thì còn một luồng ý kiến nữa than rằng: Ngay cả báo chí cũng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, người dân biết nghe ai?
Cũng thời gian đó, tình cờ tôi gặp một bạn trẻ Việt Nam theo học thạc sĩ ngành truyền thông tại Đại học Ohio, Mỹ, đang về Hà Nội thăm nhà. Bạn 29 tuổi, cũng từng làm báo ở Việt Nam ít lâu. Trong câu chuyện về so sánh hai nền truyền thông Việt Nam và Mỹ, cũng tình cờ, chúng tôi nói đến tình trạng “khi báo chí đối đầu” đang xảy ra trong làng báo Việt lúc ấy. Bạn đã bật cười khi được biết về bức xúc của độc giả “không biết phải nghe ai” kia. Bởi vì theo những gì bạn chứng kiến, “ở những nước có nền báo chí phát triển, độc giả vô cùng đa dạng. Vì mỗi tờ báo hướng vào một nhóm độc giả khác nhau, mỗi tờ báo lấp một khoảng trống riêng trên thị trường, nên cách tiếp cận sẽ khác nhau. Ví dụ, cùng là bài phát biểu của Obama nhưng CNN có thể khen còn Fox News lại chê”. Tại sao lại phải băn khoăn “người dân biết nghe ai” trong khi báo chí thực chất không có chức năng định hướng dư luận? Độc giả có thể đọc, suy ngẫm và tự rút ra nhận định của riêng mình chứ, sao phải chờ được định hướng?
Tôi đã được bạn dành cho một cuộc phỏng vấn về báo chí ở nước Mỹ, tuy không thành công trong việc thuyết phục bạn cho phép sử dụng tên thật và ảnh chân dung để đăng báo. Cuộc phỏng vấn ngắn nhưng chứa đựng nhiều thông tin thú vị, mà theo tôi đó cũng là những chi tiết ít độc giả Việt Nam biết về một nền truyền thông lớn và rất có ảnh hưởng ở phương Tây.
- Bạn đã học và làm báo ở Mỹ gần hai năm. Theo bạn, một người Việt muốn làm báo ở Mỹ thì cần những điều kiện gì?
- Tôi nói ngắn gọn là: Cần phải hiểu rõ về cuộc sống và văn hóa Mỹ. Làm báo ở đâu cũng vậy thôi. Bạn phải hiểu về độc giả của bạn, họ là ai, họ muốn biết gì. Chỉ riêng việc tìm đề tài đã là một vấn đề lớn. Chẳng hạn, tôi muốn viết về đời sống sinh viên nước ngoài - một đề tài như vậy quan trọng đối với sinh viên nước ngoài khác như tôi. Nhưng với những người Mỹ thì đó không phải là cuộc sống của họ. Họ muốn biết có siêu thị nào sắp mở trong thành phố, giá xăng có giảm nữa không, hay là cuộc sống ngoài sân cỏ của các cầu thủ bóng đá…
- Về cơ bản thì một người nước ngoài khó mà hiểu văn hóa Mỹ bằng người Mỹ. Như vậy, phải chấp nhận là nếu làm báo ở Mỹ, cho người Mỹ đọc, thì nhà báo Việt Nam không thể bằng nhà báo bản địa được?
- Nếu có tư tưởng sẵn như vậy thì bạn sẽ không thể tiến bộ được. Bạn phải chấp nhận khởi điểm của mình bất lợi so với người bản xứ, nhưng không nên cảm thấy chán nản vì điều đó. Hãy tập nghĩ rằng vì bạn đã được sống trong những môi trường văn hóa khác nhau, bạn sẽ có khả năng nhìn một vấn đề từ nhiều góc độ văn hóa khác nhau.
- Vậy, chúng ta biết là có sự khác nhau về văn hóa. Về mặt nghiệp vụ thì nhà báo Việt Nam so với nhà báo Mỹ như thế nào?
- Xét trên mặt bằng chung, tôi không nghĩ ai kém ai về trình độ. Tôi biết có rất nhiều nhà báo giỏi ở Việt Nam không thua gì những nhà báo giỏi ở Mỹ. Tuy nhiên, một bài viết thành công tùy thuộc nhiều vào sự đầu tư công sức. Ví dụ như bạn sẽ phải biết rất rõ về vấn đề bạn viết hoặc đưa tin, và nghiên cứu kỹ về nó. Làm sao để trong cùng 1.000 từ đó, bạn và một người khác cùng viết, mà bạn có thể nhìn một vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, giúp cho người đọc hiểu được sâu sắc hơn một chủ đề chỉ trong khoảng thời gian ít ỏi mà họ có.
- Tại sao nhìn bề ngoài, chúng ta luôn có cảm tưởng rằng Mỹ có nền báo chí phát triển hơn Việt Nam?
- Đó là sự thực. Mỹ có lượng báo và đài truyền hình lớn hơn Việt Nam rất nhiều. Chẳng hạn một thành phố nhỏ chỉ có độ 20.000 người đã có hai tờ báo cạnh tranh nhau rồi. Khi có một lượng lớn tờ báo như thế, để tồn tại, bạn sẽ phải tìm cách liên tục phát triển.
Những tờ báo lớn ở Mỹ mà độc giả Việt Nam biết đến, như New York Times hay Washington Post, đều đã phải trải qua rất nhiều năm cạnh tranh để sinh tồn. Hơn nữa, họ có một lượng độc giả lớn. Có nhiều độc giả có nghĩa là bán được nhiều báo hơn, thu đuợc nhiều tiền hơn, có nhiều quảng cáo hơn và có điều kiện để đầu tư cho những bài viết công phu hơn. Báo chí điều tra chẳng hạn, là một lĩnh vực mạo hiểm, tốn kém và mất nhiều thời gian. Những tờ báo lớn có điều kiện để đầu tư cho những loại bài như vậy.
Báo chí Việt Nam: Độc giả đa dạng, nội dung nhàm chán
- Đấy là nói về người làm báo. Nếu nói riêng về độc giả thì văn hóa đọc, trình độ dân trí của dân chúng Mỹ như thế nào?
- Ở Mỹ, Anh hay bất kỳ nước nào mà thị trường báo chí đa dạng khác, mỗi tờ báo và đài truyền hình đều phải hiểu rõ đối tượng độc giả của mình. Mỗi tờ báo có nhiệm vụ lấp một chỗ trống trong thị trường báo chí.
Ví dụ ở Anh, tờ The Sun nhằm vào tầng lớp lao động, do đó cách viết của họ bình dân, ngắn gọn. Tờ New York Times có đối tượng độc giả thường có tư tưởng thiên về cánh tả (nghĩa là đảng Dân chủ). Còn kênh Fox News thì lại nhằm vào những người có tư tưởng bảo thủ (nghĩa là đảng Cộng hòa). Bạn đọc New York Times thì bạn có cảm giác là dân trí cao, vì đó là đối tượng độc giả của họ. Còn nếu bạn đọc Playboy thì bạn sẽ nghĩ sao?
Ở Việt Nam, do số lượng tờ báo không có nhiều, một tờ báo thường phải thỏa mãn nhiều đối tượng độc giả khác nhau, “làm dâu trăm họ”. Do đó, đối tượng độc giả ở ta thường không rõ ràng.
- Làng báo Việt Nam có hiện tượng: Cùng là báo thời sự tin tức tổng hợp chẳng hạn, thông tin thường cứ na ná nhau, nhất là khi đưa tin về cùng một sự kiện, ví dụ một hội thảo. Đó là do phóng viên các báo cùng đến dự một hội thảo và viết bài, nên khó mà có sự khác biệt. Tuy nhiên, chuyện đó xảy ra hơi nhiều. Ở Mỹ có hiện tượng như vậy không?
- Theo tôi, vì báo chí Mỹ phục vụ nhiều nhóm đối tượng độc giả khác nhau, nên cách tiếp cận sẽ khác nhau. Bài phát biểu của Obama thì CNN có thể khen trong khi Fox News có thể chê. Báo chí Việt Nam, như tôi đã nói ở trên, không rõ ràng về đối tượng độc giả. Thế nên rất khó để tìm ra một cách viết riêng biệt.
- Ở nước Mỹ hiện tại, có cộng đồng người nào mà không có tờ báo nào dành cho họ không?
- Tôi đang nghĩ không biết có tờ báo nào dành cho thổ dân không, vì tôi chưa đọc được một tờ báo cho họ bao giờ. Nhưng tôi chắc là có. Ở đâu có lỗ hổng trong thị trường, ở đó sẽ có người tìm cách bịt lỗ hổng. Bí quyết thành công của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch là tìm ra lỗ hổng trong thị trường - những người có tư tưởng bảo thủ, vốn cảm thấy báo chí chính thống thiên về cánh tả quá nhiều. Fox News của Murdoch đáp ứng được nhu cầu của đối tượng khán giả này, và họ đã thành công.
Dĩ nhiên là kể cả có lỗ hổng, bạn cũng phải tính nếu bịt lỗ hổng đó, bạn có thu được đủ tiền để lãi không, độc giả của bạn có đủ điều kiện kinh tế để nuôi sống tờ báo hay đài truyền hình của bạn không, các nhà quảng cáo có quan tâm đến khán giả của bạn không… Vì sao báo chí tiếng Tây Ban Nha ở Mỹ ngày càng có sức mạnh? Đó là vì số dân nói tiếng Tây Ban Nha ngày càng lớn, và điều kiện kinh tế của họ cũng khá hơn. Họ trở thành một thị trường hấp dẫn đối với các nhà quảng cáo.
Xu hướng lá cải hóa của báo chí Tây phương
- Dường như hiện nay kinh tế đang là động lực chi phối báo chí phương Tây. Để tồn tại về mặt kinh tế, báo chí Mỹ đang phải chạy theo thị trường và “lá cải hóa”. Điều đó có phải là một thay đổi tiêu cực?
- Có một thực trạng mà giới học giả và báo chí đang nói đến nhiều, đó là xu hướng lá cải hóa. Để duy trì được độc giả và khán giả, ngày nay nhiều tờ báo và đài truyền hình phải học cách tiếp cận của báo chí "lá cải" để mở rộng lượng độc giả của mình.
Với xu thế lá cải hóa, tờ báo hoặc kênh truyền hình phải quan tâm để làm sao với một số tiền đầu tư hữu hạn, họ có thể thu hút được nhiều người xem nhất. Các kênh truyền hình bị đánh giá là lá cải hóa khi họ không còn đầu tư nhiều cho những chương trình điều tra cần nhiều công sức và đầu tư, mà thay vào đó, họ đi vào những chương trình có nhiều người xem và ít tốn kém. Ví dụ, CNN Mỹ (không phải kênh CNN quốc tế) năm 1995 đưa tin liên tục về vụ O.J. Simpson thay vì đưa tin về tình hình Bắc Triều Tiên. Nhưng nhờ vậy mà tỷ lệ người xem của họ tăng gấp bốn lần trong thời gian đó.
- Như thế chứng tỏ bản thân độc giả cũng thích tin giải trí, hoặc là tin về những người nổi tiếng, hơn là tin chính trị ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hay đâu đó?
- Độc giả ai cũng quan tâm đến những chủ để ở gần họ hơn. Nhưng vấn đề là báo chí còn có nhiệm vụ phục vụ những đối tượng khán giả quan tâm đến những vấn đề khác nhau chứ không phải chỉ có ý thích của đa số khán giả. Hơn nữa, báo chí còn có khả năng gây ảnh hưởng. Với những chủ đề như Britney Spears không mặc quần lót khi ra đường hay Lindsay Lohan ngủ với ai đó thì bạn sẽ không có khả năng tác động đến những chính sách lớn hay giúp công chúng hiểu rõ những vấn đề sẽ làm thay đổi cuộc sống của họ.
- Nhưng thực tế cho thấy là tin lá cải đầu tư ít mà người xem lại nhiều?
- Đúng vậy, vì thế để phát triển thì phải cân bằng cả hai. Còn phát triển thế nào thì vẫn đang là câu hỏi lớn. Trừ Wall Street Journal, đa số các báo lớn ở Mỹ đều đang gặp khó khăn trong việc duy trì độc giả. Internet đang lấy đi rất nhiều độc giả của báo in và cũng lấy đi nhiều quảng cáo của báo in nữa. Tại sao công chúng lại phải mua báo trong khi họ có thể đọc những thông tin đó không mất tiền? Tờ New York Times có trang web thông tin được truy cập vào loại nhiều nhất của Mỹ, vậy mà lượng độc giả của họ thì đang ngày càng giảm.
- Thực tế này có đáng bi quan đối với báo chí quá không?
- Nhược điểm ở một nền báo chí phát triển chính là ở đó: Khi thị trường bão hòa, một tờ báo sẽ rất khó tăng lượng độc giả, mà thường chỉ có thể trông cậy vào một lượng độc giả trung thành.
Trong khi đó, thị trường báo chí ở Việt Nam sẽ có rất nhiều điều kiện để phát triển. Cứ cho là tờ báo lớn nhất ở Việt Nam có số phát hành là 1 triệu người/ngày đi, thì với dân số 86 triệu, chúng ta cũng còn tới 85 triệu người để phục vụ kia mà. Có lẽ tôi là người lạc quan, nhưng tôi không thấy thị trường báo chí Việt Nam sẽ vận động theo khuynh hướng đi xuống.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh