Thời đại “chi tiết hoá” cuộc sống
Tôi không biết có phải nền sản xuất thị trường bùng nổ đã “chia rẽ” gia đình chúng tôi hay không, vì có quá nhiều ý thích khác nhau, phải tôn trọng. Nhiều lúc tôi ngẫm nghĩ : căn nhà ở của mình ngày càng…nặng, vì chứa quá nhiều ý thích riêng tư.
Khi sửa nhà, lập tức lòi ra bao nhiêu thứ không biết nhét vào đâu. Cái ghế xích đu đã long cả tay vịn nhưng đã được buộc lại chắc chắn vì ông xã thích vào chiều tối ngồi ở ban công ngắm bụi trúc của căn biệt thự bên kia đường. Khổ! Đi ngắm và hưởng thụ thứ của nhà người ta. Ổng bảo bên đó chim về nhiều lắm, thỉnh thoảng hình như còn có cả con sóc. Quái! Thành phố mà lấy đâu ra sóc. Dạo nọ một người nhận xét Sài Gòn bây giờ… ít ruồi! Làm gì còn sống nổi với xăng xe, khói bụi! Muốn thấy nó thì cứ vào những quán ăn xập xệ là có liền!
Thằng út thì theo nghề hội hoạ nên tính tình vốn bừa bãi, nay thêm đồ nghề, màu mè giấy má, căn phòng của nó trông như một cái xưởng. Ở cái xưởng ấy, dù khuya khoắt vẫn nhấp nháy ánh sáng của ti vi với những tiếng rú của động cơ ô tô săn đuổi và tiếng động ầm ầm của những phim hình sự Mỹ. Rồi kỹ tính tới mức đôi giày bị tuột đường chỉ cũng đem đến bảo hành, vì nghe đâu giá đôi giày tới mấy trăm ngàn đồng. Cơ sở sản xuất cũng giải quyết! Hoá ra, bây giờ cả xã hội đều sinh ra tính tỉ mỉ.
Trong căn phòng của đứa con gái còn đáng sợ hơn. Hộp son môi 5 màu sang trọng, lọ nước hoa hồng tác dụng “se khít lỗ chân lông” của Omar Sharif…Sổ tay của nó ghi cách đánh mắt: tán đều màu vàng lên toàn bầu mắt, nhấn đậm hơn ở 1/3 cuối mắt. Tương tự với mí mắt dưới, nhưng tán màu mắt cầu kỳ hơn với đường viền dày và đậm, có nhũ ánh đồng…Ôi trời, làm sao nhớ nổi các động tác đó và không biết một lần trang điểm như thế sẽ mất bao nhiêu lâu nhỉ…Thì cuộc sống hiện đại đòi hỏi phải như vậy, phải ngày càng chi tiết. Ngay một vị khách du lịch đến xứ này còn đòi nhiều hơn nữa, không chỉ đi vòng vòng thành phố, mua sắm, rồi đi địa đạo là hết! Phải có cái gì nữa kia! Cho nên mấy nhà kinh doanh du lịch còn phải vắt óc ra sưu tầm một số ngôi nhà cổ đề đào tạo phong cách đón khách một cách chuyên nghiệp. Ban đêm còn phải đến các sân khấu có ca nhạc dân tộc, rồi kết hợp với các hoạt động đi chữa răng, massage và karaoke, cả việc đến giao lưu, nói chuyện với các em học sinh ở trường học. Muốn biết thật nhiều, muốn mới, muốn lạ, là bởi họ đã biết nhiều quá rồi. Ấy vậy mà khi tìm không gian sống cho mình, thì ai cũng cố làm sao càng riêng biệt một mình càng tốt! Căn nhà là rõ nhất. Không chung đụng. Ngay cái “tổ” dù có nhỏ đến mấy vẫn cố sao cho biến thành ốc đảo càng tốt. Phải chi tiết tới từng đường cong của lưng ghế làm dịu lại sự vuông vức, điểm nhấn cho không gian nhiều hình hộp.
Máy móc thì ngày càng tinh vi. Cứ tưởng máy nghe nhạc MP3 đã là ghê, vậy mà còn thêm cái MSI Mega View 651 đa năng xem phim, nghe nhạc mọi dạng thức file!
Rồi đụng đâu cũng thấy lôi iPAD, iPHONE ra ngắm nghía...
.
Nhưng sự thật thấy, con người ngày càng chi tiết trong thụ hưởng thì lại càng…đại khái, dành cho mình “sự lười tối đa”. Này nhé, ít quan tâm đến nhau hơn, mọi người đều nói bận rộn. Họ cũng lười vào bếp hơn trước. Kể cả món rau lang luộc thì nhà hàng họ cũng…chi tiết giùm rồi. Thảo nào nhà nghiên cứu khi nói đến những căn bệnh của giai đình hiện đại có bệnh… lười lao động.Cứ nhìn đám con gái mới lớn mà xem. Chúng gầy còm giữ dáng, không thể nào thức khuya dậy sớm như mẹ. Và khi đã đi làm rồi là chúng “xuất khẩu” ngay cái món nội trợ cho “oshin” hoặc cho mẹ ngay. Thời gian của họ dành cho vi tính, tiếng Anh, cho đi mua sắm và chăm sóc sắc đẹp. Cái món chăm sóc sắc đẹp và theo đuổi thông tin về các ngôi sao thần tượng của mình thì bao nhiêu thời gian cũng không đủ. Người ta đã nói rồi, thời đại nhiều nghịch lý “chúng ta uống quá nhiều, chi quá lố, thức quá muộn, đọc quá ít…chúng ta học cách kiếm sống chứ không phải xây dựng cuộc sống”… mà! Cho nên chẳng có gì lạ khi nhìn vào gia đình, thấy ai cũng chú ý một cách chi tiết cho cuộc sống mà đơn giản đi những gì cần sâu sắc, chi li…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015