Sĩ phu hiện đại
Phải nhìn nhận ngay rằng tình hình giáo dục hiện nay là một bức tranh theo trường phái... lập thể hết sức nham nhở: mặt tối, mặt sáng đan xen lẫn nhau, khó lòng mà chê khen một cách quyết đoán được. Trường tư mở ra như nấm, học phí chém thẳng tay, nhiều phụ huynh chạy tiền lè lưỡi. Nhưng cũng có mặt tốt vì chủ trường sẵn sàng trả lương cao cho giáo viên giỏi, thu hút được học sinh, và thẳng tay loại bỏ những giáo viên quá bết bát, các thành phần lâu nay vẫn ăn bám cơ chế bao cấp và biên chế.
Nhiều người than phiền chửi bới lối làm việc quá thực dụng đang phổ biến hiện nay, nhưng cũng không thiếu người tán đồng, cho đó là "trả lại sự công bằng" cho những người có khả năng thực sự, còn các thành phần bất tài phải cho dễ thẳng cánh, không thương tiếc, nhân đạo gì ráo. Đây quả thật là một thời kỳ quá độ thực sự và xã hội đang chuyển biến dữ dội như lên cơn đau đẻ… Vấn đề là đẻ ra món gì thì cần rất nhiều khảo cứu nghiêm túc mới có thể trả lời được.
Trong giai đoạn quá độ này giới trí thức đại học có vẻ vẫn chưa biểu hiện những thái độ tích cực trong việc góp phần thăng tiến trình độ tri thức chung cho sinh viên. Dĩ nhiên, theo quan sát cá nhân, đã có những dấu hiệu đáng khích lệ: có nhiều hội thảo khoa học hơn trước, các giảng viên hay giáo sư tích cực hơn trong việc viết báo, viết sách, săn lùng thông tin, tài liệu nhưng đã có nhiều trở ngại trong việc thực hiện các ý muốn tốt đẹp này, chẳng hạn như nguồn tài liệu, tuy dễ thở hơn trước, vẫn quá hạn chế trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học xã hội, khiến cho các giảng viên đại học khó lòng tạo ra những bức phá mới và như thế chỉ tự giới hạn bản thân trong việc lập lại giáo trình cũ một cách máy móc, thụ động, và người chịu thiệt hại chính là sinh viên. Có những sinh viên chuyên khoa Đông phương học mà không biết Tứ Thư Ngũ Kinh gồm những cuốn sách nào. Đôi khi đang giảng về chuyên đề lịch sử tư tưởng phương Đông tôi phát cáu không muốn giảng nữa vì sinh viên thiếu quá nhiều kiến thức căn bản về tư tưởng Đông Phương nói chung và trình độ nhận thức quá kém về nhiều mặt. Lỗi tại ai nếu không phải là giảng viên và xa hơn nữa là lỗi của người thiết kế chương trình đào tạo?
Một lý do sâu xa hơn là phương pháp giảng dạy tại đại học: đa số vẫn chỉ là một loại trung học kéo dài. Giảng viên vào lớp do hoàn thành giáo án là chính, không khuyên khích việc thảo luận hay hướng dẫn cho sinh viên biết cách nghiên cứu. Nhưng do cách dạy cũ đã thấm quá sâu, nên ngay cả khi giảng viên nêu câu hỏi để khuyến khích sự tranh luận, sinh viên vẫn ngồi đực ra, bút lăm le trên tay chực ghi chép lời thầy giảng, và dĩ nhiên chẳng tham gia đóng góp thảo luận gì hết. Khi được hỏi tại sao lại thụ động như vậy, hầu hết các sinh viên đều trả lời: "Dạ, có biết gì đâu mà hỏi. Thầy đương nhiên phải biết nhiều hơn tụi em nên tranh luận làm gì nữa cho mệt". Mục đích ngàn xưa của sĩ tử Việt Nam vẫn là thi đậu và kiếm việc làm. Việc phát huy tư duy hay mở rộng kiến thức là chuyện phụ. Như vậy giáo dục đi vào ngõ cụt là lẽ đương nhiên. Giảng viên lo kiếm sống là chính, dạy học hay nghiên cứu là phụ thì sinh viên cũng thế, lo thi đậu và kiếm việc làm là chính, còn học hành để nâng cao trình độ nhận thức, phát triển óc tư duy độc lập chỉ là những lý tưởng hão dùng để trả lời trong các kỳ thi... hoa hậu mà thôi.
Tương lai đất nước hoàn toàn tùy thuộc vào hệ thống giáo dục. Nếu không có những cải cách thực sự triệt để theo kiểu Minh Trị Duy Tân thì khó lòng theo kịp thiên hạ ngay trong khu vực Đông Nam Á này chứ đừng nói đến các cường quốc Tây phương làm gì cho mệt. Khẩu hiệu "văn hiến chi bang" cần phải được hiện thực hóa thành một thái độ toàn diện của người giảng lẫn người học và của cả chính phủ, không nên chỉ là một câu hô hào suông để tự mình yên tâm ngủ quên trong các ảo tưởng phù phiếm và ấu trĩ.