Hiện đại & hại điện!

09:31 CH @ Thứ Hai - 23 Tháng Sáu, 2008
Xu hướng phát triển tất yếu của xã hội phải là văn minh, hiện đại nhưng đi kèm với nó đương nhiên vẫn là hệ lụy tốn kém điện, vấn đề này khỏi cần bàn vì cứ nhìn nhu cầu điện và sự thiếu hụt điện năng càng trầm trọng vào mùa khô sẽ rõ mức độ hiện đại. Cho nên, cụm từ này được nâng cấp phù hợp với nhận thức xã hội, một cách nói lái để nêu lên hai mặt của một bàn tay, một đồng xu sấp ngửa hay thuyết nhị nguyên luận đen trắng.

Tính tương thích đòi hỏi cả về lý thuyết và thực hành đều có kết quả phù hợp, vì thế một số tục lệ truyền tống cũng được hiện đại hóa cho thuận tiện, văn minh ví dụ: cúng ông Công ông Táo bằng cá chép giấy, mùng một Tết kiêng quét nhà thì dùng máy hút bụi, xá tội vong nhân hóa cả ngoại tệ… Nói về phong tục truyền thống chưa thuyết phục bằng việc thật trong cuộc sống, phải mất nhiều thời gian và giấy mực mới có thể kể hết được chi tiết, nhưng nếu phân tích một vài vấn đề khoa học thì chắc chắn mở đầu là khí hậu và sinh thái, tận thu và cũng tận diệt thiên nhiên. Thế mới có chuyện mưa trái mùa, tuyết mùa hè, lốc xoáy bất chợt, bão dạo chơi vòng vo như du lịch lữ hành, các dòng sông đều cạn, khí thải, hiệu ứng nhà kính…

Mạng Internet rõ ràng là thuận tiện, cập nhật thông tin đến từng bàn làm việc, thậm chí giường ngủ như sinh ra chít chát tối ngày, chơi điện tử thâu đêm suốt sáng rồi mua bán vũ khí, khí tài ảo; tin tặc bẻ khóa đột nhập tài khoản, tung virút phá hoại. Một số kiều nữ hành nghề tươi mát có thêm webcam để trình làng mẫu mã; vài kẻ bắt ép các nhân vật nổi tiếng một cách bất đắc dĩ bởi phim ảnh nóng… đặc biệt nhiều blog cá nhân đưa lên những hình ảnh phản cảm, sử dụng ngôn từ tổng hợp vắn tắt chẳng ra tiếng nước nào, tạo ra trào lưu sử dụng từ ngữ mạng trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày và bệ cả vào văn viết khiến cho sự cộc cằn và rối rắm của tiếng Việt không ai hiểu nổi, chỉ còn cách botay.com. Điện thoại di động rất phổ biến và vô cùng nóng vì thị trường trưng model mới từng ngày, các hãng điện thoại ưu đãi tối đa cho thượng đế nuôi dế. Tiện lợi sẽ giúp cho lười biếng phát triển, chẳng cần thăm nom gặp gỡ ai cho vất vả, bấm vài số phím thăm là ổn, muốn văn thơ tế nhị hơn thì nhắn tin, nhất ngón đa năng tiện. Và cũng nhờ có dế mà nói dối, nói thác, từ chối tự nhiên như thật bởi chẳng ai phân biệt được nơi này nơi kia, tỉnh nhà tỉnh khách qua dế. Khá nhiều dế đời mới còn có chức năng quay phim chụp ảnh tạo ra vô số scandal bi hài ký trong tình trường, tiền trường và quan trường.

Cuộc sống đô thị không thể tách rời chủ điểm giao thông. Số lượng xe máy tăng lên chóng mặt, còn xe ô tô mặc dù đắt rùng mình nhưng vẫn có khách hàng thi nhau mua. Từ lâu ở các nước tiên tiến, hiện đại người ta đã nhận định: tắc đường là hệ quả của công nghiệp phát triển, còn ta chưa được xếp hạng trong những nước công nghiệp mới (NICs) nhưng đã tắc đường nghiêm trọng do quy hoạch giao thông không chuẩn, ý thức vô luật lệ và vì sự phát triển không đồng bộ giữa hạ tầng giao thông và phương tiện. Muốn giảm phương tiện cá nhân phải tăng xe công cộng, nhưng chính xe bus hay coi thường luật giao thông nhất? Tắc đường triền miên gây ô nhiễm khói bụi và âm thanh khiến cho tình trạng stress tâm lý ngày càng nặng nề dẫn đến hiệu quả công việc giảm sút và lãng phí nhiên liệu và điều quan trọng nhất ta lại không được công nhận là thành phố công nghiệp nhờ tắc đường. Cũng vì đối phó với thiên nhiên bất thường nên con người tự chăm lo bản thân bằng tiện nghi sinh hoạt và thuốc. Nào điều hòa, máy sưởi, chăn điện, gối hơi, quạt đá, đệm lò xo, bình nóng lạnh, bồn ngâm chân… (tất nhiên phải nộp nhiều tiền điện hơn) và chăm sóc sức khỏe bằng máy matxa, giảm mỡ, máy tập, đặc biệt là mua đủ các loại thuốc bổ uống quanh năm ngày tháng (đến nỗi thừa vitamin gây tác dụng phụ vẫn không biết). Thoáng sổ mũi nhức đầu là uống ngay kháng sinh (dẫn đến tình trạng nhờn thuốc đối với một số vi trùng gây bệnh). Sức ép công việc và nhu cầu ham muốn ngày càng tăng khiến cho người ta khao khát thúc đẩy tiến độ và tranh thủ thời gian từng phút từng giây. Vì đó mà thức ăn nhanh và cơm hộp ra đời. Tiện lợi quá rõ, nắng mưa kệ trời, cứ ngồi trong phòng mà ăn uống xong có người đến dọn đi ngay, nhưng có ai nghĩ rằng ăn như thế liệu có vệ sinh (rất nhiều trường hợp ngộ độc thức ăn tập thể). Gần đây các con số thống kê còn cho thấy số người béo phì tăng nhanh, đành rằng nhiều dinh dưỡng no đủ thì tốt nhưng từ thức ăn mỡ đạm sinh ra vô số bệnh: gút, thận, gan, dạ dày, trĩ… và hóa chất đóng hộp, đồ nguội chế biến sẵn góp phần tạo nên ung thư, u bướu, nhất là lại chuốc nhau rượu bia, nước ngọt có ga, châm thêm điếu thuốc thơm thật không biết bệnh nào mà lần!

Sẽ là một sơ suất rất lớn nếu bỏ qua vấn đề giáo dục giữa xu thế hiện đại. Học hành thời mới rất tiện lợi, giáo dục từ xa đến gần, nhưng tinh thần và ý thức học tập của một số học sinh đô thị đang xuống cấp, trong khi đó tại các vùng chưa hiện đại lắm thì học sinh không có đủ điều kiện như trường học, tiền học, sách học mà phải bỏ học. Tuy vậy, mục đích chung của học hành sau 12 năm phổ thông chỉ là đại học hóa! Muốn gì cũng phải vào đại học – ra đại học rồi ngồi chơi xơi nước cũng vẫn oai, thế là kết quả chúng ta thừa thầy – thiếu thợ triền miên, đến công nhân kỹ thuật cao mà tay nghề chỉ như thợ thủ công.

Cũng từ chữ danh ấy mà sinh ra trào lưu sính bằng cấp ngoại (ngoại tại chỗ cũng vênh vang không kém ngoại bản xứ), thế rồi đua nhau khoe bằng xí chỗ ngồi đến nỗi tỷ lệ học hàm học vị của ta so với khu vực cao ngất ngưởng nhưng công trình khoa học tìm mãi chưa ra hoặc có thì chưa được ứng dụng thực tiễn. Còn vô số sinh viên đạt chuẩn mực số lượng bằng cấp đại học (hoặc cao hơn), văn bằng hai (thậm chí ba), tin học, ngoại ngữ ấy vậy mà vẫn khó tìm việc làm. Như thế giáo dục hiện đại một cách ồ ạt thành ra thiếu chỗ thể hiện những gì đã học?

Hiện đại hiểu đơn giản chỉ là tất cả những gì thuộc về thời đại ngày nay, mà bây giờ dường như tự nhiên cũng thay đổi: rét nàng Bân không còn cắt da cắt thịt nữa vì áo len ngoại nhập nhiều chỉ cần dán mác lên là xong; ông bà Ngâu xa nhau là thế nhưng bớt than vãn tỉ tê vì hàng không quốc tế thuận tiện, vài phút bay là gặp gỡ nhau, đâu phải đợi cầu Ô Thước!
Nhân vật cổ tích là vậy, trong thực tiễn con người mới là nhân tố lớn nhất, chủ thể của xã hội. Nếu ta không khắc phục những mặt hạn chế kỹ thuật tất nhiên sẽ bị hại điện. Còn không cải tiến được những suy nghĩ yếu kém thì không những ta gây hại điện mà còn hại nhân dài dài nữa!
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hiện đại hóa xã hội nhìn từ góc độ tính hợp lý

    31/03/2015Nguyễn Kim LaiNiềm tin của con người vào lý tính của mình đã dẫn đến tư tưởng về tiến bộ. Tiến bộ là phát triển, còn phát triển trong lĩnh vực xã hội đối với các xã hội truyền thống là chuyển lên xã hội hiện đại. Do vậy, lý luận hiện đại hóa là lý luận phát triển dành cho các nước kém phát triển. Cũng do vậy, vấn đề hiện đại hóa có liên quan tới vấn đề tính hợp lý mà khoa học là đại diện chủ yếu với tư cách là nội dung và tiền đề của hiện đại hóa.
  • Tình yêu thời @

    28/05/2008Trịnh Trung HòaThời @ người ta liên hệ với nhau bằng internet và điện thoại di động vừa nhanh chóng vừa đơn giản hơn ngày trước các cụ gửi thư nhiều. Đã mất công soạn một tin nhắn mùi mẫn, tội gì không gửi đi hai, ba nơi. Thời nay, tìm được chàng trai, cô gái chỉ yêu duy nhất có một người và khước từ các tình yêu khác có lẽ hơi bị hiếm.
  • Toàn cầu hóa và những thay đổi của thế giới hiện đại

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtNói về thế giới hiện đại với những đòi hỏi có tính toàn cầu đối với mọi quốc gia không thể không đặt một câu hỏi có tính chất cốt lõi, đó là thời đại mà chúng ta đang sống có những đặc điểm chủ yếu nào?
  • Tốc độ đổi mới của thế giới hiện đại

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtThay đổi nhanh chóng và không ngừng là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất của thế giới hiện đại. Con người trong thời đại mới buộc phải không ngừng vận động để thích nghi với các thực thể khác...
  • Từ hiện đại đến hiện đại hóa

    09/04/2008Bùi Văn Nam SơnỞ các nước đang phát triển, “hiện đại hóa” hiểu như một tiến trình phát triển độc lập về không gian và thời gian - có sức hấp dẫn của một sự “đi tắt đón đầu” để phồn vinh nhanh chóng và nhất là, một lần nữa, được giải phóng khỏi ách thống trị tinh thần sau khi thoát khỏi ách thống trị hiện thực của thực dân phương Tây...
  • Tám xuyên lục địa

    13/02/2008Nguyễn Vĩnh NguyênChuyện trong nhà chưa biết ngoài ngõ đã hay. Tám vặt sở thành một dịch bệnh của người trẻ công sở. Tại sao người trẻ lại thích tám như thế?
  • Hoàn cảnh hậu hiện đại

    26/11/2007
  • Công nghiệp hóa - hiện đại hóa và vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

    03/05/2007Nguyễn Văn HuyênC.Mác đã từng khẳng định một cách đúng đắn rằng, một xã hội chỉ có thể phát triển cao với một nền đại công nghiệp. Lý tưởng cao đẹp của toàn Đảng, toàn dân, toànquân ta là xây dựng Việt Nam thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh và văn minh. Để thực hiện lý tưởng đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra: từ nay đến năm 2020 chúng ta phải phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại.
  • Phê phán tính hiện đại

    13/11/2006Alain Touraine (Huyền Giang dịch)
  • Triết học tôn giáo phương Tây hiện đại

    31/10/2006Đỗ Minh HợpTriết học với một nghĩa nào đó là sự phản tư đối với văn hoá thời đại, Triết học tôn giáo không phải là một ngoại lệ, nó là sự phản tư đối với tôn giáo với tư cách một bộ phận, một hình thức của văn hoá. Cùng với chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa phi duy lý, triết học tôn giáo tạo thành một trong ba khuynh hướng cơ bản của triết học phương Tây hiện đại. Chính vì vậy mà chúng tôi cố gắng giới thiệu những nét cơ bản của triết học tôn giáo hiện đại...
  • Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta

    22/08/2006Đông LaTinh thần hậu hiện đại đã và đang phảng phất đâu đó trong văn chương Việt Nam cũng là lẽ thường tình, nhưng không có tài, không hiểu biết đến nơi đến chốn mà mê muội bắt chước, thì chỉ làm ra được những bản sao tồi mà thôi...
  • Hiện đại hóa và tâm lý xã hội

    07/06/2006Nguyễn KiênXã hội hiện đại không chỉ bắt nguồn từ trạng thái kinh tế mà còn là một trạng thái văn hoá và tâm lý. Do vậy nếu chúng ta không tạo ra được những con người cá nhân ngày càng độc lập và chủ động thì chưa có đủ tiền đề để đi tới xã hội hiện đại...
  • Chuyện Alibaba và Nền giáo dục Việt Nam trong thế kỷ 21

    10/02/2003Bùi Quang MinhTừ quá trình tự trau dồi tri thức, Alibaba tự đúc rút ra thần chú của riêng mình để mở toang các kho báu Tri thức. Đó chính là “Cùng học cùng chơi; Bồi bổ Trí nhớ, Gợi mở Tư duy; Làm chủ Công cụ”. Trái với nó là “Học quá tải, thi nặng nề; Nhồi nhét trí nhớ, Hao mòn Tư duy; Xa rời Công cụ” là điều mà cách học không đúng hay mắc phải.
  • Để hội nhập, phải hiện đại hóa giáo dục

    05/12/2003GS Hoàng Tụy vừa trở về từ Mỹ trong một dự án hợp tác khoa học. Trong bộn bề công việc, ông vẫn dành cả một buổi chiều để cùng chúng tôi trao đổi về những việc của khoa học và giáo dục. Ông vào đề trước...
  • xem toàn bộ