Sự biến động của cuộc sống trong gia đình hiện đại
Có một quan niệm sai lầm đang chi phối không ít trong lớp trẻ ở những gia đình quyền quý, sang trọng là cần nhanh chóng thoát ra khỏi một sự ràng buộc của gia đình và coi đó là một cách tự giải phóng mình, từ bỏ những ảnh hưởng của nền nếp, tư tưởng lạc hậu, lỗi thời.
Đó là mặt trái tư duy của giai đoạn kinh tế phát triển, khi mà số gia đình giàu có ngày càng nhiều, của cải vật chất phong phú thừa thãi.
Con cái trong những gia đình hiện đại thường vừa tích cực tận hưởng những đồng tiền ưu ái của bố mẹ vừa muốn thoát ra khỏi vòng tay của những người lớn trong nhà. Họ sống nhiều với người yêu, với bạn bè cùng lứa với những nơi vui chơi giải trí nhiều hơn với những người thân trong gia đình.
Họ tiêu tiền như vặn vòi nước xả láng nơi công cộng. Nhu cầu ăn, mặc ngày càng tăng. Gặp bạn bè là kéo vào quán bia, vào nhà hàng; thấy áo quần mốt mới là lập tức đua đòi, vội vã mua sắm, bất chấp giá cả. Áo quần và những đồ dùng khác cũ hơi lạc mốt liền thải ra hàng đống, hàng đống. Thì giờ chơi bời của họ thường nối liền sau lúc đi học hoặc đi làm nên thời gian vắng nhà của họ là dài dằng dặc. Kể cả khi họ đã có vợ, có chồng nhưng chưa có con thì phong cách sống như vậy vẫn chưa chấm dứt. Đường phố, cửa hàng giải khát, câu lạc bộ, sân vận động, công viên, rạp hát, vũ trường là nơi tụ hội của họ. Nhiều khi chả có chuyện gì để nói, chả có gì để chơi nhưng họ vẫn đến với nhau như một thói quen cần thiết.
Không chỉ đối với lớp trẻ mà nói chung nhiều thành viên trong gia đình cũng muốn sống thoải mái. Nhu cầu tự do của một số người đã phát triển phức tạp, vượt ra ngoài những định chế của một gia đình nền nếp, một xã hội trật tự ổn định. Buổi sáng thì mỗi người điểm tâm mỗi kiểu; kẻ ăn bánh cuốn, người ăn phở, ăn bún, uống sữa, cà phê, kẻ thì ở nhà gọi gánh quà đến, người thì ra ngõ, ra phố... Bữa ăn trưa thì cũng lại càng tự ý tùy tiện, ai nấy đều ăn tự do ở gần cơ quan mình làm hoặc gần nhà trường mình học. Bữa chiều tối thì may ra mới có khả năng ăn tập trung nhưng lại xảy ra hiện tượng về lỗ mỗ, không cùng một lúc, nhiều khi không chờ được, lại phải ăn làm nhiều bữa khác nhau: thức ăn, cơm... lại phải chia ba sẻ bốn, thật nhiêu khê, phiền toái. Muốn thực hiện một buổi sum họp toàn gia đình là rất khó. Có người thường xuyên vắng nhà từ sáng tinh mơ cho đến đêm khuya. Khi cần trao đổi với nhau điều gì lại phải giải quyết bằng điện thoại di động.
Kỷ cương lề thói của một gia phong hầu như bị phá vỡ hoàn toàn. Tiếng nói của ông bà cũng mất thiêng. Cha mẹ dạy bảo con không được ghi nhận nghiêm túc như trước.
Người già thấy cô đơn lạnh lẽo và hay mặc cảm về sự hiếu thảo của con cái.
Những xung đột, những cãi cọ vặt giữa người này người khác trong nhà thường xẩy ra như cơm bữa. Những suy nghĩ khác nhau trong nhân sinh quan, thế giới quan cứ thế tự do phát triển, rất khó thống nhất vì chẳng ai đề ra được tiêu chí chung, chẳng ai đứng ra điều khiển được. Hình như ai cũng ngại làm việc đó, nếu không nói là ai cũng muốn tránh.
Việc yêu đương, kết hôn của lớp trẻ bây giờ cũng rất phóng khoáng. Sự điều khiển, hướng dẫn và can thiệp của bố mẹ không còn tác dụng mấy. Tiêu chí yêu đương và kết hôn bây giờ cũng thoáng đãng hơn. Tiêu chí về trí tuệ và gien dòng dõi ngày nay được đặc biệt chú ý, nhất là sự lựa chọn của con gái. Song cũng còn không ít người bất cần tiêu chí. Họ gặp nhau thấy thích thích nhau bằng cảm giác là đã kết với nhau bất kể có sự chênh lệch quá nhiều về tuổi, về hiểu biết, nghề nghiệp, về tính cách của nhau, của gia đình. Họ dễ dàng kết với nhau và cũng dễ dàng chia tay nhau.
Họ dễ dàng quan hệ tình dục với nhau dù chưa thực yêu nhau, chưa hề có ý định kết hôn với nhau. Trong điều kiện thuận lợi hiện nay cộng với tư tưởng tự do, họ cho vấn đề tình dục không phải bàn, tựa như mời nhau đi uống cà phê hay đi ăn phở dù mới quen nhau. Còn chuyện lấy nhau thì mới cần suy nghĩ. Do đó tình trạng nạo thai hoặc có con ở tuổi vị thành niên hiện nay là đáng báo động.
Đối tượng chọn lựa tìm hiểu của lớp trẻ bây giờ cũng rộng lắm. Con gái có thể yêu cả những người già nếu còn khỏe, có hình thức, có tài năng hoặc địa vị tiền tài. Người đàn bà góa chồng nhiều tuổi có thể yêu một thanh niên chưa hề yêu. Việc yêu và kết hôn với người có quốc tịch nước ngoài cũng ngày càng nhiều dù cho họ chưa hiểu nhau mấy. Họ thường để cho trái tim đập tự do mà không hề suy nghĩ nhiều. Do vậy mà hiện tượng ly hôn, ly thân, hiện tượng ngoại tình giai đoạn này diễn ra phổ biến hơn bao giờ hết.
Những kết quả lớn lao trong sự phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ không tương ứng với sự phát triển khoa học xã hội và nhân văn còn chậm chạp càng không tương ứng với kết quả giáo dục gia đình ngày càng sút kém, nhất là về mặt đạo đức và văn hóa sống.
Việc nam nữ sống với nhau đã trở thành một hiện tượng khá tự nhiên. Có người gọi đó là hình thức hôn nhân thử nghiệm. Có người sống với người khác giới như thê đến người thứ ba, thứ tư mà vẫn chưa thành vợ thành chồng. Việc sinh con không gắn chặt với tình yêu và hôn nhân. Hiện tượng có con ngoài giá thú hoặc có con trước hôn nhân không còn là hiện tượng hiếm hoi nữa.
Việc sinh đẻ cũng ít hơn trước; một phần do thực hiện kế hoạch hạn chế phát triển dân số của đất nước, một phần ai cũng muốn được rảnh rang thoải mái để học tập, trau dồi tài năng và hưởng thụ cuộc sống đang ngày càng được nâng cao.
Quy mô gia đình ngày càng bé lại. Số gia đình sống theo hình thức tam đại đồng đường (ba thế hệ) ít dần. Nam nữ thanh niên khi đã có vợ có chồng, nhất là khi đã có con thường tìm cách xoay xở một chỗ riêng, không muốn ở chung với bố mẹ. Cơ cấu gia đình lontg lẻo. Quan hệ giữa bố mẹ và con cái quan hệ giữa người già và người trẻ trong nhà thường hay có những mâu thuẫn căng thẳng do có sự khác biệt về tâm lý giữa các thế hệ. Mặt bằng dân trí trong gia đình được nâng cao, sự chênh lệch về trình độ giữa người này người khác, giữa người già và người trẻ không nhiều. Do đó tính gia trưởng của người chủ gia đình có bớt đi và không khí dân chủ trong gia đình có tăng lên nhưng mặt khác hiện tượng dân chủ cực đoan, hiện tượng tự do chủ nghĩa phát triển và nền nếp gia phong bị phá vỡ.
Nhiều vấn đề của gia đình được xã hội hóa như việc chọn trường thi vào đại học, việc học nghề, việc mua đất, làm nhà... thường thì phải tham khảo ý kiến người này người khác chung quanh hoặc phải đến những cơ quan tư vấn. Song cũng có nhiều vấn đề của xã hội lại được gia đình hóa, như những vấn đề thời sự quan trọng, chuyện bóng đá, thời trang những vấn đề về giá cả một số mặt hàng tăng vọt, vấn đề cưới hỏi, sinh nhật thời nay... Những cuộc sinh hoạt bàn luận những vấn đề xã hội trong gia đình có học vấn cao thường hay xảy ra khá thú vị và cũng khá bổ ích.
Song lại có một điều ngược lại các gia đình trí thức, các gia đình hiện đại thường chây lười lao động chân tay, kể cả lao động phục vụ. Cậy thế có người giúp việc, đi làm về là cứ để xe ngồi sà vào bàn, cần quả ớt, múi chanh là sai; không hề động vào một việc gì, kể cả những việc rất nhẹ nhàng. Những buổi tiệc tùng chiêu đãi bạn bè, người thân hay những ngày cưới xin, cúng giỗ đều dùng điện thoại gọi các công ty dịch vụ chăm lo tất cả. Đến nỗi có một số gia đình, con gái không biết nấu ăn, không biết khâu vá, thêu thùa, con trai không biết đóng đinh, không biết gọt cán dao.
Đó, các gia đình thành thị thời nay đã có những biến động lớn lao như thế đấy. Đừng ngạc nhiên, đừng bi quan. Đó là sự bùng nổ tự nhiên của một xã hội trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Có một điều cần phải kiên định trong nhận thức rằng, bất kỳ thời nào, gia đình cũng vẫn là tổ ấm, vẫn là một tế bào của xã hội để mãi mãi không bao giờ quên trách nhiệm xây dựng gia đình mình thành một gia đình văn hóa lành mạnh. Thấy rõ tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường vào cuộc sống gia đình như thế để có những biện pháp thích hợp mà phòng ngừa và xóa bỏ nó có hiệu quả, đồng thời biết phát huy những điều kiện thuận lợi mà thời đại tạo ra cho gia đình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn