Từ hiện đại đến hiện đại hóa

09:52 SA @ Thứ Tư - 09 Tháng Tư, 2008

Ở các nước đang phát triển, “hiện đại hóa” hiểu như một tiến trình phát triển độc lập về không gian và thời gian - có sức hấp dẫn của một sự “đi tắt đón đầu” để phồn vinh nhanh chóng và nhất là, một lần nữa, được giải phóng khỏi ách thống trị tinh thần sau khi thoát khỏi ách thống trị hiện thực của thực dân phương Tây.

Nước ta đang đề ra nhiệm vụ “công nghiệp hóa và hiện đại hóa”. Hai nhiệm vụ song đôi nặng nề ấy cho thấy chúng không phải là một. Công nghiệp hóa là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ cho hiện đại hóa. Và hiện đại hóa, hơn lúc nào hết, cũng cần phải được đặt ra một cách toàn diện và sâu sắc cho phù hợp với nhận thức mới mẻ ngày nay.

1. Có một số từ thoạt nhìn tưởng như đơn giản, nhưng lại hóa ra rất rắc rối, chẳng hạn chữ "hiện đại". Thời nào chả là "hiện đại" đối với người đang sống trong thời đại ấy? Cụ Bành Tổ chắc cũng thấy thời của cụ là "hiện đại" so với thời của tổ tiên cụ! Nhưng, thật ra, để được gọi là "hiện đại", không đơn giản như thế. Đó là lý do tại sao từ này mới chỉ ra đời ở phương Tây vào đầu thế kỷ XIX mà thôi. Đó là vào năm 1800 khi Hegel dùng nó lần đầu tiên như một khái niệm để định nghĩa một thời đại: "thời đại mới" (die "neue Zeit") là "thời hiện đại" (die "moderne Zeit"), tương ứng với chữ tiếng Anh "modern times" và tiếng Pháp "temps modernes". Thời đại nào vậy? Thưa: đó là... suốt ba thế kỷ trước đó của Châu Âu! Việc phát hiện ra "tân thế giới", phong trào Phục Hưng và phong trào Cải cách (tôn giáo) - ba sự kiện lớn vào khoảng năm 1500 xa lắc xa lơ - lại tạo nên bước ngoặt thời đại giữa thời Trung cổ và... "thời đại mới". Thế còn thời Hegel đang sống vào đầu thế kỷ XIX là gì? ông gọi "thời đại của chúng ta" (tức của ông!) là... "thời đại mới nhất" (die neueste Zeit), nghĩa là "hiện đại nhất"! Rồi ông xác định cho nó một dấu mốc: Đại cách mạng Pháp, cao điểm của phong trào khai minh: "Với buổi bình minh rực rỡ này, chúng ta đi đến giai đoạn mới nhất của lịch sử, đi đến thế giới của chúng ta, đi đến hiện tại của chúng ta". Ít ra có hai lý do cho các định nghĩa rắc rối ấy:

Thứ nhất, đối với phương Tây Kitô giáo, "thời đại mới” chưa đến, nó là của tương lai, còn phải chờ "ngày phán xét cuối cùng". Trái lại, ở đây, "thời đại mới" là khái niệm thế tục, khẳng định niềm tin rằng tương lai đã bắt đầu, và đang ở trong tay ta. Cần phải có một ý thức lịch sử tự giác thì mới đi đến niềm tin ấy được, đúng như R.Koselleck nhận định: "Chính "Thời đại mới" đã mang lại cho toàn bộ quá khứ một chất lượng mang ý nghĩa lịch sử thế giới... Nhận định về "Hiện đại" đi liền với một sự phân tích về thời đại đã qua". Ý thức lịch sử gắn liền với chữ "Hiện đại" ấy của phương Tây không gì khác hơn là: "Hiện đại có đủ sức và có ý chí để không cần vay mượn những thước đo để định hướng cho mình từ những khuôn mẫu của một thời đại khác nữa, trái lại, phải tự tạo ra tính chuẩn mực từ bản thân mình" (Habermas). Chữ "tự-khẳng định mình" mà ngày nay ta quen dùng chính là nguyên tắc ấy của Hiện đại: tính chủ thể thước đo, chỉ có một chủ thể đích thực sắp đặt mọi việc và làm cho mọi việc có ý nghĩa: Thượng đế!). Ba biến cố lịch sử then chốt tiếp theo nhau ở phương Tây (Cải cách tôn giáo, Phong trào khai minh và đại cách mạng Pháp) là sự thực hiện nguyên tắc ấy về tính chủ thể:

Đức tin vào quyền uy và truyền thống nhường chỗ cho lòng tin trong nội tâm.

Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền cùng với "Luật Napoléon" xác nhận nguyên tắc tự do của ý chí chung lại sự chuyên chế, hình thành Nhà nước hiện đại.

Sự ra đời và lớn mạnh của nền văn hóa hiện đại với ba cột trụ: nền khoa học khách quan, nền luân lý tự giác và nền văn học - nghệ thuật mang dấu ấn của sáng tạo cá nhân.

Đến cuối thế kỷ XVIII, dưới ảnh hưởng mãnh liệt của ba quyển "Phê phán" của Kant, khoa học, luân lý và nghệ thuật đã trở thành ba lĩnh vực hoạt động độc lập với nhau về mặt định chế, trong đó các vấn đề về chân lý (khoa học), lẽ phải (luân lý/pháp quyền) và sở thích (thẩm mỹ) là "tự trị" với nhau, nghĩa là mỗi phương diện có giá trị và quy luật vận động riêng của nó. Rồi toàn bộ lĩnh vực tinh thần (còn gọi là lĩnh vực "nhận thức") ấy lại được tách biệt với lĩnh vực của đức tin, tín ngưỡng, và với lĩnh vực quan hệ xã hội được tổ chức dựa trên các nguyên tắc của pháp luật và các quy tắc ứng xử trong đời sống dân sự.

Chính các lĩnh vực tự trị ấy - nhờ công lao suy tưởng của Kant - đã được Hegel đúc kết trong khái niệm "tính chủ thể" nói trên, và ông lý giải tính chủ thể này bằng hai chữ khác nữa: sự tự do và sự phản tỉnh: "Sự vĩ đại của thời đại chúng ta là ở chỗ: sự tự do được thừa nhận như là tài sản sở hữu của tinh thần, và tinh thần nhận ra mình như là ở trong nhà của chính mình" (tức: phản tỉnh). Sự tự do và sự phản tỉnh thể hiện rõ ở bốn điểm:

a) tính cá nhân: trong thế giới hiện đại, cá tính và tài năng cá nhân được thể hiện công khai và vô hạn,
b) quyền phê phán: nguyên tắc của thế giới hiện đại đòi hỏi rằng: những gì muốn được thừa nhận thì phải thực sự xứng đáng,
c) sự tự trị của hành động: đặc điểm của thế giới hiện đại là mỗi người tự chịu trình nhiệm về việc làm của chính mình, và
d) triết học (và khoa học) đã trưởng thành, có sứ mệnh "nắm bắt thời đại của mình bằng tư tưởng".

Và, thứ hai, lý do để gọi "thời đại của chúng ta" là "thời đại mới nhất" là: một hiện tại - muốn tự khẳng định mình như là "mới nhất", "hiện đại, nhất - thì phải liên tục đổi mới để xứng đáng với "Tinh thần thời đại" ("Zeitgeist").

Như thế, đối với phương Tây, việc biến "thời đại của chúng ta" (nostrum aevum) thành "thời đại mới" (nova aetas) phải là một nỗ lực phi thường, cần có những tiền đề tinh thần nhất định, trong đó sự tự do và giải phóng cá nhân, sự tự trị và sự phản tỉnh về văn hóa (không còn có một trung tâm để ban phát văn hóa như trong quá khứ nữa và thừa nhận các nền văn hóa khác, nói ngắn: một nền văn hóa "số nhiều” không chỉ là các tiêu ngữ mà còn là các giá trị. Và vấn đề đặt ra cho phương Tây ngày nay là làm sao trong mọi cuộc tranh luận và phê phán - không đánh đồng các chiến lược cụ thể trong việc tiến hành "đề án Hiện đại" (với bao khủng hoảng, thăng trầm, khuyết tật suốt mấy thế kỷ qua) với các giá trị đích thực của hiện đại. Nói bằng hình ảnh, không hắt cả đứa bé cùng với chậu nước tắm!

2. Bên cạnh các giá trị tinh thần nói trên của "Hiện đại", tính từ "hiện đại" (modern) còn nói lên mặt "vật chất" của nó nữa. Theo nghĩa hẹp, "hiện đại" đồng nghĩa với... tốc độ và thời trang. "Tính hiện đại" (trái với "cổ hủ” có nghĩa là các phương tiện giao thông mới (xe hơi, máy bay, tàu điện ngầm...), là các phương tiện truyền thông mới (phim ảnh, điện thoại, điện tín, máy ghi âm, tia X...), các vật liệu mới (bê tông dự ứng lực, thép, chất dẻo, sợi nhân tạo...), các nguồn năng lượng mới (dầu lửa, điện, điện nguyên tử...). Tất cả những công nghệ này tạo nên một trải nghiệm mới về chất để nhận ra mình là "hiện đại". Thế kỷ XX là thế kỷ của tốc độ, mở ra những chân trời, những cảm thức trước đó chưa từng có, không chi về địa lý (vận động và không gian đã trở thành một!) mà cả về cảm xúc, văn hóa và quan hệ giữa người với người. Rồi cảm thức về thời gian cũng thay đổi triệt để: các công nghệ quản lý mới (tiêu biểu là phương pháp dây chuyền của "chủ nghĩa Taylor" và phương pháp sản xuất đại trà cho việc tiêu thụ đại trà của "chủ nghĩa Ford" đã thay đổi cách thức con người làm việc với tư cách là “những đơn vị lao động". Từ đó, một mẫu người mới cũng ra đời: "kẻ lang thang phố thị" (Dandy) (theo cách nói của Baudelaire) tận hưởng thời trang và giải trí để giảm stress, và hoài vọng về một chân trời tiền - hiện đại đã mất:

"Buồn phố thị cũng xa bay như gió
Có xe nhiều cũng nhảy bổng như hươu
Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó
Bến Đào nguyên anh khoác áo khinh cừu”...
(Bùi Giáng)

Các công nghệ ấy, các "bờ cõi" lạnh lùng do... Taylor và Ford "dựng lên" - kết quả gian lao của "chủ nghĩa duy lý" phương Tây (khoa học hóa kiến thức, hợp lý hóa sản xuất, chuyên nghiệp hóa bộ máy quản lý và cai trị...) - tưởng là ghê gớm và cũng đã từng là mối băn khoăn, thắc mắc trong cả đời nghiên cứu của nhà xã hội học vĩ đại là Max Weber: tại sao chỉ có phương Tây mới có được "chủ nghĩa duy lý" ấy - té ra... cũng có thể học được, bát chước được và mua được theo "túi khôn" kiểu Trung Quốc: "Tây học vi dụng, Trung học vi thể"! Từ đó, nảy sinh nhu cầu và tham vọng... hiện đại hóa.

3. Vào thập niên 50 của thế kỷ XX, từ "hiện đại hóa" mới được du nhập như một thuật ngữ chuyên biệt để chi cao trào công nghiệp hóa lần thứ hai ở phương Tây và, từ đó, lan tỏa và trở nên sôi động trong bối cảnh phong trào giải thực với sự trỗi dậy của các nước thuộc "thế giới thứ ba". Hiện đại hóa là một chuỗi những tiến trình tích lũy và tăng cường lẫn nhau: tạo vốn và động viên các nguồn lực nhằm phát triển lực lượng sản xuất và nâng cao năng suất lao động, xây dựng quyền lực nhà nước tập trung và bản sắc quốc gia, bành trướng các cơ hội làm ăn, các lối sống đô thị hóa, nền giáo dục phổ thông, thế tục hóa các giá trị và quy phạm... "Hiện đại" quy giản thành việc thực hiện các quy luật chức năng của kinh tế và nhà nước, của khoa học và kỹ thuật mà thôi. Ở phương Tây, "hiện đại hóa", hiểu theo nghĩa ấy, là muốn tách rời "Hiện đại ra khỏi các nguồn gốc khai minh của Châu Âu thời đại mới, vì thế, với nhiều người, các tiền đề và các giá trị của khai minh đã chết, chỉ còn phải xử lý những hậu quả của nó. Việc phê phán đối với Hiện đại thực ra không mới: với tiềm lực phê phán sẵn có, việc phê phán những khuyết tật của Hiện đại vốn song hành với Hiện đại ngay từ đầu.

Nhưng, sự phê phán lần này quyết liệt hơn. Một lần nữa, người ta muốn đoạn tuyệt với quá khứ để rảnh tay bước vào một tâm thế mới, gọi là "hậu-hiện đại" hay "hậu-lịch sử". Sự phê phán ấy chia thành hai hướng. Hướng ôn hòa phê phán mạnh mẽ các chiến lược hiện đại hóa trước nay đã mang lại nhiều thảm họa (chiến tranh, phá hủy môi trường, tiêu dùng vô độ ở các nước giàu và nghèo đói ờ phần còn lại của thế giới...) nhưng vẫn muốn tìm kiếm những chiến lược mới để bảo vệ và tiếp tục hiện thực hóa các giá trị đích thực của Hiện đại. Phái cực đoan "vô- Chính phủ muốn phú nhận tất cả, nhất là tinh thần "duy lý" (thực ra là "lý trí công cụ” và, do đó, vừa gợi mở nhiều cách tiếp cận mới mẻ, vừa dễ có nguy cơ bị các thế lực tân-bảo thủ lợi dụng để ngụy trang sự phản-khai minh dưới ngọn cờ của hậu - khai minh.

Ở các nước đang phát triển, "hiện đại hóa" - hiểu như một tiến trình phát triển độc lập về không gian và thời gian - có sức hấp dẫn của một sự "đi tắt đón đầu” để phồn vinh nhanh chóng và nhất là, một lần nữa, được giải phóng khỏi ách thống trị tinh thần sau khi thoát khỏi ách thống trị hiện thực của thực dân phương Tây. Và thế là, ở nhiều nước đang phát triển, các giá trị của "Hiện đại văn hóa" bị xem là sản phẩm đặc thù của phương Tây và thậm chí, là cái gì đã lỗi thời. Ở các xã hội ấy, không khó để nhận ra sự kết hợp khập khiễng giữa "công nghệ cao" (High-Tech) (chứ không phải tinh thần khoa học) với các mô hình chính trị, xã hội, văn hóa... tiền hiện đại, và có khi, cả phản - hiện đại.

4. Nhưng hiện đại xét như một ý thức lịch sử và một hiện tượng lịch sử toàn thế giới có động lực vận động tự thân mãnh liệt của nó. Suốt mấy thế kỷ, động lực tự thân từ nguồn sức mạnh tiềm tàng của giá trị hiện đại đã lần lượt chôn vùi các lực cản tiền - hiện đại (quân chủ chuyên chế, thần quyền, thực dân, phát xít, quan liêu bao cấp...). Trong cao trào toàn cầu hóa lần thứ hai hiện nay, với sự ra đời của xã hội thông tin, xã hội tri thức hay "xã hội mờ" (như là bước phát triển tự nhiên của Hiện đại), mọi lực cản - để sử dụng ngôn ngữ của công nghệ thông tin - sẽ càng sớm bị nhận diện như là "tiếng ồn" hay "virus" có tính "phá hoại" (contra-productiv) trong hệ thống, và sớm muộn sẽ bị chính quy luật vận động của hệ thống ấy tìm cách loại bỏ.

Tuy nhiên, xu thế chung ấy vẫn đòi hỏi phải có các yếu tố nội sinh nơi mỗi quốc gia đi sau, biết sớm tiếp thu và khai thác triệt để các giá trị hiện đại bằng một quyết định lịch sử để đưa sự phát triển đi vào bề sâu. Thực tế nghiệt ngã cho thấy: số nước thực sự hiện đại hóa thành công, không bị vĩnh viễn bỏ lại đàng sau và đổ vỡ đau đớn trong cảnh hoang dại và thối nát, bất lực, chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay!

5. Nước ta đang đề ra nhiệm vụ "công nghiệp hóa và hiện đại hóa". Hai nhiệm vụ song đôi nặng nề ấy cho thấy chúng không phải là một. Công nghiệp hóa là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ cho hiện đại hóa. Và, hiện đại hóa, hơn lúc nào hết, cũng cần được đặt ra một cách toàn diện và sâu sắc cho phù hợp với nhận thức mới mẻ ngày nay. Để thế hệ này và thế hệ sau không phải thở than như C.Mác trước hoàn cảnh đương thời của đất nước ông: "Chúng ta là những người sống đồng thời về mặt triết học với hiện tại, nhưng không phải là những người sống đồng thời về mặt lịch sử".

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hội nhập thành công phải là theo kịp bước đi của thời đại

    23/08/2016Minh ĐứcNăm 1907, phong trào Duy tân được phát động với mục đích mở ra một cuộc hội nhập cho dân tộc nhưng cuối cùng thất bại. Cuối năm 2006, Việt Nam gia nhập WTO, đánh dấu việc Việt Nam chính thức hội nhập với thế giới. Với góc nhìn “hồi cố”, ĐBQH, Nhà sử học Dương Trung Quốc đã có những đánh giá sắc sảo về tiến trình hội nhập của Việt Nam qua đối thoại cuối năm với người đai biểu nhân dân…
  • Đời sống tinh thần người Việt trong xã hội hiện đại

    04/04/2016Quỳnh Nhi thực hiệnĐời sống tinh thần người Việt trong xã hội hiện đại là một vấn đề đang thu hút sự chú ý của toàn xã hội, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ. Những năm gần đây, làn sóng toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế đã khiến cho nhiều dân tộc, trong đó có người Việt chúng ta, đôi khi đứng trước những lựa chọn khá nan giải. Hình ảnh người Việt sẽ như thế nào sau vài ba chục năm nữa đi theo tiến trình toàn cầu hóa?
  • Một số vấn đề triết lý hiện đại

    28/12/2015Đỗ Kiên CườngVới tư cách là triết học tự nhiên, vật lý có vai trò quan trọng trong bản thể luận và nhận thức luận. Dưới đây là một số nhận thức cá nhân về các vấn đề triết lý, cũng như mối quan hệ giữa vật lý hiện đại cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Dưới đây là một số nhận thức cá nhân về các vấn đề triết lý, cũng như mối quan hệ giữa vật lý hiện đại với các lĩnh vực khoa học khác...
  • Hiện đại hóa xã hội nhìn từ góc độ tính hợp lý

    31/03/2015Nguyễn Kim LaiNiềm tin của con người vào lý tính của mình đã dẫn đến tư tưởng về tiến bộ. Tiến bộ là phát triển, còn phát triển trong lĩnh vực xã hội đối với các xã hội truyền thống là chuyển lên xã hội hiện đại. Do vậy, lý luận hiện đại hóa là lý luận phát triển dành cho các nước kém phát triển. Cũng do vậy, vấn đề hiện đại hóa có liên quan tới vấn đề tính hợp lý mà khoa học là đại diện chủ yếu với tư cách là nội dung và tiền đề của hiện đại hóa.
  • Vài cảm nhận về thời đại

    09/11/2010Giang AnhNhững đặc trưng lớn của thời đại này là gì? Dòng chảy của lịch sử sẽ đi về đâu và vị trí của trí thức trẻ Việt Nam trong dòng chảy chung ấy thế nào?
  • Đi trước thời đại

    17/03/2008Lư Phổ ÂnNgày 14.3 cách đây 125 năm, Karl Marx qua đời ở London, để lại nền tảng tư tưởng và tinh thần cho cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân lao động và tiền đề lý luận cho cuộc cách mạng vô sản và xã hội chủ nghĩa ở nhiều nơi trên thế giới...
  • Hoàn cảnh hậu hiện đại

    26/11/2007
  • Phát triển các chế định xã hội của quá trình hiện đại hóa ở thành phố Hồ Chí Minh

    06/06/2007Trần Hữu QuangNếu xem xét xã hội như một hệ thống được cấu tạo bởi nhiều định chế xã hội, thì sự phát triển của cả một xã hội không thể không bao hàm sự thay đổi của từng định chế cũng như của mối quan hệ sắp xếp và tương thuộc giữa các định chế ấy. Bài viết này thứ phân tích vai trò của các định chế xã hội (xét như là những thành tố cấu thành hệ thống xã hội) nhằm đi tìm những động thái xã hội trong quá trình phát triển ở SàiGòn - TP. Hồ Chí Minh xưa và nay.
  • Công nghiệp hóa - hiện đại hóa và vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

    03/05/2007Nguyễn Văn HuyênC.Mác đã từng khẳng định một cách đúng đắn rằng, một xã hội chỉ có thể phát triển cao với một nền đại công nghiệp. Lý tưởng cao đẹp của toàn Đảng, toàn dân, toànquân ta là xây dựng Việt Nam thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh và văn minh. Để thực hiện lý tưởng đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra: từ nay đến năm 2020 chúng ta phải phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại.
  • Cảm nghĩ thời đại lúc vào xuân

    29/03/2007Nguyễn Khắc MaiTôi không thể không làm một việc cần thiết: gửi một lời chúc xuân tới quý bạn đọc, những tri kỷ của mình. Thật may mắn, tôi đã tìm được lời chúc xuân rất có ý nghĩa trong một bài thơ của Ngô Thì Nhậm "Nhập Xuân đa giai thụy" (Vào xuân với nhiều điều Đẹp giai, Lành - thụy).
  • Đối mặt với thời đại

    02/03/2007TS. Nguyễn Sỹ DũngMùa xuân lại trở về. Và hoa đào lại nở như năm ngoái. Như năm ngoái, là những ước mơ cháy bỏng của chúng ta về tự do, công bằng và thịnh vượng. Như năm ngoái là những lo toan chưa bao giờ nguôi nghỉ về bão lũ, về tai nạn giao thông, về dịch cúm gà…

  • Thời đại tốc độ

    04/02/2007Nguyễn Tân KỷTrong thời đại công nghệ thông tin, việc rút ngắn được thời gian là một yếu tố sống còn cho các doanh nghiệp. Ngày hôm nay việc phải chọn lựa giữa hai yếu tố nhanh và tiết kiệm thì gần như yếu tố nhanh đang thắng thế...
  • Phê phán tính hiện đại

    13/11/2006Alain Touraine (Huyền Giang dịch)
  • Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta

    22/08/2006Đông LaTinh thần hậu hiện đại đã và đang phảng phất đâu đó trong văn chương Việt Nam cũng là lẽ thường tình, nhưng không có tài, không hiểu biết đến nơi đến chốn mà mê muội bắt chước, thì chỉ làm ra được những bản sao tồi mà thôi...
  • Hiện đại hóa và tâm lý xã hội

    07/06/2006Nguyễn KiênXã hội hiện đại không chỉ bắt nguồn từ trạng thái kinh tế mà còn là một trạng thái văn hoá và tâm lý. Do vậy nếu chúng ta không tạo ra được những con người cá nhân ngày càng độc lập và chủ động thì chưa có đủ tiền đề để đi tới xã hội hiện đại...
  • Tôn giáo và xã hội hiện đại

    01/06/2006Đỗ Hồng Ngọc"Kỹ nghệ hóa, đô thị hóa, lý tính hóa đã phá vỡ hệ thống lòng tin cũ. Con người hiện đại ở Châu Âu trở nên lạnh lùng, khô cứng, đánh mất thế giới thần tiên mà nhân loại đã được nuôi dưỡng qua bao nhiêu thời đại. Thế nhưng không phải vậy, lòng tin có chuyển biến, đổi thay. Tính tôn giáo thì vận sống động dù ở trong một xã bội cực hiện đại có khi còn là một sự quá đà như ta thấy trong văn chương, nghệ thuật, trong đời sống hằng ngày hiện nay ở Âu Mỹ với nào phép thuật, phù thủy, bùa chú, hồn ma, chiêm tinh, bói toán, sao quá, bình nhân...
  • Về vai trò của triết học trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở nước ta

    05/05/2006PTS. Phạm Văn ĐứcCũng như mọi lí luận, triết học không chỉ làm nhiệm vụ lý giải những vấn đề của thế giới nói chung và của xã hội loài người nói riêng, mà còn trên cơ sở của sự lí giải ấy, nó trở thành cái định hướng đúng đắn cho con người trong hành động...
  • Quan điểm Macxit về thời đại và đặc trưng của thời đại hiện nay

    26/12/2005Thời đại mà những người Mácxít nói đến, là một khái niệm chính trị, là sự khái quát chiến lược ở tầng nấc cao nhất về tiến trình phát triển và xu thế cơ bản của thế giới. Về mặt thời gian, nó chỉ một giai đoạn tương đối dài trong tiến trình phát triển lịch sử thế giới. Về mặt không gian, nó lấy đặc trưng phát triển xã hội của đại đa số quốc gia và khu vực trong phạm vi toàn thế giới làm căn cứ. Về mặt nội dung, nó là sự khái quát bản chất về các mâu thuẫn và vấn đề của thế giới. Nhìn từ phương hướng phát triển, nó là sự phản ánh cơ bản về tình thế cơ bản của tiến trình lịch sử thế giới...
  • Triết học với sự nghiệp Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá

    19/11/2005Bùi Quang MinhĐể góp phần tìm hiểu những vấn đề triết học của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, đồng thời tham gia vào việc triển khai nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng vào cuộc sống ; chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách...
  • xem toàn bộ