Sống hiện đại
Mua bằng rất nhiều tiền
Hình như từ sau một vụ án lớn, câu châm ngôn này (được cho là xuất phát từ một bị án) trở nên phổ biến : “Cái gì không mua được bằng nhiều tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Rất nhiều tiền vừa là mục tiêu chiếm lĩnh, vừa là phương pháp hành xử, lại kiêm chìa khoá vạn năng cho mọi cánh cửa. Với người bình thường, “rất nhiều tiền” là một cụm từ luôn luôn mơ hồ. Trong túi chỉ có một trăm ngàn thì mười triệu là rất nhiều tiền. Có một triệu thì một trăm triệu là rất nhiều. Có một trăm triệu thì một trăm tỷ là một ước mơ…Tóm tắt lại, với tiền, hay rộng ra làt ài sản sở hữu sẽ không bao giờ có cái đích cuối cùng. Do vậy, có lẽ với hầu hết mọi người, “rất nhiều tiền” là một con đường không có đích.
Theo logic này, sẽ chẳng bao giờ con người thoả mãn được với những thứ mua được bằng tiền. “Được voi đòi…bà Triệu” là thói đời thường gặp. Đuổi theo cái đích mơ hồ vô vọng, chẳng thể nào bắt được nó, dù thỉnh thoảng lại tưởng đã nắm chặt nó trong tay.
Trở nên giàu có hơn, đấy là khát khao của đa số nhân loại. Và thật ra, ở khía cạnh phát triển kinh tế, trước hết đó là điều đáng tự hào.
Một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người tương đương 500 USD/năm, lên được tương đương 2.000 USD/năm, đó là cuộc vượt thoát vất vả. Một người ra trường lãnh lương 3 triệu đồng/ tháng, sau 10 năm, lãnh lương cao gấp 10 lần, đó là sự đổi đời. Nghĩa là, dù ở bình diện cá nhân hay quốc gia, tăng thu nhập, giàu có hơn luôn là một thúc giục khắc khoải.
Câu này thì có vẻ đã nhàm chán “Cuộc sống không chỉ có tiền”. Tuy vậy, phải thẳng thắn rằng không có tiền thì thật khó có nhiều thứ chỉ có được bằng cách mua. Nhưng vấn đề với số đông sẽ là câu hỏi : khi đã có tiền, cái “không chỉ” bên cạnh tiền đích thực là gì? Khi mải đuổi theo một đích duy nhất là kiếm nhiều tiền, có được nó rồi, lại là sự hoang mang về lựa chọn lối sống.
Sống xanh
Với một đất nước đang guồng chân ở những đoạn đầu tiên trên hành trình phát triển, sự háo hức với những thành quả ngắn hạn luôn dễ trở thành phấn khích. Những con số tăng trưởng đẹp dễ đánh lừa thị giác lẫn tâm lý. Người dở thì thích nghe khen.
Với từng cá nhân, khi vừa chớm giàu, có nhiều tiền hơn, thì dễ ảo tưởng về mình. Và ảo tưởng thì tự cho mình nhiều quyền lựa chọn cảm tính. Phép thử và sai hay được vận dụng, cho những người ở độ trưởng thành. Ở một phương diện khác, cuộc sống và nhịp sống ở buổi giao thời bị nhoè về nhiều giá trị. Cái cũ thì không bắt nhịp kịp cái mới, nhưng cái mới lại chưa định hình rõ ràng. Và đó là thời điểm của các giá trị “nhập nhoạng”, khiến người ta dễ nhầm lẫn và trả giá cho quyết định “xài thử xem sao”.
Mười năm trước, khi thu nhập bắt đầu khá, nhiều người bắt đầu nhậu cho đã thèm. Ở quán nhiều hơn ở nhà, cũng vui. Rồi vài ba năm nay, sự trả giá cho “đã thèm” bắt đầu rõ dạng hình. Bệnh tật, suy sụp, đổ vỡ. Khi có nhiều tiền, các thú vui cho phần xác lấn át bồi bổ cho phần hồn. Được cái này thì mất cái kia. Những căn bệnh tinh thần của cư dân đô thị không chỉ là stress, cô đơn, buồn chán. Ở một tầng sâu hơn, là mất phương hướng., mất lòng tin vào xung quanh và chính mình. Các chứng bệnh đô thị trở thành bạn đồng hành của mức sống mới.
Sống tiện nghi và tiện nghi hiện đại, là một ước muốn hợp lẽ. Nhưng khi tiện nghi, tài sản, sở hữu ngày càng trở thành một sự lệ thuộc, thì người có chúng sẽ mất tự do. Rất tiếc, những lựa chọn tỉnh táo ở buổi giao thời- với nhiều biến thiên nhố nhăng, lại đang là thiểu số nhỏ nhoi. Ấn nút thang máy dễ hơn đi cầu thang bộ, ăn nhậu vẫn dễ dàng hơn nằm đọc sách, mua sắm vẫn dễ hơn chơi thể thao…Lựa chọn càng dễ thì càng ngắn về kết quả. Học vấn không có đường tắt, khôn ngoan không phải là học lóm, và trả giá cũng không phải ngẫu nhiên. Nhưng nôn nóng “đi tắt đón đầu” làm cho hành trình phát triển trở nên bấp bênh. Và đó cũng là một nền chông chênh cho những căn bệnh tinh thần khó chữa. Xét về giá trị sống, rất nhiều khi kinh nghiệm lại là cách diễn đạt khác của thất bại!
Sống xanh, thân thiện với môi trường, hài hoà với tự nhiên, tôn trọng lợi ích cộng đồng đang là một lựa chọn cho nhiều quốc gia phát triển. Đến cái ngưỡng của dư thừa lựa chọn vật chất, mệt mỏi bởi đua tranh, họ trở về với những bình yên giản dị. Cái hiện đại đang mang tính đích đến được hình dung 30-40 năm trước nay thoát trở thành cái ẩn chứa tại hoạ. Nhưng bi kịch là, có những điều đã mất thì vĩnh viễn không còn. Sống hiện đại, theo cái nhìn thời đại, là trở về với những nhu cầu có thực, của chính mình, để sống cân bằng, lành mạnh. Vậy thì với Hà Nội, Sài Gòn…, liệu có sớm tỉnh táo mà lựa chọn điều sẽ là hiện đại cho chính mình mươi năm nữa?
Mùa xuân, nói chuyện sống lành mạnh, tất nhiên không chỉ là để…hy vọng!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá