"/>"/>

Dân chủ và hiện đại hóa

10:28 SA @ Thứ Tư - 19 Tháng Năm, 2010

Dân chủ đâu phải bây giờ mới có, từ thuở xa xưa lúc con người còn ở xã hội nguyên thủy đã có cái gọi là "chế độ dân chủ" rồi. Tuy nhiên, lúc bấy giờ xã hội chưa phân chia thành giai cấp cho nên dân chủ ở đây chỉ là loại "dân chủ phi chính trị".

Khái niệm "dân chủ” (Democracy) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp (Democratia) đã xuất hiện từ thời chế độ chiếm hữu nô lệ. Platon và Aristote chia nhà nước làm bốn loại hình : nhà nước dân chủ, nhà nước quý tộc, nhà nước lũng đoạn và nhà nước bạo chúa. Nhà nước dân chủ ở đây thực sự chỉ là "dân chủ”, trong nội bộ giai cấp thống trị và giữa những người ở tầng lớp gọi là tự do với nhau”. Như vậy, "Democratia" thực ra chỉ có nghĩa là "không chuyên quyền", hoặc là “quyền lực thuộc về số đông”, không có "dân" nào vào đấy cả.

Một nghìn năm phong kiến ở phương Tây lại càng vắng bóng "dân chủ”. Cũng chẳng làm gì có dân chủ trong nội bộ giai cấp thống trị huống chi là dân chủ trong đám dân đen. Nhà nước là nhà nước của một người, đúng như Louis XIV của Pháp đã tuyên bố "Nhà nước chính là ta". Đó là quan niệm về nhà nước trong thời kỳ phong kiến trên khắp trái đất này, kể cả phương Tây lẫn phương Đông. Đó vừa là bước lùi đối với cái gọi là "dân chủ”, nhưng cũng là bước tiến đối với việc cũng cố quyền lực nhà nước trong lịch sử.

Vào giữa thiên niên kỷ thứ II sau Công nguyên, trong khi phương Đông đang còn triền miên trong “giấc mộng đêm hè" thì giai cấp tư sản phương Tây đã nã những viên đạn đại bác “dân chủ” và "nhân quyền" vào thành lũy của giai cấp phong kiến. Không ai nghi ngờ rằng đó là một bước tiến dài chưa từng có trong lịch sử nhân loại về quan hệ giữa người và người gắn liền với tư tưởng nhân văn và những cuộc cách mạng tư sản triệt để nhất trong lịch sử nhân loại trước đó. Giai cấp tư sản đã làm thức tỉnh con người mê muội bằng những luồng gió dân chủ mát mẻ, làm cho con người không còn có thể chịu nổi chính thể quân chủ, chính thể mà thực chất là quyền lực nhà nước chỉ nằm trong tay một người. Điều đó hoàn toàn ngược lại với yêu cầu chính trị dân chủ này. Chính quyền từ nay không phải là "cha truyền con nối" mà phải thông qua chế độ bầu cử hẳn hoi, quyết sách không phải chỉ từ miệng của một người "có gang có thép" nhất phát ra mà phải được bàn bạc ở tổ chức gọi là nghị viện. Không những vậy mà Montesquieu còn hạn chế chuyên quyền bằng cơ chế nam quyền phân lập". Đó là về nhà nước, còn người dân thì không phải chắp tay há miệng chờ sung", đợi những ân huệ từ trên cao rơi rụng xuống được chừng nào hay chừng nấy mà phải có quyền lợi thực sự, gọi là dân quyền. Quyền lợi đó - dân quyền - không phải là việc làm từ thiện được chăng hay chớ mà phải trở thành văn bản pháp luật giấy trắng mực đen của chế độ cộng hòa. Vì vậy nên năm 1628 nghị viện Anh đã hiện thực nó trong thư gửi cho nữ hoàng. Năm 1776 Tuyên ngôn độc lập của Mỹ cụ thể thành ba điều thiêng liêng nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng nhắc lại trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Tuyên ngôn dân quyền của cách mạng tư sản Pháp năm 1789 được xem là đã tổng kết đầy đủ nhất quan niệm dân chủ của giai cấp tư sản. Dân chủ mà không có dân quyền thì dân chủ đó chưa phải là dân chủ, cũng như độc lập mà không có tự do thì độc lập đó cũng trở thành vô nghĩa. Cơ sở của dân quyền là nhân quyền, triết lý của quyền là nhân văn (humanism). Cho nên nhân văn là linh hồn của dân chủ phương Tây. Tuy nhiên có phần oái oăm, bởi vì nó ngược lại hoàn toàn với quan niệm dân bản (dân là gốc) của phương Đông, trong khi quan niệm dân bản cho rằng bản tính con người là thiện thì nó lại cho rằng bản tính của con người là "ác". Bởi vì bản tính của con người là "ác" cho nên trả lại (chứ không phải lấy đi) cho nó mới là "thiện”.

Dân chủ ở phương Tây không phải tự nhiên muốn có là có, nó là đứa con song sinh cùng với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ hai trong lịch sử nhân loại. Khoa học công nghệ phát triển, có nghĩa là trình độ nhận thức phát triển. Cho nên dân chủ không thể thiếu dân trí được. Tuy nhiên, dân trí cũng là điều kiện cần chứ chưa là điều kiện đủ. Khi quyền uy còn nằm trong tay Nhà thờ thì cho dù "dân trí" của Galilée có cao mấy cũng không dám kiên định chân lý quả đất xoay quanh Mặt trời. Đó là vì chân lý bao giờ cũng nằm trong Kinh Thánh, ai nói sai Kinh Thánh thì người đó phản lại chân lý. Khoa học công nghệ đã thay chân lý đó bằng "thực nghiệm" khoa học. Chân lý không còn đóng băng trong giáo đường, chân lý đã từ kinh Thánh bước ra ngoài đời, tạo điều kiện cho người ta dám nghĩ, dám nói, dám làm. Nếu không có bước đột phá về tiêu chuẩn của nhận thức thì cũng không thể giải phóng sức sáng tạo. Năng động sáng tạo là nghĩa vụ, hưởng thụ thành quả của lao động sáng tạo là quyền lợi. Tiêu chuẩn chân lý, năng động sáng tạo và quyền lợi phải được pháp lý hóa. Nhà nước pháp quyền tư sản đã "dân chủ” thể chế “quân chủ” phong kiến như vậy đó.

Con đường "dân chủ” tuy thoáng đãng hơn trước nhiều nhưng thực ra nó vẫn còn gập ghềnh bởi những phiến đá "tư hữu và dự do bóc lột sức lao động". Cá nhân vừa được giải phóng khỏi màn đêm của Trung thế kỷ nhưng lại rơi vào vực thẳm của chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Chính vì vậy nên vào giữa thế kỷ XX, Liên hiệp quốc đã ban hành Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (1948) để thay thế cực đoan cá nhân đó bằng cái gọi là "nhân quyền tập thể". Chưa kể thảng hoặc có những ý kiến cực đoan của cực đoan như Kato Nhật Bản trong Học thuyết nhân quyền mới (1882) đã thẳng thừng bác bỏ quan niệm "quyền con người là do trời phú” lừng danh của Rousseau trước đây. Tác giả cho rằng không làm gì có quyền nào do trời phú cả, chỉ có quyền do "người mạnh nhất" ban phát cho mà thôi. Thế mới biết giai cấp tư sản Á Đông cũng không dễ dàng gì tiếp thu tư tưởng dân chủ của phương Tây khi thế "trung bình tấn” hãy còn khá vững chắc của võ sĩ Su mô phong kiến. Tuy nhiên, cũng chính tại đất nước hoa Anh Đào này lại là mảnh đất phương Đông đầu tiên nảy mầm tư tưởng dân chủ. Cho nên, không có gì đáng ngạc nhiên vì sao hầu hết những nhà cải cách dân chủ thời kỳ cận đại ở Trung Quốc đều chạy sang Nhật Bản để tránh sự truy bức của thế lực bảo thủ. Có lẽ đó là một trong những lý do mà Phan Bội Châu tìm đến đất nước Mặt Trời mọc này. Và sự thành công trên con đường hiện đại hóa của Nhật Bản phải chăng cũng là sự kết hợp khéo léo giữa văn hóa truyền thống và dân chủ trong nền kinh tế hiện đại hóa đến từ các nước phương Tây như nhiều người nhận xét(1). Nhật Bản là nước phương Đông sớm nhất chủ động tiếp thu khoa học công nghệ hiện đại của một nước tư bản sớm nhất ở phương Tây, đó là Hà Lan, Nhật Bản gọi đó là "Lan học". Cho nên công nghệ hiện đại không thể không gắn liền với dân chủ. Những nhà cải cách dân chủ cận đại ở Trung Quốc, từ Tôn Trung Sơn, Lương Khải Siêu…đều ý thức rất rõ điều này, cho nên trung tâm cải cách của không ngoài khoa học công nghệ và dân chủ. Như vậy, “dân chủ” là khái niệm xem ra có vẻ “khan hiếm" trong lịch sử phương Đông.

Hình như cho tới nay, lục lọi trong mọi sử sách Trung Hoa kể cả thời cổ đại lẫn trung đại cũng không tìm đâu thấy từ ngữ “dân chủ”. Nhưng thay vì không có khái niệm “dân chủ” thì lại có khái niệm “dân bản” (dân là gốc)

Từ ngữ "Dân bản" (dân là gốc), xuất hiện sớm nhất là vào khoảng thế kỷ XII trước công nguyên. Sách Thượng Thư, Ngũ tử chi ca ghi : “Dân là gốc của nước, gốc vững thì nước mới bền" (Dân vi bang bản, bản cố bang ninh). Cũng sách Thượng Thư, thiên Thái thệ chép: “Cái gì mà dân muốn thì trời cũng phải nghe theo” (Dân chỉ sở dục, thiên tất tòng chi).

Truyền thống "dân là gốc" được tiếp tục bởi Nho giáo, học thuyết ảnh hưởng sâu rộng vào bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc. Theo Trần Kim Sinh, học thuyết đức trị của Khổng Tử thực ra là một bước phát triển quan niệm “dân là gốc”. Chủ yếu biểu hiện ở 3 điểm sau đây : một là giai cấp thống trị phải làm gương cho dân chúng noi theo, hai là giai cấp thốngtrị phải quan tâm đến lợi ích thiết thực của dân chúng, ba là phải giáo dục đạo đức cho dân (2).

Mạnh Tử còn tiến bước xa hơn bởi vì ông đã “khẳng định tác dụng trực tiếp và quyết định của dân đối với việc thay đổi chính quyền"(3). Tuân Tử cũng nhận định xác đáng về vua và dân mà sau này Nguyễn Trãi có nhắc lại, đó là : “Vua là thuyền, dân là nước, nước chở thuyền và nước cũng lật thuyền" (Quân giả chu dã, thứ nhân giả thủy dã, thủy tắc tãi chu, thủy tắc phúc chu, Tuân Tử, Vương Chế). Nhưng Tuân Tử khác với Khổng Tử, Mạnh Tử ở chỗ, trong khi Khổng, Mạnh quan niệm bản tính con người là thiện thì Tuân Tử lại cho là ác. Vì vậy nên dân khó lòng chịu giáo hóa về đạo đức. Cho nên chính quyền vững hay không, không phải do dân mà do vua: “Vua là ngọn nguồn của dân, nguồn trong thì nước trong, dòng đục thì nước đục” (quân giả, dân chi nguyên dã, nguyên thanh tắc lưu thanh, nguyên trọc tắc lưu trọc, Tuân Tử, Quân Đạo). Theo Đàm Tự Đồng thì “chính thể hai nghìn năm (ở Trung Quốc – HTM) là

chính thể của nhà Tần, tư tưởng hai nghìn năm là tư tưởng của Tuân Tử(4).Nói cách khác, quan niệm "dân là gốc” không còn được thực thi như trước, cho nên"không những khó lòng tạo một bước chuyển biến từ “dân bản” sang “dân chủ” mà đến ngay tư tưởng “dân bản” truyền thống cũng khó mà duy trì được"(5).

"Dân bản” chỉ là tiền đề của "dân chủ” chứ không phải là “dân chủ”. Tuy nhiên, cũng theo Thang Ân Giai, Viện trưởng Viện Khổng giáo Hồng Kông, thì "dân bản" thực chất là "dân chủ”. Bởi vì Khổng Tử chủ trương "tuyển chọn người có tài có đức" (tuyển hiền dử năng, Lễ vận, Đại đồng).Cho nên đúng là "hơn hai nghìn năm trăm năm trước đây đã có chủ trương "tuyển chọn người hiền", vậy thì có thể nói Khổng Tử là người đầu tiên trên toàn thế giới đề xướng bầu cử dân chủ”(6).

Không thể biến "dân bản" thành "dân chủ" được. "Dân bản" trong xã hội phong kiến cơ bản xem dân chỉ là phương tiện, Vua mới là trung tâm, "dân chủ” trong xã hội tư bản đã đặt dân vào trung tâm, chính quyền thuộc về đa số, nhưng cả hai đều mọc lên từ mảnh đất tư hữu. “Dân chủ” vô sản đương nhiên chủ trương chính quyền thuộc về dân, nhưng khi nào còn tư hữu, nói cách khác là khi nào còn tư liệu sản xuất chưa thực sự thuộc về dân thì khi đó chưa thực sự dân chủ. Cho nên "dân chủ” phải đi liền với việc xóa bỏ chế độ tư hữu, xóa bỏ giai cấp. "Dân chủ” thực ra không phải là mục đích, vì vậy đến lúc xã hội phát triển cao thì “dân chủ” tự nó không cần phải tồn tại nữa.

Đó là nói chuyện xa vời, trong lịch sử Việt Nam, bởi ngay "dân bản" hãy còn là ba chìm bảy nổi thay huống chi là “dân chủ”. Chính vì vậy sau khi đất nước được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhắc đi nhắc lại về vấn đề "dân là gốc" (dân bản). Hiện nay vừa nói dân chủ lại vừa nói "dân là gốc", điều đó cũng thể hiện vấn đề "dân là gốc" đâu đã xong xuôi. Thực hiện dân chủ quả là một việc không dễ dàng chút nào trong hoàn cảnh nước ta đi lên từ một nước tiền tư bản.

Hiện nay, dân chủ và hiện đại hóa không phải chỉ là vấn đề “nội tại” mà còn là vấn đề “ngoại tại". Mục tiêu cao của dân chủ là dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhưng mục tiêu "thấp" của dân chủ là "dân là gốc". "Dân là gốc" trong xã hội tiền tư bản vẫn còn cần phải thực hiện, vậy "dân chủ tư sản" của xã hội tư bản liệu có chỗ nào hợp lý khả dĩ tiếp thu hay không? Nếu dân chủ tư sản và dân chủ vô sản không có mẫu số chung, thì ít ra cũng có“tử số chung". Hơn nữa khoa học công nghệ và dân chủ tư sản vốn đan xen với nhau, cho nên chỉ tiếp thu cái này vứt bỏ hoàn toàn cái kia liệu có hiện thực chăng? Thời gian không cho phép tuần tự thực hiện từ mục tiêu thấpđến mục tiêu cho mà phải đồng thời, có nghĩa là thống nhất giữa chiến lược và sách lược.

Về hiện đại hóa cũng vậy, nước ta chưa phải là một nước công nghiệp, cho nên cuộc cách mạng công nghiệp mới đang khởi đầu trong khi thiên hạ đã bỏ qua từ lâu. Những năm 70 của thế kỷ trước, Nhật Bản đã là một nước hậu công nghiệp và đến những năm 80 thì đã cơ bản chuyển sang nền kinh tế công nghệ tin học.

Nói như vậy không có nghĩa là kinh tế ở nước ta cũng phải từng tự tiến từng bước mà có lẽ phải tiến hành cả công nghiệp và tin học. Xét lịch sử nhân loại, các cuộc cách mạng đó được tiến hành theo “lịch đại" còn ở nước ta phải là “đồng đại".

Hồ Quý Ly là nhà cải cách lớn của nước ta cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Tuy nhiên cải cách của Hồ Quý Ly đã thất bại. Nguyên nhân thất bại chủ yếu của Hồ Quý Ly là chỉ thấy "vật" mà không thấy “người". Nói cách khác là Hồ Quý Ly đã lấy thành lũy làm gốc mà không lấy dân làm gốc. Vậy nên hiện đại hóa không thể chỉ thấy “vật” mà không thấy "người”, nghĩa là không thể tách rời hiện đại hóa và dân chủ được.

Thành công của kinh tế tư bản làở chỗ kết hợp hiện đại hóa và dân chủ, nhưng thành công này tự nó cũng đã phơi bày những mặt trái mà có khi chính nó lại phủ định nó. Cho nên “xã hội Nhật Bản từ khi chuyển sang xã hội hậu công nghiệp hóa thì vấn đề nổi cộm lên là "văn minh vật chất càng phát triển nhanh chóng bao nhiêu thì văn minh tinh thần càng tỏ ra nghèo nàn bấy nhiêu”(7). Cho nên nguyên thủ tướng Nhật Bản Nakasone, Takemono đều thấm thía vì cái giá phải trả quá đắt này. Takemono nói : "Sau thế chiến thứ hai, sự phồn vinh của Nhật Bản đặt trọng tâm vào việc theo đuổi đời sống vật chất dồi dào, quên đi việc nâng cao đời sống tinh thần", Do đó "cần phải xây dựng chế độ chính trị mà trọng điểm là ở đời sống tinh thần chứ không phải ở đời sống vật chất. Phải hướng về xã hội mà ở đó hương thơm của văn hóa được sáng tạo ra có thể cảm nhận một cách khăng khít với đời sống vật chất dồi dào"(8).

Nhật Bản cho rằng dân chủ ở phương Tây hướng con người về cái "tư" (cá nhân) quá nhiều, tạo thành xung đột lớn giữa cá nhân và cộng đồng, cho nên cái mà hù hợp với Nhật Bản không phải là “tư” mà là “hòa” (hòa thuận). Có người còn cho rằng "văn hóa của Nhật Bản là sự tự thống nhất mâu thuẫn giữa cái nhất toàn thể và cái nhiều cá thể. Cái nhất toàn thể chỉ quyền lực chính trị, cái nhiều cá thể chỉ dân chúng, Thiên Hoàng là sự tự thống nhất mâu thuẫn giữa hai cái đó"(9).

Trong quá trình thực hiện dân chủ và hiện đại hóa, Nhật Bản rút ra đa nguyên tắc, đó là 1) Con người là trung tâm, kết hợp với đầu tư kinh tế. 2) Hòa hợp là chủ yếu, cạnh tranh giữa các xínghiệp là thứ yếu. 3) Đạo đức kết hợp với lợi nhuận(10). Như vậy là ngay từ đầu cần phải đặt con người ở vị trí trung tâm chứ không phải đợi đến khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất dồi dào mới đặt con người ở vị trí trung tâm. "Hòa" là chủ yếu bởi vì dân chủ phương T

ây chủ trương phát triển kinh tế theo thuyết “cạnh tranh sinh tồn", cá lớn nuốt cá bé, làm cho xã hội chao đảo hơn là thăng bằng.

Đặng Tiểu Bình cũng kế tục quan niệm của những nhà cải cách cận đại Trung Quốc, nghĩa là công nghệ và dân chủ. Công nghệ cũng tức là đổi mới, cho nên ông nhận định rằng :

“Từ cơ sở tổng kết kinh nghiệm, Hội nghị Trung ương 3, khóa XI (năm 1977 - HTM) đã đề xuất hàng loạt chính sách mới. Về chính sách trong nước, có hai chính sách quan trọng bậc nhất, đó là về chính trị phát triển dân hóa) được đặt ra ngay từ đầu. Nếu đổi mới được ông xem là một cuộc cách mạng(11) thì cuộc cách mạng đó biểu hiện ở lĩnh vực tư duy, ở dân chủ trong nhận thức, xem ra có phần mạnh mẽ hơn. Ông không gọi là “đổi mới" mà gọi là "giải phóng tư tưởng, độc lập suy nghĩ"(12). Bởi vì theo ông, tư duyquá khứ đã bị "đóng khuôn chặt cứng không hề thay đổi". Đáp án cụ thể về dân chủ và hiện đại hóa ngày nay "đâu có thể tìm thấy trong trước tác của Mác”(13) được.

Học giả Trung Quốc, Chu Quế Điền cho rằng phương thức quản lý dân chủ và hiện đại hóa trong thế kỷ XXI “càng ngày càng phát triển nhanh chóng, trước hết quản lý bằng máy vi tính sẽ trở thành phổ biến, kế đó quản lý dân chủ, văn minh trở thành thời thượng, thành chủ đạo trong quản lý xã hội. Đoàn kết, hòa hợp trong nội bộ xí nghiệp song song tồn tại với cạnh tranh bên ngoài”(14).

Nguyên thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu, là người rất quan tâm thực hiện dân chủ và hiện đại hóa theo đặc điểm của Singapore. Theo ông, quan hệ giữa con người ở nước ông vốn có truyền thống nhân ái của Khổng giáo cho nên phải vận dụng đặc điểm này trong quá trình dân chủ và hiện đại hóa :

“Tôi tin rằng một xã hội nếu như giữ được hạt nhân quan điểm giá trị của nó... thì sẽ xúc tiến quan hệ giữa người và người trong gia đình với nhau, gia đình và gia đình với nhau, gia đình và nhà nước với nhau một cách tốt đẹp, trật tự. ý nghĩa cơ bản cũng như tầm quan trọng của quan hệ đó không thay đổi theo thời đại Sự phát triển của công nghệ và khoa học kỹ thuật không bao giờ có thể làm cho nó tách rời khỏi thời đại"(l5).

Như vậy, dân chủ và hiện đại hóa ở nước ta không những phải thực hiện "đồng đại” cái mà loài người đã trải qua "lịch đại" hàng ba thế kỷ, mà còn phải rút những bài học không những của phương Tây mà của cả phương Đông nữa. Vừa thực hiện mục tiêu thấp vừa thực hiện mục tiêu cao cả về dân chủ lẫn hiện đại hóa, cho nên phải hết sức linh hoạt. Thực chất dân chủ vô sản là dựa trên cơ sở công hữu tư liệu sản xuất, bởi vì dân quyền cao nhất vẫn là ở “chính quyền”, nếu như không làm chủ được tư liệu sản xuất cũng có nghĩa là chưa làm chủ được chính quyền. Đó là mục tiêu cao cần thực hiện, cần hướng tới. Mục tiêu cao không phải lúcnào cũng "hiện thực”, nhưng nó phải được“hiện diện” trong mục tiêu thấp. Nó vừa ở trong vừa ở ngoài tầm với.Cho nên cơ sở của dân chủ là "chế độ công hữu”, vẫn sẽ là danh từ trừu tượng, vẫn sẽ là ảo ảnh hình như có mà lại không, hình như không mà lại có, nếu như công hữu đó chưa được thể chế hóa. Những hình thức khác như dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra… Thực ra cũng chỉ là hình thức chứ không phải thực chất của dân chủ vô sản. Những điều đó không phải bây giờ mà tổng thống thứ XVI của Mỹ Lincoln (1809 - 1865) đã nói từ lâu rồi.

Mỗi đất nước có đặc điểm riêng, không ai giống ai. Tuy nhiên xây dựng xã hội chủ nghĩa, dân chủ và hiện đại hóa không thể không quán triệt chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng được. Nước ta thực hiện dân chủ và hiện đại hóa trong hoàn cảnh kinh tế còn thấp kém, cho nên rất khó khăn. Nhưng trong cái khó đó, lại có “thế mạnh của người đi sau”, như Ăngghen đã nói, nếu như biết phát huy thì nhất định cũng sẽ có bước tiến vượt bực theo kịp thời đại.

(1)Vương Thủ Hoa, Kha Sùng Đạo, Nhật Bản triết học sử giáo trình, Sơn Đông Đại học xuất bản xã, 1989, tr. 521.

(2)Trần Kinh Sinh, Luận Khổng Mạnh đích nhân bản tư tưởng, đăng ở Nho học dữ nhị thập nhất thế kỷ, Hoa Hạ xuất bản xã, Bắc Kinh, 1996, t.2, tr.1149 – 1150

(3)Sđd, tr.1155

(4)Đàm Tự Đồng văn tập, tr.337, Trích theo Trần Kinh Sinh, Sđd, tr.1157.

(5)Trần Kim Sinh, Luận Khổng Mạnh đích nhân bản từ tưởng, đăng ở Nho học dữ nhị thập nhất thế kỷ, Hoa Hạ xuất bản xã, Bắc Kinh, 1996, t.2, tr.1157.

(6)Thang Ân Giai, Địa vị cao quý của Khổng Tử, đăng ở Nho học dữ nhị thập nhất thế kỷ, Hoa Hạ xuất bản xã, Bắc Kinh,1996, t.2, tr.1093.

(7)Vương Thủ Hoa, Kha Sùng Đạo, Nhật bản triết học sử giáo trình, Sơn Đông Đại học xuất bản xã, 1989, tr.520.

(8)Sđd, tr.520

(9)

Sđd, tr.514

(10)Sđd, tr.522

(11)Đặng Tiểu Bình văn tuyển, Nhân dân xuất bản xã, Bắc Kinh, 1993, t.3, tr.116.

(12)Sđd, tr.113.

(13)Sđd, tr.260

(14) Chu Quê Điền, Nho học quản lý tư tưởng tại 21 thế kỷ đích ứng dụng, đăng ở Nho học dữ nhị thập nhất thế kỷ, Hoa Hạ xuất bản xã, Bắc Kinh, 1996, t.2, tr.1460.

(15) Lý Quang Diệu, Sđd, t.1, tr.10.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhân loại: Tổ chức và rèn luyện các nền dân chủ

    19/04/2014Nguyễn Trần BạtNếu không có thể chế dân chủ thì con người không có cơ hội, không có cách thức hiện thực hóa tự do của mình. Do vậy, xây dựng nền dân chủ là giải pháp để kéo tự do xuống các tầng hàng ngày của đời sống, để tự do trở thành quyền phát triển của mỗi con người. Tổ chức và rèn luyện nền dân chủ luôn là vấn đề chung của con người ở khắp mọi nơi trên thế giới...
  • Di chúc Hồ Chí Minh: Vấn đề dân chủ và "Thực hành dân chủ rộng rãi" với bối cảnh hiện nay

    20/12/2010TS. Hồ Bá ThâmBài viết này tác giả trên cơ sở khẳng định giá trị về tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc và nêu lên những vấn đề cần giải quyết về mặt dân chủ để tạo động lực, đổi mới, hội nhập và phát triển thành công...
  • Dân chủ và Nhân quyền và sự mở rộng khái niệm Dân chủ

    03/11/2010Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupDân chủ là một phương thức quan hệ, phương thức sử dụng quyền lực trong nội bộ các quốc gia. Về bản chất, dân chủ là sự xác lập những quyền cơ bản của công dân. Đó là phương thức để các công dân có những quyền cấu trúc nên đời sống cá nhân và đời sống chính trị của mình. Từ đó cộng đồng các cá nhân cấu tạo nên quyền lực chính trị của mình...
  • Dân chủ đến từ đâu?

    09/03/2009Nguyễn Tiến LậpMặc dù các nền dân chủ trên thế giới đã có bề dày lịch sử trên hai trăm năm, vấn đề Dân chủ vẫn tiếp tục là bài toán khó giải đối với nhiều quốc gia . Thậm chí, còn có sự đặt lại những câu hỏi căn bản như Dân chủ là gì và nó có tính tất yếu - phổ quát hay không, trong đó bao hàm cả tâm lý ngờ vực và sự ngộ nhận... Ngoài ra, từ góc độ thực tiến, các bế tắc về con đường phát triển bên ngoài dân chủ cũng đã bắt đầu được nhận diện. Và đó là lý do để chúng ta nên bàn tiếp về đề tài quan trọng này.
  • Vai trò động lực của dân chủ đối với sự hoạt động và sáng tạo của con người

    02/06/2006GS. TS. Nguyễn Trọng ChuẩnDân chủ gắn bó chặt chẽ với quyền sống của con người, là nhu cầu không thể thiếu của từng cá nhân cũng như của cộng đồng người trong xã hội, nhất là trong xã hội văn minh, bởi vậy dân chủ có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy con người hoạt động và sáng tạo...
  • “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, Chuyên chính là cái khóa, cái cửa để phòng kẻ phá hoại”

    06/01/2006Ngô Vương Anh“Dân chủ nghĩa là dân là chủ. Dân chủ là của báu vì đó không phải là thứ tự nhiên có sẵn mà đó là thành quả của cách mạng, nhân dân ta đã phải đấu tranh, hy sinh gian khổ mới giành được. Dân chủ là của báu vì đó là lý tưởng, là ước vọng của toàn thể nhân dân ta về một xã hội tốt đẹp trong tương lai..."
  • xem toàn bộ
Close menu