Hiện tại và hiện đại

02:13 CH @ Thứ Ba - 02 Tháng Mười Hai, 2008

Tôi còn nhớ ở Mĩ thuật thời nay số 24, tháng 12/1999, anh Quang Việt có hỏi tôi một số vấn đề về hội họa.

Trong các câu trả lời, tôi có nói: Kỹ xảo chất liệu và ảnh hưởng ngoại lai từ xưa không thể hoàn toàn giải quyết được nội dung của nghệ thuật. Nghệ thuật phải đi từ hai phía: từ người nghệ sĩ và từ quần chúng.

Anh Quang Việt có hỏi thêm tôi nghĩ sao về nghệ thuật trừu tượng. Tôi trả lời: nghệ thuật ấy theo tôi có nguồn gốc sâu xa từ những quan niệm triết học của Descartes, của Kant, của Bergson của Nietszche, của Freud, của Jean Paul Sartre, v.v. . .

Có lẽ vì người họa sĩ lúc vẽ đã nhằm diễn tả phần nội tâm, phần bên trong, theo thuyết chủ bản thể của Descartes, hoặc của Le Moi (cái tôi), Le Sur moi (cái siêu tôi) của Freud. v.v... nên tác phẩm mang tính triết lý xa cách với người xem. Những nét tư duy ấy phát sinh từ thế kỷ XVI - XVII, . . . từ những khung cảnh xã hội có nhiều điều cần phải xem xét lại ở ngày hôm nay.

Sau đó tại một triển lãm, một nhà nghiên cứu nghệ thuật nhắc lại điều ấy với tôi trong một nụ cười. “Anh không suy nghĩ gì đến tính hiện đại trong nghệ thuật sao?”

Thật tình trong hơn 50 năm trời tôi chỉ biết vẽ mà chưa bao giờ nghĩ đến cách vẽ thế nào là hiện đại, và tính hiện đại ấy trong hội họa phải nên thế nào!

Tôi nghĩ một nền hội họa hiện đại là một nền hội họa thuật tả những chuyển động của xã hội trong cuộc sống đang diễn biến tích cực về sự thay đổi trong sản xuất, trong tư duy của con người để tồn tại ở xã hội ấy. Tất nhiên ở thời đại nào đều có ngôn ngữ riêng của thời đại ấy.

Cũng không hiểu vì những lý do sâu xa nào, người ở xã hội hiện nay đã nói lái từ “hiện đại” thành “hại điện”! “Hại điện” là một cách nói để tả sự không thuận lợi trong đời sống (mauvaise posture), về những cái mới xa lạ, một điều mà chỉ những người đưa vai gánh vác thực sự cuộc sống mới cảm nhận được.

Chúng ta đều công nhận nhân loại hy vọng rất nhiều ở những phát minh khoa học, và tính hiện đại trong đời sống hàng ngày, từ máy móc nghe nhìn, đi lại, ăn uống, nhà ở, tiện nghi, thuốc men.v.v.. đã đóng góp phần tích cực trong đời sống của nhân loại. Nhưng không phải vì thế mà toàn thể nhân loại được đồng đều hưởng tính hiện đại ấy. Và phần lớn con người lại “chịu trận” ngược lại của nền khoa học công nghiệp hiện đại.

Chúng ta sống trong một thời đại mà những phát minh khoa học nối tiếp nhau bùng nổ, đã đặt con người hoàn toàn phụ thuộc, được sống và phải sống trong môi trường mà nó phải thích nghi với những dao động cho phép, nghĩa là của môi trường biên đổi hợp thuận với khả năng sinh tồn của nó (évolution approprié).

Nhân loại đã làm một việc ngược, là nó đã “vô tình” khám phá về khoa học do những đầu óc siêu đẳng mà ngay chính những nhà phát minh ấy cũng không mấy ai lưu tâm để hiểu rõ chính bản thân mình và tâm hồn mình. Việc phát hiện và phát minh có lúc đi liền cùng nhau.

Việc Galilé phát minh ra quy luật động lực học, đường cong cycloide do năm 19 tuổi ông đi lễ nhà thờ ở Pise nhìn thấy chiếc đèn chùm đu đưa trên trần nhà thờ. Newton, theo một giai thoại, do lưu ý tới quả táo rơi mà nghĩ đến luật hút của vũ trụ, đưa đến cùng Kepler… công nhận 3 luật chuyển động, - những Phát hiện ấy đã hướng họ đến những phát minh khoa học.

Và như vậy suốt trong quá trình tiến hóa của con người, nhân loại vẫn tiếp tục sống cùng những phát minh theo sự ngẫu hứng và bất chấp những quy luật thiên nhiên: con người có những quy ước gọi là pháp luật để cùng sống với nhau nhưng quên không hoặc chưa đặt ra quy luật giữa thiên nhiên với con người để cùng chung sống hoặc có đặt ra cũng không mấy ai tôn trọng.

Nhà học giả Francis Bacon (1561-1626) có nói: “Muốn sử dụng được thiên nhiên, phải biết tuân phục nó”. Mọi tiến bộ khoa học của xã hội con người do khoa học và kỹ thuật công nghệ đều luôn luôn phạm những lầm lỗi giống như mọi nền văn minh cổ đại thịnh suy cùng một quy luật, nó tạo ra những nếp sống làm suy thoái dần mòn con người và nòi giống của nó.

Do đó chúng ta có thể tự đặt ra câu hỏi: có chăng một sự đối kháng thường xuyên giữa sự tăng trưởng về hiện đại và cuộc sống đạo lý của con người?

Rõ ràng con người không trưởng thành theo kịp với những sáng kiến do não bộ của nó sinh ra; cái hiện đại của nó thành “hại điện” vì có phần nào không thích hợp với đời sống con người, vì nó được thiết lập “gặp chăng hay chớ” mà không hề quan tâm đến thiên bẩm của con người.

Mặc dù những phát minh hiện đại ấy làm ra cho con người, nhưng đó là một chiếc áo không vừa với nó.

Có nhà bác học đã tâm sự: Giá các đầu óc siêu đẳng như Lavoisier, Newton, v.v... biết đặt trí tuệ của họ vào những phát minh và nghiên cứu về sinh học, về thể trạng của con người, chắc chắn con người sẽ có một nền văn minh phù hợp với nó hơn. S

Sự khủng hoảng của đời sống xã hội là do chính cơ cấu kiến trúc của sự tiến bộ hiện đại của con người. Mọi lý thuyết, mọi tôn giáo, mọi phát minh khoa học đều cố gắng giải thích sự tồn tại về sự sống của con người, nhưng ở lĩnh vực nào con người cũng chỉ nắm bắt được cái bóng của những phát minh, manh mún và rời rạc, mạnh ai nấy làm thiếu tính tổng thể và đồng bộ đối với đời sống con người.

Thời đại mà Galile đã biết được quy luật tuần hoàn của vũ trụ, của mặt trời của các vì sao, thì nhân loại chưa hề biết gì về sự tuần hoàn của máu, não bộ của con người, của gan và của các tuyến giáp.

Con người đã trở thành nạn nhân của chính mình vì sự chậm trễ trong cách đặt khoa học nghiên cứu cái sống của con người thứ yếu sau việc nghiên cứu sự vật, vật thể ngoài mình.

Nhìn lại toàn bộ phát minh của con người, sự tiến bộ của khoa học phần lớn không theo đề cương, đồ án nào cả. Và khi phát minh ra những cái hiện đại ấy, ít khi người ta nghĩ đến những tác động phụ của nó đối với đời sống con người, và điều chắc chắn nhất là nó mang lại những lợi nhuận cụ thể cho những người đầu tư vốn vào những phát minh ấy. Còn lại, đa số con người nếu có hưởng được một tý nào đó, thì cũng chỉ là theo voi ăn bã mía mà thôi.

Đó là chưa nói những trường hợp đã có chính quyền lợi dụng những phát minh ấy để giết người hàng loạt. Trường hợp của Einstein, xin trích dịch một đoạn đàm thoại giữa cha đạo Abbé Pierre và Einstein trong sách Dieu et L’homme (Chúa trời và con người), nhà xuất bản Robert Laffont, Paris 1993.

“Lúc ấy tôi là chủ tịch ủy ban phong trào Liên Bang Thế giới được mời đến dự lễ khai mạc một hội nghị tại Minneapolis, và người ta đề nghị tôi đến gặp Einstein. Tôi đồng ý ngay vì chúng tôi đã quen nhau ở Princeton. Tôi gặp Einstein trong một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ của ông, và chúng tôi cùng nhau nói chuyện suốt buổi hôm ấy. Tôi có hỏi Einstein và yêu cầu ông ấy trình bày cụ thể về năng lượng nguyên tử đã đóng góp được gì mới và nhất là phát minh ấy có bị sử dụng trong quân sự không?

Einstein lúng túng và cho tôi biết ông rất xấu hổ đã giao cái quyền lực to lớn ấy cho một bọn trẻ con (aux gens aussi infantiles).

Einstein nói tiếp: Tôi khước từ rất quyết liệt lúc bị người ta thuyết phục tôi nên cộng tác với quân sự, nhưng sau đó tình báo của quân đội Mỹ cho tôi xem tài liệu của Hitler vì đã có được "nước nặng" (nước đã khử hydrogen để thay bằng détérium) nên đã có bom nguyên tử và theo báo cáo Hitler tức khắc sẽ đưa vào sử dụng, nên tôi ở cái thế không từ chối được, đã đồng ý cộng tác. Tôi hoàn toàn có tội trong hai quả bom thả xuống Hiroshima và Nagasaki!

Phát minh khoa học, nói đúng chữ của nó, là một “cái may rủi ro” hoặc nên xem nó là một “tài sản nghịch cảnh” của nhân loại (fortune adverse).

Cái khủng hoảng của những năm 1914-15, 1930-45 v.v... là cái khủng hoảng sản xuất, tiêu dùng, khủng hoảng vì thừa vì thiếu, nhưng cái khủng hoảng hiện nay là cái khủng hoảng của những sinh vật cảm thấy cái bất trắc trước những cơn lốc lớn, một cái boom khốc liệt... vì biết mình đang đối phó với một sự diệt vong, cái khủng hoảng ấy lại do chính cái cơ cấu của nền văn minh hiện đại ấy sinh ra”.

Einstein còn nói thêm với cha Ablbé Pierre: “Từ nay một thế giới mới của loài người bắt đầu! Nó mới vì không có một sức mạnh nào cấm con người có một trí tuệ và được phát triển hết cỡ cái trí tuệ ấy!”

Sự bùng nổ ấy chính là cái năng lượng sẽ thay đổi mọi cơ cấu tổ chức của con người.

Einstein nói tiếp: “Nước và hơi nước đứng về mặt hóa học thì cùng một chất nhưng về đặc tính nó hoàn toàn khác nhau! Và cách xử lý hai năng lượng ấy hoàn toàn không giống nhau”.
Con người, nếu để nó đói vì không có việc làm, không có sự đãi ngộ thích đáng, sự bùng nổ về dân số. v.v… thì phải cẩn thận, lúc ấy nước sẽ thành hơi nước!

Đừng nên nghiên cứu hiện tượng mà phải giải quyết nguyên nhân!

Hiện đại…Hiện đại! Trong kinh tế ở những nước công nghệ cao các chủ tư bản đã nghiên cứu những thao tác của con người để thay thế bằng máy. Vô tình người ta hủy sự lao động và đẩy con người thành vô dụng.

Máy thay người, vốn bỏ ra ít, lại không đòi hỏi yêu sách, làm việc nhiều không ý thức bị bóc lột, v.v . . . Như thế khối người giàu đã đẩy hàng triệu con người thành thất nghiệp, vô dụng. Hiện đại gây ra một khủng hoảng không chu kỳ…

Và như một căn bệnh kháng thuốc, xã hội cứ suy nhược dần, năng lực của một quốc gia bị kiệt sức dần. Năng lực của một dân tộc một quốc gia phải đo bằng lao động của con người, đo bằng sự sáng tạo của nó, tính năng động, tính xác định, tính bền bỉ chịu đựng kiên trì, khả năng sản xuất sáng tạo của con người.

Và đáng buồn thay… máy móc đã thay con người và tính “hiện đại” đã trở thành “hại điện” như lời nói lái khôi hài của người Việt Nam ta hiện nay!

Vì với những suy nghĩ trên tôi không bao giờ nghĩ đến hội họa hiện đại hoặc “mô-đéc”!

Tôi còn nhớ vào những năm 1960-80, tôi có đặt tranh ở một người bạn, ông Trần Việt Châu ngồi nhờ một góc nhà của họa sĩ Phạm Văn Đôn để bán. Có một hôm có bà đại sứ nào đó xem và mua tranh của tôi với một yêu cầu: Nên vẽ như thế này màu vui hơn v.v...; ông Châu nói với tôi điều ấy.

Tôi hỏi ông: Theo anh nên như thế nào? Ông Châu trả lời ông bán tranh chứ có phải bán ông đâu mà băn khoăn với những yêu sách của họ?

Cũng ở phòng bán tranh ấy, có hôm tôi hỏi ông Châu: Tôi có nên thay đổi nội dung tranh không? ông Châu cười bảo tôi: Nội dung là ở ông, là của ông. Ông định thay nội dung, vậy định lấy nội dung của ai để thay vào?

Cũng trong bài phỏng vấn của anh Quang Việt, tôi có trả lời nhân đề cập đến Descartes, đến thuyết chủ bản thể của ông (ontologie) và tôi có nói: Cho đến nay vẫn tiếp tục nói đến linh hồn và thể xác xem như hai thực thể không cùng một gốc trong con người, cũng như mọi người vẫn nói đến mặt trời mọc và mặt trời lặn. Mặc dù nhân loại đã biết đến từ thời Galilé, mặt trời vẫn đứng nguyên như chưa hề bao giờ lặn cũng như chưa bao giờ mọc.

Tôi suy nghĩ tại sao người nghệ sĩ không chịu vận dụng cái tình cảm thật của mình. Lấy đôi mắt thật của mình để nhìn cuộc sống, mà lại vay mượn con mắt, trí tuệ của những người sống cách đây mấy trăm năm để diễn tả tâm hồn hiện tại của mình, cuộc sống hiện tại của xã hội nơi mình đang sống? Người nghệ sĩ quay lưng lại với cuộc sống, nhắm mắt không chịu nhìn thấy cái đang có, lại vận dụng những lý sự đã có hàng trăm năm của người khác để bàn cãi những cái mơ hồ, nào đã mang lại cho con người niềm hy vọng mới?

Do đó có người chỉ trích họa sĩ Courbet chỉ biết nhìn cảnh vật bằng mắt! - có ý muốn nói đến cái nhìn thiển cận, hạn chế, nệ thực và thiếu phần tâm linh, thiếu cái “tôi và siêu tôi” của Freud.

Người ta đã xem con mắt là một phần ngoại cuộc trong một tác phẩm nghệ thuật.

Tôi muốn nhắc tới Courbet với người bạn nghiên cứu trên, không phải để biểu thị việc xem Courbet là một hướng đi của hội họa, nhưng để nói với nhau rằng trong cuộc đời nghệ thuật của từng cá nhân, sự vui buồn, sự hiểu nhầm và ghẻ lạnh của cuộc đời, sự đầy đọa của nghiệp chướng mới tạo nên tâm hồn trong tác phẩm. Vậy tâm hồn ở thơ, ở nhạc, ở tranh, ở tác phẩm chỉ có thể bắt nguồn từ tâm hồn của người nghệ sĩ và được sự tán thưởng và bảo trợ của công chúng.

Mọi vay mượn đều giả tạo, mọi sự ghép cấy chỉ tạo ra những quái thai. Nên nhìn vào hiện tại bằng con mắt thật, bằng cái sống đã Phục sinh mình, để sáng tác và cái hiện đại trong hội hoạ nên xem là một vật lạ bày ở bàn tiệc mà thôi!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hiện đại hóa xã hội nhìn từ góc độ tính hợp lý

    31/03/2015Nguyễn Kim LaiNiềm tin của con người vào lý tính của mình đã dẫn đến tư tưởng về tiến bộ. Tiến bộ là phát triển, còn phát triển trong lĩnh vực xã hội đối với các xã hội truyền thống là chuyển lên xã hội hiện đại. Do vậy, lý luận hiện đại hóa là lý luận phát triển dành cho các nước kém phát triển. Cũng do vậy, vấn đề hiện đại hóa có liên quan tới vấn đề tính hợp lý mà khoa học là đại diện chủ yếu với tư cách là nội dung và tiền đề của hiện đại hóa.
  • Từ hiện đại đến hiện đại hóa

    09/04/2008Bùi Văn Nam SơnỞ các nước đang phát triển, “hiện đại hóa” hiểu như một tiến trình phát triển độc lập về không gian và thời gian - có sức hấp dẫn của một sự “đi tắt đón đầu” để phồn vinh nhanh chóng và nhất là, một lần nữa, được giải phóng khỏi ách thống trị tinh thần sau khi thoát khỏi ách thống trị hiện thực của thực dân phương Tây...
  • Nghĩ về chúng ta: Hiện đại và dân tộc tính

    13/02/2008GS. Trần Hữu Dũngchúng ta cũng bị bao phủ bởi bao nhiêu chuyện hàng ngày: từ những vụ tham nhũng khủng khiếp, những vấn đề bức xúc trong giáo dục, y tế, giao thông, những tệ nạn xã hội, cho đến những sự cố trọng đại về chủ quyền, về lãnh thổ... làm tâm thức chúng ta khó thể không chao đảo. Phải nghĩ sao? Bắt đầu từ đâu? Nhìn từ một góc cạnh căn bản thì dường như có sự căng thẳng giữa “cái bây giờ” – tạm gọi là tính hiện đại – và “cái của ta”, nói gọn là dân tộc tính. Phải nghĩ về liên hệ giữa hai phạm trù này như thế nào? Có thể chăng một sự hòa hợp giữa hai phạm trù ấy?
  • Phê phán tính hiện đại

    13/11/2006Alain Touraine (Huyền Giang dịch)
  • Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta

    22/08/2006Đông LaTinh thần hậu hiện đại đã và đang phảng phất đâu đó trong văn chương Việt Nam cũng là lẽ thường tình, nhưng không có tài, không hiểu biết đến nơi đến chốn mà mê muội bắt chước, thì chỉ làm ra được những bản sao tồi mà thôi...